• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Lịch sử Đảng Cộng Sản Việt Nam-Bài 5

Bút Nghiên

Smod Trùm ^^
Bài 5: Mở đầu sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ và quá độ lên Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc (1954-1960)

I. CHUYỂN HƯỚNG CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẢNG

1. Yêu cầu lịch sử

Nhân dân ta bước vào thời kỳ mới giữa lúc ba dòng thác cách mạng trên thế giới tiếp tục dâng cao. Sự lớn mạnh của Liên Xô, sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và thắng lợi mới của phong trào độc lập dân tộc ở Inđônêxia, Ấn Độ, Ai Cập, Angiêri, Gana, Cuba... và xu thế hoà bình, trung lập đã làm lung lay tận gốc chủ nghĩa thực dân cũ và bước đầu gây khủng hoảng cho chủ nghĩa thực dân mới.

Khó khăn trong thời kỳ mới xuất phát từ âm mưu bá chủ thế giới của Mỹ bằng chiến lược ngăn chặn sự phát triển của chủ nghĩa xã hội và đánh phá phong trào giải phóng dân tộc. Trong chiến lược đó, Việt Nam trở thành đối tượng xâm lược trọng điểm của Mỹ.

Đặc trưng chủ yếu của thời kỳ mới ở nước ta làchế độ thực dân cũ của Pháp chấm dứt trên toàn bộ bán đảo Đông Dương, nhưng chế độ thực dân mới của Mỹ lại thay Pháp thống trị miền Nam Việt Nam, uy hiếp Campuchia và khống chế Lào; miền Bắc được hoàn toàn giải phóng quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong khi miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới của đế quốc Mỹ.

Ngày 8-8-1954, Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ do Tổng thống Aixenhao chủ trì đã ra Quyết định NSC 5429/2 với nội dung cơ bản là: Pháp phải nhanh chóng rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam và phải ủng hộ Ngô Đình Diệm; Mỹ trực tiếp viện trợ cho nguỵ quyền Sài Gòn không qua Pháp; loại bỏ Bảo Đại, tay sai lâu đời của Pháp.

Ngày 7-7-1954, ở miền Nam, một nội các bù nhìn tay sai Mỹ được thành lập do Ngô Đình Diệm làm Thủ tướng kiêm Tổng trưởng quốc phòng. Ngày 17-7-1955 Diệm tuyên bố không có hiệp thương tổng tuyển cử. Ngày 23-10-1955, Diệm tổ chức cuộc "trưng cầu dân ý" phế truất Bảo Đại và lên làm Tổng thống.

Hệ thống cố vấn Mỹ được cắm không những ở Phủ Tổng thống, ở Bộ Tổng tham mưu nguỵ, Nha cảnh sát, các Bộ của nguỵ quyền Sài Gòn mà ở cả các đơn vị quân đội nguỵ, các địa phương.

Sau khi gạt Pháp ra khỏi guồng máy cai trị và độc chiếm miền Nam, Mỹ - nguỵ tập trung mũi nhọn đàn áp cách mạng. Chúng liên tiếp mở những cuộc hành quân càn quét, các chiến dịch "tố cộng" với khẩu hiệu "đạp lên oán thù, thà giết lầm còn hơn bỏ sót", "dĩ Đảng trị Đảng, dĩ dân trị dân". Cho đến cuối năm 1955 hàng trăm ngàn cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước bị giết hại.

Mỹ tin chắc rằng, với bộ máy chính quyền nguỵ và đội quân nguỵ có nhãn hiệu độc lập hơn hẳn nguỵ quyền và nguỵ quân thời Pháp, Mỹ sẽ thắng cách mạng Việt Nam, như đã thắng ở một số nơi trên thế giới. Thực tế lịch sử chứng minh Mỹ đánh giá thấp đất nước, xã hội và con người Việt Nam, không hiểu biết lịch sử Việt Nam, nhất là từ khi Việt Nam có Đảng Mác-Lênin lãnh đạo, Mỹ đánh giá quá cao chính sách thực dân mới và tiềm lực của Mỹ, đánh giá sai khả năng và lực lượng nguỵ.
Vấn đề đánh thắng chủ nghĩa thực dân mới là vấn đề mới đối với cách mạng nước ta. Kẻ thù của nhân dân ta không còn là đế quốc Pháp bại trận và suy yếu, mà là đế quốc Mỹ có tiềm lực kinh tế và quốc phòng mạnh hơn lực lượng của các đế quốc khác cộng lại.

Lực lượng cách mạng miền Nam tạm thời ở thế giữ gìn lực lượng. Sau khi quân đội ta rút đi, các tổ chức Đảng, tổ chức cách mạng ở miền Nam phải rút vào bí mật, hoạt động không hợp pháp.

Miền Bắc hoàn toàn giải phóng do nhân dân làm chủ đi theo xu thế tất yếu là quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trước mắt, miền Bắc phải hàn gắn xong những vết thương nặng nề của chiến tranh. Cách mạng đã chuyển giai đoạn, nhưng Đảng lãnh đạo cách mạng chưa kịp chuyển biến về nhận thức, về đường lối và tổ chức.

Những thuận lợi mới và căn bản của đất nước ta bảo đảm cho cách mạng nước ta nhất định thắng lợi. Những khó khăn mới đòi hỏi cách mạng nước ta phải trải qua thời kỳ gian khổ, lâu dài.

Trách nhiệm lịch sử đặt lên vai Đảng Lao độngViệt Nam, đội tiên phong cách mạng của nhân dân Việt Nam, là phải tìm ra đáp số cho những bài toán về con đường giải phóng miền Nam và con đường quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc trong điều kiện Mỹ đã thay chân Pháp thống trị miền Nam.

2. Chuyển hướng chiến lược của Đảng

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương (khoá II) họp từ ngày 15 đến ngày 17-7-1954 tại Việt Bắc dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hội nghị đã xem xét, đánh giá tình hình mới và vạch ra sự chuyển hướng trong đường lối chiến lược của Đảng. Trong Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc một bản báo cáo quan trọng mang tênTình hình mới và nhiệm vụ mới. Báo cáo nhận định: Sau thắng lợi lớn ở Điện Biên Phủ, thế ta ngày càng mạnh, thế địch ngày càng yếu nhưng thế mạnh và thế yếu ấy là tương đối. Đế quốc Mỹ âm mưu kéo dài chiến tranh Đông Dương, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, tìm cách hất cẳng Pháp để độc chiếm Việt Nam, Campuchia và Lào, biến nhân dân ba nước thành nô lệ của Mỹ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ. Bất kỳ người nào, nước nào không thân Mỹ đều có thể làm mặt trận thống nhất (dù là tạm thời) với ta".

Báo cáo nêu rõ, muốn lập lại hoà bình, chấm dứt chiến tranh, phải điều chỉnh khu vực, nghĩa là quân đội địch phải tập trung vào một vùng để rút dần, quân đội ta cũng tập trung vào một vùng để xây dựng, tạo điều kiện đi đến thống nhất.

Báo cáo nhận định: Tranh lấy hoà bình không phải là chuyện dễ, nó là cuộc đấu tranh trường kỳ, gian khổ, phức tạp.

Báo cáo nêu lên ba nhiệm vụ chính:

"1. Tranh thủ và củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc.

2. Tăng cường lực lượng quân đội nhân dân, xây dựng một quân đội nhân dân mạnh mẽ và thích hợp với yêu cầu của tình hình mới.

3. Tiếp tục thực hiện người cày có ruộng; ra sức phục hồi sản xuất, chuẩn bị điều kiện kiến thiết nước nhà".

Công tác chủ yếu trước mắt là làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận rõ tính chất, nội dung tình hình và nhiệm vụ mới.

Trong Hội nghị, đồng chí Trường Chinh cũng đã trình bày báo cáoĐể hoàn thành nhiệm vụ và đẩy mạnh công tác trước mắt.

Hội nghị đã thảo luận và hoàn toàn nhất trí với sự chuyển hướng mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Chinh nêu ra.

Ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh raLời kêu gọi đồng bào và cán bộ chiến sĩ cả nước.

"Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng.

Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích cả nước trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt, mà ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc. Đảng, Chính phủ và tôi luôn luôn theo dõi sự cố gắng của đồng bào và tin chắc đồng bào sẽ thắng lợi".

Ngày 5-9-1954, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ra nghị quyết cụ thể hoá và bổ sung thêm Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu. Nghị quyết nêu rõ đặc điểm quan trọng nhất của tình hình mới là Nam, Bắc tạm thời phân làm hai vùng. Đế quốc Mỹ và tay sai đang mưu tính, phá hoại Hiệp định Giơnevơ nhằm chia cắt lâu dài Việt Nam. Cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam phải chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị.

Cùng ngày, Bộ Chính trị ra bản chỉ thị riêng cho các Đảng bộ miền Nam. Chỉ thị dự báo một khả năng không thuận lợi cho cách mạng miền Nam là Mỹ và tay sai phá hoại cuộc tổng tuyển cử thống nhất nước nhà, một số điều khoản nào đó của Hiệp định đình chiến có thể bị phá hoại, chiến tranh có thể trở lại, việc chia cắt có thể trường kỳ... Chỉ thị vạch ra ba nhiệm vụ cụ thể trước mắt của cách mạng miền Nam:

1. Đấu tranh đòi đối phương thi hành đúng Hiệp định.

2. Chuyển hướng công tác cho thích hợp điều kiện mới, nắm vững phương châm, chính sách mới, sắp xếp cán bộ, bố trí lực lượng, vừa che giấu lực lượng vừa lợi dụng các khả năng công khai, hợp pháp.

3. Tập hợp mọi lực lượng dân tộc, dân chủ, hoà bình, thống nhất, đấu tranh đánh đổ chính quyền Ngô Đình Diệm thân Mỹ, lập ra một chính quyền tán thành hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ, cải thiện dân sinh, tăng cường vận động nguỵ quân, nguỵ quyền.

Về sự lãnh đạo của Đảng bộ miền Nam, chỉ thị vạch rõ tổ chức Đảng phải bí mật, gọn nhẹ, vững chắc, trong sạch, chống gian tế chui vào.

Về việc xây dựng miền Bắc, Nghị quyết Bộ Chính trị tháng 9-1954 vạch rõ, việc trước mắt trong thời kỳ tiếp quản không phải là tiến hành những việc cải tạo xã hội, mà là ổn định xã hội, ổn định vật giá, ổn định thị trường làm cho mọi hoạt động của thành phố và nông thôn trở lại bình thường, sau đó sẽ tiến hành những cải cách cần thiết, từng bước một, thận trọng, vững chắc. Nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của miền Bắc là hàn gắn vết thương chiến tranh; phục hồi kinh tế quốc dân, then chốt là phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp, đồng thời phục hồi giao thông vận tải. Tăng cường và mở rộng hoạt động quốc tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng, hai bên đều có lợi, tôn trọng lãnh thổ, chủ quyền của nhau; tập trung mũi nhọn đấu tranh chống đế quốc Mỹ, mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á, nước Pháp; củng cố tình hữu nghị giữa Việt Nam với Lào và Campuchia, Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa khác.

Hội nghị lần thứ bảy (3-1955) và lần thứ tám (8-1955) Ban Chấp hành Trung ương (khoá II) nhận định: ở miền Nam thực dân Pháp đã bị đế quốc Mỹ hất cẳng, chính sách của Chính phủ Pháp là chính sách đầu hàng Mỹ. Mỹ và tay sai công khai chống lại Hiệp định Giơnevơ. Muốn chống đế quốc Mỹ và tay sai, củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ, điều cốt yếu là phải ra sức củng cố miền Bắc, đồng thời giữ vững và đẩy mạnh cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam.Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khẳng định miền Bắc tiến dần từng bước lên chủ nghĩa xã hội. Hội nghị nêu ra cương lĩnh của Mặt trận dân tộc thống nhất mới (Mặt trận Tổ quốc).

Thực tiễn cách mạng ở hai miền đã làm nảy sinh và phát triển nhiều vấn đề mới, đòi hỏi Đảng ta phải đi sâu nghiên cứu, vạch ra đường lối cách mạng của từng miền và xác định mối quan hệ giữa cách mạng hai miền.
Tháng 1-1956, trong tài liệu Mấy vấn đề về đường lối cách mạng Việt Nam, Bộ Chính trị đã nhận định từ khi hoà bình lập lại, miền Bắc nước ta đã chuyển sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Hội nghị Bộ Chính trị tháng 6-1956 bổ sung: hình thức đấu tranh trong toàn quốc hiện nay là đấu tranh chính trị, nhưng không có nghĩa là tuyệt đối không dùng vũ trang tự vệ trong những hoàn cảnh nhất định. Ngay từ khi Diệm đánh các giáo phái, ta đã lợi dụng danh nghĩa giáo phái để tổ chức lực lượng vũ trang cách mạng, sử dụng vũ trang tuyên truyền diệt tề trừ gian, bảo vệ cơ sở và các căn cứ cách mạng, bảo vệ cơ quan lãnh đạo. Từ năm 1956 -1957, hàng chục đơn vị vũ trang ra đời ở Nam Bộ, nhiều đội trừ gian được thành lập ở Liên khu V.

Đáp ứng yêu cầu cấp thiết của cách mạng, từ mùa thu 1955 đến mùa thu 1956 đồng chí Lê Duẩn, Uỷ viên Bộ Chính trị phụ trách miền Nam, đã dự thảoĐề cương cách mạng miền Nam. Đề cương được nghiên cứu và thảo luận kỹ trong Hội nghị Xứ uỷ Nam Bộ họp ở Phnôm Pênh cuối năm 1956, đầu năm 1957.

Đề cương vạch rõ ngày 20-7-1956 đã không có tổng tuyển cử như Hiệp định Giơnevơ quy định, ách áp bức, bóc lột, tù đày, chém giết man rợ của chế độ thực dân mới phát xít độc tài Mỹ - Diệm buộc nhân dân ta ở miền Nam phải vùng dậy đập tan chế độ Mỹ - Diệm để cứu nước, cứu mình. Ngoài con đường cách mạng, nhân dân miền Nam không có con đường nào khác.

II. KHÔI PHỤC KINH TẾ Ở MIỀN BẮC, GIỮ GÌN LỰC LƯỢNG Ở MIỀN NAM

1. Khôi phục kinh tế và bước đầu củng cố miền Bắc

Miền Bắc bắt tay vào khôi phục kinh tế trong điều kiện có nhiều khó khăn: nền kinh tế nông nghiệp vốn lạc hậu lại bị mười lăm năm chiến tranh tàn phá nghiêm trọng. 143.000 ha ruộng đất bị bỏ hoang. Phần lớn ruộng đất cày cấy một vụ. Thiên tai liên tiếp. Hàng trăm ngàn gia đình không có nhà ở. Hàng chục vạn người không có việc làm. Tháng 10-1954 miền Bắc có gần nửa triệu người bị đói. Nhiều bệnh xã hội do chế độ cũ để lại còn hoành hành. Phần lớn xí nghiệp ngừng hoạt động, hàng hoá khan hiếm. Năm 1955 cả miền Bắc chỉ có 30 kỹ sư và cán bộ kỹ thuật.
Nhiệm vụ cấp bách trước mắt của miền Bắc là tiếp quản những vùng mới giải phóng theo quy định của Hiệp định Giơnevơ. Việc tiếp quản đó bước đầu có những thuận lợi: được nhân dân đồng tình ủng hộ và do có sự chuẩn bị chu đáo, các vùng mới giải phóng đều giữ được trật tự xã hội và sinh hoạt hàng ngày. Mọi hoạt động công cộng như điện, nước, bưu chính, giao thông, bệnh viện... vẫn tiếp tục. Trường học, chợ búa được khôi phục nhanh chóng. Nhân dân ta đã làm chủ hoàn toàn Thủ đô Hà Nội từ ngày 10-10-1954.

