Lịch sử tạo nên giá trị và ý nghĩa của trang phục truyền thống Việt Nam

uocmo_kchodoi

Moderator
THÔNG QUA CÁI NHÌN LỊCH ĐẠI KẾT HỢP VỚI ĐỒNG ĐẠI
BÀN VỀ GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA CỦA TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG VIỆT NAM
Đồng bào Việt Nam gồm rất nhiều dân tộc. Cùng sinh sống trên dải đất hình chữ S này, cùng có những nét văn hóa chung của đất Việt nhưng mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa độc đáo riêng. Trang phục từng dân tộc cũng theo đó mà trở nên phong phú đa dạng và đầy tính năng qua từng thời kỳ của lịch sử Việt Nam.

jpg1113

Thông qua cái nhìn lịch đại kết hợp với đồng đại, ta thấy trang phục người Việt, từ dạng kiểu đơn sơ, giản dị, đẹp như tâm hồn người Việt cổ tiếp tục phát triển, hài hòa với môi trường khắc nghiệt của thiên nhiên nhiệt đới, khỏe khoắn với bao cuộc chiến tranh chống ngoại xâm liên miên. Trang phục người Việt là một trong những gì thân thiết nhất đối với con người Việt Nam. Sự gắn bó có tâm hồn này chính là điều xuất phát từ những trái tim yêu thương quê hương đất nước.

Trang phục là một nhu cầu vật chất quan trọng trong đời sống của nhân dân ta. Với tính chất thực dụng, nó là một sản phẩm; dưới góc độ thẩm mỹ, nó lại là một tác phẩm. Chức năng cơ bản trước nhất của nó là bảo vệ con người. Về mặt này, trang phục dân tộc Việt đã đạt được hiệu quả cao.

Chúng tôi đã bước đầu trình bày về sự chuyên môn hóa các chức năng của trang phục người Việt trong lao động, hội hè, chiến đấu và các mặt khác. Chúng tôi muốn nói thêm: đối với người Việt, trang phục còn có chức năng phòng bệnh, trị bệnh. Với khí hậu ẩm thấp của vùng nhiệt đới gió mùa, bệnh phong thấp phổ biến, người ta chọn gỗ đặc biệt để làm guốc cho người già, vật liệu đặc biệt để làm mũ cho trẻ em. Thắt lưng và trang sức, một vài thứ, cũng có tác dụng đó. Bên cạnh xu hướng này, một xu hướng thường thấy ở người Việt là sử dụng một vật kiêm nhiều chức năng. Chiếc nón lá đã được nhiều người đề cập đến. Chiếc khăn trùm đầu, còn để quàng cổ, vắt vai, làm khăn lau và gặp lúc bất ngờ cũng có khi là vũ khí phòng hộ. Do đó, chúng ta thấy sự ra đời của đôi dép cao su thời kháng chiến chống Pháp chẳng phải là sự kiện ngẫu nhiên, mà mọi sự sáng tạo dựa trên cái gốc vững chắc của bản lĩnh dân tộc. Vấn đề đa chức năng của trang phục người Việt, trong nhiều trường hợp chưa hẳn đã là vì nghèo. Đi bộ vượt Trường Sơn, dù là người giàu, với đôi dép lốp vẫn là phương thức tối ưu nhất.

jpg1114-500x349.

Trang phục truyền thống của dân tộc Mường​

Thời gian gần đây, nhiều người đề cập đến chức năng vệ sinh từ màu đen của chiếc quần phụ nữ. Nếu chịu khó xét điều này trên quan điểm hệ thống, sẽ thấy rõ trong hoàn cảnh kinh tế và lao động hiện nay, vấn đề không dễ dàng giải quyết ngay được. Mặt khác, việc này còn gắn với thói quen thẩm mỹ, còn liên quan đến phạm trù quan niệm, chứ chưa hẳn đã là chuyện tiết kiệm, sợ tốn kém. Nhiều người chỉ thấy trang phục là đối tượng của thị giác nên đòi hỏi nó phải biểu hiện được những chuẩn mực cho sự nhìn. Để đáp ứng yêu cầu này, trong suốt quá trình lịch sử, trang phục người Việt đã có sự chọn lọc về hình dáng, kiểu thức, màu sắc, hoa văn trang trí, chất liệu. Nhưng nhìn qua bộ trang phục của người Việt từ đầu thế kỷ XX trở về trước, chúng ta thấy rõ ngoài việc đáp ứng yêu cầu nhìn, còn có cả nghe, mùi vị và tất nhiên dẫn đến cả xúc cảm nữa. Có thể nhắc đến trang phục của người Việt cổ ở Làng Vạc vào thời dựng nước với những âm vang của chất liệu đồng thau cho đến bộ xà tích bạc đầu thế kỷ này. Phải chăng, tiếng sột soạt của bộ áo váy mới cũng là sự dụng tâm thích thú của người mặc. Bên cạnh tầng lớp giàu sang, quý phái biết sử dụng các loại hương liệu đắt tiền để ướp quần áo, nhân dân thường dùng những thứ phổ biến như: hạt mùi để bọc áo khăn; lá mùi, lá sả... để gội đầu, hoa bưởi, hoa nhài... để cài tóc. Việc chọn lựa các chất để nhuộm màu, cũng tạo cho áo quần những mùi vị nhất định. Phần trong bài chúng tôi mới nói đến việc dùng dầu xoa tóc, nhưng thật ra ở người Việt còn có nhiều thứ dầu, rượu đặc biệt để xoa bóp cơ thể nhằm chống côn trùng, bảo vệ sức khỏe, bảo vệ da... Sự hình thành những hương vị này liên quan đến những tập quán ở từng địa phương nữa.

jpg1115-500x349.

