• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Lãnh đạo của cách mạng tư sản

Trang Dimple

New member
Xu
38
LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG TƯ SẢN

Cách mạng tư sản là bước chuyển từ hình thái kinh tế xã hội phong kiến sang hình thái kinh tế xã hội tư bản chủ nghĩa. Nó được thực hiện bằng cuộc đấu tranh giai cấp quyết liệt, giành chính quyền giữa tập đoàn phong kiến phản động, bảo thủ với giai cấp tư sản tiến bộ, có sự tham gia của quần của quần chúng nhân dân. Khi tìm hiểu về cách mạng tư sản có rất nhiều vấn đề được quan tâm như: động lực của cách mạng, nhiệm vụ, mục tiêu,… Trong nhiều vấn đề ấy, lực lượng lãnh đạo cũng rất quan trọng. Dưới đây là những thảo luận xoay quanh về lực lượng lãnh đạo của cách mạng tư sản.

1. Lãnh đạo cách mạng thường là giai cấp tư sản bên cạnh đó còn có thể là các giai cấp, tầng lớp khác

Trước đây khi nói về cách mạng tư sản, nhiều người cho rằng lãnh đạo cách mạng tư sản là giai cấp tư sản nhưng ngày nay với cách nhìn toàn diện và đầy đủ, chúng ta có thể khẳng định rằng giai cấp tư sản thông thường là giai cấp lãnh đạo nhưng do điều kiện, hoàn cảnh lịch sử của mỗi nước mà lãnh đạo cách mạng tư sản có thể bao gồm: quý tộc mới (cách mạng tư sản Anh), chủ nô (chiến tranh giành độc lập của thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ), Iunco (Cuộc đâú tranh thống nhất nước Đức)… Để làm rõ điều này chúng ta cần hiểu rõ về giai cấp tư sản và các giai cấp, tầng lớp ngay trong từng cuộc cách mạng tư sản cụ thể.
Trước hết thảo luận cần làm rõ nguồn gốc, đặc điểm chung của giai cấp tư sản. Bắt đầu từ thế kỉ XI trở đi, các thành thị ở châu Âu ra đời và phát triển với số lượng ngày một nhiều. Thành thị xuất hiện là một dấu hiệu của văn minh, là sự đối lập với chế độ phong kiến. Cùng với sự lớn mạnh của thành thị, tầng lớp thị dân trở nên giàu có; sự hoạt động của công thương nghiệp đã có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội Tây Âu. Sự khởi sắc của sức sản xuất đã góp phần phá vỡ nền kinh tế khép kín, tự cung tự cấp của các lãnh địa, tạo điều kiện cho nền kinh tế hàng hóa phát triển. Trong nông nghiệp và thủ công nghiệp cũng có sự tiến bộ về năng suất lao động và có sự chuyên môn hóa. Cùng với quá trình hình thành và phát triển của phương thức sản xuất mới – tư bản chủ nghĩa, xã hội Tây Âu đã có sự biến đổi quan trọng đó là sự ra đời của các giai cấp mới mà nổi bật là giai cấp tư sản. Chủ xưởng, chủ hầm mỏ, chủ đồn điền và thương nhân không trực tiếp sản xuất, thuê nhân công làm thuê, thu lợi nhuận thông qua việc bóc lột sức lao động của công nhân. Họ ngày càng giàu có và trở thành giai cấp tư sản. Trên đây là quá trình ra đời và đặc điểm chung của giai cấp tư sản còn khi xét cụ thể ở từng cuộc cách mạng tư sản chúng ta sẽ có cái nhìn đầy đủ và đa chiều hơn.

Ở nước Anh, giai cấp tư sản bao gồm thương nhân và chủ xưởng công trường thủ công. Vào đầu thế kỉ XVII, họ là giai cấp tiến bộ nhưng lại có nhiều bộ phận với quyền lợi khác nhau nên tinh thần cách mạng cũng không giống nhau. Trước khi cách mạng bùng nổ, giai cấp tư sản Anh đã trở thành một lực lượng kinh tế và chính trị đáng kể nhưng chưa đủ sức để một mình lãnh đạo cách mạng.

Ở nước Pháp, giai cấp tư sản là giai cấp có thế lực kinh tế lớn nhất. Giai cấp tư sản tập trung trong tay mình những nguồn vốn khổng lồ, làm chủ những xí nghiệp công nghiệp trong nước, khống chế nội và ngoại thương, làm chủ nhiều diện tích đất đai. Giai cấp tư sản là những người vừa giàu có hơn, lại vừa có tri thức hơn các đẳng cấp có đặc quyền khác. Giai cấp tư sản Pháp lại phân hóa thành nhiều tầng lớp: đại tư sản tài chính, đại tư sản công thương, tư sản công thương vừa và nhỏ,…
Từ việc tìm hiểu hai cuộc cách mạng tư sản tiêu biểu ở Anh và ở Pháp, chúng ta cần khẳng định lại rằng thông thường lãnh đạo các cuộc cách mạng tư sản là giai cấp tư sản. Tuy vậy cũng cần thấy rằng ở mỗi nước, mỗi cuộc cách mạng tư sản, lực lượng lãnh đạo còn có thể nhiều hơn ngoài giai cấp tư sản.

