• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Lịch sử Hoa Kỳ

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Một buổi sáng vào mùa thu năm 1492, thổ dân trên hòn đảo nhỏ bé gần nơi mà ngày nay gọi là Florida rất đỗi ngạc nhiên khi thấy ba chiếc tàu lạ xuất hiện. Ba chiếc tàu này đối với chúng ta ngày nay hình như là rất nhỏ, nhưng vào lúc bấy giờ thì ba chiếc tàu này lớn hơn bất cứ chiếc xuồng nào của dân bản xứ đang hoạt động ngoài khơi...
 
PHẦN I
ÂU CHÂU TÌM HẢI LỘ ĐI Á CHÂU VÀ
KHÁM PHÁ RA TÂN THẾ GIỚI Ở PHÍA TÂY


Một buổi sáng vào mùa thu năm 1492, thổ dân trên hòn đảo nhỏ bé gần nơi mà ngày nay gọi là Florida rất đỗi ngạc nhiên khi thấy ba chiếc tàu lạ xuất hiện. Ba chiếc tàu này đối với chúng ta ngày nay hình như là rất nhỏ, nhưng vào lúc bấy giờ thì ba chiếc tàu này lớn hơn bất cứ chiếc xuồng nào của dân bản xứ đang hoạt động ngoài khơi, những chiếc tàu nhỏ này ghé vào bờ, và đoàn người nhảy lên. Trông họ khác hẳn bất kỳ người nào mà dân bản địa đã từng thấy. Họ ngơ ngác nhìn những người lạ lùng này từ màu da trắng, râu ria xồm xoàm cho đến y phục lạ mắt. Cả dân bản địa lẫn những người khách da trắng này đều không ngờ rằng đây là biến cố quan trọng trong lịch sử thế giới. Đây cũng là ngày khởi đầu câu chuyện Mỹ Châu.

Có lẽ các bạn cũng đã đoán ra rằng người dẫn đầu những người da trắng lạ lùng này là ông Kha-Luân-Bố (Columbus). Nhưng tại sao ông lại có ý định đảm nhiệm cuộc hành trình nguy hiểm tới vùng biển xa lạ này ? Và tại sao con tàu của ông lại trở nên một thứ tượng trưng cho sự thích thú đối với người Âu Châu ? Để tìm câu giải đáp cho những câu hỏi trên đây, chúng ta cần phải tìm hiểu những gì đã xảy ra ở Âu Châu thời bấy giờ.

Chương một sẽ cho ta biết tại sao dân Tây Âu thời đó ngày càng chú ý tìm hiểu thêm về những nơi xa lạ trên thế giới. Khi người Âu Châu tham dự những trận chiến ở vùng Thánh địa, họ trở nên biết thưởng thức y phục đẹp, đồ trang sức quý giá và những món ăn ngon miệng của người Á Châu. Đã nhiều năm, người Âu Châu đã phải mua những sản phẩm này qua những thương gia ở các đô thị của người Ý-Đại-Lợi. Lúc bấy giờ những đô thị này kiểm soát công việc giao thương với Đông phương. Tuy nhiên các vị vua chúa ở các nước Âu Châu lại muốn tìm con đường đi Châu Á và Viễn Đông cho riêng họ. Đó là nguyên nhân tại sao nhiều vua chúa và hoàng hậu Tây Ban Nha đã tài trợ tiền bạc cho ông Columbus với hy vọng ông có thể tới Châu Á bằng cách vượt biển tiến về phía Tây đi vòng quanh địa cầu. Nhờ vậy mà ông đã khám phá ra Tân Thế Giới.

Chương hai sẽ cho các bạn thấy rằng người Âu Châu lúc bấy giờ đã thất vọng vì những miền đất mới lạ do Columbus tìm ra vì nó không phải là phần đất của Á Châu. Các bạn cũng sẽ thấy rằng người Âu Châu tiếp tục cố gắng tìm một con đường ngắn hoặc băng qua hoặc đi vòng quanh Tân Thế Giới để tới Viễn Đông. Muốn thực hiện được ý định này, họ phải tìm hiểu thiêm để biết thêm về Tân Thế Giới, và dần dần chính Tân Thế Giới này đã lôi cuốn họ chú ý nhiều hơn.

"Chúng ta hằng vững tin rằng cứ tiến về phía Tây (phía mặt trời lặn)là sẽ tìm được những gì chúng ta mong muốn". (Cabeza De Vaca)
-----------------------------------------​

CHƯƠNG I
CỰU-THẾ-GIỚI ĐÃ TÌM RA TÂN-THẾ-GIỚI
Ở NGOÀI TẦM NHẬN THỨC

Chúng ta có thể so sánh lịch sử Hoa Kỳ với những bước đi trong một cuộc hành trình dài từ quá khứ đến nay. Nhiều người đã tham dự vào tiến trình của lịch sử, và chính chúng ta cũng đang chuyển bước đi đánh dấu ngày hôm nay. Chúng ta không biết rõ những bước đi trong tương lai sẽ ra sao, nhưng nhìn lại những bước đi trong quá khứ và những người đã góp phần xây dựng lịch sử, chúng ta có thể học hỏi ở lịch sử hầu hướng những bước đi của chúng ta trong hiện tại cũng như trong tương lai cho được tốt đẹp hơn.

Tiến trình lịch sử của Hoa Kỳ không phải khởi đầu ở Hoa Kỳ, mà là ở Âu Châu, cho nên trong chương một này chúng ta sẽ quay lại nhìn Âu Châu vào cái thời mà các lâu đài dọc theo bờ biển hướng về đại dương mênh mông. Các bạn sẽ được biết người Âu Châu đã khởi những bước đi đầu tiên trong lịch sử này như thế nào. Họ đã mạo hiểm đi ra biển khơi và khám phá ra Tân Thế Giới như thế nào ? Trong chương này các bạn sẽ tìm ra giải đáp cho những thắc mắc dưới đây :

1. Những biến đổi ở Âu Châu đã đưa đến những khám phá quan trọng về địa lý như thế nào?
2. Các nhà hàng hải Âu Châu đã đi tìm và đạt được con đường biển đi Á Châu như thế nào?
3. Tại sao Columbus đã căng buồm vượt biển tiến về phía Tây và đã thực hiện được những gì?
-----------------------------------​
ÂU CHÂU KHÁM PHÁ RA TÂN THẾ GIỚI

| ' ' ' ' ' ' ' ' ' | ' ' ' ' ' ' ' ' ' | ' ' ' ' ' ' ' ' ' | ' ' ' ' ' ' ' ' ' | ' ' ' ' ' ' ' ' ' | ' ' ' ' ' ' ' ' ' | '​
1000 1100 1200 1300 1400 1500 1600​
p1.1.jpg


------------------------------​
A. TẠI SAO NHỮNG BIẾN ĐỔI Ở ÂU CHÂU ĐÃ ĐƯA ĐẾN
NHỮNG KHÁM PHÁ QUAN TRỌNG VỀ ĐỊA LÝ?

DẪN CHỨNG SỐNG Ở TÂY ÂU VÀO NĂM 1000
Trong khoảng thời gian gọi là Trung cổ, ở Tây Âu vào năm 1000 (thời Trung cổ: 500 – 1400 sau Thiên Chúa) người ta sống riêng rẻ từng chòm xóm. Hầu như các làng mạc là những hòn đảo biệt lập. Dân làng khó có thể biết được những gì xảy ra ở làng bên cách đó vài dặm. Để hiểu rõ đời sống dân chúng Âu Châu thời bấy giờ, chúng ta hãy giả thử rằng chúng ta sống ở Âu Châu vào lúc đó, và đời sống chúng ta sẽ như thế nào?

- Nhà cửa và đồ đạc rất đơn sơ

Cả gia đình cha mẹ anh em sống trong một căn nhà tranh vách gỗ, nền đất, không có cửa sổ. Mái nhà lợp tôn bằng tranh, nghĩa là bao phủ một lớp dày toàn là rơm, hoặc tranh lá. Lớp đất nén chặt làm nền. Chỉ có một cửa ra vào, và một ống thoát khói trên mái nhà. Nhà cũng không có lò sưởi và cũng không có lò nấu nướng. Mùa hè, các bà mẹ thường nấu ăn ở ngoài trời.

Trong nhà chỉ có một vài đồ đạc thô sơ. Một cái thùng nệm rơm dùng làm giường, bàn thì làm bằng một tấm ván cây đặt trên một cái trụ như cái giá cưa với vài cái ghế đẩu (ba chân) và một cái tủ. Nồi nấu ăn là những lọ bằng sắt. Chén đĩa bằng đất sét nung cho rắn lại. Không có đèn dầu hay đèn cầy. Tuy nhiên điều đó không quan trọng, vì chẳng ai trong gia đình biết đọc cả. Mọi người đều đi ngủ vào lúc mặt trời lặn cho đến khi mặt trời mọc mới dậy.

- Cả quần áo lẫn thức ăn chẳng có gì là thú vị

Thường thì các bà mẹ quay sợi dệt vải may quần áo cho cả gia đình. Hầu hết quần áo đều bằng len hay vải thô. Các bữa ăn thì thật là đạm bạc, bữa nào cũng như bữa ấy, cũng chỉ có một vài thứ; hầu hết là bánh mì, chỉ có chút ít thịt. Rau và trái cây rất ít. Không có trà và cà phê, chỉ có một ít sữa. Gia vị không có gì cả ngoài muối, và không có đường mà xài. Đôi khi thức ăn có vị ngọt là do mật ong hoặc nước trái cây.

- Sống trong thái ấp

Mươi lăm căn nhà lá cất sát bên nhau cạnh con đường đất quanh co. Những gia đình này họp thành làng thuộc về một người quí tộc hay một hiệp sĩ sống trong căn nhà rộng rãi ở gần bên. Làng và những trại ở quanh đó gọi là thái ấp. Những quí tộc chủ nhân ông thái ấp gọi là lãnh chúa. Những quí tộc chủ nhân ông thái ấp gọi là lãnh chúa. Những người còn lại sống trong thái ấp gọi là nông nô. Nông nô phải canh tác nông trại, xây đắp và tu sửa cầu đường và phục dịch các lãnh chúa. Thực ra đời sống nông nô không khác gì đời sống những người nô lệ. Tuy không bị mua đi bán lại như nô lệ, nhưng họ phải ở lại thái ấp như châm ngôn thường nói "nông nô bị buộc vào với đất đai". Nếu một vị tân lãnh chúa đến chiếm hữu thái ấp thì nông nô cũng phải phục dịch ông ta. Nông nô không được hoàn toàn làm chủ đất đai và cũng không được phép đi nơi nào khác để kiếm đất riêng cho họ hay kiếm công việc làm ăn khác. Nói chung, nếu họ không có phép của vị lãnh chúa, họ không được phép đi khỏi thái ấp.

- Thái ấp gần như là một đơn vị kinh tế tự túc

Các bạn đã thấy rõ đời sống của những người sống trong thái ấp như thế nào. Nhưng thái ấp của bạn có sự liên lạc nào với các thái ấp khác không ? Sự thật là người sống trong một thái ấp rất ít liên lạc với những người ở thái ấp khác. Đời sống kinh tế trong thái ấp gần như là tự túc. Có nghĩa là người trong thái ấp sống với nhau mà không mua một sản phẩm nào ở ngoài thái ấp và cũng không sản xuất một loại sản phẩm nào để bán ra ngoài thái ấp. Thực phẩm cần thiết hàng ngày do chính thái ấp sản xuất. Thái ấp có các tiệm thợ rèn và nhà máy xay bột riêng. Thú vật nuôi trong thái ấp được tiêu thụ ngay trong thái ấp. Da thú thì được dùng làm giầy dép và yên ngựa. Các ba nhuộm và dệt lông cừu để làm quần áo. Thợ rèn và thợ sửa chữa bánh xe thì đóng, sửa các thùng xe, bánh xe và sản xuất các nông cụ. Chỉ có một vài thứ như muối, sắt và đá cối xay phải mua từ bên ngoài.

Nhưng không có thị trấn nào sao? Có, nhưng đó là những thị trấn nhỏ không quan trọng và là nơi buôn bán (ngay cả ngày nay những gia đình nông dân chỉ đi lên tỉnh mua những gì mà chính họ không sản xuất). Tuy nhiên như các bạn đã biết, các thái ấp hầu như là các đơn vị kinh tế tự túc. Hầu hết người dân thời Trung cổ rất ít nhu cầu cần đến thành phố.
p1.2.jpg
Các bạn đã thấy rõ đời sống dân Tây Âu vào năm 1000 như thế nào. Lần lần đời sống này thay đổi theo thời gian.

TẠI SAO ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN Ở TÂY ÂU VÀO THỜI KỲ ĐÓ LẠI BẮT ĐẦU BIẾN ĐỔI?

Vào thời thượng Trung cổ, Tây Âu rất ít tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Thật vậy, như các bạn đã biết, mỗi thái ấp hầu như chỉ sống giới hạn trong phạm vi thái ấp. Các vị lãnh chúa cai quản các thái ấp đánh lẫn nhau hay liên kết với nhau dưới một vị lãnh chúa quyền thế mạnh hơn để chống lại kẻ thù chung. Những cuộc chiến tranh như vậy đã khiến cho người Âu Châu có cơ hội hiểu biết những gì xảy ra ở ngoài làng quê nhỏ bé của họ. Sau này người Âu Châu chú ý nhiều đến những nơi xa xôi, nhất là vào thời xảy ra những trận chiến giữa người Âu châu và người Saracens ở các quốc gia miền Đông Nam Âu Châu. Kết quả các trận chiến tranh này là đời sống Âu châu bắt đầu biến đổi. Chúng ta sẽ tìm hiểu sự biến đổi này xảy ra như thế nào.

- Người Saracens đe dọa tràn ngập Âu châu

Vào khoảng năm 600, một tôn giáo mới gọi là Hồi giáo được thành lập và bành trướng ở Ả Rập, nếu Thiên Chúa giáo dựa trên lời dạy của Chúa Giê-su, thì Hồi giáo căn cứ trên lời dạy của đại lãnh tụ tôn giáo này là Mohamed. Người Saracens ở Ả Rập tin rằng tôn giáo do giáo chủ Mohamed sáng lập là một tôn giáo chân chính duy nhất. Người Saracens gửi nhiều đạo quân đi chinh phục các dân tộc khác, và bắt buộc các dân tộc ở các nơi này phải theo Hồi giáo. Không bao lâu, họ chinh phục được cả vùng Bắc Phi và vượt eo biển Gibraltar tiến sang Tây Ban Nha. Trải qua nhiều thế kỷ, người Saracens dồn đẩy dân Thiên Chúa Giáo ở Âu Châu. Bản đồ trang 7 cho ta thấy rõ các vùng đất mà người Saracens đã chiếm được hồi đó. Suy ngẫm về sự bành trướng của người Saracens, người dân Âu Châu tự hỏi nếu quân đội Saracens còn tiến sâu hơn nữa vào Âu Châu thì số phận họ sẽ ra sao?

- Dân Thiên Chúa giáo nổi dậy chống lại người Saracens

Dĩ nhiên là dân Âu Châu không muốn bị bất kỳ ai chinh phục, nhất là họ lại càng không muốn bị người Saracens chinh phục để truyền bá đạo Hồi, vì hầu hết dân Âu Châu là Thiên Chúa Giáo. Ngày nay chúng ta thấy có nhiều hệ phái Thiên Chúa Giáo: Công giáo, Thanh Công Hội (Episcopal), Trưởng lão Hội (Presbyterian), Giám Lý Hội (Methodist), Lute (Lutheran), Tây Lễ Giáo (Baptist), và nhiều Giáo phái khác. Nhưng vào thời Trung cổ ở Tây Âu chỉ có một giáo hội Thiên Chúa Giáo ở La Mã. Dân Thiên Chúa Giáo sẵn sàng phụng sự và chiến đấu cho giáo hội. Vào lúc đó Tây Âu phân hóa thành những vương quốc nhỏ yếu và mỗi vị lãnh chúa cai trị một thái ấp với đầy đủ quyền hành như các vị vua chúa, nhưng nhờ lòng trung thành của họ đối với giáo hội đã khiến cho nhân dân Âu Châu đoàn kết lại được.

Còn một lý do khác nữa khiến cho dân Thiên Chúa Giáo không thích người Saracens. Đó là vì người Sarecens đã chiếm đất Palestine ở tận cùng phía Đông bờ biển Địa Trung Hải. Vì Chúa Giê-su đã sống ở Palestine, nên người Thiên Chúa Giáo gọi nơi này là Thánh địa ... Họ thường thích đi hành hương nơi mà Chúa đã sống khi xưa. Nhưng người Saracens thường can thiệp vào các cuộc hành hương của họ, và đôi khi còn ngăn chặn không cho họ đến hành hương. Dân Thiên Chúa Giáo vững tin rằng Chúa sẽ ban phước lành cho những ai góp phần vào công cuộc tái chiếm Thánh địa.

- Dân Thiên Chúa Giáo chiến đấu chống lại người Saracens

Năm 1095, Giáo hoàng, người cai trị toàn thể giáo hội La Mã, mở một đại hội. Ngài kêu gọi giáo dân hãy chiến đấu chống lại người Saracens để chiếm lại Thánh địa. Bị khích động bởi lời kêu gọi đầy nhiệt huyết của Ngài, hàng hàng lớp lớp chiến binh Thiên Chúa Giáo được trang bị bằng khiên, rìu, kiếm, búa lên yên dong ruổi tiến về vùng Thánh địa. Đoàn quân viễn chinh này được mệnh danh là "Đoàn quân Thập Tự Giá", có nghĩa là chiến đấu cho Thánh giá, và những chiến binh này được gọi là Thập tự quân. Trên chiến bào của đoàn quân này đều được thêu một chữ thập rất lớn.

Các chiến binh từ khắp nơi ở Âu Châu tiến đến tập trung ở thành Constantinople thành một đạo quân hùng hậu chuẩn bị cho cuộc đệ nhất thánh chiến. Đoàn quân này tiến chiếm Thánh địa Jerusalem vào năm 1099. Tuy nhiên, quân Thiên Chúa giáo đã không giữ vững được THÁNH địa, Nhiều đợt quân khác được gởi tới. Hai bên đã liên tiếp mở các chiến dịch giành giật thánh địa. Cuộc chiến kéo dài tới hai trăm năm, và các trận chiến được mệnh danh là thánh chiến. Cuối cùng quân Thập tự giá thất bại, người Saracens vẫn giữ vững được thánh địa.

- Những cuộc viễn chinh của các đoàn quân chữ Thập đã làm gia tăng việc giao thương

Trong thời gian các đạo quân thánh chiến tiến vào thánh địa, hàng ngàn hàng vạn dân Âu Châu cũng đi theo tiến về vùng đất miền cực đông Địa Trung Hải. Họ trở nên quen thuộc với những hàng hóa hữu dụng và các đồ xa xí phẩm của dân Đông phương mà họ chưa bao giờ thấy ở Âu Châu. Họ thấy rằng những đồ gia vị như: tiêu, đậu khấu, hành, quế, gừng đã làm cho thức ăn thêm vị và ngon miệng hơn. Họ học cách dùng đường để tra nấu làm cho thức ăn thêm vị ngọt. Họ học cách sử dụng xà bông để tắm giặt thường hơn. Họ trầm trồ ca ngợi những đá quý, kim cương, hồng ngọc, ngọc lục bảo, ngọc trai và ngọc xa phia (ngọc trong xanh). Họ cũng nhận thấy ở phương Đông có những loại thuốc để trị bệnh, có thuốc nhuộm như chàm để nhuộm vải, có những nước hoa, dâu thơm phưng phức. Họ khám phá ra biết bao nhiêu thứ quý báu và xinh đẹp như các đồ dùng bằng pha lê và các đồ sứ Trung Hoa thật đẹp mắt, các sản phẩm bằng kim khí như áo giáp, kiếm... cùng những hàng lụa, vải, thảm màu sắc rực rỡ và đắt giá.

Những hàng hóa trên đây là làm cho đời sống con người thêm phần thú vị và thoải mái. Khi những chiến binh trong đoàn quân Thập tự này trở về quê hương, họ đem chuyện những hàng hóa của người Đông phương kể lại cho bà con lối xóm nghe. Cố nhiên dân Âu Châu cũng muốn có những sản phẩm xa hoa trên đây. Và không bao lâu họ tìm được cách mua những sản phẩm này qua những thương gia người Ý.

- Thương gia người Ý buôn hàng hóa Đông phương đi Âu Châu

Ngay cả trước khi xảy ra các cuộc viễn chinh của đoàn quân Thập tự, một số thành phố Ý Đại Lợi như Venise và Genca đã giao thương với các nước Đông phương trên bờ Địa Trung Hải. Tới khi xảy ra các cuộc thánh chiến và sau đó thì dân Âu Châu càng ngày càng tiêu thụ hàng hóa Đông phương nhiều hơn. Các thương gia người Ý đã hân hoan đẩy mạnh dịch vụ cung cấp hàng hóa này cho họ. Công việc buôn bán càng ngày càng gia tăng. Các thuyền buôn tấp nập ghé các hải cảng bên bờ phía Đông Địa Trung Hải để bốc dỡ các hàng hóa như len, lụa, da thuộc, thiếc, các đồ gia vị và các đồ trang sức đem về Âu Châu bán.

Thuyền buồm của các thương gia Ý không những chuyển vận hàng hóa Đông phương đến các hải cảng Âu Châu trên bờ Địa Trung Hải, mà còn đi tới các hải cảng Âu Châu dọc trên bờ Đại Tây Dương. Rồi từ đó các thương gia khác lại chuyển vận các hàng hóa này vào trong nội địa Âu Châu qua các ngã giang lộ và đường bộ. Vì thế cho nên từ đó người ta bắt đầu chú ý đến việc sửa sang và cải tiến các đường giao thông (mà trước kia rất ít sử dụng). Chính vì việc buôn bán các hàng hóa trên đây mà các thương gia cần những nơi tiêu thụ hàng hóa. Dần dần những nơi buôn bán này phát triển thành các đô thị hóa, rồi thành các đô thị lớn. Đời sống Âu Châu đã thật sự thay đổi từ đó.

NHỮNG CÂU CHUYỆN CỦA CÁC DU KHÁCH LÀM KHÍCH ĐỘNG NGƯỜI ÂU CHÂU CHÚ Ý TỚI MIỀN VIỄN ĐÔNG

Trong khi việc buôn bán trao đổi hàng hóa Đông phương tiến hành mạnh mẽ thì có nhiều người Âu Châu đi tới các miền đất xa lạ ở Đông phương như các nước Ba Tư, Ấn Độ, Trung Hoa, quần đảo Nam Dương (bây giờ người Âu Châu gọi quần đảo này là quần đảo gia vị). Trong những du khách này, ông Marco Polo là người nổi tiếng nhất.

- Marco Polo nói về những chuyện kỳ thú ở Đông phương

Marco Polo quê ở thành phố Venice, Ý Đại Lợi. Năm 17 tuổi, ông theo cha và chú đi du lịch sang vùng Viễn Đông. Suốt trong hai mươi bốn năm, từ năm 1271 cho đến năm 1295, ông đi gần hết phần lớn các nước Á Châu. Chính ông nhìn thấy tận mắt Thái Bình Dương. Ông đi thăm viếng nhiều nơi mà mãi 600 năm sau mới có người Âu Châu khác đặt chân tới. Những chuyện kỳ thú mà ông Marco Polo đã nhìn thấy và đã được nghe những người khác kể lại ? ông thuật lại rằng có một lần ông thấy một thành phố lớn đến nỗi chung quanh thành phố đó dài tới hàng trăm dặm. Sau này ông còn thấy thành phố khác lớn hơn nữa. (Bất kỳ thời nào, những người đi xa thường có khuynh hướng nói thêm lên những gì họ đã nhìn thấy để cho câu chuyện thêm phần thú vị. Ở đây Marco Polo cũng đã nói thêm lên như vậy, nhưng thật ra câu chuyện của ông có khá nhiều sự thật trong đó). Marco Polo đã ngạc nhiên khi thấy người Trung Hoa đốt than. Ông không biết đó là cái gì cho nên ông đã thuật lại rằng : "Đó là loại đá đen được đào trong núi ra và đốt cháy như gỗ".

Marco Polo thấy rằng người phương Đông có những tấm thảm đẹp nhất thế giới và những thứ lụa vô cùng lộng lẫy, đủ các thứ gia vị, gỗ mun cùng các thứ gỗ tốt khác, vàng, bạc, trân châu, các thứ đá quý, yên ngựa xinh đẹp, võ khí tuyệt hảo. Các bà mang những chiếc vòng xuyến đắt tiền, và đôi khi có những người đàn ông còn mang những chiếc vòng đắt giá hơn. Những đô thị đông phương thật là vô cùng giàu có. Hằng năm có tới hàng ngàn tàu buôn tấp nập ghé vào một đô thị để trao đổi hàng hóa.

Vị chúa tể cai trị Trung Hoa và cả phần lớn Châu Á gọi là "Đại hãn". Marco Polo nói rằng người Âu Châu không thể tưởng tượng được Đại hãn giàu có và quyền thế đến như thế nào. Một trong những lâu đài của ông ta rộng lớn đến nỗi chiều dài của mỗi bức tường thành dài tới một dặm. Phòng ăn trong lâu đài này có thể chứa tới 6.000 thực khách. Trong các trận chiến tranh, Đại hãn đã sử dụng những đạo quân lớn hơn bao giờ hết mà người Âu Châu chưa hề thấy. Một trong những đạo quân của ông ta lớn gấp mười lần đạo quân viễn chinh của đoàn quân Chữ Thập trong lần thánh chiến thứ nhất.

Dưới đây là lời thuật lại của Marco Polo về hệ thống giao thông kỳ lạ của Đại hãn Trung Hoa :

"Từ thành phố Kanbalu có những con đường đi tới các tỉnh khác, và trên mỗi quan lộ này cứ khoảng độ 25 hay 30 dặm..., lại có một trạm, ở đó có nhà đầy đủ tiện nghi ăn, ở cho du khách tạm dừng chân... Có những tòa nhà rộng rãi xinh đẹp, trong phòng trang trí đầy đủ, với những tấm lụa cũng như mỗi thứ thích hợp với nhiều hạng người... Tại mỗi trạm lúc nào cũng có 400 ngựa tốt sẵn sàng cho các sứ giả (người đưa tin) đi, đến để chuyển lệnh của Đại hãn. Tất cả các sứ giả có thể thay ngựa mệt bằng ngựa mới... Kết quả là... các vị sứ giả có thể tới triều đình cũng như đi về hay ghé qua các tỉnh đều được tiện lợi dễ dàng nhất. Nói chung, tất cả Đại hãn đã cho thấy rằng sự ưu việt của ông ta hơn tất cả mọi người trong nhân loại này.
Giữa các trạm dừng chân, cứ khoảng ba dặm lại có một làng nhỏ .. những người đi bộ đưa tin hay những người phục dịch cho triều đình đi qua đều có thể tá túc được ở các làng này. Các sứ giả này có mang chuông ở ngang lưng để người ta nhận ra ở từ xa. Mỗi sứ giả chỉ chạy chừng ba dặm, nghĩa là từ làng này đến làng khác... Những tiếng chuông rung báo hiệu sứ giả tới và có người trong trạm đã túc trực sẵn để thay thế đem tin đi trạm kế. Tại mỗi trạm (cách nhau ba dặm) có một nhân viên túc trực có nhiệm vụ ghi ngày, giờ các vị sứ giả đến và đi,"

- Những câu chuyện của Marco Polo khiến cho người Âu Châu thích đi thăm viếng Viễn Đông


Những câu chuyện kỳ lạ trên đây chỉ là một số ít trong những điều mà Marco Polo đã được nghe và nhìn thấy. Sau khi đi Châu Âu về, ông viết một cuốn sách về chuyện phiêu lưu của ông. Ai đã đọc sách này đều loan truyền cho người khác biết. Khắp Âu Châu ai cũng nói về chuyện kỳ thú mà ông kể trong sách. Khi họ biết rằng những hàng hóa ở Đông phương giá chỉ đáng một phần nào so với giá mà các thương gia ở Ý đã ban cho họ, họ bắt đầu tự hỏi : "Tại sao các người Âu Châu khác lại không đi đến Đông phương như Marco Polo để tìm hiểu thêm về xứ đó ? Tại sao chúng ta không thể tìm một con đường tới đó bằng đường biên chẳng hạn để thâu đoạt những của cải của người Đông phương bằng cách trao đổi hàng hóa của ta cho họ".

NHỮNG PHÁT MINH VÀ CẢI TIẾN GIÚP CHO NGƯỜI TA CÓ THỂ VƯỢT ĐẠI DƯƠNG MỘT CÁCH DỄ DÀNG

Vào thời kỳ mà người Âu Châu nói về việc tìm kiếm một con đường đi Viễn Đông thì cũng là khi Âu Châu đang xảy ra nhiều biến đổi. Như các bạn đã biết, trước khi xảy ra các cuộc thánh chiến, dân Âu Châu ít đi du lịch xa và buôn bán xa. Họ cũng ít đọc và viết sách báo. Chỉ có các tu sĩ và những người chức sắc trong giáo hội mới chú ý đến việc học hành. Họ điều hành các trường học và giữ một số ít sách. Những sách này viết bằng tiếng Latin nên ít người đọc được, và chỉ chứa đựng một số kiến thức của mấy thế kỷ trước. Rất ít kiến thức mới được thêm vào. Nhưng khi người Âu Châu bắt đầu chú ý đến thương mãi và du lịch, thì có thêm nhiều người biết đọc và biết viết cùng học hỏi. Người ta bắt đầu học về văn minh cổ Hy Lạp, La Mã, môn học mà người ta bỏ quên hàng trăm năm trước. Nhiều tiến bộ về khoa học được thực hiện. Họ cũng được học và phát triển nhiều sáng chế cho việc hàng hải được thêm dễ dàng.

- Các nhà hàng hải được trang bị dụng cụ mới

Người Âu Châu đã từng được biết về la bàn. Đối với chúng ta ngày nay, la bàn là một dụng cụ thông thường nhưng đối với người Âu châu thời đó thì la bàn là một thứ mới lạ. Trước hết người ta phải học cách từ hóa một cái kim bằng sắt để kim đó luôn luôn chỉ về phương Bắc. Kim này được đặt trên một cái bảng có ghi phương hướng Đông, Tây, Nam, Bắc rồi được đặt trong một cái hộp nhỏ. Như vậy, người ta có một cái la bàn giống như cái la bàn ngày nay. Khi có một chiếc la bàn trong tay thì nhà hàng hải có thể biết rất rõ con tàu của ông ta đang đi về hướng nào. Nhưng ông ta không những chỉ cần biết phương hướng nào ông đi tới, mà còn cần phải biết nơi nào ông ta muốn tới nữa. Để thực hiện được mục đích đó, người ta chế ra một thứ dụng cụ để đo độ cao thiên thể (Cross staff và Astrolabe). Với loại dụng cụ này, nàh hàng hải có thể nhìn một thiên thể mà xác định được vị trí của ông ta hiện tại cách xa phía Bắc hay phía Nam đường xích đạo là bao nhiêu. Do đó, ông ta có thể ước lượng được rằng ông ta đang ở vĩ độ nào. Cũng vào thời kỳ này, người ta đã biết sử dụng đồng hồ. Người ta làm một cái bảng trên đó có ghi thời giờ và khoảng cách. nhìn vào thiên thể đó lần nữa bằng cách sử dụng bảng trên đây, và đồng hồ của mình, nhà hàng hải có thể biết rõ được ông ta hiện đang ở phía Đông hay phía Tây bao xa. Như vậy ông ta sẽ biết được ông ta hiện ở kinh tuyến nào. Biết được vĩ độ và kinh độ của một nơi, người ta có thể xác định được nơi đó. Dĩ nhiên là việc chèo thuyền vượt biển phần lớn tùy thuộc vào tài năng của các nhà hàng hải. Nhưng nhờ những dụng cụ mới được sáng chế trên đây mà việc chèo thuyền vượt biển được an toàn hơn, và người ta có thể thực hiện được những cuộc viễn hành trên đại dương.

Sau này người ta lại vẽ được các bản đồ và hải đồ. Các nhà hàng hải lại càng dễ dàng thực hiện được những chuyến đi viễn hành của họ.