Trang phục truyền thống của dân tộc Chăm​


Trang phục người Việt còn được lưu ý dưới góc độ sử liệu. Một cái nhìn thoáng nhanh qua áo quần cũng có thể giúp chúng ta khám phá ra được cái mà các nhà sử học gọi là niên đại tương đối. Việc đoán định niên đại tuyệt đối của trang phục người Việt là chuyên môn hẹp và sâu của rất ít nhà nghiên cứu. Nói chung với những sử liệu này, chúng ta có thể ghi nhận được nhiều dấu ấn của các thời đại lịch sử. Tính đa dạng của trang phục người Việt thể hiện rõ nhất qua từng địa phương. Có khi tính đa dạng này hoàn toàn do kỹ thuật. Nhân dân lao động với áo quần bằng vải, thường hay mặc trước rồi mới nhuộm sau. Do thị hiếu và cũng vì lý do khách quan để cho bền màu, người ta thường nhuộm lót trước: lót xanh cho màu đen, lót đỏ cho màu gụ v.v... Vì thế tuy chỉ cùng một bộ, nhưng Đông Xuân, ta gặp nhiều người mặc màu cháo lòng, màu xanh, màu gạch non... đến Hè Thu lại là những áo quần màu nâu, màu đen, màu gụ v.v...

Từ khi giành lại được quyền độc lập, tự chủ vào thế kỷ X, các vương triều phong kiến đã lưu ý đến một sự thống nhất trong đa dạng, với những quy chế, thể lệ. Tính thống nhất này cũng có thể nhận thức được qua tính giai cấp trên trang phục, ở từng mẫu áo, kiểu quần, màu sắc, hoa văn, trang điểm. Trang phục thể hiện tôn ti, trật tự phong kiến, ngăn cấm mọi sự vi phạm. Ngày nay, trang phục của Quân đội nhân dân đã "vượt khung" khỏi phạm vi của một tộc người cụ thể, trở thành một sự thống nhất Việt Nam.

Đứng ở góc độ tin học, trang phục người Việt còn là những đặc trưng chỉ định sự khác biệt giữa người Việt và các dân tộc anh em trên đất nước ta, phân biệt được một số mặt như nghề nghiệp, giới tính, thị hiếu thẩm mỹ... của từng vùng. Một cái nhìn khái quá thông qua sự tiến triển thăng trầm của lịch sử giúp chúng ta khẳng định được bản lĩnh vững vàng của phong cách người Việt. Không ít nhà nghiên cứu đã lưu ý đến tinh thần đấu tranh chống đồng hóa của người Việt thông qua trang phục. Điều này đúng, nhưng chưa đủ. Đối với kẻ thù xâm lược từ phương Bắc đem theo chủ trương đồng hóa triệt để bằng cách bắt nhân dân ta thay đổi trang phục, đầu tóc, thì nhân dân ta ngoan cường đấu tranh chống lại, nhiều khi rất quyết liệt. Thời cận đại, đối với bọn địch xâm lăng phương Tây từ biển vào, những nhà nho yêu nước, ví dụ như Nguyễn Đình Chiểu vẫn giữ phong cách: để búi tóc, mặc áo dài, đội khăn đóng, không dùng xà phòng... Nhưng đến một thời kỳ khác, nhân dân ta lại có phong trào cắt tóc ngắn, mặc áo ngắn... Sự thay đổi về mặt hình thức này lại là một phong trào tiến bộ, cho nên đã bị thực dân Pháp lái sang những xu hướng thẩm mỹ về trang phục không lành mạnh. Khi đế quốc Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam, chúng lại khuyến khích nhân dân ta Mỹ hóa trang phục. Để đấu tranh với bọn thực dân mới, chống lại cái "mới" lố lăng, cầu kỳ, xa lạ, phô trương..., nhân dân các đô thị miền Nam lại tìm cách trở về truyền thống.

Trong nước, thời phong kiến, đấu tranh với giai cấp thống trị, bản lĩnh của nhân dân ta cũng theo một xu thế ấy. Ví dụ như chuyện cấm mặc váy của Minh Mạng. Về lý mà nói, cái váy thời Hùng Vương của người Việt cổ đã rất đẹp. Cái quần là một mẫu trang phục ngoại lai, chúng ta tiếp thu được từ các tộc du mục. Trong việc này, ngoài vấn đề chuyên chế và dân chủ, còn có chuyện tính bản địa và ngoại lai. Gần đây một thời kỳ, có cuộc vận động, hô hào phụ nữ nên mặc váy. Giới phụ nữ đã không chấp nhận. Nhưng ở nam giới, ngày nay hầu hết đều mặc áo quần mà ta vẫn quen gọi là Âu phục. Đây là một dẫn chứng cho thấy ở người Việt không hề có sự bài ngoại mù quáng. Họ có thể sẵn sàng tiếp thu những mẫu mới từ bên ngoài một cách có ý thức và có sáng tạo để tồn tại lâu dài hoặc chỉ với một thời gian nhất định, nhưng đều được Việt hóa nhanh hoặc dần dần từng bước.

