Lịch sử Việt nam từ Cách mạng tháng Tám

heokoncute

New member
Xu
0

LỊCH SỬ VIỆT NAM

Cách mạng tháng Tám (19 tháng 8 năm 1945)

Tóm tắt: Cách mạng tháng Tám (ngày 19 tháng 8 năm 1945) là cuộc cách mạng thắng lợi của Việt Minh với quân Pháp, Nhật Bản và chính phủ Đế quốc Việt Nam do vua Bảo Đại phê chuẩn. Kết quả chính phủ cũ giải tán và sau đó đến ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Gửi cho bạn bè |

Gửi bởi: Scorpion -- Thời gian: 8/7/2011 7:23:38 PM

Cách mạng tháng Tám (ngày 19 tháng 8 năm 1945) là cuộc cách mạng thắng lợi của Việt Minh với quân Pháp, Nhật Bản và chính phủ Đế quốc Việt Nam do vua Bảo Đại phê chuẩn. Kết quả chính phủ cũ giải tán và sau đó đến ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập Việt Nam khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

I. Bối cảnh lịch sử

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, phe trục gồm Đức Ý Nhật đánh lại phe Đồng Minh gồm Anh, Pháp, Liên Xô. Sau có Mỹ và nhiều nước nữa tham chiến.

Vào tháng 9 năm 1940, ngay giữa Thế chiến thứ hai, Chính phủ Vichy của Pháp, vì đã đầu hàng Đức Quốc Xã, đồng ý cho quân đội Nhật Bản đổ bộ vào Bắc kỳ. Ngay lập tức quân đội Nhật dùng đó làm bàn đạp ảnh hưởng đến các chiến trường Trung Quốc và Đông Nam Á. Trên thực tế, đây là một điểm quan trọng trong chiến lược quân sự của Nhật nhằm thống trị toàn bộ vùng Đông Nam Á. Trong khi chờ đợi cuộc đại thắng của Đức tại châu Âu, Nhật tạm thời duy trì hệ thống bảo hộ của Pháp tại Đông Dương. (Trong những trận đánh lớn hồi đó có thể kể đến việc Hải Quân và Không Quân Nhật xuất phát từ Cam Ranh và Sài Gòn tiêu diệt Hạm đội Viễn Đông của Anh).

Thời gian này, Đảng Cộng Sản Đông Dương lãnh đạo nhiều cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp, như Khởi nghĩa Nam Kỳ, Khởi nghĩa Bắc Sơn nhưng đều thất bại. Những binh lính tham gia chiến tranh Thái Lan thực hiện cuộc Binh biến Đô Lương cũng thất bại.

Đoàn người biểu tình ngày 19 tháng 8 năm 1945 trước cửa Bắc Bộ phủ, Hà Nội

Vào tháng 5 năm 1941 các lực lượng ái quốc, trong đó nòng cốt là Đảng Cộng Sản Đông Dương, dẫn đầu bởi Hồ Chí Minh, tập họp tại một địa điểm gần biên giới Việt-Trung, tham gia một tổ chức đứng về phía Đồng Minh giành độc lập cho Việt Nam gọi là Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội. Tổ chức này thường được gọi vắn tắt là Việt Minh. Tổ chức này xây dựng một chiến khu do họ kiểm soát ở biên giới Việt Trung. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Võ Nguyên Giáp thành lập một trung đội 34 người mang tên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng Quân (một trong những tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam), ngay sau khi thành lập đã tiến đánh quân Nhật, mở rộng chiến khu. Trước khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, chiến khu đã bao gồm nhiều tỉnh vùng đông Bắc Bắc Bộ, gọi là chiến khu Việt Bắc.

Trong khi đó, phản ứng trước sự kiện Nhật đảo chính Pháp, ngày 12 tháng 3 năm 1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ra chỉ thị "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" nhằm phát động cao trào kháng Nhật cứu nước (thay đổi hình thức tuyên truyền, tổ chức đấu tranh để thích hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa, tập dượt quần chúng tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền).

Tại Âu châu, Đức thất trận và đầu hàng ngày 7 tháng 5 năm 1945. Ngày 6 tháng 8, Hoa Kỳ ném hai trái bom nguyên tử trên đảo Hiroshima và Nagasaki. Ngày 14 tháng 8, Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Do đó quân Nhật tại Việt Nam dao động và tan rã. Theo tối hậu thư Postdam của phe đồng minh gửi Nhật ngày 26 tháng 7, quân đội Nhật sẽ bị giải giới do quân đội Trung Hoa ở bắc vĩ tuyến 16, và do quân đội Anh từ nam vĩ tuyến 16.

Dưới sự cai trị của Nhật, từ tháng 10 năm 1944 đến tháng 5 năm 1945, nạn đói khủng khiếp diễn ra làm 2 triệu người chết. Đây là thời cơ để Việt Minh xây dựng lực lượng lớn khắp cả nước, họ tập hợp nhân dân cướp các kho thóc Nhật. Đồng thời, một đại hội đại biểu toàn quốc họp trên chiến khu, thành lập Quốc dân Đại hội, tức quốc hội lâm thời. Khi Nhật thất bại, khởi nghĩa nổ ra trên toàn quốc, đó là Cách mạng tháng Tám. Cách mạng diễn ra nhanh chóng với sự tham gia của hầu hết dân chúng, Việt Minh giành được chính quyền trên cả nước trong mười mấy ngày.

1. Diễn biến tại Miền Bắc

Khi nhậm chức, bộ trưởng tư pháp Trịnh Đình Thảo của chính phủ Trần Trọng Kim đã ra lệnh thả hàng ngàn tù chính trị bị Pháp giam giữ trước đó và cho phép các tổ chức, hội đoàn chính trị được hoạt động công khai. Tin đồn dân Nhật sắp sửa đầu hàng đã lan tỏa khắp nơi tại miền Bắc, lợi dụng cơ hội, dân chúng đã tụ tập biểu tình, bãi công nhiều nơi, như ở Thái Bình vào ngày 11 tháng 8. Từ ngày 12 tháng 8 năm 1945, các đơn vị Giải phóng quân của Việt Minh lần lượt tiến công các đồn Nhật ở các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Yên Bái... và hỗ trợ nhân dân các tỉnh này tiến lên giành chính quyền tại các tỉnh lỵ.

Hội nghị toàn quốc họp ở Tân Trào ngày 13 tháng 8 năm 1945 đã nhận định rằng những điều kiện cho Tổng khởi nghĩa đã chín mùi và chuẩn bị lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa.