- Phương pháp mới về ấn loát được sáng chế

Hàng trăm năm trước, người ta chỉ có thể viết được một lần một bản, và phải chép bằng tay từng chữ một rất chậm chạp. Vào giữa thế kỷ XV, người ta sáng chế ra phương pháp mới về ấn loát. Ngày nay chúng ta gọi phương pháp mới này là loại di động. Cứ mỗi mẫu tự trong bộ chữ cái (alphabet) thì lại có nhiều bộ mẫu tự nhỏ, rời, để người ta có thể xếp đi xếp lại thành những dòng chữ khác nhau. Với phương pháp in thô sơ này, người ta có thể in được nhiều bản của một cuốn sách.
Việc sáng chế ra thuật ấn loát này đã giúp cho việc truyền bá những khám phá mới và những câu chuyện về những vùng đất mới lạ lan truyền khắp Âu Châu. Sau năm 1450, nếu người ta đã đi tới một miền đất hay các vùng biển xa lạ nào, người ta thường viết một bài tường thuật nói về chuyến đi và vẽ bản đồ để nói rõ con đường mà họ đã đi qua. Sau đó lại được in thành sách cho du khách sử dụng. Cho nên các bạn có thể hiểu rằng việc sáng chế ra máy in đã khuyến khích việc du lịch và thám hiểm mạnh mẽ như thế nào.
--------------------------------​
B. CÁC NHÀ HÀNG HẢI ÂU CHÂU TÌM ĐƯỢC CON ĐƯỜNG
BIỂN ĐI ÂU CHÂU NHƯ THẾ NÀO?
CÁC THÀNH PHỐ Ý ĐẠI LỢI KIỂM SOÁT VIỆC BUÔN BÁN VỚI PHƯƠNG ĐÔNG

Như chúng ta đã thấy, người Âu Châu đã trở nên quen thuộc với các sản phẩm Đông phương như các đồ gia vị, đường, dầu thơm, lụa .v.v... Các hàng hóa này được các thương gia người Ý chuyển vận tới. Vào thế kỷ thứ 15, các đô thị Ý (đặc biệt là Venise và Genca) buôn bán rất phát đạt với Viễn Đông. Các thương gia người Á Rập đi tới những miền đất xa lạ và mang những hàng hóa này về bán lại cho thương gia người Ý, chứ thực ra các thương gia người Ý không đi tới Viễn Đông. Dưới đây chúng ta tìm hiểu thương gia người Ả Rập đã đi theo những lộ trình quan trọng nào ?
p1.3.jpg

- Việc giao thương với Viễn Đông đi theo ba lộ trình

Nhìn vào bản đồ trên, ta thấy các thương gia Ả Rập đã đi theo ba con đường:

1. Bắc lộ, là con đường dài và rất khó khăn, đi từ Tây Bắc Trung Hoa băng qua đại bình nguyên Châu Á đoạn này mất nửa năm hay hơn) và Hắc Hải tới Địa Trung Hải.

2. Trung lộ, là con đường dùng cả đường biển lẫn đường bộ. Các nhà hàng hải người Ả Rập mang hàng hóa theo hướng Bắc, dọc theo duyên hải Tây Ấn tới vịnh Ba Tư, rồi chuyển hàng hóa lên đường bộ để đưa tới các hải cảng ở phía Đông Địa Trung Hải.

3. Nam lộ, con đường này hầu hết là thủy lộ, từ Trung Hoa tới Ấn Độ luồn theo duyên hải bán đảo Á Rập đi vào Hồng Hải rồi chuyển sang một quãng ngắn đường bộ tới các hải cảng ở Ai Cập. Các thương gia người Ý tới đây mua hàng hóa.

Chúng ta nên nhớ rằng dù là con đường nào đi nữa thì các thương gia Ý cũng đều phải mua hàng hóa Đông phương qua tay các thương gia Á Rập. Vì rằng các đô thị Ý Đại Lợi gần Đông phương hơn, và các thương gia người Ý được người Saracens cho đặc quyền buôn bán các hàng hóa Đông phương trong khi các thương gia của các quốc gia Âu Châu khác không được hưởng đặc quyền này. Nói một cách khác, các đô thị Ý Đại Lợi được đặc quyền buôn bán hàng hóa Đông phương.

- Những người Âu Châu khác ganh tị với người Ý

Các bạn hãy tưởng tượng các quốc gia hàng hải Âu Châu khác ganh tị với các đô thị Ý Đại Lợi như thế nào? Họ thấy rằng nhờ kiểm soát các thương lộ mà các thương gia người Ý ngày càng trở nên giàu có, trong khi đó thì túi tiền của chính họ cứ cạn dần. Lúc bấy giờ người Âu Châu đã sản xuất được một số hàng hóa để trao đổi với người Ý để lấy hàng hóa xa xỉ Đông phương. Nhưng hàng hóa của họ không được đắt giá bằng hàng hóa Đông phương cho nên họ phải trả thêm vàng hay bạc cho thương gia người Ý. Các nước trên không thể cứ tiếp tục nhập cảng nhiều hơn xuất cảng được, giống như một người nào trong chúng ta cứ tiếp tục chi nhiều hơn thâu sẽ bị khánh tận. Còn một lý do khác nữa khiến cho các quốc gia Âu Châu chống lại sự độc quyền buôn bán hàng hóa Đông phương của người Ý. Các bạn còn nhớ là thời Trung cổ, các nhà quý tộc quyền thế gần giống như các vị vua chúa đến nỗi dân chúng không còn giữ được lòng trung thành với tổ quốc của họ. Nhưng tình trạng này đã lần lần thay đổi. Các vua chúa Âu Châu đã lần lần đè bẹp các ông lãnh chúa và làm chúa tể thực sự đất nước thống nhất và hùng mạnh. Đây cũng là lần đầu tiên nhân dân Pháp, Anh, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha hiểu rõ lòng tự hào về đất nước của họ. Vua chúa các quốc gia này cũng thiết tha mong muốn được trở nên giàu có. Cho nên họ sẵn sàng cung cấp tàu thuyền và tiền bạc, cũng như gửi các nhà hàng hải gan dạ đi tìm đường đi tới miền đất xa xôi.

- Người Âu Châu đi tìm những con đường mới đến Đông phương

Một điều kỳ lạ là các nhà hàng hải thuộc các tân quốc gia trên đây đã bắt đầu mơ ước tới những con đường đi tới Ấn Độ và Viễn Đông. Họ nói rằng “Venice và Genoa kiểm soát những con đường quen thuộc đi Châu Á. Tại sao họ lại không tìm một thủy lộ mới để họ có thể chia phần những của cải của Đông phương?” Thực ra có gì ngăn chặn được họ? Bây giờ họ lại có những dụng cụ hàng hải giúp cho việc vượt đại dương được an toàn hơn. Họ đã có những bản đồ và hải đồ để hướng dẫn họ. Xa hơn nữa họ còn mơ ước phiêu lưu và trở nên nổi danh và giàu có. Chính những mơ ước này đã khiến cho người ta cố gắng tiến lên dù gặp phải những thất bại, gian lao, khổ cực.

CÁC NHÀ HÀNG HẢI NGƯỜI BỒ ĐÀO NHA TỚI ẤN ĐỘ BẰNG ĐƯỜNG BIỂN


- Thái tử Henry của Bồ Đào Nha khuyến khích việc thám hiểm

Quốc gia nhỏ bé Bồ Đào Nha là quốc gia đầu tiên đã tìm ra thủy lộ đi Đông phương. Phần lớn các kỳ công khám phá này thuộc về một người trong hoàng tộc Bồ Đào Nha. Đó là thái tử Henry. Thái tử Henry rất thích cuộc đời biển cả. Qua việc thám hiểm bở biển phía Tây Châu Phi, thái tử hy vọng sẽ biến cải được thổ dân vùng duyên hải này theo đạo Gia tô, và thiết lập việc buôn bán trao đổi bằng vàng giữa nước ông với các dân tộc vùng này. Nhưng Henry cũng hy vọng là nếu càng phiêu lưu đi theo bờ biển phía Tây Châu Phi xa hơn nữa tới miền xa lạ, thì người Bồ Đào Nha có thể tìm ra được thủy lộ tới phương Đông. Để thực hiện tham vọng này, thái tử cho thiết lập một trường huấn luyện hàng hải ngay tại mũi cực Tây Nam Âu Châu. Tại đây, ông cho tập trung các nhà hàng hải, các sinh viên hàng hải, các nhà du lịch, và các nhà làm hải đồ và các dụng cụ hàng hải cùng các nhà đóng tàu. Không bao lâu, các tàu biển Bồ Đào Nha là những tàu biển xinh đẹp nhất, và các nhà hàng hải Bồ Đào Nha là những người tài ba nhất. Chính thái tử cũng nổi danh và được ca tụng là “Thái tử Henry của hàng hải”.

- Các nhà hàng hải Bồ Đào Nha thám hiểm bờ biển phía Tây Châu Phi

Thái tử Henry gửi các tàu thuyền tới tận duyên hải phía Tây Châu Phi để thám hiểm và trao đổi mậu dịch. Ông ra lệnh mỗi vị thuyền trưởng phải xây một cái tháp bằng đá cao 6 bộ ở trên bờ biển để đánh dấu nơi xa nhất mà họ đặt chân tới. Dĩ nhiên vào lúc đó không ai nhận thức được sự rộng lớn và vĩ đại của lục địa Châu Phi. Cho nên phải vô cùng can đảm lắm mới có thể chèo thuyền đi men theo bờ biển phía Tây Châu Phi hướng về phía Nam. Và đi như vậy tưởng chừng như chẳng bao giờ đi hết được vùng bờ biển dài vô tận này. Các nhà hàng hải lúc bấy giờ thường tin những chuyện ghê gớm ở các vùng biển xa lạ mà họ thường được nghe. Nào là những vùng nước xoáy chực sẵn để cuốn vào lòng biển sâu những chiếc tàu bất hạnh nào vô tình đi qua đó. Nào là những con quái vật đang hờm sẵn để tàn phá tàu họ. Nào là chính những ác quỷ đang nằm canh chừng xem người nào dám cả gan chèo thuyền tới vùng biển xa lạ này. Những câu chuyện này đã làm cho các nhà hàng hải thường cho tàu trở về mà không dám tiến đến vùng biển mà người ta thường gọi là “Đại dương của bóng tối”. Tuy nhiên thái tử Henry đã cho lệnh các nhà hàng hải phải tiếp tục cho tàu mạnh tiến, và phải xây các tháp đá ở những nơi càng ngày càng xa hơn về phía Nam trên bờ biển phía Tây Châu Phi.

Đúng vào khi người Bồ Đào Nha thấy rằng dân bản địa Phi Châu hân hoan trao đổi nô lệ và biếu vàng để lấy ngựa, thái tử Henry càng khuyến khích các thương gia Bồ Đào Nha nắm lấy cơ hội này để chuyển hàng tới quốc gia này. Không bao lâu, Bồ Đào Nha thiết lập được con đường thương mại tấp nập dọc theo duyên hải Phi Châu. Tuy nhiên thái tử Henry vẫn chưa hài lòng. Ông vẫn luôn luôn thúc giục các nhà hàng hải tiến về phía Nam. Khi ông mất vào năm 1460, là khi những chiếc tàu của ông đã đi vòng quanh mũi Verde.
p1.4.jpg
- Đi tới Ấn Độ

Sau khi thái tử Henry mất đi rồi thì các nhà hàng hải Bồ Đào Nha vẫn tiếp tục thám hiểm duyên hải Phi Châu. Sau cùng vào cuối năm 1487, Bartholomew Dias đi vòng quanh mũi cực Nam Phi Châu. Ông tin chắc rằng cứ theo con đường này là có thể đi tới Ấn Độ, và ông vội vã đem tin vui về. Nhận được tin vui này, hoàng đế vui mừng đặt tên cho mũi cực Nam Phi Châu là mũi Hảo Vọng. Sau này, vào năm 1498 một nhà thám hiểm Bồ Đào Nha khác đã minh chứng được rằng nhận xét của Dias là đúng. Nhà thám hiểm này, tên là Vasco Da Gama, đi vòng quanh mũi Hảo Vọng ngược lên duyên hải phía Đông Phi Châu, rồi cho tàu hướng về phía Đông vượt Ấn Độ Dương để đi tới Ấn Độ. Tại đây, ông cho thiết lập một tháp đá đánh dấu ngày hoàn thành công cuộc tìm kiếm được thủy lộ đi đến Đông phương. Cuối cùng ông trở về quê hương với cả một tàu chất đầy hương liệu, lụa và các đồ trang sức quý báu, một bằng cớ chứng minh rằng ông đã thật sự đặt chân lên xứ Ấn Độ.

- Các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đã giúp cho người ta hiểu biết thế giới nhiều hơn

Trước ngày thái tử Henry phát khởi các chuyến đi thám hiểm, người ta hiểu biết rất ít về thế giới. Các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha đã đóng góp rất nhiều vào công cuộc mở rộng thêm kiến thức địa lý. Mỗi khi các nhà hàng hải đi thám hiểm về, các nhà chuyên môn vẽ bản đồ lại vẽ thêm một phần duyên hải vừa mới thám hiểm được vào bản đồ. Nhờ vậy, mà dân Âu Châu hiểu biết rõ hơn về địa lý thế giới.

BỒ ĐÀO NHA KIỂM SOÁT CON ĐƯỜNG HÀNG HẢI ĐI ẤN ĐỘ

- Nhờ giao thương với Đông phương, Bồ Đào Nha càng trở nên giàu có

Ngay khi đó Bồ Đào Nha nhận thấy rõ giá trị con đường hàng hải đi Đông phương do Da Gama tìm ra. Da Gama đã mang về Bồ một chuyến tàu trị giá gấp 60 lần tổn phí cho cuộc thám hiểm của ông. Bạn hãy tưởng tượng rằng nếu bạn mua một cái gì chỉ đáng một xu và bán lại được 60 xu thì bạn sẽ cảm thấy vui mừng đến bậc nào? Từ nhà vua cho đến các nhà hàng hải và thương gia Bồ đều vui mừng hoan hỷ về tin này. Tàu thuyền đi Đông phương càng gia tăng số lượng. Đồng thời họ thiết lập các thương điểm ở Ấn Độ và gửi quân đi đồn trú bảo vệ. Bồ Đào Nha là chủ nhân ông duy nhất con đường hàng hải đi Ấn Độ mới tìm được này.

- Trung tâm thương mại chuyển từ các đô thị Ý sang Bồ Đào Nha

Vào đầu thế kỷ thứ 16, Libson, thủ đô Bồ Đào Nha trở nên một hải cảng quan trọng bậc nhất ở Âu Châu. Tại các đường phố và quán rượu, các thủy thủ tập nập đi về, ra vào chật ních. Các nhà hàng hải và các thương gia túm tụm quay quần trong các căn phòng yên tĩnh, bàn tính cho cuộc viễn hành sắp tới. Các tàu hàng chất đầy hàng hóa từ Ấn Độ tới tấp tiến vào bến tàu. Đó là những tàu chở đầy những hàng hóa Đông phương có giá trị như hương liệu, đá quý, vải vóc. Tàu thuyền của các quốc gia khác cũng nằm chờ ở Libson để bốc hàng đi các hải cảng khác ở Âu Châu. Như các bạn đã biết, trước kia các đô thị Ý Đại Lợi đã từng là các thương cảng quan trọng của Âu Châu (Venice và Genoa). Vì giá chuyển vận rẻ hơn nên các thương gia Bồ bây giờ có thể bán hàng hóa Đông phương với một giá rẻ hơn so với giá thương gia người Ý bán trước kia. Đó là nguyên do Bồ trở nên giàu có vì buôn bán với Đông phương, một nghiệp vụ mà các đô thị Ý từng chiếm độc quyền.


----------------------------------------​
C. TẠI SAO KHA LUÂN BỐ ĐÃ VƯỢT BIỂN TIẾN VỀ
HƯỚNG TÂY, VÀ ÔNG ĐÃ HOÀN THÀNH ĐƯỢC NHỮNG GÌ?

Ngay trước khi Da Gama tới Ấn Độ, các chuyến đi của các nhà hàng hải Bồ Đào Nha khi trước đã khiến cho người Âu Châu nghĩ rằng rất có thể có những con đường khác đi đến Viễn Đông. Sau hết, đối với các quốc gia Âu Châu, thủy lộ do người Bồ Đào Nha kiểm soát không hơn gì các con đường đi Á Châu do các đô thị Ý kiểm soát. Một số người đã có ý tưởng táo bạo là: Tại sao ta không tìm một thủy lộ đi đến các kho tàn ở Viễn Đông bằng cách vượt biển đi về hướng Tây? Chúng ta biết rằng vào khoảng năm 1000, người Viking đã vượt biển đi về hướng Tây và đã tìm thấy đất liền ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Nhưng người Viking không còn chú ý đến miền đất xa xôi này nữa. Đến cuối thế kỷ thứ 15, rất ít người Âu Châu còn biết đến những cuộc viễn hành của người Viking này nữa.

- Kha Luân Bố dự trù vượt biển tiến về hướng Tây để đi đến Á Châu

Nói rằng có thế giới Á Châu được bằng cách vượt biển đi về hướng Tây thay vì hướng Đông thì là một kẻ vẩn vơ mơ mộng, thì Kha Luân Bố đúng là kẻ vẩn vơ mơ mộng. Nhưng ông đã can đảm thực hiện được giấc mơ của ông. Vốn là người yêu biển cả, năm 14 tuổi, ông đã trở nên một thủy thủ nhà nghề. Từ đó nếu khi nào không lênh đênh sóng gió với con tàu thì ông vẽ bản đồ và hải đồ kiếm kế sinh nhai. Ông thường hay nghiên cứu các hải đồ của những người khác vẽ, cũng như đọc các bài tường thuật về các cuộc viễn hành, và bàn luận với các nhà hàng hải. Lần lần ông vạch ra một kế hoạch để thực hiện giấc mộng: đi theo hướng Tây để đến Á Châu.

Ông tin rằng dự định của ông sẽ dễ dàng thực hiện hơn là sự thực. Ông phỏng đoán rằng ông sẽ tìm được những gì, nhưng ông đã đoán lầm. Ông cho rằng trái đất tròn nhưng lại nghĩ rằng trái đất nhỏ hơn sự thực rất nhiều. Và ông cũng cho rằng Châu Á lớn hơn nhiều. Cho nên ông đã nghĩ rằng khoảng đường ông vượt biển từ Âu Châu tới Á Châu sẽ ngắn hơn (so với sự thực). Ông hầu như không biết gì về hai đại lục Bắc Mỹ và Nam Mỹ nằm trên đường của ông đi tới Á Châu.

- Kha Luân Bố chuẩn bị chuyến đi viễn hành

Kha Luân Bố tin chắc rằng việc vượt biển đi về hướng Tây để tới Á Châu sẽ dễ dàng và rẻ hơn so với con đường đi vòng quanh Phi Châu mà người Bồ Đào Nha đã thực hiện trước kia. Nhưng ông không phải là người giàu có. Ông không thể mua sắm được tàu thuyền cùng các đồ trang bị và tiếp liệu cho chuyến đi viễn hành, và ông cũng không có tiền để thuê mướn thủy thủ cùng đi với ông. Ông cần được tài trợ để thực hiện dự định táo bạo này.

Như chúng ta đã biết là các vị vua chúa Âu Châu lúc bấy giờ rất thèm khát của cải, và họ đã từng giúp đỡ các nhà hàng hải thực hiện các chuyến đi viễn hành quan trọng. Chính vì vậy mà Kha Luân Bố xin các vị hoàng đế Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tài trợ để thực hiện giấc mộng của ông. Nhưng qua nhiều năm chờ đợi không ai chịu giúp đỡ ông cả. Ông trở nên chán nản và thất vọng. Ông đã có ý định bỏ cuộc. Cuối cùng ông thuyết phục được hoàng đế Ferdinand và hoàng hậu Isabella của Tây Ban Nha bằng lòng sắm tàu và tài trợ tiền bạc cho ông chuẩn bị chuyến đi viễn hành tiến về hướng Tây để tới Á Châu.
Sau khi chuẩn bị xong đủ mọi thứ, ông cùng đoàn người khởi hành cuộc thám hiểm vùng đất xa xăm. Chuyến đi của ông khởi hành vào sáng sớm ngày thứ sáu mồng 3 tháng 8 năm 1492. Tại một hải cảng thuộc làng Palos, Tây Ban Nha, ông đứng trên boong của chiếc tàu nhỏ bé Santa Maria hạ lệnh cho đoàn thủy thủ gồm 40 người nhổ neo, và con tàu từ từ tiến ra khơi. Theo sau là hai chiếc tàu Nina và Pinta, mỗi chiếc có 25 người đều ở dưới quyền chỉ huy của ông. Cái ngày mà ông từng mơ ước bao nhiêu lâu đã được thực hiện. Giờ thì ông và đoàn tùy tùng đang cố gắng vượt những vùng biển xa lạ đi về hướng Tây để tới Châu Á.

- Kha Luân Bố khám phá ra Tân Thế Giới
Những chiếc tàu nhỏ bé trên đây chỉ là những chấm đen giữa những ngọn sóng trùng dương. Ngày qua ngày, đoàn tàu tiến về phía Tây qua vùng biển xa lạ. Thủy thủ đoàn càng ngày càng trở nên kinh sợ. Đây là đại dương kinh hoàng của bóng tối, nơi mà ma quỷ và quái vật đang rình rập. Kha Luân Bố bồn chồn đi lại trên tàu. Ông chú ý tới chi tiết từng cảnh vật, gió, mưa, thời tiết, ngọn buồm và thủy thủ. Ông ghi nhận những bước tiến của mỗi ngày. Ông cẩn thận ghi thành hai bản. Một bản cho chính ông, ghi khoảng cách thật sự mà đoàn tàu đã đi được từ điểm khởi hành. Còn bản kia, ông cố ý ghi khoảng đường mỗi ngày càng ngắn hơn so với sự thật để cho thủy thủ đoàn xem. Ông làm như vậy để cho họ khỏi buồn rầu vì xa nhà. Nhưng sau cùng, sau 10 tuần lênh đênh ném sau lưng hải cảng Palos, đoàn người đã chắc chắn nhìn thấy dấu hiệu của đất liền. Chúng ta hãy mường tượng lúc này, ông Kha Luân Bố và đoàn thủy thủ cảm thấy hân hoan sung sướng như thế nào. Chúng ta có thể đọc câu chuyện vui dưới đây của ông. Và đây là một đoạn được đăng trên tờ Th
e Journal of Christopher Columbus:

- Ngày thứ tư, 10 tháng 10 – Đoàn tàu đi về hướng Tây Tây Nam với tốc độ trên dưới 10 dặm một giờ, khi thì 12, khi thì 7. Suốt ngày đêm, họ đã đi được 59 hải lý (tính cho thủy thủ đoàn thì không hơn 44 lý). Nhiều người không còn chịu nổi được nữa. Họ phàn nàn chuyến đi quá dài, nhưng “soái hạm” (ông Kha Luân Bố thường tự xưng như vậy) tìm đủ mọi cách để khích lệ họ, cho họ thấy những hy vọng đẹp đẽ và những ích lợi mà họ sẽ đạt được.

- Ngày thứ năm, 11 tháng 10 – Đoàn tàu vẫn tiến về phía Tây Tây Nam. Sóng biển càng trở nên dữ dội hơn trước. Họ đã thấy một vài con chim lượn trên không trung, và cành sậy còn xanh trôi gần tàu. Những người trên tàu Pinta thấy một cây lau và một cái sào. Họ lượm được một cái sào nhỏ có dấu vết đinh sắt đóng vào, cùng với một cây lau khác và một tấm gỗ nhỏ. Đoàn thủy thủ của chiếc tàu Nina cũng nhìn thấy dấu hiệu của đất liền. Họ thấy một cành đầy trái dâu. Khi thấy các dấu hiệu này mọi người đều tỏ ra hân hoan sung sướng.
Sau khi mặt trời lặn, Soái hạm hạ lệnh cho tàu đi hướng Tây với tốc độ 12 dặm một giờ. Vì tàu Pinta có những thủy thủ giỏi nên đã lướt đi trước tàu của Soái hạm. Tàu này đã nhìn thấy dấu hiệu của đất liền và ra dấu hiệu cho đoàn tàu hay. Người thủy thủ đầu tiên nhìn thấy đất liền là Rodrigo de Triana. Nhưng từ 10 giờ đêm hôm trước, Soái hạm đã nhìn thấy ánh đèn mà không có gì chắc chắn nên ông không xác nhận đó là đất liền. Tuy nhiên, Soái hạm quả quyết đã gần tới đất liền... Ông yêu cầu thủy thủ đứng trên mũi tàu theo dõi và thấy đất liền thì kêu lên cho ông hay. Ngoài những phần thưởng mà hoàng hậu và đức vua Tây Ban Nha hứa tặng là 10 ngàn đồng vàng cho những ai nhìn thấy đất liền đầu tiên, ông còn cho thêm một tấm áo lụa. Vào khoảng hai giờ đêm, đoàn tàu nhìn thấy đất liền ở một khoảng xa chừng 2 lý (8 dặm).

- Ngày thứ sáu, 12 tháng 10 – Đoàn tàu ngừng lại để chờ bình minh, và hôm nay, thứ sáu, họ tới hòn đảo nhỏ bé mà người da đỏ gọi là Guanahani. Ở đây họ thấy những người trần truồng. Soái hạm bước lên chân cột trụ trong chiếc tàu võ trang cùng với Martin Alonzo Pinzon, và người em của ông này là Vincente Yanez, người chỉ huy chiếc tàu Nina. Soái hạm mang cờ hoàng gia Tây Ban Nha, hai vị thuyền trưởng kia mang cờ thập tư xanh có thêu hai chữ F và Y (F: Ferdinand, Y: Ysabel) đội vương miện ở hai bên chữ thập. Sau khi đổ bộ lên bờ, họ thấy nhiều cây xanh ngập nước, và nhiều loại cây khác. Khi hai vị thuyền trưởng kia đang nhảy lên bờ thì Soái hạm gọi họ mà bảo rằng họ là những người chứng kiến trung thực công cuộc Soái hạm chiếm được hòn đảo này cho Đức vua và Hoàng hậu...

- Tại sao cuộc viễn hành của Columbus lại quan trọng?

Ngày 12 tháng 10 năm 1492, Kha Luân Bố đổ bộ lên hòn đảo mà ông đặt tên là San Salvador (người da đỏ gọi là Guanahani). Hòn đảo này nằm trong quần đảo Bahama cách bán đảo Florida về phía Đông Nam chừng 400 dặm. Vẫn còn tiếp tục đi tìm lục địa Châu Á, Kha Luân Bố cho tàu chạy dọc theo duyên hải hai hòn đảo Cuba và Hispaniola trước khi trở về Tây Ban Nha. Vì ông cho rằng những hòn đảo này là một phần của Đông Ấn ở ngoài khơi duyên hải phía Đông Á Châu, ông gọi vùng ấy là Ấn Độ. Ngày nay do sự sai lầm của Kha Luân Bố mà quần đảo này được gọi là Tây Ấn (West Indies).

Kha Luân Bố đã hoàn thành được những gì? Ông đã không tới được Châu Á, ông cũng không khám phá được con đường đi từ Âu Châu tới phương Đông, nhưng những gì ông đã khám phá ra còn quan trọng hơn, dù rằng lúc đó ông không biết điều này: Ông đã khám phá ra Mỹ Châu.
 
PHẦN II

NGƯỜI ÂU CHÂU HIỂU BIẾT THÊM VỀ TÂN THẾ GIỚI

Nhìn vào các bản đồ xưa cũ, ta thường thấy xuất hiện những chữ “Terra Incognita”. Những chữ Latin này có nghĩa là “Vùng đất xa lạ hay chưa được khám phá”. Những nhà vẽ bản đồ ghi chữ Terra Incognita trên bản đồ có ý muốn nói rằng họ không biết những phần đất này hay phần đất này chưa được khám phá nên họ không thể vẽ được một cách chính xác.

Trước khi con tàu của Columbus nhổ neo ra khơi, những người vẽ bản đồ đã ghi chữ Terra Incognita trên cả một vùng lớn của thế giới. Trừ một vùng biển gần Âu Châu ra, họ biết rất ít về Đại Tây Dương. Mặc dù chuyến đi của Columbus đã giúp cho việc mở rộng sự hiểu biết của các nhà vẽ bản đồ, nhưng về phạm vi này vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Columbus đã chèo thuyền vượt biển và đã đặt chân lên vùng đất ở bên kia Đại Tây Dương. Nhưng không một ai kể cả chính ông cũng không biết chắc chắn đất này thuộc về đâu. Nếu đất này thuộc về Châu Á, thì thuộc về phần nào của Châu Á? Nếu vùng đất này không thuộc về Châu Á, thì nó là đất của vùng nào?

Trong chương này sẽ thấy rõ người Âu Châu tìm hiểu thêm về vùng đất mới này như thế nào. Dưới đây là những câu hỏi mà các bạn sẽ tìm ra các câu trả lời:

1. Bằng cách nào các nhà thám hiểm tìm ra Tân Thế Giới trên đường đi theo hướng Tây để đến Á Châu?

2. Những nhà thám hiểm nào đã tìm ra con đường tắt đi Á Châu qua Tân Thế Giới?

3. Công việc tìm kiếm Á Châu đưa đến việc khám phá ra Tân Thế Giới như thế nào?


--------------------------

A. CÁC NHÀ THÁM HIỂM ĐÃ TÌM THẤY TÂN THẾ GIỚI
NẰM TRÊN ĐƯỜNG ĐI VỀ PHÍA TÂY ĐỂ ĐẾN Á CHÂU NHƯ THẾ NÀO?


Khi đoàn tàu của Kha Luân Bố nhổ neo rời hải cảng Palos vào năm 1492, nhiều người coi ông như một người phiêu lưu điên rồ. Nhưng năm sau, khi trở về ông nói rằng ông đã tới Ấn Độ, thì ông lại được hoan nghênh và ca tụng như một vị anh hùng. Nhiều người Âu Châu cho rằng ông là người tìm ra con đường hàng hải đi thẳng tới Á Châu. Hoàng đế Ferdinand và Hoàng hậu Isabella của Tây Ban Nha tặng ông tước hiệu “Đô đốc của Đại dương”. Câu chuyện khám phá của ông được viết thành sách báo và được phổ biến ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, chính ông cũng không hài lòng với việc khám phá ra những hòn đảo này. Ông muốn tìm thấy lục địa Á Châu cho Tây Ban Nha chiếm độc quyền giao thương với Châu Á để làm giàu.

- Columbus không tìm ra được Châu Á

Cuối năm 1493, ông lại vượt biển tiến về phía Tây một lần nữa. Khác với lần trước, lần này ông chỉ huy 17 chiếc tàu. Vào những năm sau này, ông còn vượt Đại Tây Dương hai lần nữa. Trong những cuộc hành trình này ông đi tới Puerto Rico, Hispaniola, Jamaica, Cuba và những hòn đảo khác ở trong vùng biển Caribbean. Mặc dầu ông chẳng bao giờ nhìn thấy lục địa Bắc Mỹ, nhưng con tàu của ông đã đi suốt bờ biển Nam và Trung Mỹ. Chẳng bao giờ ông tìm thấy được điều ông mong muốn – đó là sự giàu có của Ấn Độ. Vả lại, ông cũng không công nhận vùng đất mà ông tìm được không phải là vùng đất của Á Châu. Tuy nhiên trong thâm tâm ông có lẽ ông đã nghi ngờ sự thật, vì trong chuyến đi thứ nhì, ông đã hạ lệnh cho đoàn người thề rằng chuyến này nhất định phải đi tới Châu Á. Nếu chính ông chắc chắn, thì ông cần chi phải bắt đoàn tùy tùng của ông phải thề như vậy? Ông mất vào năm 1506, mà không ngờ ông trở nên lừng danh trong lịch sử.

- Cabot cũng không tìm được Châu Á

Sự thành công của chuyến đi đầu tiên của Columbus đã khiến cho các nhà thám hiểm khác cũng hăng say chèo thuyền vượt biển Tây tiến. Vào năm 1497, một nhà hàng hải tên là John Cabot cùng với 18 thủy thủ trên một chiếc tàu nhỏ rời hải cảng Anh Quốc ra khơi. Cabot là một nhà hàng hải người Ý đã sống nhiều năm ở Luân Đôn và bây giờ ông ra đi thám hiểm dưới ngọn cờ Anh Quốc. Cũng như Columbus, Cabot có ý định đi tới phương Đông bằng cách chèo thuyền tiến về phía Tây. Ông được phép Hoàng đế Anh để thực hiện ý định này. Thực ra, nếu Anh hoàng chịu tài trợ cho ông từ lúc đầu thì có lẽ ông đã là người đầu tiên tìm được Tân Thế Giới.

Cabot vượt Đại Tây Dương trong hai tháng và tiến về phía Bắc xa hơn Columbus. Ông tới bờ biển phía Bắc mà ngày nay gọi là Bắc Mỹ. Cho con tàu đi theo bờ biển, ông tin chắc rằng ông đã tới Á Châu. Nhưng ông đã không tìm thấy thành phố giàu có như ông hằng mơ ước. Khi lương thực và đo tiếp liệu gần hết, ông phải trở về Anh Quốc. Năm sau ông lại cố gắng một lần nữa để đi Á Châu. Chuyến này không những ông đã thất bại mà kể từ đây không ai còn biết đến ông nữa. Mặc dù Cabot đã thực sự khám phá ra lục địa Bắc Mỹ, nhưng vào lúc đó sự khám phá của ông không có ý nghĩa gì, vì ông không tìm được sự giàu có của Á Châu.

