Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam-Bài 6:
Xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đánh thắng ba chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ (1961 - 1972)
Xây dựng và bảo vệ miền Bắc, đánh thắng ba chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ (1961 - 1972)
I. XÂY DỰNG MIỀN BẮC, ĐÁNH THẮNG CHIẾN LƯỢC "CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT" CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (TỪ NĂM 1961 ĐẾN ĐẦU NĂM 1965)
1. Chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ và chủ trương của Đảng chuyển từ khởi nghĩa sang chiến tranh cách mạng
Với thắng lợi của công cuộc củng cố miền Bắc và cao trào Đồng khởi ở miền Nam, cách mạng Việt Nam đứng trước tình thế mới đầy triển vọng. Tuy sự phát triển của chủ nghĩa xã hội lúc đó có những biểu hiện trì trệ và trong phong trào cộng sản quốc tế xuất hiện sự bất đồng, song sức mạnh của hệ thống xã hội chủ nghĩa vẫn là một dòng thác cách mạng ngăn chặn những âm mưu đen tối của chủ nghĩa đế quốc, là chỗ dựa vững chắc cho cách mạng thế giới và cách mạng nước ta. Phong trào giải phóng dân tộc giành thắng lợi ở hơn 60 nước châu Á, châu Phi, Mỹ Latinh là đồng minh hỗ trợ mạnh mẽ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hoà bình và tiến bộ xã hội của công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản chủ nghĩa là một dòng thác nữa đánh vào chính sách phản động gây chiến của đế quốc Mỹ.
Trước tình hình trên, đầu năm 1961, Tổng thống Mỹ G. Kennơđi buộc phải điều chỉnh chiến lược từ "trả đũa ồ ạt" sang "phản ứng linh hoạt" với ba loại chiến tranh: chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ và chiến tranh tổng lực.
Mục tiêu chính của "chiến tranh đặc biệt" của Mỹ ở miền Nam là dập tắt phong trào "Đồng khởi", bình định miền Nam trong 18 tháng với lực lượng quân nguỵ do Mỹ trang bị và cố vấn Mỹ chỉ huy, sử dụng chiến thuật cơ động bằng trực thăng và thiết giáp để tiêu diệt lực lượng vũ trang cách mạng; lập hệ thống ấp chiến lược để ngăn cản phong trào nổi dậy; ngăn chặn chi viện của miền Bắc, cô lập miền Bắc, khi cần sẽ ném bom miền Bắc.
"Chiến tranh đặc biệt" là một chiến lược chiến tranh thâm độc và nguy hiểm gây nhiều khó khăn cho cuộc chiến đấu của nhân dân ta. Tuy nhiên, ra đời trong thế bị động, "chiến tranh đặc biệt" không những không phát huy được tác dụng mà còn từng bước bị bẻ gẫy trước cao trào nổi dậy và tiến công, giữ vững và mở rộng quyền làm chủ của nhân dân ta ở miền Nam.
Tháng 1-1961, Bộ Chính trị chủ trương chuyển từ khởi nghĩa sang chiến tranh cách mạng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thành lập Trung ương cục miền Nam thay cho Xứ uỷ Nam Bộ (Khu V và Trị Thiên vẫn trực thuộc Trung ương Đảng). Ngày 31-1-1961, Bộ Chính trị ra Chỉ thị về phương hướng và nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam. Chỉ thị nhấn mạnh phải tăng cường đấu tranh vũ trang song song với đấu tranh chính trị. Nhiệm vụ trước mắt là nhanh chóng xây dựng lực lượng về cả hai mặt chính trị và quân sự: tập hợp đông đảo lực lượng chống Mỹ trong Mặt trận dân tộc thống nhất, phát động phong trào đấu tranh chính trị mạnh mẽ của quần chúng; tích cực tiêu diệt sinh lực địch, bảo tồn và phát triển lực lượng ta, làm tan rã nguỵ quyền, nguỵ quân trên phạm vi ngày càng rộng; tiến lên làm chủ rừng núi, giành lại toàn bộ đồng bằng, ra sức xây dựng cơ sở và đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở đô thị, tạo mọi điều kiện và nắm mọi thời cơ thuận lợi để đánh đổ chính quyền tay sai Mỹ, giải phóng miền Nam.
