Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam-Bài 9:
Thực hiện đường lối đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (1986 - 2000)
Thực hiện đường lối đổi mới, đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (1986 - 2000)
I. VƯỢT QUA KHÓ KHĂN, MỞ ĐẦU QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI TOÀN DIỆN (1986 - 1989)
Khi đường lối đổi mới toàn diện của Đảng được triển khai thực hiện, cũng là lúc tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp.
Cách mạng khoa học và công nghệ phát triển nhanh chóng, trực tiếp thúc đẩy quá trình toàn cầu hoá trong xu thế chung là độc lập, hoà bình và phát triển, các nước vừa hợp tác vừa cạnh tranh với nhau.
Những biến động phức tạp diễn ra tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu gây ra nhiều bất lợi cho cách mạng Việt Nam. Công cuộc cải tổ ở Liên Xô không sửa chữa được những sai lầm trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội trước đây, trái lại, đưa đất nước Xôviết lún sâu vào khủng hoảng kinh tế, chính trị. Tháng 5-1987, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Goócbachốp tuyên bố chuyển trọng tâm cải tổ sang lĩnh vực chính trị theo khuynh hướng xã hội - dân chủ, làm biến chất Đảng Cộng sản Liên Xô, chấp nhận đa nguyên, đa đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.
Khủng hoảng của chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu bắt đầu trầm trọng từ Ba Lan, Hunggari. Tháng 3-1988, Chính phủ do Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan lãnh đạo từ chức. Tháng 9-1988, Uỷ ban Trung ương Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa Hunggari chấp nhận đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, cho phép các thế lực chống đối chủ nghĩa xã hội công khai hoạt động. Chủ nghĩa đế quốc chớp lấy cơ hội đó, tăng cường hoạt động "diễn biến hoà bình".
Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, khủng hoảng kinh tế - xã hội của nước ta vẫn diễn ra nghiêm trọng. Các năm 1987 - 1988, lương thực thiếu, nạn đói xảy ra ở nhiều tỉnh, lạm phát cao, đời sống nhân dân rất khó khăn. Các hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội tăng. Trên lĩnh vực tư tưởng chính trị xuất hiện một số luận điểm phủ nhận con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa Mác - Lênin, ca ngợi dân chủ tư sản và đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập. Về mặt an ninh, quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ trên tuyến biên giới phía Bắc và quần đảo Trường Sa của nước ta luôn luôn bị xâm phạm. Các thế lực thù địch lấy cớ quân tình nguyện Việt Nam chưa rút hết khỏi Campuchia để tiếp tục cô lập Việt Nam. Mỹ vẫn cấm vận về kinh tế đối với nước ta. Quan hệ kinh tế giữa Liên Xô và các nước Đông Âu với nước ta bị thu hẹp.
Thuận lợi cơ bản của đất nước ta là đường lối đổi mới của Đảng được toàn dân nhất trí, tin tưởng và từ đó khơi dậy nhiều nguồn lực, tiềm năng lao động sản xuất, kinh doanh của nhân dân.
Để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, đưa đất nước ta khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, điều kiện tiên quyết là giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi, phá thế bị bao vây và cấm vận, xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu và nhiệm vụ của công cuộc đổi mới.
Nhiệm vụ cấp bách cần được giải quyết ngay sau Đại hội VI là tháo gỡ những ách tắc trong phân phối, lưu thông.Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khoá VI họptừ ngày 1 đến ngày 9-4-1987 xác định phân phối, lưu thông đang là mặt trận nóng bỏng. Nghị quyết Hội nghị đặt mục tiêu giảm tỷ lệ bội chi ngân sách, giảm nhịp độ tăng giá, giảm lạm phát, giảm khó khăn về đời sống của nhân dân lao động theo hướng xoá bỏ chế độ tập trung quan liêu bao cấp, nâng cao vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh, phát huy tính tích cực của các thành phần kinh tế khác, mở rộng giao lưu hàng hoá, giải phóng sức sản xuất. Hội nghị đề ra những quy định mới về giá cả và lưu thông vật tư - hàng hoá, chính sách và biện pháp giải quyết tiền lương và đời sống của công nhân, viên chức và lực lượng vũ trang; chính sách và biện pháp tăng thu, hạn chế bội chi ngân sách, giảm tốc độ lạm phát; thực hiện chính sách thu mua nông sản của nông dân theo giá thoả thuận, điều chỉnh cơ cấu kinh tế và đầu tư theo hướng dành ưu tiên cho ba chương trình kinh tế lớn.
