III. BA ĐÒN CHIẾN LƯỢC, TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY GIẢI PHÓNG HOÀN TOÀN MIỀN NAM
1. Chiến dịch Tây Nguyên
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy bắt đầu bằng chiến dịch Tây Nguyên, với trận mở màn đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột. Đánh chiếm Buôn Ma Thuột, làm chủ Nam Tây Nguyên, ta có ba hướng phát triển: lên phía Bắc, giải phóng Plâycu, Kon Tum; tiến xuống đồng bằng ven biển Trung bộ; thọc thẳng vào miền Đông Nam bộ và Sài Gòn. Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi sẽ tạo ra bất ngờ lớn, làm đảo lộn thế phòng thủ của địch trên toàn chiến trường.
Bộ Chính trị quyết định cử Đại tướng Văn Tiến Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam vào chiến trường Tây Nguyên thành lập cơ quan đại diện của Quân uỷ Trung ương và Bộ Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. Bộ tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên được thành lập. Các đoàn xe vận tải, xe chở quân xuất phát từ hậu phương lớn miền Bắc bí mật và hối hả hướng về chiến trường Nam Tây Nguyên. Cán bộ chiến sĩ ra trận phấn khởi, tự tin, sung sức.
Ngày 17-2-1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên bàn kế hoạch đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột theo đúng tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị là tranh thủ bất ngờ cao độ, bảo đảm thắng giòn giã. Bộ Tư lệnh đã giữ bí mật tuyệt đối, hướng tác chiến chủ yếu là Buôn Ma Thuột, tích cực hoạt động nghi binh trên hướng Plâycu, Kon Tum.
Ngày 4-3-1975, quân ta đánh và cắt các con đường chiến lược số 19, 21 và 14. Việc giao lưu của địch giữa đồng bằng miền Trung với cao nguyên bị ngưng trệ hoàn toàn. Trên chiến trường toàn miền, địch vẫn tập trung vào hướng phòng thủ chính là Trị Thiên.
1 giờ 55 phút sáng ngày 10-3-1975, quân ta nổ súng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. Trưa hôm sau, bộ đội ta đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Hơn 1000 tên địch bị bắt sống trong đó có đại tá tỉnh trưởng Đắk Lắk, đại tá phó Sư đoàn 23 ngụy, đại diện lãnh sự quán Mỹ. Trận Buôn Ma Thuột là "một đòn điểm đúng huyệt", tác động đến toàn bộ binh lực ngụy quyền, tới cả nước Mỹ. Thế bố trí lực lượng và toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân ngụy bị đảo lộn.
Ngay trong ngày 11-3, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương họp đánh giá: Ta có khả năng giành thắng lợi to lớn với tốc độ nhanh hơn dự kiến. Bộ Chính trị chủ trương nhanh chóng nắm bắt thời cơ, sử dụng lực lượng và tiến công linh hoạt, tập trung, khẩn trương và mạnh bạo. Hướng tiến công tiếp theo có thể là Huế, Đà Nẵng và khi có thời cơ đánh mạnh vào Sài Gòn.
Từ ngày 12 đến ngày 18-3, bằng một loạt trận đánh xuất sắc, quân ta đập tan hoàn toàn cuộc phản kích "tái chiếm Buôn Ma Thuột" của quân đoàn 2 nguỵ, tiêu diệt hoàn toàn Sư đoàn 23 - một sư đoàn được quận ngụy suy tôn là "Nam bình, Bắc phạt, Cao nguyên trấn".
Được tin Buôn Ma Thuột thất thủ, đại sứ Mỹ Matin điện trả lời Nguyễn Văn Thiệu rằng, bỏ hay không bỏ Buôn Ma Thuột là do chính ông ta quyết định. Thất bại ở Buôn Ma Thuột và thái độ của Mỹ làm cho những kẻ đứng đầu ngụy quyền Sài Gòn choáng váng. Ngày 13-3-1975, Nguyễn Văn Thiệu họp khẩn cấp Hội đồng an ninh quốc gia, chủ trương "co hẹp trận địa".
