Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
LỄ HỘI CHÙA TRĂM GIAN
Chùa Trăm Gian thuộc xã Tiền Phương; huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Đây là ngôi chùa cổ dựng trên quả đồi cao chừng 50 mét, có cây cao bóng cả và đậm một màu cổ tích. Xung quanh là những ngọn núi Phượng Hoàng vỗ cánh, núi Hoàng Xá có dáng con voi quỳ núi Đồng Lư, núi Sơn Lộ, núi Trầm. Chùa có đủ 100 gian. Cứ 4 cột là một gian, có trên 400 cột. Mỗi cột trụ trên một hòn đá chạm hình cánh hoa sen. Dãy lan can quanh chùa, cũng như các bậc thềm bằng đá có chạm trổ. Trên các ván long, lá gió, đấu, xà v.v… có hình: mây, hoa lá, rồng, tiên nữ…
Phía trước chùa có gác chuông cao hai tầng, chồng diêm, tám mái, nằm trên đồi cao với hàng trăm bậc đá. Đây là công trình kiến trúc giá trị làm bằng gỗ quý với các đầu đao cao vút, mềm mại. Trên gác chuông có treo một quả chuông lớn, đúc vào năm 1794 thời Tây Sơn với bài minh của Trần Bá Hiên, người xã Vân Canh.
Trong chùa có 153 pho tượng được xây dựng từ đời Lý. Hầu hết đều bằng gỗ, một bộ bằng đất, sơn son thếp vàng. Đặc biệt bệ tượng được xây bằng gạch có hoa văn của thế kí 16 - 17. Bên cạnh có tấm bia đá dựng vào năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1794) có ghi lại chiến công của Đô đốc Đặng Tiến Đông do Phan Huy Chú viết, tất cả đều là những tác phẩm hiếm có thời Tây Sơn để lại.
Lễ hội chùa Trăm Gian được tổ chức vào hai ngày của thượng tuần tháng hai âm lịch được xem là "tốt ngày". Khi đốt xong một bánh pháo treo trên cành đa cao xuống sát mặt đất, các chân kiệu bắt đầu rước long kiệu từ trong chùa bước ra, long kiệu ra tới cửa Trung quan, đám rước phải đứng lại, chờ quan viên và các chân kiệu của xã giao hiếu (kết nghĩa) đến đấy và đứng vào hàng ngũ chỉnh tề, đám rước mới bắt đầu di chuyển.
Trong đám rước, xã đàn anh đi đầu, xã này thường là xã thờ thần sớm nhất, có đông dân nhất, đồng thời cũng là xã đa tài nhất. Các xã bạn cũng phái kiệu của mình tới hoặc phái một chân kiệu để thay vai khiêng kiệu cùng với xã chủ nhà.
Đi đầu là hai lá cờ "Tiết Mao". Kế đèn là 5 cờ đuôi nhèo gọi là cờ ngũ hành: kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ và những lá cờ vuông: đen, trắng, vàng, đỏ, xanh… Sau đó là 4 lá cờ tứ linh: long, ly, quy, phượng. Người cầm cờ đội nón có chóp nhọn hoặc chít khăn tai chó, thắt lưng bó que xanh đỏ, chân đi xà cạp. Sau cờ là trống cái do hai người khiêng. Trống cái do thủ hiệu đánh bằng chiếc dùi sơn son thếp vàng. Một người vác lọng che cho thủ hiệu và trống. Đi sau trống là chiêng, cũng do hai người khiêng và có lọng che.
Khi đi rước, thủ hiệu đánh một tiếng trống, lại đánh một tiếng chiêng. Tiếng trống thúc giục, tiếng chiêng trầm hùng, ngân nga như tiếng của ngàn xưa vọng về. Sau đoàn trống và chiêng là sự diễu hành của đôi ngựa bạch, đôi ngựa hồng và đôi voi. Dưới chân những con vật linh thiêng này có những bánh xe lăn. Mỗi con vật đều được che lọng và có một chiến binh đi bên cạnh…
Hai chiếc tán thêu long, phượng đi trước mở đường cho các chấp kích lang nai nịt, mang lộ bộ, kim qua, phủ việt, chuỳ đồng… Các chấp kích lang đi hai bên. Họ là những chàng trai dũng cảm, xông pha trận mạc khi xưa, ở giữa họ là một quan viên mặc áo thụng xanh, có lọng che, mang một chiếc biển có phủ vải đỏ ghi mấy chữ: "Thượng đẳng tối linh thần“ (thánh tối linh hạng nhất): Sau đoàn chấp kích là phường "Đồng Văn” gồm 2 người chỉ huy cầm trống khẩu, một người cầm thanh la, 2 người cầm sênh tiền, 8 người đánh trống bản đeo 8 thắt lưng. Họ đánh bằng hai dùi nhỏ có hai chàng thanh niên mặt hoa da phấn đóng giả là hai cô gái đeo hai chiếc trống cơm làm "Con đĩ đánh bồng”. Họ vừa múa vừa hát, vừa vỗ trống; mắt nhìn ngang, nhìn dọc, lẳng lơ như nắng mùa xuân. Sau đó, một ông già có dáng tiên phong đạo cốt, mặc áo thụng độ màu máu, vái lá cờ "vía".