- Người Âu Châu trở nên quen thuộc với ý niệm về Tân Thế Giới

Nếu Columbus và Cabot không nhận ra sự thật về những vùng đất mới này thì những người khác lại thấy rõ. Lúc đó, các nhà hàng hải gan dạ dưới ngọn cờ Tây Ban Nha đang tấp nập thám hiểm các vùng ven biển Trung Nam Mỹ và bán đảo Florida. Các bạn sẽ thấy trong chương ba, nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Balboa băng qua eo đất Panama và tìm thấy ở bên kia eo đất này một đại dương vô tận. Trước đó khá lâu, nhiều nhà thám hiểm khác đã nhìn thấy những vùng đất này mà không tìm ra dấu vết gì chứng tỏ đó là Á Châu. Họ biết rằng Cabot đã đi xa hơn về phía Bắc mà cũng không tìm ra được Châu Á. Người ta bắt đầu nhận ra rằng vùng đất mới này không phải là một phần đất của cựu lục địa mà họ từng biết, mà thật ra là một Tân Thế Giới vĩ đại.

Lúc đầu, những người Âu Châu không chú ý đến Tân Thế Giới vì giá trị của Tân Thế Giới. Điều này có thể rất lạ đối với chúng ta, nhưng chúng ta hãy nhớ lại rằng người Âu Châu lúc đầu hăng say đi tìm một con đường theo hướng Tây đi Châu Á. Đối với họ những vùng đất mới này chỉ là hàng rào ngăn cản đường đi đến Châu Á của họ. Đã nhiều năm, người ta còn cố gắng tìm một con đường xuyên qua hay vòng quanh các lục địa Châu Mỹ.



p2.1.jpg


- Magellan tìm ra con đường đi vòng quanh thế giới

Ferdinand Magellan là một nhà hàng hải can trường Bồ Đào Nha. Ông đã thực hành một chuyến đi minh chứng ý nghĩ của Columbus là đúng - rằng người ta có thể tới Châu Á bằng cách vượt biển đi về phía Tây. Bởi vì ông không được mọi người biết đến ở ngay nước ông, Bồ Đào Nha, ông đi Tây Ban Nha với kế hoạch dự trù đi Ấn Độ bằng cách đi xuyên qua những vùng đất mà Columbus đã khám phá. Hoàng đế Tây Ban Nha đồng ý giúp ông thực hiện kế hoạch này.

magellan.jpg


Mùa thu năm 1519, Magellan cùng với 240 người trên 5 chiếc tàu rời Tây Ban Nha tiến ra khơi, khởi hành cuộc thám hiểm. Ông cho tàu vượt Đại Tây Dương, sau đó quay xuống phía Nam đi dọc theo bờ biển Nam Mỹ. Khi họ càng đi về phía Nam thì khí hậu càng trở nên lạnh và gay gắt hơn. Sau 6 tuần lễ khó khăn, đoàn tàu vượt qua eo biển đầy giông tố gần mũi cực Nam lục địa này (ngày nay eo biển này gọi là eo biển Magellan). Sau cùng ông cùng đoàn người thám hiểm tới một vùng biển rộng mênh mông nhưng yên lặng như tờ, cho nên họ liền đặt tên cho đại dương này là Thái Bình Dương (có nghĩa là yên lặng).

Sau 4 tháng rưỡi dài thảm buồn và cực nhọc, đoàn tàu của ông vượt Thái Bình Dương tới quần đảo mà họ đặt tên là Phi Luật Tân (Philippines, đặt theo tên của thái tử Philip Tây Ban Nha). Từ đây ông cho đoàn tàu đi men theo bờ biển tới quần đảo “Gia vị” (Nam Dương). Dừng lại nơi đây, ông quyết định cho chất đầy tàu hương liệu, rồi hạ lệnh cho đoàn tàu vượt Ấn Độ dương đi vòng quanh xuống cực Nam Phi châu để trở về Tây Ban Nha. Biết bao tai biến xảy đến cho đoàn người thám hiểm: bão táp, đói khát, bệnh tật, chết chóc, đào tẩu, loạn phản. Sau cùng năm 1522, những người còn sống sót đã về được tới bến, bỏ neo trên bờ biển Tây Ban Nha. Chiếc tàu hương liệu cũng là cái giá cho đoàn người đi thám hiểm ở mãi nơi vùng biển xa xôi.

Đoàn người trở về bến cũ chỉ còn có vỏn vẹn 18 người, trong đó lại không có Magellan. Ông đã bị thổ dân tại quần đảo Phi Luật Tân hạ sát. Nhưng 18 người thám hiểm trên đây đã hoàn thành được một kỳ vọng: Họ là những người đã hoàn thành chuyến đi vòng quanh địa cầu. Vì Magellan không còn sống để đón nhận cái vinh dự của kỳ công trên đây, Hoàng đế Tây Ban Nha trao tận tay cho vị thuyền trưởng của chiếc tàu sống sót một trái cầu mang hàng chữ “Các bạn là những người chèo thuyền vượt sóng trùng dương xung quanh trẫm”.

- Cuộc thám hiểm của Magellan cho ta thấy rõ mức rộng lớn của địa cầu

Chuyến đi của Magellan và đoàn thám hiểm của ông rất là vô cùng quan trọng đối với dân Âu Châu. Thứ nhất là chuyến đi này cho người ta thấy rõ chứng cớ quá rõ rệt là trái đất tròn. Đoàn thám hiểm của ông đi từ Âu Châu lướt sóng tiến theo hướng Tây và cứ thế đi mãi, cuối cùng trở về nơi khởi hành. Chuyến đi này còn mang ý nghĩa quan trọng hơn nữa là nó chứng tỏ cho ta thấy rằng Châu Á ở một nơi thật xa về phía Tây Châu Âu, và là một giải đất bao la bát ngát nằm dài từ Âu Châu tới Viễn Đông. Thực ra Magellan đã tìm được con đường đi Viễn Đông qua ngã phía Tây. Nhưng con đường này lại quá dài và quá nguy hiểm cho các thương gia. Nhưng người Âu Châu đã không nản lòng. Chuyến đi của Magellan đã giúp cho người ta tìm được con đường tắt xuyên qua Tân Thế Giới để tới Á Châu.

p2.2.jpg



------------------------------

B. NHỮNG NHÀ THÁM HIỂM NÀO ĐI TÌM CON ĐƯỜNG TẮT
XUYÊN QUA TÂN THẾ GIỚI ĐỂ TỚI Á CHÂU?

- Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chia đôi địa cầu

Vào khoảng đầu thế kỷ thứ 16, chỉ có hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha được hưởng lợi do việc tìm kiếm được những con đường hàng hải đi Viễn Đông. Nhờ buôn bán với Ấn Độ và các nước ở Viễn Đông mà Bồ Đào Nha đã trở nên giàu có. Bồ không muốn các quốc gia khác dự phần vào việc buôn bán phát đạt này. Bồ đòi quyền chiếm các vùng đất ở Phi Châu, nơi mà các nhà thám hiểm Bồ đã đặt chân tới. Tây Ban Nha cũng tìm được những vùng đất ở Tân Thế Giới và cũng đòi quyền chiếm luôn những vùng đất này.

Ngay khi Columbus đòi quyền chiếm đất cho Tây Ban Nha ở nơi mà ông cho rằng thuộc về Châu Á, hầu như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã có thể là những quốc gia tranh chấp, giành giật những vùng đất ở phương Đông. Sau này cả hai quốc gia trên đều nhờ giáo hoàng phân xử chia những vùng đất mới khám phá cho họ. Năm 1493, Đức giáo hoàng vạch ra một đường tưởng tượng chạy dọc từ Bắc cực qua phía Tây quần đảo Cape Verde tới Nam cực. Những vùng đất ở phía Đông đường ranh giới này thuộc về Bồ, và những vùng đất nằm ở phía Tây ranh giới này thuộc về Tây Ban Nha. Năm sau, Bồ và Tây Ban Nha thương thuyết rồi đồng ý với nhau di chuyển đường ranh giới này về phía Tây. Như ta thấy trong bản đồ trang 38, Tây Ban Nha chiếm hầu hết Tân Thế Giới, Bồ Đào Nha đòi chiếm trọn Châu Phi, Ấn Độ và cả miền rộng lớn ở Viễn Đông.

- Anh, Pháp và Hòa Lan tìm cách chia phần buôn bán với Viễn Đông

Còn các quốc gia Âu Châu khác như Anh, Pháp và Hòa Lan thì sao? Các quốc gia này không được hưởng lợi ở các vùng đất mới và cũng không được hưởng lợi trong công cuộc buôn bán phát đạt với Đông phương. Các nước trên đây thấy rằng nhờ buôn bán với Đông phương mà Bồ đã trở nên giàu có, cho nên họ cũng muốn dự phần vào việc buôn bán này. Họ tự hỏi “Tại sao ta lại không tìm một con đường khác đi tới Đông phương để vượt Bồ cũng như Bồ đã vượt các đô thị Ý như trước kia?”.

Câu hỏi này dẫn đến câu hỏi khác. Như ta thấy, con đường đi quanh thế giới tới phương Đông của Magellan thì quá dài và rất khó khăn nguy hiểm cho việc buôn bán. Cho nên nhiều người Âu Châu đã tự hỏi “Tại sao chúng ta lại không tìm một con đường ngắn hơn và thuận lợi hơn? Có lẽ có một con đường đi về phía Tây Bắc là một con đường tốt đi thẳng tới phương Đông”. Vì biết rất ít về nơi mà ngày nay chúng ta gọi là Bắc Mỹ, nên họ tin rằng có thể tìm một thủy lộ băng qua Bắc Mỹ. Đã hàng hơn trăm năm có nhiều người can đảm thuộc các quốc gia Anh, Pháp, Hòa Lan chèo thuyền dọc theo duyên hải Đại Tây Dương để đi tìm một con đường đi về hướng Tây Bắc. Nhưng họ đã chẳng bao giờ thành công. Dưới đây, chúng ta hãy theo dõi một vài nhà hàng hải đã liều mình trong công cuộc thám hiểm để đi tìm con đường tắt băng qua Mỹ Châu tới Á Châu.

- Verrazano thăm dò vùng bờ biển Tân Thế Giới

Ông Verrazano là một trong những người đi tìm một con đường xuyên qua Tân Thế Giới. Mặc dầu ông là người Ý, nhưng phần lớn các chuyến đi của ông được thực hiện dưới ngọn cờ Pháp. Chuyến đi này khởi hành vào năm 1524, đúng hai năm sau khi đoàn thám hiểm của Magellan hoàn thành đường đi vòng quanh thế giới. Verrazano cho thuyền vượt biển tiến về phía Tây để đi tìm một con đường đi đến Châu Á. Ông đi men theo bờ biển Bắc Mỹ, từ nơi mà ngày nay gọi là North Carolina tới tận phía Bắc thuộc vùng Newfoundland, nhưng ông lại không tìm ra được con đường đi xuyên qua lục địa này. Thất vọng, ông trở về Pháp.

- Cartier thám hiểm sông Saint Laurence

Khoảng 10 năm sau, một nhà thám hiểm khác người Pháp tên là Jacques Cartier theo gương Verrazano đến Mỹ Châu. Cartier khám phá và thám hiểm sông St. Laurence. Ông đi từ Pháp tới sông St. Laurence ba bốn lần để tìm kiếm một con đường đi phương Đông. Ông dùng thuyền ngược xuôi dòng sông này và cắm trại dừng chân trên bờ sông vào những khi mùa đông tới. Ông tìm ra được một làng da đỏ ở sâu trong đất liền, nơi mà ngày nay là thành phố Montreal. Chính nơi đây ông gặp những thác nước khiến cho con tàu của ông không thể tiến hơn được nữa. Đứng trước sự việc vô cùng chán nản này, Cartier nhận ra rằng sông St. Laurence chỉ là một con sông chứ không phải là con đường đi tới Viễn Đông.

Nhiều nhà thám hiểm hay hàng hải khác cũng đi tìm một con đường xuyên qua Tân Thế Giới. Nhưng tất cả đều gặp những điều bất hạnh, hay là phải bỏ mình trên đường đi thám hiểm. Một số người thì liên lụy đến sự bất hòa với những người đồng hành. Một số khác thì lại không được dân chúng tại quê nhà mến chuộng. Và một số khác nữa đã bỏ mình ở giữa biển khơi hay ở những vùng đất xa xăm. Nhưng Cartier thì may mắn hơn nhiều. Sau những cuộc phiêu lưu ở Bắc Mỹ, ông trở về an toàn và sống cuộc đời bình thản ở các hải cảng tại Pháp.


p2.3.jpg
p2.4.jpg



- Frobisher đi tìm một con đường đi xa hơn về phía Bắc

Mặc dầu Cartier đã thất bại, không đi tới được Châu Á bằng cách vượt ngược dòng sông St. Laurence, nhiều người Âu Châu khác vẫn nghĩ rằng có thể có một con đường nào khác để tới Á Châu. Nhà hàng hải người Anh tên là Martin Frobisher quyết định đi thăm dò xa hơn về phía Bắc. Tháng sáu năm 1572, ông cùng ba chiếc tàu nhỏ bé của Anh tiến ra khơi khởi đầu chuyến đi thám hiểm. Thật là khó khăn, vào khi họ nhổ neo rời bến thì trời giông bão. Một trong ba chiếc tàu đã chìm vào trong lòng biển. Thủy thủ đoàn chiếc tàu thứ hai run sợ và đào tẩu trốn về. Nhưng Frobisher vẫn tiếp tục cho tàu thẳng tiến. Đi xa hơn về phía Bắc, ông gặp đảo Greenland. Ông cho đi vòng quanh cực nam đảo này và sau cùng ông tới vùng biển mà ngày nay gọi là vịnh Frobisher. Vì băng tuyết, ông không thể thực hiện được chuyến đi nên phải trở về. Sau này dù ông đã cố gắng thực hiện thêm hai chuyến đi nữa ở vùng này nhưng ông cũng vẫn không tìm ra được con đường Tây Bắc. Sau chuyến đi thứ ba này, ông vẫn tiếp tục lênh đênh trên biển cả và chiến đấu chống lại người Tây Ban Nha và người Pháp trong nhiều năm.

- Champlain thám hiểm vùng Đại hồ

Mặc dầu hết nhà hàng hải này đến nhà hàng hải khác đều trở về Âu Châu mà không tìm ra được một con đường tắt đi tới Á Châu, những nhà thám hiểm mới vẫn sẵn sàng thay thế những người đã đi trước. Ai cũng hy vọng rằng họ sẽ thành công ở ngay nơi mà những người trước đã thất bại. Một trong những nhà thám hiểm này là một người Pháp tên là Samuel de Champlain. Champlain đi tới Mỹ Châu lần thứ nhất vào năm 1603. Ông đi theo các vùng bờ biển rồi vượt sông, vượt hồ, băng rừng, lội suối ở nhiều nơi trong đất Mỹ.

champlain.jpg


Champlain thám hiểm bờ biển Đại Tây Dương suốt từ cửa sông St. Laurence tới vùng phía Nam mà ngày nay gọi là Massachusetts. Ông cho thuyền đi theo dòng sông St. Laurence và thiết lập một đô thị gọi là Quebec, nơi định cư đầu tiên của người Pháp ở Mỹ Châu. Ông tiếp tục ngược dòng sông này tới một nơi mà ngày nay gọi là Montreal. Ông quay về hướng Nam và đi đến mũi cực Nam của một cái hồ vô cùng đẹp. Hồ này mang tên ông để vinh danh ông, người đã có công tìm ra nó. Trong chuyến đi sau này, Champlain còn đi xa hơn nữa vào đất liền, đi sâu về phía Bắc và phía Tây. Ông thực hành các chuyến đi theo các con sông khác tới các vùng ở phía Bắc hồ Huron. Từ đó ông đi tới hồ Ontario rồi quay trở lại Quebec. Nhìn vào bản đồ: trang 41, ta thấy rõ những con đường thám hiểm của ông. Phải thật là một con người can đảm và có nghị lực mới có thể đi được quãng đường dài sâu vào những vùng hoang vu xa lạ như vậy được.

Champlain đã học và dạy nhiều người khác về địa lý Bắc Mỹ. Khi ông chết vào năm 1635, các nhà làm bản đồ đã có thể vẽ được chính xác và rõ ràng hàng ngàn dặm vuông ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng vẫn không tìm được con đường tắt để đi tới Châu Á.

- Henry Hudson tìm được một con sông

Một nhà hàng hải khác cũng cố gắng tìm một con đường đi Châu Á. Đó là một người Anh tên là Henry Hudson được các thương gia Hòa Lan trả tiền để đi tìm một con đường đi Trung Hoa. Năm 1609, con tàu bán nguyệt của ông tiến về hướng Bắc Âu Châu để đi Châu Á, nhưng con tàu bé nhỏ này gặp phải băng tuyết hiểm nghèo nên ông đành phải cho tàu đổi hướng tiến về hướng Tây vượt đại dương trực chỉ Tân Thế Giới. Ông tới Bắc Mỹ và đi theo bờ biển xuống tới vịnh Chesapeake Bay. Tới đây ông thấy rằng ông không thể nào tới Trung Hoa qua ngã này được. Một lần nữa ông lại cho tàu trở về hướng Bắc. Trên đường đi, ông gặp một con sông mà ngày nay mang tên ông, sông Hudson. Ông tiếp tục cho tàu băng qua vùng biển rộng lớn tiến vào sông này. Nhìn phong cảnh, cây cối thiên nhiên quyến rũ ở hai bên bờ sông, hy vọng của ông càng dâng cao. Có lẽ đây là chuyến đi mà ông hằng ấp ủ. Nhưng càng ngược dòng sông thì dòng sông càng trở nên hẹp hơn và nước không còn mặn nữa. Sau cùng ông nhận ra rằng đây chỉ là một con sông chứ không phải là một thủy lộ xuyên qua Mỹ Châu. Chán nản, ông trở về trong niềm cay đắng thất bại, không tìm ra được con đường đi Trung Hoa.



p2.6.jpg



- Henry Hudson tìm ra một vùng biển rộng lớn

Năm 1610, ông lại khởi hành đi thám hiểm một lần nữa. Chuyến đi này không những ông đã thất bại, mà ông còn bỏ mình nơi miền đất lạ xa xăm. Chuyến đi cuối cùng này, con tàu thám hiểm Discovery của ông trương cờ chính quốc Anh Cát Lợi của ông. Cũng như lần trước, lại một lần nữa, ông cho tàu tiến thẳng về hướng mặt trời lặn để rồi chẳng bao giờ người ta thấy ông trở lại. Giống như Frobisher, ông tiến xa về phía Bắc. Rồi ông và đoàn thám hiểm phải vật lộn với băng tuyết chận cứng lối đi. Ông tin rằng sau eo biển đầy băng tuyết này là giải nước mênh mông chạy dài tới phía Nam và phía Tây.

Suốt cả mùa hè dài, ông và đoàn tùy tùng chèo thuyền vượt vùng biển rộng lớn này để tìm kiếm một con đường đi Châu Á. Khi mùa đông tới, đoàn người phải lên bờ cắm trại dừng chân. Thực phẩm cạn dần, họ chỉ còn một chút ít phó mát và bánh quy. Họ đã trải không biết bao nhiêu gian lao khổ cực, và sau cùng không còn thể nào chịu đựng được nữa, đoàn tùy tùng dưới quyền ông bắt hai cha con ông và những người trung thành với ông cho vào chiếc thuyền nhỏ thả trôi lênh đênh theo dòng nước. Từ đó, không còn ai biết tin tức gì về ông nữa. Sau này người ta chỉ còn thấy có bốn người trong đoàn thám hiểm của ông trở về Anh quốc. Ngày nay cái tên vịnh Hudson còn nhắc nhở chúng ta nhớ đến nhà thám hiểm dũng cảm đã bỏ mình trong vùng biển băng tuyết mà vẫn không tìm ra được một thông lộ như chính ông hằng theo đuổi.


------------------------------------

CUỘC THÁM HIỂM SÔNG MISSISSIPPI CỦA MARQUETTE VÀ JOLIET

VÀO NĂM 1673; LA SALLE THÁM HIỂM SÔNG MISSISSIPPI 1682



- Marquette và Joliet thám hiểm sông Mississippi

Như chúng ta đã biết, các nhà hàng hải gan dạ như Verrazano và Frobisher cũng mới chỉ đi tới những miền ven bờ Bắc Mỹ. Các nhà thám hiểm khác như Cartier và Champlain đã ngược các dòng sông đi sâu vào trong lục địa Tân Thế Giới. Khi đó cũng còn nhiều nhà thám hiểm can trường khác phiêu lưu xông xáo đi vào mọi ngã, xuyên qua các vùng hoang vu ở trong đất liền với hy vọng tìm ra một con đường thuận lợi đi xuyên qua Tân Thế Giới.

Sau cái chết của nhà thám hiểm Champlain, nhiều người Pháp khác đi xa hơn Quebec hàng trăm dặm, tiến sâu vào tới vùng Thượng hồ ở đây họ cho lập một ngôi nhà thờ và để lại một vị linh mục để truyền giáo trong đám dân da đỏ. Vị linh mục đó là Jacques Marquette. Nhờ đám dân da đỏ này mà nhà thám hiểm kiêm tu sĩ người Pháp biết được câu chuyện về hồ đại thủy. Hồ đại thủy có thể chảy cạn thông qua một cái hồ lớn hơn. Do nơi câu chuyện hồ đại thủy này mà tin rằng chắc phải có con đường tắt đi tới Châu Á, nơi mà từ trước tới nay biết bao nhiêu người hằng theo đuổi để tìm ra.

Năm 1673, linh mục Marquette cùng với nhà thám hiểm Louis Joliet khởi hành chuyến đi tìm kiếm con đường tắt này. Marquette và Joliet cùng 5 người đồng hành rời hồ Michigan bằng hai chiếc xuồng gỗ. Đoàn người vượt dòng sông Fox, khiêng xuồng chuyển qua sông Wisconsin lênh đênh trôi nổi tới dòng Mississippi. Tới đây họ tin rằng dòng sông này là con đường đi tới Á Châu. Nhưng sau khi đã xuôi dòng vượt hàng trăm dặm tới cửa sông Arkansas, đoàn người mới nhận ra rằng họ vẫn không tìm được con đường mà họ hằng theo đuổi. Họ biết rằng dòng sông Mississippi cuồn cuộn chảy về hướng Nam tới tận vịnh Mễ Tây Cơ. Dòng sông này sẽ chẳng bao giờ đưa họ đến Châu Á được. Buồn rầu, đoàn người ngược dòng sông trở lại rồi quay sang sông Illinois để về hồ Michigan.

- La salle tới cửa sông Mississippi

Khi Joliet trở về Quebec tường thuật về chuyến đi của ông thì ông gặp Robert Cavalier, Sieur de La Salle, dẫn đầu một đoàn người đi thám hiểm. La Salle vốn là con một gia đình giàu có, nhưng ông đã từ bỏ cuộc đời sung túc sang trọng mà liều mình đi thám hiểm vào những vùng hoang vu ở Bắc Mỹ. Ông say mê khi được nghe tin linh mục Marquette và Joliet đã tìm ra vùng “hồ đại thủy”. Tham vọng của La Salle là đòi cho nước Pháp được độc quyền buôn bán da thú quý giá ở vùng Đại hồ và vùng thượng lưu sông Mississippi. Những năm sau đó ông còn ước mong thực hiện một dự định lớn lao hơn. Ông tự hỏi tại sao ông không tìm tới cửa sông Mississippi và đòi cho nước Pháp chiếm hữu cả cái lục địa mênh mông Bắc Mỹ này.

Từ nhiều năm trước khi chuẩn bị khởi hành cuộc thám hiểm đi tìm cửa sông Mississippi, ông vẫn hằng mơ ước chuyến đi này. Chuyến đi đầu tiên của ông thất bại. Sau khi trải qua bao nhiêu gian khổ, ông phải trở về căn cứ trên bờ hồ Ontario, nới chính ông thiết lập khi xưa. Dù vậy, ông cũng không bỏ cuộc. Và bất kể lúc đó là mùa đông, ông và đoàn người vẫn đi thám hiểm. Lần này mọi việc đều tiến hành tốt đẹp. Đoàn thám hiểm dùng xuồng băng qua các hồ Erie, Huron tới cuối hồ Michigan. Tới đây họ đi bộ và dùng xe trượt tuyết kéo xuồng chuyển sang sông Illinois, xuôi theo dòng sông này rồi chuyển sang sông Mississippi. Khi vượt dòng sông này, họ nhận thấy càng đi về phía Nam thời tiết càng ấm áp hơn. Cuối cùng vào tháng tư năm 1682, đoàn người thám hiểm tới vịnh Mễ Tây Cơ. La Salle tuyên bố Pháp hoàng làm chủ vùng đại đồng bằng sông Mississippi chạy dài từ vùng Đại hồ tới vịnh Mễ Tây Cơ.

Điều không may là La Salle đã chết yểu. Đoàn người thám hiểm do chính ông hướng dẫn nổi giận sát hại ông vì ông bắt họ phải chịu đựng quá nhiều cực nhọc gian lao. Tuy nhiên, công cuộc thám hiểm của ông đã để lại những kết quả vô cùng quan trọng. Người Pháp đã tìm ra một thủy lộ ngăn đôi Bắc Mỹ. Họ nhân danh những người thám hiểm đồng hương của họ mà đòi quyền chiếm hữu giải đất mênh mông vĩ đại này.


--------------------------------

C. CÔNG CUỘC TÌM KIẾM CON ĐƯỜNG TẮT ĐI CHÂU Á ĐƯA ĐẾN VIỆC
CHÚ Ý ĐẾN TÂN THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?


- Sự hiểu biết về địa lý châu Mỹ được gia tăng

Mới đầu người Âu Châu không muốn có Châu Mỹ, bởi vì họ muốn tới Viễn Đông và họ đã thăm dò tìm kiếm một con đường tắt thuận tiện xuyên qua hay vòng quanh Tân Thế Giới để đi đến Á Châu. Như chúng ta đã thấy là họ đã thất bại. Tuy nhiên, những công cuộc thám hiểm của họ đã mang lại rất nhiều kết quả lớn lao. Đó là những kiến thức mới chính xác về địa lý. Mỗi nhà thám hiểm mỗi khi đi đâu về đều vẽ những bản đồ và viết các bài tường thuật về những điều mà họ đã nhìn thấy tận mắt.

La Salle tới cửa sông Mississippi đúng 190 năm sau khi Columbus đặt chân lên San Salvador. Trong khoảng thời gian này sự hiểu biết về địa lý của loài người đã mở rộng rất nhiều. Để có cái nhìn rõ ràng hơn về bài này, chúng ta hãy nhìn vào hai bản đồ: bản đồ trang 17 cho ta thấy khi bắt đầu cuộc thám hiểm, người Âu Châu hiểu biết rất ít về địa cầu. Bản đồ trang 48b cũng trong sách này cho ta thấy rõ sự hiểu biết về Bắc và Trung Mỹ vào năm 1700. So sánh hai bản đồ này, chúng ta thấy rằng nhờ công cuộc tìm kiếm con đường tắt đi Châu Á, mà người ta hiểu biết rất nhiều về Tân Thế Giới.

- Đất đai thuộc về người khám phá

Ngoài sự khát khao tìm kiếm con đường tắt đi Châu Á, các nhà thám hiểm còn có một lý do khác thúc đẩy họ phải can đảm gánh chịu biết bao khổ cực hiểm nghèo. Đó là họ muốn cho đất nước họ trở nên hùng mạnh hơn bằng cách chiếm đất ở Tân Thế Giới. Lúc đó gần như có một quy luật là người thám hiểm của quốc gia nào nhìn thấy hay đặt chân lên vùng đất mới trước nhất thì quốc gia đó có quyền chiếm hữu vùng đất mới này. Chẳng hạn như khám phá ra sông Saint Laurence, Cartier đã nhân danh hoàng đế Francis I của nước Pháp mà đòi quyền chiếm hữu tất cả các đất đai vùng phụ cận con sông này. Ông đặt dấu hiệu để báo cho tất cả người qua lại biết rằng vùng đất này là của nước Pháp. Các quốc gia khác cũng gửi những người đi thám hiểm và cũng đòi quyền chiếm hữu đất đai như vậy cả. Cái quy luật “Ai tìm được, người ấy chiếm “finders, keepers” đã được các quốc gia Âu Châu áp dụng để quyết định phân chia đất đai ở Tân Thế Giới. Chúng ta hãy tìm hiểu xem quy luật ấy tiến hành ra sao?

- Những gì thuộc về ai?

Nhìn vào các công cuộc thám hiểm, ta thấy rằng Columbus và Magellan đã chèo thuyền vượt biển dưới ngọn cờ Tây Ban Nha. John Cabot và Martin Frobisher ra đi thi hành sứ mạng cho Anh Quốc. Verrazano, Cartier, Champlain, Marquette, Joliet và La Salle phục vụ cho Pháp quốc. Và Hudson thì thám hiểm cho cả Anh Quốc lẫn Hòa Lan. Nếu Châu Mỹ được phân chia theo công cuộc thám hiểm và quyền đòi chiếm hữu đất đai của các nhân vật trên đây thì mỗi quốc gia Âu Châu này sẽ làm chủ những vùng đất nào vào năm 1700?

Như vậy thì nước Pháp sẽ làm chủ một vùng đất vô cùng rộng lớn bao gồm từ bờ biển phía Bắc Đại Tây Dương chạy dài từ vùng Đại hồ xuôi theo dòng Mississippi tới tận cửa sông này ở vịnh Mễ Tây Cơ. Anh Quốc sẽ chiếm dải đất hẹp dọc theo duyên hải Bắc Đại Tây Dương từ tiểu bang Maine ngày nay tới tận Florida (vào năm 1700, Anh Quốc đã chiếm được vùng đất do Hòa Lan kiểm soát dọc theo sông Hudson) và sẽ đòi được chiếm một vùng rộng lớn chung quanh vịnh Hudson. Tây Ban Nha sẽ làm chủ nhân ông toàn thể phía Nam Bắc Mỹ (quốc gia này cũng lại đòi chiếm hầu hết Nam Mỹ). Chúng ta sẽ bàn tới những công cuộc thám hiểm của người Tây Ban Nha ở chương tới. Bản đồ trang 48b sẽ cho thấy sự phân chia Bắc Mỹ tiến hành theo chiều hướng này.

Các nhà thám hiểm can đảm trên đây đã thăm dò những vùng đất này nhưng vẫn không tìm được một thủy lộ đi tới phương Đông mà họ hằng theo đuổi. Tuy nhiên họ đã hoàn thành được một công trình khác còn quan trọng hơn nhiều. Họ đã làm cho Châu Âu không còn chú ý tới Châu Á nữa mà hướng nhìn về Tân Thế Giới. Họ đã cho các quốc gia Âu Châu thấy rõ cái lục địa vĩ đại để đến lập nghiệp. Người Âu Châu không còn coi Mỹ Châu như là một bức tường thành ngăn chặn đường đi của họ tới phương Đông. Họ bắt đầu chú ý tới Mỹ Châu. Trong các mục tới chúng ta sẽ bàn việc các quốc gia này trở nên thù nghịch vì công cuộc giành giật đất đai và của cải ở Tân Thế Giới.



p2.7.jpg

 
PHẦN III
CÁC QUỐC GIA ÂU CHÂU THIẾT LẬP THUỘC ĐỊA
VÀ GIÀNH GIẬT QUYỀN KIỂM SOÁT TÂN THẾ GIỚI


Người ta thường nói cựu thế giới tìm ra tân thế giới. Đã hàng mấy trăm năm người Âu Châu biết rất ít về địa cầu. Biết bao nhiêu người suốt đời không đi khỏi nơi cha sinh mẹ đẻ của mình được vài dặm đường. Ngay cả các chiến sĩ trong đoàn quân chữ thập là những người đã đi xa mà cũng chỉ hiểu biết có Âu Châu và các vùng lân cận ở châu Phi và châu Á mà thôi. Nhưng tới đầu thế kỷ thứ 16 các nhà thám hiểm gan dạ đã tìm ra cả một thế giới mới ở Tây bán cầu. Thế giới mới này ra sao? Người ta có thể tìm thấy những tài nguyên và của cải gì ở đây? Những quốc gia nào đã đòi quyền chiếm hữu Tân Thế Giới và đã trở nên giàu có và hùng mạnh?

