• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Lào thời cận đại

Trang Dimple

New member
Xu
38
LÀO THỜI CẬN ĐẠI

1- Nước Lào trước khi thực dân Pháp xâm lược

Cuối thế kỷ XVII, vương quốc Lạn Xạng (thành lập từ thế kỷ XIV với vị vua đầu tiên là Pha Ngừm) trở nên suy yếu. Các tập đoàn phong kiến thường xuyên gây chiến tranh để giành quyền lợi. Trên thực tế từ sau năm 1694, đất nước Lào chia thành 3 tiểu quốc: Viêngchăn, Luông Phabăng và Chămpaxắc.

Từ nửa sau thế kỷ XVIII, Xiêm bắt đầu nhòm ngó Lào. Năm 1778, Xiêm tấn công các mường Lào. Đến cuối thế kỷ XVIII, Xiêm đã biến các tiểu quốc Lào lệ thuộc Xiêm với mức độ khác nhau.

- Đối với tiểu quốc Chămpaxắc (Hạ Lào), Xiêm lựa chọn người lên làm vua và cử quan lại đến cai trị biến thành tiểu quốc này thành nước chư hầu.

- Đối với tiểu quốc Viêngchăn là tiểu quốc lớn nhất (lãnh thổ gồm Viêngchăn, Xiêng Khoảng và Đông Bắc Thái Lan hiện nay), Xiêm sát nhập phần lớn đất đai vào lãnh thổ mình, phần còn lại cử quan lại người Xiêm sang cai trị.

- Đối với tiểu quốc Luông Phabăng, Xiêm đặt ách bảo hộ lên tiểu quốc này. Bên cạnh vua Luông Phabăng có viên công sứ người Xiêm nắm mọi quyền hành, vua Luông Phabăng chỉ là bù nhìn.

Nhiều cuộc khởi nghĩa của nhân dân Lào bùng nổ chống ách thống trị của Xiêm, trong đó tiêu biểu nhất là khởi nghĩa của Chậu Anụ. Tuy nhiên, do sự phân tán, thiếu đoàn kết của các mường Lào mà các phong trào đấu tranh chống quân xâm lược Xiêm đều thất bại.

2- Quá trình của thực dân Pháp biến Lào thành thuộc địa.

Năm 1860, người Pháp đầu tiên đến Lào là Henri Mouhot, một nhà nghiên cứu lịch sử tự nhiên. Henri đã ở Lào 3 tháng và đã bị chết do sốt ác tính.

Năm 1865, chính quyền Pháp cử 2 pháo thuyền ngược dòng Mê Công đến Viêngchăn, Luông Phabăng. Sau đó Pháp còn cử nhiều đoàn thám hiểm nghiên cứu đất Lào với nhiều nhân vật nổi tiếng, trong đó A.Pavie có vị trí quan trọng nhất. Năm 1887, Pavie được cử làm phó lãnh sự hạng nhì ở Luông Phabăng. Tại đây, ông ta đã giúp đỡ vua Luông Phabăng và hoàng gia thoát khỏi giặc phỉ Đèo Văn Trì (từ Tây Bắc Việt Nam lấn sang), nên tranh thủ được sự cảm tình của vua Luông Phabăng. Từ đó, Pavie đề nghị với chính phủ Pháp xúc tiến xâm lược Lào.

Năm 1886, Chính phủ Pháp phái đạo quân do đại tá Pernót chỉ huy từ Hà Nội - Lai Châu đến Thượng Lào tiến vào Luông Phabăng. Sự có mặt của quân Pháp ở Thượng Lào đã làm cho quan hệ Pháp - Xiêm căng thẳng. Pháp tiếp tục lấn tới đưa 3 đại đội tiến sang Hạ Lào (Mường Phin, Khăm Muộn) và một đại đội đóng ở Xiêng khoảng. Các cuộc xung đột lẻ tẻ giữa quân đội Xiêm - Pháp thường xuyên nổ ra. Cuộc chiến tranh Pháp - Xiêm sắp sửa bùng nổ. Nhưng do Anh không ủng hộ nên Xiêm buộc phải nhượng bộ. Ngày 13/10/1893, hiệp định Pháp - Xiêm được ký kết, theo đó sông Mê Công được lấy làm ranh giới giữa Xiêm và Đông Dương thuộc Pháp. Với hiệp định năm 1893, chế độ cai trị của thực dân Pháp được chính thức thiết lập ở Lào.