Ngày 14-8 một số cán bộ Đảng Cộng sản và Việt Minh dù chưa nhận được lệnh khởi nghĩa nhưng căn cứ vào tình hình hiện tại và chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" đã quyết định cùng nhân dân khởi nghĩa, khởi nghĩa lan rộng ra xã thuộc các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng như Thanh Hóa, Thái Bình...

Ngày 16 tháng 8 năm 1945, một đơn vị Giải phóng quân của Việt Minh do đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy từ Tân Trào (Tuyên Quang) kéo về bao vây, tấn công quân Nhật ở thị xã Thái Nguyên.

2. Diễn biến tại Huế

Ngày 17/8/1945 chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mittinh ra mắt quốc dân nhưng cuộc mittinh thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh. Ngày 23/8 khởi nghĩa giành thắng lợi. Cuộc khởi nghĩa có sự đóng góp của lực lượng Thanh niên tiền tuyến (Thanh niên Phan Anh).

3. Diễn biến tại Miền Nam

Tại Sài Gòn, Huỳnh Phú Sổ kết hợp các tổ chức chính trị Cao Đài, Hoà Hảo, Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt Quốc dân đảng... thành Mặt trận Quốc qia Việt Nam Thống nhất, tổ chức một cuộc biểu tình lớn chống Pháp.

Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Việt Minh mà Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt tổ chức biểu tình và giành chính quyền tại Sài Gòn (nơi chịu sự cai trị trực tiếp của Nhật).

Đến ngày 28 tháng 8, Việt Minh giành được chính quyền toàn quốc. Hai tỉnh cướp được chính quyền cuối cùng là Hà Tiên và Đồng Nai Thượng.

4. Bảo Đại thoái vị

Ngày 22 tháng 8, Việt Minh gửi công điện yêu cầu Bảo Đại thoái vị, họ đã giành được chính quyền. Bảo Đại tuyên bố chấp nhận thoái vị, từ bỏ ngai vàng và trở thành công dân Vĩnh Thụy. Ngày 30 tháng 8, hàng mấy vạn người tụ tập trước Ngọ Môn Lâu xem nhà vua thoái vị, ông tuyên bố "Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ"[1] [2].

Sau đó công dân Vĩnh Thụy trao ấn, kiếm cho đại diện Việt Minh Trần Huy Liệu và được gắn huy chương. Khi vua Bảo Đại chính thức thoái vị, Hồ Chí Minh ở Tân Trào mới về Hà Nội, dân chúng vẫn chưa biết Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc.

II. Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và tuyên bố sự khai sinh của một nước Việt Nam mới: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản tuyên ngôn, dựa theo bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, bắt đầu bằng câu: Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Tiếp theo đó, đất nước non trẻ tổ chức tổng tuyển cử, xây dựng nhà nước dân chủ độc lập đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, Hồ Chí Minh được 98% ủng hộ.

- Tại Sài Gòn

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, hàng ngàn người dân từ nhiều tỉnh và tại Sài Gòn kéo về quảng trường Norodom (gần nhà thờ Đức Bà) chờ được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập từ quảng trường Ba Đình (Hà Nội). Nhưng do thời tiết xấu và trình độ kỹ thuật lúc đó, những lời tuyên bố của Hồ Chí Minh trước quốc dân không đến được với những người dự mít tinh. Ông Trần Văn Giàu, Chủ tịch Lâm ủy hành chính Nam Bộ bước lên khán đài kêu gọi nhân dân đoàn kết chung quanh chính phủ Hồ Chí Minh, nâng cao cảnh giác, "sẵn sàng đập tan mưu đồ của thực dân, đế quốc trở lại xâm lược nước ta lần nữa". Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, người được cử chức Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ lâm thời thay mặt chính phủ tuyên thệ trước quốc dân "Cương quyết lãnh đạo đồng bào giữ gìn đất nước, vượt qua khó khăn nguy hiểm xây đắp nền độc lập hoàn toàn cho Việt Nam".

Khi cuộc mít tinh chuyển sang biểu tình tuần hành, từ trên những tầng lầu cao xung quanh, quân Pháp đã nổ súng bắn vào đoàn biểu tình tuần hành, từ trên những lầu cao xung quanh, làm 47 người chết và bị thương. Ngày 23 tháng 9 năm 1945, ông Trần Văn Giàu viết lời kêu gọi Nam Bộ kháng chiến: "Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu..."

III. Ý nghĩa

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của Pháp trong gần một thế kỷ tại Việt Nam, chấm dứt sự tồn tại của chế độ quân chủ chuyên chế gần một nghìn năm, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đảng Cộng sản Việt Nam từ chỗ phải hoạt động bí mật, bất hợp pháp trở thành một đảng cầm quyền và hoạt động công khai.

Chú thích

1. ^ Tạp chí Sông Hương, Mười lăm phút tiếp chuyện công dân Vĩnh Thụy sau ngày thoái vị ngôi vua (31-8-1945)
2. ^ Xem U80 vẫn ấm lửa, báo Quân đội nhân dân

Scorpion(st) - Theo wikipedia

Gửi bởi: Scorpion -- Thời gian: 8/7/2011 7:28:59 PM

Cuộc tổng khởi nghĩa 19-8-1945 - Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một kỷ nguyên mới, đưa lịch sử dân tộc đi tới con đường độc lập - con đường tự do. Mùa thu năm ấy, cuộc lên đường của những người trong độ tuổi 20...

Phút “giao thừa” độc lập

Trong cuốn Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám - Đoàn thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, NXB Lao Động - 1999, ông Nguyễn Khang, nguyên chủ tịch Ủy ban Mặt trận khởi nghĩa Hà Nội, viết: “Phong trào cứu quốc những ngày tháng tám đã lên cao tới mức không thể tưởng tượng được và người Hà Nội ai cũng xem mình là Việt Minh. Các hoạt động gần như công khai.

Lúc này trung ương đang mở đại hội quốc dân ở Tân Trào nên nếu có chỉ thị thì cũng phải đợi một thời gian nữa mới tới. Nhưng thời cơ đã tới và không đợi chúng ta. Hơn nữa chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” đã là cẩm nang mở cho Hà Nội hành động. Đúng ngày 15-8 xứ ủy mở cuộc họp tại làng Vạn Phúc, Hà Đông (lúc này phần lớn lãnh đạo xứ ủy đã đi họp ở Tân Trào). Cuộc họp nhận định tình hình và kết luận đây là thời cơ có một không hai để khởi nghĩa cướp chính quyền.