Theo dõi từng bước phát triển của tình hình, ngày 13-3-1975, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương dự kiến: Bị tiêu diệt một bộ phận sinh lực lớn, mất thị xã Buôn Ma Thuột và nhiều quận lỵ, đường 19 bị chia cắt, do đó, có khả năng địch sẽ tập trung các lực lượng còn lại về Tây Nguyên và Plâycu, và cũng có khả năng chúng buộc phải rút bỏ Tây Nguyên.
Trước sức tấn công như vũ bão và bất ngờ của quân ta, Nguyễn Văn Thiệu cùng ngụy quyền Sài Gòn chủ trương rút lui chiến lược khỏi Tây Nguyên.
Theo chủ trương của Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương và Bộ chỉ huy chiến dịch, quân ta triển khai lực lượng nhanh chóng với quyết tâm nắm thời cơ, tiêu diệt hoàn toàn quân địch bỏ chạy.Cuộc truy kích thần tốc 8 ngày đêm (từ ngày 17 đến ngày 24-3) thắng lợi giòn giã. Toàn bộ cánh quân địch rút khỏi Tây Nguyên bị tiêu diệt.
Ngày 18-3-1975, Bộ Chính trị chủ trươnggiải phóng miền Nam trong năm 1975, trước mắt diệt ngay Quân đoàn 1 ngụy, không cho chúng rút chạy về Sài Gòn.
Ngày 25-3-1975, Tây Nguyên hoàn toàn giải phóng. Chế độ Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn.
2. Chiến dịch Huế - Đà Nẵng.
Từ đầu tháng 3-1975, theo chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương, khi chiến dịch Tây Nguyên mở màn, các tỉnh miền Trung Trung bộ cũng triển khai cuộc tiến công, chuẩn bị giải phóng các thành phố, thị xã khi có thời cơ.
Ngày 18-3, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương chỉ thị cho quân dân Trị Thiên phải đánh mạnh, tích cực tiêu diệt địch, không cho chúng rút lui an toàn khỏi Quảng Trị, Huế; đồng thời gấp rút chuẩn bị đánh vào Đã Nẵng.
Đêm 18-3-1975, địch bỏ Quảng Trị chạy về Huế và Đà Nẵng. Quân và dân ta nhanh chóng chuyển sang tấn công. Chiều ngày 19-3, Quảng Trị hoàn toàn giải phóng.
Ngày 20-3, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương chỉ thị tiếp cho quân khu Trị Thiên: Sau khi bỏ Quảng Trị, địch có thể bỏ cả Thừa Thiên và Huế, ta phải táo bạo, khẩn trương, tích cực chuẩn bị mọi mặt để giải phóng toàn bộ đồng bằng, giải phóng Huế và Đà Nẵng.
Quân ta tiến công từ ba phía: Bắc, Tây và Nam. Ngày 20-3, Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh rút quân khỏi thành phố Huế, Quân đoàn 1 ngụy lập tức bỏ Huế chạy về Đà Nẵng bằng đường không. 10 giờ 30 phút ngày 25-3, hai mũi tiến công của bộ đội địa phương Quảng Trị và Quân đoàn 2 gặp nhau trong Thành Nội, làm chủ Toà Khâm cũ, khách sạn Thuận Hoá, trại Phan Sào Nam, các công sở nhà máy điện, nước... Lá cờ cách mạng tung bay trên đỉnh Phú Văn Lâu. Thành phố Huế hoàn toàn giải phóng. Ngày 24-3, quân và dân ta giải phóng thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam).
Tiếp sau Tây Nguyên, hai tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và thành phố Huế được giải phóng là một đòn mới đánh vào nguỵ quân, ngụy quyền các cấp, làm cho ngụy quyền ở Đà Nẵng rệu rã, hoảng loạn. Ngày 25-3, Tổng thống G.Pho cấp tốc cử tướng Uâyen sang Sài Gòn nắm tình hình và tìm kế hoạch cứu vãn.
Sau 5 ngày đêm tiến công và nổi dậy, quân và dân Quân khu V đã tiêu diệt và làm tan rã một nửa chủ lực cơ động của địch trên địa bàn. Đà Nẵng bị bao vây, chia cắt hoàn toàn với ngụy quyền trung ương Sài Gòn.