Những chủ trương về phân phối, lưu thông của Hội nghị chưa tạo ra được chuyển biến mới trong đời sống. Trước tình hình đó, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khoá VI (họp từ ngày 20 đến ngày 28-8-1987) khẳng định: Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng là đúng đắn, song cần có những bước đi thích hợp với điều kiện thực tế, vừa tích cực vừa vững chắc. Hội nghị bổ sung những chủ trương và biện pháp cấp bách về phân phối, lưu thông.Về giá, phấn đấu tiến tới thực hiện cơ chế một giá, song trước mắt, đối với từng mặt hàng, cần xem xét cụ thể để áp dụng cơ chế một giá hay hai giá. Về lương, phải thực hiện chế độ lương thống nhất trong cả nước, định mức lương mới cho các khu vực sản xuất, hành chính sự nghiệp và lực lượng vũ trang.Về ngân sách, phải thi hành các biện pháp giảm tỷ lệ bội chi ngân sách và bội chi tiền mặt bằng cách tăng thu, triệt để tiết kiệm chi, giữ vững kỷ cương, chống tiêu cực. Hội nghị còn ra nghị quyết về chuyển hoạt động của các đơn vị kinh tế quốc doanh sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa, đổi mới quản lý nhà nước về kinh tế.
Ngày 12-9-1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết vềcuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội. Nghị quyết bao hàm những nội dung quan trọng của cuộc vận động trong nội bộ Đảng, chính quyền và trong toàn xã hội nhằm loại bỏ những hiện tượng tiêu cực, thoái hoá, tăng cường năng lực lãnh đạo của Đảng và năng lực hoạt động của các cơ quan nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Cuộc vận động được tiến hành trong cả nhiệm kỳ Đại hội VI với tinh thần cơ bản là xây dựng con người mới, nếp sống mới xã hội chủ nghĩa, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, lập lại kỷ cương trong Đảng và ngoài xã hội.
Ngày 21-9-1987, Ban Bí thư ra Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo báo chí trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, uốn nắn những lệnh lạc của báo chí, định hướng cho báo chí trong chống tiêu cực, đề xuất chủ trương soạn thảo Luật báo chí mới.
Ngày 28-11-1987, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hoá, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hoá phát triển lên một bước mới.
Đầu tháng 11-1987, Bộ Chính trị và Ban Bí thư ra nghị quyết và chỉ thị về nhiệm vụ quốc phòng: phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước, đánh thắng kiểu chiến tranh phá hoại nhiều mặt của địch, làm thất bại âm mưu chiến lược của chúng, ngăn chặn và sẵn sàng đánh thắng các loại chiến tranh xâm lược. Các cấp bộ Đảng được giao nhiệm vụ xây dựng các khu vực phòng thủ chiến lược vững chắc, tăng cường củng cố lực lượng vũ trang địa phương, thực hiện các chính sách hậu phương quân đội. Quân đội nhân dân được tăng cường về mọi mặt, từng bước tiến lên chính quy, hiện đại. Nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhằm giữ vững ổn định chính trị được kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ quốc phòng và cũng có những bước tiến mới.
Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khoá VI (họp từ ngày 8 đến ngày 17-12-1987) ra nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong ba năm 1988 - 1990. Hội nghị đánh giá tình hình, nêu rõ những chuyển biến bước đầu trên các mặt hoạt động của Đảng và nhân dân ta theo nội dung đổi mới của Đại hội VI. Tuy nhiên, những chuyển biến tiến bộ mới là bước đầu và những nhân tố mới vẫn còn mang tính chất bộ phận, chưa thật vững chắc, tình hình kinh tế - xã hội vẫn tiếp tục diễn biến xấu. Phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình hình đó, Hội nghị nêu rõ những khuyết điểm về lãnh đạo, chỉ đạo mà trách nhiệm chính thuộc về Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Bộ trưởng.
