• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Lịch sử Nhật Bản - A history of Japan

ngan trang

New member
Tác giả: R.H.P Mason & J.G.Caiger

Người dịch: Nguyễn Văn Sỹ

Nhà xuất bản Lao Động, 2003


Phần I

Nhật Bản thời xưa​


Chương 1: Môi trường và vấn đề định cư ngày đầu

Nhật Bản ngày xưa cũng như những dân tộc khác đã tạo nên những câu chuyện thần thoại để giải thích nguồn gốc tổ quốc họ. Từ thời xa xưa, trong quá khứ, đã có một câu chuyện thần thoại kể rằng có hai vị thần đứng trên Cầu Nổi trên Thiên Đình nhìn xuống hạ giới, không biết dưới chân mình có đất hay không, hai vị bèn lấy một cây giáo nạm ngọc chọc thẳng xuống biển. Giọt nước biển từ mũi giáo rỏ xuống tạo thành một hòn đảo. Hai vị thần bay xuống đảo, một nam, một nữ, dựng nên một cột trụ. Sau khi hai vị nhảy múa và chuyện trò với nhau (vị thần nam nói trước) họ tạo ra được tám hòn đảo chính của nước Nhật.

Gần đây, người Nhật không thiên về thuyết tạo dựng nước Nhật của hai vị thần Izanagi và Izanami, mà người ta tìm đến công việc của các nhà khảo cổ cùng các đồng nghiệp, các nhà khoa học của họ, để tìm cách giải thích hợp lý hơn về sự hình thành đất nước cũng như vấn đề định cư ở đây từ thuở ban đầu... Tuy nhiên, những câu chuyện cổ vẫn khiến người ta chú ý đến sự kiện đất nước này gồm một chuỗi những hòn đảo, và hình thái này là một cái gì đã ảnh hưởng đến người dân ở đây trong suốt chiều dài lịch sử.

Nhật Bản có hình thế một chuỗi các hòn đảo rừ cách đây khoảng 20000 năm. Những sức mạnh thiên nhiên dữ dội đã cắt khỏi lục địa châu Á bốn đảo lớn nhất của Nhật cùng hàng mấy trăm những hòn đảo tạo thành một vòng cung trải dài hơn 2400 cây số. Thời xưa, những hòn đảo này về phương Nam nối liền với Siberi, tạo biển Nhật Bản thành một cái hồ mênh mông. Do nước biển ngày một nâng cao, thoạt tiên là những cầu đất nối ở phương Nam bị dìm xuống, sau đến những cầu đất phương Bắc. Chính trong thời địa hình thay đổi như vậy mà con người bắt đầu di chuyển đến sinh cơ lập nghiệp tại đây.
 
Đã có thời những nhà khảo cổ học Nhật cho là con người đến sống ở đây sớm nhất cũng chỉ là trong những năm 5000 trước Công nguyên và những người dân đầu tiên đã biết dùng đồ gốm. Giờ đây họ tin chắc những người dân không dùng đồ gốm đã đến cư ngụ ở Nhật từ thời xa xưa hơn nhiều, và tuy không biết đích xác, nhưng hầu hết họ cho là khoảng 30000 năm về trước. Và người ta cũng không biết họ từ châu Á qua Nhật như thế nào, nhưng có lẽ là qua những cầu đất. Những cư dân ban đầu tại Nhật được biết đến chủ yếu do những dụng cụ bằng đá như những mũi dao, mảnh lưỡi gươm, những cái nạo, những lưỡi dao, rìu tay... qua những di vật để lại trong những hang hốc con người ở và những bộ xương người đã tìm thấy.

2010-02-20_205227.jpg
Hình ở giữa là một bình dày và dễ vỡ là hình tái tạo của một bình gốm thời cổ xa xưa ở Nhật, đoán chừng dùng vào nhiều việc; hình bên trái là một cái lọ vào giữa thời Jomon, có đặc điểm trang trí cầu kỳ (hoa văn vặn thừng); hình bên phải là cái bình để đựng, cho thấy điển hình đơn giản của các bình lọ thời Yayoi.

Nghề gốm, một minh chứng về mặt thời gian của một dân tộc phát triển, được làm ở Nhật Bản từ thế kỷ thứ X trước Công nguyên, thời điểm này là thời điểm sớm nhất trên thế giới; nhưng khi đã có những kỹ thuật tiên tiến được sử dụng rộng rãi trong việc khám phá, khảo sát về sự cư trú sớm tại những khu vực lân cận Triều Tiên, Trung Quốc và Siberi thì sự phát triển của những ngày đầu của nghề gốm ở Nhật Bản có thể được nhìn theo cách khác. Tuy nhiên, những đặc tính về nghệ thuật của nghề gốm thay đổi theo cách dùng mới đã tiến triển và đạt được nhiều tác dụng trang trí, đạt đến trình độ bậc cao và đó cũng là một nét quan trọng về sự thay đổi theo vùng. Nghệ thuật đó có tên Jomon (vặn thừng) và cũng cái tên đó được người ta đặt tên cho nền văn hóa có liên quan đến nghệ thuật gốm này.

Những gì chúng ta biết về cách sống của người Jomon xuất phát từ những vật liệu được tìm thấy trong những hang động họ ở và những đống phế thải còn lại.