Theo sát bước phát triển mới của chiến trường miền Trung, ngày 25-3-1975, Hội nghị Bộ Chính trị chủ trương: nắm vững thời cơ chiến lược, tập trung lực lượng vào phương hướng chủ yếu, hành động táo bạo, bất ngờ làm cho địch không kịp trở tay, hoàn thành nhiệm vụgiải phóng Sài Gòn trước mùa mưa. Phương châm chỉ đạo là kịp thời nhất, nhanh chóng nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất, chắc thắng. Mục tiêu trước mắt là tập trung lực lượng giải phóng thành phố Đà Nẵng.
Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2, Quân khu Trị Thiên và Quân khu V được lệnh gấp rút tiến về Đà Nẵng. Ngày 26-3, Ngô Quang Trưởng - Tư lệnh Quân đoàn 1 và Quân khu 1 ngụy, được Mỹ đánh giá là tướng giỏi nhất trong hàng ngũ tư lệnh quân đoàn ngụy - đã bỏ sở chỉ huy chạy ra một tàu Mỹ ở ngoài biển. Nhiều đơn vị không tuân lệnh chỉ huy, tự động bỏ vị trí phòng thủ, rút về tuyến sau. Ngày 27-3, gần 3.000 binh sĩ ngụy trung tâm huấn luyện Hoà Cầm làm binh biến, bỏ về gia đình. Tàn quân ngụy từ Huế chạy vào, từ Chu Lai, Tam Kỳ chạy ra, gieo thêm tâm lý hoảng hốt, tuyệt vọng trong hàng ngũ sĩ quan, binh lính ngụy. Ngày 28-3, lãnh sự quán Mỹ chạy khỏi Đà Nẵng.
Trước tình hình đó, ngày 27-3, Quân uỷ Trung ương điện cho Quân khu V và Quân đoàn 2: Tình hình Đà Nẵng rất khẩn trương cần có những biện pháp đặc biệt nhanh chóng tiến công địch, bỏ qua những mục tiêu dọc đường, đánh thẳng vào Đà Nẵng nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất với những lực lượng có thể chuyển tới sớm nhất.
Ở thành phố Đà Nẵng, thực hiện chỉ thị của Khu uỷ khu V về chuẩn bị phát động quần chúng nổi dậy phối hợp với đòn tiến công quân sự, ngày 21-3, Tỉnh ủy Quảng Đà (Quảng Nam - Đà Nẵng) bàn kế hoạch nổi dậy. Các xã ở vùng ven đô, các khu phố, các phường, các xí nghiệp, các trường học đều thành lập uỷ ban khởi nghĩa.Các huyện, xã trong tỉnh đều chuẩn bị sẵn lực lượng và có phương án tự giải phóng bằng lực lượng của địa phương. Ngày 27-3, Tỉnh uỷ Quảng Đà cử một đồng chí uỷ viên thường vụ vào Thành phố trực tiếp chỉ đạo khởi nghĩa.
5 giờ 30 phút sáng 28-3, bộ đội pháo binh mở đầu cuộc tiến công giải phóng Đà Nẵng bằng đòn tập kích hoả lực mãnh liệt vào các vị trí quân sự địch. Từ các hướng, các binh đoàn thọc sâu có xe tăng dẫn đầu ào ạt tiến vào trung tâm Thành phố. Nhân dân dẫn đường cho bộ đội đánh chiếm cầu Trịnh Minh Thế, ty cảnh sát, toà thị chính và nhiều mục tiêu khác... Hàng vạn người đổ ra đường, chặn xe tăng địch, kêu gọi binh lính nguỵ hạ vũ khí, đầu hàng cách mạng. 11 giờ trưa ngày 19-3, quần chúng và tự vệ vũ trang đã nổi dậy làm chủ tất cả các khu phố. Công nhân, viên chức, học sinh cùng bộ đội chiếm lĩnh và bảo vệ bến cảng, sở hoả xa, nhà máy điện, nhà máy nước, bệnh viện, trường học, truy quét tàn binh, kêu gọi binh sĩ ngụy đầu hàng. Nhiều xe ca, xe lam chở dân di tản ra khỏi nội thành, khi gặp bộ đội ta đã quay trở lại, nhanh chóng đưa bộ đội vào đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố.
