Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Bài 4: Kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược (19/12/1946 - 20/7/1954)
I. ĐƯỜNG LỐI KHÁNG CHIẾN CỦA ĐẢNG
Hành động của thực dân Pháp mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương hòng đặt lại ách thống trị thực dân không phải là việc bất ngờ đối với Đảng và nhân dân ta. Ngay tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, Đảng ta chỉ rõ, đế quốc Pháp lăm le khôi phục lại địa vị của chúng ở Đông Dương.
Ngày 16-12-1946, những tên trùm thực dân Pháp ở Đông Dương đã họp tại Hải Phòng bàn triển khai kế hoạch đánh chiếm Hà Nội và khu vực Bắc vĩ tuyến 16. Ngày 17 và 18-12-1946 tại Hà Nội, quân Pháp khiêu khích, tàn sát đồng bào ta ở các phố Yên Ninh, Hàng Bún. Ngày 18-12-1946, đại diện Chính phủ Pháp cắt đứt mọi liên hệ với đại diện Chính phủ ta.
Cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp đang lan ra cả nước.
Nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược với bao khó khăn: nước ta vốn là nước thuộc địa, nửa phong kiến mới được giải phóng, đất không rộng, người không đông, với một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, lại bị Chiến tranh thế giới thứ hai tàn phá và bị chủ nghĩa đế quốc bao vây bốn phía. Pháp là một nước đế quốc có nền kinh tế công nghiệp phát triển, có một quân đội chính quy, trang bị hiện đại, có sẵn 100.000 quân đóng tại đất nước ta, có kinh nghiệm chiến tranh xâm lược thuộc địa, lại được đế quốc Mỹ, Anh giúp sức... Tuy nhiên, chúng ta cũng có những thuận lợi nhất định: nhân dân ta đã giành được quyền làm chủ trong cả nước. Là người làm chủ đất nước, nhân dân ta quyết tâm bảo vệ đến cùng chế độ mới. Dân tộc Việt Nam có truyền thống chống xâm lược rất vẻ vang. Đảng ta và nhân dân ta đã có 16 tháng chuẩn bị cho kháng chiến. Lực lượng vũ trang của ta tuy non trẻ nhưng là lực lượng vũ trang cách mạng từ nhân dân mà ra, có lòng yêu nước nồng nàn và chí căm thù giặc sâu sắc. Đảng ta nắm vững quyền lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo Nhà nước. Pháp là một đế quốc bị bại trận và bị kiệt quệ trong chiến tranh, lại tiến hành xâm lược một nước ở xa nước Pháp hàng vạn kilômét. Mâu thuẫn trong nội bộ nước Pháp ngày càng sâu sắc, phong trào đấu tranh cho độc lập dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa Pháp đang phát triển mạnh mẽ. Cuộc kháng chiến toàn quốc của nhân dân ta lại diễn ra trong lúc phong trào độc lập dân tộc, hoà bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội đang dâng lên mạnh mẽ, nhân dân ta cùng nhân dân hai nước Lào và Campuchia đấu tranh chống một kẻ thù là thực dân Pháp xâm lược.
Đường lối cơ bản của cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, nhất định thắng lợi thể hiện trong Chỉ thịToàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng ngày 12-12-1946. Từ tháng 3-1947, qua thực tiễn những ngày đầu của cuộc chiến đấu, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng đã viết một loạt bài làm sáng tỏ thêm đường lối kháng chiến của Đảng; những bài này sau được xuất bản thành tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi.
Mục tiêu của cuộc kháng chiến là giành độc lập và thống nhất. Cuộc kháng chiến là sự tiếp tục của cách mạng dân tộc dân chủ bằng hình thức chiến tranh, cho nên còn có mục tiêu vì dân chủ, tự do, vì hoà bình thế giới. Đường lối chung của cuộc kháng chiến là toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh.
Về chính trị, đoàn kết toàn dân, thực hiện quân, chính, dân nhất trí, động viên nhân lực, vật lực, tài lực của cả nước; đoàn kết với hai dân tộc Lào, Campuchia anh em, với nhân dân Pháp, với các nước châu Á và các dân tộc bị áp bức, các dân tộc yêu chuộng hoà bình, dân chủ trên thế giới, cô lập kẻ thù, tranh thủ thêm nhiều bầu bạn; củng cố chế độ cộng hoà dân chủ, lập ra uỷ ban kháng chiến các cấp.
Về quân sự, cuộc kháng chiến sẽ trải qua ba giai đoạn: phòng ngự, cầm cự, phản công; triệt để dùng "du kích vận động chiến", tiến công địch ở khắp nơi, vừa đánh địch vừa xây dựng lực lượng; tản cư nhân dân ra xa vùng chiến sự.
Về kinh tế, toàn dân tăng gia sản xuất, tự túc tự cấp, xây dựng kinh tế theo hướng "vừa kháng chiến vừa kiến quốc"; ra sức phá kinh tế địch, không cho chúng lấy chiến tranh nuôi chiến tranh.