Họ sống bằng nghề lượm hái, săn bắn và đánh cá, nhưng về sau họ cũng thực hiện việc cày cấy vào khoảng thế kỷ V trước Công nguyên. Khi đã làm chủ được môi trường xung quanh, trong một thời, họ đã định cư sinh sống, cắm trại ở ven sông, suối, trên núi và gần bãi biển. Những mồ mả, đống vỏ sò hến mà người dân Jomon để lại là những bằng chứng đầy đủ về cách sống của họ và cho ta thấy họ đã từng săn hươu nai, lợn lòi và nhiều thú vật khác bằng cung tên và dùng lao móc hay các lưỡi câu bằng xương cá để đánh cá. Rất nhiều hài cốt của người Jomon đã được bảo toàn ở những nấm mồ nhờ có chất vôi của các vỏ sò đã tác động lên xác chết như một chất trung hòa (vì khí hậu ẩm ướt và chất axit có trong đất ở Nhật Bản nên những hài cốt chôn ở những nấm mồ không có vỏ sò, vỏ hến bị tiêu hủy rất nhanh). Thật khó nói rằng bằng các hài cốt của người Jomon mà cho rằng họ là tổ tiên của người Nhật hiện đại; chúng ta không thể biết rõ người Jomon có phải tổ tiên của những người dân tạo ra sự biến đổi sau này và cũng là sự thay đổi lớn nhất trong lịch sử của nước Nhật.
 
Sự thay đổi này là đưa những hình thức làm nông nghiệp khá phức tạp vào một môi trường thuận lợi. Về mùa đông, do ở gần lục địa châu Á nên Nhật Bản có khí hậu không khác lắm với những vùng ven Siberi mặc dù gió từ Siberi sau khi thổi qua biển Nhật bản không còn khô và lạnh nữa. Về màu hè, với gió mang hơi ẩm nóng ấm thổi về lục địa, nhìn Nhật Bản càng thấy rõ đấy là một chuỗi các hòn đảo ở Thái Bình Dương. Những đợt gió mùa thổi từ đại dương sẽ mang lại mưa nhiều vào mùa hạ giúp cho cây lúa phát triển tốt. Nghề làm lúa nước được hình thành ở miền Tây Nhật Bản ít lâu sau thế kỷ V trước Công nguyên, có lẽ là do những người di cư từ lục địa chạy sang tránh loạn lạc xảy ra trong nước.

Những mảnh đất trong các thung lũng và trên các cánh đồng, bờ biển đã được san phẳng, tưới tiêu, công việc đòi hỏi phải có sự phối hợp của cả một cộng đồng. Tương tự như vậy, việc trồng lúa, cấy, gặt cũng đòi hỏi sự chung sức của cả một cộng đồng. Con số những người dân di cư và các kiến thức của họ lan rộng nhanh chóng từ tây sang đông giúp cho có thể cùng một chỗ sống được một số dân đông đúc hơn nhiều. Những làng mạc ổn định bắt đầu xuất hiện. Theo cách đó, ở Nhật cũng như ở các nơi kahcs, nghề nông đã buết sử dụng một cách hiệu quả hơn đất đai xung quanh. Ngoài những bằng chứng gián tiếp về việc trồng lúa như liềm bằng đá, cuốc gỗ, những hạt gạo rang và trấu đã được tìm thấy trong các chum lọ, hay được in trên các bình. QUa những phát hiện đó ta có thể nói việc trồng lúa bắt nguồn từ miền Đông Trung Quốc, tuy cũng có thể là từ miền Bắc Trung Quốc và Triều Tiên.

Lại một lần nữa, nghề gốm đã được đặt tên cho nền văn hóa của những người đã sáng tạo ra nó. Cái tên Yayoi, theo tên một huyện của Tokyo, nơi lần đầu tiên loại bình gốm đơn giản, cân đối đó được tìm thấy vào năm 1884, được dùng để gọi tên một thời kỳ trong lịch sử Nhật Bản khi việc trồng lúa, làm dụng cụ kim loại và làm quần áo cũng như nghề làm gốm được đưa vào từ lục địa châu Á sang.
 
Cuối cùng thì những dụng cụ, vũ khí và các thanh gươm bằng đồng, bằng thép đã được chế tạo tại Nhật Bản. Những đồ vật bằng đồng (kiếm, gươm và một vật giống như chuông mà người Nhật thường gọi là dotaku) dường như chỉ được sử dụng như biểu tượng của uy quyền và trong những lễ nghi tôn giáo, còn sắt thép thì được nhà nông và người xây dựng sử dụng. Lưỡi thép sẽ làm tăng rất nhiều hiệu quả của những dụng cụ thường nhật để làm những việc như đẽo gỗ, làm mai, cào, cuốc và chẻ những thanh gỗ để củng cố các lối đi giữa những cánh đồng lúa. Những dụng cụ bằng gỗ dùng trong nông nghiệp thời Yayoi và còn nguyên vẹn được lấp trong bùn, trông rất giống những dụng cụ cách đây hơn 100 năm. Chỉ đến thế kỷ XX lao động mệt nhọc của con người mới được giảm nhẹ do việc sử dụng máy móc, điều đó đã tạo nên những tác động sâu sắc trong xã hội.