Tháng 2-1961, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về nhiệm vụ quân sự, Nghị quyết nêu rõ phải kiềm chế Mỹ và thắng Mỹ ở miền Nam, chuẩn bị sẵn sàng đối phó với âm mưu và hành động mở rộng chiến tranh của địch. Bộ Chính trị chủ trương củng cố quốc phòng trên miền Bắc, xây dựng ở miền Nam một lực lượng vũ trang tập trung đủ mạnh; giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng vũ trang và sẵn sàng tổ chức bộ đội tình nguyện sang phối hợp chiến đấu khi bạn yêu cầu: kiện toàn bộ máy chỉ đạo quân sự của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng đối với lực lượng vũ trang, tổ chức hệ thống chỉ huy quân sự trực thuộc các cấp Đảng bộ ở miền Nam. Bộ Chính trị quyết định giao cho Quân uỷ Trung ương nhiệm vụ chỉ đạo toàn bộ công tác quân sự ở miền Nam.
Tháng 9-1961, Bộ Chính trị thông qua đề án tăng cường cho miền Nam từ 3 đến 4 vạn cán bộ, chiến sĩ đã được huấn luyện chính quy trên miền Bắc; tăng lực lượng, phương tiện cơ giới cho Đoàn vận tải quân sự 559 trên đường Trường Sơn.
Quán triệt chỉ thị và nghị quyết của Bộ Chính trị, Hội nghị Trung ương Cục lần thứ nhất (tháng 10-1961) đã nhất trí khẳng định sự cần thiết phải kết hợp chặt chẽ hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang. Hội nghị thường vụ Khu uỷ Khu V (tháng 5-1961) chủ trương đẩy mạnh tiến công địch cả về chính trị và quân sự nhằm tiếp tục củng cố và mở rộng căn cứ địa miền núi, phá thế kìm kẹp của địch ở đồng bằng.
2. Đẩy mạnh xây dựng miền Bắc
Chỉ đạo thực hiện kế hoạch 5 năm (1961 - 1965), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tiến hành một số cuộc hội nghị bàn giải pháp xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật và củng cố miền Bắc về mọi mặt.
Tháng 1-1961, Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) thông qua những nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch nhà nước năm 1961, tập trung vào việc củng cố và phát triển hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Tháng 7-1961,Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ năm chủ trương đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện, giải quyết vấn đề lương thực là chính, coi trọng cây công nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi, thả cá, nghề phụ.
Tháng 2-1961, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc chỉnh huấn mùa xuân 1961. Ban Bí thư ra nghị quyết đẩy mạnh phong trào thi đua trong sản xuất, học tập, công tác. Tổng Công đoàn Việt Nam phát động phong trào phấn đấu trở thành tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa. Nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) được công nhận là lá cờ đầu phong trào thi đua hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật của ngành công nghiệp. Hợp tác xã Đại Phong (Quảng Bình) là lá cờ đầu phong trào thi đua trong nông nghiệp. Trong quân đội có phong trào thi đuaBa nhất (lập thành tích nhiều nhất, đều nhất, giỏi nhất). Trong ngành giáo dục có phong tràoHai tốt (dạy tốt, học tốt), đi đầu là Trường phổ thông cấp II Bắc Lý (Hà Nam).
