Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Lê Văn Duyệt : Một tài năng lớn về quân sự, chính trị, kinh tế
Có nhiều danh tướng phò giúp Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi hoàng đế. Nhưng có bốn vị đại tướng được xem là đệ nhất công thần của Triều Gia Long Nguyễn Phúc Ánh. Đó là: Tiền quân Nguyễn Văn Thành, Hậu quân Võ Tánh, Hữu quân Nguyễn Huỳnh Đức và Tả quân Lê Văn Duyệt. Số phận lịch sử cuộc đời của bốn vị đệ nhất công thần của Triều Gia Long khác nhau: Nguyễn Văn Thành bị Vua Gia Long ép uống thuốc độc tự tử vào năm 1817. Nguyễn Huỳnh Đức sau khi mất (1819) được đưa vào thờ trong miếu Trung Hưng công thần tại kinh đô. Võ Tánh thì tự thiêu cố thủ thành Bình Định mất vào năm 1801cũng được đưa vào thờ ở miếu Trung Hưng công thần của Triều Nguyễn. Riêng Tả quân Lê Văn Duyệt có một số phận lịch sử đặc biệt. Sau khi ông qua đời, có nhiều nhận định, đánh giá trái ngược nhau. Ca ngợi tài năng và công lao của ông cũng nhiều, mà phê phán cũng không ít. Những người có cảm tình với Nhà Tây Sơn thì xem Lê Văn Duyệt như một tên tội đồ, một người thân Pháp và Thiên chúa giáo. Các sử gia Triều Nguyễn từng thời kỳ củng bất nhất và có phần khắt khe trong đánh giá về Lê Văn Duyệt. Có thời thì xem ông như một tội phạm của triều đình. Cũng có thời Lê Văn Duyệt được xem là một tướng lừng danh có nhiều công lao to lớn đối với Triều Nguyễn và đất nước. Về sau này, có thời mà tư tưởng dân tộc cực đoan và quá khích thì người ta xoá sạch công lao của Lê Văn Duyệt !.
Vậy đâu là sự thật của lịch sử ? Lê Văn Duyệt sinh năm 1763, nguyên quán ở làng Bồ Đề huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi. Từ đời nội tổ của ông đã di cư vào Nam sinh sống tại Định Tường. Lê Văn Duyệt đã có công phò tá Nguyễn Phúc Ánh được phong làm Cai cơ. Ông đã lập nhiều chiến công lớn, góp phần đưa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi Vua. Năm 1801, vua Gia Long phong ông làm Khâm sai chưởng tả quân bình Tây tướng quân, Tước quận công. Năm 1802, ông cùng Nguyễn Văn Thành, Lê Chất đem quân đi bình định miền Bắc, được lãnh chức Kinh lược xứ Thanh Hoá và Nghệ An. Năm 1812, ông được phong làm Tổng trấn Gia Định, bảo hộ nước Chân lạp (Campuchia). Lần thứ hai, vào năm 1820, ông lại được cử làm tổng trấn Gia Định. Ông cai quản thành Gia Định và cả miền Nam đến khi mất (1832). Lê Văn Duyệt mất khi còn đang tại chức, thọ 69 tuổi.
Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh là người đặt đơn vị hành chính Gia Định và toàn miền Nam, chính thức xác lập vùng đất này vào địa lý hành chính nước ta. Thì chính Lê Văn Duyệt là người đã có công khai phá, mở rộng và bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Gia Định thành và cả miền Nam bắt đầu từ Bình Thuận trải dài đến mũi Cà Mau thời bấy giờ còn hoang hoá, đất đai chưa thuần thục, nạn trộm cướp hoành hành nhiều nơi. Lê Văn Duyệt đã chiêu mộ dân chúng ra sức cải tạo, xây dựng đồng ruộng phì nhiêu, xây dựng làng, xã. Ông chăm lo đến đời sống của dân chúng và binh sĩ; đồng thời, trừng trị rất nặng bọn tham quan ô lại, và quân trộm cướp. Đối với một số người lầm lỡ vào con đường trộm cướp, tội phạm, ông tỏ ra là người bao dung, vỗ về, cảm hoá họ trở về con đường làm ăn chân chính. Chính vì vậy, trong thời kỳ Lê Văn Duyệt thay mặt triều đình quản lý thành Gia Định và cả miền Nam, đời sống nhân dân ở đây được an cư thịnh vượng.