2010-02-23_204013.jpg
Chiếc vũ khí dẹt bằng đồng là mũi giáo (bên trái) của dân địa phương làm, bắt chước mẫu của lục địa. ở Nhật thời đó có khuynh hướng bắt chước để tạo nên những vật làm trong nghi thức lễ lạt (huy hiệu công sở) hơn là dùng làm vũ khí chiến tranh. Toàn bộ cái gương (ở giữa) bắt nguồn từ Trung Quốc, nhưng các hình vẽ bên dưới cho thấy phần trung tâm chiếc gương làm về sau ở Nhật Bản có trang trí hình một nhà kho được xây dựng thời Yayoi. Những chiếc chuông đồng (bên phải) với thiết kế mang tính đặc trưng của dân tộc Nhật Bản, cho thấy trình độ điêu luyện mà người dân Nhật đã đạt tới trong thời Yayoi.

Mặc dù đã có những phát triển kể trên, người Nhật vẫn chưa được văn minh như người Trung Quốc, vì họ chưa có chữ viết, họ vẫn còn là những người tiền sử trước những năm 400 sau Công nguyên. Tuy nhiên, những sách vở Trung Quốc, chắc hẳn hầu hết dựa trên những điều thuật lại của những người đi du lịch, đã cho ta vẽ nên một bức tranh về cuộc sống người Nhật thời đó. Đoạn sau đây trích từ cuốn sử Trung Quốc ở thế kỷ III có bao gồm một phần nói về vùng đất Wa (Nhật Bản):


Trích:
"Tập tục xã hội của người Wa rất kỵ thói dâm dục. Đàn ông quấn một cái khăn vải lên đầu để hở chỏm. Quần áo của họ quấn quanh người với một ít mũi khâu. Phụ nữ để tóc quấn quanh đầu. Quần áo của họ giống như tấm nệm trải giường, không có lót, khi mặc thì chui qua một cái lỗ ở giữa mảnh vải. Người dân ở đây trồng ngô, lúa, cây gai, trồng dâu nuôi tằm. Họ quay tơ và dệt thành những tấm vải, lụa rất đẹp. Ở đây không có trâu bò, ngựa, hổ, báo, cừu, chim ác là. Vũ khí của họ là những giáo, khiên và cung bằng gỗ với hình dáng: phần dưới ngắn, phần trên dài. Mũi tên bằng tre đôi khi có đầu bịt thép, hoặc xương...

Khí hậu ở Wa ấm và dễ chịu. Mùa đông cũng như mùa hè, người dân sống bằng các thứ rau và đi chân đất. Nhà của họ có nhiều buồng; cha mẹ, người già, người trẻ ở riêng phòng. Họ tô vẽ trên người với màu hồng và đỏ cũng như người Trung Quốc dùng phấn. Trong bữa ăn, thịt được đựng trên những cái đĩa bằng tre, bằng gỗ và họ dùng tay bốc thức ăn. Khi có người chết, họ chuẩn bị một cái áo quan không có quách ở ngoài. Họ lấp mộ bằng cát để tạo thành một nấm mồ. Trong nhà có đám tang, người nhà khóc hơn 10 ngày, trong thời gian đó họ không ăn thịt. Những người để tang khóc lóc, than vãn, trong khi đó bạn bè của họ hát, nhảy múa và uống rượu. Khi lễ tang xong tất cả thành viên trong gia đình xuống chỗ có nước để tắm cho người tinh khiết.

Khi vượt biển sang Trung Quốc, họ thường chọn một người đàn ông để tóc bù xù, mặc cho ruồi rận bám, quần áo bẩn thỉu, không ăn thịt và cũng không gần phụ nữ. Người đàn ông này sống như một người để tang và người ta coi anh là người giữ của. Khi chuyến đi thuận lợi, họ sẽ cho người này nhiều nô lệ và nhiều của cải. Trong trường hợp xảy ra bệnh tật hoặc gặp chuyện không may, người đàn ông này sẽ bị giết vì họ cho rằng anh ta đã không làm hết bổn phận".
 
Qua những chuyện kể trên, ta thấy Nhật Bản thời đó rõ ràng thuộc một phần của nền văn minh lúa nước, sử dụng đồ kim loại ở miền Đông Á, nhưng chưa đạt được trình độ cao, người Nhật Bản còn xa mới đạt được độ thống nhất của một đế quốc tập trung hùng cường như đôi khi Trung Quốc đã có được. Tuy nhiên, cuối cùng, và theo cách riêng của họ, Nhật Bản ít lâu sau cũng đã đạt được đến mức độ thống nhất đáng kể về mặt chính trị và văn hóa. Những giai đoạn sớm của trình độ phát triển này ở những vùng trung tâm miền Bắc Kyushu, miền Đông và trung tâm Honshu, và miền Bắc Shikoku đều không có sử sách chép lại sau nhiều năm đã qua, nhưng các nhà khảo cổ giờ đây đã phát hiện càng ngày càng nhiều chi tiết về những giai đoạn đầu tiên trở thành một quốc gia văn minh của Nhật Bản. Người ta đã khai quật được di chỉ của người dân thời Yayoi, cho thấy có một số người đã được ưu đãi cả lúc sống cũng như lúc chết. Sự phát hiện này cũng đã tạo nên niềm phấn khích vì sự phân biệt này được coi là một bước quan trọng trong quá trình chọn lọc xã hội, đã tạo nên một số gia đình nắm được quyền hành lớn hơn trong các cộng đồng nông nghiệp. Chẳng hạn như việc tiếp tục khai quật ở Yoshinogari cho thấy có cả một tập thể công trình kiến trúc Yayoi với những công trình bảo vệ và sự phân hóa tầng lớp xã hội rõ ràng. Tuy từ trước có những vùng di chỉ chưa được khai quật trên một diện rộng như vậy, nhưng những nơi tương tự như ở Yoshinogari, thường cũng thấy ở nhiều vùng miền Tây của quần đảo Nhật bản trong thời kỳ Yayoi.
 