15 giờ ngày 29-3-1975, Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng. Ngày 1-4-1975, quân và dân 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà kết hợp tiến công với nổi dậy giải phóng toàn tỉnh. Ngày 2-4, quân ta giải phóng Nha Trang. Ngày 3-4, giải phóng Cam Ranh và toàn tỉnh Khánh Hoà, Đà Lạt và toàn tỉnh Lâm Đồng.
Trong vòng một tháng, quân dân ta giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên và miền Trung Trung bộ gồm 16 tỉnh với 8 triệu dân. Lực lượng so sánh giữa ta và địch đã thay đổi tận gốc.
3. Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn
Sự thất bại nặng nề và đổ vỡ nhanh chóng của ngụy quyền Sài Gòn trong tháng 3-1975 làm cho đế quốc Mỹ vô cùng bối rối, nội bộ chia rẽ sâu sắc. Ngày 4-4, tướng Uâyen về Caliphoócnia báo cáo với Tổng thống G.Pho: Tình hình miền Nam Việt Nam đang ở bên bờ thất bại hoàn toàn về quân sự. Tổng thống Mỹ xin Quốc hội chấp thuận viện trợ vũ khí cho ngụy quyền Sài Gòn, song nhiều nghị sĩ Mỹ cho rằng đã quá muộn để làm bất cứ việc gì nhằm lật ngược tình thế ở miền Nam Việt Nam.
Chiến lược dùng quân ngụy Sài Gòn độc chiếm miền Nam của Mỹ - ngụy đến đây hoàn toàn thất bại. Mỹ âm mưu trở lại Hiệp định Pari, "cải tổ chính phủ", hạ bệ Nguyễn Văn Thiệu, lập một chính phủ Sài Gòn mới có khả năng nói chuyện với cách mạng, gửi công hàm cho Liên Xô, Trung Quốc đề nghị họp lại Hội nghị quốc tế ở Giơnevơ bàn việc thực hiện ngừng bắn.
Để có thêm lực lượng phòng thủ, ngụy quyền Sài Gòn cố sức thu thập tàn quân, điều chỉnh thế bố trí lực lượng, lập tuyến phòng ngự từ xa ở Phan Rang nhằm ngăn chặn quân ta.
Sau chiến thắng miền Trung, Hội nghị Bộ Chính trị ngày 31-3-1975 đánh giá: "Về chiến lược, về lực lượng quân sự, chính trị, ta đã có sức mạnh áp đảo, địch đang đứng trước nguy cơ sụp đổ và diệt vong. Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế của ngụy. Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi". "Hiện nay ta có đầy đủ lực lượng và khả năng để giành thắng lợi hoàn toàn trong một thời gian ngắn hơn dự kiến rất nhiều".
Bộ Chính trị nhấn mạnh: Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần nắm vững thời cơ chiến lược hơn nữa, với tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4-1975, không thể để chậm. Bộ Chính trị chỉ rõ bất ngờ hiện nay không còn ở phương hướng lớn nữa mà chủ yếu là ở khâu thời gian. Bộ Chính trị quyết định một số mặt công tác lớn cấp bách sau đây:
Một là, khẩn trương điều động lực lượng dự bị, bao vây, cô lập Sài Gòn từ các hướng. Chuẩn bị sẵn những binh đoàn mạnh để khi có thời cơ sẽ đánh thọc sâu vào trung tâm thành phố, chiếm những mục tiêu quan trọng nhất.
Hai là, phát triển tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Ba là, giải phóng các đảo trong hải phận của Tổ quốc.
Bốn là, thành lập Đảng uỷ và Bộ tư lệnh mặt trận Sài Gòn.
Năm là, động viên lực lượng cả nước đáp ứng mọi yêu cầu của chiến trường trọng điểm.
Quyết tâm chiến lược, tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo của Đảng được quán triệt đến toàn dân, toàn quân. Năm quân đoàn binh chủng hợp thành cùng nhiều đơn vị công binh, pháo binh, phòng không, xe tăng, đặc công ào ạt tiến quân về chiến trường trọng điểm, sào huyệt cuối cùng của Mỹ - ngụy. Các đơn vị vừa đi vừa đánh địch, vừa mở đường, bắc cầu. Cả dân tộc lên đường, cả nước ra trận.