Trước hết, người Âu Châu biết rất ít tin tức và tài liệu về Mỹ Châu để trả lời những câu hỏi trên đây. Tuy nhiên, những câu chuyện do các nhà thám hiểm đi về kể cho họ nghe đã làm khuấy động tư tưởng của họ giống như chúng ta ngày nay lấy làm vô cùng thích thú khi hay tin các phi hành gia phiêu lưu lao mình vào trong không gian xa xăm ngoài tầng không gian. Mục I đã nói về các nhà hàng hải và thám hiểm can trường ngày càng tìm ra nhiều vùng đất mới hơn ở Tân Thế Giới, nhất là ở Bắc Mỹ.

Trong mục II này, chúng ta sẽ bàn tới số người Âu Châu đến Mỹ châu ngày một gia tăng. Thí dụ như chương III sẽ nói về người Tây Ban Nha tới Mỹ châu để chiếm đoạt của cải và quyền hành như thế nào. Kết quả là quốc gia Tây Ban Nha đã thiết lập được một đế quốc hùng mạnh bao gồm hầu hết Mễ Tây Cơ và Nam Mỹ. Đời sống trong lãnh vực đế quốc này trở thành đời sống pha trộn giữa phong tục tập quán của người Tây Ban Nha và của thổ dân da đỏ thuộc địa. Chương 4 sẽ bàn về các thuộc địa Anh ở Tân Thế Giới vào giai đoạn mới thành lập và vào thời kỳ phát triển. Không giống như người Tây Ban Nha, người Anh đến Tân Thế Giới lập nghiệp là đi tìm nơi để hưởng một đời sống tự do hơn (ở quê nhà). Chương 5 sẽ nói về đời sống ở 13 thuộc địa Anh tại Bắc Mỹ. Cuối cùng chương 6 cũng sẽ bàn về những vùng đất ở Bắc Mỹ mà người Pháp đến lập nghiệp. Chương này cũng sẽ bàn về sự tranh chấp giữa người Pháp và các thuộc địa Anh ngày càng trở nên dữ dội và hậu quả của cuộc tranh chấp này.

“Tôi chưa hề thấy quốc gia nào đẹp hơn được, cả một cánh đồng cỏ mênh mông xanh rờn... Hươu nai lảng vảng khắp nẻo đường... Khí trời tươi mát... Và mỗi hòn đá mà chúng tôi nhặt lên nếu nó không giống như vàng thì cũng như bạc”. (SIR WALTER RALEIGH)
----------------------------------​
I. TÂY BAN NHA THIẾT LẬP ĐẠI ĐẾ QUỐC

Con tàu uy nghi tráng lệ treo cờ hoàng bạch Tây Ban Nha vượt Đại Tây Dương tiến về phía Đông. Từ đầu đến cuối tàu chỉ cao hơn mặt nước một chút ít và các lá buồm đều được trang trí bằng những bức tranh lộng lẫy tươi sáng. Trong chòi trên cột buồm, người thủy thủ bồn chồn băn khoăn canh chừng tàu cướp biển. Đây là chiến thuyền quý báu của hạm đội Tây Ban Nha chở đầy những của cải đem về chính quốc. Con tàu chứa đầy những vàng, bạc nén, đầy những trân châu và ngọc lục bảo. Đây quả là phần thưởng quý báu cho bất kỳ quân cướp biển liều lĩnh nào bất chợt nhìn thấy.

Phải chăng những của cải này là của Á Châu? Phải chăng người Tây Ban Nha đã tìm ra được con đường đi Viễn Đông? Con tàu chở đầy những hàng quý giá này đã khởi hành từ các thuộc địa của Tây Ban Nha ở Tân Thế Giới. Và chiếc tàu này chỉ là phần nhỏ của những của cải mà Tây Ban Nha hàng năm chuyên chở từ các thuộc địa về chính quốc.

Chương này chúng ta sẽ bàn về việc Tây Ban Nha thiết lập đại đế quốc ở Tân Thế Giới và quốc gia này đã trở nên giàu có đến nỗi các quốc gia Âu Châu khác phải thèm khát và ganh tỵ. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu về đời sống thuộc địa Tây Ban Nha ở Mỹ châu. Thí dụ như tại sao người Tây Ban Nha lại thiết lập nhiều cơ sở truyền giáo giống như nhà thờ tại các thuộc địa ở Trung và Nam Mỹ. Khi đọc chương này các bạn hãy tìm kiếm những câu trả lời cho các câu hỏi dưới đây:

1. Tây Ban Nha đã thám hiểm và chinh phục được nhiều đất đai ở Tân Thế Giới như thế nào?
2. Đời sống ở thuộc địa Tây Ban Nha tại Mỹ Châu ra sao?
3. Anh Quốc và các quốc gia Âu Châu khác đã đe dọa thế lực của Tây Ban Nha như thế nào?
------------------------​
A. TÂY BAN NHA ĐÃ THÁM HIỂM VÀ CHINH PHỤC ĐƯỢC
NHIỀU ĐẤT ĐAI Ở TÂN THẾ GIỚI NHƯ THẾ NÀO?

- Tây Ban Nha, quốc gia tiền phong tiến đến Tân Thế Giới

Các bạn còn nhớ Columbus đã khám phá ra vô số quần đảo ở vùng biển Caribbean như các đảo Cuba, Hispaniola, Puerto Rico, và nhiều hòn đảo khác. Mặc dầu ông tìm được rất ít vàng, nhưng ông tin chắc là những đảo mà ông đã tìm ra là ở ngoài khơi Á Châu khiến cho Tây Ban Nha gửi các tàu thuyền chở người và đồ tiếp liệu đến Mỹ châu để lập nghiệp. Ngay sau đó, càng ngày càng có nhiều người đến lập nghiệp và chiếm đất mở mang nông trại và phát triển thành các đồn điền. Các nhà mạo hiểm đã liều lĩnh và các chiến binh nghèo khó cũng đua nhau lũ lượt kéo tới Cuba với hy vọng làm giàu. Họ tìm thấy rất ít vàng ở hòn đảo này. Chỉ có mỗi một cách là mở mang nông trại hay chăn nuôi súc vật mới có thể trở nên giàu có được. Nhưng đối với những người hằng ước ao mau được giàu có lớn thì cách thức kinh doanh này quá chậm đối với họ. Cho nên những người phiêu lưu từ các vùng định cư này lại ra đi thám hiểm Tân Thế Giới. Do đó, các hòn đảo ở vùng biển Caribbean đã trở nên đầu cầu cho các nhà phiêu lưu tiến vào lục địa Mỹ Châu.
latin_america.gif

- Tân Thế Giới lôi cuốn nhiều người Tây Ban Nha

Nhiều người Tây Ban Nha rất hăng hái đến Tân Thế Giới. Vào thời kỳ này, giới thanh niên thượng lưu ở Tây Ban Nha cũng như những người khác thường “dĩ binh vi nghiệp” (chọn nghề lính). Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ thứ 16, quân đội Tây Ban Nha không phải là luôn luôn lâm chiến, và nhiều quân nhân lại muốn phiêu lưu để được trở nên giàu có. Đối với những người này, những vùng đất xa lạ ở Tân Thế Giới có sức quyến rũ mời đón họ đến. Như vậy sao những nhà quý tộc can đảm của Tây Ban Nha lại không liều mình đi tìm lấy danh thơm và của cải?
Chúng ta nên nhớ rằng người Tây Ban Nha rất mộ đạo. Họ tin rằng họ có bổn phận biến cải những người ngoại đạo theo Thiên Chúa giáo. Như vậy ta thấy rằng Tân Thế Giới không những chỉ là nơi đất hứa cho họ đến làm giàu mà còn là nơi để giúp họ đến thi hành sứ mạng cứu rỗi linh hồn những kẻ ngoại đạo. Cho nên các công tử con các nhà quý tộc, các chiến sĩ dũng cảm, cũng như các tu sĩ can trường của Tây Ban Nha ồ ạt kéo tới Tân Thế Giới để thi hành sứ mạng của giáo hội, đi tìm kiếm vàng cho hoàng đế nước họ, cũng như đi làm giàu cho chính họ.

Vì vậy, đôi khi người ta thường gọi các nhà thám hiểm Tây Ban Nha là những người đi chinh phục. Chúng ta sẽ tìm hiểu về những chuyến đi phiêu lưu của ba nhà thám hiểm Tây Ban Nha mà có lẽ các bạn có thể biết tên họ: Balboa, Cortés và Pizarro.
P3.1.jpg
------------------​
BALBOA KHÁM PHÁ RA THÁI BÌNH DƯƠNG

Một trong các nhà thám hiểm Tây Ban Nha này là Vasco Nunez de Balboa (gọi tắt là Balboa). Ông là một người cao lớn, kiêu căng tự phụ, và là một tay kiếm tuyệt vời. Ông còn là một chủ đồn điền ở Hispaniola, nhưng dòng máu phiêu lưu đã khiến cho ông không muốn an phận cuộc đời sung sướng. Ông thường được người da đỏ kể cho ông nghe nhiều câu chuyện về những vùng đất đầy những vàng là vàng. Người ta có thể tới vùng đất này (ngày nay gọi là nước Peru) bằng đường biển ở bên kia eo đất Panama. Balboa chụp ngay lấy cơ hội này để tạo lấy tiếng thơm cho chính ông. Ông liền viết thơ trình lên hoàng đế Ferdinand nước Tây Ban Nha, trong đó ông kể rõ về vùng đất này và xin nhà vua giúp đỡ. Dưới đây là một đoạn trong bức thư của ông:

“Trong các vùng sơn cước (ở Peru), các ông tù trưởng chất chứa ở trong nhà không biết bao nhiêu là vàng. Người ta bảo ... rằng các sông ngòi ở vùng sơn cước này chứa đầy những vàng, và rằng họ có biết bao nhiêu là đống kếch sù vàng...và người da đỏ nói rằng cách nơi họ ở ba ngày đường có một đại dương khác (Thái Bình Dương)... Họ nói rằng trong vùng bờ biển này dân chúng rất tử tế, và người ta nói với hạ thần rằng- Đại dương đó rất thuận tiện cho việc lưu thông bằng thuyền, vì biển đó rất yên lặng và không bao giờ có sóng lớn như đại dương ở phía bên này...Người ta còn nói rằng có những viên ngọc lớn, các ông tù trưởng có hàng nhiều thúng vàng như...Điều không có gì bằng là được Chúa xếp đặt cho Hoàng thượng làm chủ tế cõi đất này”.

Lời lẽ trong thư thật là khôn ngoan. Xuyên qua lá thư trên đây, chúng ta thấy rằng Balboa biết rất ít về vùng này, vì hầu hết những câu văn trong bức thơ trên, ông đều bắt đầu bằng chữ “Người ta nói rằng” (they said or it is said). Hoàng đế Tây Ban Nha hình như cũng biết như vậy, cho nên trong lá thư trả lời Balboa, mặc dầu đã hết sức khen ngợi Balboa, nhưng nhà vua đã từ chối không chịu giúp đỡ ông. Nếu Balboa muốn đi đến Peru thì ông phải đi bằng “phương tiện riêng của ông”.

- Balboa vượt eo đất Panama

Vào một ngày tháng chín năm 1513, Balboa cùng với hai trăm người Tây Ban Nha khởi hành đi từ bờ biển phía bên này (Đại tây dương) eo đất Panama. Đoàn người được võ trang bằng cung, nỏ, kiếm và súng ngắn. Đi theo họ có hàng trăm nô lệ da đỏ (dân bản địa). Bản đồ trang 55b cho ta thấy đoạn đường mà họ đi xét ra không lấy gì làm xa lắm, nhưng thật là vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Nào là đầy những rắn độc, đỉa, vắt, muỗi mòng, sâu bọ. Nguy hiểm nhất là thổ dân rất thù nghịch. Những cây dây leo đầm lầy trong rừng nhiệt đới đã khiến cho đoàn người chỉ đi được chừng một hay hai dặm mỗi ngày.

Cuối cùng, Balboa và đoàn người đi tới một dãy núi cao, và từ đó những người da đỏ đi theo hướng dẫn chỉ cho họ nhìn thấy “cái đại dương bên kia” ở về phía Nam. Ngay khi tới đỉnh dãy núi này, Balboa hạ lệnh cho đoàn người dừng lại để chờ. Mình ông leo lên chỗ cao dốc nhất và từ đó ông có thể thấy một giải nước mông mênh, chiếu sáng lung linh. Ông vội vã kêu đoàn người đến để cùng nhìn “cái đại dương mông mênh này”. Chính đoàn người này là những người da trắng đầu tiên từ trên bờ biển Tân Thế Giới nhìn thấy Thái bình dương.

- Balboa tuyên bố Tây Ban Nha làm chủ Thái bình dương

Bốn ngày sau, đoàn người tới tận Thái Bình Dương.Với ngọn cờ Tây Ban Nha phất phới trong gió nhẹ, Balboa vừa rút kiếm vừa bước xuống biển và tuyên bố rằng biển này và các vùng đất bao quanh nó là thuộc của vua nước ông. Ông đặt tên cho vùng biển này là biển Nam, vì nó nằm ngay ở phía Nam đối với nơi mà ông khởi hành chuyến đi (xem bản đồ trang 55b). Mãi tới chuyến đi của Magellan, biển này mới được đặt tên là Thái bình dương, như ngày nay chúng ta thường gọi.

Balboa đem tin khám phá trở về. Ông dự trù một kế hoạch vượt biển Nam (Thái bình dương) để đi tìm vàng. Nhưng vị Thống đốc mới cũng như những người Tây Ban Nha khác ở Panama đã ganh tỵ với ông và ngăn không cho ông thi hành kế hoạch đi tìm vùng đất đầy những vàng mà ông đã viết thư trình lên hoàng đế Tây Ban Nha. Cuối cùng, nhà thám hiểm bất hạnh Balboa bị tố cáo là phản bội và bị xử tử.
P3.2.jpg
---------------------------​
HERNANDO CORTÉS CHINH PHỤC MỄ TÂY CƠ
Không phải chỉ có Balboa là người Tây Ban Nha được nghe những câu chuyện về những vùng đất đầy vàng này. Những đi biển đã đặt chân tới vùng bờ biển của lục địa đối diện với Cuba đều kể lại về vùng đất vĩ đại ở phía Bắc và phía Tây (Mễ Tây Cơ), nơi mà người ta tìm thấy rất nhiều vàng, bạc, châu báu. Họ nói rằng có một bộ lạc văn minh người da đỏ gọi là Aztecs sinh sống ở vùng này. Tất cả các bộ lạc kế cận đều phải triều cống hoàng đế của người Aztecs. Vị thống đốc ở Cuba quyết định kiểm soát các câu chuyện này. Ông dự định gửi một đoàn thám hiểm đi vùng đất đầy vàng để biến cải những người da đỏ theo Thiên Chúa giáo, và có lẽ là để đi khám phá cái kho tàng quý báu ở nơi này.

- Cortés đi Mễ Tây Cơ

Viên Thống đốc Cuba chọn một quân nhân đầy tham vọng tên là Hernando Cortés cầm đầu đoàn thám hiểm. Lúc bấy giờ Cortés vào khoảng 33 tuổi. Ông có đôi mắt sáng và phong độ vui vẻ hòa nhã. Vốn là con nhà quý tộc nghèo người Tây Ban Nha, năm 19 tuổi, ông từ giã quê nhà đi Tân Thế Giới lập nghiệp. Ông đã từng phục vụ trong quân đội Tây Ban Nha và đã từng tham dự các chiến dịch dẹp loạn người da đỏ ở Cuba. Sau này ông trở nên một chủ nhân giàu có nhờ khai phá đồn điền. Giống như Balboa, ông rất ham thích phiêu lưu cho nên ông cảm thấy rất hân hoan sung sướng được là người cầm đầu đoàn thám hiểm này.

Cortés rời Cuba vào đầu năm 1519 cùng với 15 chiếc tàu, 600 thủy thủ, vài ba nhà truyền giáo, một số ngựa và một nhóm người nô lệ hay công nhân da đỏ. Hạm đội Tây Ban Nha đổ bộ vào Mễ Tây Cơ, nơi mà ngày nay gọi là thành phố Veracruz, và Cortés chiếm đóng vùng này cho Tây Ban Nha. Tiếp xúc với thổ dân ở vùng này, ông được hiểu rõ hơn về dân Aztecs và hoàng đế Moctezuma của họ.

- Cortés tình cờ gặp sứ giả và chặn đường rút lui của quân sĩ mình

Trong lúc ấy, sứ giả mang tin cho Moctezuma biết về những người ngoại quốc da trắng, râu ria xồm xoàm, cưỡi những con thú to lớn và có vũ khí gây những tiếng vang như sấm. Dân Aztecs vốn có một câu chuyện huyền thoại về một vị thần ngày xưa cai trị xứ họ. Và hàng trăm năm trước đó vị thần ấy đã ra đi bằng một chiếc thuyền vĩ đại và hứa hẹn một ngày nào đó sẽ trở lại. Có thể lắm! Moctezuma tự nghĩ rằng có thể người cầm đầu của đám dân xa lạ này chẳng là vị thần ngày xưa hay sao? Moctezuma sợ mất cơ hội tốt, ông gửi sứ giả đến với những lời chào mừng và những tặng vật vô cùng quý giá. Trong số tặng vật này có hai cái đĩa to bằng cái bánh xe, một cái toàn là vàng, một cái toàn là bạc.

Hơn bao giờ hết, Cortés nôn nóng muốn gặp vị hoàng đế làm chủ cái kho tàng quý giá kia. Ông nảy ra một ý định táo bạo. Ông sẽ áp đảo vị hoàng đế này để chiếm đoạt hết của cải và vùng đất này luôn cho quốc gia Tây Ban Nha của ông, và dĩ nhiên cũng là cho chính ông và đoàn người của ông. Thay vì theo lệnh của viên thống đốc Cuba, thì bây giờ chính ông sẽ tự liệu lấy mọi công chuyện. Đồng thời ông đã khôn ngoan gửi một lá thơ lên hoàng đế Tây Ban Nha để nói rõ ý định của ông. Ông cũng nói cho đoàn người dưới quyền ông hay rằng ông đang thi hành quyết định thiết lập một thuộc địa mới.

Cortés là một vị chỉ huy biết khích lệ những người khác theo mình. Đoàn người dưới quyền ông đã hân hoan tán đồng kế hoạch táo bạo của ông. Sau đó, ông đốt hết tàu thuyền khiến cho những người dưới quyền ông không còn hy vọng đường rút lui. Và như vậy, họ sẽ chiến đấu can đảm hơn. Ông đã tìm hiểu và được biết rằng dân da đỏ thuộc các bộ lạc dọc vùng bờ biển này rất căm ghét chính quyền Moctezuma. Do đó, họ sẽ sẵn sàng hợp tác với ông để chống lại Moctezuma. Tháng 8 năm 1519, một nhóm ít người da trắng và đồng minh da đỏ của ông tiến tới Tenochtitlan, thủ đô của người Aztecs ở trong vùng núi miền Trung Mễ Tây Cơ.

- Cortés tới Tenochtitlán

Hai tháng sau khi khởi hành đoàn người Tây Ban Nha mệt mỏi đứng nhìn thành phố thủ đô Aztecs trong kinh ngạc. Thành phố được xây trên một hòn đảo nằm trong một cái hồ cạn to lớn và được nối với đất liền bằng ba con đường đất đắp cao. Nhiều con kinh chằng chịt trong thành phố, tàu thuyền sơn màu lòe loẹt tấp nập tới lui. Hai bên ven kinh lại có đường bộ chạy song hành. Các toà nhà sơn màu trắng chói chang dưới ánh nắng mặt trời. Ngôi đền thờ thần của người Aztecs cao vượt hẳn lên trong thành phố.
tenochtilan.jpg

Đoàn người Tây Ban Nha được vị chúa tể Moctezuma của người Aztecs tiếp kiến. Moctezuma cao lớn, uy nghi, ngồi trong một chiếc ngai do một nhóm người khiêng. Khi ngừng lại, ông ta bước xuống thì có người ra trải thảm để đôi dép bằng vàng của ông khỏi chạm đất. Các quan chức cao cấp người Aztecs đứng hầu quanh bên ông ta mà không dám ngước mắt nhìn ông. Moctezuma và Cortés trao đổi tặng vật, sau đó thì đoàn người Tây Ban Nha tiến vào thành phố.

Mặc dầu e ngại những người lạ, nhưng Moctezuma cũng tiếp đãi những người Tây Ban Nha như những khách quý. Đoàn người lưu lại trong thành phố vài tháng, và nhờ buôn bán với người da đỏ nên họ tích lũy được một số vàng, bạc và của cải. Dân địa phương đã tỏ ra không thù nghịch đối với họ và Cortés nhận thấy rằng đoàn người của ông quả là quá ít so với con số đông đảo của dân Aztecs.

- Người Tây Ban Nha chiến đấu mở đường thoát khỏi thành phố Tenochtitlán

Sau đó, Cortés được tin thống đốc Cuba gửi một đoàn thám hiểm đi Mễ Tây Cơ để bắt ông bỏ tù. Cùng với một số ít người tùy tùng, Cortés trở về vùng bờ biển. Tại đây, ông bắt được người cầm đầu đoàn thám hiểm nói trên. Ông nói cho họ hay về cái kho tàng của dân Aztecs, và nếu ông cùng đoàn người cùng nhau chinh phục người Aztecs thì cái kho tàng quý báu kia sẽ thuộc về họ. Ông thuyết phục được những người này theo ông. Cùng với những người mới nhập cuộc này, Cortés trở lại Tenochtitlán. Khi trở lại, ông nhận ra rằng trong thời gian ông vắng mặt tại đây, đã có những cuộc đụng độ giữa người Tây Ban Nha và người Aztecs. Dân Aztecs đã biết rõ rằng những người da trắng này không phải là thần thánh cho nên họ đã nổi giận.

Sau nhiều ngày chiến đấu gian khổ, Cortés quyết định rời khỏi thành phố. Ngay cả đại bác, súng ống của ông cũng không thể địch được với hàng ngàn chiến sĩ Aztecs. Người Tây Ban Nha chất vàng và các đồ trang sức định chuồn khỏi thành phố trong đêm tối, nhưng họ đã bị lộ khi tháo chạy và hai bên ác chiến kịch liệt. Nhiều người Tây Ban Nha lao mình xuống hồ và bị chết đuối. Hàng trăm người khác bị người Aztecs đâm và bắn chết. Cortés và một số người thoát hiểm, nhưng đã phải chịu thất bại ê chề. Người ta nói sau đó Cortés ngồi bên gốc cây ở ngoài thành phố đã khóc sướt mướt, thương tiếc xót xa cho 450 chiến sĩ dũng cảm đã hy sinh trong trận đánh vừa qua.

- Cuối cùng Tenochtitlán đầu hàng Cortés

Cortés biết rằng ông còn phải cố gắng để khuất phục thành phố Tenochtitlán và quân Aztecs. Hoặc là ông phải thành công, hoặc là ông sẽ không bao giờ trở lại Cuba nữa- trừ khi ông muốn bị treo cổ vì phản bội. Nhưng cuối cùng mãi tới năm 1521 thành phố này phải đầu hàng. Cortés đã triệt hạ thủ đô của người Aztecs và xây lại một thành phố khác theo kiểu của người Tây Ban Nha ngay chỗ ấy. Ông gọi thành phố này là thành phố Mễ Tây Cơ. Không bao lâu, các nhà thờ Thiên Chúa giáo mọc lên như nấm thay thế các đền đài của người Aztecs.
- Cortés tiếp tục chinh phục
Cortés không ngừng lại ở đây. Là Tư Lệnh quân lực Tây Ban Nha tại Mễ Tây Cơ, ông gửi nhiều đạo quân đi khắp các đế quốc Aztecs và tới tận Trung Mỹ. Chính ông cũng dẫn đầu một số đoàn quân thám hiểm viễn chinh này. Ông chiếm đoạt các mỏ vàng, mỏ bạc và của cải mà ông tìm gặp, và bắt dân da đỏ làm việc cho người Tây Ban Nha. Khi ông mất đi vào năm ông 62 tuổi thì chính quyền Tây Ban Nha đã kiểm soát được một vùng rộng lớn từ phía Bắc Trung Mỹ qua Mễ Tây Cơ tới tận vùng mà ngày nay gọi là Tây Nam Hoa Kỳ. Dù rằng chúng ta có thể không đồng ý về phương cách hoạt động của Cortés, nhưng ta phải khâm phục lòng quả cảm và sự kiên gan của nhà chinh phục Mễ Tây Cơ này.
-----------------------​
PIZARRO CHINH PHỤC XỨ PERU

Sau cái chết của Balboa, người Tây Ban Nha mới hiểu biết hơn về mảnh đất mà Balboa đã từng hy vọng chinh phục. Vùng đất này ngày nay chúng ta gọi là Peru, quê hương của những người da đỏ có trình độ văn minh khá cao. Dân địa phương ở đây sống dưới quyền cai trị của bộ tộc Inca. “Inca” nghĩa là con cái của mặt trời. Những người da đỏ này là những nông dân thông minh. Họ đã biết dẫn thủy nhập điền để trồng trọt, biết dệt những thứ vải tốt và làm các loại đồ gốm và kim khí khá xinh đẹp. Điều quan trọng hơn cả đối với người Tây Ban Nha đi tìm vàng là họ đã từng được nghe nói dân tộc Inca đi giày bằng vàng, ăn bát đĩa vàng. Quả thật như vậy thì nơi đây đúng là vùng đất mà họ đang đi tìm kiếm.

- Pizarro tiến vào quê hương của người Inca

Người quyết định chinh phục xứ Peru chính là Francisco Pizarro. Là một tay lão luyện trong cuộc đời thám hiểm, Pizarro đã từng cùng với Balboa vượt eo đất Panama. Không như Cortés và Balboa xuất thân từ dòng dõi quý tộc, Pizarro vốn xuất thân từ giai cấp bình dân, và từ bé chưa bao giờ ông được gửi đến trường để học một bài học vỡ lòng. Ông quả là con người thô bạo, tàn nhẫn, nhưng lại là một nhà thám hiểm cừ khôi, vì rằng dù gian lao, cực khổ, thất vọng, đắng cay bao nhiêu đi nữa cũng không làm ông nản chí sờn lòng.
inka3.jpg


Ông hiểu rằng muốn chiến thắng được bộ tôc Inca, thì chính ông và đoàn người của ông phải khắc phục khó khăn, gian khổ, vì bộ tộc này sống trong vùng núi Andes cao chót vót. Biết rõ như vậy nên ông đã phải mất nhiều năm để chuẩn bị cho cuộc phiêu lưu này. Ông đổ bộ an toàn vào duyên hải xứ Peru và dừng lại đó một thời gian để điều nghiên và nắm vững tình hình. Sau cùng, với vỏn vẹn 180 người Tây Ban Nha dưới quyền, ông hạ lệnh cho họ tiến vào thành phố của người Inca vào năm 1532. Ông vững tin rằng với sự ưu thắng về vũ khí và đoàn chiến mã của ông, dù với một số ít quân, ông cũng sẽ chiến thắng được đoàn quân đông gấp bội của người Inca. Chính ông cùng quân sĩ và chiến mã phải leo trèo các dốc núi cao. Cuối cùng, quân đội của ông tiến được vào thành phố Caxamarca, nơi mà vị chúa tể của bộ tộc Inca đang ngạo mạn chờ đợi ông.

- Pizarro cầm tù nhà vua và chiếm được số lớn vàng chuộc Đế

inka1.jpg


Hàng ngàn quan quân xúm quanh mình, nhà vua Atahualpa chễm chệ ngồi trên chiếc ngai bằng vàng thiệt. Chúng ta có thể hình dung rằng ông ta không hề sợ hãi gì đối với đoàn người da trắng ít oi kể cả những vũ khí mà ông ta chưa hề nhìn thấy. Người Tây Ban Nha bèn nảy ra ý kiến chụp lấy cơ hội để biến cải Atahualpa thành một tín đồ Thiên Chúa giáo, quy phục hoàng đế Tây Ban Nha. Có thông ngôn dịch lại, một vị tu sĩ giảng thuyết cho Atahualpa về giáo lý Thiên Chúa giáo, và thôi thúc ông ta nên tin nhận Chúa. Atahualpa lắng nghe lời thuyết giảng, nhưng không mảy may xiêu lòng. Ông ta chỉ lên mặt trời và nói rằng “Thượng đế của ta còn đang ngự trị ở trên trời cao và đang thương mến nhìn xuống đàn con của ngài dưới thế gian này”. Rồi ông ta liệng cuốn Thánh kinh mà vị tu sĩ vừa đưa cho ông ta. Thật là quá đáng đối với người Tây Ban Nha mộ đạo, và Pizarro hạ lệnh khai hỏa. Nhà vua của bộ tộc Inca đứng trong ngai vàng kinh hoàng lặng nhìn người Tây Ban Nha tàn sát hàng ngàn quần thần và quân sĩ của ông ta. Ngay khi đó Pizarro bắt Atahualpa giam lại.

Thấy người Tây Ban Nha ham muốn vàng hết sức, ông vua bị cầm tù quay ra mặc cả với Pizarro để được tự do. Ông ta vươn tay lên bức tường của chiếc phòng giam cao bằng khoảng đầu người mà hứa rằng nếu Pizarro thả ông thì ông sẽ biếu Pizarro một số vàng có thể chứa đầy căn phòng này. Pizarro đồng ý. Những ngày kế tiếp, dân da đỏ lũ lượt khuân vác báu vật bằng vàng từ các lâu đài, miếu điện đến chất chứa cho đầy phòng. Đây là báu vật chuộc Đế. Căn phòng chứa đầy của cải, báu vật trị giá chừng 15 triệu Mỹ kim. Atahualpa đã thực hiện lời hứa, nhưng Pizarro đã không hề nghĩ tới việc giữ lời hứa này. Đối với ông, mặc cả chỉ là một cách đơn giản dễ dàng để thâu tóm được vàng của bộ tộc Inca. Sau đó, ông tìm cớ sát hại Atahualpa bằng cách hạ lệnh cho người của ông bóp cổ cho chết.

- Pizarro bị sát hại

Không bao lâu, Pizarro lại chinh phục các đô thị khác rồi ông nắm quyền kiểm soát toàn thể vương quốc Inca. Ông cho thành lập thành phố Lima kiểu Tây Ban Nha, và thành phố này đã trở nên một trong những thành phố quan trọng nhất ở Tân Thế Giới. Tuy nhiên, Pizarro lại không có cơ hội để an hưởng của cải và danh vọng mà ông đã dày công tạo dựng. Ông đối xử quá hà khắc đối với dân da đỏ khiến họ nổi loạn và chiến tranh kéo dài triền miên. Đồng thời cũng có nhiều ganh tỵ và mưu đồ ở ngay trong những người Tây Ban Nha. Pizarro chết một cách bất đắc kỳ tử, như khi ông còn sống, ông đã từng gieo những cái chết thương đau cho những người khác. Chính ông bị người đồng hương sát hại.
----------------------------​
TÂY BAN NHA NẮM TRỌN QUYỀN LỰC VÀ TÀI SẢN TẠI CÁC THUỘC ĐỊA Ở TÂN THẾ GIỚI​

- Các nhà thám hiểm khác mở rộng vùng ảnh hưởng và quyền chiếm đất của Tây Ban Nha ở Tân Thế Giới

Qua các đoạn văn trên, các bạn đã biết rõ về Balboa, Cortés và Pizarro. Dĩ nhiên còn có nhiều nhà thám hiểm nổi tiếng cũng đòi cho Tây Ban Nha quyền chiếm hữu những miền đất mà họ đã khám phá được khi họ đi tìm các kho tàng và danh vọng. Các bạn cũng nên biết thêm vài người trong số này.

1. Ông Ponce de Leon khám phá ra Florida trong khi đi tìm “ Dòng suối trường sinh”. Mặc dù công cuộc thám hiểm của ông không mang lại được gì nhưng nhờ đó mà những người Tây Ban Nha khác thành lập được một làng định cư ở Saint Augustine, Florida vào năm 1565. Đây là thành phố kỳ cựu nhất ở Hoa Kỳ.

2. Một người Tây Ban Nha khác tên là Cabeza de Vaca đã đi lang thang suốt chín năm trường khắp Mễ Tây Cơ và các vùng đất mà nay là tiểu bang Texas.

3. Francisco Coronado đã lê gót hàng trăm dặm đường khắp cả miền rộng lớn, nơi mà ngày nay gọi là miền Tây Nam để đi tìm những thành phố mà người da đỏ nói là có vàng. Coronado kể lại rằng ông đã tới “một miền tuyệt đẹp rất tốt cho việc sản xuất những sản phẩm Tây Ban Nha vì đất đen màu mỡ, lại có những suối nước rất thuận lợi cho việc trồng trọt. Tôi đã tìm thấy giống mận như mận ở Tây Ban Nha và có rất nhiều nho và dâu ngọt nữa”. Nhưng Coronado không tìm được vàng. Những người da đỏ hướng dẫn ông thú nhận rằng những câu chuyện mà họ đồn đều sai sự thật. “Họ tin rằng con đường xuyên qua sa mạc hoang vu như vậy sẽ khiến cho chúng ta và lừa ngựa phải chết vì thiếu nước”.