Chương II: Yamato​


Có nhiều huyền thoại Nhật Bản đã trả lời cụ thể câu hỏi... Quốc giá Nhật được hình thành từ bao giờ ? Jimmu, vị hoàng đế đầu tiên của Nhật lên ngôi ngày 11 tháng 2 (ngày đầu xuân) năm 660 trước Công nguyên tại cung điện của nhà vua ở Yamato.

Các nhà viết huyền thoại có thể nói chắc chắn, nhưng các sử gia hiện đại nói không chắc chắn lắm rằng một trung tâm quyền lực chính trị ở Yamato đã bắt đầu được thành lập vào cuối thế kỷ III hoặc cuối thế kỷ IV sau Công nguyên. Họ coi năm 660 trước Công nguyên là quá sớm khoảng 1000 năm.

Giai đoạn bắt đầu thống nhất chính trị

Các sử gia hiện đại giải quyết vấn đề tìm niên đại cho thời bắt đầu thống nhất chính trị như thế nào ? Họ phân tích, phê phán những câu chuyện cổ của Nhật Bản là có nhiều tư liệu huyền thoại, và giải thích những gì họ phát hiện thấy. Các sử gia không bác bỏ niên đại 660 trước Công nguyên chỉ vì nó là một niên đại do trí tưởng tượng của những người thời xưa tùy tiện đặt ra, nhưng theo những tính toán hợp lí cho thấy niên đại đó đã được đặt ra dựa trên các giả thuyết mà ta không thể chấp nhận được. Các học giả đầu tiên đặt ra niên đại đó đều dựa trên các khái niệm về chu kì thời gian cảu Trung Quốc. Những chu kì đó kéo dài 60 năm (ta gọi là một giáp) và năm thứ 58 của mỗi chu kì thường được nói là sẽ có một sự thay đổi đáng kể.Năm 601 sau Công nguyên là năm thứ 58 của một trong những chu kì và thực tế ở thời điểm đó đã có những thay đổi rất quan trọng. Người Trung Quốc tin rằng vào năm thứ 58 của mỗi lần 21 giáp nghĩa là cứ sau 1260 năm lại có một sự kiện hết sức to lớn xảy ra.

Tính ngược lại từ năm 601 sau Công nguyên thì trước đó 1260 năm, niên đại lên ngôi của vị hoàng đế đầu tiên, một sự kiện hết sức quan trọng là năm 660 trước Công nguyên.
 
Cá sử gia hiện đại thay niên đại 660 trước Công nguyên, nhưng không cho rằng những huyền thoại và những câu chuyện ngày xưa là vô nghĩa, mà bằng cách xem xét lại những câu chuyện lịch sử ngày xưa thậm chí cả những sách vở có từ năm 25 sau Công nguyên và một kho phong phú ngày càng có rất nhiều những phát hiện về khảo cổ học. Đấy chính là những câu chuyện Trung Quốc kể về cuộc sống chính trị của Nhật Bản những năm thoạt đầu thời cận đại xa xưa.

Người Trung Quốc kể rằng ở giữa thế kỷ III, người Nhật sống không thành một quốc gia thống nhất mà thành hơn một trăm cộng đồng nhỏ và sau thu gọn lại thành 30 tiểu quốc. Một tiểu quốc mà sử sách Trung Quốc quan tâm đến nhất là tiểu quốc được thống trị bởi một nữ hoàng.

Trích:
Người thống trị tiểu quốc này trước kia là một người đàn ông. Sau 70-80 năm, đất nước rối loạn và có chiến tranh, do đó người dân đã tôn một người phụ nữ lên ngôi, tên bà là Pimiko. Nữ vương này dùng ma thuật để mê hoặc dân chúng. Tuy nhiều tuổi nhưng bà ta vẫn sống độc thân và có một người em trai phụ tá trong việc cai quản đất nước. Sau khi trở thành Nữ hoàng, có rất ít người được gặp bà. Bà có một nghìn nữ tì, nhưng chỉ có một người đàn ông được hầu hạ. Người này vừa hầu hạ bà trong việc ăn uống, vừa là sứ giả truyền mệnh lệnh. Nữ hoàng sống trong một cung điện xung quanh có nhiều thành lũy che chở với nhiều quân lính canh gác ngày đêm.
Nữ hoàng Pimiko (Himiko) được miêu tả như một ni cô nắm quyền chính trị và tôn giáo. Bà cai quản vùng Yamatai. Phải chăng vùng Yamatai như người Trung Quốc nghĩ, là trung tâm của cả đất nước Nhật Bản ? Điều đó không có gì là chắc chắn.