Hội nghị xác định: Trong ba năm 1988 - 1990, toàn Đảng, toàn dân phải phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu ổn định một bước quan trọng tình hình kinh tế - xã hội, chuẩn bị điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội trong các năm sau. Để đạt được mục tiêu đó phải: phát triển mạnh mẽ sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, trước hết phải tập trung sức thực hiện ba chương trình kinh tế, đặc biệt là chương trình lương thực - thực phẩm; chuyển mạnh các hoạt động kinh tế sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật; khuyến khích các thành phần kinh tế khai thác mọi năng lực sản xuất; đổi mới tổ chức và cán bộ. Nghị quyết đề ra nhiều chủ trương và biện pháp lớn cho việc thực hiện kế hoạch ba năm 1988 - 1990.
Bước sang đầu năm 1988, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta tiếp tục đương đầu với nhiều khó khăn gay gắt về kinh tế và những diễn biến phức tạp về quốc phòng. Trước hết là tình trạng thiếu lương thực, dẫn đến nạn đói ở 21 tỉnh miền Trung và miền Bắc. Sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp bị giảm sút, giá hàng tăng cao.
Giữa lúc đó, các thế lực từ bên ngoài đã có nhiều hành động xâm phạm chủ quyền quốc gia. Đối với những hành động đó, Bộ Chính trị đề ra chủ trương, biện pháp bảo vệ quần đảo Trường Sa và xác định rõ: toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải bình tĩnh, sáng suốt đấu tranh tích cực, kiên trì, mưu trí để giữ vững chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Chủ trương trên đã dấy lên phong trào cả nước bảo vệ Trường Sa và xây dựng địa bàn phòng thủ chiến lược.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp mà cơ chế "khoán 100" không thể đáp ứng được, ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 10/NQ-TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Nghị quyết 10 (khoán 10) đề ra cơ chế khoán mới, xác định hợp tác xã nông nghiệp là đơn vị kinh tế tự chủ tự quản, hộ gia đình xã viên là đơn vị nhận khoán với hợp tác xã. Nghị quyết 10 đã được giai cấp nông dân tiếp nhận, phấn khởi thực hiện, đưa lại nhiều chuyển biến rõ rệt: sản lượng lương thực tăng nhanh, không những cung cấp đủ nhu cầu cho nhân dân mà năm 1989 lần đầu tiên nước ta xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, khoán 10 chưa đề cập quyền sử dụng ruộng đất cho hộ nông dân và việc xây dựng hợp tác xã mới.
Để giải quyết những khó khăn gay gắt về tài chính - tiền tệ, ngày 2-5-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 11 về các biện pháp cấp bách chống lạm phát: tập trung lực lượng giải quyết việc thu mua; cung cấp và dự trữ lương thực; tăng cường quản lý vật tư; tạm thời bán hai giá những hàng thiết yếu; từng bước xoá bao cấp qua giá; thực hiện chế độ trợ cấp khó khăn; thu các khoản chênh lệch giá; giảm phát hành tiền.
Ngày 15-7-1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết 16 về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Nghị quyết xác định các thành phần kinh tế đó tồn tại lâu dài; thực hiện các nguyên tắc quản lý dân chủ, công bằng, bình đẳng và tự quản.
Trước những biến động phức tạp trong nước và trên thế giới, từ ngày 14 đến ngày 20-6-1988, Ban Chấp hành Trung ương khoá VI đã họp Hội nghị lần thứ năm quyết địnhmột số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng, bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng. Hội nghị cho rằng, sự lãnh đạo của Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức chưa ngang tầm nhiệm vụ cách mạng, chưa đáp ứng đòi hỏi của công cuộc đổi mới và yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng cần phải tiến hành là: phát huy bản chất và truyền thống cách mạng tốt đẹp của Đảng; đổi mới tư duy, đổi mới đội ngũ cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và phương pháp công tác; nâng cao giác ngộ cách mạng, bồi dưỡng lý tưởng, phẩm chất, kiến thức và năng lực lãnh đạo chính trị của cán bộ, đảng viên; mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật trong Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Từ giữa năm 1988, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực trong nông nghiệp, công nghiệp và đời sống nhân dân. Nhiều tiềm năng lao động, đất đai, tiền vốn được khai thác và đầu tư cho sản xuất. Tốc độ tăng giá hàng và lạm phát đã bị kiềm chế một bước. Nạn đói được khắc phục.