Về văn hoá, đánh đổ văn hoá nô dịch, ngu dân, xâm lược của thực dân Pháp, xây dựng nền văn hoá mới, xoá nạn mù chữ; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; động viên các nhà văn hoá tham gia kháng chiến.
Ta chủ trương đánh lâu dài để làm cho những chỗ yếu cơ bản của địch ngày càng bộc lộ, chỗ mạnh của địch ngày một hạn chế; chỗ yếu của ta từng bước được khắc phục, chỗ mạnh của ta ngày một phát huy.
Tự lực cánh sinh là dựa vào sức lực của toàn dân, vào đường lối của Đảng, vào các điều kiện nhân hoà, địa lợi, thiên thời của đất nước ta, đồng thời ra sức tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế để chiến thắng kẻ thù.
Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh raLời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Người nói: "Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc... Thắng lợi nhất định về dân tộc ta!".
II. MỞ ĐẦU KHÁNG CHIẾN TOÀN QUỐC, CHIẾN THẮNG VIỆT BẮC
Đêm 19-12-1946, cuộc chiến đấu của nhân dân ta nổ ra ở Thủ đô Hà Nội, các thành phố, thị xã (Nam Định, Hải Dương, Vinh, Huế, Đà Nẵng...)
Tiêu biểu cho cả nước là cuộc chiến đấu ngoan cường của quân và dân Thủ đô Hà Nội. Trong hai tháng (từ ngày 19-12-1946 đến ngày 17-2-1947) quân và dân trong nội thành cũng như ngoại thành đã anh dũng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, giành giật với địch ở nhiều nơi. Với nhiều cách đánh sáng tạo, linh hoạt, quân dân Thủ đô đã tiêu diệt, tiêu hao hơn 2.000 tên giặc, bảo vệ các cơ quan lãnh đạo của ta, tạo điều kiện cho hàng vạn đồng bào ra khỏi thành phố, di chuyển nhiều máy móc, nguyên liệu ra vùng tự do.
Từ ngày 3 đến ngày 6-4-1947, Ban Chấp hành Trung ương Đảng triệu tậpHội nghị cán bộ Trung ương, Hội nghị nhận định bốn tháng kháng chiến chứng tỏ địch không thể khuất phục được nhân dân ta, toàn dân ta hăng hái kháng chiến làm cho địch mới chỉ chiếm được một số ít thành phố. Hội nghị nhấn mạnh nhiệm vụ mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất chống thực dân Pháp, củng cố chính quyền nhân dân ở vùng bị địch chiếm, phát động phong trào du kích chiến tranh, tổ chức căn cứ địa, đẩy mạnh công tác ngoại giao và tăng cường công tác xây dựng Đảng.
Đất nước đã kịp thời chuyển sang thời chiến và bước đầu triển khai thế trận chiến tranh nhân dân. Các cơ quan Đảng, Chính phủ, Mặt trận... chuyển lên căn cứ địa Việt Bắc. Các cơ quan dân, chính, đảng địa phương cũng về đóng nơi tạm thời an toàn. Bộ máy chính quyền các cấp được kiện toàn.
Trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ và Thư gửi các đồng chí Trung Bộ (tháng 3 - 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên tu dưỡng, gương mẫu về đạo đức, trau dồi về chuyên môn, nghiệp vụ, một lòng, một dạ vì dân, chống bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh, địa phương chủ nghĩa, bè phái, vô kỷ luật.
Để tăng cường lực lượng lãnh đạo của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương mở đợt phát triển đảng viên "Lớp tháng Tám". Hàng nghìn công nhân, nông dân, trí thức cách mạng và chiến sĩ lực lượng vũ trang ưu tú đã gia nhập Đảng. Cuối năm 1947, tổng số đảng viên có trên 70.000 người.
Lực lượng vũ trang được chăm lo xây dựng, công tác Đảng trong quân đội được tăng cường một bước. Riêng mùa hè năm 1947 có tới 35.000 người tình nguyện nhập ngũ. Bộ đội chủ lực cũng phát triển từ 80.000 lên 120.000 chiến sĩ. Lực lượng dân quân tự vệ lên tới 1 triệu người. Nhiều căn cứ địa kháng chiến ở địa phương được xây dựng.
Để động viên toàn dân tham gia kháng chiến, Đảng và Chính phủ tìm mọi biện pháp ổn định đời sống nhân dân và xây dựng những cơ sở ban đầu của nền kinh tế và văn hoá kháng chiến.
Đảng cũng quan tâm lãnh đạo công tác đối ngoại để tranh thủ sự đồng tình của nhân dân thế giới đối với cuộc kháng chiến, đặt cơ quan đại diện ở Thái Lan, Miến Điện và cử đoàn đại biểu đi dự các hội nghị quốc tế.