Nếu theo đúng sử sách của Trung Quốc thì Yamatai chỉ có thể ở miền Nam Nhật bản, trong Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nếu chỉnh lý theo những khoảng cách được nêu trong sử sách Trung Quốc, thì Yamatai nằm ở bờ biển phía tây của hòn đảo Kyushu. Nếu điều chỉnh theo hướng chứ không theo khoảng cách thì Yamatai lại được đặt ở trung tâm Nhật Bản, có tên là Yamato, nơi đây theo truyền thống và những chứng minh của khảo cổ thì quả là nơi đã có một phần thống nhất về chính trị. Việc bàn cãi về địa điểm đích thực của Yamatai đã tiếp diễn trong nhiều thế kỷ và hiện nay vẫn còn đang tiếp diễn.

Những tài liệu Trung Quốc thời đó không miêu tả một cách hết sức chắc chắn về triều đình Yamato, là nơi trong truyền thuyết cũng như các sử gia hiên đại đều thừa nhận đó là cái nôi phát sinh ra nhà nước Nhật Bản. Những tài liệu đó nhấn mạnh, cũng như những nhà bác học Trung Quốc viết, là Nhật Bản hồi đó còn chưa phải là một đơn vị chính trị thống nhất từ 221 đến 265 trước Công nguyên, và sự thật những vùng như Izumo (huyện Shimane) và Kibi (huyện Okayama) có thể cũng như Yamatai - Yamato đều là những nhà nước mới phôi thai.

2010-03-05_232104.jpg
 
Điều không may là sự giao tiếp, tiếp xúc của Trung Quốc với Nhật Bản không phải là thường xuyên, cho nên tất cả những sự thay đổi về sau này, về vấn đề tập trung quyền lực, không được những sử gia cận đại viêt ra, phải bốn hoặc năm thế kỷ sau ở Nhật Bản mới có tài liệu viết về vấn đề Hoàng tộc. Tất cả những tài liệu của người bản xứ đều nói trung tâm lớn về quyền lực chính trị đều đặt ở vùng Yamato và ảnh hưởng của Yamato lan rộng ra những nơi khác. Nhưng những tài liệu này không được chính xác và thường có những sai sót; nhiệm vụ của các nhà khảo cổ hiện đại là cung cấp nhiều thông tin chính xác hơn nữa, trên hết là về vấn đề các niên đại. Việc quản lý cai trị các tỉnh miền đông cũng dần dần được thiết lập, ảnh hưởng của Yamato thoạt tiên là ở miền tây đất nước, trải rộng cho đến vùng Mimana sát Triều Tiên. Thậm chí vùng này rất rộng và các nhà thống trị Yamato đã để lại nhiều công trình nguy nga về quyền chiếm lĩnh đất đai của họ dưới hình thức những lăng mộ mà người ta gọi là kofun (mộ cổ). Thoạt đầu, vào cuối thế kỷ III hoặc đầu thế kỷ IV, các lăng mộ còn tương đối nhỏ và được xây dựng trên những khu đồi tự nhiên. Vào thế kỷ V, quyền lực của các nhà thống trị Yamato đã lớn mạnh, xét qua qui mô lớn của các phần mộ của họ. Những lăng mộ đó vẫn được xây trên những cánh đồng như những khu đồi nhỏ. Kích thước đo đạc, kỹ thuật xây dựng và các vật trang trí đều đã được tiêu chuẩn hóa và xung quanh phần mộ là những hào sâu có hình dáng đặc biệt hình lỗ khóa. Nhìn từ dưới đất lên, lăng mộ lớn quá không thấy được rõ, phải có những ảnh chụp từ trên không mới thấy những lăng mộ đó cũng lớn như các kim tự tháp, tuy không cao được như thế. Lăng mộ lớn nhất là của Thiên hoàng Nintoku, nằm ở vùng Osaka hiện nay, trên một khoảng đất 32 ha và dài là 821 mét kể cả các hào xung quanh.

2010-03-05_234150.jpg

Những lăng mộ hình "lỗ khóa" cùng những hòa lũy xung quanh giờ đây thấy có rải rác gần những khu dân cư gần Osaka. Lăng mộ lớn nhất của Hoàng đế Ojin có chiều dài 415 mét và chiều cao 35 mét.Qui mô của những mộ nhỏ hơn được đánh dấu bằng một hình cây cắm trên một khu mộ trong miền đồng bằng Kantoveef phía đông khu chính của các phần mộ.
 
Tương truyền việc xây lăng mộ này phải mất 20 năm mới hoàn thành. Các nhà thống trị Yamato đã có quyền lực mạnh để huy độnh được một lực lượng lao động rất lớn làm việc này. Việc xây lăng mộ theo kiểu của nhà thống trị Yamato chẳng mấy lan truyền đến các lãnh chúa địa phương.

Tổng số khắp nước Nhật hiện nay còn sót lại khoảng 20000 ngôi mộ như vậy, với một số rất lớn ở những vùng đất của triều đình Yamato. Nhìn qui mô của lăng mộ các nhà thống trị Yamato ta thấy những người xây dựng lên nó đã có quyền lực huy động được rất nhiều lao động ở trong nước, nhưng các vị lãnh chúa ở địa phương cũng có thể xây dựng được những lăng mộ khá lớn. Tại vùng Kibi phía tây Yamato, dọc biển Inland (Nội địa), người ta đã phát hiện 140 mộ hình lỗ khóa của các lãnh chúa. Ngôi lớn nhất cao 27 mét và dài 335 mét. Tính trung bình, đã phải cần đến hàng ngàn người xây dựng trong 4 năm mới xong ngôi mộ đó, không kể những gian phòng để mộ và những trang trí bên trong. Những công việc kể trên đòi hỏi giới cầm quyền phải có mức độ quản lý cao đối với tầng lớp lao động và đánh dấu bước đầu quyền lực chính trị của những người chỉ có thể gọi là những nhà thống trị.