Chính phủ đề ra 8 chính sách đối với các vùng thành thị mới giải phóng: như bảo hộ tính mệnh, tài sản của nhân dân kể cả ngoại kiều, bảo hộ công thương nghiệp, bảo hộ các công trình công cộng, bảo hộ tự do tín ngưỡng, giữ nguyên chức vụ và các viên chức trong bộ máy nhà nước cũ... TrongThư gửi cán bộ, chiến sĩ ta vào tiếp quản Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân; giữ gìn tính chất trong sạch của người chiến sĩ cách mạng: khiêm tốn, nghiêm chỉnh, chớ tự kiêu, tự mãn; chớ rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút thuốc phiện; luôn luôn cảnh giác không để lộ bí mật; cần kiệm liêm chính.

Về phía thực dân Pháp, chúng buộc phải thi hành Hiệp định Giơnevơ, nhưng đã có nhiều hành động vi phạm Hiệp định. Trước khi rút, chúng phối hợp với đế quốc Mỹ sử dụng mọi thủ đoạn nhằm làm cho miền Bắc không ổn định. Chúng phá huỷ, vơ vét, tháo dỡ máy móc, vật tư, thiết bị hòng làm cho sản xuất miền Bắc bị đình trệ. Chúng gây khó khăn trong việc trao trả tù binh và tù chính trị, tìm cách bắt lính, dụ dỗ và cưỡng bức đồng bào ta di cư vào Nam...

Do có sự lãnh đạo và chuẩn bị từ trước của Đảng cùng với tinh thần đấu tranh kiên quyết của nhân dân ta, những âm mưu và thủ đoạn của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã bị thất bại một phần quan trọng.

Nhân dân nhiều nơi vùng Pháp tạm đóng quân đã đổ ra đường cản xe, giữ người, vận động binh lính nguỵ bỏ ngũ, vận động thanh niên trốn lính. Pháp câu kết với Mỹ âm mưu di chuyển những người tù vào Nam và thủ tiêu một số người tù mà chúng cho là nguy hiểm. Các Đảng bộ đã lãnh đạo hàng nghìn công nhân và nhân dân lao động biểu tình buộc Pháp phải mở cổng nhà tù, thả tù nhân.

Cuộc đấu tranh lớn của nhân dân ta thời kỳ này là đấu tranh chốngâm mưu địch dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ta di cư vào Nam. Để gây hoang mang và thúc ép đồng bào ta bỏ nhà cửa, ruộng vườn, tài sản di cư vào Nam, Mỹ - Pháp tung ra các tin bịa đặt: "Chính phủ Việt Minh cấm đạo"; "Chúa đã vào Nam"; "Giáo dân ở lại miền Bắc sẽ bị rút phép thông công"; "Ở với cộng sản sẽ bị mất linh hồn". Bọn phản động ở nhiều địa phương còn trắng trợn đe doạ dùng vũ lực ép buộc đồng bào ta di cư.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy và lần thứ tám của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nhân dân miền Bắc đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống địch dụ dỗ và cưỡng ép di cư, đồng thời ra sức củng cố miền Bắc. Nhiều người bị dụ dỗ và cưỡng ép ra đi sau khi nghe cán bộ ta giải thích đã tự nguyện ở lại. Nhiều gia đình bị đưa đến các nơi tập trung đã tố cáo âm mưu và hành động dã man của chúng, kiên quyết đấu tranh đòi trở về. Ta đã đưa ra xét xử công khai một số vụ cưỡng ép giáo dân di cư. Tuy nhiên, do chậm phát hiện và chưa thấy hết âm mưu thâm độc của Mỹ - Pháp nên gần một triệu đồng bào miền Bắc đã bị cưỡng ép di cư vào Nam.

Thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư ngày 16-4-1955, các Đảng bộ địa phương đã lãnh đạo quần chúng đẩy mạnh hoạt động tiễu phỉ, kết hợp chặt chẽ với phục hồi sản xuất, chống đói phòng đói, ổn định đời sống nhân dân.

Phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm vụ xuân năm 1955 được phát động rộng rãi nhằm đẩy mạnh sản xuất các hoa màu ngắn ngày và tăng cường cấy lúa xuân. Các hệ thống nông giang sông Cầu (Hà Bắc), sông Chu (Thanh Hoá) và nhiều cơ sở thuỷ nông khác bắt đầu được sửa chữa. Công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải được xây dựng. Nhân dân khắp nơi tích cực đào mương, khơi ngòi, đắp đê, khai hoang, phục hoá.

Từ ngày 20 đến ngày 26-3-1955 tại Hà Nội, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà khoá I, kỳ họp thứ tư nhất trí thông qua nghị quyết tán thành toàn bộ chính sách của Đảng trong kháng chiến cùng những chủ trương và công tác trước mắt. Quốc hội cũng nhất trí thông qua một số chính sách về cải cách ruộng đất, quốc phòng, tôn giáo.

Tháng 7-1956 đợt 5 cải cách ruộng đất kết thúc ở vùng đồng bằng, trung du và 280 xã miền núi. Số xã còn lại ở miền núi tiến hành cuộc vận động hợp tác hoá kết hợp cải cách dân chủ. Chế độ chiếm hữu ruộng đất phong kiến ở miền Bắc nước ta đến đây bị xoá bỏ hoàn toàn. 9 triệu người trong hơn 2 triệu hộ nông dân lao động đã được chia hơn 810.000 ha ruộng đất. (Trong số 810.000 ha ruộng đất chia cho nông dân lao động, số được chia từ năm 1945 đến trước cải cách ruộng đất là 475.900 ha, chiếm 58,8% tổng số ruộng được chia và được chia trong cải cách ruộng đất là 334.100 ha, chiếm 41,2% tổng số ruộng được chia -Tổng cục Thống kê:30 năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 951).

Trong quá trình cải cách ruộng đất, ta đã phạm những sai lầm nghiêm trọng, phổ biến và kéo dài. Tháng 4-1956 Đảng phát hiện sai lầm của cải cách ruộng đất và có chỉ thị sửa chữa những sai lầm đó.

Ngày 18-8-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào nông thôn và cán bộ khẳng định cải cách ruộng đất thắng lợi to lớn, nhưng đã mắc những khuyết điểm, sai lầm nghiêm trọng. Người kêu gọi cán bộ và nhân dân phát huy những thắng lợi đã thu được, đồng thời kiên quyết sửa chữa những sai lầm.

Từ ngày 25-8 đến ngày 18-10-1956, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) đã thảo luận kỹ và kết luận về thắng lợi và sai lầm của cải cách ruộng đất. Hội nghị cho rằng, cuộc vận động giảm tô và cải cách ruộng đất đã căn bản hoàn thành nhiệm vụ phản phong kiến ở miền Bắc. Hàng triệu nông dân lao động đã thấy rõ chính sách của Đảng ta và chế độ ta là đưa lại ruộng đất cho họ. Sức sản xuất to lớn ở nông thôn đã được giải phóng, quan hệ sản xuất ở nông thôn đang đổi mới, sản xuất nông nghiệp bước đầu được đẩy mạnh, đời sống nông dân bước đầu được cải thiện, miền Bắc bước đầu được củng cố. Song trong cuộc vận động cải cách ruộng đất, chúng ta đã phạm những sai lầm nghiêm trọng trên một số vấn đề có tính chất nguyên tắc.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 (khoá II) tháng 11-1958 nói rõ các sai lầm ấy như sau:

a) Vi phạm đường lối giai cấp ở nông thôn: xâm phạm lợi ích trung nông, không liên hiệp phú nông, không phân biệt đối đãi các loại địa chủ, không chiếu cố địa chủ kháng chiến;

b) Cường điệu việc trấn áp phản cách mạng;

c) Không dựa vào tổ chức cũ, không giao cho tổ chức Đảng địa phương lãnh đạo cải cách ruộng đất, mắc chủ nghĩa thành phần và khuynh hướng trừng phạt;

d) Lạm dụng các biện pháp phát động quần chúng, nặng đấu tố nhẹ giáo dục, không kết hợp biện pháp hành chính với phát động quần chúng. Sai lầm nghiêm trọng nhất là trong việc chỉnh đốn tổ chức. Nguồn gốc chủ yếu của sai lầm là không nắm vững những biến đổi ở nông thôn miền Bắc sau Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp (sau Cách mạng Tháng Tám và kháng chiến chống Pháp, 71,7% ruộng đất đã về tay nông dân lao động, trong đó trung nông 39%, bần nông 25,1%, cố nông 6,3%, thành phần khác 10%. Ruộng đất của địa chủ chỉ còn 18%, ruộng công 4,3%, nhà chung 1,3%, cộng là 23,6 % -số liệu của Tổng cục thống kê), dập khuôn một cách máy móc kinh nghiệm của nước ngoài. Sau này, khi tổng kết một số vấn đề lịch sử của Đảng thời kỳ 1954-1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương khoá VII cho rằng "Căn cứ tình hình thực tế nông thôn miền Bắc nước ta sau năm 1954... thì chủ trương cải cách ruộng đất như đã làm là không cần thiết".