Sau khi gạt Xiêm ra khỏi Lào, Pháp lập tức bắt tay vào tổ chức bộ máy cai trị. Bên cạnh vua Lào có một uỷ viên chính phủ Pháp nắm toàn quyền về Lào. Lúc đầu, Pháp chia Lào thành 2 khu vực: Thượng Lào gồm 6 tỉnh lấy Luông Phabăng làm thủ phủ, Hạ Lào có 7 tỉnh lấy Khoổng làm thủ phủ. Mỗi tỉnh có một viên khâm sứ nắm mọi quyền hành. Về sau, Pháp hợp nhất 2 khu vực làm một và đặt thủ phủ ở Xavannakhẹt, sau đó chuyển về Viêngchăn. Dưới tỉnh là mường, mỗi mường có nhiều tà xẻng, mỗi tà xẻng có nhiều bản. Đứng đầu chính quyền địa phương là những tên tay sai trung thành người Lào.

Pháp thực hiện chính sách vơ vét Lào, thực hiện chế độ lao dịch nặng nề bắt nhân dân đi phu 60-100 ngày/năm. Chúng đặt ra nhiều loại thuế mới như thuế thân bắt nam giới từ 18 đến 60 tuổi phải đóng. Chúng không chú ý mở mang công nghiệp mà chỉ tập trung mở rộng đồn điền trồng cây công nghiệp. Chính sách của thực dân Pháp đã làm bùng nổ phong trào chống xâm lược của nhân dân Lào.

3- Phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân Lào.

a) Phong trào chống Pháp của Phò Càđuột (1901 - 1903).

Là một nông dân ở tỉnh Xavannakhẹt, Phò Càđuột vô cùng căm tức trước hành động xâm lược, bóc lột của Pháp, nên đã lãnh đạo nhân dân đứng dậy khởi nghĩa vào năm 1901. Mùa xuân năm 1902, cuộc khởi nghĩa phát triển mạnh ở vùng đồng bằng Xavannakhẹt. Tháng 3 - 4 năm 1902, nghĩa quân chiếm Khêmarát, Xoỏngkhôn và bao vây thị xã Xavannakhẹt...

Quân Pháp vội điều lực lượng từ Nam kỳ lên và đàn áp dã man cuộc khởi nghĩa, giết chết 200 nghĩa quân.

Nghĩa quân rút về hoạt động ở vùng Xêpôn trên đường số 9 gần biên giới Lào-Việt. Sau đó căn cứ của nghĩa quân lại lùi về Huội Longcong vùng Kengcốc. Cuối năm 1902, trong một cuộc tấn công của Pháp, Phò Càđuột và nhiều nghĩa quân rơi vào tay kẻ thù. Cuộc khởi nghĩa kéo dài đến đầu năm 1903 thì tan rã.

b) Khởi nghĩa của Ong Kẹo và Kommađam (1901-1937)

Cuối năm 1900, ở Xanavẳn bắt đầu tiến hành những buổi lễ kỳ lạ trên núi Phù Kham và xuất hiện một người tên là My (tên thật của Ong Kẹo) có uy tín lớn trong nhân dân. Lời sấm truyền “Đã đến lúc tống cổ bọn xâm lược” lưu truyền rộng rãi trong nhân dân đã tạo nên bầu không khí chống Pháp mới.