Năm 1961 sản lượng lương thực trên miền Bắc đạt 5,8 triệu tấn, tăng 8,8% so với năm 1960. Tháng 11-1961, Bộ Chính trị chủ trương mở cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Qua cuộc vận động, các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được củng cố thêm một bước; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng và chính quyền đối với nông nghiệp có nhiều tiến bộ. Đến năm 1965, 88,8% số hộ nông dân đã vào hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 71,7% số hộ lên hợp tác xã bậc cao. Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, độc canh, năng suất thấp và tự túc tự cấp, nông nghiệp miền Bắc đã phát triển tương đối toàn diện, giải quyết được một phần nhu cầu về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu cho công nghiệp và một phần sản phẩm cho xuất khẩu, bảo đảm cho miền Bắc ổn định về kinh tế - xã hội, phát huy vai trò hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Tuy vậy, việc xây dựng quan hệ sản xuất và tổ chức sản xuất nông nghiệp còn có nhiều yếu kém, trình độ quản lý của cán bộ non yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn, nông cụ chủ yếu là thô sơ.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 6-1962,Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ bảy (mở rộng), bàn việc xây dựng và phát triển công nghiệp trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Tháng 7- 1963, Bộ Chính trị mở cuộc vận động "Nâng cao ý thức trách nhiệm tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu" (gọi tắt là "Ba xây, ba chống").
Từ năm 1961 đến năm 1965, miền Bắc đã thực hiện được một bước đáng kể kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật. Các ngành công nghiệp chủ yếu như điện, cơ khí, luyện kim, hoá chất, vật liệu xây dựng... hình thành và phát triển nhanh. So với năm 1955 sản lượng điện năm 1965 tăng gấp 10 lần, cơ khí tăng bình quân hàng năm 30%. Đến năm 1965, 1.132 xí nghiệp công nghiệp quốc doanh đã được xây dựng, đội ngũ cán bộ công nhân và lao động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lên tới 650.000 người. Mặt yếu kém của công nghiệp là chưa hướng vào mục tiêu trung tâm phục vụ sản xuất nông nghiệp và hàng tiêu dùng.
Tháng 12-1964, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III họp Hội nghị lần thứ 10 bàn về thương nghiệp và giá cả. Hội nghị đã bổ sung hai điểm quan trọng vào đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa: a) Trong điều kiện còn tồn tại nhiều hình thức sở hữu, lực lượng sản xuất chưa phát triển, sản phẩm xã hội chưa dồi dào, sự tồn tại và phát triển của kinh tế hàng hoá ở miền Bắc nước ta là một tất yếu khách quan; b) Tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, cách mạng về quan hệ sản xuất, cách mạng kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hoá, lấy cách mạng kỹ thuật làm then chốt.
Kế hoạch 5 năm xây dựng miền Bắc cũng thu được nhiều thành tựu. Về văn hoá - xã hội, năm 1965 toàn miền Bắc có 4,5 triệu người đi học (trong 16 triệu dân). Năm 1965 đã có 10.290 trường phổ thông các cấp (năm 1960 có 7.066 trường, với gần 3 triệu học sinh); có 18 trường đại học và cao đẳng với 34.000 sinh viên (năm 1960 có 9 trường và 8.000 sinh viên) và có gần 100 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Các tệ nạn xã hội giảm mạnh. Đạo đức mới, nếp sống mới xã hội chủ nghĩa hình thành rõ nét.
Về quốc phòng và an ninh, ba thứ quân đã nâng cao một bước sức mạnh chiến đấu. Dân quân, tự vệ được tổ chức rộng khắp với số lượng 1,4 triệu người, trong đó 1/5 được trang bị vũ khí, 30% ngân sách quốc phòng được đầu tư xây dựng các công trình quân sự. Các lực lượng làm nhiệm vụ an ninh quốc gia và giữ vững trật tự an toàn xã hội hoạt động có hiệu quả. Đường Trường Sơn hoàn thành tốt việc chi viện góp phần quan trọng xây dựng hệ thống lãnh đạo, chỉ huy quân sự và tăng cường lực lượng vũ trang tập trung miền Nam.
Hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước đã nâng cao địa vị quốc tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tranh thủ sự đồng tình và giúp đỡ của các nước anh em và nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam. Trước diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá III (12-1963) đã nêu rõ lập trường, quan điểm của Đảng ta về chiến lược và sách lược đấu tranh cách mạng, chiến tranh và hoà bình, phong trào giải phóng dân tộc, về quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam và đoàn kết quốc tế đặt ra những yêu cầu mới về xây dựng Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng. Tiếp theo đợt sinh hoạt chính trị mùa xuân 1961, Trung ương Đảng chủ trương tăng cường công tác giáo dục lý luận và chính trị (tháng 3-1962), mở cuộc vận động xây dựng chi bộ và đảng bộ 4 tốt (tháng 6-1962), kiện toàn tổ chức và cải tiến lề lối làm việc từ Trung ương đến cơ sở, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, kết nạp đảng viên mới. Từ năm 1961 đến năm 1965 đã kết nạp 30 vạn đảng viên, tổ chức Đảng ở các cấp được củng cố.
Đến cuối năm 1964, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã giành được những thắng lợi quan trọng. Miền Bắc trở thành hậu phương vững chắc của cả nước.
3. Chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ phá sản
Thực hiện chiến lược "chiến tranh đặc biệt", Mỹ vạch ra kế hoạch Xtalây - Taylo nhằm bình định miền Nam trong 18 tháng. Viện trợ quân sự của Mỹ tăng gấp hai lần, quân chính quy nguỵ từ 15 vạn tăng lên tới 30 vạn. Lực lượng yểm trợ và cố vấn của Mỹ tăng từ 2.000 tên năm 1960 lên gần 1,2 vạn tên năm 1962. Tháng 2-1962, Mỹ chuyển cơ quan viện trợ (MAAG) thành Bộ tư lệnh quân sự (MACV). (MAAG (Military Assistance and Advisory Group): Phái đoàn cố vấn và viện trợ quân sự Mỹ ở Đông Dương thành lập năm 1950 để phụ trách viện trợ quân sự Mỹ cho lực lượng Pháp tham chiến ở Đông Nam Á. MACV (Military Assistance Command Vietnam): Bộ tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam đặt dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Thái Bình Dương, thực chất là Bộ Tư lệnh của quân đội xâm lược Mỹ ở miền Nam Việt Nam). Mỹ - nguỵ coi việc lập ấp chiến lược là "xương sống" của chiến lược "chiến tranh đặc biệt" nhằm kìm kẹp dân, lùng bắt cán bộ, đảng viên của ta, đánh phá tận gốc phong trào đấu tranh của quần chúng. Chúng dự tính đến hết năm 1962 tập trung 10 triệu dân ở nông thôn vào 16.000 ấp chiến lược. Để lập ấp chiến lược, Mỹ - nguỵ tiến hành những cuộc hành quân càn quét, dồn dân, thực hiện các chiến thuật mới "trực thăng vận", "thiết xa vận" đóng thêm hơn 1.000 đồn bốt.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đấu tranh kiên cường, chống trả các hành động chiến tranh mới của địch. Đảng bộ miền Nam được kiện toàn với hệ thống tổ chức thống nhất, tập trung từ Trung ương Cục đến các chi bộ. Mặt trận giải phóng làm thêm chức năng của chính quyền cách mạng.
Ngày 15-2-1961, các lực lượng vũ trang ở miền Nam được thống nhất với tên gọi Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Lực lượng vũ trang ba thứ quân được chú trọng xây dựng. 50% số đảng viên toàn Đảng bộ miền Nam được điều động làm nòng cốt xây dựng bộ đội tập trung. Phối hợp với đấu tranh chính trị và binh vận, lực lượng vũ trang đẩy mạnh hoạt động tiêu hao, tiêu diệt địch, đẩy lùi nhiều cuộc càn quét của quân nguỵ, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành và giữ quyền làm chủ. Trong năm 1961 hơn 33,8 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị. Tính đến cuối năm 1961 ta đã phá thế kìm kẹp ở hơn 8.000 thôn, giải phóng 6,5 triệu dân trong số 14 triệu ở miền Nam. Các Đảng bộ lãnh đạo thực hiện từng bước cải cách ruộng đất, chia thêm cho nông dân 4 vạn hécta đất canh tác.