02Aodai.gif

Trang phục cũng là một hiện tượng văn hóa về mặt vật chất, hay văn hóa vật chất. Các chương trên đã cho thấy những điều kiện kinh tế, xã hội có ý nghĩa quan trọng đối với trang phục người Việt. Trước kia, bên cạnh nghề trồng lúa nước, nghề trồng dâu, nuôi tằm là hoạt động sản xuất cơ bản trong đời sống của xã hội người Việt. Vào những thế kỷ đầu Công Nguyên, nhiều người nước ngoài tiếp xúc với Lạc Việt đã phải thốt lên rằng: cây bông ở đây có thể giải quyết được áo chăn cho thiên hạ. Dĩ nhiên cách nói có phần khoa trương nhưng đã lột tả được sự giàu có về nguyên liệu quan trọng này. Về hàng tơ, chưa kể các loại trong Cung Đình, cho đến thế kỷ XVIII, chúng ta thống kê được gần 30 loại mặt hàng, mỗi loại còn có nhiều kiểu khác nhau, ví dụ như gấm, có gấm the, gấm láng, gấm mây, gấm hoa...

Đứng ở góc độ văn hóa tinh thần, trang phục còn có ý nghĩa về ý thức chính trị, về đạo đức con người, về quan niệm thẩm mỹ... Sự tự khẳng định mình thông qua trang phục, nhất là đối với thanh niên, là điều cần phải hướng dẫn, giáo dục hơn là phê phán, chỉ trích. Như vậy, trang phục là một nhu cầu vật chất nhưng đồng thời còn là một hiện tượng về văn hóa. Với quan điểm xây dựng nền văn hóa mới và con người mới là điều cần và có thể thực hiện từng bước, từng phần ngay từ hôm nay, và "không phải trình độ văn hóa của xã hội phụ thuộc một cách máy móc vào trình độ phát triển kinh tế", chúng ta cần xác định dù xã hội ta còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng không nhất thiết phải chờ đến khi thật giàu có, sung túc, lúc đó mới quan tâm đến vấn đề trang phục.

Dân tộc Việt có câu "Đói cho sạch, rách cho thơm" vừa là để nhắc nhở những yêu cầu cụ thể cho cung cách ăn mặc, nhưng đồng thời còn có mục đích giáo dục một phẩm chất thanh cao, một nếp sống đạo đức, dù trong trường hợp nghèo, đói. Chúng ta không hẹp hòi, bảo thủ trước sự phát triển, thay đổi các kiểu cách trang phục lành mạnh, nhất là trong thanh niên, nhưng không thể công nhận những hiện tượng may mặc đua đòi, chạy theo "mốt" lố lăng, phô trương, xa hoa, lãng phí... xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đồng thời cũng cần phản đối hiện tượng cho rằng nền kinh tế của ta chưa phát triển cao, nên có thể ăn mặc tùy tiện, cẩu thả, thiếu thẩm mỹ. Từ đó làm giảm giá trị cao đẹp của con người và còn có thể nảy sinh những hậu quả xấu về nhiều mặt. Vì trang phục, trong những chừng mực nhất định, còn là phương tiện rất đắc lực của các quan điểm tư tưởng, các ý đồ chính trị, không chỉ thuộc sở thích hay thị hiếu của cá nhân mà đây là cả một vấn đề văn hóa, một vấn đề xã hội, có tác dụng góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, góp phần xây dựng con người mới hoặc ngược lại.

Do đó, trang phục, là đối tượng của thị giác, một trong hai giác quan mà Các Mác cho rằng nó dễ cảm nhận cái đẹp một cách tinh tế, phải là một biểu hiện bên ngoài của một nội dung bên trong mang đầy đủ những chuẩn mực lành mạnh, hài hòa, thanh lịch, thực tiễn...

Từ việc tìm hiểu trang phục của những người Việt cổ đến trang phục dân tộc Việt ngày nay và trang phục của các tổ chức chung trong xã hội Việt Nam, chúng ta thấy rõ sự tiếp nối vững vàng giữa truyền thống và hiện đại, trong điều kiện giao lưu văn hóa đa dạng và thường xuyên đã có những sự sáng tạo nhuần nhị và cởi mở giữa tính dân tộc và tính quốc tế. Ngày nay, tuy chưa có nhiều cuộc vận động cụ thể, sát sao và thường xuyên về trang phục dân tộc Việt, cũng như nhân dân Việt Nam nói chung, nhưng từ các nghị quyết lớn về kinh tế và văn hóa của Đảng, chúng ta có thể nhận thức được nội dung và tính chất của những điều mà chúng ta đang quan tâm nằm trong phương hướng chung về sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nguồn: maxreading.com
 
Sửa lần cuối:
TÍNH NÔNG NGHIỆP TRONG CHẤT LIỆU MAY MẶC CỦA TRANG PHỤC VIỆT
Theo đúng tinh thần của triết học Mac-Lenin, vật chất là cái có trước thì cái ăn, cái uống, cái MẶC chính là những thứ thiết yếu nhất trong cuộc sống. Qua đi cái thời loài người còn ăn lông ở lỗ, sống theo bầy đàn, dĩ nhiên thuận theo tự nhiên con người tiến hóa và từ đó con người biết sử dụng quần áo. Không chỉ để che đi những cái cần che, mà có lẽ nguyên nhân trực tiếp nhất đó là nó giúp cho con người đối phó được với cái nóng, cái rét của thời tiết, khí hậu.

01Trangphuc.gif

Nhân dân ta nói một cách đơn giản : Được bụng no, còn lo ấm cật .Vì vậy, cũng như trong chuyện ăn, quan niệm về mặc của người Việt Nam trước hết là một quan niệm rất thiết thực : “Ăn lấy chắc, mặc lấy bền và Cơm ba bát, áo ba manh, đói không xanh, rét không chết”.