Sau khi chiếm được một số thành phố, thị xã ở Bắc Bộ, quân Pháp tổ chức tiến công ở Trung Trung Bộ, Tây Bắc, Đông Bắc và đồng bằng Bắc Bộ hòng mở rộng khu vực chiếm đóng và tạo vành đai giữ các thành thị. Quân và dân ta chặn đánh địch khắp nơi, tiêu hao sinh lực địch, làm chậm bước tiến của chúng, giữ gìn và phát triển lực lượng. Ở Nam Bộ, quân và dân ta tiến công quấy rối, phá hoại, đánh nhiều trận, diệt từng trung đội, đại đội địch, phá nhiều đoàn tàu quân sự. Bị thiệt hại nhiều mà không tiêu diệt được quân chủ lực ta, tháng 5-1947 quân Pháp tạm co về thành thị chúng mới chiếm được và chuẩn bị kế hoạch xâm lược mới.
Đó là kế hoạch lập chính phủ bù nhìn tay sai Bảo Đại và tổ chức cuộc tấn công đại quy mô bất ngờ lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt quân chủ lực ta, bắt cho được Trung ương Đảng và Chính phủ ta, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. (Ngày 19-7-1947, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp Valuy (Valluy) gửi công văn số 478/AB cho Xalăng nói rõ "về mặt chính trị cần phải có hệ thống hình tháp Bảo Đại để chống lại chính quyền Việt Minh và về mặt quân sự phải đánh vào ngọn hệ thống chính quyền của Việt Minh. Đó là nhiệm vụ số 1" (G.Sáppha, BáoNgười quan sát, tháng 9-1968) - TG).
Ngày 10-9-1947, Cao uỷ Pháp ở Đông Dương Bôla (Bollaert) đọc diễn văn tại thị xã Hà Đông, tuyên bố lập trường của Pháp không công nhận nước Việt Nam độc lập và thống nhất, không công nhận Chính phủ Hồ Chí Minh là đại diện chính thức của nước Việt Nam.
Ngày 15-9-1947, Trung ương Đảng ra chỉ thị "Bôla nói gì, ta phải làm gì?" nêu rõ nhiệm vụ của nhân dân ta chống âm mưu "dùng người Việt trị người Việt" của thực dân Pháp và chuẩn bị phá những cuộc tấn công lớn của địch trong những tháng tới.
Ngày 7-10-1947, thực dân Pháp huy động 12 ngàn quân tinh nhuệ mở cuộc tiến công lên Việt Bắc. Quân nhảy dù bất ngờ nhảy xuống Bắc Cạn, Chợ Mới đánh vào sau lưng quân ta. Một binh đoàn bộ binh Pháp kéo từ Lạng Sơn lên Cao Bằng, Bắc Cạn, bao vây phía đông và phía bắc Việt Bắc; một cánh quân đường thuỷ tiến lên Phú Thọ, Tuyên Quang bao vây Việt Bắc ở phía tây.
Ở Bắc Cạn, tuy bị bất ngờ nhưng quân và dân ta đã đánh địch ngay khi chúng vừa nhảy dù xuống. Quân và dân Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên tiêu diệt cơ quan tham mưu chiến dịch của Pháp, bắn rơi máy bay địch. Quân dân Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang phục kích diệt địch, bắn chìm tàu chiến địch trên sông Lô.
Phối hợp với cuộc chiến đấu của quân và dân Việt Bắc, chiến tranh du kích, phá tề, trừ gian được đẩy mạnh ở vùng sau lưng địch. Ở Hà Nội và Sài Gòn, những tên việt gian đầu sỏ bị bắn chết ngay giữa thành phố.
Ngày 22-12-1947, một phần lớn quân Pháp buộc phải rút khỏi Việt Bắc. Hơn 7.000 tên xâm lược bị chết, bị thương và bị bắt: 18 máy bay bị hạ, 16 tàu chiến và nhiều ca nô bị đánh đắm, hàng trăm xe bị phá và nhiều vũ khí rơi vào tay quân ta. Chiến lược "đánh nhanh thắng nhanh" của quân Pháp thất bại. Mặc dù bị bất ngờ, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng kịp thời chuyển sang phản công thắng lợi. Bộ đội ta trưởng thành một bước về trình độ tác chiến. Đảng ta có thêm kinh nghiệm về chỉ đạo chiến tranh. Nhân dân ta phấn khởi, tin tưởng ở thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Tổng kết năm đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, trongLời kêu gọi nhân kỷ niệm một năm ngày kháng chiến toàn quốc 19-12-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định thực dân Pháp muốn đánh nhanh thắng nhanh, nhưng đã thất bại. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ, lực lượng của ta ngày càng thêm mạnh như suối mới chảy, như lửa mới nhóm, chỉ có tiến không có thoái... Lực lượng địch như mặt trời vào lúc hoàng hôn, hống hách lắm nhưng đã gần tắt nghỉ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở quân ta không được chủ quan, khinh địch.