Để đảm bảo cuộc tổng tiến công giành được thắng lợi thật chắc chắn cho đến khi toàn thắng. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương chủ trương tập trung đầy đủ các binh đoàn chủ lực và đẩy mạnh hoạt động trên các chiến trường.
Ngày 8-4-1975, phi công Nguyễn Thành Trung ném bom xuống Dinh Độc Lập, làm cho ngụy quân Sài Gòn thêm hoảng hốt. Ngày 16-4, cánh quân Duyên hải của ta đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang của địch, bắt sống hai tướng ngụy và đại tá cố vấn Mỹ, giải phóng thị xã Phan Thiết, toàn tỉnh Bình Thuận (ngày 18-4), thị xã Bình Tuy (ngày 19-4).
Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, ngày 20-4, lực lượng còn lại của địch ở thị xã Xuân Lộc bỏ chạy về Bà Rịa, bị bộ đội ta truy kích, diệt một bộ phận. Thị xã Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh được giải phóng.
Ngày 18-4, Tổng thống Mỹ G. Pho ra lệnh di tản người Mỹ ra khỏi Việt Nam. Các sĩ quan cao cấp và nhân viên ngụy quyền Sài Gòn lo thu vén của cải, tìm cách đưa gia đình chạy trốn ra nước ngoài.
Ngày 20-4, G.Pho và Kitxinhgiơ chính thức thông báo cho đại sứ Matin biết chủ trương của Chính phủ Mỹ là Nguyễn Văn Thiệu phải từ chức. Ngày 21-4, Nguyễn Văn Thiệu lên đài truyền hình chỉ trích Mỹ bỏ rơi đồng minh và tuyên bố từ chức.
Ngày 23-4, Tổng thống Mỹ tuyên bố cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam đã kết thúc đối với Mỹ. Cùng ngày, Tổng thống ngụy quyền mới Trần Văn Hương cử đại diện đến sân bay Tân Sơn Nhất xin gặp phái đoàn quân sự Chính phủ cách mạng lâm thời.
Bộ Chính trị nhận định: Đây là một âm mưu mới của Mỹ nhằm tìm cách trì hoãn cuộc tiến công của ta vào Sài Gòn.
Từ đầu tháng 3-1975, khi bước vào chuẩn bị trực tiếp cho kế hoạch giải phóng thành phố Sài Gòn - Gia Định, Thành uỷ Sài Gòn - Gia Định đã điều động 1.700 cán bộ quân sự, chính trị vào các quận nội thành và các xã vùng ven đô cùng với các cấp uỷ địa phương vận động tổ chức quần chúng sẵn sàng nổi dậy, phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực.
Ngày 14-4-1975, chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tênChiến dịch Hồ Chí Minh được Bộ Chính trị phê chuẩn với 5 mục tiêu quan trọng nhất là: Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu, Sân bay Tân Sơn Nhất, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát.
Bảy lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi quân và dân ta mở cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 được quán triệt sâu sắc đến từng chiến sĩ: 1-Ý chí phải thật kiên quyết; 2- Kế hoạch phải thật tỷ mỷ; 3- Kiểm tra phải thật kỹ càng; 4- Phối hợp phải thật ăn khớp; 5- Chấp hành phải thật chu đáo; 6- Cán bộ phải thật gương mẫu; 7- Bí mật phải giữ triệt để.
17 giờ ngày 26-4-1975, cuộc tổng công kích đánh chiếm thành phố Sài Gòn - Gia Định bắt đầu.
Bộ đội pháo binh đã phát huy uy lực của các loại pháo tầm xa, bắn tập trung mãnh liệt vào sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hoà, kiềm chế và tiêu diệt các trận địa pháo binh địch. Bộ đội đặc công "luồn sâu đánh hiểm", phối hợp với lực lượng biệt động thành phố đánh chiếm tất cả các cầu lớn trên các con đường tiến vào Sài Gòn. Từ các hướng Đông, Đông Nam, Bắc, Tây Bắc và Tây Nam, các binh đoàn thọc sâu có xe tăng dẫn đầu đập tan các khu vực phòng thủ vòng ngoài của địch, nhiều trận đánh ác liệt diễn ra ở Nước Trong, Đồng Dù, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hoà... Phía Nam, quân ta cắt đứt đường số 4, các sư đoàn chủ lực ngụy bị tiêu diệt và tan rã, không kịp rút lực lượng về nội thành.