Nhưng mặc không chỉ để đối phó với môi trường, mặc có một ý nghĩa xã hội rất quan trọng : “Quen sợ dạ, lạ sợ áo”. Người ta hơn kém nhau nhiều khi bởi nó :

“Hơn nhau cái áo manh quần

Thả ra ai cũng bóc trần như ai”

và người ta khổ sở nhiều khi cũng vì nó:

“Cha đời cái áo rách này

Mất chúng mất bạn vì mày áo ơi!”
Mặc trở thành một nhu cầu không thể thiếu được trong mục đích trang điểm, làm đẹp cho con người:

“Người đẹp về lụa, lúa tốt về phân, chân tốt về hài, tai tốt về hoa”.

Mỗi dân tộc có cách ăn mặc và trang sức riêng, vì vậy, cái mặc trở thành biểu tượng của văn hóa dân tộc. Mọi âm mưu đồng hóa sau khi xâm lăng đều bắt đầu từ việc đồng hóa cách ăn mặc.

Từ nhà Hán cho đến Tống, Minh, Thanh, các triều đại phong kiến Trung Quốc xâm lược luôn kiên trì dùng đủ mọi biện pháp buộc dân ta ăn mặc theo kiểu phương Bắc song chúng luôn thất bại. Các vua nhà Lí, Trần cho dạy cung nữ tự dệt vải, không dùng vải vóc nhà Tống. Trong lời hiệu triệu tướng sĩ đánh quân Thanh, Quang Trung viết : “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng...”

Vậy cái riêng trong cách mặc của người Việt là gì? Đó trước hết là cái chất nông nghiệp, mà chất nông nghiệp thì thể hiện rõ nhất trong chất liệu may mặc.

04trangphuc.gif

Chất liệu may mặc, để đối phó hữu hiệu với môi trường tự nhiên, người phương Nam ta sở trường ở việc tận dụng các chất liệu có nguồn gốc thực vật là sản phẩm của nghề trồng trọt, cũng là những chất liệu may mặc mỏng, nhẹ, thoáng, rất phù hợp với xứ nóng. Trước hết, đó là tơ tằm. Cùng với nghề trồng lúa, nghề tằm tang có từ rất sớm. Trong những di chỉ khảo cổ thuộc hậu kì đá mới cách nay khoảng 5000 năm (như di chỉ Bàu Tró), đã thấy có dấu vết của vải có dọi xe chỉ bằng đất nung. Cấy lúa và trồng dâu, nông và tang - đó là hai công việc chủ yếu luôn gắn liền nhau của người nông nghiệp Việt Nam. Người Trung Hoa từ xưa cũng đã luôn xem đó là hai đặc điểm tiêu biểu nhất của văn hóa phương Nam; trong chữ "Man" mà Trung Hoa xưa dùng để chỉ người phương Nam có chứa bộ trùng chỉ con tằm.Từ phương Nam, nghề tằm tang đã được đưa lên phương Bắc. Sách Hoàng Đế nội kinh nói về việc này một cách hình tượng là "khi Hoàng Đế chặt đầu Si Vưu thi thần Tằm Tang dâng lụa cho ông" (hiểu là : khi bộ lạc phương bắc do Hoàng Đế làm thủ lĩnh chiến thắng bộ lạc phương Nam do Si Vưu làm thủ lĩnh thì người phương Bắc tiếp thu được bí quyết nghề trồng dâu nuôi tằm của phương Nam). Các sách cổ Trung Quốc như Thủy kinh chú, Tam đô phú, Tề dân yếu thuật đều nói rằng đến đầu công nguyên, trong khi Trung Quốc một năm chỉ nuôi được 3 lứa tằm thì năng suất tằm ở Giao Chỉ, Nhật Nam, Lâm ấp một năm đạt được tới 8 lứa. Để có được nhiều lứa tằm trong năm, tổ tiên ta đã lai tạo ra được nhiều giống tằm khác nhau phù hợp với các loại thời tiết nóng, lạnh, khô ẩm. Đây là một nghề hết sức vất vả cực nhọc : Làm ruộng ba năm không bằng chăn tằm một lứa; Làm ruộng ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng. Từ tơ tằm, nhân dân ta đã dệt nên nhiều loại sản phẩm rất phong phú : tơ, lụa, lượt, là, gấm, vóc, nhiễu, the, đoạn, lĩnh, dũi, địa, nái, sồi, thao, vân,... mỗi loại lại có hàng mấy chục mẫu mã khác nhau.
Đến TK XVI-XVIII, khi mà tơ lụa Trung Quốc sản xuất với số lượng nhiều đã chiếm lĩnh thị trường thế giới thì tơ lụa Việt Nam vẫn được đánh giá rất cao do chất lượng của nó. Năm 1749, một người phương Tây là Poivre nhận xét: "Tơ lụa Đàng Trong so với Trung Quốc thì hơn hẳn về phẩm chất và sự tinh tế. Tơ đẹp nhất là của vùng Quảng Ngãi. Người Trung Quốc mua đi rất nhiều và kiếm lời được từ 10-15%". Trong số 27 mặt hàng chính mà Nhật Bản nhập của Việt Nam thời kì này (ghi lại trong sách Hòa Hán tam tài đồ sương) thì riêng vải lụa đã chiếm 11 mặt hàng. Thời thuộc Pháp, tơ lụa Việt Nam đã trở thành một nguồn lợi to lớn. Riêng trong khoảng 1909-1913, hằng năm Việt Namxuất sang Pháp 183,3 tấn tơ lụa các loại. Theo điều tra của P- Gourou, trong số 108 nghề thủ còng khác nhau có ở đồng bằng Bắc Bộ vào năm 1935 thì nghề dệt đứng hàng đầu với tổng số trên 54 nghìn thợ dệt. Ngoài tơ tằm, nghề dệt truyền thống của Việt Nam còn sử dụng các chất liệu thực vật đặc thù khác như tơ chuối, tơ đay, gai, sợi bông .