III. ĐẨY MẠNH KHÁNG CHIẾN SANG GIAI ĐOẠN MỚI. CHIẾN THẮNG BIÊN GIỚI
Trong những năm 1948 - 1949, tình hình thế giới có những chuyển biến lớn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc kháng chiến của nhân dân ta. Liên Xô thực hiện vượt kế hoạch 5 năm 1946 - 1950, đạt những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội và thử thành công bom nguyên tử (9-1949) làm mất thế độc quyền về vũ khí nguyên tử của Mỹ. Các nước dân chủ nhân dân ở châu Âu và châu Á xây dựng xã hội mới đạt nhiều thắng lợi. Phong trào giải phóng dân tộc phát triển ở châu Phi, châu Á và Trung Cận Đông. Mỹ thực hiện kế hoạch Mácsan nhằm vừa vực dậy các nước Tây Âu, vừa khống chế các nước này. Tại Pháp cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài: thất bại bước đầu trong chiến tranh Đông Dương làm cho Pháp khó khăn thêm. Chỉ tính đến đầu năm 1949, Chính phủ Pháp đã bị đổ tới 8 lần. Phong trào phản chiến của nhân dân Pháp phát triển.
Ở Đông Dương, từ năm 1948 thực dân Pháp phải chuyển từ chiến lược đánh nhanh thắng nhanh sang chiến lược đánh lâu dài, "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt". Chúng bình định vùng chiếm đóng, mở các cuộc hành quân nhỏ nhằm tiêu diệt cơ sở kháng chiến, mở rộng nguỵ quân (năm 1948 có 8 vạn nguỵ binh, chiếm gần 30% tổng số quân địch).
Ngày 20-1-1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp mở rộng, nhận định tình hình sau chiến thắng Việt Bắc và đề ra những nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Về quân sự, mở rộng chiến tranh du kích, nhất là trong vùng địch kiểm soát, tuỳ điều kiện tập trung đánh vận động tiêu diệt địch, tăng cường công tác địch vận.
Về chính trị, củng cố khối đoàn kết toàn dân kháng chiến, thực hiện khẩu hiệu "Dân tộc trên hết, Tổ quốc trên hết", củng cố bộ máy kháng chiến, phá tan chính quyền bù nhìn, làm thất bại âm mưu "dùng người Việt trị người Việt".
Về kinh tế, tăng gia sản xuất tự cấp tự túc, cải thiện đời sống nhân dân lao động, phá kinh tế địch, tịch thu tài sản, ruộng đất của bọn phản quốc chia cho dân nghèo, giảm tô, chia lại công điền, khuyến khích đổi công trong nông dân lao động, thí điểm lập hợp tác xã.
Về văn hoá, động viên mọi lực lượng văn hoá phục vụ kháng chiến, chấn chỉnh giáo dục, xoá nạn mù chữ.
Về xây dựng Đảng, củng cố và phát triển Đảng làm cho Đảng thực sự có tính chất quần chúng mạnh mẽ, tích cực phát triển Đảng ở các vùng địch kiểm soát, tăng cường giáo dục đảng viên, đào tạo cán bộ; chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc.
Sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, hai cuộc hội nghị cán bộ tháng 5-1948 và tháng 8-1948 được triệu tập bàn những biện pháp cụ thể thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương. Hội nghị cán bộ tháng 8-1948 bàn sâu về công tác vùng sau lưng địch.
Ngày 27-3-1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Hướng thi đua chủ yếu là tăng gia sản xuất và luyện quân lập công.
Thực hiện chủ trương của Đảng, hàng nghìn cán bộ Đảng và Mặt trận Việt Minh đã qua thử thách và có kinh nghiệm công tác, các đại đội độc lập và đội vũ trang tuyên truyền, đội xung phong công tác đã vào hoạt động trong các vùng tạm bị chiếm. Ở nhiều nơi, cơ sở kháng chiến dần dần được khôi phục. Nhân dân cùng lực lượng vũ trang phá tề trừ gian, chống thuế, chống đi phu, chống bắt lính, tiến lên phát triển chiến tranh du kích, tiêu hao, tiêu diệt địch. Nhiều căn cứ du kích được thành lập, nhiều làng chiến đấu xuất hiện. Năm 1948, được lực lượng vũ trang hỗ trợ, nhân dân quét sạch chính quyền bù nhìn cơ sở ở nhiều vùng rộng lớn trong cả nước, lập lại chính quyền cách mạng. Tổng phá tề thực chất là cuộc nổi dậy đồng loạt của nhân dân vùng sau lưng địch; phá hệ thống kìm kẹp của địch, chống lại một cách có hiệu quả chính sách "dùng người Việt trị người Việt".
Phong trào nổi dậy của quần chúng được kết hợp chặt chẽ với các cuộc tiến công quân sự của dân quân du kích, các đội vũ trang tuyên truyền và các đại đội độc lập. Các tiểu đoàn tập trung tập dượt đánh chính quy, giành chiến thắng ở một số nơi (Bắc Cạn, Lạng Sơn, Trà Vinh, sông Lô, v.v.).
Hoà nhịp với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, cuộc kháng chiến của nhân dân Lào và nhân dân Campuchia cũng có bước phát triển mới.