Xứ ủy quyết định: thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội để chỉ đạo công việc chuẩn bị và tiến hành khởi nghĩa ở Hà Nội. Lúc này quân Nhật ở Hà Nội khoảng hơn 1 vạn. Lực lượng của ta chỉ có ba chi đội tự vệ hơn 700 người, vũ khí thô sơ và mới qua vài lớp huấn luyện quân sự cấp tốc. Tuy nhiên phong trào quần chúng, các tổ chức Việt Minh đoàn thể thì rất mạnh và đã tập dượt qua nhiều lần...”.

Ngày 17-8-1945 chính phủ Trần Trọng Kim tổ chức mittinh ra mắt quốc dân hòng “sơn phết” lại chính quyền bù nhìn. Chúng ta đã lường trước và âm thầm tổ chức lực lượng nòng cốt cướp diễn đàn mittinh này và biến thành ngày hội của quần chúng với cờ đỏ sao vàng. Tại đây đội danh dự đưa ra sáng kiến biến mittinh thành cuộc tuần hành ủng hộ Việt Minh.

Thế là theo hướng dẫn của các đội tự vệ, quần chúng xếp thành hàng ngũ đi từ Nhà hát lớn qua phố Tràng Tiền, rẽ sang Đinh Tiên Hoàng với những tiếng hô vang dậy “Ủng hộ Việt Minh!”, “Đả đảo chính phủ bù nhìn!”. Đi đến đâu bà con tham gia đến đó. Ngay cả lính bảo an của chính phủ bù nhìn cũng ôm súng nhập vào đoàn biểu tình. Trước không khí đó, cuộc họp “hội đồng tư vấn Bắc kỳ” của chính phủ Trần Trọng Kim đang tổ chức ở nhà Khai Trí - Tiến Đức tan tác như ong vỡ tổ.

Đoàn biểu tình chia thành nhiều mũi đi vào khắp các phố lớn, đến tận 9-10g đêm mới giải tán. Cuộc tuần hành này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng cho ngày tổng khởi nghĩa 19-8. Nó bộc lộ và khẳng định sức mạnh vũ bão của quần chúng cách mạng. Ngay đêm đó Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội họp khẩn cấp và kết luận: thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi!

Ông Trần Quang Huy, nguyên chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng Hà Nội, nói về kế hoạch khởi nghĩa như sau: “Chúng tôi huy động hàng chục vạn quần chúng có lực lượng vũ trang làm xung kích, tiến hành mittinh ở quảng trường Nhà hát lớn, sau đó tuần hành thị uy xông lên chiếm những cơ quan trọng yếu là phủ khâm sai, tòa thị chính, trại bảo an binh, ty liêm phóng, sở cảnh sát Hàng Trống, kho bạc và bưu điện. Đối với Nhật, ta không đánh chiếm những nơi chúng đóng quân nhưng đề phòng trường hợp chúng gây hấn, ta cướp vũ khí, vừa đánh vừa rút ra ngoại thành chiến tranh du kích đợi quân giải phóng về”.

Ông Trần Quang Huy nhớ lại: ngày 18-8, không khí khởi nghĩa rạo rực và bùng phát ở khắp các vùng ngoại thành, tại các nhà máy công xưởng. Nhiều chủ cai, thầy ký còn phối hợp với ta tiếp quản cho nhanh. Anh em công nhân rầm rộ giương cờ đỏ sao vàng chạy qua mũi quân Nhật, bọn chúng cũng chỉ biết thúc thủ đứng nhìn.

Còn ông Thái Mỹ (tổ trưởng một tổ Việt Minh tiền cách mạng), nay đã 81 tuổi nhưng ông chẳng thể nào quên cái đêm hôm ấy: “Đêm giao thừa của kỷ nguyên độc lập hình như cả Hà Nội không ngủ. Những tiếng nói cười, tiếng máy khâu may cờ xè xè hối hả khắp nơi, tiếng thử súng, tiếng mài gươm suốt đêm. Chúng tôi có cảm giác như cả Hà Nội đã chờ đợi ngày này từ trăm năm rồi. Nhiều tốp thanh niên nam nữ tập hát Tiến quân ca, những kế hoạch cuối cùng cho ngày mai - ngày rạng đông độc lập cứ sôi sục mãi suốt đêm thâu...”.

Ngày cách mạng!

Sáng sớm 19-8-1945 các đường phố Hà Nội đã tràn ngập cờ đỏ sao vàng! Tất cả nhà máy, công sở, chợ búa, cửa hiệu, trường học đều đóng cửa. Thậm chí cả ôtô, xe điện, xe kéo, xe đạp cũng không có chiếc nào, trên đường là từng dòng thác người với cờ, biểu ngữ, vũ khí thô sơ hay công cụ lao động rầm rập tiến về quảng trường Nhà hát lớn. Dòng người vừa đi vừa hô khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh hoặc hát Tiến quân ca.

Ông Thái Mỹ nhớ lại: “Tổ Việt Minh chúng tôi chịu trách nhiệm dẫn một đoàn đi từ khu Năm Diệm (Giảng Võ) ra Nhà hát lớn. Dẫn đầu là hai thanh niên Lê Văn Cử và Thái Vĩnh cùng giương cao biểu ngữ. Ông Thái Mỹ thì cầm khẩu súng ngắn chỉ huy bên cạnh. Khoảng hơn 100 thanh niên tự vệ Việt Minh đi theo cùng hàng vạn quần chúng với cờ, biểu ngữ và những tiếng hô dậy đất “Ủng hộ Việt Minh!”, “Việt Nam độc lập!”...

Bà con hai bên đường gia nhập đoàn ngày một đông. Tinh thần anh em thanh niên hưng phấn tột độ. Mũi của ông Thái Mỹ phụ trách đi qua Hàng Gai - phố nhà ông ở. Và ông được hưởng niềm hạnh phúc tột cùng: cha mẹ, bà con, hàng xóm nhà mình đứng đầy hai bên đường đã thấy ông cầm súng dẫn đầu đoàn quân cách mạng...

Ra đến Nhà hát lớn ông Nguyễn Huy Khôi bước ra đọc lời hiệu triệu toàn thể quốc dân đứng lên giành độc lập. Tiếng hô vang dậy một góc trời. Cuộc mittinh chuyển sang tuần hành thị uy, chia làm hai khối lớn. Một: chiếm phủ khâm sai, tòa thị chính, bưu điện, kho bạc và sở cảnh sát Hàng Trống; hai: chiếm trại bảo an binh, sở liêm phóng và nhà pha Hỏa Lò.

Tại phủ khâm sai, hai đại đội bảo an binh được lệnh chốt giữ, chĩa nòng súng vào lực lượng cách mạng. Nhưng cũng tại đây ta đã có nhiều cảm tình cài sẵn. Ta vừa biểu tình thị uy, vừa kêu gọi binh lính quay súng trở về với nhân dân. Viên chỉ huy đang lúng túng lo sợ thì một số thanh niên tự vệ đã trèo hàng rào nhảy vào.