Hội nghị lần thứ 10 (1956) chủ trương: kiên quyết sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, phát huy những kết quả và thắng lợi đã thu được...; đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân, ổn định nông thôn, gây tinh thần phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành tốt công tác cải cách ruộng đất.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, với tinh thần dũng cảm tự phê bình và phê bình, với ý thức trách nhiệm cao trước toàn thể nhân dân, Đảng ta một mặt sửa chữa những sai lầm, mặt khác có những biện pháp củng cố và phát huy thắng lợi, đẩy mạnh cuộc vận động lập tổ đổi công, hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng, đưa nông thôn miền Bắc đi lên. Công tác sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất đã đưa lại kết quả tốt. Nhiệm vụ khôi phục kinh tế căn bản hoàn thành. Năm 1957 là năm được mùa lớn, nạn đói bị đẩy lùi, lòng tin của quần chúng đối với Đảng và Chính phủ được khôi phục. Khối liên minh công nông được củng cố. Nông thôn ổn định. Sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường.

Lợi dụng việc Đảng ta mắc sai lầm trong cải cách ruộng đất, nhất là trong việc chỉnh đốn tổ chức và lợi dụng một số khó khăn của miền Bắc sau khi giải phóng, các thế lực thù địch trỗi dậy. Bọn phản động đội lốt tôn giáo gây ra những vụ lộn xộn ở một vài nơi có đông giáo dân. Một số tên phản động vùng dân tộc ít người xúi giục quần chúng gây rối loạn. Ở thành phố, bọn phản động lôi kéo những phần tử bất mãn có những hành động chống đối chủ nghĩa xã hội, chống đối sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đi đầu là nhóm Nhân văn - giai phẩm.

Đảng đã lãnh đạo Nhà nước cùng với nhân dân lên án và nghiêm trị những hành động chống đối, vi phạm phép nước theo phương châm: nghiêm trị bọn cầm đầu ngoan cố, khoan hồng với những người lầm đường và tạo điều kiện cho họ lập công, chuộc tội.

Tháng 3-1957, Hội nghị lần thứ 12 (mở rộng) Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) xác định nhiệm vụ của quân đội nhân dân trong giai đoạn mới: bảo vệ công cuộc củng cố và xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, sẵn sàng đập tan âm mưu xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, chủ yếu là đế quốc Mỹ và tay sai, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước. Hội nghị chủ trương tích cực xây dựng quân đội nhân dân hùng mạnh, từng bước tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng lực lượng thường trực mạnh có số lượng thích hợp, có chất lượng cao, xây dựng lực lượng dự bị hùng hậu, củng cố ba thứ quân, thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự.

Đánh giá về thời kỳ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Trải qua thời gian ba năm, nhân dân ta ở miền Bắc đã ra sức khắc phục khó khăn, lao động sản xuất, thu được những thành tích to lớn trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế, bước đầu phát triển văn hoá, giảm bớt khó khăn và dần dần cải thiện đời sống cho nhân dân, ở cả miền đồng bằng và miền núi. Cải cách ruộng đất căn bản đã hoàn thành, công việc sửa chữa sai lầm phát huy thắng lợi trong nhiều địa phương đã làm xong và thu được kết quả tốt. Nông nghiệp đã vượt hẳn mức trước chiến tranh. Công nghiệp đã khôi phục các xí nghiệp cũ, xây dựng một số nhà máy mới. An ninh trật tự được giữ vững, quốc phòng được củng cố".
Hội nghị lần thứ 13 Ban Chấp hành Trung ương (khoá II) tháng 12-1957 khẳng định thắng lợi về khôi phục kinh tế và đề ra nhiệm vụ soạn thảo đường lối cách mạng trong giai đoạn mới. Hội nghị còn thông qua chủ trương về cải tiến chế độ tiền lương năm 1958, giảm bớt khó khăn trong đời sống của cán bộ, công nhân viên.

2. Giữ gìn lực lượng cách mạng ở miền Nam

Tháng 10-1954 tại khu căn cứ U Minh hạ, Hội nghị lập lại Xứ uỷ Nam Bộ do đồng chí Lê Duẩn chủ trì đã nghiên cứu các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị về nhiệm vụ trong tình hình mới. Hội nghị nhận định tình hình lúc đó có hai khả năng: có thể Mỹ -Diệm buộc phải thi hành Hiệp định Giơnevơ và cũng có thể Mỹ - Diệm không thi hành Hiệp định. Cách mạng miền Nam cần phải có kế hoạch ứng phó với cả hai tình huống. Trước mắt cần vận động nhân dân đấu tranh buộc đế quốc Mỹ và tay sai phải thi hành Hiệp định Giơnevơ.

Hội nghị chủ trương trong tình hình mới cần phải vừa coi trọng củng cố và phát triển cơ sở ở nông thôn vừa mở rộng và đẩy mạnh công tác đô thị. Nhiệm vụ chính của Đảng bộ là lãnh đạo giữ gìn lực lượng cách mạng. Hội nghị đề ra nhiệm vụ tăng cường công tác tư tưởng làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhất trí với nhận định và chủ trương của Trung ương, tin tưởng ở đường lối đấu tranh thống nhất đất nước. Hội nghị cũng chủ trương điều chỉnh tổ chức và chuyển hoạt động của các tổ chức Đảng vào bí mật.

Từ ngày 18 đến ngày 2-10-1954, Hội nghị Liên khu uỷ V nhận định: kẻ thù sẽ sớm đánh phá phong trào cách mạng ở Liên khu V, nhiệm vụ trước mắt của Liên khu là củng cố tổ chức, giữ gìn lực lượng, chống khủng bố.
Đến năm 1955, ở miền Nam về cơ bản bộ máy chỉ đạo của Đảng bộ các cấp đã được sắp xếp lại và rút vào hoạt động bí mật. Những cán bộ đã bị lộ được điều động sang hoạt động ở địa phương khác hoặc tạm ngừng hoạt động để che giấu lực lượng. Việc vận động ngụy quân, nguỵ quyền và đưa người của ta vào hoạt động trong tổ chức của địch cũng được chú ý. Các tổ chức quần chúng công khai đã hình thành. Ở các đô thị, có các phong trào đấu tranh bảo vệ hoà bình, đòi hiệp thương tổng tuyển cử, chống bầu cử lừa bịp, chống đuổi nhà, dồn dân, đòi công ăn việc làm, chống khủng bố; công nhân chống sa thải, đòi ngày làm 8 giờ: dân nghèo bãi thị đòi giảm thuế.

Ở nông thôn phong trào chống cướp đất, chống tăng tô, chống khủng bố, chống "tố cộng, diệt cộng", chống dồn làng, v.v. phát triển mạnh. Phong trào đấu tranh của nông dân chống xáo cấp công điền, chống cướp đất, chống bắt lính, đòi giữ nguyên canh đã diễn ra trên khắp nông thôn miền Nam.

Trong các cuộc đấu tranh đó, cuộc đấu tranh quyết liệt và dai dẳng nhất là đấu tranh chống "tố cộng, diệt cộng". Mỹ - nguỵ bắt những cán bộ, đảng viên và những người yêu nước tham gia kháng chiến chống Pháp phải ra "trình diện", phải "đầu thú" và tập trung "cải huấn". Chúng cho rằng với những thủ đoạn ấy, người cán bộ đảng viên nếu không bị tù, bị giết thì "sinh mạng chính trị" cũng đã bị tiêu diệt, không còn khả năng hoạt động nữa.