4. Hernando de Soto là người da trắng đầu tiên khám phá sông Mississippi. Ông đi tới sông này vào khoảng 140 năm trước khi La Salle đặt chân tới. Nhưng lúc đó người Tây Ban Nha lại không làm gì để định cư hay chiếm vùng này để lập thuộc địa. Vì thế cho nên sau này La Salle đòi quyền chiếm vùng này cho nước Pháp.
P3.3.jpg


- Tân đế quốc Tây Ban Nha mở rộng


Theo sau những người Tây Ban Nha đi chinh phục xâm chiếm là các tu sĩ, viên chức của chính quyền, thương gia và những người đi định cư lập nghiệp. Chỉ trong vòng trăm năm sau khi Columbus đặt chân lên Tân Thế Giới, Tây Ban Nha đã tạo dựng được một đế quốc vĩ đại ở Mỹ Châu bao gồm cả Nam Mỹ (ngoại trừ Ba Tây, nơi mà người Bồ Đào Nha đòi quyền chiếm hữu), toàn bộ Trung Mỹ và Mễ Tây Cơ. Đế quốc Tây Ban Nha còn bao gồm cả Florida, vùng duyên hải chung quanh vịnh Mễ Tây Cơ, một phần Tây Nam Hoa Kỳ ngày nay và quần đảo Tây Ấn (West Indies) nằm trong vùng biển Caribbean.

Đế quốc rộng lớn này chia làm hai phần:

1. Tân Tây Ban Nha bao gồm Mễ Tây Cơ và quần đảo West Indies trong vùng biển Caribbean.

2. Thuộc địa Peru ở Nam Mỹ, ngoại trừ Venezuela.

- Tây Ban Nha trở nên quốc gia giàu mạnh nhất Âu Châu

Người Tây Ban Nha chiếm đoạt biết bao nhiêu tài sản của hai vương quốc Aztecs và Inca. Họ còn cưỡng bách người da đỏ ra công đào bới tìm vàng bạc ở các vùng mỏ Mễ Tây Cơ và Peru. Suốt thế kỷ thứ 16, ngày đêm tàu bè tấp nập vượt Đại tây dương chở của cải từ Tân đế quốc ở Mỹ Châu về làm giàu cho chính quốc. Nhờ vậy, Tây Ban Nha trở nên quốc gia giàu nhất Âu Châu vào lúc bấy giờ.

Của cải có nghĩa là quyền lực. Những của cải vừa tìm kiếm được đã làm cho quốc gia Tây Ban Nha trở nên hùng mạnh nhất ở Âu Châu thời đó. Tây Ban Nha thiết lập được đế quốc hùng mạnh ở Tân Thế Giới, và có thể gửi quân lính đi đồn trú bảo vệ đế quốc này. Quốc gia này luôn luôn có một lực lượng hải quân vô cùng mạnh được phái đi bảo vệ các đội thương thuyền để chống lại mọi cuộc tấn công có thể xảy ra.

Vào hậu bán thế kỷ thứ 16, Tây Ban Nha đã đạt đến tuyệt đỉnh của quyền lực. Vua Phillip II, một tín đồ công giáo nhiệt thành, cai trị cả một đế quốc vô cùng rộng lớn ở Âu Châu và ở Tân Thế Giới. Quyền lực của ông còn được mở rộng hơn nữa, vì Đức giáo hoàng ở La Mã coi ông như người có công biến cải những người không công giáo thành công giáo trong đế quốc của ông, và coi ông như người bảo vệ chính nghĩa của giáo hội ở khắp mọi nơi. Lúc bấy giờ, khi nói đến đất đai, tiền của và quyền lực của vua Phillip, người ta thường nói “Khi Tây Ban Nha chuyển mình thì địa cầu phải rung rinh”.
P3.4.jpg
------------------------------​
B. SINH HOẠT Ở THUỘC ĐỊA TÂY BAN NHA TẠI MỸ CHÂU RA SAO?

Những câu chuyện của những người Tây Ban Nha đi thám hiểm và chinh phục thì rất hào hùng, nhưng chúng ta lại muốn biết nhiều hơn về đế quốc Tây Ban Nha ở Mỹ Châu. Người dân sinh hoạt ở thuộc địa Tây Ban Nha ra sao? Người Tây Ban Nha đã hòa mình với những người da đỏ như thế nào?

Thay vì tìm hiểu đời sống ở thuộc địa Tây Ban Nha một cách thông thường, chúng ta hãy đọc một vài lá thơ tưởng tượng do cậu Philip Andrew 15 tuổi viết. Chúng ta hãy giả thử rằng cậu Philip là con của một gia đình mà cha là người Anh, mẹ là người Tây Ban Nha, đi Tân Tây Ban Nha (tức thuộc địa Tây Ban Nha ở Mỹ Châu) vào đầu thế kỷ thứ 18 để thăm một người chú của cậu ta. Mặc dù sự thật không có cậu Philip Andrew, nhưng những lá thư này cũng cho ta thấy một hình ảnh sống động về đời sống ở thuộc địa Tây Ban Nha. Cứ tưởng tượng rằng người ta tìm thấy những lá thư này vào sau một thời gian khá lâu sau khi cậu Philip viết cho ba má cậu. Và người tìm thấy những lá thư này viết những tựa đề và ghi cách đọc. Chúng ta cũng nên nhớ rằng người con trai vào thế kỷ thứ 18, khi phải viết thư cho cha mẹ thì họ viết một cách trang trọng hơn các cô cậu ngày nay.
------------------------------​
CHÍNH PHỦ TÂY BAN NHA KIỂM SOÁT DÂN THUỘC ĐỊA TÂY BAN NHA
Trên tàu đi Tân Tây Ban Nha
Cha Mẹ kính mến,
Ngay từ đầu chuyến đi con đã gặp may mắn. Một trong những người cùng đi trên tàu với con là một viên chức trong chánh quyền Tây Ban Nha. Nói chuyện với ông ta, con được biết rất nhiều về thuộc địa Tây Ban Nha ngay cả trước khi con được đặt chân tới đó. Cho nên trong lá thư đầu tiên này, con có thể nói cho cha mẹ biết tổng quát về Tân Tây Ban Nha và tổ chức chính quyền ở đây, dù con chưa tới đó.

- Chính quyền kiểm soát hầu hết mọi thứ

Điều rõ ràng nhất ở các thuộc địa Tây Ban Nha là chính quyền kiểm soát chặt chẽ mọi thứ. Thí dụ như chính quyền giới hạn những người đi đến thuộc địa Tây Ban Nha. Trừ những người công giáo sinh đẻ tại chính quốc, không một ai được đến lập nghiệp ở đây. Bất kỳ ai nhập cảnh Tân Tây Ban Nha đều phải có giấy phép.

Một điều khác nữa là chính quyền điều hành rất cẩn thận vấn đề giao thương giữa chính quốc và thuộc địa. Chỉ có những thương gia người Tây Ban Nha sử dụng những tàu thuyền của Tây Ban Nha mới được giao thương với Tân Tây Ban Nha. Hằng năm cứ đến mùa xuân, các thương thuyền có hạm đội võ trang hộ tống từ Tây Ban Nha vượt biển đi Veracruz. Những tàu này chứa đầy những hàng hóa kỹ nghệ như hàng vải tốt, giày dép và các dụng cụ. Những hàng hóa Tây Ban Nha được bán đi ở Tân Tây Ban Nha, và mua ở đây những sản phẩm như bắp, súc vật, da sống và các thứ khác.

Nhân dân ở các thuộc địa (Tây Ban Nha) không thích chính sách điều hành giao thương này của chính quốc. Ở Veracruz, họ phải mua tất cả những gì họ cần hoặc bán những gì họ sản xuất được cho cùng một thương gia. Người dân ở thuộc địa không có quyền gì để nói lên tiếng nói về giá cả hàng hóa mà họ bán hay mua. Họ không được phép trồng những gì mà ở chính quốc Tây Ban Nha sản xuất. Vì nếu họ được phép thì các thương gia Tây Ban Nha sẽ không bán được hàng hóa ở thuộc địa. Điều mà nhân dân thuộc địa muốn là họ mong được tự do giao thương với các quốc gia khác.

Một thí dụ khác về việc chính quyền kiểm soát chặt chẽ Tân Tây Ban Nha. Hoàng đế Tây Ban Nha bổ nhậm vị thống đốc thuộc địa gọi là Phó vương. Viên chức này có rất nhiều quyền hành, trong khi đó dân chúng không có tiếng nói gì với chính quyền cả. Vị Phó vương và các viên chức dưới quyền kiểm soát đời sống dân chúng, ban hành đủ mọi thứ luật lệ. Như cha mẹ đã thấy là dân chúng ở Tây Ban Nha không được tự do như họ hằng mong muốn.


Trân trọng kính thư,

Con yêu quý của Cha Mẹ
Philip.
---------------------------------​
NGƯỜI TÂY BAN NHA VÀ NGƯỜI DA ĐỎ

Viết trên tàu


Cha Mẹ kính mến,
Con lại nói chuyện với người bạn viên chức Tây Ban Nha của con. Con có hỏi ông ta về cách đối xử của người Tây Ban Nha đối với người da đỏ như thế nào? Ông ta nói rằng những người Tây Ban Nha khi đi chinh phục mới đặt chân đến Tân Thế Giới lần đầu họ không tôn trọng người da đỏ, mà thường hay đuổi họ ra khỏi nhà của họ. Tuy nhiên, chính quyền Tây Ban Nha không chấp nhận sự đối xử tàn ác đối với người da đỏ như vậy. Chính quyền cũng đã thiết lập một hệ thống mới nhưng cổ xưa như hồi thế kỷ thứ 16 để bảo vệ và giúp đỡ người da đỏ.

- Người da đỏ làm việc cho người Tây Ban Nha


Mỗi khi một nhà hàng hải Tây Ban Nha chiếm được vùng đất nào thì đất đai và dân da đỏ ở vùng đó được phân chia cho chính người chiếm đất và những người đồng hành của ông ta. Người Tây Ban Nha cho rằng người da đỏ được đối xử tử tế, được biến cải theo Thiên Chúa giáo và được phép có một số đất đai để canh tác sinh nhai. Bù lại, người da đỏ phải làm việc trong các đồn điền hay nông trại hoặc ở các mỏ của ông chủ để lãnh một số lương khiêm nhường. Khi con hỏi người bạn con rằng đường lối hoạt động như vậy có tiến hành tốt đẹp không, thì ông ta lắc đầu mà bảo rằng các ông địa chủ Tây Ban Nha rất ít để tâm đến luật lệ ban hành ở mãi chính quốc Tây Ban Nha xa xôi hàng vạn dặm đường. Con có thể nói rằng người da đỏ ở các thuộc địa Tây Ban Nha không hơn gì bọn nông nô ở Âu Châu vào thời Trung cổ. Họ không được phép đi khỏi nơi họ ở, và buộc phải làm việc không lương cho các chủ nhân ông.
Họ thường lấy làm nhục vì phải làm việc quá sức, và đôi khi họ gần như phải chết đói. Người bạn của con nói rằng các tu sĩ Tây Ban Nha cố gắng giúp cho người da đỏ được thoải mái hơn, nhưng họ đã gặp phải nhiều khó khăn để thực hiện điều này. Tuy nhiên, người bạn con lại nhận xét rằng dầu sao thì sống dưới chế độ này, người da đỏ cũng không đến nỗi tệ hơn là sống dưới chế độ của người Aztecs.

- Người da đỏ được biến cải theo Thiên Chúa Giáo

Một tu sĩ cùng đi đến Tân Tây Ban Nha nói với con rằng người Tây Ban Nha cố gắng biến cải người da đỏ theo đạo Thiên Chúa. Các tu sĩ Tây Ban Nha cho xây cất nhiều nhà thờ ở rải rác khắp Tây Ban Nha, và cho thiết lập các hội truyền giáo ở các lãnh địa xa xôi. Các tu sĩ truyền giáo săn sóc việc học hành và dạy giáo lý công giáo cho dân da đỏ. Khi con tới Tân Tây Ban Nha, con sẽ cố gắng đi thăm một trong những hội truyền giáo này.

Con không còn ở cách xa Tân Tây Ban Nha bao nhiêu nữa và trong lá thư kế tiếp con mới có thể kể cho cha mẹ nghe những điều mà chính con trực tiếp chứng kiến. Chúng con hy vọng sẽ ghé bên ở Veracruz, và từ đó con sẽ đi tới thành phố Mễ Tây Cơ. Con mong ước được thấy những điều mới lạ thích thú khi tới đó.

Nay kính,
Con yêu quý của Cha Mẹ
Philip.
-----------------------------​
ĐỜI SỐNG Ở MỄ TÂY CƠ CITY
Viết ở Mexico City

Cha Mẹ kính mến,

Sau khi viết lá thư vừa qua thì con tới Tân Tây Ban Nha. Trong thư này con sẽ kể cho Cha mẹ hay những điều con thấy ở Mexico City.

Mexico City là một đô thị giàu có và rộng lớn nhất ở Tân Tây Ban Nha, và cũng là một trong những thành phố mỹ lệ nhất. Một phần của thành phố được bao quanh bằng một cái hồ cạn, cho nên người ta có thể dùng đường bộ cũng như đường thủy để chuyển vận hàng hóa đến tận trung tâm thành phố. Thành phố được xây quanh công viên trung ương rộng lớn và cũng là nơi tọa lạc của nhà thờ chính tòa và dinh thự của vị Phó vương. Có những con đường trải đá chạy ngang dọc thành phố. Nếu xét ra ở chỗ nào cần thiết, người ta sẽ đổ đất và đá để lấp hố làm đường. Hầu hết nhà cửa ở đây là nhà hai tầng có hàng hiên song sắt ở trước cửa. Nhà được xây chung quanh một cái sân trống trải để những người trong gia đình có thể ngồi ở đó giải trí mà không sợ người láng giềng hay khách qua đường có thể nhìn thấy được.

- Mexico City là thủ đô của Tân Tây Ban Nha

Vì Mexico City là thủ đô nên thành phố này khác hẳn với những thành phố khác ở Tân Tây Ban Nha. Viên chức cao cấp nhất của Tân Tây Ban Nha là vị Phó vương sống ở đây. Là đại diện của hoàng đế Tây Ban Nha, ông cầm đầu chính quyền Tân Tây Ban Nha và ông có rất nhiều trách nhiệm và bổn phận. Những viên chức khác của chính phủ do vị Phó vương bổ nhậm cũng sống trong thành phố này. Thật ra Mexico City giống như thủ đô của chính quốc Tây Ban Nha nhưng ở một tầm mức nhỏ hẹp hơn, và vị Phó vương cùng những viên chức thân cận của ông cũng giống như nhà vua và các viên cận thần của nhà vua vậy.

Một dấu hiệu khác chứng tỏ Mexico City là thủ đô ở đây có nhà thờ chính tòa. Người ta nói nhà thờ tráng lệ này lớn nhất ở Tân Thế Giới. Đây là tòa Tổng Giám Mục ở Tân Tây Ban Nha, nơi cư ngụ của một chức sắc cao cấp nhất của giáo hội công giáo ở đây. Sự hiện diện của vị Tổng Giám Mục đã lôi cuốn nhiều chức sắc khác của giáo hội tới Mexico City cũng như vị Phó vương đã lôi cuốn các viên chức khác của chính phủ về đây. Ngoài ra, ở đây còn có đại học Mexico. Đại học này và đại học Lima (Peru) đều được thành lập vào năm 1551. Đây là hai đại học kỳ cựu nhất ở tân thế giới. Đồng thời cũng có nhiều nhà thờ và đại học khác nhưng ít quan trọng hơn.

Mexico City nổi tiếng về sự huy hoàng và nghi thức kiểu cách của nó. Người ta thường tổ chức những cuộc diễu hành vào các ngày có biến cố quan trọng như các buổi lễ tiếp rước hay tiễn đưa các vị tân hay cựu phó vương đến hay đi. Thường thường có những cuộc rước lễ long trọng. Nhà giàu có thường tổ chức các bữa tiệc liên hoan hay những đêm dạ hội trong những căn nhà sang trọng ở trong hay gần thành phố. Đàn ông, đàn bà mặc những áo lụa đẹp và đeo những đồ trang sức đắt tiền. Tuy nhiên hàng ngàn dân nghèo lại không được tham dự vào sự giàu có và huy hoàng của thành phố này. Họ là những người làm việc cực nhọc và sống cuộc đời khốn khổ trong căn nhà có một phòng ở ngoại ô thành phố.

- Bốn giai cấp ở Tân Tây Ban Nha

Con nghĩ rằng cha mẹ sẽ chú ý đến những giai cấp ở đây. Con được biết ở Tân Tây Ban Nha có bốn giai cấp:
1. Những người Tây Ban Nha sinh đẻ ở chính quốc Tây Ban Nha. Họ thường nắm giữ những chức vụ quan trọng trong giáo hội cũng như chính quyền.

2. Người Creeles là những người Tây Ban Nha sinh đẻ ở Tân Tây Ban Nha. Nhiều người trong giai cấp này là địa chủ, thương gia và doanh nhân. Tuy vậy, người Tây Ban Nha sinh đẻ ở chính quốc thường khinh rẻ họ.

3. Giai cấp đông đảo nhất là người mestizes, là những người lai Tây Ban Nha và da đỏ. Họ là những công nhân, thợ thủ công nghiệp trong thành phố. Đa số đều nghèo và khổ cực.
4. Giai cấp thấp hèn nhất ở Mễ Tây Cơ là những người da đỏ. Như con đã kể trong thư trước, những người da đỏ làm việc ở các đồng ruộng và hầm mỏ.

Con hy vọng rằng trong một thời gian ngắn nữa, con sẽ đi thăm các nơi khác ở Tân Tây Ban Nha để xem đời sống ở những nơi đó có khác với đời sống ở thủ đô này không. Trong chuyến đi tới này, con định sẽ đi thăm chú Pedro.

Kính thư

Con yêu quý của Cha Mẹ
Philip.
-------------------------------​
CÁC ĐẠI ĐỒN ĐIỀN VÀ CÁC HỘI TRUYỀN GIÁO
Viết từ miền Bắc Tân Tây Ban Nha.

Cha Mẹ kính mến,

Con đã rời Mexico City được ít ngày rồi, và chuyến đi này con dùng ngựa đi về miền quê. Con đã quan sát xem đời sống dân cư ở nhiều nơi trong Tân Tây Ban Nha. Đặc biệt ở đây con muốn thưa chuyện với ba má về hai lối sống quan trọng của người dân ở đây để ba má có ý niệm rõ ràng về các thuộc địa của Tây Ban Nha.

- Chuyến đi thăm một đại đồn điền

Trước hết, con xin thưa với cha mẹ về các đại đồn điền mà người ta gọi là Haciendas. Đây là các đồn điền rộng lớn do những người giàu có làm chủ. Hầu hết khắp mọi nơi trong Tân Tây Ban Nha đều có các đồn điền kiểu này, và con đã có dịp ghé lại thăm nhiều trại. Con xin kể rõ về trại đồn điền của chú Pedro để ba má có thể hình dung rõ ràng về các đồn điền hay các trại chăn nuôi khác.

Căn nhà của chú Pedro được xây theo kiểu bao quanh một cái sân giống như nhà cửa ở Mexico City. Người trong gia đình gần như suốt ngày ở ngoài sân, cho nên họ rất ít để ý đến đồ đạc ở trong nhà. Gần nhà thì có nhà thờ rất thuận tiện cho gia đình và người da đỏ đi lễ. Các chuồng ngựa không cách xa các căn nhà của nông dân da đỏ bao xa. Nông dân da đỏ là những người làm công việc cực nhọc ở trong đồn điền như nấu nướng, giặt giũ và phục dịch mọi việc trong đồn điền. Họ phải chăm nom săn sóc mùa màng và trông coi súc vật. Súc vật này là phần lớn tài sản của chủ trại.
Giống như các ông chủ đồn điền khác, chú Pedro là một người cưỡi ngựa rất giỏi. Hàng ngày ít khi chú rời khỏi yên ngựa. Chú thường dong ngựa giải trí và cũng là để đi trông coi các công việc trong đồn điền. Đời sống gia đình rất là thoải mái nhưng có lẽ không có hứng thú. Họ dùng thời giờ để tiếp đãi du khách (giống như con) và thăm viếng các bạn bè. Ai có dịp đi qua đồn điền đều được ân cần chào mời, và nếu họ muốn thì họ có thể lưu lại bao nhiêu lâu tùy ý. Quý khách sẽ được mời đi tham dự các buổi khiêu vũ, cưỡi ngựa, và đôi khi đi xem đấu bò nữa. Tại nơi đấu bò này, người ta thả một con bò mộng hung dữ đi vào sân đấu đã có sẵn một thanh niên đứng chờ. Con bò mộng sẽ săn đuổi và dùng sừng cứng nhọn để húc gã thanh niên này, và gã thanh niên này cũng sẽ cố gắng dùng tài nghệ điêu luyện của mình để dùng kiếm hạ sát chú bò hung dữ này.

- Đi thăm một hội truyền giáo

Ngoài đồn điền của chú Pedro, con đã lưu lại ở nhiều đồn điền khác nằm rải rác trên đường từ Mexico City đi về hướng Bắc. Đời sống ở các đồn điền thật là bình thản và dễ chịu. Nhưng đời sống ở trong các hội truyền giáo lại càng bình thản hơn. Các hội truyền giáo này thuộc về giáo hội công giáo. Ngoài các làng nhỏ của người Tây Ban Nha ra, họ còn thành lập những hội truyền giáo để truyền giáo trong đám người da đỏ bán khai ở các làng xa xôi hẻo lánh. Những vị tu sĩ can đảm đã tận hiến đời mình cho các hội truyền giáo để dạy giáo lý công giáo cho những người da đỏ. Các vị tu sĩ này chịu đựng biết bao nhiêu cơ cực nhọc nhằn và đau khổ. Họ đã biến cải được nhiều người da đỏ quanh vùng theo Thiên Chúa Giáo, cũng như họ lo trông coi việc thờ phượng trong giáo hội. Có hàng trăm dân da đỏ theo Thiên Chúa giáo sống trong hội truyền giáo. Những người da đỏ này trông coi mùa màng, săn sóc các súc vật, cũng như làm các công việc khác. Tại hầu hết các xứ đạo, dưới sự điều khiển của các vị tu sĩ, dân da đỏ đã phải mất nhiều năm góp công xây dựng những ngôi nhà thờ tráng lệ vĩ đại. Những ngôi nhà thờ này có những bức tường khá dày với những ngọn tháp cao chót vót và trong nhà thờ được trang trí lộng lẫy. Ngoài ra còn có những bức họa chạm trổ công phu hoặc những bức tranh sơn lên tường.

Gần nhà thờ thì có trường học và các cơ xưởng cho người da đỏ làm việc. Họ thong thả đi về làm việc, cũng như đi lễ và đi học. Thỉnh thoảng chuông giáo đường từ tháp cao chót vót ngân lên trong bầu trời trong xanh cao rộng của một ngày nắng đẹp chan hòa. Cha mẹ không thể tưởng tượng được cảnh nào có thể trầm lặng, bình thản và thanh thoát như vậy. Con sẽ trở về một ngày gần đây và sung sướng biết mấy khi gặp lại cha mẹ sau những tháng ngày xa cách. Con hy vọng những lá thư của con đã an toàn tới tay cha mẹ, và con cũng hy vọng những lá thơ đó có thể giúp cho cha mẹ có một ý niệm rõ rệt về những gì mà con đã chứng kiến trong cảnh sinh hoạt của người dân ở Tân Tây Ban Nha này.

Kính thư

Con yêu quý của Cha Mẹ
Philip.

Tới đây, những lá thư của Philip đã chấm dứt. Những lá thư này nói về sự sinh hoạt ở Tân Tây Ban Nha mà sự thật là ở khắp các thuộc địa Tây Ban Nha ở tân thế giới. Nếu Philip đi thăm Peru thì có lẽ cậu ta đã khám phá ra được một vài sự khác biệt về đời sống của người dân ở đây (nếu so với đời sống ở Tây Ban Nha). Nhưng nói chung thì những lá thư của Philip đều tương tự như nhau cả.
P3.5.jpg
--------------------------------------​
C. ANH QUỐC VÀ CÁC QUỐC GIA KHÁC
ĐE DỌA QUYỀN LỰC CỦA TÂY BAN NHA NHƯ THẾ NÀO?

Chúng ta biết rằng Tây Ban Nha đã lập một đế quốc vĩ đại tại Tân thế giới và trở thành một cường quốc dẫn đầu ở Âu châu. Các bạn thử tưởng tượng các cường quốc khác ở Âu Châu sẽ nghĩ như thế nào về tư thế của Tây Ban Nha trong chính trường quốc tế? Các bạn có thể nghĩ rằng các quốc gia Âu châu khác đã ghen tức với thế lực của Tây Ban Nha. Các quốc gia này nhìn Tây Ban Nha mà lo sợ giống như những đứa trẻ nhỏ lo sợ khi gặp một đứa con trai du đãng có thân hình to lớn. Các quốc gia này ghen tỵ với sự giàu có của Tây Ban Nha ở Tân Thế Giới. Họ tin rằng Tây Ban Nha không thể nào có nhiều quyền hơn để thừa hưởng những tài nguyên ở trong vùng đất mới này. Thật ra khi nghe tin đường ranh giới chia vùng ảnh hưởng giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, Pháp hoàng đã đặt một câu hỏi với một vẻ đầy miệt thị “Ai là người có thể chỉ cho ta thấy ý muốn của ông tổ Adam để lại cả địa cầu này cho riêng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha?”. Dĩ nhiên là Anh, Pháp và Hòa Lan đều mong muốn cho Tây Ban Nha suy yếu.
---------------------------​
CÁC QUỐC GIA ÂU CHÂU THÁCH ĐỐ TÂY BAN NHA Ở TÂN THẾ GIỚI

- Tây Ban Nha thiệt hại về giao thương và của cải

Một trong những cách mà các quốc gia Âu châu khác áp dụng để xâu xé Tây Ban Nha là họ thực hiện việc buôn bán bí mật với các thuộc địa của Tây Ban Nha. Mặc dù luật lệ đã ngăn cấm việc buôn bán như vậy, nhưng các thương gia thuộc các quốc gia Âu châu khác vẫn ký những khế ước, hợp đồng về việc giao hàng ở các thành phố hải cảng tại các thuộc địa Tây Ban Nha. Tàu thuyền của họ bỏ neo ở ngoài khơi và đêm đến họ cho chuyển các hàng hóa vào bến bằng các thuyền nhỏ. Một thuyền trưởng người Anh đã táo bạo cho thuyền có võ trang vào một hải cảng và đổ lên bờ 200 nô lệ và bán những người nô lệ này ngay trước mặt các viên chức Tây Ban Nha. Sự buôn bán bất hợp pháp này đã làm cho các thương gia người Tây Ban Nha thua thiệt rất nhiều.

Một cách khác nữa là các tàu thuyền võ trang của các quốc gia Âu châu khác thường tấn kích bất thình lình vào các tàu thuyền chở của cải và thương gia của Tây Ban Nha. Vào thế kỷ 16, các tàu thuyền võ trang Anh, Pháp, và Hòa Lan thường lênh đênh trên các vùng biển tìm bắt các tàu thuyền Tây Ban Nha và cướp phá các đô thị dọc theo duyên hải các thuộc địa Tây Ban Nha tại Mỹ châu. Tây Ban Nha lúc bấy giờ như một con chó có miếng thịt bị các con chó khác săn đuổi. Người ta không thể nào ước lượng được một cách chính xác con số của cải của Tây Ban Nha bị đánh cướp là bao nhiêu, nhưng con số này hẳn phải lên tới hàng triệu Mỹ kim. Về sau, quân cướp biển còn hoành hành ngay tại các thuộc địa Tây Ban Nha. Hải tặc người Pháp chiếm đóng luôn phía Tây đảo Hispaniola và luôn luôn tấn kích vào các tàu buôn của Tây Ban Nha ở vùng biển Caribbean. Hải tặc người Anh lập căn cứ ngay trên vùng duyên hải Trung Mỹ. Hải tặc người Hòa Lan chiếm trọn hòn đảo ngoài khơi vùng đất mà ngày nay gọi là Venezuela.

- Đoàn chó biển của người Anh tàn phá Tây Ban Nha

Anh quốc là một quốc gia thành công nhất trong việc tấn kích Tây Ban Nha. Khi Columbus khám phá ra Tân Thế Giới thì lúc bấy giờ Anh quốc không phải là một quốc gia hùng mạnh. Những trận chiến tranh giữa các dòng quý tộc thù nghịch đã làm cho nước Anh suy yếu. Tuy nhiên, dưới triều đại của nữ hoàng Elizabeth Đệ nhất (1558-1603), Anh quốc trở nên hùng mạnh một cách nhanh chóng. Vì Anh quốc là một quần đảo nên người Anh trở nên những tay thủy thủ tài ba và là những người đóng tàu giỏi. Sự kiện này đã làm cho họ dễ dàng rình rập các thương thuyền Tây Ban Nha. Và lúc bấy giờ, người ta thường gọi là đoàn chó biển để chỉ các ông thuyền trưởng của các tàu Anh tấn kích vào các tàu Tây Ban Nha.

- Francis Drake chọc giận hoàng đế Tây Ban Nha

Francis Drake là một người nổi tiếng nhất trong đoàn chó biển này. Sinh trưởng ở trong một đô thị thuộc miền duyên hải Anh quốc, từ thuở chưa 10 tuổi, ông đã theo nghề đi biển. Ông căm thù cay đắng người Tây Ban Nha. Trong những năm xảy ra các vụ bắt giữ các tàu thuyền của Tây Ban Nha, ông đã tỏ ra tài ba và vô cùng can đảm. Đã có lần ông và quân sĩ dưới quyền ông đổ bộ vào eo đất Panama và chiếm giữ các tàu chở toàn những của cải đắt giá của người Tây Ban Nha. Sau vụ này, người Tây Ban Nha gọi ông là “Rồng Drake” (Drake the dragon). Hoàng đế Tây Ban Nha phải treo giải thưởng tương đương với 200 ngàn đồng cho ai hạ sát được ông.
Sir_Francis_Drake.jpg


Năm 1577, ông rời Anh quốc trên chiếc tàu Golden Hind để thi hành một sứ mạng vô cùng nguy hiểm. Người Tây Ban Nha chưa bao giờ bị tấn công trong vùng biển Nam (Thái bình dương) mà họ thường khoe là hồ Tây Ban Nha. Tại sao ông lại không theo con đường của Magellan trước kia để đi Thái bình dương và làm cho người Tây Ban Nha ngạc nhiên? Ông vượt Đại tây dương và sau 16 ngày gian khổ ông thành công vượt qua eo biển Magellan. Tới bờ biển phía Tây của Nam Mỹ, ông cho tàu chạy nhanh và bắt giữ một số tàu tình nghi và làm cho dân chúng ở các thị trấn duyên hải đều kinh sợ. Phần thưởng lớn lao nhất của ông là chiếc tàu “Hào quang Nam Hải” của Tây Ban Nha chở đầy những của cải quý giá. Bắt giữ tàu này một cách bất ngờ, ông chiếm được rất nhiều đá quý, những chiếc rương đầy vàng và hàng tấn bạc nguyên chất. Cuối cùng, chiếc tàu Golden Hind của ông chứa chất cả một kho tàng quý báu.