Trước tình hình khó khăn ở Đông Dương và trước cuộc Nam tiến thắng lợi của Quân giải phóng Trung Quốc, đế quốc Pháp phải có kế hoạch đối phó gấp. Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, tướng Rơve (Revers) đưa ra kế hoạch: mở rộng chiếm đóng ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, phong toả biên giới Việt - Trung, tăng cường xây dựng quân nguỵ để làm nhiệm vụ chiếm đóng và dùng quân Âu - Phi làm lực lượng cơ động tăng cường càn quét.
Về phía ta, sau Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng tháng 1-1949, thực hiện chủ trương tăng cường bộ đội chủ lực, tháng 11-1949 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra sắc lệnh về nghĩa vụ quân sự. Chỉ trong một thời gian ngắn, tính từ Liên khu IV trở ra đã có thêm 50 vạn thanh niên ghi tên tòng quân. Từ 8 vạn người lúc bắt đầu kháng chiến qua hơn ba năm, quân đội ta đã có 23 vạn người. Đầu năm 1950 hai đại đoàn và hai trung đoàn chủ lực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh và 12 trung đoàn chủ lực các liên khu đã ra đời. Về quân số lực lượng cơ động của ta nhiều hơn lực lượng cơ động địch. Dân quân tự vệ và du kích lên tới gần 3 triệu người.
Vừa chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang, Đảng và Chính phủ vừa ra sứccủng cố hậu phương, bồi dưỡng sức dân. Các địa phương tích cực thực hiện các sắc lệnh, thông tư về tạm cấp ruộng đất cho nông dân nghèo, về giảm tô, giảm tức. Đến cuối năm 1949, chỉ tính từ Liên khu IV trở ra, hơn 113.000 ha ruộng đất đã được tạm cấp cho nông dân, giảm tô được thực hiện với mức ít nhất là 25%. Liên khu V nêu cao tinh thần tự lực tự cường, không những tự cấp được vải, gạo và vật dụng cần thiết mà còn dành ra được một phần để tương trợ những vùng lân cận.
Từ năm 1949, nhiều địa phương đã xúc tiến việc thống nhất Việt Minh và Liên Việt. Các đoàn thể Tổng liên đoàn lao động, Hội Nông dân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc. Hội liên hiệp phụ nữ... được củng cố và phát triển. Tại các vùng tập trung đồng bào có đạo, Đảng chỉ đạo việc đi sâu giác ngộ quần chúng, tranh thủ tầng lớp trên và kiên quyết trừng trị bọn phản động đội lốt tôn giáo. Đảng tích cực đấu tranh chống những khuynh hướng tư tưởng và chính trị sai lầm, như chống khuynh hướng đòi chia quyền lãnh đạo với Đảng ta của những phần tử phái hữu trong Đảng Dân chủ, chống khuynh hướng đòi tư pháp độc lập, đòi quyền tự do cá nhân theo quan điểm tư sản trong ngành tư pháp.
Trên mặt trận văn hoá, nền văn hoá ngu dân, nô dịch của thực dân Pháp bị xoá bỏ; nền văn hoá mới được xây dựng. Đường lối, nhiệm vụ công tác văn hoá kháng chiến được xác định tại Hội nghị văn hoá toàn quốc tháng 7-1948. Hội Văn hoá Việt Nam được thành lập. Các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cờ bạc, rượu chè... giảm đi nhiều. Phong trào xoá nạn mù chữ phát triển mạnh. Chương trình giáo dục phổ thông bước đầu được cải tiến theo nội dung dân tộc, dân chủ, nhân dân và phù hợp với hoàn cảnh kháng chiến.
Về xây dựng Đảng, trong hai năm 1948 - 1949, Đảng đã kết nạp hơn 50 vạn đảng viên. Tổ chức cơ sở Đảng được xây dựng rộng khắp. Qua cuộc vận động xây dựng "chi bộ tự động công tác", tổ chức cơ sở Đảng được tôi luyện và trưởng thành thật sự là hạt nhân lãnh đạo kháng chiến ở các địa phương, các ngành và trong quân đội. Tuy nhiên, trong công tác xây dựng Đảng, có nhiều trường hợp không nắm vững tiêu chuẩn đảng viên, củng cố không theo kịp phát triển. Để khắc phục thiếu sót đó, tháng 9-1950 Đảng quyết định tạm ngừng phát triển để củng cố.
Về đối ngoại, cuối tháng 12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường đi công tác nước ngoài. Sau khi hội đàm với đồng chí Mao Trạch Đông, Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc, Người sang Liên Xô trao đổi ý kiến về cuộc kháng chiến của Việt Nam với đồng chí Xtalin, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tiếp đó, Người sang Hunggari dự cuộc họp của các đại biểu phong trào cộng sản quốc tế.
Ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tuyên bố về việc Chính phủ ta sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với chính phủ các nước tôn trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của Việt Nam. Ngày 18-1-1950, Chính phủ nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, sau đó ngày 30-1-1950 Chính phủ Liên bang Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Xôviết và liên tiếp trong tháng 2-1950 chính phủ các nước dân chủ nhân dân Đông Âu và Triều Tiên công nhận và đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ ta.