Ngày 26-4, do sức ép của Mỹ, Tổng thống ngụy Trần Văn Hương từ chức, Dương Văn Minh được cử lên thay. Ngày 28-4, "phi đội quyết thắng" của không quân ta sử dụng máy bay A.37 vừa thu được của địch ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Cùng ngày, thị xã Vũng Tàu và toàn tỉnh Bà Rịa được giải phóng. Quân địch ở Sài Gòn không còn đường rút chạy ra biển. Đường số 4 xuống vùng châu thổ Cửu Long đã bị cắt đứt. Quân ta áp sát, bao vây chặt Sài Gòn trên tất cả các hướng, khống chế chặt đường bộ, đường thuỷ và đường không. Ngày 28-4, Tổng tham mưu trưởng quân ngụy Cao Văn Viên, nguyên thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn cùng nhiều sĩ quan và nhân vật cao cấp ngụy quyền tranh nhau lên máy bay lên thẳng của Mỹ để chạy ra nước ngoài.
Sáng 29-4, quân ta mở đợt tiến công mới, tiêu diệt và làm tan rã phần lớn các sư đoàn 5, 25, 18, 22, 7 của quân ngụy ở vùng ven thành phố. Nhiều viên tướng ngụy tự sát, bỏ chạy hoặc bị bắt sống. Trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn, Dương Văn Minh cho người liên hệ với ta xin được ngừng bắn và bàn giao chính quyền, nhưng bị ta bác bỏ. Sáng ngày 30-4-1975, quân ta đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu trong thành phố. Quân đoàn 3 chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Quân đoàn 1 đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu ngụy. Đoàn 232 đánh chiếm Biệt khu Thủ đô, Tổng nha cảnh sát và Bộ tư lệnh hải quân ngụy. Quân đoàn 4 giải phóng thành phố Biên Hoà, cùng với Quân đoàn 2 vượt qua cầu xa lộ tiến về Dinh Độc lập.
9 giờ 30 phút ngày 30-4, đài phát thanh Sài Gòn phát bản tuyên bố của Dương Văn Minh kêu gọi quân ngụy đơn phương ngừng bắn và bàn giao chính quyền cho cách mạng.
10 giờ 10 phút, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương chỉ thị cho Bộ tư lệnh và Đảng uỷ mặt trận Sài Gòn "tiếp tục tiến công vào Sài Gòn theo kế hoạch". 10 giờ 45 phút, chiếc xe tăng của Quân đoàn 2 húc đổ cánh cổng sắt của dinh Tổng thống ngụy quyền. Cán bộ, chiến sĩ ta tiến vào phòng họp của Dinh Độc Lập bắt sống Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các ngụy quyền, buộc Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện.
11 giờ 30 phút, lá cờ cách mạng được cắm lên nóc Dinh Độc Lập. Thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng.
Cùng với nhân dân ta ở miền Nam, nhân dân cả nước reo mừng khi được tin Thành phố Sài Gòn - Gia Định được giải phóng. Nhân dân thành phố Hà Nội và các thành phố, thị xã, thị trấn miền Bắc đổ ra đường, theo dõi tin chiến thắng từ các loa truyền thanh công cộng.
Trong kế hoạch giải phóng hoàn toàn miền Nam, đồng bằng sông Cửu Long là một hướng chiến lược quan trọng. Từ đầu tháng 3-1975, nhân dân và các lực lượng vũ trang ở đây đã đẩy mạnh tiến công và nổi dậy, mở rộng vùng giải phóng, đưa lực lượng áp sát các đường giao thông, các thị xã, thị trấn, kìm giữ các sư đoàn chủ lực ngụy, chia cắt Quân khu IV của địch với Sài Gòn, kìm chân Quân đoàn 4 ngụy.
Ngày 30-4, hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long được giải phóng. Một số tỉnh còn lại được giải phóng vào ngày 1-5.