Ông trở về quê nhà như thế nào? Tất cả các thuộc địa Tây Ban Nha ở Mỹ Châu xôn xao khuấy động chống ông. Ông quyết định đi con đường vòng quanh mà thật ra là con đường ngắn nhất để trở về quê hương. Ông tiếp tục đi ngược lên bờ biển vùng California, vượt Thái bình dương rồi cho tàu đi vòng quanh Phi châu để trở về Anh quốc. Chuyến đi của ông là chuyến đi thứ hai vòng quanh thế giới. Nhưng chuyến đi của ông còn quan trọng nhiều hơn vì nhiều lý do khác. Không những ông đã mang về quê hương một kho tàng đáng giá hàng triệu bạc, mà ông còn chứng tỏ cho người ta thấy rằng biển Nam (Thái bình dương) không còn là cái hồ của người Tây Ban Nha nữa, mà là cái hồ của người Anh. Khi về tới quê hương, ông được đón tiếp vô cùng long trọng. Nữ hoàng Elizabeth lên tận trên tàu Golden Hind phong tước hầu cho ông “Hầu tước Francis Drake”.
-----------------------------​
TÂY BAN NHA PHẢN CÔNG NHƯNG THẤT BẠI

- Hoàng đế Philip Tây Ban Nha chuẩn bị tấn công Anh quốc

Hoàng đế Tây Ban Nha vô cùng tức giận về các vụ “Đoàn chó biển” của Anh tấn công vào tàu thuyền và dân chúng cũng như lãnh thổ thuộc địa của nước ông. Vụ tấn công và thành công gần đây nhất của Drake quả là hết sức quá đáng khiến cho nhà vua không thể nào chịu đựng được nữa. Ông thông báo cho nữ hoàng Anh hay rằng Drake chỉ là tên hải tặc không hơn không kém, và cần phải được treo cổ. Thật ra hoàng đế Philip căm giận Anh quốc vì một lý do khác sâu xa hơn. Nhiều quốc gia Âu châu trong đó có cả Anh quốc đã ly khai giáo hội La Mã từ đầu thế kỷ thứ XVI. Là một nhà cầm quyền công giáo quyền thế nhất Âu châu, hoàng đế Philip cho rằng đã đến lúc phải đè bẹp Anh quốc. Ông cho tập trung một hạm đội gồm 130 chiến thuyền, chứa 19.000 quân sĩ và 8.000 thủy thủ để tiến đánh Anh quốc. Đoàn quân viễn chinh lớn lao này được mệnh danh là “Invincible Armada” có nghĩa là “Hạm đội bất khả bại”.

- Hạm đội Tây Ban Nha bị đại bại

Khi hạm đội Tây Ban Nha đến eo biển Anh quốc (biển Manche) thì gặp ngay 150 chiến tàu của Anh đang chờ sẵn. Trong số các vị chỉ huy hạm đội Anh có hầu tước Francis Drake và nhà thám hiểm kiêm thuyền trưởng Martin Frobisher. Chiến tàu Anh có thể chạy nhanh hơn và bắn giỏi hơn chiến tàu Tây Ban Nha. Tàu Anh lao tới lao lui quanh các chiến tàu Tây Ban Nha bắn thật nhanh rồi thoát đi trước khi chiến tàu Tây Ban Nha kịp bắn trả. Đồng thời, hạm đội Anh cho phóng ra các chất cháy vào giữa các chiến tàu Tây Ban Nha.

Trận chiến ác liệt kéo dài trong nhiều ngày và sau cùng hạm đội Tây Ban Nha phải chạy trốn ra ngoài eo biển Anh (biển Manche), nhưng vẫn bị các chiến tàu Anh truy kích ráo riết. Thời tiết lại thuận lợi cho quân Anh. Gió nổi lên dữ dội. Đoàn tàu chiến bại của Tây Ban Nha chạy thoát được trong cuộc chiến nhưng lại bị gió thổi đánh giạt vào bờ hay bị cuốn chìm vào lòng biển. Những chiếc còn lại vô vọng chạy tán loạn. Nước Tây Ban Nha kiêu hùng giờ đây bị thảm bại nhục nhã mất đi 1/3 chiến tàu và hàng ngàn quân sĩ.

Sau trận thất bại của hạm đội Armada vào năm 1588, sức mạnh của Tây Ban Nha bắt đầu lung lay. Cả gần một thế kỷ, quốc gia Tây Ban Nha đã từng là một quốc gia hùng mạnh nhất Âu Châu, nhưng giờ đây Anh quốc đã cho thế giới thấy rằng Tây Ban Nha đã bị đánh bại. Và từ đây nhân dân các quốc gia khác có thể đến định cư lập nghiệp tại Tân Thế Giới mà không còn sợ bị Tây Ban Nha ngăn chặn. Trong chương tới, chúng ta sẽ tìm hiểu Anh quốc đã thành lập các thuộc địa ở Bắc Mỹ như thế nào.
 
PHẦN IV
NGƯỜI ANH THIẾT LẬP NHỮNG
THUỘC ĐỊA HÙNG MẠNH Ở BẮC MỸ


... The heavy night hung dark
The hills and waters e’ver
When a band of exiles meored their bark
On the wild New England shore.
Not as the conqueror come
They, the true-hearted, came:
Not with the roll of the stirring drums,
And the trumpet that sings of fame...
What sought they thus afar?
Bright jewels of the mine?
The wealth of seas, the spoils of war?
They sought a faith’s pure shrine!
-------------------------------

Đa số chúng ta đều biết những câu thơ trên đây trích trong bài thơ nói về những người Thanh giáo và cuộc đổ bộ của họ lên bờ biển ở vùng Tân Anh. Không giống những người dũng cảm Tây Ban Nha đi chinh phục, những người Anh này chỉ là những người đi tìm quê hương mới ở Tân Thế Giới. Họ không chú ý đến của cải, những đồ trang sức rực rỡ và quý giá trong các kho tàng, mà chỉ khởi công một cuộc đời mới, nơi mà họ có thể tự do thờ phụng theo ý muốn.


Ngay cả trước khi người Thanh giáo đổ bộ lên Plymouth, đã có một làng định cư được thành lập ở xa về phía Nam, nơi mà ngày nay gọi là Virginia. Liên tiếp những năm sau đó, nhiều giống người khác đến lập nghiệp dọc theo bờ biển Bắc Mỹ. Những người này đến Tân thế giới lập nghiệp vì nhiều nguyên nhân. Dù rằng cũng có nhiều người thuộc các quốc gia khác, nhưng hầu hết những người này là thanh niên, phụ nữ Anh. Ngoài các làng định cư của những người thuộc các quốc gia Âu châu khác, các thuộc địa Anh lần lần phát triển rồi sau này biến thành quốc gia Hoa Kỳ. Trong chương này, chúng ta sẽ bàn về các giai đoạn khởi đầu của Hoa Kỳ. Khi đọc chương này, các bạn nên nhớ những vấn đề dưới đây:

1. Tại sao người Anh đã đi đến Tân Thế Giới và đi bằng cách nào?
2. Thuộc địa thành công của Anh đầu tiên đã khởi sự như thế nào?
3. Những thuộc địa miền Tân Anh được thành lập ra sao?
4. Những thuộc địa miền Nam nào đã được thành lập?
5. Những thuộc địa miền Trung được thành lập như thế nào?

------------------------------------------
A. TẠI SAO NGƯỜI ANH ĐÃ ĐI ĐẾN TÂN THẾ GIỚI
VÀ ĐI BẰNG CÁCH NÀO?

Chúng ta nên nhớ rằng trong khi Tây Ban Nha đã thiết lập được đế quốc vĩ đại ở Tân Thế Giới thì Anh quốc hãy còn là một quốc gia nhược tiêu. Tuy nhiên, sức mạnh đang lên của Anh được thấy rõ khi hải lực Anh đánh bại hạm đội Armada của Tây Ban Nha. Vào đầu thế kỷ thứ XVII, người Anh đã bắt đầu chú ý đến việc thành lập thuộc địa ở Bắc Mỹ.

Vào lúc này người ta chỉ có cách vượt đại dương bằng những thuyền buồm nhỏ. Những thuyền buồm này thường chở đầy những người và thiếu tiện nghi. Loại tàu thuyền này hoàn toàn tùy thuộc vào thời tiết. Dùng thuyền buồm vượt đại dương để đi tới Bắc Mỹ người ta phải mất nhiều tháng. Nếu chẳng may gặp phải gió mạnh hay bão tố, tàu thuyền có thể bị cuốn chìm vào trong lòng biển và sẽ chẳng bao giờ tới nơi được. Cũng vào thời kỳ này, ít có người biết đến Bắc Mỹ nên ít có ai đến đây định cư. Thế nhưng tại sao thanh niên phụ nữ Anh lại sẵn sàng chịu đựng gian khổ mà ra đi như vậy để đến Bắc Mỹ lập nghiệp.

Lẽ dĩ nhiên trong đó có một số người vì có óc mạo hểm và phiêu lưu như người Tây Ban Nha mà đến Tân Thế Giới để hy vọng đi tìm được vàng. Nhưng hầu hết những người Anh đi lập nghiệp ở Bắc Mỹ này đều có những lý do khác. Ta sẽ bàn đến dưới đây.
p4.1.jpg


NGƯỜI ANH THIẾT LẬP THUỘC ĐỊA Ở MỸ CHÂU
-----------------------------------
NHỮNG NGƯỜI ĐI LẬP NGHIỆP VÌ TỰ DO

- Mỹ Châu có nghĩa là tự do sống cuộc đời tốt đẹp hơn
Có nhiều lý do khiến thanh niên phụ nữ Anh sẵn sàng rời bỏ tổ quốc để đi Tân Thế Giới. Có một điều là hầu hết dân Anh đã từng là nông dân. Họ đã từng mướn ruộng của các địa chủ giàu có để cày cấy sinh nhai. Vào lúc các nhà địa chủ kiếm tiền nhiều hơn bằng cách nuôi cừu bán len nên giữ ruộng đất lại để làm đồng cỏ chăn nuôi. Như thế họ chỉ giữ lại một số ít người trông coi súc vật của họ. Vì vậy mà có một số đông người mất nhà mất nghiệp. Họ lang thang khắp nơi để tìm công ăn việc làm. Nhiều người phải đi ăn xin hoặc trộm cắp thực phẩm. Chính quyền Anh lúc bấy giờ đối xử với những người lang thang này rất là khắc nghiệt. Vì vậy mà có một số đông người mất nhà mất nghiệp. Họ lang thang khắp nơi để tìm công ăn việc làm. Nhiều người phải đi ăn xin hoặc trộm cắp thực phẩm. Chính quyền Anh lúc bấy giờ đối xử với những người lang thang này rất là khắc nghiệt. Nhưng Tân Thế Giới đã mở ra cho họ một cơ hội đi tìm cuộc sống tốt đẹp hơn.

- Mỹ châu có nghĩa là tự do hơn để làm chủ đất đai.


Vào đầu thế kỷ thứ XVII, rất nhiều người ở Anh chẳng bao giờ nghĩ rằng mình có thể làm chủ một số đất đai. Hầu hết đất đai ở Anh thuộc về giai cấp thượng lưu, rồi được truyền lại cho dòng con trưởng, cho nên các dòng con thứ sau này trở nên bần nông. Tuy nhiên, ở Tân Thế Giới có thừa đất đai cho mỗi người. Ngay những người nghèo khó cũng có thể trở nên địa chủ ở Bắc Mỹ.

- Mỹ châu có nghĩa là tự do tôn giáo

Còn một lý do nữa khiến cho người ta phải bỏ Anh quốc ra đi. Ở Âu châu vào đầu thế kỷ thứ XVII, nhà cầm quyền thường kiểm soát chặt chẽ tín ngưỡng của dân chúng. Dân chúng không được thờ phụng theo ý muốn. Chẳng hạn như tại Anh quốc, dân chúng bắt buộc phải công nhận nhà vua như vị lãnh đạo giáo hội Anh. Họ bị bắt buộc phải đi dự lễ và chấp nhận những giáo lý của giáo hội cũng như dâng tiền đóng góp.

Nhiều người Anh không thích những sự khắt khe về tín ngưỡng này. Những người công giáo mộ đạo không thể nào chấp nhận giáo lý của giáo hội Anh, vì nó khác xa với giáo lý công giáo. Họ tin rằng chỉ có giáo hoàng ở La Mã mới là người lãnh đạo hợp pháp của giáo hội. Mặt khác, lại có nhiều người nghĩ rằng giáo hội Anh quốc cũng quá đáng như giáo hội công giáo. Những người này không muốn có gì thay đổi trong giáo hội Anh mà cũng không hoàn toàn ly khai để thiết lập một hệ phái khác. Bất kể là lý do nào, những ai không muốn tuân theo những luật lệ về tôn giáo của Anh đều bị nghiêm trị. Vì thế cho nên có nhiều người Anh muốn đi xa tới Mỹ châu để lập nghiệp, nơi mà họ có thể tự do thờ phụng theo ý muốn.

- Mỹ châu có nghĩa là tự do tham dự vào chính quyền

Mặc dầu vào thế kỷ thứ XVII, dân Anh có nhiều quyền hành hơn những người dân ở các quốc gia khác, những họ cũng không hài lòng với chính phủ Anh. Anh hoàng James Đệ Nhất (người kế vị nữ hoàng Elizabeth) và con trai của ông là hoàng đế Charles I đều tin rằng Thượng đế trao cho nhà vua toàn quyền cai trị quốc gia. Cả vua James I và vua Charles I đều nghĩ rằng nhân dân phải chấp nhận những gì mà nhà vua cho là phải, là tốt mà không được thắc mắc. Nhiều người Anh tin rằng dưới một chế độ như vậy là bị mất nhiều quyền hành. Nếu họ đi đến các thuộc địa ở Mỹ châu thì họ có thể được phục hồi các quyền hành tham dự vào chính quyền. Họ sẵn sàng đánh đổi tiện nghi ở quê hương cũ để lấy tự do ở đất mới.

-----------------------------------

CÔNG CUỘC KHỞI ĐẦU CÁC THUỘC ĐỊA NHƯ THẾ NÀO?

Giả thử chúng ta là người Anh ở vào thế kỷ thứ XVII, và vì một lý do đã nói ở trên chúng ta muốn đến Mỹ châu để lập nghiệp thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta không thể khởi hành bằng cách dùng thuyền buồm vượt Đại tây dương theo kiểu cổ xưa mà chúng ta đã thấy. Hẳn là chúng ta phải tiếp xúc với những người chú ý đến việc thành lập thuộc địa.

- Các công ty mậu dịch tài trợ cho các thuộc địa


Dù cho việc đi Tân Thế Giới là lý do cá nhân nào đi nữa thì hầu hết những người đi lập nghiệp này đều có một mục đích là đi kiếm tiền. Chúng ta hãy nhớ rằng các thương gia Bồ Đào Nha nhờ buôn bán với Ấn Độ mà đã trở nên rất giàu có. Các thương gia và doanh nhân người Anh muốn thành lập các thuộc địa ở Tân Thế Giới cũng có cùng một mục đích như trên. Họ hy vọng trở nên giàu có bằng cách thành lập các thuộc địa và buôn bán với các thuộc địa này. Tuy nhiên, không phải bất cứ thương gia nào cũng có đủ tiền để sắm và trang bị tàu thuyền cùng gánh chịu những tổn thất nếu chẳng may có tai biến làm cho tàu đắm. Cho nên một số thương gia đã thành lập nhiều công ty. Và như vậy mỗi thương gia phải đóng góp một phần tiền hùn cần thiết và hy vọng sẽ nhận được một phần tiền lời.

- Cần phải có giấy phép đặc quyền


Trước khi khởi sự thiết lập một thuộc địa, ngoài việc cần phải có tiền để mua sắm tàu thuyền và đồ trang bị, còn cần phải có một điều kiện khác nữa, đó là: 1/- Giấy phép được định cư ở một vùng nào. 2/- Quyền thiết lập một chính phủ ở nơi định cư. Giấy phép được định cư và thiết lập chính phủ do nhà vua ban cho bằng một tài liệu gọi là giấy phép đặc quyền hay hiến chương ban đặc quyền. Thường thường, hiến chương này được ban cấp cho các công ty mậu dịch. Tuy nhiên, đôi khi hiến chương ban đặc quyền cũng được ban cấp cho các nhà quý tộc giàu có mà họ thường là bạn bè thân tín của nhà vua. Các nhà quý tộc thành lập thuộc địa thì gọi là các ông chủ (proprietors). Cả các ông chủ lẫn công ty mậu dịch đều cần những thanh niên phụ nữ sẵn sàng chấp nhận chuyến đi xa xôi hiểm nghèo tới các thuộc địa ở Mỹ châu. Cho nên nếu chúng ta muốn lập nghiệp ở Mỹ châu, chúng ta nên cần tìm gặp các ông chủ quý tộc hay các công ty để thu xếp những gì cần thiết cho chuyến đi.

- Dân nghèo cũng có thể đi Tân Thế Giới được

congnhan.jpg


Nếu chúng ta có một số tiền như những người đi định cư thì chúng ta phải trả tiền cước phí và tiền chi phí hàng ngày. Nhưng nếu chúng ta không có tiền, chúng ta cũng có thể đi tới thuộc địa được, miễn là chúng ta sẵn sàng từ bỏ tự do của chúng ta trong vài năm. Chúng ta có thể điều đình với các vị thuyền trưởng về vấn đề cước phí. Ông ta sẽ chuyên chở chúng ta mà không lấy tiền, nhưng ông ta sẽ thu tiền lại ở thuộc địa nào mà họ cần chúng ta phục vụ cho họ. Như vậy chúng ta sẽ trả cho người nào đã trả tiền cước phí cho chúng ta bằng cách làm việc cho người đó trong một thời gian thường thì từ 4 đến 7 năm- và chúng ta sẽ được gọi là indentured servants (công nhân có ký giao kèo). Khi phục vụ hết thời gian ấn định trên, chúng ta có thể làm chủ một số đất và chính chúng ta canh tác để sinh nhai. Điều kiện điều đình như trên đối với chúng ta quả là nặng nề. Tuy nhiên, hàng ngàn người đã chụp lấy cơ hội này để đi tới các thuộc địa Anh quốc, để nhận chịu làm công nhân một thời gian.


Bây giờ chúng ta đã hiểu rõ tại sao người Anh đã sẵn sàng trở thành những người đi lập nghiệp, và họ đã dàn xếp như thế nào để thực hiện thành lập các thuộc địa lúc ban đầu. Phần còn lại của chương này, chúng ta sẽ bàn thêm về 13 thuộc địa của Anh quốc được thành lập ra sao?
---------------------------------------
B. THUỘC ĐỊA THÀNH CÔNG ĐẦU TIÊN CỦA ANH
ĐÃ KHỞI LẬP NHƯ THẾ NÀO?


Khởi công một nơi định cư ở miền đất xa xôi không phải là dễ dàng. Thực vậy, cố gắng đầu tiên của người Anh để thiết lập một thuộc địa ở Tân Thế Giới đã thất bại.

- Hầu tước Walter Raleigh đã thất bại trong việc cố gắng khởi lập một thuộc địa

Vào hậu bán thế kỷ thứ XVI, khi mà đoàn chó biển Anh quốc tấn công và chiếm giữ các tàu thuyền chở báu vật của Tây Ban Nha thì một người phiêu lưu Anh tên là Walter Raleigh đã cố gắng thuyết phục nữ hoàng Elizabeth để ông thiết lập một thuộc địa ở Tân Thế Giới. Ông gửi đi một đoàn người thám hiểm vùng bờ biển mà ngày nay gọi là North Carolina. Đoàn người này nhận thấy rằng đất đai và khí hậu ở đây rất thuận lợi. Vùng này được đặt tên là Virginia.

Mặc dầu ông đã chi một số tiền lớn để di dân đến lập thuộc địa ở Tân Thế Giới, nhưng cuối cùng ông đã thất bại. Nhóm người này sau đó di chuyển đến đảo Roanoke ở ngoài khơi vùng bờ biển Carolina và mất tích một cách bí mật. Sau đó vài năm, một chiếc tàu từ Anh quốc đến đảo Roanoke không tìm thấy dấu hiệu gì của đoàn người định cư này. Người ta chỉ còn thấy một đồn lũy bỏ hoang, và những người trong đồn đã biến mất. Cho đến nay, không ai biết rõ biến cố nào đã làm cho đoàn người định cư ở đảo Roanoke này biến mất. Mãi tới 20 năm sau vụ thất bại này, Anh quốc mới lại cố gắng thiết lập một thuộc địa khác.

- Việc thành lập Jamestown

Vào một ngày cuối tháng tư năm 1607, ba chiếc tàu buồm nhỏ bé tiến vào cửa vịnh Chesapeake Bay. Đoàn người trên những chiếc tàu này đã sống trong những ngày dài đen tối và thảm đạm khi vượt Đại tây dương. Nhưng họ cảm thấy sung sướng khi đoàn tàu của họ tiến gần tới bờ biển đầy cỏ non xanh của mùa xuân. Ở cực Nam vịnh này, người ta thấy một cửa sông rộng lớn. Đoàn tàu từ từ ngược dòng sông và sau cùng người ta tìm được một nơi vừa ý để đổ bộ lên. Tại đây, đoàn người bắt đầu ra công làm việc để thiết lập một làng định cư. Chính những người đến Mỹ châu vào năm 1607 để lập nghiệp này là do công ty London chuyên chở đến. Công ty này đã được thành lập để phát triển công việc mậu dịch ở Bắc Mỹ. Công ty này được hoàng đế James I của Anh quốc ban cho đặc quyền thành lập những làng định cư dọc theo bờ biển mà ngày nay gọi là tiểu bang Virginia và North Carolina. Để vinh danh và ghi ơn hoàng đế James Đệ nhất, những người đi khai phá định cư này đặt tên sông đó là James, và làng định cư này là Jamestown. (xem bản đồ trang 92).

- Đời sống ở Jamestown rất là khó khăn cơ cực

Những người này quả là vô cùng can đảm khi họ phải rời bỏ quê hương và vượt hàng ba ngàn dặm biển để đến một nơi hoang vu xa lạ lập nghiệp. Biết bao nhiêu gian nan, cực nhọc, hiểm nguy đang chờ đợi họ cho nên họ cần phải can đảm và vững chí kiên gan. Nhiều người lâm bệnh vì uống nước sông, và bị sốt rét vì phải sống trong vùng ngập nước đầy muỗi mòng. Dân da đỏ thù nghịch luôn luôn rình rập ở trong rừng để chờ dịp tấn công họ.

Trong những ngày đầu thực phẩm thì khan hiếm, trong khi đó phần lớn những người đi định cư lại dùng thời giờ để đi đào vàng thay vì phải trồng trọt canh tác. Nhiều người không quen với công việc nặng nhọc. Họ tự cho họ không phải là hạng người lao động bằng chân tay. Vì thế vấn đề thực phẩm của dân đi khai phá định cư này hoàn toàn tùy thuộc vào thịt chim và thú rừng. Đồ tiếp liệu từ Anh quốc thì hiếm hoi và họ chỉ có thể mua được các loại bắp mà người da đỏ sản xuất mang tới. Vào mùa thu đầu tiên, chỉ còn vỏn vẹn một phần ba số người sống sót so với số người lúc đầu mới đặt chân tới.
jamestown.jpg
­- John Smith trở thành vị chỉ huy

Nếu không có nỗ lực của đại úy John Smith thì rất có thể cái làng định cư nhỏ bé này đã bị hủy diệt hoàn toàn trong những năm đầu ấy. Chính đại úy John Smith thấy rõ sự cần thiết phải thiết lập các công sự phòng thủ chống lại người da đỏ. Ông rất cứng rắn trong việc thương thảo với người da đỏ và buộc họ phải tôn trọng thuộc địa mới này. Ông cũng nhấn mạnh rằng mọi người đều phải làm việc và phải dùng bắp để làm thực phẩm, chứ không phải dùng thì giờ để đi đào vàng. Ông đặt ra chính sách “không làm thì không có ăn”. Ngay cả những người lười cũng phải làm, nếu không thì nhịn đói. Nhưng chẳng may vào đầu tháng chín năm 1609, đại úy Smith bị cháy phỏng nặng vì một vụ nổ thuốc súng. Ông phải trở về Anh để điều trị và cũng là để tránh một vài tranh chấp ác liệt với những người đi khai phá định cư. Và rồi ông cũng chẳng bao giờ trở lại Virginia nữa.

- Jamestown được cứu vãn


Sau khi đại úy John Smith ra đi, Jamestown trải qua những ngày đen tối. Mùa đông năm 1609-1610, thực phẩm khan hiếm đến nỗi người ta gọi lúc đó là thời kỳ chết đói. Tới mùa xuân thì chỉ còn lại có 60 người sống sót và họ sẵn sàng bỏ cuộc để trở về Anh quốc. Nhưng ngay khi họ tới cửa sông thì họ gặp một đoàn tàu mang đồ tiếp liệu và chở thêm những người khai phá mới tới. Vô cùng phấn khởi, họ lại trở về làng định cư cũ. Jamestown đã được cứu vãn.

- Jamestown trở nên vững mạnh hơn


May mắn thay những cuộc tranh chấp dữ dội của những năm đầu ở Jamestown không tái diễn. Làng định cư bé nhỏ dần dần trở nên vững mạnh hơn. Dần dần có thêm những người từ Anh quốc đến lập nghiệp. Trong đám những người mới đến này, có những thợ mộc rất khéo và những người buôn bán rất giỏi. Những người định cư vào những năm đầu ở Jamestown hoàn toàn là những đàn ông con trai. Nhưng năm 1619, một chuyến tàu chở phụ nữ Anh tới định cư. Bây giờ thì những đàn ông con trai này có thể lập gia đình.

Một trong những người định cư đầu tiên tên là John Rolfe đã được người da đỏ chỉ cho biết cách sản xuất thuốc lá ngon. Cây thuốc lá này thật xa lạ đối với người Âu châu cho đến khi người da đỏ chỉ cho họ biết. Sau khi đó, khói thuốc này trở nên quen thuộc ở Anh, cho nên dân định cư ở Jamestown thấy dễ dàng bán tất cả thuốc lá mà họ sản xuất được. Sau cùng, thuộc địa này trở nên phồn thịnh và cần nhiều công nhân để trồng thuốc lá. Nhiều công nhân da trắng được du nhập để đáp ứng cho nhu cầu. Cũng vào lúc này, một chiếc tàu Hòa Lan chở đầy những người da đen từ bờ biển Phi châu tới Jamestown. Những người da đen này tỏ ra rất đắc lực trong việc trồng trọt thuốc lá. Những nông trại nhỏ đã biến mất nhường chỗ cho các đồn điền lớn. Thuộc địa được mở mang ra ngoài lãnh vực của Jamestown, và trở thành vùng mà chúng ta biết là Virginia.

- Dân định cư được ban quyền tham kiếm trong chính quyền


Jamestown lúc khởi đầu là một thuộc địa của công ty London, và có một thời, Jamestown được cai trị bởi một nhóm người do công ty này chỉ định. Tuy nhiên, vào năm 1619, khi Jamestown được 12 tuổi thì dân định cư được phép cử đại diện vào cơ quan lập pháp của thuộc địa.

Nhóm người này được gọi là nhân viên viện đại biểu thị xã (House of Burgesses). Dân định cư bấy giờ có thể tham dự vào chính quyền.

Chế độ mà dân chúng có thể chọn người đại diện làm luật cho họ thì gọi là có chính phủ đại diện. Việc thành lập viện đại biểu thị xã vào năm 1619 là một việc rất quan trọng vì nó đã phát khởi một tư tưởng chính phủ đại diện hay chính phủ tự trị ở các thuộc địa Anh quốc.

Jamestown là một làng định cư thành công đầu tiên của Anh trong Hiệp Chủng Quốc ngày nay. Hàng trăm năm kế tiếp theo đó, 12 thuộc địa khác của Anh cũng được thành lập dọc theo bờ biển Đại Tây dương. Để cho câu chuyện về việc thành lập các thuộc địa này trở nên dễ dàng hơn, chúng ta chia những thuộc địa này làm ba nhóm:

1. - Nhóm thuộc địa miền Tân Anh.
2. - Nhóm thuộc địa miền Nam.
3. - Nhóm thuộc địa miền Trung.

-----------------------------------------
C. CÁC THUỘC ĐỊA MIỀN TÂN ANH
ĐÃ ĐƯỢC THÀNH LẬP NHƯ THẾ NÀO?
¨ NHIỀU LÀNG ĐỊNH CƯ ĐƯỢC THIẾT LẬP Ở MASSACHUSETTS

Đồng thời với nhóm người lập nghiệp đầu tiên định cư ở Jamestown, một nhóm người Anh khác di chuyển đến thành phố Layden ở Hòa Lan. Những người này là những người dân dã tầm thường gồm những thanh niên phụ nữ đã từng mong mỏi ly khai khỏi giáo hội Anh để được tự do thờ phượng theo ý muốn. Vì lý do trên đây mà người ta gọi họ là những người ly khai. Ở Anh quốc họ bị ngược đãi nên họ trốn sang Hòa Lan. Nhưng ở Hòa Lan họ cũng chẳng được sung sướng gì. Ngôn ngữ, phong tục và dân chúng Hòa Lan tất cả rất xa lạ với họ. Những người Anh lang thang mất quê hương này (về sau người ta gọi là người Pilgrim) không muốn con cái họ quên mất gốc và lề lối của người Anh. Vốn là những người chuyên sống ở đồng quê để canh tác, họ không thích làm việc ở thành phố. Cho nên họ quyết định đi tìm quê hương mới ở Mỹ châu.

- Người Pilgrims đi Mỹ châu

Một số người trong nhóm họ trở về Anh quốc để tiến hành việc thiết lập kế hoạch cho cuộc phiêu lưu mới. Khi đó lại có nhóm người ly khai khác cũng muốn rời bỏ Anh quốc để hợp tác với họ. Là những người nghèo nên họ cần được trợ giúp để trang trải cước phí và các đồ cần dùng. Một công ty mậu dịch đồng ý trợ giúp họ về vấn đề này. Đổi lại, người Pilgrims đồng ý sẽ làm việc cho công ty một thời hạn là 7 năm. Trong thời gian 7 năm này, họ chỉ được hưởng những gì cần thiết cho hàng ngày thôi. Còn ngoài ra tất cả những gì họ sản xuất được đều thuộc về công ty.
mayflowerII.jpg


Tháng 9 năm 1620, đoàn người Pilgrims từ hải cảng Plymouth Anh quốc bước lên chiếc tàu buồm bé nhỏ Mayflower vượt biển. Tất cả có 102 người. Cơn bão lớn ở ngoài khơi Đại tây dương đã thổi dạt con tàu Mayflower xa hẳn về phía Bắc, nơi mà họ định đi tới định cư. Cuối cùng, vào tháng 11 năm 1620, tàu Mayflower đến bỏ neo ở một nơi an toàn mà ngày nay gọi là Massachusetts. Tuy đến nơi an toàn rồi nhưng họ lại gặp một vấn đề rắc rối. Đó là hiến chương do nhà vua cho phép họ đến lập nghiệp ở vùng đất do công ty London làm chủ ở Virginia. Họ không tới đó mà lại tới vùng đất ngoài phạm vi của công ty London. Họ phải giải quyết ra sao?

p4.2.jpg
- Người Pilgrims thiết lập chính quyền
Trước khi rời tàu Mayflower lên bờ định cư, một số người tập trung trong căn phòng nhỏ bé thảo luận về những gì cần phải làm. Vì chỗ đất mới này không đúng với nơi do nhà vua chỉ định cho họ đến lập nghiệp nên họ quyết định tự đặt ra kế hoạch để điều hành quản trị công việc chung của họ. Sau khi suy nghĩ về cuộc sống mà họ hằng mong mỏi và theo đuổi, họ cùng đi đến một thỏa hiệp, theo đó họ nói:

“Nhân danh Thượng đế, Amen, chúng tôi là những người ký tên dưới đây…đảm trách… một chuyến đi lập nghiệp tại khu đất đầu tiên ở vùng phía Bắc Virginia… long trọng thỏa thuận ban hành… những luật lệ công bằng và bình đẳng…như chúng tôi đã cho rằng là tốt nhất cho quyền lợi chung của cả cộng đồng thuộc địa, theo đó chúng tôi hứa tất cả… sẽ tuân hành”.
Thỏa hiệp quan trọng này về sau được gọi là thỏa hiệp Mayflower. Sau đó, họ bầu lên một vị thống đốc và đặt ra các luật lệ. Sau này, khu định cư ngày càng trở nên rộng lớn, họ bầu các đại biểu vào một hội đồng. Giống như ở Jamestown, chính quyền tự trị khởi đầu ở đây thể hiện rõ đời sống thuộc địa Anh lúc ban đầu.

- Người Pilgrims định cư ở Plymouth

Đoàn người đổ bộ lên vùng bờ biển hoang vắng và đặt tên cho làng định cư của họ là Plymouth. Họ phải sống trong cảnh lo phiền, thiếu thốn và phải đương đầu với biết bao hiểm nguy. Dưới đây ta hãy đọc ít dòng do một trong những người lãnh đạo của họ viết:

“Không một người bạn chào đón. Không một quán trọ để giải trí hay giải khát cho những người sạm nắng phong sương. Không một căn nhà, và đô thị lại càng không có để trú chân hay cầu mong giúp đỡ… Còn về thời tiết thì bây giờ là mùa Đông, mà mùa Đông ở xứ này thì lạnh ghê gớm và thường có những gió bão dữ dội. Đi đến các nơi đã biết rõ cũng là nguy hiểm, và như vậy đi thăm dò một vùng bờ biển xa lạ thì lại càng nguy hiểm hơn. Ngoài những nơi vắng vẻ hoang vu đầy những thú rừng và lũ người man rợ, không còn thấy gì khác hơn nữa. Và còn biết bao nhiêu thứ ghê gớm khác nữa mà họ không biết”.
Trong vài tháng sau đó, hơn một nửa đoàn người ít ỏi này đã lìa đời vì đói lạnh và bệnh tật. Nhưng khi mùa xuân tới, những người còn sống sót quyết định thà ở lại nơi đất mới này còn hơn trở về Anh quốc. Mặc dầu phải gánh chịu những gian khổ, nhưng ở đây có quyền tự trị và được tự do thờ phượng theo ý muốn.

