Lee Chang-dong: Quái kiệt điện ảnh Hàn Quốc

Áo Dài

Cô gái Việt Nam
Thành viên BQT
Có thể bạn đã xem "burning"-bộ phim tâm lí kinh dị của điện ảnh Hàn Quốc. Dựa theo truyện ngắn Barn Burning của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami, đạo diễn Lee Chang Dong đã dùng ngôn ngữ điện ảnh đặc sắc của mình để kể câu chuyện về tuổi trẻ một cách độc đáo. Burning chứa đầy sự bí ẩn với những khúc mắc không lời giải đáp về sự lạc lõng cô đơn đến tột cùng của tuổi trẻ. Đằng sau bộ phim ấy, đạo diễn Lee Chang-dong là một đạo diễn rất tài năng của điện ảnh Hàn Quốc.

Để tìm hiểu sâu hơn về người đạo diễn này, mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây.



USER_SCOPED_TEMP_DATA_orca_share_media1633001738131_6849305722250406722.jpeg

Lee Chang-dong​

Lee Chang Dong được xem là một trong những đạo diễn hàng đầu của Hàn Quốc trong thời kì đổi mới. Đến tuổi 43 ông mới thực sự trở thành đạo diễn và đến nay chỉ có trong tay vỏn vẹn 6 tác phẩm điện ảnh bao gồm Green Fish (1997), Peppermint Candy (1999), Oasis (2002), Secret Sunshine (2007), Poetry (2010) và mới đây nhất là tác phẩm tranh giải Cành Cọ Vàng – Burning (2018). Tuy vậy, 6 tác phẩm đó chưa bao giờ để giới phê bình và khán giả thất vọng. Phim của ông không màu mè, không kiểu cách mà miêu tả chân thực những góc tối của xã hội Hàn Quốc đương đại.

Thời còn trẻ, Lee Chang Dong làm giáo viên ngữ văn tại một trường trung học bình dân sau khi tốt nghiệp ngành Văn học Hàn Quốc tại Đại học Quốc gia Kyung Buk. Công việc an nhàn và bình dị này cho phép ông có nhiều thời gian hơn để chiêm nghiệm và đánh giá những khía cạnh khác nhau của cuộc sống. Tiểu thuyết Chonri ra đời vào năm 1983 chính là kết quả của quãng thời gian ấy, đánh dấu việc Lee Chang Dong trở thành tiểu thuyết gia đầy triển vọng. Sau đó ông bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực viết kịch bản. Hai năm 1993 và 1995, ông lần lượt cho ra đời kịch bản của hai bộ phim To the Starry Island và A Single Spark. Cả hai đều được giới phê bình ca ngợi nhiệt liệt, và đây chính là động lực để ông thực hiện bộ phim đầu tay do chính mình làm đạo diễn – Green Fish.

Green Fish mang đề tài xã hội đen, kể về người đàn ông tên Mak-dong trở về nhà từ quân đội và vô tình vướng vào mối quan hệ với các thành viên của một băng đảng xã hội đen. Trong Green Fish, Lee Chang Dong đã khai thác tâm lý của Mak-dong khi sa chân vào thế giới ngầm, đồng thời khéo léo lột tả, phê phán xã hội Hàn Quốc. Góc nhìn mạnh mẽ và nhân văn của Green Fish đã giúp đạo diễn Lee chiến thắng giải Rồng Xanh 1997 cho Phim xuất sắc nhất, giải Dragons and Tigers Award tại LHP Quốc tế Vancouver.

Sau thành công của Green Fish, Lee Chang Dong cho ra đời thêm những bộ phim phản ánh góc tối của xã hội đương đại thông qua những nhân vật không hoàn hảo, có cuộc đời bi kịch và qua những điều rất nhỏ trong cuộc sống. Điều này được thể hiện nổi bật nhất trong bộ phim Poetry vào năm 2010.

Poetry mở đầu bằng cảnh dòng nước trôi chậm rãi, những đứa trẻ đang chơi đùa bên bờ sông và ngay sau đó xác chết của một cô gái trẻ lềnh bềnh nổi lên. Hành trình đi tìm nguyên nhân cái chết của cô gái dẫn đến bà lão hiền lành 60 tuổi Mija. Bà có cảm hứng đặc biệt với thơ ca nhưng lại mắc bệnh Alzheimer cùng với nỗi dằn vặt khi đứa cháu trai gián tiếp gây nên cái chết của một cô bé tại trường học cùng với số tiền đền bù là 5 triệu won mà gia đình Mija không thể nào chi trả nổi.