Lê Văn Duyệt đã góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc. Ông vừa làm tốt công tác bảo hộ Cao Miên, ngăn chặn hữu hiệu ý đồ xâm lược của Xiêm La. Trong thời gian ở Gia Định ông đã đề xuất với triều đình đào kênh Vĩnh Tế nhằm thoát nước, tiêu úng thay chua rửa phèn cho đồng ruộng. Công trình kênh Vĩnh Tế có ý nghĩa to lớn về kinh tế và quốc phòng và hiệu quả mang lại rất lớn cho cho đất nước đến mãi ngày hôm nay.
Không chỉ giữ vững bờ cõi phía Nam đất nước, lo phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân, Lê Văn Duyệt là người đã góp công lớn về chính sách đối nội lẫn đối ngoại. Ông đã khôn khéo mở rộng giao thương với các nước. Thời kỳ ông trấn nhậm đất nam kỳ, nhiều tàu buôn của các nước: Trung Quốc, Mã Lai, Nam Dương, Miến Điện, Phương Tây và Châu Mỹ đã cập bến Gia Định Bến Nghé để mua bán trao đổi hàng hoá. Sài Gòn Gia Định thời bấy giờ như một đặc khu kinh tế mở của nước ta. Năm 1822, Crawfurd người cầm đầu Phái bộ ngoại giao của toàn quyền Ấn Độ ghé vào Bến Nghé và Gia Định, được yết kiến Lê Văn Duyệt đã viết về ông như sau: “Con người này ít học, nhưng lạ lùng thay lại có cái nhìn cởi mở hơn nhiều đại thần và cả nhà vua học rộng làu làu kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, mong muốn mở mang đất Gia Định trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông”. Và, Crawfurd đã tả đời sống của Gia Định như sau: “Lần đầu tiên tôi đến Bến Nghé, tôi bất ngờ thấy rằng nơi đây không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hoá phong phú hơn, giá cả hợp lý và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng…”
Năm 1825, trong lúc Minh Mạng và Triều đình Huế chủ trương cấm đạo Thiên chúa và lệnh cho các quan phải khám xét các tàu bè của ngoại quốc ra vào cửa biển. Thì, Lê Văn Duyệt đã áp dụng chính sách mềm dẽo, cởi mở hơn đối với Giáo sĩ và giáo dân Thiên chúa giáo. Ông vẫn để người ta sống yên bình và truyền đạo. Lê Văn Duyệt chủ trương tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo, đoàn kết dân tộc để ổn định chính trị và xã hội.
Qua nhiều giai đoạn lịch sử, có nhiều nhà nghiên cứu sử học cho rằng: Lê Văn Duyệt có mưu đồ tách Nam kỳ khỏi sự quản lý của triều đình, Lê Văn Duyệt không phục vua Minh Mạng và vua Minh Mạng cũng không thích Lê Văn Duyệt,… Điều này đã gây ra nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu lịch sử. Nhưng có một sự thật lịch sử được công nhận: Lê Văn Duyệt là một người luôn luôn trung thành với Gia Long. Sách Đại Nam liệt truyện đã nhận định về Lê Văn Duyệt như sau: “Duyệt là huân cựu đại thần được dự nhận lời vua Gia Long dặn lại việc triều chính, triều đình dựa làm trọng”. Còn đối với vua Minh Mạng thì như thế nào?. Nam kỳ là vùng đất khai sáng của triều Nguyễn, có vị trí trọng yếu về quốc phòng và đối ngoại, có tiềm năng về kinh tế để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế của đất nước. Lịch sử đã đánh giá: Minh Mạng là một ông vua thông minh, quả cảm, hết lòng lo việc nước. Nhưng, cũng là một ông vua chuyên chế, nghiêm khắc. Một người có uy quyền mà ít độ lượng,... Nếu Minh Mạng không tin tưởng vào sự trung thành của Lê Văn Duyệt thì chắc chắn nhà vua sẽ không bao giờ cử ông vào trấn giữ thành Gia Định và cả Nam kỳ. Năm 1823, Minh Mạng bãi bỏ chức Tổng trấn Bắc thành. Các địa phương đều được chia thành cấp tỉnh. Nhưng với Gia Định, vua vẫn để Lê Văn Duyệt làm Tổng trấn. Sách Đại Nam liệt truyện nêu rõ: Vua Minh Mạng có sự biệt đãi đối với Lê Văn Duyệt: “Duyệt lai kinh chúc hổ, Vua đãi hậu hơn, lúc thoái chầu, vua đưa mắt tiễn,…”. Năm 1827, Minh Mạng đã từng nói với các cận thần: “người ta nói Lê Văn Duyệt xuất tích cương lệ, nay trẫm xem ra thì Duyệt trung thuận, nghĩa thờ vua vẫn giữ được, những tính bình nhật cương lệ, đều rửa sạch hết, không ngờ tuổi già lại hay tu tỉnh như thế”. Và nhà vua cho Duyệt tiếp tục trấn nhậm Gia Định với lời dụ: “Gia Định là trọng trấn phương Nam, Duyệt không nên vắng mặt lâu. Người này vẫn được người Xiêm sợ. Nay lại giữ một mặt ấy có thể hùng dũng như hổ báo ở núi...”. Sách Đại Nam liệt truyện còn ghi rõ: Minh mạng nhận định về Lê Văn Duyệt như sau: “nắm giữ biên cương tây Nam không ai bằng Duyệt. Uy lực đối với Xiêm La, Chân Lạp, Vạn Tượng không ai bằng Duyệt. Duyệt ngồi đó trẩm yên lòng…”. Điều này cho thấy Minh Mạng rất tin tưởng vào năng lực lãnh đạo của Lê Văn Duyệt. Và, như thế chứng tỏ suốt đời mình, Lê Văn Duyệt vẫn một lòng với triều đình, một lòng với lợi ích của đất nước và dân tộc.