Nhìn những trang trí bề ngoài của các ngôi mộ, một mặt, thấy có phần nào ảnh hưởng lối kiến trúc của Trung Quốc, nhưng từ đầu đã có những nét đặc biệt Nhật Bản, ở những phần dốc của các ngôi mộ, các thợ gốm có dựng những hình trụ đất sét không tráng men, màu nâu hồng gọi là Haniwa. Những hình trụ này cao 1,5 mét để những người hành hương và khách qua đường trông thấy từ rất xa, ít nhất là qua những hào vây xung quanh mộ. Các Hinawa cắm thành từng hàng hẳn là những hàng rào đánh dấu nơi thờ phụng tôn nghiêm và, khi trên đầu các cột có các hình dáng những ngôi nhà thì đó là nơi ở của linh hồn lãnh chúa.

Thoạt đầu, Haniwa đơn giản chỉ là các hình trụ. Về sau chúng được tô điểm thêm với những hình tượng cầu kỳ, không những chỉ là những ngôi nhà mà cả những vật dụng trong đời sống hàng ngày: Những con ngựa được đặc biệt ưa thích và những súc vật khác, những con thuyền, những rèm che thờ cúng và những vũ khí của các chiến binh như khiên, ống tê, bao cổ tay, giáo, mác và mũ sắt. Những hình người bao gồm: những nữ tu sĩ ăn mặc lễ phục như thường họ mặc khi làm chủ lễ đám tang, những chiến binh với đầy đủ vũ khí, những nông dân và những người vũ nữ. Vì họ được miêu tả chi tiết cho nên ta thấy được cách sống của người dân thời Yamato, cũng như ý thức thẩm mỹ của các nhà sáng tạo ra Hinawa và những ông chủ của họ.

Những Haniwa được sáng tạo ra bởi một nhóm những thợ thủ công có nghề truyền thống nặn đất sét. Có một số người chuyên làm lao động họi là Be (nô lệ) trong cộng đồng, nhiều người trong số họ chuyên làm về ruộng. Một số khác sản xuất ra những hàng hóa và dịch vụ như công cụ chiến tranh, vải vóc, cá và có người xung vào quân đội. Những nô lệ phải phụ thuộc vào những gia đình cầm quyền hoặc là Uji, những nhóm người này thường có quan hệ huyết thống chứ không phải cùng một nghề. Rõ ràng vì công việc của họ là chuyên nghiệp và cũng do tổ chức nông nô, nên họ đã đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và hòa nhập chính trị của nhà nước Yamato. Hơn một trăm năm sau, khi lăng mộ bắt đầu được xây dựng vào cuối thế kỷ III hoặc đầu thế kỷ IV, có một sự thay đổi đáng kể trong các vật phẩm chôn cùng các lãnh chúa, điều này càng biểu lộ sự phân biệt tầng lớp này với tầng lớp nhân dân một cách rõ ràng hơn nhiều.


2010-03-09_225419.jpg
Con thuyền Haniwa được tìm thấy ở Kyushu nhắc nhở tầm quan trọng của sự tiếp xúc của các lục địa với Nhật Bản trong thời kỳ xây dựng những lăng mộ. Ngôi nhà thể hiện phong cách mà các nhà quyền quí ưa thích. Con ngựa là biểu tượng thông thường trong các Haniwa và được tầng lớp thống trị rất ưa thích.
 
Dường như các lãnh chúa đã nhiễm thói xa hoa và có những thói quen giống như các chiến binh ở lục đại châu Á, do kết quả sáp nhập miền bắc Kyushu vào nhà nước Yamato, với việc giao tiếp giữa quân đội Nhật Bản và quân đội Triều Tiên trong một thời gian vào thế kỷ IV. Những sự phát triển kể trên đã đưa tầng lớp quí tộc Yamato sát cánh với cuộc sống trong lục địa và od đó, những vật phẩm chôn theo lãnh chúa về sau này thường có những trang thiết bị, những huy hiệu của tầng lớp quí tộc cưỡi ngựa: giáo mác sắt, mặt nạ ngựa, giày đồng mạ vàng, trang sức vàng bạc và mũ miện. Việc trưng bày những của cải như thế cho thấy trong khi những người làm ruộng và những người đánh cá sống đơn giản với những sản phẩm họ làm ra thi người nắm được quyền hành giàu có hơn lại sống khác hẳn. Lối sống dựa theo ảnh hưởng của lục địa châu Á.

Những lãnh chúa lớn nhất hoặc là các nhà lãnh đạo Uji sống trong triều đình Yamato, quyền hành của những người này thường lớn hơn người lãnh đạo Yamato. Một lý do là do các nhà lãnh đạo Uji trực tiếp cai quản những vùng đất sản xuất rộng lớn và dân chúng làm việc trong đó. Một lý do quan trọng khác nữa, là khi Thiên hoàng triều Yamato chết thì các lãnh chúa đó sẽ họp bàn để tìm người nối ngôi trong số những thành viên của gia đình nhà vua. Như vậy, dưới thời Yamato, Nhật Bản chưa phải là một đơn vị chính trị thống nhất mà là một nhóm phức tạp, những tập đoàn UjiBe, là những tập đoàn một phần nắm về đất đai, một phần nắm về công việc. Tuy nhiên, gia đình sơ khởi về đế chế ở Yamato càng ngày càng có ảnh hưởng lớn, chứng tỏ rõ ràng nhất qua những quy mô lăng mộ của họ.