Tất cả binh lính đều bó tay qui hàng giao nộp vũ khí. Tự vệ ùa vào sân hạ cờ giặc, kéo cờ đỏ sao vàng, bắt giam một số tên cầm đầu và thu vũ khí trang bị cho tự vệ. Còn tại trại bảo an binh thì gặp rắc rối: ta cướp súng lính canh, phá cửa tiến vào, thu vũ khí thì lính Nhật ào đến với bốn xe tăng gắn đại liên. Chúng đòi trả lại trại và tước vũ khí của ta.

Bà Minh Tâm kể: lực lượng nữ được tung ra, chị em nữ sinh kéo đến vây lấy xe tăng Nhật. Một mặt ta bao vây thị uy, một mặt ủy ban cử người đến nói chuyện với chỉ huy quân Nhật. Sự kiện này được ghi lại theo hồi ức của ông Lê Trọng Nghĩa, ủy viên ủy ban khởi nghĩa, trong cuốn 19-8 cách mạng là sáng tạo như sau: “Tôi lấy chiếc xe Limousine đen của phủ khâm sai cắm cờ đỏ sao vàng rồi tiến thẳng xuống đường Hàng Bài, thuộc khu vực Nhật kiểm soát.

Dừng trước cổng rạp Majestic (nay là rạp Tháng Tám) và đòi gặp viên chỉ huy, tôi nói với viên sĩ quan: “Trại bảo an binh thuộc quyền phủ khâm sai người Việt, mà người Nhật sắp về nước rồi nên đừng can thiệp vào nội bộ chúng tôi”. Viên sĩ quan không có vẻ hung hăng như trước mà chỉ nói: “Các ông phải nói chuyện với cấp trên của chúng tôi” rồi quay vào. Thế là khoảng 3-4 giờ chiều xe tăng Nhật rút lui...”.

Ông Lê Tuấn không thể nào quên ngày trọng đại đó: “Thấy bọn Nhật lê ủng quay về, quần chúng hò reo vang dậy. Họ ùa sát hàng rào sắt nắm lấy tay anh em tham gia chiếm giữ trại lính. Một cụ già khăn xếp áo sa dài tay chống ba toong cố len đến hàng rào thò bàn tay gầy run rẩy nắm tay anh em và móm mém nói: “Hậu sinh khả úy! Việt Minh vạn tuế! Việt Minh vạn tuế!”. Các chị, các mẹ chở cơm bằng xe tay vào cho lực lượng cách mạng. Mọi người chia nhau những nắm cơm chấm muối. Những nắm cơm ngày ấy có mùi vị khác hơn bao ngày, bởi đó là những miếng cơm đầu tiên mọi người được thụ hưởng trong không khí tự do...

Năm ngày sau khi Hà Nội khởi nghĩa thành công, người dân đất kinh thành Huế cũng đã đứng lên cướp chính quyền. Trong số họ có cả những hoàng thân quốc thích, con quan đại thần, tổng trấn… Và ngôi trường võ bị do chính phủ bù nhìn thân Nhật lập nên cũng chính là “lò” cung cấp thủ lĩnh quân sự cho cách mạng…

QUANG THIỆN



Năm 1945, tại Huế có một trường võ bị - gọi là Trường Quân sự thanh niên tiền tuyến (TNTT), tuy do chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim lập nên nhưng điều hành ngôi trường lại là những trí thức yêu nước nổi tiếng như giáo sư Tạ Quang Bửu, luật sư Phan Anh - những người sau này đều giữ cương vị quan trọng trong chính phủ đầu tiên của nước Việt Nam độc lập...

Từ ngôi trường “xanh vỏ, đỏ lòng”...

Học viên ngôi trường ấy đa phần đều là quí tử của những gia đình “danh gia vọng tộc” như ông Tôn Thất Hoàng là con của thượng thư Tôn Thất Quảng; ông Đặng Văn Việt, thân phụ làm tổng đốc Nghệ An, từng ba lần giữ chức thượng thư; ông Võ Sum là con quan án sát Võ Chuẩn; Lê Thiệu Huy (người sau này sang chiến đấu cùng Mặt trận Lào, làm tham mưu trưởng liên quân Lào - Việt, ông đã lấy thân mình che đạn cho hoàng thân Xuphanuvông khi mặt trận Thà Khẹt bị vỡ và hi sinh trên dòng Mekong) con trai cụ Lê Thước, giải nguyên Hán học; Hoàng Xuân Bình, em ruột giáo sư Hoàng Xuân Hãn; Nguyễn Thế Lương (tức Cao Pha) là con của một nhà thầu khoán lớn...

Vậy mà sau ngày cách mạng mùa thu năm 1945, nhiều học viên Trường TNTT đã giác ngộ cách mạng, đi theo tiếng gọi của núi sông và trở thành những sĩ quan, tướng lĩnh tài ba của quân đội nhân dân VN (QĐNDVN) như trung tướng Cao Văn Khánh, phó tổng tham mưu trưởng QĐNDVN; thiếu tướng Nguyễn Thế Lâm (Nguyễn Kèn), tư lệnh bộ đội tăng - thiết giáp; thiếu tướng Cao Pha, phó tư lệnh bộ đội đặc công; các thiếu tướng Mai Xuân Tần, Võ Quang Hồ, Đoàn Huyên, Phan Hàm, Đào Hữu Liêu... cùng nhiều sĩ quan cao cấp khác của quân đội.

Nhiều người nổi danh về tài đánh giặc như Đặng Văn Việt - trung đoàn trưởng trung đoàn 174 - mệnh danh là “đệ tứ quốc lộ đại vương” bởi những trận đánh do ông chỉ huy trên đường số 4 vùng Cao - Bắc - Lạng thời kháng Pháp. Nhiều người sau này chuyển sang dân sự là những giáo sư, tiến sĩ dạy tại các trường đại học danh tiếng.

Khung huấn luyện của trường bấy giờ có bốn người do ông Phan Tử Lăng làm giám đốc. Ông Lăng cũng là chỉ huy trưởng lực lượng bảo an Trung kỳ - cùng các ông Võ Lương, Lê Khánh Khang và Lê Đình Bân. Ông Phan Tử Lăng là thủ khoa khóa sĩ quan chính qui Pháp đầu tiên, cùng khóa với tổng thống Dương Văn Minh của chính quyền Sài Gòn.