Nhờ cốt truyện dung dị, tinh tế nhưng thông điệp mạnh mẽ, cùng diễn xuất tuyệt vời của nữ diễn viên gạo cội Yun Jeong Hie trong vai Mija, Poetry đã chiến thắng nhiều giải thưởng lớn như Kịch bản xuất sắc nhất tại LHP Cannes 2010, giải Phim hay nhất, Kịch bản hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất tại lễ trao giải Điện ảnh Hàn Quốc lần thứ 8.

Những ai thích phim của Lee Chang Dong đều đã quen thuộc với kiểu nhân vật như Mija – những con người lạc lòng, đứng bên lề xã hội, không ai ngó ngàng tới và tự tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình. Đó là chàng thanh niên sa chân vào thế giới ngầm trong Green Fish, là người đàn ông bị cuộc đời vùi dập đến mức đánh mất bản thân, say xỉn, loạn trí, chẳng thiết sống trong Peppermint Candy, là cặp tình nhân bị khuyết tật và thiểu năng trí tuệ nhưng lại vẽ nên một chuyện tình đẹp đến khó tin trong Oasis, là người mẹ độc thân có con trai bị giết hại để rồi rơi vào tuyệt vọng, khủng hoảng trong Secret Sunshine.

Sau Poetry, từ vai trò bộ trưởng bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch của Hàn Quốc, Lee Chang Dong vắng mặt một thời gian dài và mãi 8 năm sau mới trở lại với bộ phim Burning còn táo bạo hơn những phim trước đó. Burning không chỉ là bộ phim đánh dấu sự trở lại của đạo diễn tài ba, mà còn là cú trở mình của hàng loạt nghệ sĩ, nằm trong danh sách cấm vận, hạn chế hoạt động nghệ thuật dưới thời cựu Tổng thống Park Geun Hye, và Lee Chang Dong là cái tên đứng đầu danh sách này. Có thể nói, Burning là bước chuyển quan trọng của nền điện ảnh Hàn Quốc sau những biến động chính trị vào đầu năm 2017.

Khác với những phim tâm lý có nội dung bình dị trước đó, Burning có cốt truyện ly kỳ, giật gân dựa trên truyện ngắn Barn Burning (1992) của tác giả người Nhật Haruki Murakami. Burning là câu chuyện xoay quanh 3 nhân vật chính: Jong Soo (Yoo Ah In) – một thanh niên luôn chật vật tìm cách mưu sinh nhưng vẫn nuôi mộng trở thành tiểu tuyết gia, Hae Mi (Jeon Jong Seo) – người bạn thuở nhỏ của Jong Soo và nhờ anh chăm sóc chú mèo trong thời gian cô tới châu Phi và Ben (Steven Yeun) – người đàn ông thuộc tầng lớp giàu có được Hae Mi dẫn về từ chuyến đi châu Phi. Khi đến thăm trang trại ở Paju của Jong Soo, Ben thú nhận mình là người “thích đốt cháy các nhà kính bằng nhựa vinyl”. Điều này khiến Jong Soo sợ hãi và nghi ngờ hắn là tên sát nhân sau khi Hae Mi đột nhiên biến mất.

Trong Burning, Lee Chang Dong đã đưa khán giả bước vào thực tế khốc liệt mà những người trẻ Hàn đang phải đối mặt. Họ bị thách thức bởi tình trạng thất nghiệp đang ngày càng tăng và sự phân hoá sâu sắc giữa tầng lớp giàu và nghèo. Đạo diễn còn để lại cho khán giả một cái kết mở đầy sức tàn phá và có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Thậm chí giám đốc sáng tạo của LHP Cannes – Thierry Fremaux còn cho rằng: “Burning là một tuyệt phẩm vĩ đại, phi thường và mạnh mẽ. Đây là tác phẩm điện ảnh xuất sắc, tin tưởng vào trí tuệ của khán giả, một sản phẩm sáng tạo đậm chất thơ và bí ẩn.” Không chỉ vậy, diễn xuất của 3 nhân vật chính cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực. Có người còn cho rằng diễn xuất của họ đã đạt đến mức thượng hạng, với sự trở lại của “Ảnh đế” Yoo Ah In và tân binh Jeon Jong Seo lần đầu chạm ngõ điện ảnh.

Tuy không được vinh danh tại đêm trao giải Cannes và một lần nữa lại thua trước đối thủ Nhật Bản, Burning vẫn được xem là kiệt ác miêu tả những khát vọng, sự bất lực và tức giận của giới trẻ Hàn Quốc hiện nay. Và Lee Chang Dong vẫn là một trong những quái kiệt và là niềm tự hào của điện ảnh Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung.

Nguồn: moveek

Bài viết trên đây giúp bạn hiểu thêm về nền điện ảnh Hàn Quốc. Bạn có thể xem thêm các bộ phim khác của ông để có trải nghiệm rõ ràng nhất nhé !
 
Sửa lần cuối:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top