Ở Pháp, phong trào nhân dân Pháp phản đối "cuộc chiến tranh bẩn thỉu" của thực dân Pháp dâng cao. Tháng 7-1950, đồng chí Lêô Phighe, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, đại biểu Quốc hội, Thư ký Đoàn Thanh niên cộng sản Pháp thăm Việt Nam, tìm hiểu tình hình để phối hợp hành động và thắt chặt tình đoàn kết chiến đấu giữa hai Đảng và nhân dân hai nước.
Nhân dân nhiều nước châu Á, châu Phi đã dành cho nhân dân ta mối cảm tình đặc biệt và sự ủng hộ tích cực.
Đảng và Chính phủ ta đặc biệt coi trọng xây dựng quan hệ đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước trên bán đảo Đông Dương và quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc. Ở Lào, cuối năm 1947, Đảng và Chính phủ đã cử một số cán bộ, chiến sĩ sang giúp lực lượng kháng chiến Lào. Đến đầu năm 1950, các khu căn cứ kháng chiến từ Hạ Lào, Trung Lào đến Thượng Lào được thành lập. Ở Campuchia, cuối năm 1946 cán bộ và Việt kiều ở Thái Lan đã giúp đỡ lực lượng yêu nước Campuchia thành lập Uỷ ban Dân tộc giải phóng Khơme. Từ năm 1947, khu căn cứ Tây Bắc Campuchia được thành lập và vùng giải phóng được mở rộng. Tháng 3-1949, theo đề nghị của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Đảng và Chính phủ ta đã phái một đơn vị lực lượng vũ trang sang phía nam Trung Quốc cùng Quân giải phóng và du kích địa phương Trung Quốc tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân Trung Hoa Quốc dân đảng.
Những thắng lợi về mọi mặt của quân, dân ta đã đưa cuộc kháng chiến tiến mạnh sang giai đoạn mới. Ngày 21-1-1950, Hội nghị toàn quốc lần thứ ba của Đảng họp, đề ra chủ trương "hoàn thành nhiệm vụ chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công" và quyết định tổng động viên theo khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng".
Thực hiện nghị quyết của Đảng, nhân dân ta hăng hái đóng góp thóc gạo, tiền bạc và các vật tư cho kháng chiến. Hàng chục vạn thanh niên xung phong tòng quân. Việc chuẩn bị chiến trường, đặc biệt là mở đường và tổ chức lực lượng vận tải được tiến hành. Ở các thành phố bị tạm chiếm, phong trào đấu tranh chính trị chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ phát triển.
Song vì nóng vội và ỷ lại vào tình hình khách quan thuận lợi, trong Đảng đã có một số lệch lạc khi chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công. Để kịp thời uốn nắn, khắc phục những lệch lạc, mùa hè năm 1950 đồng chí Trường Chinh viết bài Nhận định đúng, hành động đúng và một số bài khác đăng trên Tạp chí Cộng sản. Tháng 6-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào, cán bộ Liên khu IV phê bình sai lầm của cán bộ trong tổng động viên. (Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương (khoá II) đã tự phê bình về chủ trương "chuyển mạnh sang tổng phản công" nêu ra ở Hội nghị toàn quốc lần thứ ba tháng 1-1950. Bản báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương ba (khoá II) có đoạn viết, đây là chủ trương "vội vàng, chủ quan, đã tạo ra một không khí chủ quan, ảnh hưởng đến công tác trong toàn Đảng"- TG).
Trước yêu cầu phát triển của cuộc kháng chiến, để giải phóng vùng biên giới phía bắc phá thế bao vây của địch, tiến tới giành quyền chủ động về chiến lược trên chiến trường chính, tháng 6-1950 Ban Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở Chiến dịch biên giới. Trong chỉ thị ngày 12-8-1950, Trung ương Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ của các địa phương trong toàn quốc phối hợp với chiến dịch kiềm chế và tiêu hao lực lượng địch.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư nhắc nhở chiến sĩ ngoài mặt trận phải dũng cảm, kiên quyết chiến đấu tiêu diệt địch. Người ra mặt trận để cùng Bộ Chỉ huy chỉ đạo chiến dịch.
Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định đánhĐông Khê (Cao Bằng) để mở màn chiến dịch. Lần đầu tiên ta huy động một lực lượng lớn gồm một đại đoàn và hai trung đoàn chủ lực cơ động của Bộ; ba tiểu đoàn chủ lực của Liên khu Việt Bắc và các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân du kích hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.
Đêm 16-9-1950, trận Đông Khê bắt đầu. Sau hai ngày đêm chiến đấu ác liệt, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cụm cứ điểm Đông Khê, diệt trên 300 địch. Sau đó đầu tháng 10 quân ta truy kích và bắt gọn quân địch rút chạy từ Cao Bằng. Ngày 8-10 quân ta tiêu diệt hai binh đoàn ứng cứu của Pháp ở Đông Khê.