Trong quan hệ đối ngoại, Đảng và Nhà nước ta thực hiện chủ trương tìm giải pháp chính trị cho vấn đề Campuchia, cải thiện quan hệ Việt - Trung, quan hệ Việt Nam - ASEAN. Về vấn đề Campuchia, từ tháng 5-1988, Bộ Quốc phòng tuyên bố rút 5 vạn quân và Bộ Tư lệnh quân tình nguyện về nước. Tiếp đó, tháng 1-1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tuyên bố tại Phnôm Pênh: Việt Nam sẽ rút hết quân tình nguyện về nước vào tháng 9-1989 (sớm hơn 1 năm theo kế hoạch đã định), đi đôi với việc nước ngoài chấm dứt viện trợ quân sự cho các bên Campuchia, chấm dứt việc sử dụng lãnh thổ nước ngoài làm căn cứ chống lại nhân dân Campuchia. Đồng thời, Tổng Bí thư cũng khẳng định thiện chí của Việt Nam mong muốn xây dựng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước Đông Nam Á và phấn đấu để sớm bình thường hoá quan hệ Việt - Trung, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, vì hoà bình và phát triển.
Lập trường và biện pháp của Đảng ta về việc giải quyết vấn đề Campuchia và mối quan hệ Việt Nam - ASEAN, Việt Nam - Trung Quốc là thiện chí có nguyên tắc, đã góp phần mở ra những triển vọng mới về đối ngoại. Điều đó được thể hiện ở những đóng góp của Việt Nam tại các cuộc họp không chính thức về vấn đề Campuchia tại Giacacta (JIM1, JIM2) và cuộc tiếp xúc cấp thứ trưởng ngoại giao Việt Nam, Trung Quốc bàn về vấn đề bình thường hoá quan hệ Việt - Trung và vấn đề Campuchia (tháng 1-1989).
Từ ngày 20 đến ngày 29-3-1989, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI đã họp Hội nghị lần thứ sáu để kiểm điểm 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho ba năm tới.
Hội nghị khẳng định: Thực tế chứng minh đường lối đổi mới do Đại hội VI đề ra là đúng đắn. Chính sách kinh tế nhiều thành phần và việc thực hiện ba chương trình kinh tế bước đầu đã giải phóng được sức sản xuất; dân chủ được phát huy; chiến lược bảo vệ Tổ quốc được chuyển hướng phù hợp; quan hệ quốc tế được mở rộng. Nhưng đất nước vẫn chưa ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Hội nghị đã đề ra những quan điểm và phương hướng chỉ đạo công cuộc đổi mới với những nguyên tắc cơ bản về đổi mới như sau:
Một là, đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện tốt hơn bằng quan niệm đúng đắn, hình thức, biện pháp và bước đi thích hợp.
Hai là, đổi mới không phải là xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin mà là vận dụng sáng tạo học thuyết Mác - Lênin và khắc phục những quan niệm không đúng về học thuyết đó.
Ba là, đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị phải nhằm tăng cường chứ không phải là làm yếu sức mạnh và hiệu lực của chuyên chính vô sản.
Bốn là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, song dân chủ phải có lãnh đạo, lãnh đạo phải trên cơ sở dân chủ, dân chủ với nhân dân nhưng phải chuyên chính với kẻ địch.
Năm là, kết hợp chủ nghĩa yêu nước với chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Năm nguyên tắc trên đây cũng là những bài học mang tính quy luật mà Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá VI đã đúc kết qua thực tiễn đổi mới.
Hội nghị đề ra những chủ trương cụ thể nhằm tiếp tục công cuộc đổi mới. Đó là điều chỉnh cơ cấu kinh tế theo hướng thực hiện các mục tiêu của ba chương trình kinh tế; khai thác mọi nguồn vốn đầu tư và đổi mới cơ chế đầu tư; thực hiện nhất quán chính sách cơ cấu kinh tế nhiều thành phần, giải phóng mọi năng lực sản xuất; đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, chuyển mạnh các đơn vị kinh tế sang hạch toán kinh doanh theo quan điểm phát triển kinh tế hàng hoá có kế hoạch gồm nhiều thành phần đi lên chủ nghĩa xã hội; kiềm chế và đẩy lùi lạm phát, thực hiện chính sách một giá; phát huy vai trò động lực của khoa học - kỹ thuật gắn với yêu cầu phát triển kinh tế hàng hoá; đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại; tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về chính sách xã hội phù hợp với việc đổi mới chính sách kinh tế; tăng cường công tác quốc phòng và an ninh.