Ong Kẹo là người dân tộc Nghé (một chi của Lào Thơng) ở tỉnh Xaravẳn. Ông đã cùng với Kommađam tập hợp lực lượng người Lào Thơng phát động khởi nghĩa. Ngày 12/4/1901, nghĩa quân tấn công lính Pháp ở chùa Tha Teng mở đầu cho cuộc khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng khắp cao nguyên Bôlôven. Nghĩa quân sử dụng chiến thuật du kích, tập kích quân Pháp gây cho chúng nhiều thiệt hại. Tháng 5/1901, nghĩa quân tấn công và chiếm đồn Konketu trên biên giới Lào -Việt.

Sau những trận đánh trong năm 1905-1906, nghĩa quân tạm ngừng hoạt động để củng cố lực lượng. Nhân cơ hội này, biết không thể đàn áp được nghĩa quân, Pháp đã sử dụng kế lừa bỉ ổi. Công sứ Pháp là Phenle giả vờ thương lượng mời Ong Kẹo đến chùa Xaravẳn. Tại đây tên công sứ Phenle đã bắn chết Ong Kẹo vào ngày 13/10/1907. Từ đây, nghĩa quân lại xiết chặt hàng ngũ xung quanh Kommađam.

Dưới sự lãnh đạo của Kommađam nghĩa quân tiếp tục đánh tan các cuộc tấn công của Pháp, mở rộng địa bàn hoạt động. Tháng 9/1936, Pháp huy động một lực lượng quân đội lớn với 5 tiểu đoàn bộ binh, 200 thớt voi, nhiều đơn vị kỵ binh với sự hỗ trợ của không quân tấn công vào căn cứ Phù Luổng. Kommađam đã bị hy sinh. Ba con trai ông tiếp tục chiến đấu đến tháng 7/1937 mới bị bắt. Cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thất bại.

c) Khởi nghĩa Chậu Pachay (1918-1922).

Cuộc khởi nghĩa nổ ra trên một vùng rộng lớn gồm phần Bắc Lào và nhiều tỉnh Tây Bắc Việt Nam với thành phần tham gia chủ yếu là người H’mông.

Chính sách thuế thuốc phiện bắt người H’mông phải nộp 2 kg thuốc phiện trong một năm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của Pachay (ông là người đứng đầu bản H’mông ở Mường Sơn, Sầm Nưa).

Ngày 4/12/1918, nghĩa quân đánh trận phục kích đoàn xe Pháp ở bản Nậm Ngan, quân Pháp tung lực lượng tấn công căn cứ của nghĩa quân, Pachay rút lui về Sơn La (Việt Nam). Nghĩa quân đã phục kích tiêu diệt nhiều lính Pháp (trong đó có tên quan ba Gôchiê).

Mùa hè năm 1919, cuộc khởi nghĩa lan rộng khắp vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào trên một diện tích rộng 4 vạn km[SUP]2[/SUP]. Nghĩa quân đã nhiều lần đánh tan các cuộc tấn công vào căn cứ của địch.

Trong năm 1920, diễn ra các trận giao chiến dữ dội giữa quân đội Pháp và nghĩa quân. Mặc dù chênh lệch lực lượng nhưng nghĩa quân tiếp tục sử dụng chiến thuật, du kích quấy rối kẻ thù. Từ cuối năm 1920, khởi nghĩa bị suy yếu dần. Để tránh sự truy lùng của địch, các đơn vị của Pachay phải phân tán từng lực lượng nhỏ. Cuối năm 1922, kẻ thù đã thực hiện nội gián, ám sát Pachay. Cuộc khởi nghĩa bị tan rã.

Các cuộc khởi nghĩa của nhân dân Lào đều mang tính chất tự phát, cục bộ địa phương và thường gắn với yêu cầu cụ thể của cư dân từng vùng. Các cuộc khởi nghĩa này đã chứng tỏ tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân Lào.

VĂN NGỌC THÀNH
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top