Qua 29 ngày chiến đấu ở vùng biên giới ta đã diệt và bắt sống 8.300 địch, đa số là Âu - Phi, tiêu diệt 10 tiểu đoàn (gần một nửa lực lượng cơ động chiến lược địch), thu trên 3.000 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh, giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập. Phối hợp với chiến dịch biên giới, quân và dân ta tăng cường chiến đấu ở đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Tính chung cả nước, ta đã tiêu diệt 12.000 tên địch, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn và nhiều vùng rộng lớn.
Thắng lợi của Chiến dịch biên giới đã làm phá sản kế hoạch Rơve (Revers). Thực dân Pháp thấy rõ chúng không thể thắng bằng quân sự. Ý chí xâm lược của chúng bị lung lay. Đây là lần đầu tiên ta mở một chiến dịch tiến công lớn thắng lợi đánh vào một tuyến phòng thủ mạnh của địch. Ta mở được đường giao thông quốc tế nối liền Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa sau 5 năm bị chủ nghĩa đế quốc bao vây. Đường liên lạc giữa Việt Bắc với đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu IV được thông suốt. Thắng lợi của Chiến dịch biên giới mở ra bước ngoặt chuyển cuộc kháng chiến của ta từ hình thái chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy, kết hợp chiến tranh chính quy với chiến tranh du kích ở trình độ cao hơn, tiến lên giành nhiều thắng lợi to lớn.
IV. ĐẠI HỘI LẦN THỨ II CỦA ĐẢNG (THÁNG 2-1951)
Tháng 2-1951, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được triệu tập. Đại hội tiến hành trong những điều kiện lịch sử mới khác với điều kiện của Đại hội I.
Trong gần mười sáu năm kể từ Đại hội lần thứ I của Đảng (cuối tháng 3 năm 1935), tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều biến đổi quan trọng.
Cùng với sự lớn mạnh vượt bậc của Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân châu Âu, châu Á bước vào công cuộc xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội. Sự ra đời của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa làm thay đổi lực lượng so sánh trên trường quốc tế, có lợi cho hoà bình và cách mạng. Các nước xã hội chủ nghĩa bao gồm hơn 900 triệu người, chiếm 1/3 dân số và 1/4 đất đai trên thế giới, nối liền một dải từ nước Cộng hoà dân chủ Đức đến Việt Nam.
Các nước đế quốc chủ nghĩa lâm vào một cuộc khủng hoảng mới. Mỹ trở thành tên sen đầm quốc tế, khống chế các nước Tây Âu, lập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương, dự định lập khối Thái Bình Dương, chuẩn bị chiến tranh thế giới mới, đàn áp các phong trào dân chủ và giải phóng dân tộc. Đế quốc Mỹ tăng cường giúp đỡ Pháp và can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tranh Đông Dương.
Ở trong nước, sau Cách mạng Tháng Tám, Nhà nước Dân chủ nhân dân Việt Nam thực hiện quyền làm chủ nhân dân do Đảng lãnh đạo; nhân dân ta đã giành được nhiều thắng lợi trong cuộc kháng chiến. Uy tín của Đảng và Chính phủ ta được nâng cao trên trường quốc tế.
Điều kiện lịch sử mới đặt ra cho Đảng ta các yêu cầu bổ sung và hoàn chỉnh đường lối cách mạng dân tộc dân chủ tiến lên chủ nghĩa xã hội, có những chính sách đưa cuộc kháng chiến thắng lợi; đặc biệt là yêu cầu Đảng phải ra công khai lãnh đạo cách mạng với tư cách là một đảng cầm quyền.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng được tiến hành tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang từ ngày 11 đến ngày 19-2-1951. Về dự Đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho 766.349 đảng viên.
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Tôn Đức Thắng đọcDiễn văn khai mạc. Đại hội đã nghe và thảo luận Báo cáo chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Luận cương cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh trình bày,Báo cáo về tổ chức và Điều lệ Đảng, các báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, chính quyền, quân đội, kinh tế tài chính và văn nghệ nhân dân; thông qua Chính cương và Điều lệ Đảng.
Báo cáo chính trị tổng kết phong trào cách mạng thế giới và cách mạng Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX, nêu lên triển vọng tốt đẹp trong nửa sau thế kỷ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích, đánh giá những thành tựu và hạn chế, rút ra các bài học kinh nghiệm trong 21 năm (1930-1950) hoạt động của Đảng. Người khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là: tiêu diệt thực dân Pháp xâm lược và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành độc lập và thống nhất hoàn toàn, bảo vệ hoà bình thế giới. Để hoàn thành nhiệm vụ đó Đảng phải đề ra những chính sách và biện pháp tích cực. Cần tăng cường lực lượng vũ trang, củng cố các đoàn thể quần chúng, đẩy mạnh thi đua ái quốc, thi hành chính sách kinh tế thời chiến, thực hiện chính sách ruộng đất, thành lập Mặt trận đoàn kết Việt Nam, Lào, Campuchia, tăng cường đoàn kết quốc tế.