Cờ bằng vóc đỏ viền vàng có thêu chữ "Lệnh". Lá cờ này cũng được lọng che. Đó là lệnh của thần linh. Thỉnh thoảng cờ lệnh được phất lên ào ào, nhắc lại thời chinh chiến oai hùng của thần. Ngay sau đó là màn gươm tuốt trần do ba người điều khiển. Đến phường bát âm gồm 8 nhạc cụ, phát ra từ 8 hệ thống âm thanh của 8 vật liệu khác nhau: Bào (quả bấu), Mộc (gỗ thạch (đá), Kim (kim khí), Ti (sợi tơ), Trúc (tre)… Chúng là những não bạt, đàn, sênh tiền, kèn, trống nhỏ, nhị, sáo hoặc tiêu…
Phường bát âm thường có mấy điệu Lưu Thuỷ, Hành Vân, Ngũ Đối trong suất cuộc rước. Khi trang nghiêm có lệnh thì cử nhã nhạc. Sau phường bát âm là long đình. Đó là chiếc, nhỏ và cao có mái che. Trong có bày hương án, ngũ quả đỉnh trầm và bát hương có cắm những nén hương đang cháy nghi ngút. Long đình có 4 người khiêng và có 4 người đi bên cạnh để thay vai nhau. Họ đều là những chàng trai trẻ đẹp, có tầm cao ngang nhau. Đi trước long đình có một người cầm trống khẩu và một người cầm cảnh. Thỉnh thoảng họ lại đánh lên một hồi trống và một hồi cảnh.
Tất cả những chàng trai này đều ăn mặc theo kiểu khố bao khăn vắt và đeo trước ngực một chuỗi vòng tết bằng hoa bưởi toả ngát hương thơm. Hai bên long đình có tàn, quạt, lọng. Rồi đến một loạt người cầm cờ, vung lên. Họ ăn mặc quần áo có nẹp xanh đỏ, bó xà cạp đen, hộ vệ cho hai chàng trai cầm lọng vàng. Hai chàng này là hai anh chàng đẹp trai nhất làng. Họ đi hài và trên ngực tết một bông hoa lớn.
Tiếp đến là hai long kiệu bát cống. Mỗi long kiệu có 8 người khiêng và 8 người đi kèm. Đó là long kiệu của Đức Thánh ông và Đức Thánh Bà. Những người khiêng kiệu, đầu chít khăn xanh, mặc quần xanh, thắt lưng bao vàng, đi ủng. Các bô lão, các quan viên đi hộ giá kiệu đều mặc áo thụng, khăn xếp… Không khí tưng bừng náo nhiệt, hương khói mù mịt, tiếng chiêng trống, đàn sáo nổi lên làm cho mọi người như say rượu. Thỉnh thoảng, những chàng trai khiêng kiệu lại đi nhanh, tăng tốc độ và reo vang lên. Lúc này người ta gọi là kiệu bay… rước, sau và xung quanh đám rước người đông nghìn nghịt…
Đám rước đi vòng quanh xóm chùa rồi trở về chùa. Lúc đó là lúc bắt đầu có những cuộc tế lễ. Mọi người vào lễ, kẻ trước người sau hoặc vào cùng một lúc. Sau khi đám rước ngừng lại trước cổng chùa, người ta tổ chức các cuộc vui chơi, mở hội. Có phường hát Rô ở Quốc Oai đến, phường chèo tàu từ Đan Phượng sang. Có cả đặc sản “Xẩm chợ” Hà Đông.
Chùa Trăm Gian là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Bắc. Mở hội ở chùa là hình thức tổ chức sớm hơn kiểu tổ chức ở đình. Do vậy, lễ hội chùa Trăm Gian còn vọng lại nhiều âm thanh và màu sắc điển hình của một quá khứ xa xưa với những nét hùng tráng mang tính nghệ thuật.
(Theo Lý Khắc Cung-Hà Nội văn hóa và phong tục)