Ngày 1-12-1955, Trung ương Đảng ra chỉ thị cho các Đảng bộ miền Nam về chống "tố cộng". Chỉ thị nêu rõ, cần vạch trần âm mưu thâm độc của chính sách "tố cộng" của Mỹ - Diệm, nêu cao vai trò của Đảng đối với dân tộc và nhân dân, làm cho mọi người thấy rõ có bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ thì mới bảo vệ được quyền lợi của nhân dân. Cán bộ và đảng viên phải nêu cao khí tiết cộng sản, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực chủ động sẵn sàng đối phó với mọi âm mưu của địch và tiến công địch.
Khi bị tập trung, nhân dân đã biến cuộc "tố cộng" của địch thành cuộc đấu tranh tố cáo địch giết người cướp của, đòi bồi thường thiệt hại. Trong thời điểm thử thách ác liệt nhất, cán bộ và nhân dân ta ở miền Nam vẫn tuyệt đối tin tưởng vào cách mạng, vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng nghìn tấm gương hy sinh oanh liệt của người cộng sản và quần chúng cách mạng đã xuất hiện trong cuộc đấu tranh bảo vệ cách mạng, bảo vệ Đảng.

Trong hai năm 1955-1956, ở miền Nam có khoảng 7 triệu lượt người tham gia đấu tranh chống khủng bố, chống cướp đất, chống tăng tô, chống bắt lính, đòi hoà bình hiệp thương tổng tuyển cử. Năm 1957, có 2 triệu lượt người. Năm 1958, có 3,7 triệu và năm 1959 có 5 triệu.

Những vụ tàn sát đẫm máu của Mỹ -Diệm đã diễn ra ở Ngân Sơn, Chí Thạnh (Phú Yên) ngày 8-9-1954; Chợ Được (Quảng Nam) ngày 4-9-1954; Mỏ Cày, Bình Đại (Bến Tre) ngày 19-8-1954. Theo số liệu của địch, trong vòng 10 tháng (từ tháng 7-1955 đến tháng 5-1956) chúng đã bắt, giết 108.835 người.

Trước hành động khủng bố ngày càng tàn bạo của địch, yêu cầu vũ trang chống khủng bố ngày càng trở nên bức bách. Nhiều nơi quần chúng đào vũ khí chôn giấu từ năm 1954, giật súng địch, rèn lại phảng thành mã tấu, dùng khăn rằn bí mật thủ tiêu những tên phản động. Ngay từ khi Mỹ - Diệm triển khai chính sách "tố cộng, diệt cộng", nhân dân nhiều nơi đã tổ chức các đội tự vệ dưới danh nghĩa các "đội dân canh chống cướp" làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ quan, bảo vệ phong trào cách mạng.

Vấn đề xây dựng căn cứ kháng chiến được đặt ra ở các địa bàn đứng chân của các cơ quan lãnh đạo. Sau khi có chủ trương của Đảng về đấu tranh chính trị kết hợp vũ trang tự vệ, hoạt động vũ trang tuyên truyền được đẩy mạnh ở Nam Bộ và Liên khu V.

Đồng thời, các Đảng bộ miền Nam đã lãnh đạo nhân dân lợi dụng các hình thức hợp pháp để che giấu lực lượng cách mạng, lợi dụng việc bầu cử của Mỹ - ngụy để đưa người của ta vào các cấp chính quyền và lập tề hai mang.

Cho đến cuối năm 1957, ở Nam Bộ có 37 đại đội vũ trang cách mạng. Ở Liên khu V nhiều đội vũ trang ra đời. Những trận tiêu diệt đầu tiên đánh vào quân ngụy ở Minh Thạnh (Thủ Dầu Một) (8-1957), Trại Be (9-1957), Lò Than (12-1957), quận lỵ Dầu Tiếng, Biên Hoà (10-1958)... là những tiếng súng báo hiệu phong trào cách mạng miền Nam sắp chuyển mình.
Hoảng hốt trước làn sóng quật khởi của nhân dân ta, Mỹ - Diệm đã khủng bố trắng nhằm ngăn chặn dòng thác cách mạng. Ngày1-12-1958, chúng đầu độc 5.000 cán bộ cách mạng và đồng bào yêu nước ở trại giam Phú Lợi (Thủ Dầu Một). Phong trào phản đối vụ đầu độc dâng lên khắp miền Nam, trong cả nước ta và nhiều nước trên thế giới.

Tháng 3-1959, Diệm tuyên bố "đặt miền Nam trong tình trạng chiến tranh". Ngày 6-5-1959, Mỹ - Diệm ra đạo luật phát xít 10/59. Toà án quân sự đặc biệt có quyền đưa thẳng người bị bắt ra xét xử và có quyền bắn tại chỗ. Theo con số ước tính, đến năm 1959 ở miền Nam có 466.000 người bị bắt. 400.000 người bị tù đày, 68.000 người bị giết hại.
Khi phải thống trị nhân dân bằng khủng bố trắng, chính quyền Mỹ - Diệm đã tỏ ra không thể cai trị như cũ, nhân dân ta ở miền Nam không thể chịu đựng mãi ách thống trị phát xít. Tình thế cách mạng cho các cuộc khởi nghĩa từng phần nổ ra đã chín muồi.

III. NGHỊ QUYẾT 15 VÀ PHONG TRÀO ĐỒNG KHỞI, NGHỊ QUYẾT 16 VÀ PHONG TRÀO CẢI TẠO XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

1. Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II)

Trong không khí sục sôi căm thù và trước xu thế vùng dậy của quần chúng, tháng 1-1959 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) họp Hội nghị lần thứ 15. Nghị quyết Hội nghị 15, là kết quả của quá trình tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm, đúc kết kinh nghiệm cách mạng nước ta, tổng hợp tình hình phong trào cách mạng miền Nam từ năm 1954 đến năm 1958. Hội nghị đồng thời theo dõi những diễn biến mới nhất của tình hình thế giới như Cách mạng dân chủ tư sản Irắc 1958, Cách mạng Cuba 1959.

Hội nghị chỉ rõ hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam:một là, mâu thuẫn giữa một bên là chủ nghĩa đế quốc xâm lược, giai cấp địa chủ phong kiến và bọn tư sản mại bản quan liêu thống trị ở miền Nam và một bên là toàn thể dân tộc Việt Nam, bao gồm nhân dân miền Bắc và nhân dân miền Nam; hai là, mâu thuẫn giữa con đường xã hội chủ nghĩa với con đường tư bản chủ nghĩa ở miền Bắc. Tuy tính chất khác nhau, hai mâu thuẫn cơ bản đó có mối quan hệ biện chứng và tác động lẫn nhau.

Căn cứ vào sự phân tích mâu thuẫn xã hội nước ta, Hội nghị nhất trí đề ra nhiệm vụ cách mạng Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới:

Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh để giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước, ra sức củng cố miền Bắc và đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, tích cực góp phần bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới.

Về nhiệm vụ của cách mạng ở miền Nam, Hội nghị quyết định:

1. Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị đế quốc và phong kiến, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và người cày có ruộng, góp phần xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

2. Nhiệm vụ trước mắt là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống của nhân dân, giữ vững hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, tích cực bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới.

Con đường phát triển cơ bản của cách mạng ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là con đường lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thiết lập chính quyền cách mạng của nhân dân.
Hội nghị dự báo: đế quốc Mỹ là tên đế quốc hiếu chiến nhất, cho nên trong bất kỳ điều kiện nào, cuộc khởi nghĩa của nhân dân miền Nam cũng có khả năng chuyển thành cuộc đấu tranh vũ trang trường kỳ và thắng lợi cuối cùng nhất định về ta.

Nghị quyết 15 chủ trương cách mạng miền Nam cần có mặt trận dân tộc thống nhất riêng với tính chất, nhiệm vụ và thành phần thích hợp nhằm tập hợp rộng rãi tất cả các lực lượng chống đế quốc và tay sai. Đảng ta cần nghiên cứu và chủ động sử dụng khuynh hướng hoà bình, trung lập đang nảy nở trong tư sản dân tộc và trí thức lớp trên; coi trọng công tác binh vận, triệt để lợi dụng mâu thuẫn của chế độ Mỹ - Diệm, tranh thủ thêm bạn bớt thù.