Để bảo đảm thực hiện được những nhiệm vụ nặng nề trên, Đại hội quyết định: do nhu cầu kháng chiến, giai cấp công nhân và nhân dân mỗi nước Việt Nam, Lào, Campuchia cần có một đảng riêng. Ở Việt Nam, Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.
"Đảng Lao động Việt Nam phải là một đảng to lớn, mạnh mẽ, chắc chắn, trong sạch, cách mạng triệt để". Báo cáo chính trị chỉ rõ: Đảng phải tìm cách giáo dục, nâng cao tư tưởng, chính trị cho đảng viên; thực hiện lối làm việc tập thể; củng cố mối liên hệ giữa Đảng và quần chúng; đề cao tinh thần kỷ luật, tính nguyên tắc, tính đảng của mỗi đảng viên, mở rộng phong trào phê bình và tự phê bình ở trong Đảng, ở các cơ quan đoàn thể, trên các báo chí cho đến nhân dân; tăng cường công tác kiểm tra.
Trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn của hơn hai mươi năm vận động cách mạng, Luận cương cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường Chinh trình bày là một văn kiện quan trọng bổ sung và phát triển các cương lĩnh trước đó của Đảng. Luận cương nêu rõ mục tiêu "Hoàn thành giải phóng dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân, tiến tới chủ nghĩa xã hội". Luận cương phân tích xã hội Việt Nam có ba tính chất: dân chủ nhân dân, một phần thuộc địa và nửa phong kiến. Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai của chúng và mâu thuẫn giữa nhân dân chủ yếu là nông dân với bọn địa chủ phong kiến là hai mâu thuẫn cơ bản của cách mạng Việt Nam, trong đó mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai của chúng là mâu thuẫn chủ yếu. Kẻ thù cụ thể trước mắt của cách mạng là chủ nghĩa đế quốc xâm lược (thực dân Pháp, can thiệp Mỹ) vàbọn bù nhìn việt gian phản quốc đại biểu cho quyền lợi của bọn đại địa chủ phản động và tư sản mại bản. Mâu thuẫn đó đang diễn ra dưới hình thức quyết liệt là chiến tranh.
Cách mạng Việt Nam có hai nhiệm vụ cơ bản là phản đế và phản phong (chống đế quốc và chống phong kiến). Đế quốc xâm lược và phong kiến phản động câu kết chặt chẽ với nhau.Hai nhiệm vụ phản đế và phản phong khăng khít và không tách rời nhau. Nhiệm vụ phản phong nhất định phải làm đồng thời nhưng có kế hoạch từng bước, không nhất loạt ngang nhau với nhiệm vụ phản đế nhằm tập trung lực lượng hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc.
Về sự sắp xếp lực lượng của cách mạng, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản, giai cấp tư sản dân tộc, địa chủ yêu nước và tiến bộ hợp thành lực lượng của cách mạng. Nền tảng của lực lượng cách mạng là công, nông và lao động trí óc. Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo cách mạng.
Cách mạng Việt Nam là cách mạng dân tộc, dân chủ, nhân dân. Dân tộc và dân chủ là tính chất, nhân dân là lực lượng của cách mạng. Cách mạng Việt Nam do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, cho nên con đường tất yếu của nó là tiến lên chủ nghĩa xã hội. Từ một xã hội thuộc địa, nửa phong kiến tiến lên xã hội xã hội chủ nghĩa là cả một quá trình lâu dài và phức tạp.
Luận cương cách mạng Việt Nam là một văn kiện lịch sử quan trọng, đánh dấu một bước trưởng thành của Đảng trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, đề ra một cách có hệ thống lý luận, phương châm chiến lược và sách lược của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Đại hội đã nhất trí thông qua Chính cương, Điều lệ của Đảng và Nghị quyết đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Điều lệ của Đảng Lao động Việt Nam nhấn mạnh: chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng; tập trung dân chủ là nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt cơ bản của Đảng; phê bình, tự phê bình là quy luật phát triển của Đảng; phục vụ nhân dân là mục tiêu của Đảng.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 29 đồng chí (19 uỷ viên chính thức và 10 uỷ viên dự khuyết). Ban Chấp hành Trung ương đã bầu ra Bộ Chính trị gồm 7 uỷ viên chính thức, 1 uỷ viên dự khuyết và bầu ra Ban Bí thư. Đồng chí Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Đảng, đồng chí Trường Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư.
Trong lịch sử đấu tranh anh dũng và vẻ vang của Đảng ta, Đại hội lần thứ II là một cái mốc quan trọng đánh dấu sự trưởng thành của Đảng về mọi mặt và sự đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận cách mạng nước ta. Mặt hạn chế của Đại hội là chưa có điều kiện để nghiên cứu sâu bước chuyển từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân sang cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, đầu tháng 3-1951 hai mặt trận Việt Minh, Liên Việt đã thống nhất thành Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt). Cũng thời gian này, Hội nghị Liên minh nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia được tiến hành.