b1945_112156816.jpg

Vải tơ chuối là một mặt hàng đặc sản của Việt Nam mà đến TK VI, kĩ thuật này đã đạt đến trình độ cao và rất được người Trung Quốc ưa chuộng. Họ gọi loại vải này là "vải Giao Chỉ". Sách Quảng chí chép : "Thân chuối xé ra như tơ, đem dệt thành vải... Vải ấy dễ rách nhưng đẹp, màu vàng nhạt, sản xuất ở Giao Chỉ". Cho đến tận TK XVIII, loại vải này vẫn rất được ưa chuộng, Cao Hùng Trưng trong sách An Nam chí nguyên còn ca ngợi : "loại vải này mịn như lượt là, mặc vào mùa nực thì hợp lắm". Vải dệt bằng sợi tơ đay, gai cũng xuất hiện khá sớm. Đất đai và khí hậu Việt Nam rất thích hợp cao những loại cây này phát triển, tổ tiên ta không những biết tận dụng khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có này mà còn thuần dưỡng chúng thành loại cây trồng phổ biến. Sách Trung Quốc thời Hán, Đường đều nói rằng đay, gai ở An Nam mọc thành rừng, dùng để dệt vải. Vải đay gai bền hơn vải tơ chuối nhiều; đem cây đay gai ngâm nước cho thịt thối rữa ra, còn lại tơ đem xe thành sợi dệt vải thì vải cũng mịn như lượt là . Sử sách nước ta ghi: "cứ mỗi tháng vào ngày mồng một, thường triều đều mặc áo tơ gai ".Nghề dệt vải bông xuất hiện muộn hơn nhưng ít ra cũng từ các thế kĩ đầu công nguyên. Sách vở Trung Hoa gọi loại vải này là vải cát bối. Sách Lương thư giải thích: "Cát bối là tên cây, hoa nở giống như lông ngỗng, rút lấy sợi dệt thành vải trắng muốt chẳng khác gì vải đay". Kĩ thuật trồng bông dệt vải từ phương Nam du nhập sang Trung Hoa vào TK X đến TK XI, vải bông trở thành mốt đến nỗi người Trung Quốc dương thời kêu là "vải bông mặc kín cả thiên hạ".

Trong khi sở trường của phương Nam ta là các loại vải nguồn gốc thực vật thì người phương Bắc có sở trường dùng da thú là sản phầm của nghề chăn nuôi làm chất liệu mặc, thêm vào đó, da (và lông) thú lại rất phù hợp với thời tiết phương Bắc lạnh. Mùa lạnh ở Việt Nam, bên cạnh cách mặc đơn giản và rẻ tiền nhất là mặc lồng nhiều áo vào nhau, người ta may độn bông vào áo cho ấm (áo bông, áo mền). Người nông thôn còn dùng loại áo làm bằng lá gồi, gọi là áo tơi mặc đi làm đồng vừa tránh rét,tránh mưa, vừa tránh gió.

Nguồn: maxreading.com
 
Sửa lần cuối:
TÍNH LINH HOẠT, SÁNG TẠO TRONG CÁCH THIẾT KẾ TRANG PHỤC TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI VIỆT NAM QUA TỪNG THỜI KỲ

Theo chủng loại và chức năng, trang phục gồm có đồ mặc phía trên, đồ mặc phía dưới, đồ đội đầu, đồ đi chân và đồ trang sức. Theo mục đích, có trang phục lao dộng và trang phục lễ hội. Theo giới tính, thì có sự phân biệt trang phục nam và trang phục nữ. Cách thức trang phục của người Việt qua các thời đại bị chi phối bởi hai nhân tố chính, của môi trường tự nhiên hoặc có nguồn gốc từ môi trường tự nhiên - đó là: khí hậu nóng bức của vùng nhiệt đới và công việc lao động nông nghiệp trồng lúa nước.

Đồ mặc phía dưới

Đồ mặc phía dưới tiêu biểu hơn cả, ổn định hơn cả của người phụ nữ Việt Nam qua các thời đại là cái váy.

Từ thời Hùng Vương, phụ nữ đã mặc váy, lối mặc đó được bảo lưu một cách kiên trì ở nhiều nơi cho tới tận giữa thế kỉ này. Nó là đồ mặc điển hình của cả vùng Đông Nam Á và phổ biến đến mức, ở một số dân tộc Đông Nam Á, không chỉ phụ nữ, mà cả nam giới cũng mặc váy. Sở dĩ như vậy là vì mặc váy không chỉ mát, đối phó được một cách có hiệu quả với khí hậu nóng bức, mà còn rất phù hợp với công việc đồng áng.

Là thứ đồ mặc phía dưới đặc thù của phương Nam, chiếc váy khác hắn với chiếc quần có nguồn gốc từ gốc du mục Trung Á : thứ đồ mặc này phù hợp với công việc chăn nuôi cưỡi ngựa và khí hậu phương Bắc giá lạnh. Với âm mưu đồng hóa, phong kiến Trung Hoa đã nhiều lần muốn đưa chiếc quần vào thay thế cho chiếc váy của phụ nữ nước ta. Đến thời thuộc Minh, chiếc quần phụ nữ có lẽ đã phổ biến được ở một bộ phận thị dân. Bởi vậy mà vào năm 1665, vua Lê Huyền Tông đã phải ra chiếu chỉ cấm phụ nữ : không được mặc quấn để bảo tồn quốc tục mặc váy. Trong khi đó đến cuối TK. XVII, để tạo nên sự đối lập với Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở trong Nam đã lệnh cho trai gái Đàng Trong dùng quần áo Bắc quốc (Trung Hoa) để tỏ sự biến đổi. Thành ra chiếc quần gốc du mục cuối cùng đã thâm nhập vào miền Nam sớm hơn miền Bắc. Đến năm 1828, vua Minh Mạng tiếp tục học theo Trung Hoa một cách triệt để, ra chiếu chỉ cấm dân mặc váy, và đã gây nên một sự phản ứng mạnh mẽ trong dân chúng ở vùng Bắc Hà. Phản ứng bởi lẽ người dân Việt rất tự hào về chiếc váy, rất tự tin vào bản sắc và bản lĩnh văn hóa của mình : “Cái trống thì thủng hai đầu. Bên ta thì có , bên tàu thì không!”

