Lịch sử triết học phương Đông
Trong một thời gian dài, triết học phương Tây hầu như không có ảnh hưởng tới truyền thống triết học của Ấn Độ và Trung Quốc. Các triết gia phương Tây đều có chung quan điểm cho rằng mọi suy nghĩ theo truyền thống Châu Á không phải là triết học mà là tôn giáo và chủ nghĩa thần bí. Tuy nhiên, các triết gia phương Tây ngày càng quan tâm hơn tới lối suy nghĩ của phương Đông. Graham Priest, Giáo sư Triết học tại Đại học Melbourne, đã có bài thuyết trình về lịch sử triết học tại ngày hội dành cho các nhà văn Melbourne (Melbourne Writers’ Festival) trong dự án Australasia của Đại học Monash. Sau đây là phần trao đổi của Giáo sư Graham Priest về những phát hiện của các triết gia phương Tây đối với triết học phương Đông và nguyên nhân tại sao những người chỉ nghiên cứu triết học phương Tây cho rằng triết học phương Đông là một thách thức lớn.
Chủ nghĩa thần bí
"Nhiều năm trước đây, khi tôi còn trẻ, nếu nói chuyện với các triết gia chuyên nghiệp về triết học phương Đông, họ sẽ nói: “Đó không phải là triết học, đó là tôn giáo hoặc chủ nghĩa thần bí. Đúng, đó không phải là triết học thực sự”. Đó là thái độ đối với triết học phương Đông. Người ta có thể tìm thấy những lời trích dẫn của các triết gia phương Tây trên những ấn bản có căn cứ đích xác chẳng hạn như từ điển bách khoa toàn thư.
Tuy nhiên, mặc dù rất kính trọng các đồng nghiệp của mình, tôi cho rằng quan điểm này có lẽ là do các triết gia phương Tây chưa hiểu rõ triết học phương Đông. Họ chưa dành thời gian nghiên cứu, suy nghĩ và đọc tài liệu về triết học phương Đông. Đúng là một số nội dung của triết học phương Đông liên quan tới tôn giáo. Tuy nhiên, rất nhiều nội dung của triết học phương Tây cũng mang màu sắc tôn giáo. Ví dụ, toàn bộ triết học phương Tây từ khoảng năm 1100 đến năm 1400 có mối quan hệ chặt chẽ với Thiên Chúa giáo. Tất cả các triết gia đều là những con chiên của Chúa và Thiên Chúa giáo gần gũi với những gì người theo đạo thực hiện giống như triết lý Phật giáo kết nối với Đạo Phật. Như vậy, nếu triết học có mối liên hệ với tôn giáo thì không có nghĩa đó không phải là triết học.
Chủ nghĩa thần bí có nghĩa là gì? Có người cho rằng chủ nghĩa thần bí là những trải nghiệm đặc biệt khó có thể diễn tả và không thể coi là triết học. Tuy nhiên có những khía cạnh của chủ nghĩa thần bí tồn tại trong một vài triết lý phương Đông này nhưng không tồn tại trong những triết lý phương Đông khác. Ví dụ như chủ nghĩa thần bí không đóng vai trò quan trọng trong triết lý của Đạo Khổng. Trong một số phần của triết học phương Tây cũng có những yếu tố huyền bí. Rất nhiều nhà thần bí vĩ đại theo Đạo Thiên Chúa đã viết ra triết lý Thiên Chúa giáo. Platinus tuy không phải là người theo đạo Thiên Chúa giáo nhưng rõ ràng là một người thần bí. Eriugena cũng là một người thần bí. Và không chỉ có những người từ thời xa xưa này ấp ủ những ý tưởng thần bí.
Một trong những triết gia vĩ đại nhất của thế kỷ 20 đã ám chỉ tính thần bí rất rõ ràng trong cuốn sách của mình. Có lẽ bạn đã nghe nói đến Wittgenstein, một trong những triết gia vĩ đại nhất của thế kỷ 20. Nếu bạn đọc cuốn sách duy nhất ông đã xuất bản trong suốt cuộc đời mình có tựa đề ‘Tractatus’ bạn sẽ thấy cuốn sách kết thúc bằng câu: “Tôi đã thể hiện trong cuốn sách tất cả những gì tôi có thể lý giải; có rất nhiều điều khác người ta không thể nào lý giải được”. Đó là cách giải thích trực tiếp đối với những điều khó diễn tả. Hiện tượng khó diễn tả và kinh nghiệm trực tiếp không có gì xa lạ đối với truyền thống triết học phương Tây. Như vậy, nếu cho rằng những triết lý hàm chứa khía cạnh tôn giáo hoặc thần bí không phải là triết học sẽ là một lý lẽ không thống nhất.