Quyền lực của Thiên hoàng nhà nước Yamato phần nào phụ thuộc vào sức mạnh quân sự, và những sử liệu truyền thống của Nhật Bản miêu tả việc chiếm lĩnh và những kế hoạch chinh phục những hòn đảo Nhật Bản của triều đình Yamato. một mạng lưới quan hệ gia đình qua hôn nhân đã giúp nhà vua có uy quyền áp đảo một số lãnh chúa mạnh ở những vùng khác trong đất nước. Với thời gian, những quan hệ huyết thống đó đã trở thành khách quan lạnh lùng hơn, gần giống như là mối ràng buộc giữa Thiên hoàng và triều thần. Sự giàu cso của gia đình hoàng gua cũng đã là một nhân tố quan trọng nâng cao triều đình Yamato, điều này được thấy rõ ở nhiều nơi trong đất nước, những nơi có nô lệ hoàng gia đủ các loại. Đặc biệt quan trong là trong số đó có những người nước ngoài nhập cư có tài năng khéo léo. Những thợ thủ công giỏi nghề nước ngoài đó thường là những người của triều đình Triều Tiên đem sang cống nạp. Sự việc những nhà vua nước ngoài thừa nhận uy quyền của triều đình Yamato đã làm tăng thêm uy quyền của triều đình này trong đất nước.

Uy quyền của Thiên hoàng tuy có sự phụ tá của sức mạnh tôn giáo, quân đội, gia tộc, kinh tế và ngoại giao, cũng chưa đủ để cho triều đình Yamato cai trị đất nước có hiệu quả. Tuy nhiên triều đình Yamato vói đứng đầu là Thiên hoàng đã tỏ ra giởi hơn các lãnh chúa trong nghệ thuật cai trị những phần xa xôi hẻo lánh của đất nước. Tuy về bản chất thì việc cai trị của triều đình Yamato vẫn còn thô sơ,, nhưng nó đã có những tiến bộ hơn việc cai trị của những cộng đồng nhở thời Yayoi. Vì triều đình Yamato càng ngày càng tinh vi hơn, nên họ đã đánh giá cao, mến phục những kỹ thuật tiên tiến về quản lý đất nước tại Trung Quốc. Chỉ trong một thời gian không lâu, họ đã thẳng thắn bắt chước những thể chế cai trị của Trung QUốc để đưa đất nước nằm chắc chắn hơn dưới quyền của Thiên hoàng.
 