Ngày 16-2-1962, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam họp cử ra Uỷ ban Trung ương do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch.
Tháng 2-1962, Bộ Chính trị họp khẳng định những thắng lợi to lớn trong năm 1961, đề ra nhiệm vụ trước mắt là đẩy mạnh đấu tranh chính trị, quân sự, giành và giữ thế chủ động, tích cực xây dựng lực lượng về mọi mặt, phát triển cơ sở Đảng ở miền Nam.
Tháng 4-1962, Hội nghị Thường vụ Trung ương Cục và Hội nghị Khu uỷ Khu V quán triệt nghị quyết Bộ Chính trị, nhấn mạnh ba nhiệm vụ lớn: tích cực phá ấp chiến lược; ra sức xây dựng và mở rộng căn cứ địa; khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, đẩy mạnh tác chiến tiêu hao, tiêu diệt địch. Nhiều tỉnh tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm chống càn, phá ấp chiến lược, vận dụng phương châm đấu tranh "hai chân, ba mũi". Tháng 11-1962, Trung ương Cục mở hội nghị tổng kết kinh nghiệm chiến tranh du kích.
Cũng trong thời gian này, cuộc chiến tranh cách mạng ở Lào đã có bước phát triển nhảy vọt. Đế quốc Mỹ và tay sai buộc phải chấp nhận ngừng bắn, thành lập chính phủ liên hiệp ba phái. Tháng 7-1962, Hiệp định Giơnevơ về Lào được ký kết, cam kết tôn trọng nền độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Lào.
Từ thực tiễn cuộc kháng chiến, ngày 6-12-1962, Bộ Chính trị họp, khẳng định ta phải và có khả năng kiềm chế và thắng địch trong "chiến tranh đặc biệt" nhưng phải sẵn sàng đối phó với mọi hoạt động phiêu lưu, mạo hiểm của đế quốc Mỹ, tiến hành một cuộc chiến tranh toàn dân và trường kỳ, trước mắt là làm thất bại kế hoạch tiến công của địch trong năm 1963.
Bước sang năm 1963, cuộc kháng chiến miền Nam giành được nhiều thắng lợi lớn. Mở đầu là trận Ấp Bắc (Mỹ Tho) ngày 2-1-1963, lần đầu tiên tại vùng đồng bằng lực lượng vũ trang phối hợp với lực lượng chính trị đánh bại cuộc càn quét lớn của Mỹ - nguỵ, mở ra khả năng đánh bại các chiến thuật cơ động bằng máy bay lên thẳng và thiết giáp của chúng. Nhân thắng lợi này, Trung ương Cục phát động phong trào "Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công". Hàng nghìn ấp chiến lược được chuyển thành làng chiến đấu. Phong trào đấu tranh ở nông thôn tác động mạnh đến các đô thị, thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân, nhân dân lao động, sinh viên, phật tử chống Mỹ - nguỵ.
Nguỵ quyền Sài Gòn khủng hoảng trầm trọng. Ngày 1-11-1963, Mỹ đạo diễn cuộc đảo chính giết Diệm và Nhu. Kế hoạch Xtalây - Taylo bị phá sản.
Tháng 12-1963, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ chín (khoá III) bàn về cách mạng miền Nam, tiếp tục khẳng định phương châm kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, trong đó đấu tranh vũ trang có vị trí quyết định trực tiếp. Hội nghị nhấn mạnh: tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam là nhiệm vụ của cả nước nhưng do chủ trương kiềm chế và thắng địch ở miền Nam nên cách tham gia của mỗi miền khác nhau. Quân và dân miền Bắc phải tăng cường hơn nữa tiềm lực kinh tế, quốc phòng, đẩy mạnh chi viện miền Nam về mọi mặt, khẩn trương chuẩn bị để đánh bại hành động mở rộng chiến tranh của Mỹ.