II. KIÊN TRÌ ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA, NGĂN CHẶN ẢNH HƯỞNG BẤT LỢI CỦA TÌNH HÌNH QUỐC TẾ
Năm 1989, tại nhiều nước xã hội chủ nghĩa đã diễn ra những biến động lớn dẫn đến sự tan rã và sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa. Ở Ba Lan, Công đoàn Đoàn kết lên nắm chính quyền. Ở Hunggari, cánh hữu giành thắng lợi, chế độ xã hội chủ nghĩa bị xoá bỏ. Tại Liên Xô, Đảng Cộng sản Liên Xô mất quyền lãnh đạo trong bầu cử Đại hội đại biểu nhân dân tháng 3-1989. Tháng 4-1989, tại Trung Quốc diễn ra phong trào "tự do hoá tư sản" dẫn tới sự kiện Thiên An Môn, thực chất là vụ bạo loạn phản cách mạng.
Những biến động chính trị trên đã tác động trực tiếp đến nước ta. Để giữ vững ổn định chính trị, từ ngày 15 đến ngày 24-8-1989, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá VI đã họp và ra Nghị quyết vềmột số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay. Nghị quyết phân tích những khuynh hướng chính trị của ban lãnh đạo Đảng ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa: một là, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; hai là, dân chủ hoá không giới hạn, gây mất ổn định chính trị;ba là, hạ thấp và thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng; bốn là, phủ định thành tựu lịch sử; năm là, hy vọng nhiều ở phương Tây tư bản chủ nghĩa.
Về tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, Nghị quyết nhận định: Đại bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ta vui mừng trước những thành tựu đổi mới, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng; đồng thời có nhiều lo lắng trước những khó khăn về kinh tế - xã hội, một số ít người bi quan, giảm lòng tin. Đáng chú ý là có một số người nhìn nhận một cách mơ hồ về bản chất của chủ nghĩa tư bản, chỉ thấy những biểu hiện phồn vinh bên ngoài về kinh tế và kỹ thuật, mà không thấy những mâu thuẫn chứa chất bên trong sẽ đưa chủ nghĩa tư bản tới chỗ diệt vong. Khuynh hướng dân chủ tư sản, vô chính phủ có chiều hướng phát triển; nảy sinh ý đồ đòi thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, tư nhân hoá kinh tế quốc doanh.
Nghị quyết chỉ ra những khuyết điểm của công tác lãnh đạo tư tưởng, văn hoá là chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của đấu tranh tư tưởng trước tình hình quốc tế và trong nước; coi nhẹ đấu tranh chống các thế lực thù địch và đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa; quản lý lỏng lẻo các phương tiện thông tin đại chúng và văn hoá phẩm đã để cho những luận điểm trái với quan điểm của Đảng ta lưu hành; nhiều đảng viên, cán bộ và tổ chức đảng buông lỏng công tác tư tưởng và thiếu tinh thần đấu tranh chống những tư tưởng và hành động sai trái.
Nghị quyết nêu ra những quan điểm của Đảng về tính tất yếu lịch sử và những thành tựu của chủ nghĩa xã hội; về tính tất yếu khách quan và phương hướng xã hội chủ nghĩa của quá trình cải tổ, cải cách, đổi mới; về bản chất và sự diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản. Trên cơ sở đó, giáo dục đảng viên và nhân dân kiên trì mục tiêu, lý tưởng xã hội chủ nghĩa; quán triệt những nguyên tắc và chính sách đổi mới của Đảng; nâng cao cảnh giác cách mạng, đấu tranh chống các âm mưu và hành động phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động; nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng; tăng cường đoàn kết thống nhất ý chí, hành động trong Đảng và toàn xã hội, đấu tranh chống tiêu cực; đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo và quản lý công tác tư tưởng chính trị của các cấp bộ Đảng; chính quyền và đoàn thể.
Cùng với Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy đã kịp thời ngăn chặn làn sóng xét lại, trào lưu xã hội dân chủ và hệ tư tưởng tư sản tràn vào nước ta. Nhờ đó, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trụ vững trước sự sụp đổ của Đông Âu xã hội chủ nghĩa và sự rệu rã của Liên Xô.
Tháng 9-1989, quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia rút hết về nước theo đúng cam kết của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Sự kiện đó đã đưa việc giải quyết vấn đề Campuchia chuyển sang một giai đoạn mới và làm mất đi cái cớ mà các thế lực thù địch dựa vào để chống Việt Nam.