Nhà nước và tôn giáo
Thiên hoàng đầu tiên của Nhật Bản không phải đã lên ngôi năm 660 trước Công nguyên, nhưng đế chế ở Nhật Bản vẫn là chế độ cha truyền con nối cổ nhất thế giới. Người ta nói từ thời cổ đại, chế độ kể trên đã truyền qua thành viên của gia đình, dường như không có quãng đứt nào vì thoán đoạt hoặc chuyện nuôi người dòng họ khác. Chính niềm tin tôn giáo đã giúp cho tình trạng đó được bền vững.
Người đứng đầu gia đình hoàng tộc ở Yamato, tổ tiên của vị Thiên hoàng Nhật Bản hiện nay cho mình là con của Nữ hoàng mặt trời (Amaterasu Omikami) và người ta cho rằng vị này là người duy nhất có khả năng cầu xin nữ thần. Với tầng lới nhân dân nông nghiệp, thì vai trò nhà vua là người trung gian trực tiếp với nữ thần mặt trời là một điều hết sức quan trọng. Chính ngay từ ngữ cổ "chính phủ" ở Nhật Bản là Matsurigoto có nghĩa là "công việc thờ cúng". Chính cái tính chất thiêng liêng của việc làm đó đã giúp cho đế chế ở Nhật Bản được bảo tồn qua nhiều thế kỷ và nhiều thời điểm hỗn loạn. Tuy chính phủ (việc quản lý thuế má, binh lực v.v...) có thể đã có lúc rơi vào tay một gia đình lớn có thế lực mạnh nào đó, nhưng vai trò thiêng liêng của Thiên hoàng đã không bao giờ bị tước đoạt. Từ Kami (thần) rất quan trọng để hiểu tại sao ở Nhật Bản chế độ hoàng đế vẫn tồn tại được. Một cách giải thích ý nghĩa nổi tiếng nhất của từ Kami đã được nhà bác học lớn Motoori Norinaga vào thế kỷ 18 đưa ra: Tôi vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của từ Kami. Tuy nhiên, nói chung thì có thể nói Kami, trước hết có nghĩa là các vị thần ở trên trời và dưới đất, có thấy nói đến trong các sách vở cũ và kể cả các thần linh trong đền đài miếu mạo nơi họ được thờ cúng.
Cũng chả cần phải nói Kami bao hàm cả những con người. Nó cũng bao gồm cả những vật như chim, thú, cây to, cây nhỏ, biển, núi... Theo cách dùng thời cổ, bất cứ cái gì ở ngoài sự bình thường mà có chút quyền lực cao hoặc làm cho người ta sợ hãi đều được gọi là Kami. Vượt trội ở đây không chỉ nói đến độ cao quý phái, tốt đẹp hay những việc làm xứng đáng. Ngay những sự xấu xa và những vật bí hiểm, nếu nó phi thường và gây sợ hãi thì cũng được gọi là Kami. Cũng không cần phải nói trong những con người được gọi là Kami bao gồm những thế hệ tiếp nối của các vị hoàng đế thần thánh. Sự việc mà các vị Hoàng đế được người ta gọi là Kami cao xa vì theo quan điểm của người dân thường, thì các vị ấy sống cách biết với họ. Những vị ấy uy nghi và đáng kính trọng, ở một cấp độ nhỏ hơn chúng ta thấy hiện nay cũng như thời xưa có những người là Kami. Tuy họ không được chấp nhận trong toàn quốc, nhưng tại mỗi tỉnh thành, mỗi làng mạc và mỗi gia đình có những người là Kami, tùy theo vị trí của họ. Kami của thời đại thần thánh hầu hết là con người ở thời đó và vì nhân dân ở thời đó đều là những Kami nên người ta gọi thời đó là thời đại các thần Kami.
Kami no michi (con đường của các thần) hoặc là Shinto (Thần đạo) như tên gọi của tôn giáo này theo thuyết vạn vật hữu linh, không có người sáng lập và không có kinh thánh. Muốn hiểu về thần đạo thời cổ cần nghiên cứu những sách viết về sau nói về các công trình kiến trúc thờ cúng, những lễ nghi và những bài văn tế và xét kỹ những nơi có sự thờ phụng dược tiến hành suốt nhiều thế kỷ. Theo nghi thức cổ thì tôn giáo được nghĩ là nhấn mạnh về những lễ nghi trong sạch, những phương thức để tẩy sạch những ô uế phát sinh từ bệnh tật, chết chóc, chảy máu và những việc làm trái với đạo đức với đạo đức xã hội. Thờ cúng là để tỏ lòng mong muốn và hi vọng (vào thời cấy lúa chẳng hạn) và tỏ lòng biết ơn (khi gặt hái xong), có mục đích để cầu xin sự bảo hộ của thần linh. Những vùng thánh địa nơi tổ chức thờ cúng thường được đánh dấu, những chiếc dây thừng treo với những mảnh giấy cuốn xung quanh những cái cây và những hòn đá, hoặc treo ngang các cửa đền. Thời xưa, nếu có công trình làm nhà ở cho Kami thì đấy cũng chỉ là một cái nhà đơn giản, thậm chí tạm bợ. Nhưng về sau, đền thờ miếu mạo trờ thành những nơi ở vĩnh viễn và có thể là những công trình kiến trúc phức tạp. Có thêm nhiều công trình khác : đền để thờ, nơi để cầu cúng, nơi để rửa tội và cũng có thể là những nơi để nhảy múa trong nghi lễ. Giờ đây, khắp nước Nhật Bản, có đến mấy vạn cái đền, nhiều đền nổi tiếng trong đó có đền thần Ise.
Tính chất đơn giản của công trình đền Ise không chứng thực được tài năng của những người thợ mộc trong việc sử dụng gỗ và làm tăng vẻ đẹp bên trong đền thờ. Với việc sử dụng gỗ thông thường với mái che rơm rạ, lá khô, cùng địa điểm xây dựng giữa đám cây cao, các đền thờ này là những ví dụ lớn nhất về truyền thống cổ xây dựng đền hiện còn sót lại. Những công trình kể trên có tầm quan trọng cấp quốc gia vì nữ thần mặt trời được thờ trong những ngôi đền lớn nhất và những đền đó đã được bảo tồn do việc người ta thường xây dựng lại qua từng thời kỳ, theo cách giống các kho thóc ở thời cổ đại. Những công trình ngày nay, nơi các vị hoàng đế thường đến lễ cúng có niên đại từ năm 1993. Đấy là thế hệ thứ 60 của những kiến trúc dựng nên từ cuối thế kỷ VII sau công nguyên và có những công trình có phong cách đơn giản hơn từ nhiều thế kỷ trước. Những địa điểm để xây dựng những công trình mới vẫn được để trống bên cạnh những công trình hiện có. Việc tiếp nối thờ phụng cổ xưa trong những đền đài được đều đặn tôn tạo lại và được xây dựng ở những nơi sông, rừng, núi vẫn còn giữ được vẻ sơ khai, rất ấn tượng. Càng ấn tượng hơn khi việc thờ phụng được các tầng lớp quý tộc ở Nhật Bản thực hiện ngày càng phức tạp theo nhiều cách khác nhau, nhất là khi họ đã chấp nhận Phật giáo.
 
Sáng lập một nhà nước thống nhất
Sống cô lập tách biệt khỏi lục địa Châu Á khiến cho Nhật Bản không bị nước ngoài xâm lấn, nhờ đó có được nền văn minh riêng biệt được phất triện tại sở quốc. Sống cô lập như vậy khiến cho người Nhật có ý thức hơn về bản thân mình trong giao lưu với những nền văn hóa nước ngoài, sẵn sàng chấp nhần vay mượn khi thấy thật cần thiết.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top