Về vai trò lãnh đạo của Đảng bộ miền Nam, nghị quyết chỉ rõ: sự tồn tại và trưởng thành của Đảng bộ miền Nam dưới chế độ độc tài phát xít là một yếu tố quyết định thắng lợi của phong trào cách mạng miền Nam.

Vấn đề mấu chốt là phải củng cố Đảng bộ miền Nam thật vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đề cao công tác bí mật, triệt để sử dụng khả năng hợp pháp và nửa hợp pháp để che giấu lực lượng của Đảng, không ngừng nâng cao cảnh giác, tỉnh táo đề phòng mọi sự xâm nhập, phá hoại của bọn gián điệp và những phần tử đầu hàng, phản bội để bảo vệ các cơ quan đầu não và che giấu cán bộ, xây dựng ở các địa phương những cơ sở an toàn và khu an toàn.

Tại Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn:

- Cứu nước là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân.
- Không phải một lúc ta đánh đổ ngay chế độ Mỹ - Diệm. Vì vậy cần đánh lui địch từng bước, tranh từng thắng lợi về phía mình. Chuẩn bị lực lượng khi thời cơ đến.
- Cách mạng miền Nam nhất định thắng lợi, vì Đảng ta và dân ta có đủ sức khắc phục khó khăn.
- Chỉ cần nhân dân ta đoàn kết một lòng, trước hết là đoàn kết trong Đảng, thì mọi khó khăn sẽ vượt qua.

Nghị quyết 15 có ý nghĩa lịch sử to lớn, đã mở đường cho cách mạng miền Nam tiến lên, đã xoay chuyển tình thế, dẫn đến cuộc "Đồng khởi" oanh liệt của toàn miền Nam năm 1960. Sau này, khi tổng kết một số vấn đề lịch sử thời kỳ 1954 - 1975, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII đã kết luận: "Nghị quyết Trung ương 15 rất đúng, làm xoay chuyển hẳn tình thế, nhưng trước đó Đảng có khuyết điểm về chỉ đạo cách mạng miền Nam. Đặc biệt trong hai năm 1957 - 1958, ta có sai lầm trong chỉ đạo chiến lược, chậm chuyển hướng chỉ đạo đấu tranh, chỉ nhấn mạnh đấu tranh chính trị khi địch đã dùng bạo lực phản cách mạng thẳng tay giết hại cán bộ, nhân dân".

2. Phong trào "Đồng khởi" ở miền Nam

Ngay sau Hội nghị lần thứ 15, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương lập đơn vị vận tải quân sự dọc Trường Sơn, gọi tắt là Đoàn 559 và đơn vị vận tải vượt biển Đông, gọi tắt là Đoàn 759. Trong hai năm 1959 - 1960, hai con đường này đã đưa vào Nam hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và hàng chục tấn hàng quân sự tiếp sức cho phong trào cách mạng miền Nam.
Quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương (khoá II), các đảng bộ Nam Bộ và Liên khu V đã coi trọng việc đưa Nghị quyết xuống tận cơ sở và quần chúng cách mạng. Phong trào "Đồng khởi" (khởi nghĩa từng phần) bắt đầu.

Ở Liên khu V, sau cuộc khởi nghĩa Bác Ái (1958), trong năm 1959 diễn ra các cuộc khởi nghĩa Trà Bồng, Sơn Hà, Ba Tơ, Đức Phổ.

Ở Nam Bộ, nhân dân nhiều nơi ở miền Đông, miền Trung và miền Tây nổi dậy làm tan rã từng mảng bộ máy thống trị và kìm kẹp của địch ở cơ sở. Ngày 16-9-1959, lực lượng vũ trang cách mạng chặn đánh ở Gò Quản Cung, tỉnh Kiến Phong (nay thuộc Đồng Tháp), tiêu diệt một tiểu đoàn ngụy. Đêm 24-9-1959, Khu ủy Khu 8 (Trung Nam Bộ) họp bàn việc triển khai thực hiện Nghị quyết 15, quyết định lãnh đạo các địa phương trong khu đồng loạt nổi dậy vào tháng giêng năm 1960. Thực hiện Nghị quyết, tỉnh uỷ Bến Tre quyết định phát động tuần lễ "toàn dân đồng khởi" nhằm phá ách kìm kẹp của địch xây dựng chính quyền cách mạng.

Ngày 17-1-1960, nhân dân huyện Mỏ Cày nhất tề nổi dậy, diệt ác phá đồn, đập tan bộ máy cai trị và hệ thống kìm kẹp của địch ở cơ sở. Từ thắng lợi Mỏ Cày, phong trào lan nhanh sang các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại. Chính quyền tự quản và lực lượng vũ trang cách mạng được thành lập, bọn ác ôn bị đưa ra xét xử, ruộng đất của địa chủ được đem chia cho nông dân.

Theo chủ trương của Xứ uỷ Nam Bộ, đêm 25 rạng ngày 26-1-1960, lực lượng vũ trang cách mạng bất ngờ tiến công căn cứ Tua Hai (Tây Ninh) tiêu diệt và bắt sống 500 quân nguỵ, cổ vũ quần chúng vùng lên giải phóng 24 xã trong tỉnh, xoá bỏ 70% bộ máy kìm kẹp của địch ở xã, ấp.
Hoà nhịp với cuộc Đồng khởi ở Bến Tre và Tây Ninh, các tỉnh Mỹ Tho, Tân An, Trà Vinh, Bạc Liêu, Rạch Giá, Cà Mau, Châu Đốc, Long Xuyên, Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiến Phong, Kiến Tường... đồng loạt nổi dậy và làm chủ khoảng 2/3 số ấp, xã.

Ngọn lửa nổi dậy, tiến công bốc cao và lan rộng ở đồng bằng Nam Bộ, ở rừng núi miền Trung. Hầu hết các ban tề ấp, xã tan rã, tê liệt. Vùng giải phóng liên hoàn hình thành, nối liền các huyện, các tỉnh. Trong vùng giải phóng, quyền làm chủ hoàn toàn thuộc về quần chúng lao động. Một hình thức chính quyền nhân dân ra đời.

Tính đến cuối năm 1960, cao trào "Đồng khởi" của nhân dân miền Nam đã căn bản làm tan rã cơ cấu chính quyền địch ở đại bộ phận cơ sở. Thế trận của địch ở miền Nam bị đảo lộn, từ chỗ tập trung lực lượng hô hào "Bắc tiến" chúng phải dồn về chống đỡ với cách mạng miền Nam.

Phong trào "Đồng khởi" ở nông thôn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị. Tháng 1-1960, 8.000 công nhân đồn điền cao su Biên Hoà đình công. Ngày 1-5-1960, 1.000 công nhân Sài Gòn míttinh nêu khẩu hiệu đả đảo đế quốc Mỹ, thành lập chính quyền dân tộc, dân chủ. Ngày 20-7 hàng vạn quần chúng ở các đô thị xuống đường biểu tình đòi "đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam Việt Nam", đòi quyền dân sinh, dân chủ. Tháng 8-1960, 500 thanh niên ở trại huấn luyện thanh niên cộng hoà thuộc huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam bỏ trại trốn về nhà. Ngày 20-9-1960, hơn 20.000 đồng bào Khơme, trong đó có 2.000 sư sãi tỉnh Trà Vinh, kéo vào thị xã đấu tranh; 45.000 đồng bào nông thôn tỉnh Mỹ Tho kéo vào thị xã đòi chấm dứt việc bắn pháo vào các thôn xóm. Ngày 4-10-1960, 10.000 đồng bào huyện Cao Lãnh kéo vào thị xã Sa Đéc chống khủng bố, bắt phu, bắt lính. Ngày 15-10-1960, hơn 60.000 đồng bào tỉnh Bến Tre kéo vào thị xã đấu tranh đòi huỷ bỏ luật 10/59. Trong năm 1960 ở miền Nam có 10 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị.
Thắng lợi của Đồng khởi đã làm cho ngụy quyền Sài Gòn và chính quyền Oasinhtơn lên cơn sốt. Trong thông điệp đầu năm 1960, Tổng thống Mỹ Aixenhao hô hào tăng cường quân đội Việt Nam cộng hoà để cầm chân đối phương, chờ chi viện của khối SEATO. (SEATO- South East Asia Treaty Organization: Tổ chức hiệp ước Đông Nam Á là khối quân sự do Mỹ cầm đầu nhằm chống lại phong trào giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội đang phát triển mạnh ở Đông Nam Á sau thất bại của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương - TG).