Đến cuối năm 1989, sau ba năm thực hiện đường lối đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã có nhiều khởi sắc. Lạm phát và tốc độ tăng giá đã bị kiềm chế. Nếu như năm 1987, hàng tháng giá thị trường tăng bình quân 19,8% thì đến năm 1989 chỉ còn 2,5%. Lần đầu tiên, lương thực đạt tổng sản lượng 21,5 triệu tấn quy thóc, không những đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân và dự trữ quốc gia mà còn xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo. Đời sống của nhân dân được ổn định, giảm bớt khó khăn. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được mở rộng và phát huy trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ổn định chính trị được giữ vững.
Vào những tháng cuối năm 1989 và đầu năm 1990, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nhiều nước Đông Âu liên tiếp diễn ra. Tháng 10-1989, ở Hunggari, Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa tự giải tán, Quốc hội tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Hunggari. Tại Tiệp Khắc, ngày 24-11-1989, Tổng Bí thư Giakét, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản từ chức và ngày 28-12 ông Haven thuộc nhóm "Hiến chương 77" được bầu làm Tổng thống.
Tại Cộng hoà Dân chủ Đức, ngày 28-10-1989, Tổng Bí thư Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Erích Hônêchcơ và 2 Uỷ viên Bộ Chính trị từ chức. Ngày 8-11-1989 tập thể Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức từ chức. Ngày 1-12, Quốc hội Cộng hoà Dân chủ Đức bỏ điều khoản trong Hiến pháp quy định vai trò lãnh đạo của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức đối với toàn xã hội.
Ở Rumani, ngày 22-12-1989 bạo loạn nổ ra ở nhiều nơi. Ngày 26-12, "Mặt trận cứu nước" thành lập chính phủ lâm thời, đổi tên nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Rumani thành nước Cộng hoà Rumani. Ở Bungari, ngày 30-10-1989, Tôđo Gipcốp từ chức Tổng Bí thư. Quốc hội sửa đổi Hiến pháp và đổi tên nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Bungari thành nước Cộng hoà Bungari. Đảng Cộng sản Bungari đổi tên thành Đảng Xã hội Bungari.
Sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô đã tác động bất lợi đến nước ta về nhiều mặt, làm nảy sinh trong Đảng và trong nhân dân tâm trạng lo lắng cho tương lai của chủ nghĩa xã hội. Khuynh hướng đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập xuất hiện.
Từ ngày 12 đến ngày 27-3-1990, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khoá VI đã thông qua nghị quyết quan trọng vềtình hình các nước xã hội chủ nghĩa, sự phá hoại của chủ nghĩa đế quốc và nhiệm vụ cấp bách của Đảng ta (Nghị quyết 8A) và nghị quyết vềđổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân (Nghị quyết 8B).
Nghị quyết 8A nhận định: Các nước xã hội chủ nghĩa đang lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất từ trước đến nay. Tình trạng đó bắt nguồn từ những khuyết điểm và nhược điểm của mô hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và hầu hết các nước xã hội chủ nghĩa khác. Trong những điều kiện lịch sử đặc biệt, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã mang lại những thành tựu to lớn về kinh tế, khoa học - kỹ thuật và quốc phòng, nhưng những khuyết điểm và nhược điểm của mô hình đó chậm được khắc phục làm cho quan hệ sản xuất ngày càng không phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sụp đổ của nhiều nước xã hội chủ nghĩa là do Đảng Cộng sản và công nhân ở các nước đó đã phạm những sai lầm có tính nguyên tắc về quan điểm, đường lối, xa rời hoặc từ bỏ những tư tưởng cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin khi tiến hành cải tổ, cải cách nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế - xã hội. Trong khi đó, các thế lực đế quốc và phản động quốc tế đã triệt để khai thác những sai lầm và khó khăn của các nước xã hội chủ nghĩa để thực hiện chiến lược "diễn biến hoà bình" nhằm xoá bỏ các nước xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết cũng chỉ rõ: Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch tập trung chống lại nước ta trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, tư tưởng, văn hoá.