Trong cách mạng tư sản Anh, ngoài tư sản, tầng lớp quý tộc mới cũng là lực lượng lãnh đạo cách mạng. Trước sự phát triển của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa trong nông nghiệp, một số quý tộc hạng vừa và nhỏ kinh doanh đất theo lối tư bản chủ nghĩa, thuê nhân công để nuôi cừu, sản xuất nông nghiệp theo cách thức của giai cấp tư sản hay đem đất cho nhà tư bản nông nghiệp thuê. Họ đã trở thành tầng lớp quý tộc tư sản hóa được gọi là quý tộc mới. Trong thu nhập của họ địa tô và lợi nhuận từ công thương nghiệp kết hợp với nhau. Một số quý tộc mới xuất thân từ giới công thương nghiệp. Để làm giàu quý tộc mới đẩy mạnh quá trình rào đất cướp ruộng, bỏ tiền mở các xưởng sản xuất bia rượu. Quý tộc mới dựa vào những lợi thế về chính trị và kinh tế của mình cùng mong muốn xóa bỏ những rào cản mà chế độ phong kiến dựng lên nên đã nhanh chóng trở thành giai cấp lãnh đạo cách mạng cùng với giai cấp tư sản.

Trong cuộc đấu tranh của các thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ, sát cánh cùng giai cấp tư sản lại là tầng lớp chủ nô. Chủ nô sở hữu ruộng đất lớn, dưới hình thức đồn điền. Họ sử dụng chủ yếu lao động là nô lệ da đen. Mặc dù kinh tế đồn điền ở đây dựa vào sức lao động của người nô lệ nhưng lại gắn liền với phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Nhìn rộng hơn, ta còn thấy rằng lãnh đạo cách mạng tư sản không những là giai cấp tư sản và các giai cấp, tầng lớp khác mà thậm chí ở nhiều cuộc cách mạng giai cấp lãnh đạo không phải là giai cấp tư sản mà nếu có thì chỉ mang một vài nét tư sản. Đó là tầng lớp quý tộc Iunco trong cuộc đấu tranh thống nhất nước Đức, là tầng lớp phong kiến tư sản hóa trong cuộc cải cách Duy tân Minh Trị ở Nhật Bản,…

2. Lãnh đạo của cách mạng tư sản có sự liên minh giữa các giai cấp

2.1. Liên minh tư sản với quý tộc mới (Cách mạnh tư sản Anh)

Tại sao quý tộc mới có thể liên minh với tư sản cùng lãnh đạo cách mạng tư sản Anh?

Ở nước Anh trước cách mạng, quý tộc mới được hưởng những đặc quyền và địa vị chính trị như quý tộc phong kiến. Mặt khác, trong quá trình kinh doanh công thương nghiệp, quý tộc mới lại có điều kiện thuận lợi hơn so với giai cấp tư sản. Bởi lẽ nhiều người trong số họ còn nắm giữ các chức vụ ở địa phương, có thể dùng đặc quyền của mình chống lại sự can thiệp của nhà vua do đó thế lực kinh tế của quý tộc mới rất mạnh. Tuy nhiên, quý tộc mới cũng phải phụ thuộc khá nhiều vào nhà vua, bị cản trở con đường phát triển kinh tế.

Giai cấp tư sản - đại diện cho lực lượng sản xuất mới cũng mâu thuẫn sâu sắc với nhà vua - đại diện cho phương thức sản xuất cũ.

Chính sự thống nhất nguyện vọng trong việc xóa bỏ những rào cản cản trở sự phát triển của mình, tư sản đã liên minh với quý tộc mới chống lại phong kiến, mở đường cho kinh tế tư bản phát triển.

2.2.Liên minh tư sản với chủ nô trong cuộc đấu tranh giành độc lập của 13 bang thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ cuối thế kỉ XVIII
Giai cấp tư sản và chủ nô mang mâu thuẫn trong phương thức kinh doanh nhưng lại liên minh chống thực dân Anh bởi lẽ thực dân Anh ngày càng đụng chạm đến quyền lợi của hai giai cấp, tầng lớp này.

Đồng thời xuất phát từ đặc điểm kinh tế - xã hội nước Mĩ làm cho hai lực lượng này mang hai phương thức kinh doanh trái chiều nhau nhưng lại có thể dung hòa nhằm đặt mâu thuẫn dân tộc lên hàng đầu.