Đối với nam giới, đồ mặc phía dưới ban đầu là chiếc khố. Khố là một mảnh vải dài quấn một hoặc nhiều vòng quanh bụng và luồn từ trước ra sau, đuôi khố thường thả phía sau (cũng có khi thả về phía trước). Khố mặc mát, phù bợp với khí hậu nóng bức và dễ thao tác trong lao động. Vì vậy, nó không chỉ là đồ mặc điển hình thời Hùng Vương mà còn được duy trì ở bộ phận dân chúng khá lâu về sau này. Thời Nguyễn các sắc lính tuy phân biệt với nhau bằng màu của thắt lưng (lễ phục) hoặc xà cạp (thường phục), nhưng vẫn dược gọi là "khố": lính khố xanh (địa phương), lính khố đỏ (quân thường trực), lính khố vàng (phục vụ vua). Ngày nay, tuy nam giới không còn đóng khố, nhưng do sự chi phối của khí hậu, lối cởi trần mặc độc một chiếc quần đùi (quần xà lỏn) lúc ở nhà vào mùa nóng ở người lớn cũng như trẻ con, nông thôn cũng như thành thị, thực ra cũng chẳng khác cách mặc cởi trần đóng khố thời Hùng Vương bao xa!

Khi chiếc quần gốc du mục thâm nhập vào thì nam giới là bộ phận tiếp thu nó sớm nhất. Điều này thật dễ hiểu, bởi lẽ nam giới (dương tính) hướng ngoại nên dễ hấp thụ văn hóa bên ngoài hơn. Quần đàn ông có hai loại : quần lá tọa và quần ống sớ. Quần lá tọa cho ống rộng và thẳng, đũng sâu, cạp quần (miền Nam gọi là lưng quần) to bản. Khi mặc, người ta buộc dây thắt lưng ra ngoài cạp rồi thả phần cạp thừa phía trần rủ xuống ra ngoài thắt lưng (vì thế nên có tên gọi là "lá tọa"). Quần lá tọa chính là loại quần được sáng tạo phù hợp với môi trường khí hậu nóng bức của ta (do có ống rộng nên mặc mát chẳng thua kém gì cái váy của phụ nữ), và có thể sử dụng rất linh hoạt thích hợp với lao động đồng áng đa dạng - ở mỗi loại ruộng khác nhau (ruộng cạn, ruộng nước, nước nông, nước sâu), người đàn ông có thể điều chỉnh cho ống quần cao hoặc thấp rất dễ dàng bằng cách kéo cạp (lưng) quần lên hoặc xuống (chính vì vậy mà quần có đũng sâu). Ngày lễ hội, nam giới dùng quần ống sớ : quần màu trắng có ống hẹp, đũng cao gọn gàng, đẹp mắt.

Đồ mặc phía trên

Đồ mặc phía trên của phụ nữ ổn định nhất qua các thời đại là cái yếm. Yếm là đồ mặc mang tính chất thuần tuý Việt Nam, thường do phụ nữ tự cắt-may-nhuộm lấy, với nhiều kiểu cổ, nhiều màu phong phú: yếm nâu để đi làm thường ngày ở nông thôn; yếm trắng thường ngày ở thành thị; yếm hồng, yếm đào, yếm thấm... dùng vào những ngày lễ hội. Yếm dùng để che ngực cho nên nó trở thành biểu tượng của nữ tính (khi giặt phải phơi phóng ở chỗ kín đáo), và có sức quyến rũ mãnh liệt:
“Ba cô đội gạo lên chùa,

Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.

Sư về sư ốm tương tư

ốm lăn ôm lóc cho sư trọc đầu...”

Yếm và những bộ phận của yếm trở thành biểu tượng của tình yêu:

“Yếm trắng mà vã nước hồ;

Vã đi vã lại anh đồ yêu thương”

Để đối phó với khí hậu nóng bức, phụ nữ khi làm lụng, nhất là trong bóng râm, dù là vào thời Hùng Vương hay là đầu TK. XX vẫn thường mặc váy-yếm với hai tay và lưng để trần. Phụ nữ nhiều dân tộc ít người đến nay vẫn mặc váy cởi trần.

Đàn ông khi lao động thì thường cởi trần. Các thành ngữ "váy vận, yếm mang" (đối với phụ nữ) và "cởi trần đóng khố" (đối với nam giới) miêu tả rất chính xác trang phục lao động truyền thống. Cách mặc với mục đích đối phó với môi trường tự nhiên này dần dần trở thành một quan niệm về cái đẹp của người Việt Nam cổ truyền: “Đàn ông đóng khố đuôi lươn. Đàn bà yêm thắm hở lườn mới xinh”. Khi lao động và trong những hoạt động bình thường, nam nữ cũng thường mặc áo ngắn có hai túi phía dưới, có thể xẻ tà hai bên hông hoặc bít tà; ngoài Bắc gọi là áo cánh, trong Nam gọi là áo bà ba, áo có đính cúc nhưng phụ nữ khi mặc thường không cài cúc vừa để cho mát, vừa để hở cái yếm trắng làm duyên.