Đồng thời với việc giải phóng các tỉnh, thành phố trong đất liền, Bộ Chính trị đã chỉ đạo từ rất sớm việc giải phóng các đảo trong hải phận Tổ quốc. Từ Quảng Trị đến Hà Tiên, tất cả các đảo dọc theo bờ biển đều được giải phóng cùng với các vùng đất của mình.
Tại Côn Đảo, ngày 1-5-1975, những người tù được thả tự do tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, tổ chức chính quyền tự quản và đánh chiếm các công sở của ngụy quyền, giải phóng toàn bộ tù nhân, làm chủ toàn bộ Côn Đảo. Ngày 5-5, tàu hải quân ta ra đón 4.000 tù chính trị và tiếp quản Côn Đảo.
Ở đảo Phú Quốc, ngày 30-4, nhân dân phối hợp với lực lượng vũ trang giải phóng thị trấn Dương Đông và toàn đảo.
Ở các đảo thuộc vùng biển phía Nam, các Đảng bộ đã kịp thời lãnh đạo nhân dân và lực lượng vũ trang nổi dậy, tiến công giành quyền làm chủ trong các ngày 30-4 và 1-5-1975. Ở Trường Sa, từ ngày10-4 đến ngày 29-4-1975, quân ta đã giải phóng các đảo do quân ngụy Sài Gòn chiếm giữ.
Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Ngày 30-4-1975 trở thành ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam. Ngày 7-5-1975, hơn một triệu đồng bào Sài Gòn và các tỉnh lân cận đã tham dự cuộc mít tinh lớn mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng và chào đón Uỷ ban quân quản Thành phố Sài Gòn.
Trải qua 50 ngày đêm chiến đấu thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, quân và dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn lực lượng ngụy quân đông hơn 1 triệu tên, thu toàn bộ vũ khí, phương tiện chiến tranh và căn cứ quân sự của Mỹ - ngụy, đập tan bộ máy ngụy quyền từ trung ương đến cơ sở, xoá bỏ ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam đã biến lời tiên đoán sáng suốt và điều mong ước thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh thành sự thật:
"Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn".
Đánh giá về thắng lợi này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng tháng 12-1976 cho rằng: Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Trải qua 21 năm chiến đấu, nhân dân ta đã đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Âm mưu của đế quốc Mỹ biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và chia cắt lâu dài đất nước ta đã bị đập tan.
Thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước kết thúc quá trình 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, chấm dứt ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử giải phóng dân tộc và thống nhất nước nhà, mở ra bước ngoặt vĩ đại thiết lập quyền làm chủ của nhân dân trên toàn bộ đất nước, đưa cả nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Với thắng lợi này, nhân dân Việt Nam chứng minh trước toàn thế giới sự phá sản không thể tránh khỏi của chủ nghĩa thực dân mới. Cũng như trước đây, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược năm 1954 đã chứng minh với thế giới sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa thực dân cũ. Quân ngụy Sài Gòn - đội quân tay sai mạnh nhất được Mỹ dồn sức lực, tiền của nuôi dưỡng và bảo vệ bị tiêu diệt đã làm cho các đồng minh Mỹ ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh bắt đầu mất lòng tin vào khả năng của Mỹ. Niềm tin về "tính bất khả chiến thắng" của đế quốc Mỹ đã bị lung lay.
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam đã đẩy lùi và làm suy yếu trận địa của chủ nghĩa đế quốc, phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ ở Đông Nam Á, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch, làm lung lay vị trí chính trị của Mỹ trên trường quốc tế, làm phá sản "thần tượng Mỹ" và tâm lý phục Mỹ, sợ Mỹ - tên đế quốc hùng mạnh nhất và tên sen đầm quốc tế hung ác nhất.
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam đã mở rộng trận địa của chủ nghĩa xã hội, tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của ba dòng thác cách mạng của thời đại, đem lại lòng tin và niềm phấn khởi của hàng triệu người dân trên trái đất đang đấu tranh vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Trong toàn bộ lịch sử 200 năm của Hoa Kỳ, đây là thất bại lớn nhất. Đế quốc Mỹ bị suy yếu nghiêm trọng về quân sự, chính trị, kinh tế và còn phải tiếp tục gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề và lâu dài. Vết thương nhức nhối mà đế quốc Mỹ gọi là "hội chứng Việt Nam" đã dằn vặt giai cấp thống trị và cả nhân dân Mỹ trong nhiều năm cho đến nay vẫn chưa lành. Chiến tranh Việt Nam làm cho nhân dân Mỹ hiểu thêm những bệnh hoạn và mâu thuẫn vốn có của xã hội tư bản.