Bi kịch và nỗi hàm oan của Lê Văn Duyệt chỉ xảy ra sau khi ông qua đời! Sau khi Lê Văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng mới bãi chức Tổng trấn thành Gia Định, đặt chức Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát, Lãnh binh như ở các tỉnh trong cả nước.
Khi còn sống, Lê Văn Duyệt là một con người đầy uy quyền, ai cũng kính phục. Tính khí của ông cương trực, nóng nảy và rất ghét bọn tham quan ô lại, xu nịnh. Chính vì vậy, có nhiều người không thích ông. Bạch Xuân Nguyên vốn là một người tham lam tàn ác, khi được bổ nhiệm làm Bố chánh Gia Định (Phiên An) đã truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt, bắt người nhà và tôi tớ của Lê Văn Duyệt giam giữ, tra khảo để tìm chứng cứ kết tội Lê Văn Duyệt.Trong những người bị bắt có Lê Văn Khôi là con nuôi của Lê Văn Duyệt.
Lê Văn Khôi tên thật là Bế Văn Khôi (không rõ năm sinh) vốn là một thổ hào ở Cao Bằng, từng nổi loạn, đổi họ là Nguyễn Hựu Khôi, theo nhóm phản loạn ở Nghệ An. Khi Lê Văn Duyệt lãnh chức kinh lược sứ Nghệ An đem quân đi dẹp loạn đã cảm hoá và thu nhận Nguyễn Hựu Khôi làm con nuôi và đổi tên thành Lê Văn Khôi. Sau này, khi trấn nhậm Gia Định, Lê Văn Duyệt đưa Lê Văn Khôi đi theo và cho làm đến chức Phó vệ úy. Lê Văn Khôi là một con người có sức khoẻ tay không đánh được cọp dữ.
Bị bắt giam, Lê Văn Khôi tức giận, bèn cấu kết cùng mấy người thân tín nổi lên làm binh biến. Đêm ngày 18 tháng 5 năm Quý Tỵ (năm 1833), Lê Văn Khôi cùng những người lính của mình phá ngục, rồi vào Dinh Bố chánh giết cả nhà Bạch Xuân Nguyên. Tổng đốc Nguyễn Văn Quế đem người đến cứu cũng bị Lê Văn Khôi giết chết. Lợi dụng uy tín của Lê Văn Duyệt, vận động nhân dân và binh lính, liên kết với một số chức sắc Thiên chúa giáo là người ngoại quốc, Lê Văn Khôi bèn tự xưng mình là Bình Nam đại nguyên soái, tự phong Tướng cho những người cùng cánh, bổ nhiệm quan chức như một triều đình riêng. Chỉ trong vòng 6 tháng, Lê Văn Khôi đã đánh chiếm được 6 tỉnh ở Nam kỳ. Triều đình liền cử Tống Phước Lương làm Thảo nghịch Tả tướng quân phối hợp cùng với các tướng: Phan Văn Thúy, Trương Minh Giản và Trần Văn Năng tập trung thủy bộ binh tượng tiến đánh Lê Văn Khôi. Lê Văn khôi biết không thể chống nổi, nên chạy vào thành Phiên An cố thủ và sai người cầu cứu quân Xiêm La. Quân triều đình một mặt thì đánh đuổi quân Xiêm La, một mặt thì vây đánh thành Phiên An. Đến tháng chạp năm Qúy Tỵ (năm 1833), Lê Văn Khôi bị bệnh chết. Những người theo Lê Văn Khôi tôn con trai của Lê Văn Khôi là Lê Văn Câu lên làm thủ lãnh, tiếp tục chống cự với triều đình. Mãi đến tháng 7 năm 1835, quân triều đình mới hạ được thành Phiên An, đánh tan được những người theo Lê Văn Khôi. Quân triều đình bắt sống hơn 1.831 người và xử tử toàn bộ. Con trai Lê Văn Khôi là Lê Văn Câu và Linh mục Marchand (còn gọi là Cố Du) bị giải về kinh thành Huế để xử lăng trì. Vì vụ án của Lê Văn Khôi, Lê Văn Duyệt bị liên đới trách nhiệm. Một số quan đại thần trong triều đã quy trách nhiệm cho Lê Văn