Nghị quyết xác định: Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta là phải đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới mà mấu chốt là giữ vững ổn định chính trị. Trước mắt, phải tăng cường công tác chính trị, tư tưởng; đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; tiếp tục làm chuyển biến tốt tình hình kinh tế - xã hội ; tăng cường công tác quốc phòng và an ninh, nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chủ động ứng phó với mọi tình huống; tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại theo phương châm thêm bạn, bớt thù, giữ vững hoà bình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nghị quyết 8B nhận định: Mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân vô cùng hệ trọng, có quan hệ đến vận mệnh chính trị của Đảng ta và sự sống còn của cách mạng nước ta. Nghị quyết nêu lên bốn quan điểm trong công tác quần chúng của Đảng: cách mạng là sự nghiệp của dân, do dân và vì dân; công tác quần chúng của Đảng phải đáp ứng lợi ích thiết thực của nhân dân và kết hợp hài hoà các lợi ích, thống nhất quyền lợi và nghĩa vụ; các hình thức tập hợp nhân dân phải đa dạng; công tác quần chúng là trách nhiệm của các đoàn thể, của Nhà nước và của Đảng.
Tại Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tự phê bình về trách nhiệm của tập thể và cá nhân kể từ Đại hội VI. Hội nghị đã quyết định cách chức Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng đối với đồng chí Trần Xuân Bách vì đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây ra nhiều hậu quả xấu.
Hội nghị đã quyết định triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII vào quý II năm 1991.
Cùng với Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu, Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy và tám khoá VI cũng có ý nghĩa quan trọng đối với sự sống còn của chế độ mới, đẩy lùi những ảnh hưởng tiêu cực của tình hình quốc tế.
Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá VI (tháng 8-1990) đã thông qua dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và dự thảoChiến lược kinh tế - xã hội đến năm 2000.
Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương (tháng 11-1990) thông qua các dự thảo Báo cáo xây dựng Đảng và Báo cáo về Điều lệ Đảng (sửa đổi). Đầu tháng 12-1990, các dự thảo văn kiện được đăng tải trên các báo chí để lấy ý kiến toàn dân và gửi các chi bộ lấy ý kiến đảng viên.
Hội nghị lần thứ mười đề ra phương hướng chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội năm 1991. Hội nghị nhận định tình hình kinh tế - xã hội năm 1990 có một số chuyển biến tốt về sản xuất lương thực, xuất khẩu và xây dựng các công trình trọng điểm; về phát huy tính tích cực của chính sách kinh tế nhiều thành phần và kiềm chế lạm phát. Song, nền kinh tế còn mất cân đối nặng về nhiều mặt, phát triển chậm, kém hiệu quả; đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn; văn hoá, xã hội còn nhiều mặt chưa tốt; trật tự an toàn xã hội còn phức tạp... Nguyên nhân của tình hình trên là do tác động tiêu cực của sự sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu, tình trạng khủng hoảng trầm trọng của Liên Xô, chính sách cấm vận của Mỹ...; song, chủ yếu là do những khuyết điểm chỉ đạo, điều hành, nhất là ở tầm vĩ mô, về cơ chế quản lý và công tác kiểm tra, thanh tra.
Mục tiêu kế hoạch năm 1991 được xác định là: vượt qua những khó khăn về kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tạo thế đi lên cho những năm sau; phấn đấu đạt mức tăng tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân năm 1991 cao hơn năm 1990. Phương hướng chỉ đạo kế hoạch năm 1991 là nêu cao tinh thần tự lực tự cường, khai thác mọi tiềm năng của đất nước, mở rộng quan hệ quốc tế, mở rộng thị trường, thu hút nguồn vốn và kỹ thuật bên ngoài..., triệt để thực hành tiết kiệm, quản lý chặt chẽ tài sản nhà nước, kiên trì đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu và làm ăn bất chính.
Trên lĩnh vực ngoại giao, đầu tháng 9-1990 đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước ta do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh dẫn đầu đã sang Trung Quốc, hội đàm với đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Nhà nước Trung Quốc, mở đầu cho quá trình bình thường hoá quan hệ Việt - Trung.
Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Trung ương khoá VI (họp từ ngày 7 đến ngày 12-1-1991) góp ý kiến về dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dự thảo Báo cáo chính trị đã được đưa ra lấy ý kiến của toàn Đảng, toàn dân. Hội nghị lần thứ mười hai (tháng 5-1991) và lần thứ mười ba (tháng 6-1991) Ban Chấp hành Trung ương xem xét lần cuối các văn kiện Đại hội, chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa VII.