Thời kỳ sau Việt Nam, đế quốc Mỹ buộc phải điều chỉnh chiến lược toàn cầu, chuyển sang chiến lược "diễn biến hoà bình" gây đủ mọi sức ép nhằm phá hoại phong trào giải phóng dân tộc, phá hoại Liên Xô, Đông Âu, hệ thống xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản quốc tế từ trong lòng các phong trào và các nước đó.
Tất cả những điều đó nói lên tầm quan trọng quốc tế và tính thời đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược mà cả loài người tiến bộ, những ai có lương tri đều thừa nhận, dù Nhà Trắng và Lầu Năm Góc có tìm trăm phương nghìn kế để xoá bỏ cũng uổng công, dù năm tháng đã trôi qua nhưng sự thật lịch sử vẫn là sự thật.
Sau khi chiến tranh của Mỹ xâm lược Việt Nam thất bại, đã có hàng nghìn ấn phẩm của các nhà quân sự, các nhà chính trị, các nhà nghiên cứu Mỹ viết về cuộc chiến tranh này. Các tác phẩm đó đã nói lên ít nhiều sự thất bại, nhất là của các tổng thống và các tổng chỉ huy quân đội xâm lược Mỹ. Nhưng chưa có ấn phẩm nào nói rõ thực chất cuộc chiến tranh này, càng chưa nói rõvì sao đế quốc Mỹ thua, vì sao nhân dân Việt Nam thắng. Đối với Mỹ, đến nay câu hỏi ấy vẫn còn và đòi hỏi được trả lời. Với cách nhìn nhận và vì lợi ích của họ, Mỹ khó có thể nhận ra những sự thật hiển nhiên, mà nhân dân ta và cả loài người tiến bộ đều nhận thấy. Đó là:Cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ là phi nghĩa, cuộc kháng chiến của nhân dân ta là chính nghĩa, vì thế toàn thể dân tộc Việt Nam đều tham gia kháng chiến. Nhân dân ta đánh xâm lược Mỹ trong điều kiện nhân dân ta đã làm chủ đất nước trải qua Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chế độ nhân dân làm chủ đất nước đã nâng cao lên trình độ mới truyền thống yêu nước, kiên cường, bất khuất, cả nước chung lòng đánh giặc trong hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Toàn dân đánh Mỹ, cả nước đánh Mỹ dựa trên nòng cốt quân đội nhân dân gan dạ, mưu trí, biết sử dụng những vũ khí hiện đại. Toàn dân đánh Mỹ, cả nước đánh Mỹ dựa vào hậu phương miền Bắc hùng hậu và các hậu phương tại chỗ của từng chiến trường, được Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa chi viện, nhân loại tiến bộ đồng tình, có sự phối hợp chiến đấu của nhân dân ba nước Đông Dương. Toàn dân đánh Mỹ, cả nước đánh Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng ta- Đội quân tiên phong tôi luyện, giàu trí tuệ, đoàn kết nhất trí, gắn bó với nhân dân, có đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo. Đó là những nhân tố thắng lợi cơ bản của Việt Nam mà Mỹ không thể nào có được.
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ đã để lại những bài học qúy giá trong lịch sử giữ nước:
Một là: Toàn dân đánh Mỹ, cả nước đánh Mỹ, đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng nhằm mục tiêu chủ yếu là giải phóng miền Nam.
Hai là: Chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, tạo ra sức mạnh tổng hợp của chiến tranh.
Ba là: Lựa chọn phương thức chiến tranh thích hợp.
Bốn là: Ba tầng mặt trận thống nhất chống Mỹ: ở trong nước, giữa ba nước Đông Dương và trên thế giới.
Năm là: Không ngừng nâng cao sức chiến đấu và hiệu lực lãnh đạo của Đảng trong chiến tranh.
(Nguồn: Báo ĐT ĐCS)