Sau này tham gia cách mạng, ông Phan Tử Lăng là đại tá, cục trưởng Cục Quân chính QĐNDVN, nổi tiếng liêm khiết được Bác Hồ khen ngợi. Trong số bốn thành viên “khung” của Trường TNTT ngày ấy có một người nay vẫn còn sống ở Huế, đấy là ông Lê Đình Bân.

Gia đình ông Lê Đình Bân vốn là một gia đình cách mạng lớn ở làng Triều Sơn Tây. Ngôi nhà của gia đình ông ở xã Hương Sơ, ngoại vi thành phố Huế, vốn là cơ sở của đồng chí Phan Đăng Lưu trước cách mạng. Ba ngày trước khi nổ ra tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 ở Huế, các đồng chí trong Ủy ban chỉ đạo khởi nghĩa do trung ương cử vào gồm Tố Hữu, Nguyễn Duy Trinh, Hồ Tùng Mậu cũng đã chọn ngôi nhà này làm trạm dừng chân.

Ông Lê Đình Bân năm nay đã 86 tuổi nhưng ký ức của thời trai trẻ vẫn chưa hề phai. Ông Bân kể: khi giáo sư Tạ Quang Bửu lập Trường TNTT, ngoài uy tín như một “thương hiệu” để chiêu sinh, giáo sư còn là thủ lĩnh của phong trào hướng đạo nên những thanh niên trí thức yêu nước rất ủng hộ.

Trong các buổi trang bị kiến thức về quân sự do ông giảng dạy, hay các buổi nói chuyện của luật sư Phan Anh với các học viên, giáo sư Tạ Quang Bửu đã tạo điều kiện đưa các tài liệu tuyên truyền về Việt Minh cho học viên đọc. Một nhóm học viên làm tổ chức Việt Minh nòng cốt trong Trường TNTT gồm năm người: Nguyễn Kèn (tức Nguyễn Thế Lâm), Lê Khánh Khang,Võ Quang Hồ, Đặng Văn Việt, Phan Hàm được lập ra và lấy tên là “’Việt Minh Thuận Hóa”.

Đến “người của hoàng gia”

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, Huế là đầu não của tập đoàn phong kiến ở VN, gia đình quan lại, hoàng gia... đều sinh sống và làm việc tại đây. Huế cũng là nơi đồn trú của quân đội Nhật lên đến 5.000 sĩ quan và binh lính do cố vấn tối cao Yokohama chỉ huy, đó là chưa kể hàng vạn lính khố xanh, khố vàng, khố đỏ... của hoàng gia triều Nguyễn, không ít người ngày đó cho rằng cuộc tổng khởi nghĩa ở Huế sẽ rất khó khăn. Thế nhưng...

Từ ngày 18-8, lực lượng khởi nghĩa đã giành được chính quyền ở Phú Lộc, rồi Phong Điền, Hương Thủy, Phú Vang... cũng thắng lợi như chẻ tre, vì có ai ngờ tỉnh có sáu huyện thì đã có bốn trưởng huyện là nội ứng của cách mạng!

Cho đến chiều 21-8, lực lượng tự vệ đã làm chủ tình hình vòng ngoài đồn Mang Cá và sáng 22-8 đã chiếm giữ bờ trái cầu Trường Tiền. Ngay chính vua Bảo Đại cũng rất hoang mang nhưng không thể làm được gì, vì chính trong hoàng tộc, hoàng gia đã có không ít người chọn đi theo con đường của dân tộc...

Ông Vĩnh Mẫn, năm nay đã 75 tuổi, sống ở Vĩ Dạ, những ngày tháng 8-1945 sôi sục ấy ông mới chỉ là một chú bé liên lạc 15 tuổi cho ủy ban khởi nghĩa. Vĩnh Mẫn là con trai thứ ba của cụ Bửu Trác (cụ Bửu Trác là cháu nội vua Hiệp Hòa) - thời vua Khải Định, cụ Bửu Trác là quan ngự tiền hộ giá, sau được thăng đến thống chế nhất phẩm (nhân vật thứ hai trong triều đình sau nhà vua). Nếu cơ cuộc bấy giờ xoay khác đi, rất có thể cụ Bửu Trác đã nối ngôi vua sau khi vua Khải Định qua đời và ông Vĩnh Mẫn đã là hoàng tử!

Theo ông Vĩnh Mẫn, không chỉ riêng ông mà cả người anh trai là Vĩnh Tập cũng tham gia cách mạng rất sớm, gia nhập đơn vị tiếp phòng quân Huế và hi sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Huế khi Pháp tái chiếm (1947) lúc vừa tròn 20 tuổi. Sau này những người cùng thời kể lại rằng đại tướng Nguyễn Chí Thanh hồi ấy rất yêu mến và quan tâm đến Vĩnh Tập, bởi phẩm chất thông minh và sự nhiệt tình trong hoạt động của chàng trai hoàng tộc đi theo cách mạng...

Lịch sử luôn có những điều thật thú vị. Ông Tôn Thất Hoàng, con trai quan thượng thư Tôn Thất Quảng, nhớ lại: là đại diện của hoàng tộc triều Nguyễn nhưng những ngày tổng khởi nghĩa chính ông lại được cách mạng tin tưởng cử đi bảo vệ đoàn đại diện chính phủ từ Hà Nội vào tiếp nhận kim ấn nặng 10kg vàng ròng và chiếc trường kiếm với bao kiếm bằng vàng nạm ngọc - biểu tượng quyền lực tối cao của hoàng gia. Ông Trần Huy Liệu, đại diện chính quyền nhân dân, trực tiếp nhận báu vật này từ tay hoàng đế cuối cùng của nhà Nguyễn trong sự bảo vệ cẩn mật của hoàng tộc!...

Rất nhiều câu chuyện như thế của 60 năm về trước bây giờ nghe kể lại cứ như thấy trước mắt mình hình ảnh của những con người trẻ tuổi, bất kể hoàn cảnh xuất thân. Họ từ bỏ cuộc sống nhung lụa của hoàng gia, hoàng tộc, quan quyền đi theo ngọn cờ độc lập. Và cách mạng chính là mối tình đầu của cuộc đời họ!

Đối với thần dân đất kinh thành Huế, những câu chuyện kỳ lạ về những ngày cướp chính quyền thật không thể nào quên vì mỗi số phận con người đều ẩn chứa một phần lịch sử...

Qua những tư liệu, nhiều người vẫn nghĩ lá cờ quẻ ly của chính quyền Nam triều trên kỳ đài trước Ngọ Môn được hạ xuống và thay bằng lá cờ đỏ sao vàng cách mạng diễn ra vào ngày Huế tổng khởi nghĩa thắng lợi 23-8-1945.