Đầu năm 1964, Giônxơn lên làm Tổng thống Mỹ thay Kennơđi (bị ám sát), Giônxơn chủ trương tăng cường mở rộng "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam Việt Nam, ném bom miền Bắc Việt Nam và Lào, đe doạ, gây sức ép hòng buộc miền Bắc ngừng chi viện cho miền Nam.
Ngày 27-3-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tậpHội nghị chính trị đặc biệt. Người vạch rõ âm mưu và hành động chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, khẳng định sự thất bại của "chiến tranh đặc biệt" là không thể tránh khỏi và cách giải quyết đúng đắn vấn đề Việt Nam là quân đội và vũ khí Mỹ phải rút khỏi miền Nam. Người tuyên bố: nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại; quân và dân miền Bắc nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, "làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt".
Tháng 6-1964, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra chỉ thị "tăng cường sẵn sàng chiến đấu, phá tan âm mưu khiêu khích, đánh phá miền Bắc của không quân địch". Ngày 2-8-1964, bộ đội hải quân anh dũng đánh đuổi tàu chiến Mỹ xâm phạm vùng biển miền Bắc. Ngày 5-8-1964, sau hàng loạt hành động khiêu khích phá hoại có hệ thống và dựng lên "sự kiện Vịnh Bắc Bộ" đánh lừa Quốc hội, nhân dân Mỹ và dư luận thế giới, chính quyền Mỹ chính thức dùng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam, mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn, dài ngày và vô cùng tàn bạo.
Với tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao, được chuẩn bị tốt về mọi mặt, các đơn vị bộ đội hải quân, phòng không và lực lượng vũ trang các địa phương đã nổ súng kịp thời, anh dũng đánh trả các đợt tiến công của địch, bắn rơi 8 máy bay hiện đại, bắn bị thương một số chiếc khác, bắt sống một giặc lái. Chiến thắng ngày 5-8-1964 chứng tỏ quân và dân ta có khả năng đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, cổ vũ mạnh mẽ khí thế chiến đấu, củng cố niềm tin đánh thắng đế quốc Mỹ của quân và dân cả nước.
Tháng 9-1964, Bộ Chính trị họp nhận định tình hình, quyết định động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tập trung mọi khả năng, đẩy mạnh tác chiến tập trung quy mô chiến dịch, giành thắng lợi quyết định ở miền Nam trong một vài năm tới. Tháng 9-1964, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng cùng nhiều cán bộ quân sự cao cấp được Bộ Chính trị cử vào miền Nam trực tiếp phụ trách, chỉ đạo phong trào.
Chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 11-10-1964, Quân uỷ Trung ương chỉ thị "mở đợt hoạt động Đông Xuân 1964-1965 trên khắp chiến trường miền Nam". Ở Khu V (gồm cả Tây Nguyên và Trị Thiên), quân và dân ta giành thắng lợi liên tiếp trong các trận đánh, các chiến dịch An Lão, Đèo Nhông - Dương Liễu, Việt An, Ba Gia... Ở Nam Bộ thắng lợi nổi bật là các chiến dịch Bình Giã, Đồng Xoài với lực lượng tập trung quy mô nhiều trung đoàn trong mỗi chiến dịch, tiêu diệt nhiều tiểu đoàn địch. Đòn tiến công quân sự hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá tan từng mảng lớn ấp chiến lược. Ở thành thị, bộ đội đặc công, biệt động đánh vào một loạt căn cứ, hậu cứ, sân bay, kho tàng.
Nguỵ quân, nguỵ quyền đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt và sụp đổ, không làm được chức năng là công cụ chủ yếu để tiến hành chiến tranh xâm lược thực dân mới của đế quốc Mỹ. Chiến lược "chiến tranh đặc biệt" bị phá sản.
Thất bại của chiến lược "chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam Việt Nam có ý nghĩa quốc tế quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: "Cuộc "chiến tranh đặc biệt" mà chúng đang thí nghiệm ở miền Nam Việt Nam đã thất bại, thì chúng cũng sẽ thất bại ở bất kỳ nơi nào khác".