Tháng 8-1960, CIA báo cáo về Oasinhtơn rất có thể Mỹ phải tính đến những phương án hành động khác và tìm người lãnh đạo khác. Thực hiện ý đồ đó, Mỹ đạo diễn các cuộc đảo chính chống Diệm. Tháng 11-1960 cuộc đảo chính của Nguyễn Chánh Thi thất bại, nhưng cuộc khủng hoảng chính trị trong nội bộ ngụy quyền từ đó kéo dài triền miên, dẫn đến hàng loạt cuộc đảo chính, ly khai và "thay ngựa giữa dòng" của Mỹ.

Phong trào "Đồng khởi" trên thực tế đã chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công, giáng một đòn bất ngờ vào chiến lược Aixenhao, đẩy chính quyền Mỹ vào tình thế bế tắc, mở ra bước ngoặt của cách mạng miền Nam, góp phần bảo vệ và củng cố miền Bắc.

Ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, Châu Thành (nay là Tân Biên - Tây Ninh), Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời.

3. Hội nghị 16 và phong trào cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc

Ngày 1-1-1958, trong Thư chúc mừng năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội.

Sáu tháng cuối năm 1958, trên miền Bắc hình thành một phong trào mới với xu thế chung tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trung tuần tháng 11-1958, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) họp bàn chủ trương phát triển kinh tế - văn hoá trong kế hoạch 3 năm 1958 - 1960 và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với kinh tế cá thể và kinh tế tư bản tư doanh.

Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ cao cấp nghiên cứu Nghị quyết 14, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ khi đẩy mạnh phong trào tổ đổi công và hợp tác xã cần chú ý:

"- Giữ đúng nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi.
- Phải có cán bộ để giúp các hợp tác xã về mặt tổ chức, quản lý...
- Phải coi trọng chất lượng. Làm đến đâu phải chắc chắn đến đấy, rồi phát triển dần ra".

Trong xu thế tiến lên chủ nghĩa xã hội của cáctầng lớp nhân dân miền Bắc, Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) tháng 4-1959 thảo luận và thông qua hai nghị quyết quan trọng: Nghị quyết về vấn đề hợp tác hoá nông nghiệp và Nghị quyết về vấn đề cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh.

Hội nghị chỉ rõ nhiệm vụ của Đảng ở nông thôn lúc này là: trên đà chuyển biến mới của tình hình, chuẩn bị về mọi mặt đường lối, chính sách, tư tưởng, tổ chức, cán bộ và kế hoạch để phát triển tổ đổi công và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp một cách tích cực và vững chắc, chuẩn bị tiến tới cao trào cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nông thôn. Ba nguyên tắc cần được quán triệt trong suốt quá trình xây dựng hợp tác xã là: tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ.

Về cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh,Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định: miền Bắc tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh trong lúc đã có Nhà nước dân chủ nhân dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo, dựa trên nền tảng liên minh công nông vững chắc, có lực lượng kinh tế quốc doanh ngày càng lớn mạnh. Giai cấp tư sản Việt Nam vốn nhỏ yếu, giai cấp tư sản ở miền Bắc lại càng nhỏ yếu, hầu hết thuộc loại vừa và nhỏ. Họ vốn là bạn đồng minh của giai cấp công nhân trong cách mạng dân tộc dân chủ, có khả năng tiếp thu chủ nghĩa xã hội. Xuất phát từ thực tế đó, Đảng chủ trương tiến hành cải tạo hoà bình đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh.

Hội nghị chủ trương đưa xí nghiệp tư bản tư doanh từ hình thức thấp và vừa lên hình thức cao của chủ nghĩa tư bản nhà nước, chủ yếu là hình thức công tư hợp doanh, chuyển chế độ chiếm hữu tư bản chủ nghĩa thành chế độ sở hữu của toàn dân. Điểm mấu chốt trong chính sách cải tạo hoà bình công thương nghiệp tư bản tư doanh là chuộc lại tư liệu sản xuất, sắp xếp công việc cho người tư sản trong xí nghiệp, dần dần cải tạo họ thành người lao động.

Cuối tháng 12-1959, kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá I đã nhất trí thông qua Dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ngày 1-1-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố Hiến pháp mới của nước ta. Hiến pháp mới nêu rõ: Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa xã hội bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến. Hiến pháp mới xác định chế độ xã hội chủ nghĩa đang được xây dựng ở miền Bắc là con đường mang lại ấm no và hạnh phúc của nhân dân ta.

Thực hiện chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng (tháng 11-1959) về đợt phát triển Đảng mang tên 6-1(ngày thành lập Đảng trước đó được thống nhất là ngày 6-1-1930, nhưng căn cứ theo các văn kiện đã được điều chỉnh thành ngày 3-2), nhân dịp kỷ niệm lần thứ 30 ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đến hết tháng 12-1960 Đảng đã kết nạp được 62.254 đảng viên mới.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 16 Ban Chấp hành Trung ương (khoá II), cuối năm 1960 đã có 84,9% số hộ nông dân lao động tham gia hợp tác xã bậc thấp, chiếm 68,1% tổng diện tích canh tác và hợp tác xã bậc cao chiếm 12% tổng số hợp tác xã.

Hợp tác hoá nông nghiệp đã đẩy mạnh phong trào thuỷ lợi hoá và thúc đẩy việc cải tiến kỹ thuật nông nghiệp như phong trào cấy lúa xuân, phong trào chọn giống mới, phong trào làm phân xanh...

Khuyết điểm phổ biến của phong trào hợp tác hóa 1959-1960 là nóng vội, vi phạm nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi, không nắm vững phương châm tốt, vững, gọn, chưa tìm ra hình thức quản lý hợp tác xã thích hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.
Tháng 9-1960, 100% số doanh nghiệp tư bản tư nhân thuộc diện cải tạo đã được tổ chức thành xí nghiệp công tư hợp doanh, xí nghiệp hợp tác hoặc hợp tác xã thủ công nghiệp.

Tháng 10-1960, gần 90% tổng số thợ thủ công trong diện cải tạo đã tham gia hợp tác xã thủ công nghiệp bậc vừa và thấp.

Cuối năm 1960, đã có 60% tổng số người buôn bán nhỏ tham gia hợp tác xã hoặc tổ mua bán.

Kết quả của cuộc vận động cải tạo theo chủ nghĩa xã hội là quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa đã được xác lập ở miền Bắc. Chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể được xây dựng trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Tuy nhiên, trong việc cải tạo xã hội chủ nghĩa ta đã phạm sai lầm nóng vội, muốn xoá bỏ ngay nền kinh tế nhiều thành phần.

Cùng với kết quả cải tạo xã hội chủ nghĩa, thành phần kinh tế quốc doanh ngày càng phát triển và đã có vai trò lãnh đạo nền kinh tế quốc dân.

Sản xuất nông nghiệp trong 3 năm (1958-1960), mặc dầu năm 1960 có thiên tai lớn, vẫn tăng trung bình mỗi năm 5,6%. Thu nhập quốc dân tính theo đầu người từ năm 1955 đến năm 1960 tăng gấp đôi, sức mua của xã hội tăng 70%. Về văn hoá, năm 1960 cứ 100 người dân có 18 người đi học (năm 1939 chỉ có 3 người). Số giường bệnh tăng trên 2 lần.

Thắng lợi của kế hoạch 3 năm 1958 - 1960 về cải tạo xã hội chủ nghĩa đã tạo nên những chuyển biến cách mạng trong nền kinh tế và xã hội ở miền Bắc nước ta. Miền Bắc được củng cố, trở thành hậu phương ổn định, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng miền Nam.
 
IV. ĐẠI HỘI LẦN THỨ III CỦA ĐẢNG

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960.