Dịp lễ hội, người Việt thường mặc áo dài , từ TK. XIX đến sau 1945 ở miền Trung và Nam, cũng như ở một số vùng miền Bắc, người ta mặc áo dài thường xuyên, kể cả khi lao động nặng nhọc, áo dài phụ nữ phân biệt áo tứ thân và năm thân. Phổ biến hơn cả là áo tứ thân. Áo tứ thân may từ bốn mảnh vải, hai mảnh sau ghép liền ở giữa sống lưng, đằng trước là hai tà (vạt) áo không có khuy; khi mặc bỏ buông hoặc buộc thắt hai vạt vào nhau. Theo sách Văn hiên thông khảo của Mã Đoan Lâm. ở Giao Chỉ thời xưa, "người có địa vị trong xã hội đều mặc áo dài... Lễ lạt thì mặc thêm áo rộng màu thẫm trùm lên, gồm có bốn vạt, gọi là tứ thân ". Áo năm thân cũng may như áo tứ thân, chỉ có điều vạt trước phía trái may ghép từ hai thân vải, thành ra rộng gấp đôi vạt phải, để bên ngoài, gọi là vạt cả, đè lên vạt phải để bên trong, gọi là vạt con. Với cái áo năm thân có vạt trái lớn hơn và nằm ngoài vạt phải, ta lại bất gặp một biểu hiện đầy thú vị của triết lí coi trọng bên trái (bên Đông, bên nông nghiệp) hơn bên phải (bên Tây, bên du mục). Cùng với ý nghĩa này, người Việt cổ còn có tập quán cài cúc áo bên trái (người Trung Hoa gọi lối mặc cài khuy bên trái của ta là tả nhậm); về sau ở đàn ông, lối mặc này đã bị thay bằng lối mặc cài khuy bên phải của Trung Hoa.

Dịp hội hè, phụ nữ xưa hay mặc áo lối mớ ba, mớ bảy, tức là mặc nhiều áo cánh lồng vào nhau. Tuy nhiên, với phong cách tế nhị, kín đáo truyền thống, người phụ nữ Việt mặc cái áo dài màu thâm hoặc nâu phía bên ngoài lấp ló bên trong mới là các lớp áo cánh nhiều màu (vàng mỡ gà' vàng chanh, hồng cánh sen, hồng đào, xanh hồ thủy....). Ở Nam Bộ. nơi khí hậu nóng quanh năm, "áo mớ" dược thay bằng áo cặp (2 cái.).

Về mặt màu sắc. màu ưa thích truyền thống của người miền Bắc là màu nâu gụ - màu của đất; màu ưa thích của người Nam Bộ là màu đen - màu của bùn; người xứ Huế thì ưa màu tím trang nhã. Mấy chục năm gần đây, do ảnh hưởng của phương Tây, màu sắc trang phục đã trở nên hết sức đa dạng. Tuy nhiên, trong quan niệm nhân dân thì màu hồng, màu đỏ vẫn là màu của sự may mắn, tốt đẹp, màu "đại cát". Ở nông thôn hiện nay, khi làm lễ cưới trước bàn thờ gia tiên, chú rể có thể mặc âu phục (nam giới dương tính hướng ngoại), còn cô dâu thường vẫn mặc áo dài màu đỏ hoặc hồng chứ không mặc màu trắng là màu mà truyền thống Việt Nam.

Do ảnh hưởng sự giao lưu với phương Tây, từ những năm 30 của thế kỉ này, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành chiếc áo dài tân thời. Khởi đầu từ những sáng kiến của hai họa sĩ Lê Phổ và Cát Tường, với sự sàng lọc, bổ sung, sửa đổi của người sử dụng, chiếc áo dài tân thời đã trở thành một sản phẩm sáng tạo tập thể, nó kết hợp được một cách xuất sắc truyền thống dân tộc với ảnh hưởng Tây phương: bên cạnh những cải tiến đáng kể theo hướng tăng cường phô trương cái đẹp cơ thể một cách trực tiếp kiểu Tây phương (dương tính hóa) (như đa dạng hóa về màu sắc; áo được thu gọn cho ôm sát thân làm nổi ngực, bó eo hơn; bỏ áo cánh, áo lót và xẻ tà áo hai bên sườn cao hơn cho hở lườn,... ) thì áo dài tân thời lại cũng đồng thời kế tục và phát triển cao độ phong cách tế nhị, kín đáo cổ truyền (âm tính hóa): trong khi áo tứ thân cổ truyền buông hai vạt trước bay phấp phới thì áo dài tân thời ghép hai thân trước thành một vạt dài kín đáo hơn; trong khi áo tứ thân cổ truyền để hở ngực yếm, hở cổ thì kiểu áo dài tân thời dược ưa chuộng nhất là kiểu có cổ nhỏ cao... Nhờ vậy, chiếc áo dài tân thời khiến cho người phụ nữ mặc nó nhìn chung và nhìn từ phía trước hết sức kín đáo đoan trang mà vẫn không kém phần quyến rũ. Còn nếu nhìn nghiêng từ bên hông thì càng thấy sức quyến rũ tăng lên gấp bội phần. Chính sự khêu gợi một cách tế nhị kín đáo, tính cách dương ở trong âm đặc biệt này vừa đáp ứng được yêu cầu của thời đại, lại vừa duy trì được bản sắc dân tộc, khiến cho chỉ trong một thời gian ngắn, chiếc áo dài tân thời đã được phổ biến rộng rãi với các phong cách địa phương Hà Nội, Sài Gòn, Huế và trở thành biểu tượng cho y phục truyền thống Việt Nam.