Thực tế lá cờ đỏ sao vàng đã được treo lên kỳ đài Huế trước đó hai ngày: 21-8-1945 và một trong hai người dũng cảm ấy là con quan tổng đốc...

Con quan tổng đốc treo cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài!

Sở dĩ có chuyện treo cờ sớm trước ngày Huế khởi nghĩa như thế vì ngay sau khi nghe tin Hà Nội tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công vào ngày 19-8, nhân dân các huyện Phong Điền, Phú Lộc... của tỉnh Thừa Thiên cũng đã nổi dậy giành được chính quyền và hai chàng trai của Trường Thanh niên tiền tuyến (TNTT) được lệnh hạ cờ quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài Huế.

Lá cờ đỏ sao vàng ấy rộng bằng hai gian nhà, trải ra như tấm thảm lớn được cuộn tròn lại và gác lên hai chiếc xe đạp của hai chàng thanh niên đẹp trai trong quân phục chỉnh tề. “Calô hai sừng đội đầu, quần kaki kiểu kỵ mã vàng óng, đôi ghệt cao cổ của ngự lâm quân. Tất cả binh lực là khẩu barillet to bằng bàn tay và sáu viên đạn...” - ông Đặng Văn Việt, con quan tổng đốc Nghệ An (sau này là trung đoàn trưởng trung đoàn 174, mệnh danh là “Đệ tứ quốc lộ đại vương” vì chuyên đánh quân Pháp trên trục đường số 4 Cao - Bắc - Lạng), học viên Trường TNTT, nhớ lại.

Cả hai thanh niên đẩy hai chiếc xe đạp chở lá cờ tiến về phía kỳ đài. Tiểu đội lính dõng gác kỳ đài và làm nhiệm vụ đốt pháo lệnh báo giờ răm rắp làm theo lệnh: hạ cờ Nam triều xuống, buộc cờ vào dây, qua ròng rọc đưa cờ đỏ sao vàng lên cao. Lúc ấy là 2g chiều 21-8, ông Việt còn nhớ có một chiếc máy bay hai thân cánh bạc sơn quốc kỳ Mỹ lượn ba vòng quanh cột cờ nghiêng cánh như vẫy chào rồi bay hút ra phía biển...

Lá cờ đỏ sao vàng trên đỉnh kỳ đài mang một ý nghĩa trọng đại báo hiệu sự chấm dứt của một vương triều trị vì 143 năm và hàng ngàn năm của chế độ phong kiến. đất nước sang trang sử mới của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Mấy hôm sau, vua Bảo Đại làm lễ thoái vị, trao ấn kiếm cho đại diện chính phủ trung ương từ Hà Nội vào, nhà vua tuyên bố “thà làm dân một nước tự do hơn làm vua một nước nô lệ”, lại có nghi thức hạ cờ vàng và treo cờ đỏ sao vàng chính thức lên đỉnh cột.

Trong buổi chiều ấy, một viên lãnh binh khố vàng (biết ông Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương là người hạ cờ hôm trước) đến cạnh ông Việt và bảo: “Hôm các anh đến hạ cờ nhà vua, cả đại đội khố vàng chúng tôi nằm phục kích dọc cổng thành Ngọ Môn với hơn 100 tay súng chĩa về các anh. Tôi vào xin ý kiến nhà vua, ngài bảo: “Chớ, chớ! Việt Minh đấy, chúng mi nổ súng thì tao chết trước đấy”. May quá, lính chỉ nằm im cho đến khi các anh đi khuất”.

Trước ngày diễn ra lễ thoái vị của nhà vua, ngày 29-8 một toán lính Pháp đã nhảy dù xuống Hiền Sĩ (cách Huế chừng 20km về phía tây bắc) dưới danh nghĩa phái bộ quân đồng minh nhưng thật ra để móc nối liên lạc thực hiện âm mưu trở lại tái chiếm VN. Ông Phan Tử Lăng, giám đốc Trường TNTT, được phái đi gặp toán nhảy dù này và trở về báo cáo tình hình với Ủy ban hành chính kháng chiến.

Trong lúc ấy, anh em của Trường TNTT đã nhận định: đây là bọn thực dân đội lốt đồng minh để quay lại xâm lược. Không đợi lệnh của ông Lăng, anh em chủ động đi... bắt sống toán nhảy dù này. Ông Nguyễn Thế Lương, người đã cùng ông Việt treo cờ hôm trước nay được cử làm “chỉ huy” đi bắt lính dù Pháp. Thành viên của nhóm “đi bắt Tây” này còn có Nguyễn Trung Lập, Đặng Văn Việt, Hoàng Xuân Bình, Lê Thiệu Huy, Đặng Văn Châu, Hà Đổng, Phan Văn Diên...

Cả toán đi bắt Tây ra phố mượn một chiếc ôtô chạy than, đến gần Hiền Sĩ xe không qua cầu được, anh em nhảy xuống đi bộ, “đi hàng hai bước đều, vừa đi vừa hát hành khúc, súng mang chéo sau lưng. Anh Huy cầm cờ đỏ sao vàng đi trước...”. Cả toán Tây nhảy dù bị bắt gọn bởi mưu mẹo của nhóm anh em TNTT, khi ông Phan Tử Lăng quay lại truyền lệnh của ủy ban bắt giữ toán Tây này thì mọi việc đã được anh em giải quyết xong!

Lên đường Nam tiến: một cây súng trường và 16 viên đạn!

Cách mạng thành công, Trường TNTT được đổi tên thành Trường Võ bị Thuận Hóa, dời địa điểm sang Trường Quốc học (và sau đó dời thêm vài địa điểm khác) nhưng mọi người vẫn quen tên gọi cũ là TNTT.

Tháng 9-1945 là một mùa khai trường kỳ lạ ở Huế. Các lớp học vắng lặng, học sinh chuẩn bị thi thành chung và tú tài đều bỏ thi, học sinh chuyên khoa bỏ lớp, tất cả nô nức ghi tên gia nhập giải phóng quân (GPQ) Huế. Trường Võ bị Thuận Hóa lại là nơi tiếp nhận, tập hợp các GPQ. Những học viên của trường nay được công nhận là sĩ quan cách mạng, làm bộ khung huấn luyện, tổ chức lực lượng quân đội chính qui của nhà nước non trẻ chuẩn bị cho cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc.

Chính nhiệt tình cách mạng và kiến thức quân sự được học hành tại trường đã khiến những chàng trai TNTT hôm qua đảm đương được nhiệm vụ mới: làm nòng cốt cho lực lượng GPQ. Những thanh niên Huế gia nhập GPQ được phiên chế thành những trung đội, chỉ một thời gian ngắn đã có 25 trung đội được thành lập, trung đội trưởng của các trung đội này đều là sĩ quan TNTT, trung đội phó là những cựu binh sĩ (hạ sĩ quan) đã đi theo cách mạng.