525 đại biểu chính thức và 51 đại biểu dự khuyết thay mặt hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước đã về dự Đại hội. Gần 20 đoàn đại biểu các đảng anh em trên thế giới đã tới dự. Ngoài ra, đại biểu của Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ và các đoàn thể trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng tới dự.

Đồng chí Hồ Chí Minh, Chủ tịch Đảng đọc lời khai mạc, nêu rõ "Đại hội lần này là Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà".

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại ý chí sắt đá giải phóng miền Nam của nhân dân cả nước ta.

"Ngày nào mà chưa đuổi được đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam nước ta, chưa giải phóng được miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của Mỹ - Diệm, thì nhân dân ta vẫn chưa thể ăn ngon, ngủ yên".

Người nhấn mạnh: "Miền Bắc giàu mạnh là cơ sở vững chắc của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà"3.

Báo cáo chính trị do đồng chí Lê Duẩn trình bày đã khẳng định nhiệm vụ cách mạng của cả nước là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và của từng miền là giải phóng miền Nam, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Báo cáo chỉ ra rằng, cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam còn lâu dài, gian khổ. Đó không phải là một quá trình giản đơn mà là một quá trình phức tạp kết hợp nhiều hình thức đấu tranh linh hoạt từ thấp đến cao, hợp pháp và không hợp pháp và lấy việc xây dựng, củng cố, phát triển lực lượng cách mạng của quần chúng làm cơ sở.

Báo cáo chính trị đã trình bày đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Đường lối chung trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta là: Đoàn kết toàn dân, phát huy tinh thần yêu nước nồng nàn và truyền thống phấn đấu anh dũng, lao động cần cù của nhân dân ta, đồng thời tăng cường đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa anh em do Liên Xô đứng đầu, đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc ở miền Bắc và củng cố miền Bắc thành cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, góp phần tăng cường phe xã hội chủ nghĩa, bảo vệ hoà bình ở Đông Nam Á và trên thế giới.

Muốn đạt được mục tiêu ấy phải sử dụng chính quyền dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản để thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư doanh, phát triển thành phần kinh tế quốc doanh; thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa bằng cách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa về tư tưởng, văn hoá, kỹ thuật, biến nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa có công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiện đại, văn hoá và khoa học tiên tiến.

Công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Báo cáo chính trị đề ra nhiệm vụ và phương hướng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965). Trong 5 năm phải ra sức phấn đấu thực hiện một bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, đồng thời hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Về đối ngoại, Báo cáo chính trị vạch rõ nhiệm vụ quốc tế của Đảng và Nhà nước ta là ra sức góp phần tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong phong trào cộng sản quốc tế, duy trì và củng cố hoà bình ở Đông Nam Á, góp phần tăng cường phong trào độc lập dân tộc và củng cố hệ thống xã hội chủ nghĩa.

Về sự lãnh đạo của Đảng, Báo cáo chính trị đã đúc kết 8 bài học chủ yếu của cách mạng nước ta trong 30 năm qua: xây dựng Đảng Mác - Lênin, có đường lối đúng, liên minh công nông, mặt trận dân tộc thống nhất, kết hợp các hình thức đấu tranh, tăng cường Nhà nước của nhân dân, lợi dụng mâu thuẫn nội bộ kẻ thù, đoàn kết quốc tế. Đó cũng là những bài học cho giai đoạn cách mạng trước mắt cần được Đảng ta vận dụng sáng tạo.

Đoàn kết nhất trí trong Đảng là điều kiện cơ bản đoàn kết toàn dân. Tổng kết kinh nghiệm là một phương pháp tốt để nâng cao trình độ lý luận của cán bộ, đảng viên, để khắc phục những xu hướng giáo điều chủ nghĩa và kinh nghiệm chủ nghĩa, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng.

Báo cáo về xây dựng Đảng và sửa đổi điều lệ Đảng nêu rõ nhiệm vụ xây dựng Đảng lúc này là phải giữ vững và không ngừng tăng cường tính chất giai cấp và tính chất tiên phong của Đảng, bảo đảm cho Đảng có đầy đủ khả năng quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và văn hoá, xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Báo cáo trình bày một số vấn đề lớn trong công tác xây dựng Đảng: nâng cao trình độ lý luận và tư tưởng trong Đảng; mở rộng dân chủ và tăng cường tập trung trong sinh hoạt Đảng; thấu suốt đường lối quần chúng của Đảng; tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng trên cơ sở phê bình và tự phê bình; tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng.

Về đảng viên, Báo cáo nêu ra yêu cầu cấp bách trong thời kỳ mới là nâng cao tiêu chuẩn của đảng viên. Đảng viên phải là người "có lao động, không bóc lột". Đường lối cán bộ là chú trọng đào tạo, lựa chọn công nhân, nông dân và trí thức ưu tú.

Đại hội đã thảo luận và nhất trí với Báo cáo chính trị và các báo cáo khác của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sự nhất trí này được thể hiện trong việc thông qua Nghị quyết của Đại hội về đường lối và nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn mới, thông qua Điều lệ (sửa đổi) và Lời kêu gọi của Đại hội.

Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 47 uỷ viên chính thức và 31 uỷ viên dự khuyết. Ban Chấp hành Trung ương đã cử ra Bộ Chính trị gồm 11 uỷ viên chính thức. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu lại làm Chủ tịch Đảng và đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 10-9-1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Diễn văn bế mạc Đại hội, Người nói: "Đại hội lần thứ II đã đưa kháng chiến đến thắng lợi, chắc chắn rằng Đại hội lần thứ III này sẽ là nguồn ánh sáng mới, lực lượng mới cho toàn Đảng và toàn dân ta xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà".
Sự đoàn kết, nhất trí của Đại hội là hạt nhân đoàn kết nhân dân cả nước, là nguồn sức mạnh dẫn đến các phong trào cách mạng mới ở hai miền Nam - Bắc.

Hạn chế của Đại hội III là chưa có dự kiến về chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Từ cuối tháng 7-1954 đến cuối năm 1960, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân hai miền Nam Bắc vượt qua một chặng đường đầy biến động, chông gai và phức tạp: tiếp quản vùng mới giải phóng, xoá bỏ các tàn dư thực dân, phong kiến, đấu tranh chống các thế lực thù địch, sửa chữa sai lầm trong cải cách ruộng đất, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Bắc và đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đấu tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai mưu toan xoá bỏ phong trào cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam, giữ được lực lượng cách mạng và phát động cao trào "Đồng khởi" trong toàn miền Nam.

Những kinh nghiệm Đảng đã rút ra được qua thực tiễn những năm 1954-1960 vô cùng phong phú và quý báu:

Một là, hai chiến lược cách mạng đồng thời được tiến hành nhưng nhằm mục tiêu hàng đầu là chống đế quốc Mỹ; củng cố và xây dựng miền Bắc cũng là để thắng Mỹ.

Hai là, biết chọn đúng khâu mở đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, từ đấu tranh chính trị kết hợp đấu tranh vũ trang tiến lên khởi nghĩa từng phần bẻ gẫy chính quyền địch ở cơ sở. Sự lựa chọn này tuy có chậm, nhưngHội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (1959) đã khắc phục được thiếu sót, sai lầm này.

Ba là, miền Bắc tập trung lực lượng, khắc phục hậu quả của chiến tranh kết hợp xoá bỏ tàn dư phong kiến và thực dân, khôi phục kinh tế ở miền Bắc, chủ yếu là khôi phục kinh tế nông nghiệp, lấy thương nghiệp làm đòn bẩy.

Bốn là,bài học sâu sắc rút ra từ sai lầm trong cải cách ruộng đất là phải căn cứ tình hình thực tế ruộng đất, nông thôn, nông nghiệp nước ta mà đặt chủ trương cải cách cho phù hợp; phải có thái độ đúng đối với sai lầm của cải cách ruộng đất mới sửa chữa được sai lầm, nghĩa là phải vừa đấu tranh kiên quyết sửa chữa sai lầm, vừa đấu tranh chống khuynh hướng phủ định thành quả cách mạng.

(Nguồn: Báo ĐT ĐCS)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top