Đàn ông vào dịp hội hè cũng mặc áo dài, thường là áo the đen. Giới thượng lưu thì mặc áo dài cả trong sinh hoạt thường ngày.

Đồ đội đầu, đồ trang sức

Bên cạnh hai bộ phận cơ bản là đồ mặc trên và dưới (quần áo sống áo), trang phục Việt Nam còn có những bộ phận khác không kém điển hình như thắt hông, đồ đội đầu, đồ trang sức. Thắt lưng (thường làm bằng vải) là bộ phận phụ với mục đích ban đầu phục vụ cả nam lẫn nữ là giữ cho đồ mặc dưới khỏi tuột (với mục đích này, thắt lưng có thể bằng một sợi dây, gọi là dải rút), rồi phát sinh thêm mục đích giữ áo dài cho gọn. Và mục đích thứ ba là tôn tạo cái đẹp cơ thể của phụ nữ. Các bà các chị còn dùng thêm thắt lưng bao (còn gọi là ruột tượng) để kiêm nhiệm mục đích thứ tư là làm túi dựng đỗ vặt (tiền, trầu cau....).
Khi lao động đồng áng, người Việt Nam thường di chân đất, khi hội hè hoặc ở thành thị. thì đi dép (theo chất liệu có dép da, dép dừa, dép cói, dép cao su,...), đi guốc (làm bằng gỗ), đi hài (đối với phụ nữ), đi giày (đối với nam giới). Trên đầu thường đội khăn. Phụ nữ trước đây để tóc dài và vấn tóc bằng một mảnh vải dài cuộn lại dể trên đầu (gọi là cái vấn tóc), đuôi tóc để chứa ra một ít gọi là tóc đuôi gà : “ Một thương tóc để đuôi gà. Hai thương ăn nói mặn mà có duyên”. Nguyễn Nhược Pháp trong bài thơ Chùa Hương đã miêu tả rất chính xác trang phục của có gái quê : “Khăn nhỏ, đuôi gà cao- Em đeo giải yêm đào- Quần lĩnh, áo the mới - Tay em cầm chiếc nón quai thao..”

Có thể phủ ra ngoài cái vấn tóc là cái khăn vuông, chít hình mỏ quạ vào mùa lạnh (có mỏ nhọn phía trước. hai đầu buộc dưới cằm) hoặc hình đồng tiền vào mùa nóng (như khăn mỏ quạ, nhưng hai đầu buộc ra sau). Đàn ông trước đây để tóc dài búi lại thành một búi tròn trên đầu gọi là búi tó, búi củ hành. Khi làm lụng, người đàn ông vấn khăn đầu rìu, lúc sang trọng thì đội khăn xếp. Người Nam Bộ thường đội khăn rằn .

Trên khăn hoặc thay cho khăn là nón để che mưa nắng. Nón thường có khung tre và lợp lá gồi. Nón chóp nhọn đầu; nón thúng rộng vành; nón ba tầm như nón thúng nhưng mảnh dẻ hơn - các loại nón này đều phải có quai để giữ, nón quai thao (làm bầng vải thao) là loại phổ biến hơn cả. Huế nổi tiếng với nón bài thơ - một loại nón mỏng giơ lên ánh sáng nhìn thấy những hình trang trí bên trong (xưa có bài thơ). Mũ là loại đồ đội đầu ôm sát và kín tóc (miền Nam gọi chung cả mũ nón là "nón"). Vua xưa đội mũ miện; quan văn xưa đội mũ cánh chuồn (có hai. cánh hai bên); tướng ra trận đội mũ trụ (bằng chất liệu cứng để chống binh khí); sư sãi và người già đội mũ ni (có diềm che kín tai và gáy, bởi vậy mới có thành ngữ "mũ ni che tai"); trẻ con đội mũ thóp (để bảo vệ thóp thở ở đỉnh đầu); sau này còn có mũ lưỡi trai, mũ ca-lô, mũ cát.

Về cách trang sức thì từ thời Hùng Vương, người Việt Nam đã rất thích đeo vòng - vòng tai. Vòng cổ, vòng tay, vòng chân (vòng tai có thể nặng làm trễ dái tai xuống, dẫn đến tục căng tai ở một số dân tộc miền núi). Lối tư duy tổng hợp truyền thống luôn là nguồn gốc của một nếp sống thiết thực : khi ăn thì kết hợp để chữa bệnh. ngay cả khi làm đẹp. Người Việt Nam cũng luôn kết hợp sao cho cái đẹp đó có ích cho cuộc sống, cho sức khỏe. Thời Hùng Vương có tục xăm mình theo hình cá sấu để nó khỏi làm hại (tục này đến tận thời Trần vẫn được duy trì). Tục nhuộm răng đen có tác dụng vừa để bảo vệ răng vừa để trang điểm (ca dao có câu : Răng đen ai nhuộm cho mình - Để duyên mình đẹp, để tình anh say). Tục ăn trầu để đỏ môi và để trừ sơn lam chướng khí, cũng rất phổ biến là tục nhuộm móng tay, móng chân bằng thảo mộc (lá móng) để trừ tà ma và để làm đẹp. Như vậy, trong việc trang phục, người Việt Nam đã có cách ứng xử rất linh hoạt đặng đối phó với khí hậu nhiệt đới nóng bức và công việc nhà nông làm ruộng nước. Cách may mặc, cùng với chức năng đối phó với môi trường tự nhiên, còn luôn hướng tới mục đích làm đẹp cho con người; nhưng đó luôn là một cái đẹp tế nhị, kín đáo.

Nguồn: maxreading.com
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top