Đại tá Phan Hạo hồi ấy là trung đội trưởng trung đội 1 nhớ lại ngày ông nhận lệnh lên đường Nam tiến để hỗ trợ mặt trận Sài Gòn: trước khi lên đường, ông và trung đội trưởng trung đội 3 Đoàn Huyên (sau này là giáo sư, thiếu tướng QĐNDVN) được gọi lên gặp ủy viên quốc phòng Trung bộ (phụ trách quân sự - quốc phòng cả khu vực miền Trung) Nguyễn Chánh.

Ông Chánh người Quảng Ngãi, đã từng lãnh đạo thắng lợi cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, ngay từ những ngày tháng ấy đã thấy trước cuộc kháng chiến sẽ lâu dài và rất cam go. Sau khi hỏi han tình hình chuẩn bị Nam tiến, anh Hạo báo cáo mỗi người lính chỉ được trang bị một khẩu súng trường và 16 viên đạn, chỉ huy trung đội thì trang bị súng carbine và hai băng đạn nhưng tinh thần thì rất lạc quan vì ai cũng nghĩ vào Nam đánh Pháp xong sẽ “duyệt binh giữa Sài Gòn”. Hùng khí của cuộc khởi nghĩa thắng lợi trọn vẹn đã nhân lên niềm lạc quan hừng hực trong những người GPQ chuẩn bị Nam tiến.

Hai trung đội GPQ 1 và 3 lên đường vào Sài Gòn, một tháng sau đại đội Nam tiến thứ hai lại lên đường do Nguyễn Thế Lâm chỉ huy lên tàu vào Sài Gòn, nhưng đến ga Tháp Chàm (Phan Rang) thì được lệnh quay lại bởi ngày 23-10-1945 quân Pháp tấn công Nha Trang. Quân và dân Thừa Thiên - Huế một lần nữa gửi con em vào chi viện cho chiến trường Nam Trung bộ.

Ông Lê Đình Bân tham gia chiến đấu ở mặt trận Nha Trang và bị thương, sau đó ra mặt trận Qui Nhơn, về liên khu 5, về huấn luyện ở Trường Lục quân Quảng Ngãi, ra Việt Bắc rồi vào Nam đánh Mỹ, mãi đến đại thắng mùa xuân 1975 ông mới về lại Huế, người mẹ của ông, cụ bà Nguyễn Thị Hựu, khi ấy đã 85 tuổi.

Cũng cần nhắc thêm một chút về người sĩ quan của Trường TNTT này bởi đến ngày độc lập, gia đình ông đã có bốn liệt sĩ hi sinh cho cách mạng. Vợ và con ông Bân sống ở Hà Nội, hoàn cảnh bấy giờ không thể đưa cả gia đình về Huế nên một mình ông mang balô về lại quê hương với người mẹ già 30 năm ngóng chờ con.

Người con trai làng Triều Sơn Tây khi tham gia cách mạng vừa ngoài 20 tuổi, ngày về tóc đã bạc quá nửa mái đầu, trong căn nhà nhỏ, ngày ngày ông Bân nấu cơm nuôi mẹ già để báo hiếu.

Cho đến bây giờ khi về gặp ông ở làng Triều Sơn Tây, con cái ông đều thành đạt, vợ ông vẫn sống ở Hà Nội, riêng ông một mình lặng lẽ với làng xưa, viết sử của làng và gia phả dòng tộc, sớm hôm chăm lo hương khói bàn thờ gia tiên. Trên bàn thờ ấy tôi nhìn thấy những tấm hình của người thân ông đã nằm lại dọc đường kháng chiến, tất cả đều rất trẻ...

Cuộc khởi nghĩa tháng tám ở Nam bộ diễn ra muộn hơn miền Bắc và miền Trung. Ngọn cờ hồng trên chiến lũy ám khói súng, trong ánh đuốc bập bùng, những cô gái, chàng trai Nam bộ đã cất cao lời thề...

LÊ ĐỨC DỤC



Nơi giành được chính quyền đầu tiên ở Nam bộ

Theo các tư liệu lịch sử ghi nhận, thời điểm Cách mạng Tháng Tám thành công ở các vùng trong nước có khác nhau. Ở miền Bắc (Hà Nội) ngày 19-8, miền Trung (Huế) 23-8 và Nam bộ (Sài Gòn) 25-8-1945.

Thế nhưng trước đó có một địa danh ở Nam bộ đã tổ chức cướp chính quyền thành công vào đêm 22 rạng sáng 23-8-1945. Người chỉ huy trận đánh đêm ấy đang ở tuổi 26...

Thí điểm khởi nghĩa ở Nam bộ

Ngay trong đêm 22-8-1945, người dân tỉnh Tân An (ngày nay là tỉnh Long An) hầu như không ngủ được. Tiếng trống khởi nghĩa vang từ xã này sang xã khác, quận này sang quận khác, tin cướp chính quyền thắng lợi tới tấp bay về, càng về khuya càng dồn dập liên hồi.

Tờ mờ sáng 23-8-1945, trên các nẻo đường đổ về thị xã Tân An, lớp lớp người xếp thành hàng tư với rừng tầm vông vạt nhọn, rừng cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm giương cao rầm rập tiến vào sân banh thị xã. Đoàn người vừa đi vừa hô to các khẩu hiệu: VN độc lập muôn năm! Chính phủ VN muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm... Trên lễ đài, đại diện Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Tân An làm lễ ra mắt đồng bào, chủ tịch Nguyễn Văn Trọng tuyên bố: Chính quyền Tân An đã về tay nhân dân!

Trước đó, Xứ ủy Nam bộ đã mở hội nghị tại Chợ Đệm phân tích tình hình của Nam bộ lúc ấy là rất phức tạp. Nhiều ý kiến đề xuất: đêm 22-8 Sài Gòn sẽ tiến hành khởi nghĩa để sáng sớm 23-8 huy động lực lượng chính trị vũ trang khoảng 1 triệu người xuống đường ủng hộ Ủy ban hành chính lâm thời Nam bộ và tuyên bố tổng khởi nghĩa thành công. Sau đó các tỉnh khác ở Nam bộ sẽ theo hình mẫu của Sài Gòn mà tiến hành khởi nghĩa.