Duyệt là người nuôi mầm mống phản loạn. Minh Mạng là ông vua chuyên chế, thể hiện uy quyền và răn đe các nhóm chống đối khác đã xoá sạch mọi chức tước của Lê Văn Duyệt và lệnh cho Tổng đốc Gia Định đến phần mộ của Lê Văn Duyệt san bằng, đặt xích sắt xiềng mộ và khắc đá dựng bia. Ở trên bia viết: “chỗ này là nơi quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp”. Đến năm 1841, vua Thiệu Trị cho xoá bỏ xiềng và đắp lại mộ của Lê Văn Duyệt. Mãi đến 13 năm sau, nỗi oan của Lê Văn Duyệt mới được cởi bỏ. Năm 1848, theo nguyện vọng của nhân dân và các vị quan trung trực tại triều đình, Đông các đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn dâng sớ lên vua Tự Đức xin minh oan cho Lê Văn Duyệt. Tự Đức ban chiếu rửa sạch tội lỗi và truy phục nguyên tước, hàm cho Lê Văn Duyệt là : Vọng các Công thần Chưởng Tả quân Bình Tây tướng quân quận công.
Có thể nói qua hơn 175 năm (1833 – 2008), qua từng thời kỳ, nhiều sử sách đánh giá khác nhau về cuộc đời danh tướng Lê Văn Duyệt. Nhưng, đối với nhân Gia Định và cả miền Nam, Lê Văn Duyệt vẫn là một người có nhiều công đức đối với nhân dân và đất nước. Hình ảnh, cuộc đời, chiến công của Lê Văn Duyệt đã đi vào tâm thức của người dân Gia Định và miền Nam nước Việt. Nhân dân coi ông như một vị thần. Qua bao đời nay hình tượng Lê Văn Duyệt đã trở thành tín ngưỡng trong tâm thức của nhân dân miền Nam. Từ năm 1848 đến nay trải qua gần 160 năm, nhân dân Sài Gòn – Gia Định và cả miền Nam đã nhiều lần đóng góp công sức tiền của để xây dựng, tu sửa, tôn tạo khu mộ và đền thờ Lê Văn Duyệt. Nhân dân đã tôn vinh gọi mộ và đền thờ của Lê Văn Duyệt là Lăng Ông với tất cả lòng thành kính. Lăng Ông Lê Văn Duyệt toạ lạc uy nghi trên một khuôn viên rộng 18.500 mét vuông ở Bình Hoà – Gia Định, nay là 126 đường Đinh Tiên Hoàng - Phường 1 - Quận Bình Thạnh – TP.Hồ Chí Minh. Lăng Ông đã trở thành điểm hoạt động tín ngưỡng, điểm đến tâm linh của người Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh miền Nam. Lê Văn Duyệt sống mãi trong lòng nhân dân Sài Gòn – Gia Định và miền Nam nước Việt.
Năm 2000, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội đồng khoa học TP.Hồ Chí Minh, Tạp chí Xưa và Nay đã mở Hội thảo về Lê Văn Duyệt. Qua cuộc Hội thảo, các nhà sử học, các giáo sư chuyên ngành và các học giả có tên tuổi trong nước đều có chung một nhận định: “Lê Văn Duyệt là một tài năng lớn về chính trị, kinh tế, quân sự và trong các tư duy chiến lược của Lê Văn Duyệt có sự kế thừa từ các anh hùng dân tộc trước đó”.
----------------------
Tài liệu tham khảo & trích dẫn:
- Toạ đàm về Lê Văn Duyệt của Nam Tiến (TC Xưa và Nay, số 78B/2000).
- Những đánh giá về Lê Văn Duyệt của Nguyễn Minh Tường
(TC Xưa và Nay, số 304/2008).
- Đại Nam liệt truyện.
- Lê Văn Duyệt và lịch sử của Nguyễn Hạnh
(TC Xưa và Nay, số 304/2008).
- Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim (1999).
- Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quang Thắng
& Nguyễn Bá Thế (1999).
( Theo Lê Ngọc Trác)