Ngày tháng trôi qua, đời sống ở Plymouth ngày càng trở nên dễ chịu hơn. Những người da đỏ thân hữu chỉ dẫn họ cách săn bắn, đánh cá và trồng bắp. Dưới sự lãnh đạo của Thống đốc William Bradford, cuối cùng họ trả được hết nợ cho nhà buôn London và được quyền chiếm đất để canh tác sinh nhai. Dần dần với thời gian, thuộc địa Plymouth ngày càng trở nên vững mạnh hơn, dù rằng thuộc địa này chẳng bao giờ trở nên rộng lớn.

- Người Thanh giáo đến định cư ở Massachusetts Bay

Chẳng bao lâu vùng định cư Plymouth có một nhóm khác đến định cư ở ngay vùng kế cận. Đó là những người Anh theo đạo Thanh giáo đến định cư ở vùng Massachusetts Bay. Người Thanh giáo không muốn ly khai khỏi giáo hội Anh như những người ly khai (Pilgrims) trước kia đã làm, nhưng họ muốn cải cách hay là thanh lọc giáo hội Anh. Không giống như những người ly khai trước đây vì tôn giáo mà bị chính quyền Anh ngược đãi, hầu hết những người Thanh giáo là những người Anh thuộc thành phần giàu có và giới trung lưu. Một số người vốn đã ở trong công ty mậu dịch Massachusetts Bay. Công ty này được Anh hoàng ban cấp đất đai và một bản chiếu chỉ ban đặc quyền. Họ nói rằng nếu những người ly khai đã thành công trong việc thiết lập làng định cư ở Tân Thế Giới thì họ cũng có thể thành công như người ly khai vậy. Họ tự hỏi tại sao họ không mua hết những cổ phần của những người nào trong công ty mà không đi Mỹ châu để họ có thể đem toàn công ty Massachusetts Bay và bản đặc quyền do nhà vua ban cấp cho để họ vượt Đại Tây dương đến Massachusetts? Và đó là những điều mà họ phải làm.

- Người Thanh giáo tới Boston

Mùa xuân năm 1630, 11 chiếc tàu chở đầy những người đi khai phá giã từ nước Anh tiến về miền Tân Anh. Ông John Wimthrop, một nhân vật Thanh giáo quan trọng, được chọn làm thống đốc của thuộc địa. Vì lúc đó dân Thanh giáo ở Anh bị ngược đãi hơn bao giờ hết nên việc tuyển mộ dân đi khai phá lập nghiệp ở Mỹ châu không gặp khó khăn gì cả. Cho tới gần mùa thu năm đó, tính ra có tới 2000 thanh niên, phụ nữ và trẻ em đến lập nghiệp ở Boston hay ở vùng gần bên.

Trong suốt 10 năm theo đó, mặc dầu có thêm nhiều người đến lập nghiệp, dân Thanh giáo tại đây phải khổ cực vật lộn để mưu sinh trong vùng đất sỏi đá ở miền Tân Anh. Mùa đông ở đây lạnh vô cùng, và nhiều người đã chết vì bệnh tật. Tuy nhiên, họ là những người khỏe mạnh, can đảm, và những người lãnh đạo của họ lại là những người có tài. Chẳng bao lâu họ thiết lập được nhà máy xay, nhà máy cưa và các cơ xưởng sản xuất các đồ nhật dụng. Dân thuộc địa bắt đầu xúc tiến giao thương mạnh mẽ với Anh quốc. Họ mang da thú, cá, gỗ bán đi và mua về những hàng hóa cần thiết.

- Massachusetts Bay và Plymouth hợp nhất

Vì ngay từ lúc mới lập làng định cư, Massachusetts Bay đã có nhiều người hơn làng định cư Plymouth nên sau đó làng định cư Massachusetts đã phát triển mau lẹ hơn nhiều. Năm 1691, hai làng định cư này hợp nhất lại và được gọi là Massachusetts. Từ đó, Plymouth chẳng bao giờ còn được coi như là một trong 13 thuộc địa nữa.

- Người Thanh giáo không chấp nhận tự do tín ngưỡng của người khác

Thật là kỳ lạ khi người Thanh giáo đến Massachusetts là để được tự do thờ phụng theo ý muốn, nhưng lại không để cho người khác hưởng quyền tự do này. Những người không thuộc giáo hội Thanh giáo có thể được sống ở làng định cư Massachusetts Bay nếu họ chịu tuân hành theo những luật lệ khắt khe của người Thanh giáo, nhưng họ không có quyền tham dự chính quyền. Họ phải đóng thuế để đóng góp cho giáo hội Thanh giáo nhưng họ không được phép phê bình hay chỉ trích giáo hội. Như các bạn đã biết, trong đám những người Thanh giáo cũng không có tự do tín ngưỡng thật sự. Tư tưởng tự do tín ngưỡng của người khác hay lòng khoan dung về tôn giáo chưa bao giờ được nghe thấy ở Boston vào cái thuở ban đầu đó.
----------------------------------
NHIỀU LÀNG ĐỊNH CƯ KHÁC ĐƯỢC THÀNH LẬP Ở MIỀN TÂN ANH

- Việc thành lập Rhode Island

Luật lệ khắt khe của người Thanh giáo ở Massachusetts Bay đã khiến cho một số người rời bỏ nơi này để đi khởi lập ở những miền định cư khác ở Tân Anh. Thí dụ như ngay sau khi làng định cư Massachusetts Bay được thành lập, một vị mục sư trẻ tên là Roger Williams bắt đầu rao truyền tư tưởng không thích các nhà lãnh đạo Thanh giáo. Ông nói rằng người da trắng không có quyền làm chủ những đất đai mà họ đã khai phá và định cư ngoại trừ họ đã mua những đất đai này của người da đỏ. Ông cũng khẳng định rằng mọi người đều có quyền tự do thờ Chúa theo ý mình muốn.

Các nhà lãnh đạo Thanh giáo thù ghét tư tưởng này ghê gớm đến nỗi họ quyết định gửi trả Roger Williams về Anh quốc. Hay biết được quyết định này của họ, Roger Williams liền trốn khỏi làng định cư Massachusetts Bay vào mùa đông năm 1636. Ông được người da đỏ giúp đỡ và coi ông như người bạn của họ. Ông đi lang thang từ làng này đến làng khác và đi dần về phía Nam cho tới gần bờ biển vịnh Narragansett. Ông cùng với 5 người bạn dừng lại lập nghiệp ở đây, nơi mà ngày nay gọi là thành phố Providence. Nhiều người cũng đến gần đó sinh sống, đúng vào khi làng định cư này trở thành thuộc địa Rhode Island.
Dân ở Rhode Island không đồng ý với nhau về nhiều vấn đề nhưng họ cùng tin tưởng mạnh mẽ rằng mọi người ai cũng có quyền tự do thờ phượng Thượng đế theo ý mình muốn. Lần đầu tiên dân của thuộc địa ở Mỹ châu cho phép người ta được tự do tín ngưỡng. Dần dần tư tưởng tự do tín ngưỡng cũng như tự do tự trị được các thuộc địa khác chấp nhận.

- Dân định cư ở Massachusetts đến lập nghiệp ở Connecticut và New Hamsphire


Không phải chỉ có dân Rhode Island là những người rời bỏ làng định cư ở Massachusetts Bay đi lập nghiệp ở nơi nào mà họ có thể sống cuộc đời tự do và tốt đẹp hơn. Mục sư Thomas Hooker ở Massachusetts Bay cũng có một số tín hữu muốn tự do thờ phượng theo ý muốn. Họ cũng nghĩ rằng họ cũng có thể tìm được một mảnh đất tốt đẹp hơn để canh tác. Cũng vào năm 1636, khi mà Roger Williams khởi sự lập nghiệp ở Providence thì Hooker và các tín hữu của ông rời bỏ Massachusetts. Đoàn người này mang theo gia súc và những đồ vật dụng nào mà họ có thể mang đi được tiến về phía Tây băng qua vùng hoang dã đi tới con sông to lớn tên là Connecticut. Đoàn người của ông Hooker và các người khác từ Massachusetts đến thành lập những làng ở Hartford, Windsor và Wethersfiled. Lại còn một nhóm người khác cũng vì tự do thờ phượng mà đến thành lập một trung tâm mua bán ở New Haven. Sau nhiều năm các làng định cư ở vùng này hợp nhất lại thành một vùng định cư duy nhất mà sau này gọi là thuộc địa Connecticut.

Trong khi đó nhiều người từ Anh quốc tới thành lập nhiều làng định cư nhỏ ở phía Bắc làng định cư Massachusetts Bay. Những người định cư mạo hiểm từ Massachusetts Bay kết hợp với nhóm người từ Anh quốc mới tới khởi đầu việc hình thành thuộc địa New Hamsphire.

---------------------------------------
D. NHỮNG THUỘC ĐỊA NÀO Ở MIỀN NAM ĐƯỢC THÀNH LẬP?

Cũng trong chương này, trước đây đã nói về một làng định cư ở miền Nam, thuộc địa Virginia. Dưới đây là những thuộc địa miền Nam khác.

Như chúng ta đã biết, các vị Anh hoàng đôi khi ban cấp hàng giải đất rộng lớn cho các nhà quý tộc, và sau này các nhà quý tộc đó đã trở nên chủ nhân ông các vùng đất mênh mông này. Các ông chủ này ít khi đi tới châu Mỹ, nhưng họ vẫn nắm quyền kiểm soát các vùng đất mà nhà vua ban cho họ. Họ thiết lập các khu định cư, chia cắt thành từng mảnh cho những người đến lập nghiệp định cư. Các vùng định cư được thiết lập theo kiểu này về sau được mệnh danh là thuộc địa của các nhà điền chủ (preprietery Colonies). Maryland là thuộc địa đầu tiên trong các thuộc địa của các nhà điền chủ.

- Maryland ban hành quyền tự do tín ngưỡng

Năm 1634 hai chuyến tàu chở đầy những người đi lập nghiệp đổ bộ vào vùng gần cửa sông Potomac. Tại đây, họ thành lập một làng định cư gọi là St. Mary’s. Họ là những người từ Anh quốc đến để định cư ở vùng đất do Anh hoàng ban cấp cho nhà quý tộc Baltimore. Baltimore là một người công giáo nhiệt thành. Ông không những mong muốn kiếm tiền bạc mà còn hy vọng cung cấp nơi nương thân cho những người công giáo hằng mơ ước mong được thờ phượng theo ý muốn. Tuy nhiên như thế không có nghĩa là chỉ có người công giáo mới có thể đến lập nghiệp sinh sống ở thuộc địa này.

Nhiều người đi lập nghiệp kéo đến Maryland sinh sống ngay sau khi thuộc địa Maryland được thành lập. Nhiều thị trấn khác được thành lập trong đó có cả thị trấn Baltimore. Hầu hết dân trong thuộc địa Maryland là các nhà nông. Những người giàu có hơn và những người có công đem những người khác đến định cư ở Maryland đều có thể được hưởng một số ruộng đất rộng lớn. Những người kém may mắn hơn có thể mua những nông trại nhỏ. Ngoài việc phải trả tiền đất, họ phải trả thêm một ít tiền thuế cho vị điền chủ thuộc địa.

Lúc đó, những người công giáo ở thuộc địa này ít hơn so với người thuộc các tôn giáo khác. Năm 1649, nhờ sự khuyến khích của vị điền chủ thuộc địa, một đạo luật được gọi là “luật khoan dung” được thông qua. Đạo luật này khẳng định rằng không một người theo đạo Thiên Chúa nào có thể bị ngược đãi vì tín ngưỡng. Nhờ đạo luật khoan dung này mà cả những người công giáo lẫn người tin lành đều được tự do thờ phượng theo ý muốn. Đạo luật khoan dung là một bước tiến quan trọng khác về tự do tín ngưỡng trong các thuộc địa.

- Các ông chủ thiết lập các thuộc địa Carolinas

Phía Nam thuộc địa Maryland là Virginia, và phía Nam thuộc địa Virginia là một giải đất rộng mênh mông, nơi mà Anh hoàng Charles II đã ban cấp cho một nhóm quý tộc. Họ đặt tên cho vùng đất này theo tên vua Charles II nhưng theo chữ Latin là Carolinas. Vào năm 1670, nhóm người được các vị điền chủ vùng đất này gửi đến để thành lập một làng nhỏ gọi là Charles Town (sau này gọi là Charleston) cũng đặt theo tên Anh hoàng (nhưng bằng chữ Anh). Ngay cả trước những năm thành lập làng định cư này, đã có nhiều người từ Virginia kéo đến định cư ở vùng phía Bắc Carolina.

Lúc đó, thuộc địa này tách ra làm hai. North Carolina bao gồm các làng định cư do những người từ thuộc địa Virginia đến thành lập. South Carolina gồm Charles Town và các làng định cư lân cận (xem bản đồ trang 92). Đặc biệt là South Carolina phát triển nhanh chóng. Đất đai phì nhiêu và khí hậu ấm áp rất thuận lợi cho việc trồng trọt thuốc lá. Về sau, lúa gạo cũng trở nên loại cây mùa quan trọng. Nhờ có các công nhân da trắng cũng như dân nô lệ da đen nên các đồn điền rộng lớn phát triển dễ dàng. Hải cảng Charles Town thuận lợi đã giúp cho việc giao thương với Anh quốc được dễ dàng.

- James Oglethorpe thành lập xứ Georgia

Giữa South Carolina và Florida của Tây Ban Nha là một giải đất rộng lớn từ lâu chưa được khai phá. Sau cùng, có một người tên là James Oglethorpe đến lập một làng định cư ở đây. Thuộc địa này được thành lập vì hai nguyên do chính:

1. Người Anh rất nôn nóng ngăn chặn sự mở rộng các làng định cư của người Tây Ban Nha ở Florida lấn đến vùng Bắc Florida. Đem người Anh đến định cư ở phía Nam Carolina có thể ngăn chặn được người Tây Ban Nha khỏi đến vùng này.

2. Oglethorpe rất quan tâm đến những người bất hạnh hiện đang nằm trong các nhà tù của người Anh chỉ vì họ không thể trả nợ hay vì đã vi phạm những tội lặt vặt không quan trọng. Ông hy vọng sẽ giúp cho những tù nhân bị đối xử tàn nhẫn này một cơ hội lập lại cuộc đời. Ông và một số người khác được Anh hoàng cho thiết lập các làng định cư ở vùng này.

Mãi tới năm 1733 Oglethorpe mới mang được 100 người từ Anh quốc tới lập nghiệp. Họ thiết lập một làng gọi là Savannah. Họ đặt tên cho thuộc địa là Georgia theo tên Anh hoàng George II. Sau đó có nhiều người Anh quốc đến lập nghiệp và định cư tại đây nhưng thuộc địa này vẫn phát triển chậm chạp. Giống như ở Bắc và Nam Carolina, hầu hết thuộc địa Georgia có những nông trại lớn hay các đồn điền.


------------------------------------
E. CÁC THUỘC ĐỊA MIỀN TRUNG ĐƯỢC THÀNH LẬP NHƯ THẾ NÀO?

Giữa miền Tân Anh và các thuộc địa miền Nam có một nhóm các làng định cư khác cũng đang được phát triển gọi là các thuộc địa miền Trung. Không phải tất cả những thuộc địa này đều được khởi lập như các làng định cư của người Anh cả. Nếu các bạn nhìn vào bản đồ trang 101b các bạn sẽ thấy là lưu vực sông Hudson lúc đầu do người Hòa Lan đến định cư. Chắc các bạn còn nhớ là ông Henry Hudson đã khám phá ra con sông này khi ông dùng thuyền buồm vượt biển đi thám hiểm cho người Hòa Lan, và ông đã tuyên bố Hòa Lan có quyền làm chủ vùng đất này.

- Người Hòa Lan thành lập Tân Hòa Lan

Vào đầu thập niên 1620, người Hòa Lan thiết lập một làng định cư gọi là Tân Amsterdam. Họ đã đổi một số hàng hóa đáng giá 24$ cho người da đỏ để lấy hòn đảo Manhattan. Đồng thời, người Hòa Lan cũng chiếm toàn thể lưu vực sông Hudson, và các làng định cư được mở rộng từ Tân Amsterdam đến tận đồn Fort Orange, nơi mà ngày nay là Albany, thuộc tiểu bang New York. Những trang trại lớn dọc theo sông Hudson được người Hòa Lan phân phát cho các nhà địa chủ (hay patroons) nào đã có công mang theo 50 người đi định cư cùng đến với họ để lập nghiệp. Những lô đất nhỏ thì được phân phát cho những người nào muốn canh tác cho chính họ. Toàn thể thuộc địa được gọi là Tân Hòa Lan. Lúc đó, người Hòa Lan mở rộng quyền kiểm soát về phía Nam tới tận cửa sông Delaware. Tới đây họ chiếm luôn một số làng định cư do người Thụy Điển thiết lập trước kia. Công việc quan trọng nhất của người Hòa Lan lúc bấy giờ là trao đổi lấy da thú của người da đỏ. Không bao lâu Tân Hòa Lan trở thành một thuộc địa trù phú.
p4.3.jpg

---------------------------
NHỮNG NGƯỜI HÒA LAN VÀ THỤY ĐIỂN ĐÒI QUYỀN CHIẾM CÁC VÙNG
THUNG LŨNG SÔNG HUDSON VÀ DELAWARE

- Tân Hòa Lan biến thành New York và New Jersey

Việc người Hòa Lan thành lập Tân Hòa Lan khiến cho người Anh rất băn khoăn. Nhìn vào bản đồ trang 92, các bạn sẽ thấy Tân Hòa Lan (New York) hoàn toàn tách biệt các thuộc địa miền Tân Anh xa rời hẳn các vùng định cư của người Anh ở miền Nam. Chừng nào mà Tân Hòa Lan còn thuộc về người Hòa Lan thì các thuộc địa của người Anh không thể nào kết hợp được với nhau. Vả lại, người Anh cũng rất thèm khát hải cảng vô cùng đẹp với sự giao thương rất là phát đạt ở New Amsterdam. Sự tỵ hiềm giữa Anh quốc và Hòa Lan ở Âu Châu lúc đó lại càng là cái cớ cho người Anh tấn chiếm Tân Hòa Lan .
Lúc bây giờ có một ông già tính tình nóng nảy với một chân bằng gỗ tên là Stuyversant cai trị Tân Hòa Lan. Năm 1664 một hạm đội Anh xuất hiện ở hải cảng New Amsterdam. Stuyversant hăng hái muốn nhảy vào vòng chiến liền, nhưng nhân dân New Amsterdam không ủng hộ ông, cho nên mặc dầu ông ta la ó rối rít ầm lên, thuộc địa này cũng đã đầu hàng không một trận đánh, và Tân Hòa Lan trở thành lãnh địa của người Anh. Quận công York, người anh em của Anh hoàng, được phong cho lãnh địa này. Và vùng đất này được đặt tên theo tên của quận công York, tức là New York. Thị trấn New Amsterdam cũng được đổi thành New York. Vùng đất ở phía Đông sông Delaware thì được quận công ban cho hai nhà quý tộc Anh. Và hai nhà quý tộc đó đặt tên cho vùng đất thuộc địa này là New Jersey.

- Người Quakers đến định cư ở Pennsylvania

Một trong các nhà điền chủ nổi tiếng nhất là William Penn. Thân phụ ông vốn là một đô đốc trong Hải quân Anh và cũng là một nhân vật quan trọng ở nước Anh. Nhờ thân phụ mà người thanh niên trẻ William trở thành quen thuộc với các nhà quý tộc đang thiết lập các làng định cư ở Mỹ châu.

Là một thanh niên trẻ tuổi, William kết hợp với một trong những nhóm tôn giáo bị ngược đãi nhất ở Anh. Đó là nhóm Quakers. Người Quakers tin rằng họ phải nên làm những gì mà lương tâm của họ cho là phải. Họ không những từ chối không tuân lệnh giáo hội Anh, mà bằng nhiều cách, họ còn không tuân lệnh chính phủ Anh nữa. Chẳng hạn như họ tin rằng chiến tranh là sai quấy, và họ từ chối không tham dự vào chiến tranh. Giống như những người Quakers khác, Penn bị chính quyền bắt giam vì ông đã truyền giảng những gì mà ông tin là sự thật. Sau khi được phóng thích, ông hăng hái đi tìm kiếm một thuộc địa, nơi mà người Quakers sẽ không còn bị ngược đãi nữa.

Lúc đó Anh hoàng còn nợ thân phụ của ông một món tiền lớn. Khi thân phụ ông qua đời, ông nói với Anh hoàng rằng ông muốn được nhà vua trả nợ ông bằng một miếng đất ở Mỹ châu. Nhà vua vui lòng chấp nhận đề nghị của ông. Chắc chắn nhà vua rất lấy làm hài lòng trả nợ cho ông bằng một mảnh đất ở Mỹ châu, và đồng thời sẽ có nhiều người Quakers rời bỏ Anh quốc. Nhà vua đặt tên cho vùng đất nằm ở phía Tây sông Delaware, giữa tiểu bang New York và tiểu bang Maryland ngày nay, là Pennsylvania (hay là những khu đất rừng của Penn).

- Thuộc địa của ông Penn trở nên trù phú

William Penn cùng một số người đi lập nghiệp đến Pennsylvania định cư vào năm 1682. Nhóm người này thiết lập thành phố thủ đô của thuộc địa theo như dự trù của ông Penn, và đặt tên cho thủ đô này là Philadelphia, có nghĩa là thị trấn của tình thương huynh đệ. Ông Penn tin tưởng ở tự do tín ngưỡng và nồng nhiệt chào mừng đón nhận những người thuộc tôn giáo khác đến thuộc địa của ông lập nghiệp. Nhiều người Quakers và người Anh thuộc các tôn giáo khác kéo đến định cư ở Pennsylvania. Những người ở các vùng đất khác cũng kéo đến lập nghiệp ở thuộc địa này. Trong đó có những người Đức cần cù tằn tiện, những người trước kia đã từng bị ngược đãi ở chính quốc. Về sau những người Đức này được người ta gọi là người “Hòa Lan ở Pennsylvania” (vì trong tiếng Đức chữ German được viết là Deutsch, đọc là Doytch, dân định cư người Anh đọc lầm là “Dutch”. Nhưng chữ Dutch có nghĩa là Hòa Lan).

Penn là một ông chủ tử tế và khôn ngoan. Ông đối đãi với dân trong thuộc địa rất tốt và công bằng, ông cũng hy vọng rằng họ sẽ thành thật làm việc. Dân thuộc địa cũng nhận thấy rằng việc mua đất đai ở Pennsylvania rất dễ dàng. Ở đây họ không sợ người da đỏ đến tấn công, vì ông Penn đã kết thân được với những người da đỏ ở vùng kề cận và đối xử với họ rất thành thật. Vì những lý do này mà Pennsylvania đã phát triển rất nhanh chóng và trở thành một thuộc địa thành công. Vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVIII, Philadelphia đã trở thành một thành phố lớn nhất và nhộn nhịp nhất trong 13 thuộc địa.

- Delaware trở thành một thuộc địa khác

Một điều không may là mảnh đất lúc đầu do nhà vua ban cho ông Penn thì không có bờ biển. Sau này, ông Penn được quận công York cấp cho vùng đất mà ngày nay là Delaware. Trước kia người Thụy Điển kiểm soát vùng đất này, sau đó đến người Hòa Lan, và sau nữa là quận công York rồi trở thành một phần đất của Pennsylvania. Ít năm sau, vùng đất này lại tách ra thành một thuộc địa riêng biệt và mang tên là Delaware.

Như vậy là chấm dứt câu chuyện về việc thành lập 13 thuộc địa Anh. Trong chương tới, chúng ta sẽ bàn về dân chúng sinh sống ở 13 thuộc địa này như thế nào.
 
CHƯƠNG V

DÂN CHÚNG SINH SỐNG Ở
CÁC THUỘC ĐỊA ANH NHƯ THẾ NÀO?

In Adam’s fall

We sinned all.

Thy life to mend,

This Book attend.

The Cat doth play

And after slay.

A Dog will bite

A Thief at night.

An Eagle’s flight

Is out of sight.

The idle Fool

Is whipt at School.

Bài thơ trên đây trích từ một cuốn sách vỡ lòng ở miền Tân Anh (tạm dịch như sau: "Vì lỗi Adam/ Chúng ta phạm tội/ Đời ngươi phải hối/ Học quyển sách này/ Con mèo chơi dai/ Rồi sau khi giết/ Con chó sẽ xơi/ Ăn trộm ban tối/ Đại bàng đánh trận/ Ở chốn xa xôi/ Trò nào lười biếng/ Vô lớp bị đòn). Nếu các bạn sống ở miền Tân Anh vào thế kỷ XVIII thì có lẽ các bạn cũng đã phải học và đánh vần như sự chỉ dẫn trong cuốn sách vỡ lòng này. Như các bạn đã biết, các sách giáo khoa trong thời thuộc địa không giống như sách giáo khoa của chúng ta ngày nay. Thực ra, đời sống người dân trong thời thuộc địa rất khác với đời sống của chúng ta ngày nay về nhiều phương diện.

Để hiểu rõ đời sống của người dân trong các thuộc địa Anh thì chúng ta cần phải biết những gì? Chắc chắn là chúng ta phải tìm hiểu để biết người dân thời thuộc địa cư ngụ trong những căn nhà như thế nào, họ sinh nhai ra làm sao, họ ăn mặc và ăn uống những loại quần áo và thực phẩm nào. Chúng ta cũng sẽ tìm hiểu về trường học, tôn giáo và những cách giải trí của họ. Chương này cũng nói rõ sự khác biệt về lối sống ở trong các thuộc địa. Khi đọc chương này, chúng ta theo dõi từng phần dưới đây:

1. Dân thuộc địa miền Tân Anh sinh sống ra sao?

2. Đời sống ở các thuộc địa miền Nam như thế nào?

3. Đời sống ở các thuộc địa miền Trung ra sao?

4. Dân chúng miền biên cương sinh hoạt như thế nào?

--------------------------------------

A. DÂN THUỘC ĐỊA MIỀN TÂN ANH SINH SỐNG RA SAO?

Phương cách sinh sống ở nhiều nơi trên địa cầu ngày nay bị chi phối bởi các yếu tố địa lý như là vũ lượng, nhiệt độ, đất đai, mặt đất, v.v…Thí dụ như chúng ta tin rằng người Eskimos ở miền Bắc cực lạnh lẽo sinh sống không giống như những người trong các bộ lạc ở miền Trung phi nóng nực. Tương tự như vậy, lối sinh hoạt của dân chúng trong 13 thuộc địa của Anh cũng khác biệt nhau. Dĩ nhiên là các yếu tố địa lý ở các thuộc địa Anh không đến nỗi quá khác biệt như các miền ở Bắc cực và các miền Trung Phi. Tuy nhiên, những sự khác biệt về địa lý ở đây cũng đủ ảnh hưởng đến đời sống của dân chúng.

- Sự khác biệt về địa lý giữa miền Tân Anh và miền Nam

Nhìn vào bản đồ trang 106b chúng ta sẽ thấy rằng ở phía trong bờ biển Đại Tây dương là một dãy đồi núi chập chùng chạy dài theo hướng Đông Bắc Tây Nam. Càng tiến gần về phía Bắc thì dãy núi này càng nằm gần bờ biển hơn. Như vậy là các thuộc địa miền Nam có nhiều đất đai bằng phẳng để canh tác hơn là ở các thuộc địa miền Bắc. Ở miền Bắc, đất đai có nhiều sỏi đá cho nên nông dân phải canh tác cực nhọc hơn. Mùa Đông ở miền Bắc dài hơn và lạnh lẽo hơn.

Lúc đầu thì việc canh tác đều quan trọng ở khắp các thuộc địa. Tuy nhiên vì sự khác biệt về địa lý, cho nên nông nghiệp ở các thuộc địa miền Nam vẫn còn giữ vai trò quan trọng lâu dài hơn so với các thuộc địa miền Bắc.

Một lần nữa nhìn vào bản đồ ta thấy sông ngòi chằng chịt chạy từ các dãy núi đến bờ biển giống như những sợi chỉ trong một miếng vải. Lúc bấy giờ vì không có đường bộ nào tốt cho nên những sông ngòi này là những đường giao thông trong các thuộc địa. Tại các cửa sông, nhất là ở miền Bắc, thường có những hải cảng tốt. Nhờ các hải cảng này mà việc giao thương và chuyển vận ở miền Bắc trở nên quan trọng.

Ghi nhận những yếu tố địa lý trên đây, ta hãy căn cứ vào đó mà tìm hiểu đời sống người dân trong các thuộc địa Anh, thí dụ như ở miền Tân Anh, rồi so sánh với các thuộc địa khác.
P5.1.jpg


- Dân miền Tân Anh sinh sống bằng nhiều phương cách khác nhau

Mặc dù đất đai khô cằn, sỏi đá và mùa đông giá lạnh, nhiều người dân miền Tân Anh vẫn theo đuổi nghề nông. (Các bạn nên nhớ rằng thời thuộc địa việc chuyển vận thực phẩm đi xa rất là khó khăn, cho nên mỗi miền phải tự trồng trọt, sản xuất nông phẩm để tự túc). Tuy nhiên, cũng có một số người sinh sống bằng nghề chài lưới. Người ta có thể bắt được nhiều cá ở ngoài khơi vùng bờ biển miền Tân Anh đến nỗi họ không thể nào tiêu thụ hết. Cho nên họ phải đóng những tàu thuyền lớn để chuyển vận cá đem đi bán ở các thuộc địa khác hoặc là ở Âu Châu hay ở vùng West Indies (Tây An). Những tàu thuyền này chở cá đi bán, lại chuyên chở những hàng hóa mua được đem về bán. Công cuộc buôn bán này đưa đến việc đòi hỏi người ta phải đóng tàu và chế tạo các đồ trang bị như buồm, giây thừng, cột buồm và neo, và cần phải có những nhà buôn để bán các hàng hóa do các tàu trên đây chuyển vận từ các nơi khác đưa về. Trên đất liền thì cũng có nhiều người khác bắt đầu chế tạo các sản phẩm khác. Như vậy miền Tân Anh đã trở nên một vùng gồm đủ các loại người sinh sống như các ngư phủ, thủy thủ, thương gia, thợ thủ công nghiệp và nông dân.

Nhiều người ở Tân Anh học nghề bằng cách đi tập việc. Người tập việc thường là một cậu con trai đi học nghề với một ông chủ, thí dụ như người thợ làm buồm, người thợ mộc hay thợ rèn – Cậu trai này làm việc cho ông chủ trong nhiều năm và ở ngay trong nhà ông chủ. Trong khi còn học nghề, cậu ta chỉ nhận được một số tiền lương ít ỏi, và khi hoàn thành xong thời gian tập sự, cậu ta sẽ được một số tiền nhỏ và ít quần áo. Bây giờ thì cậu ta đã thạo nghề và có thể làm việc cho chính cậu ta.

­ Nhà cửa ở các thuộc địa miền Tân Anh như thế nào?

Dân miền Tân Anh sống trong các hải cảng và ở trong các làng nhỏ có các nông trại bao quanh. Nhà cửa của họ được xây cất rất đơn sơ, giản dị, nhưng rất vững chắc. Nếu các bạn có dịp đi vào trong những căn nhà này, các bạn sẽ thấy như là đi vào một cái phòng. Một đầu là nhà bếp, vừa là phòng ăn, vừa là phòng khách. Phía bên kia là phòng ngủ, và có thể có một phòng ngủ khác ở trên lầu. Một cái lò sưởi khá lớn có thể chứa được cả những khúc gỗ to đến nỗi phải cần tới hai người khiêng. Họ nấu nướng bằng cách treo cái nồi trên ngọn lửa hay trên đống than. Đồ đạc trong nhà đều đơn giản và thường thì do chính họ làm lấy. Không có nhiều đồ dùng nhà bếp hay chén đĩa.

Thực phẩm ở miền Tân Anh thì rất nhiều và rất ngon. Nhà nào cũng nuôi gia súc để lấy thịt như heo, gà… Thức ăn càng ngày càng có nhiều hơn nhờ thịt rừng do các cậu con trai đi săn bắn mang về. Hầu hết mọi gia đình đều có một mảnh vườn trồng nhiều loại rau để ăn hàng ngày. Dĩ nhiên họ không có tủ lạnh, và đồ ăn không được đóng hộp để dành như chúng ta ngày nay. Dân thuộc địa thời bấy giờ thường muối dưa và phơi khô các loại rau cũng như giữ trái cây trong các bình, lọ bằng đá đậy kín để dùng vào mùa đông.