Nhưng có ý kiến cho rằng quân Nhật ở Sài Gòn rất đông, ngay cả lực lượng đồng minh Anh - Ấn cũng buộc quân Nhật cùng chống cách mạng, nếu Nhật can thiệp thì khởi nghĩa ở Sài Gòn dễ thất bại... Cuộc tranh cãi khá quyết liệt. Cuối cùng, đồng chí Trần Văn Giàu đưa ra một giải pháp: giao cho Tân An - nằm ngay bên cạnh cửa ngõ vào Sài Gòn - khởi nghĩa thí điểm, từ đó rút kinh nghiệm để “bấm nút” cho Sài Gòn và các tỉnh tiến hành khởi nghĩa. Ý kiến này được đa số tán thành.

Giọng trầm ấm, ông Hai Lê (Lê Văn Tưởng) kể lại: “Lúc đó tôi 26 tuổi, đang tham gia sinh hoạt tại chi bộ làng Thạnh Lợi, quận Thủ Thừa, tỉnh Tân An. Ngày 13-8-1945, Tỉnh ủy Tân An tổ chức hội nghị mở rộng tại nhà ông hội đồng Huấn ở xã Hương Thọ Phú. Tại cuộc họp này, các đồng chí trong Tỉnh ủy Tân An thống nhất rút tôi về làm thường vụ phụ trách quân sự quận Thủ Thừa để chuẩn bị lực lượng cướp chính quyền.

Tôi nhanh chóng quay về làng và từ giã các đồng chí trong chi bộ Thạnh Lợi. Các anh ở làng chia tay để tôi đi làm chuyện đại sự mà còn góp mỗi người vài đồng, được tất cả 13 đồng làm lộ phí và dặn dò ghê lắm. Chia tay gia đình, xóm làng, tôi chuyển ra quận công tác...”.

Ban đầu Hai Lê rất lo, mình có quá trẻ, lại ít kinh nghiệm quân sự, được giao đánh trận đầu mà thất bại thì tội lớn lắm!

Sau khi bàn bạc với Huyện ủy Thủ Thừa, Hai Lê cho tổ chức ngay lực lượng chiến đấu là những thanh niên tiền phong trong các thôn xóm tập trung lại tập luyện võ thuật, luyện kiếm, phóng phi tiêu, luyện dao găm, tự tạo vũ khí thô sơ, tập đội hình chiến đấu. Giặc thì súng ống rần rần, còn đội hình chiến đấu của Hai Lê luyện tập như trong phim kiếm hiệp vậy!...

Anh nông dân đối mặt với quận trưởng!

Tới chiều 22-8, các xã quanh quận Thủ Thừa đồng loạt đánh mõ, đánh trống báo động vang trời theo kế hoạch của Ủy ban khởi nghĩa. Trong lúc địch đang còn hoang mang chưa biết việc gì xảy ra, tiếng trống tiếng mõ xuất phát từ đâu thì Hai Lê đã ra lệnh cho lực lượng quân sự do anh chỉ huy bắt đầu “hành quân”.

Hai Lê mặc đồ kaki vàng, mang cây súng rulô cùng tốp chiến đấu xông thẳng tới dinh quận. Tới cổng dinh quận, đội hình khựng lại vì lính khố xanh cùng súng ống dàn đầy, nghe tiếng mõ tiếng trống chúng còn hoang mang hơn và tư thế luôn sẵn sàng nổ súng. Chỉ với một khẩu súng ngắn của Hai Lê thì làm sao địch lại được bọn lính trang bị toàn súng dài của dinh quận - mục tiêu số 1 cho cuộc cướp chính quyền?

Nhưng Hai Lê đã có cách riêng của mình: anh bước thẳng vào dinh quận. Bọn lính canh thấy anh mặc đồ kaki nai nịt gọn gàng, bên hông kè kè súng lục, không hiểu anh thuộc “sắc lính” gì nên im re cho vào, nhưng súng vẫn chĩa thẳng vào anh. Anh bước vào gặp quận Thọ.

Trước mặt quan phụ mẫu một thời làm mưa làm gió cả vùng Thủ Thừa, lính canh súng ống còn đầy, vậy mà Hai Lê bình thản tuyên bố xanh rờn: “Ông quận Thọ à, hôm nay cách mạng về cướp chính quyền. Kể từ 8g tối nay, chúng tôi với đầy đủ binh lực, súng ống hùng mạnh đã bao vây toàn khu vực. Nếu muốn an toàn, ông quận phải ra lệnh cho binh lính giao nộp vũ khí, còn ông phải giao ngay cho cách mạng chìa khóa tủ sắt tiền công nho và các tủ giấy tờ khác nữa...”.

Quận Thọ há hốc miệng, người chỉ huy cách mạng này sao khí phách quá, chống lại chắc chỉ có chết! Quận Thọ tự nhiên thấy mình “nhỏ” hơn anh thanh niên tuổi 26 nên “dạ... dạ...” lí nhí và bàn giao dinh quận ngay. Mãi sau này nhiều người hỏi: “Lỡ quan quận làm cương kêu lính vào bắt thì sao?”. Hai Lê cười: “Thì đánh luôn chứ sao, đội tự vệ đã dàn quân cả rồi, giáo mác, kiếm, tầm vông cũng đánh được mà!”.

Chiếm dinh quận thắng lợi, Hai Lê cùng lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên địa phương được thế xông thẳng vào các đồn Thạnh Lợi, Bình Hòa, Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Quí... để tịch thu súng đạn. Tổng số súng thu được tại các đồn lên đến trên 40 cây súng các loại. Số súng này được đưa về quận để thành lập một đại đội dân quân cách mạng đầu tiên của quận.

Được tin Hai Lê đã tổ chức chiếm dinh quận và giải giới vũ khí lính canh thành công mà không tốn một viên đạn, hàng ngàn nông dân từ các xã Mỹ Lạc, Bình Đức, Mỹ An Phú, Bình Phong Thạnh... rùng rùng kéo về khu vực sân banh để mittinh và nghe cách mạng nói chuyện. Tại buổi mittinh, Hai Lê thay mặt ban khởi nghĩa dõng dạc thông báo với bà con: Việt Minh đã lên nắm chính quyền!... Cả rừng người tung hô như muốn làm vỡ tung cả không gian một làng quê...
 
mình thấy bạn heokonkute nói:
Cách mạng tháng Tám (ngày 19 tháng 8 năm 1945) là ko thật sự chính sác vì ngày 19 tháng 8 năm 1945 chỉ là ngày Hà Nội giành chính quyền thôi chứ ko phải CMT8 nổ ra chỉ ở ngày đó. Mà bạn cũng ko nên nói là Việt Minh mà bạn nên nói là Đảng Cộng Sản vì Việt Minh chỉ là một mătf trận do ĐCS sáng lập mà thôi.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top