Quần áo của gia đình cũng do chính họ may lấy. Người ta nuôi cừu sản xuất len, và các bà quay chỉ dệt vải và len. Họ thuộc da để làm giày và yên ngựa hay may quần áo cho đàn ông. Mùa đông, đàn ông mặc quần áo da ống túm và áo choàng dầy. Người nào có tiền thì mua những quần áo đẹp nhập cảng từ Anh để mặc đi lễ ngày chúa nhật. Những loại quần áo này gồm có những đai, viền xếp nếp và thường thì màu sáng chói.

Tại các hải cảng, người ta thường thấy nhà cửa rộng lớn hơn của các thương gia giàu có và các ông chủ tàu. Những gia đình này có những đồ đạc rất đẹp và đắt giá do những thợ tài ba sản xuất. Bếp chỉ dành cho việc nấu nướng. Và gia đình sống trong các phòng khách rộng rãi và đầy đủ tiện nghi. Chúng ta nên nhớ rằng thời bấy giờ nhà cửa ở các thuộc địa đều thiếu tiện nghi mà ngày nay chúng ta coi đó là tự nhiên phải có. Họ không có hơi đốt, điện, và cũng không có nhà tắm, nước máy, điện thoại, màn cửa cũng như thảm lót nhà…

- Tín ngưỡng ở miền Tân Anh thời thuộc địa rất quan trọng

Vì dân miền Tân Anh là những người mộ đạo nên tại trung tâm của mỗi làng ở miền này đều có một ngôi nhà thờ. Đa số là các tín đồ Thanh giáo. Họ là những người có lương tâm và tin rằng phải sống cho có nhân có nghĩa, rằng Thượng đế rất công bằng. Người sẽ trừng phạt những kẻ bất lương. Đối với người Thanh giáo thì cái gì cũng tội lỗi. Mọi người phải sống cho có đạo đức, mực thước. Họ không chấp nhận những trò giải trí nhộn như khiêu vũ, đánh bài, và những thú vui tiêu khiển hung bạo. Đối với họ nhà thờ là trung tâm của đời sống xã hội, và những ngày chủ nhật, ngoài giờ lễ ra mọi người vui họp bạn bè và nghe tin tức. Các vị mục sư Thanh giáo phải là những người nghiêm trang biết sợ Thượng đế, phải là những người có nhiều ảnh hưởng, và dân chúng thường đến tham vấn các vị này khi có việc gì cần đến.

Có lẽ bạn chưa có dịp tham dự ngày chủ nhật hay những ngày lễ của những người Thanh giáo. Trong nhà thờ không có lò sưởi, ghế ngồi thì thô, nhám kệch cợm không thoải mái. Một bên dành cho đàn ông, con trai ngồi, và một bên dành cho các bà và chị em phụ nữ. Thường thường các cậu con trai ngồi với nhau ngoài hành lang. Nếu ai ồn ào sẽ bị phạt ngay trong nhà thờ trước mặt mọi người. Luật bắt mọi người phải đi nhà thờ. Sáng cũng như chiều mọi người đều phải nghe những bài thuyết giảng dài lòng thòng. Chỉ đọc kinh thôi cũng thường kéo dài đến 45 phút. Thời gian còn lại trong ngày không ai có thể làm việc hay giải trí cho riêng mình bằng bất cứ cách nào. Thật ra mọi người đều phải đọc kinh thánh và suy ngẫm về tôn giáo. Dù rằng chúng ta không muốn sống như người Thanh giáo nhưng chúng ta không thể nào không khâm phục họ được. Dù khó khăn thế nào đi nữa thì họ cũng sống theo lối sống mà họ cho là phải.

Dĩ nhiên không phải tất cả những người dân ở miền Tân Anh đều là Thanh giáo. Trong chương IV các bạn đã biết rõ ông Roger Williams đã thành lập thuộc địa Rhodes Island như thế nào. Thuộc địa này được mở rộng cho những người thuộc các tôn giáo khác nhau đến định cư. Luật lệ về ngày chủ nhật ở Rhodes Island ít nghiêm khắc hơn như là ở Massachusetts của người Thanh giáo.

- Sự trừng phạt ở miền Tân Anh vào thời thuộc địa rất nghiêm khắc

Người Thanh giáo cố làm cho người dân thuộc địa sống đời đạo đức bằng cách thông qua nhiều đạo luật khắt khe. Họ hy vọng mọi người đều tôn trọng các luật lệ này. Nếu ai vi phạm các luật lệ này thì có thể bị trừng phạt bằng những phương cách mà ngày nay chúng ta cho rằng rất là tàn ác. Có 15 tội hình có thể bị xử tử. Cũng có những hình phạt nặng nề dành cho những tội phạm ít trầm trọng hơn. Tội chửi thề có thể bị đâm bằng một thanh sắt nóng qua lưỡi. Tội say sưa phải mang một chữ D to tướng quanh cổ cho tất cả mọi người có thể thấy.

Một vài loại hình phạt khác được áp dụng rộng rãi ở thời kỳ thuộc địa. Ai nói dối phải ngồi trong một cái cây gọi là “cùm” (stocks) tay chân đều bị cột vào đó. Hoặc là tội nhân phải đứng trên một cái bục mà đầu và tay đều bị khóa vào một miếng ván gọi là “gông” (pillory). Lại còn có một cái trụ roi da nữa, nơi mà tội nhân bị đánh vào lưng trần với một số roi ấn định. Đàn ông hay đàn bà đều bị kết án với hình phạt ngồi ghế dìm (ducking stool) thì bị cột vào một cái ghế đặt ở cuối một cây sào dài rồi bị dìm vào hồ nước. “Cùm”, “gông” và “trụ roi da” thường đặt trước nhà thờ nơi mà những người đi lại có thể chế nhạo hay ném bất cứ thứ gì vào tội nhân bất hạnh.ư

Dĩ nhiên chúng ta cũng cần nhớ rằng các hình phạt này cũng thông dụng ở Anh quốc vào thời bấy giờ. Vì thế cho nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi ta thấy những người Thanh giáo nghiêm khắc này tin tưởng rằng những hình phạt khắt khe trên đây là cách duy nhất để giữ cho người dân khỏi vi phạm luật lệ.

- Người dân miền Tân Anh tin tưởng ở giáo dục

Harvard_School_-_Outside.jpg


Vì việc đọc thánh kinh rất quan trọng cho mọi tín hữu Thanh giáo nên số trẻ em ở miền Tân Anh đi học nhiều hơn các nơi khác. Thật ra vào đầu năm 1647, ở Massachusetts đã thông qua một đạo luật bắt buộc các làng nếu có đủ một số gia đình ấn định thì phải có một trường cho trẻ em đi học. Bấy giờ người ta chỉ dạy đọc, viết và số học. Trẻ em thời đó không học nhiều như các em ở các lớp tiểu học ngày nay, nhưng chúng hiểu tường tận những gì chúng được dạy. Sách “Hornbook” dạy các mẫu tự a, b, c… Hornbook là một cái khung bằng cây giữ các tờ giấy bài học được bao bằng bìa trong suốt. Sách giáo khoa thì khó hiểu và tẻ nhạt. Các sách như vỡ lòng đã nói ở trang 105 có dạy về tôn giáo và cách cư xử kèm theo bài học. Thầy giáo rất nghiêm khắc. Cậu học trò nào vô lễ sẽ bị đánh đòn ngay tức khắc.

Trong các cộng đồng rộng lớn hơn, có vài trường cao cấp hơn gọi là trường dạy tiếng Latin (Latin grammar school). Năm 1636, tức là chỉ có 6 năm sau khi Massachusetts được thành lập, thuộc địa này đã có trường đại học. Một vị mục sư tên là John Harvard đã tặng hết các sách của ông và một nửa số tiền của ông để khởi lập trường đại học này. Đại học Harvard là đại học lâu nhất ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong những lúc đầu, quan niệm về đại học không giống như quan niệm của chúng ta ngày nay, vì mục đích chính của trường là đào tạo thanh niên trở thành những mục sư.

- Số lượng sách báo gia tăng đồng thời với sự phát triển của miền Tân Anh

Ở những nơi mới định cư, mỗi người đều phải làm cực nhọc để mưu sinh. Họ chỉ có ít thời giờ nhàn rỗi để đọc sách. Vì thế nên không lấy gì làm ngạc nhiên khi thấy dân thuộc địa trong bao nhiêu năm mà chỉ có thể có số ít sách báo và tạp chí. Nhưng sau năm 1700, sự làm ăn cực nhọc khó khăn nhất không còn nữa, và sách, báo, tạp chí càng ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Vì dân miền Tân Anh rất chú ý đến đạo giáo cho nên một vài cuốn sách lúc đầu là những sách thuyết giáo và các sách bàn về vấn đề tôn giáo. Niên giám là một hình thức tài liệu đọc phổ thông đặc biệt, trong đó dân chúng có thể đọc những tin tức hữu ích về mùa màng, thời tiết, v.v.. Niên lịch hay niên giám thường chỉ là tài liệu đọc ở các quận thuộc đồng quê. Càng ngày dân chúng càng thích đọc lịch sử vào buổi khởi lập của thuộc địa. Khi các thuộc địa càng trở nên rộng lớn hơn, dân chúng lại càng đọc báo chí nhiều để hiểu biết những gì đang xảy ra ở ngoài nơi cư ngụ của họ. Tuy nhiên, báo chí thời thuộc địa rất khác với báo chí thời nay. Tờ báo lúc bấy giờ rất nhỏ và chỉ phát hành một tuần một lần thôi. Tin tức thường được loan chậm trễ nhiều ngày có khi tới hàng vài tuần.

Lối sống ở miền Tân Anh khác hẳn với lối sống ở các thuộc địa khác. Chúng ta đã biết đời sống ở miền Tân Anh, vì vậy chúng ta có thể so sánh đời sống ở miền này với đời sống ở các vùng khác.

------------------------------------

B. KHÍ HẬU VÀ ĐẤT ĐAI Ở MIỀN NAM THUẬN LỢI
CHO VIỆC PHÁT TRIỂN CÁC ĐỒN ĐIỀN


- Đời sống ở miền Nam khác hẳn với đời sống ở miền Tân Anh

Toàn bộ miền Nam hiện lên khác hẳn. Đồng ruộng bát ngát dọc theo bờ biển miền Nam không còn có những nông trại và những làng quê như những vùng quê đồi núi trập trùng như ở miền Tân Anh. Thực ra các nông trại rộng lớn mênh mông gọi là đồn điền phủ kín cả các vùng đồng bằng phì nhiêu. Cho nên các thuộc địa miền Nam thường gọi là “ Các thuộc địa đồn điền”.

Dân định cư ở miền Nam không gặp phải khí hậu gay gắt và đất đai cằn cỗi bất thuận lợi cho việc canh tác như ở miền Tân Anh. Đất đai ở miền Nam phì nhiêu rất thuận lợi cho việc trồng mùa. Thuốc lá được trồng ở đây trước nhất và là nông phẩm quan trọng nhất. Sau này người ta trồng lúa gạo và cây chàm (dùng để nhuộm) ở các thuộc địa miền cực Nam. Các nông phẩm này được bán giá cao cho nên các nhà trồng tỉa muốn khai thác được càng nhiều càng tốt. Vì việc canh tác các loại cây trên đây đã làm cho đất đai mau kiệt quệ, cho nên họ thường để đất hưu canh mỗi năm để cho đất phục hồi màu mỡ. Vì những lý do trên đây mà các nhà điền chủ càng ngày càng có khuynh hướng mua thêm nhiều đất đai. Theo chiều hướng này mà các đồn điền lớn được phát triển.

P5.2.jpg



- Các đồn điền cần nhiều nhân công


Các đồn điền rộng lớn có khi tới hàng trăm hàng ngàn mẫu, cho nên không có nhà điền chủ nào có thể tự mình canh tác được. Họ cần phải có nhân công để giúp việc. Một mặt họ mướn người da trắng nghèo khó ở Âu châu do các công ty mậu dịch tài trợ chuyên chở sang Tân thế giới. Như chúng ta đã biết, những người công nhân da trắng có ký giao kèo này (indentured servants) là những người nghèo ở Âu Châu cam kết sẽ làm cho bất kỳ ông chủ nào ở Châu Mỹ trả tiền phí tổn cho họ vượt Đại tây dương đi Tân thế giới. Mặt khác các ông chủ đồn điền tìm kiếm nhân công bằng cách mua những người nô lệ da đen. Người nô lệ trọn đời thuộc quyền ông chủ và hoàn toàn bị kiểm soát. Thường thường thì các ông chủ thích các nô lệ da đen hơn các công nhân da trắng, vì các công nhân da trắng chỉ làm việc cho họ một vài năm rồi sẽ được tự do. Vì thế nên nô lệ đã lan tràn khắp nơi ở miền Nam, nhất là vào thời kỳ sau năm 1700.

Cung ứng cho nhu cầu của một số đông đảo nhân công trong đồn điền rộng lớn là một công việc phải được xếp đặt. Nhiều người được huấn luyện thành những công nhân cần thiết cho nhu cầu. Chúng ta hãy theo dõi đoạn văn dưới đây do chính người con của một vị chủ đồn điền viết:

“Trong đám nô lệ của cha tôi có những người thợ mộc, thợ đóng thùng, thợ cưa, thợ rèn, thợ nhuộm da, thợ thuộc da, thợ đóng giày, thợ quay sợi, thợ dệt vải, thợ đan, v.v....Những người thợ mộc và thợ cưa thì lo việc xây nhà xây cửa, kho chứa, các chuồng gia súc, cày, bừa, cống v.v... Thợ đóng thùng thì làm những thùng lớn để chứa thuốc lá... Thợ thuộc da và thợ nhuộm thì thuộc và sửa các da sống... cho con số tiêu thụ lớn lao của đồn điền, và cho những người thợ đóng giày dùng để đóng giày cho nô lệ da đen... Thợ rèn thì chế tạo và sửa tất cả các đồ nguội (đồ sắt), cần dùng cho đồn điền như cày, bừa, dây xích, răng bừa, đinh chốt, v.v...Thợ quay sợi, thợ dệt vải và thợ đan thì lo dệt may những vải thô và bít tất cho người da đen dùng và những đồ khá hơn cho các gia đình người da trắng....

Ba tôi không giữ một người nào để làm quản lý hay thư ký cho chính ông. Ông lo giữ gìn sổ sách của ông, và trong việc điều hành ngôi nhà nói trên với sự trợ giúp của một vài người nô lệ thân tín hoặc đôi khi một vài người con của ông. Mọi việc điều hành trong nhà đại khái là như vậy...”

Dĩ nhiên, không phải tất cả các đồn điền đều rộng lớn như vậy, và còn có nhiều nông trại nhỏ ở miền Nam. Chính vì vậy mà lối sống ở miền Nam rất khác biệt với miền Tân Anh.

- Thương mại bành trướng và phát triển ở miền Nam

Các nhà trồng tỉa ở miền Nam thấy rằng việc trồng thuốc lá và các nông phẩm khác rất dễ bán cho người Anh quốc và rất có lời. Nhờ những tiền lời này họ có thể mua ở Anh những đồ dùng cá nhân như các đồ đạc và quần áo đẹp. Theo chiều hướng này, nền giao thương trở nên thịnh vượng giữa các chủ đồn điền ở thuộc địa và các thương gia ở Anh quốc. Các hải cảng như Charleston, South Carolina, Savanah và Georgia trở thành các trung tâm thương mại.

- Đời sống ở các đồn điền miền Nam không giống như ở miền Tân Anh

Thay vì quây quần với nhau trong làng như những người ở thuộc địa miền Tân Anh, những người giàu có ở thuộc địa miền Nam sống riêng ở các đồn điền xa xôi của họ. Vị trí thuận lợi nhất của các đồn điền là ở gần bờ sông, nơi mà tàu bè có thể ghé vào để bốc thuốc lá lên tàu. Ngôi nhà của chủ đồn điền được xây ở gần bờ sông, thường là nhà rộng rãi và đắt tiền. Nhà bếp thường được cất riêng để mùa hè không bị hơi nóng làm khó chịu. Các túp lều của tôi tớ hay nô lệ ở cách đó một khoảng trống. Chủ đồn điền thường cưỡi ngựa đi dọc theo ven sông để cai quản công việc.

Chủ đồn điền và toàn thể gia đình đều sống đời sung túc. Thời giờ nhàn tản của họ dùng để đi thăm viếng và giải trí, hoặc săn bắn, hoặc cưỡi ngựa và chơi các môn thể thao. Nhà họ lúc nào cũng rộn tiếng cười của bạn bè hoặc thân nhân. Đi ăn tiệc, đàn ông thì mặc áo choàng nhung, quần ngắn đến đầu gối bằng nhung hay sa tanh, mang vớ dài bằng lụa, đôi giày có các khóa rộng bằng bạc. Đàn bà thì lại còn chưng diện sang trọng hơn nữa. Các bà mặc áo lụa hoa, đi giày gót cao bọc sa tanh. Đời sống đầy đủ và cách ăn mặc theo thời trang của người miền Nam thật là trái ngược với đời sống khắc khổ và cách ăn mặc lam lũ đơn giản của người Thanh giáo miền Tân Anh.

- Miền Nam còn khác hẳn với miền Tân Anh về các vấn đề giáo dục và tôn giáo

Bạn có thể nhận thấy sự khác biệt về giáo dục và tôn giáo nữa ở các thuộc địa miền Nam và miền Bắc. Mỗi làng gọn ghẽ ở miền Tân Anh đều có thể có một trường riêng, nhưng ở các đồn điền thênh thang ở miền Nam trẻ con ở phân tán rải rác nên chỉ được dạy tại nhà. Hay trong vài trường hợp lẻ tẻ, các thầy giáo từ Anh quốc đến dạy trẻ em tại các đồn điền. Con trai của các chủ đồn điền giàu có được cho học đại học ở bên Anh. Tuy nhiên, những người khác thì đi học ở đại học Williams và đại học Mary ở Virginia. Đây là trường đại học thứ nhì được thành lập ở các thuộc địa Anh. Vì đời sống nhộn nhịp, các nhà địa chủ ở miền Nam ít thích đọc sách hơn những người ở Tân Anh. Không có một cố gắng đáng kể nào để giúp cho việc giáo dục các trẻ con của những người nô lệ và của các công nhân.

Cũng như sự khác biệt giữa vấn đề giáo dục của hai miền, tôn giáo cũng khác nhau… Hầu hết những người ở miền Nam đều thuộc giáo hội Anh hơn là thuộc giáo hội Thanh giáo khắc khổ ở Massachusetts. Mặc dù những người miền Nam đều đi lễ ngày chúa nhật, tôn giáo vẫn không ảnh hưởng đến đời sống của họ như đã ảnh hưởng đến những người ở Tân Anh. Cũng không có những mục sư đầy uy tín như ở Tân Anh. Những hình phạt cũng nghiêm khắc, nhưng dân chúng chưa hề bị phạt vì những tội lầm lẫn nhỏ nhặt.

---------------------------------------------

C. ĐỜI SỐNG Ở CÁC THUỘC ĐỊA MIỀN TRUNG NHƯ THẾ NÀO?

Các thuộc địa miền Trung nằm giữa miền Tân Anh và miền Nam. Miền này không giống hẳn miền nào trên đây. Không những miền Trung nằm giữa hai miền Bắc và Nam, mà đời sống ở miền Trung có nhiều điểm giống cả hai miền.

Thí dụ như đất đai và khí hậu ở các thuộc địa miền Trung phì nhiêu và thuận lợi cho việc canh tác hơn ở miền Tân Anh nhưng không hoàn toàn tốt và thuận lợi bằng đất đai và khí hậu ở các thuộc địa miền Nam. Về phương diện kỹ nghệ và thương mại, các thuộc địa miền Trung được xếp hàng thứ nhì sau Tân Anh. Công việc mậu dịch buôn bán được xúc tiến tại hai hải cảng lớn: hải cảng New York nằm ngay ở cửa sông Hudson, và hải cảng Philadelphia ở gần cửa sông Delaware.

quakers-2.jpg


Các thuộc địa miền Trung còn là một sự pha trộn của hai miền Tân Anh và miền Nam về nhiều phương diện khác. Ở đây không những có đồn điền rộng lớn như ở miền Nam mà còn có những nông trại nhỏ và các làng quê giống như ở Tân Anh. Thay vì chỉ có một tôn giáo như người Thanh giáo ở Massachusetts, các thuộc địa miền Trung có những người Quakers, người công giáo và những người thuộc các tôn giáo khác. Thực ra ở vùng này tư tưởng tự do tôn giáo đã được minh xác ngay từ lúc đầu ở Pennsylvania, nơi mà những người theo đạo Thiên Chúa được tự do định cư lập nghiệp. Các thuộc địa ở miền Trung có nhiều trường học hơn ở miền Nam nhưng không nhiều bằng ở miền Tân Anh. Ngay chính những người dân cũng mang tính chất pha trộn hơn bất kỳ nơi nào. Những người đến các thuộc địa miền Trung định cư lập nghiệp là những người thuộc nhiều quốc gia khác nhau ở Âu Châu. Ở đây có hàng ngàn người Đức và Tô Cách Lan (đã sống ở Ái Nhĩ Lan một thời gian). Dĩ nhiên cũng có hàng ngàn người Pháp, Ái Nhĩ Lan, Tô Cách Lan, Thụy Điển và người Hòa Lan như các bạn đã thấy. Các thuộc địa miền Trung đã được đặt tên theo đúng ý nghĩa của nó.

--------------------------------------

D. ĐỜI SỐNG DÂN CHÚNG Ở MIỀN BIÊN CƯƠNG RA SAO?

Cho tới đây, chúng ta đã đọc qua về đời sống thuộc địa ở các miền định cư lâu đời và được định cư yên ổn hơn, đó là những miền dọc theo bờ biển Đại tây dương. Về hướng Tây, có một miền khác gọi là biên thùy ở về phía Tây sau lưng các thuộc địa trên. Nếu chúng ta muốn có một bức tranh trung thực về đời sống các thuộc địa Anh quốc vào thế kỷ thứ 18, chúng ta cũng nên biết rõ về miền Tây này.

- Tại sao dân chúng di chuyển về miền biên cương?

Miền biên cương là một miền ven biển xa các làng định cư nhất, nơi đó toàn là người da trắng sinh sống. Rừng rú ở miền Tây chứa đầy cạm bẫy của thần chết. Người ta phải làm lụng vất vả mới có ăn và nơi trú ngụ. Thế thì tại sao cả đàn ông lẫn đàn bà lại dám lìa bỏ các cộng đồng định cư an toàn của họ để đến sống trong cảnh hoang dã như vậy?

Đây là một vài nguyên do:

1. Như chúng ta biết, lúc nào cũng có những người thích phiêu lưu. Vùng biên cương đã lôi cuốn những người này, mặc dù họ phải đương đầu với bao nhiêu nguy hiểm khó khăn.

2. Có những người khác không thích những cộng đồng định cư, nơi mà suốt quanh năm ngày tháng họ phải nghe người ta bảo phải nên làm những gì và tránh những gì. Những người này mong mỏi được sống một mình nơi hoang dã. Họ tin vào trí thông minh của chính họ và bất chấp các luật lệ nhà nước. Họ đi về miền Tây để được tự do sống theo ý họ.

3. Tại các dòng sông, dòng suối và trong rừng rậm ở miền Tây có những thú vật có những bộ lông có thể bán được giá cao ở miền Đông. Vì thế nhiều người khác di chuyển về phía Tây để bắt thú bán lông.

4. Lại có những người khác di chuyển về miền biên thùy vì đất đai ở đây rất rẻ. Đất rẻ là yếu tố hấp dẫn những người không đủ tiền mua đất gần nhà cũ của họ ở duyên hải Đại Tây dương. Thí dụ những công nhân khế ước da trắng thường đi về vùng biên cương để lập cuộc đời mới khi mãn hạn phục vụ chủ nhân.

5. Sau cùng, nhiều người Âu Châu không hài lòng với cuộc sống nên đã lên đường thẳng tiến tới miền biên cương để tự do sống và thờ phượng theo ý mình. Với những trường hợp riêng, rất đông người Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan đã băng qua các thuộc địa miền Trung để tới miền biên cương lập nghiệp.

- Những người khai phá đã tiến về phía Tây bằng cách nào

Khi những người khai phá tiến về phía Tây thì họ đi theo con đường dễ nhất để tiến sâu vào nội địa. Họ cố tìm những con đường không có dốc (Luật lệ rừng xanh ngày xưa là không bao giờ vượt qua cái gì nếu có thể đi vòng quanh được, và đừng dẫm lên cái gì nếu có thể bước qua được). Sông ngòi vẫn là những thông lộ tốt hơn hết. Dân đi định cư lập nghiệp có thể dùng bè hay tàu thuyền đi trên sông thì tốt hơn là phải tìm đường đi xuyên qua rừng rú. Thứ nữa là người ta thường đi qua các thung lũng và các vùng lòng chảo giữa các ngọn đồi. Bản đồ trong trang 106b cho ta biết rõ những con đường chính mà dân đi khai phá thường dùng để tiến sâu vào nội địa.

Một số người lại đi ngược dòng sông Connecticut. Nhiều người khác lại đi ngược dòng sông Hudson để tiến vào sông Mohawk rồi ngược dòng sông này đi về hướng Tây. Nhóm khác thì lại đi theo sông Susquehanna. Nhóm khác nữa thì lại ngược dòng sông Potomac để đi vào sông Shenandoah. Họ tiến vào thung lũng Virginia nằm giữa hai dãy núi Blue Ridge ở phía Đông và Allegheny ở phía Tây. Vào năm 1760, tất cả các đất đai dọc theo các giang lộ này đã hoàn toàn được chiếm cứ (xem bản đồ trang 106b).

Trước khi cách mạng Hoa Kỳ bùng nổ vào năm 1775, dân định cư đã bắt đầu tiến qua các vùng đèo nằm trong dãy núi Allegheny tới vùng sườn núi thoai thoải và tiến tới tận sông Mississippi. Họ đi từng nhóm, khi dùng đường sông, khi dùng đường bộ. Họ đi bộ và đi ngựa. Các đồ gia dụng được gói bằng các bao da và được mang trên lưng ngựa. Khi họ tới nơi nào họ muốn lập nghiệp thì họ dừng lại. Người định cư càng tiến dần về phía Tây thì đường biên giới của các làng định cư cũng tiến dần về phía Tây.

­- Đời sống đầy nguy hiểm ở vùng biên cương

Dân định cư phải đương đầu với không biết bao nhiêu là hiểm nguy. Vì một phần họ ở rất gần lãnh địa của người Pháp ở Gia Nã Đại và thung lũng sông Ohio. Nếu chiến tranh bùng nổ (với người Pháp) thì họ sẽ là người đầu tiên bị tấn công. Mối nguy hiểm khác nữa là những người da đỏ. Người da đỏ thù ghét người da trắng vì đã đốn cây rừng và giết hại thú rừng của họ. Bất kỳ lúc nào người da đỏ cũng có thể tấn công bất ngờ vào các làng định cư lẻ loi, cho nên dân định cư phải luôn luôn canh chừng bọn người man rợ tiến vào làng.

stockade.gif


Để tự phòng chống lại những nguy hiểm thường trực trên đây, dân định cư thường phải xây các công sự tăng cường phòng thủ làng xóm. Họ trồng những khúc gỗ đẽo nhọn để làm hàng rào gọi là Stockade. Tại mỗi góc của hàng rào (Stockade) họ xây một cái chòi hai tầng gọi là Blockhouse (lô cốt) để canh chừng lúc bình yên, và chiến đấu khi có chiến tranh. Họ phải tích trữ lương thực, nước uống và đạn dược trong hàng rào để sử dụng vào khi có người da đỏ tấn công. Dân định cư dũng cảm phải thiết lập các chòi canh, khai hoang các vườn ruộng ở ngoài hàng rào, và khi người da đỏ hiếu chiến tới gần thì ẩn náu ở bên trong.

Khi không có chiến tranh với người da đỏ thì các làng định cư được dùng như là một thương điếm, nơi mà người da trắng đổi chác hàng hóa với người da đỏ để lấy da thú. Tuy nhiên, có một số người da trắng thích tự đánh bẫy bắt thú rừng hơn là mua da thú của người da đỏ. Những người này thường luôn luôn vắng mặt ở làng định cư, và đối với họ làng định cư chỉ là một cơ sở hành dinh, một nơi để mua những gì họ cần và bán những da thú mà họ bẫy được.

- Nhà cửa và đồ đạc trong nhà của người dân miền biên cương

Dân đi khai phá phải sống ở nơi hoang dã xa nơi làng định cư cũ. Họ phải chế tạo và trồng trọt tất cả những gì họ cần dùng. Nhà ở của họ thường là nhỏ bé, có lẽ chỉ rộng chừng mười hai bộ, và mười bốn bộ chiều dài, và được làm bằng những khúc gỗ mà đường kính chỉ lớn hơn một bộ hay hơn được gắn vừa khít với nhau ở các góc. Khe hở giữa các khúc gỗ thì được trét bằng đất sét dẻo. Mái nhà thì được lợp bằng những tấm ván dài. Cửa thì gồm những tấm gỗ lớn tách ra làm hai gọi là puncheon. Mặt cong của các tấm gỗ này thì quay ra ngoài, tức là mặt ngoài của cửa. Mặt phẳng quay vào bên trong và phía bên trong thì có cây xà vững chắc đóng chéo ngang. Người ta cắt bỏ một hay hai khúc gỗ để làm cửa sổ. Chiếc lò sưởi to lớn chiếm gần hết một đầu nhà. Xuyên qua bên trong ống khói có buộc một cái sào móc sợi dây xích để treo nồi nấu.

Hầu hết các đồ đạc trong nhà là do chính họ chế tạo lấy. Vì đồ đạc quá nặng nên mỗi khi di chuyển họ không thể mang theo được. Giường ngủ thì được làm bằng cây dương đào, lạch giường thì dùng các vỏ cây du hay những mảnh cây hồ đào kết lại. Người ta làm ghế đẩu bằng cách gắn ba chân vào một mảnh gỗ cưa đôi. Cái chân ghế thì được cố ý làm cho hơi khác nhau một chút để có thể thích hợp với nền nhà không bằng phẳng. Bàn thì được làm bằng nhiều mảnh gỗ cưa đôi. Các chân thì được lắp vào phía mặt cong và nhám, như vậy thì mặt bằng phẳng được dùng làm mặt bàn. Họ làm tủ chén bằng cách đóng ghép những thanh gỗ dựa vào tường nhà.

- Thực phẩm và quần áo của người biên cương thì thanh đạm và đơn giản

Ở nơi hoang dã rừng rú có đầy thú rừng để cho dân ở đây có thể săn bắn dùng làm thực phẩm. Không thiếu gì rùa, cá ở các sông ngòi và chim muông ở đó đây. Sau khi đã khai hoang các khu rừng, họ có thể trồng bắp và lúa mì. Họ cũng có thể nuôi một con bò, vài con heo. Vào thế kỷ thứ XVIII, một số nông dân ở miền biên cương bắt đầu nuôi gia súc. Giống như các đồ đạc trong nhà, quần áo của họ đều do chính họ may lấy và thường là được may bằng da thú. Người ta may áo bằng da dê và mũ bằng da gấu. Đó là dấu hiệu của người ngoài biên cương. Đôi khi họ mặc áo bằng vải do gia đình dệt lấy, và các bà vợ cũng thường ăn mặc như vậy.

Các đoạn văn trên đây đã cho các bạn thấy rằng lối sống ở nhiều nơi trong các thuộc địa khác hẳn nhau. Sự khác biệt này càng rõ rệt, vì người dân ở vùng này không có cùng hoạt động với người dân ở vùng khác. Sự đi lại rất khó khăn nên nhiều người từ khi sinh ra đời cho đến lúc chết không đi ra khỏi ngoài thuộc địa của mình. Người dân thuộc địa tự coi mình là người Virginia, người Pennsylvania hay là người New York hơn là họ tự coi họ là người Mỹ. Các tổ chức chính quyền rất giống nhau. Hầu hết người dân thời thuộc địa đều nói được tiếng Anh, và vì việc nói cùng một ngôn ngữ khiến họ dễ dàng kết hợp lại với nhau. Những điều làm cho các thuộc địa Anh liên kết chặt chẽ hơn cả là vì họ có những vấn đề giống nhau cần phải giải quyết. Đó là nhu cầu mưu sinh ở một nơi xa xăm cách Âu châu hàng ba ngàn dặm... là phải đốn cây phá rừng, trồng trọt và phải đương đầu với người da đỏ. Chính vì có những công việc giống nhau như vậy và vì phải giải quyết những vấn đề chung mà cả 13 thuộc địa sau này đã có thể thống nhất thành một quốc gia.


click.aspx

Nguyễn Mạnh Quang Dịch
Theo SAGA
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top