Trước khi Crixtop Colongbo phát hiện ra châu Mĩ, ở vùng đất này đã có con người sinh sống theo chế độ thị tộc bộ lạc trong khi hầu hết các nước châu Âu đang bước vào hậu kì của chế độ phong kiến. Do đó, khi xâm lược châu Mĩ, người châu Âu (mà chủ yếu là người Anh) đã mang theo quan hệ sản xuất mới - tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên ở vùng đất này vẫn còn tồn tại những yếu tố của phương thức tiền tư bản. Vì vậy, nền kinh tế của 13 bang thuộc địa Anh ở Bắc Mĩ có tính chất phức tạp. Các thuộc địa ở miền Bắc và miền Trung thường kinh doanh theo phương thức tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, ở miền Nam chế độ sở hữu ruộng đât lớn chiếm địa vị thống trị. Chính sự phức tạp về kinh tế đã dẫn đến sự phức tạp về mặt xã hội, bên cạnh giai cấp tư sản chiếm địa vị then chốt về kinh tế thì chủ nô cũng chiếm một lực lượng đông đảo.

Chủ nô ở miền Nam tuy sử dụng sức lao động của nô lệ là chủ yếu nhưng lại gắn liền với phương thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa, tức là sản phẩm lao động gắn liền với nhu cầu thị trường, biến chúng trở thành một thứ hàng hóa. Như Các Mác nhận xét rằng: “Trong điều kiện lịch sử cụ thể của Bắc Mĩ, nhà tư bản và địa chủ thống nhất lại thành một nhân vật duy nhất là chủ nô”.

Có thể nói rằng những lợi ích mà phương thức kinh doanh tư bản chủ nghĩa đem lại đã làm nảy sinh những nhu cầu chung về quyền lợi giữa tư sản và chủ nô như nhu cầu mở rộng thị trường, tự do buôn bán, lưu thông hàng hóa, thống nhất hệ thống đo lường, tiền tệ,…

Liên minh tư sản và chủ nô đã tiến hành lãnh đạo cuộc chiến tranh cách mạng vĩ đại, đánh đuổi thực dân Anh, giành độc lập dân tộc và thi hành những nhiệm vụ dân chủ.

3. Giai cấp lãnh đạo cách mạng quyết định tính triệt để của cách mạng

Việc so sánh cách mạng tư sản Anh và cách mạng tư sản Pháp sẽ làm sáng tỏ nhận định trên.

Ở cách mạng tư sản Anh, lãnh đạo cách mạng là liên minh tư sản với quý tộc mới. Điều đó có nghĩa là quý tộc mới cũng là lực lượng lãnh đạo cách mạng. Quý tộc mới xuất thân từ quý tộc phong kiến nên không muốn xóa bỏ hoàn toàn chế độ phong kiến,ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình cũng như kết quả của cuộc cách mạng. Buc-nao đã từng nói: “Ở đây có một vấn đề thực…Chúng ta kết thúc cách mạng hay hay bắt đầu cách mạng trở lại, tiến một bước nữa (trên con đường cách mạng) là một hành động nguy hiểm và có tội, tiến một bước nữa trên con đường tự do tức là sự phá hủy nền quân chủ, tiến một bước nữa trên con đường bình đẳng tức là phá hủy tư hữu,…” (do Xoobun trích dẫn).

Liên minh giai cấp tư sản và quý tộc mới đã lợi dụng phong trào đấu tranh của quần chúng để lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế. Nhưng nguyện vọng của quần chúng nhân dân lại không được đáp ứng.

Sau thắng lợi của cuộc nội chiến lần 1 (1642-1646), đứng trước nền kinh tế bị tàn phá, gián đoạn nhưng quốc hội không có chính sách nhằm cải thiện đời sống của nhân dân lao động. Các thứ thuế cũ đè nặng lên vai người nông dân vẫn được giữ nguyên; yêu cầu về ruộng đất của người nông dân không được giải quyết. Liên minh quý tộc và tư sản thông qua “quốc hội dài” đã thi hành một chính sách ruộng đất chống lại nông dân như tịch thu ruộng đất của quý tộc phong kiến ủng hộ Saclo I, đem bán cho quý tộc mới và tư bản thành thị chứ không phải nông dân. Quốc hội chỉ bãi bỏ nghĩa vụ phong kiến cho quý tộc mới và tư sản còn người nông dân thì vẫn phải chịu đóng thuế cho chủ đất mới. Như vậy sự bóc lột phong kiến đối với người nông dân không bị thủ tiêu mà từ nay quý tộc mới lại còn có thể tự do quyết định cho phép nông dân được tiếp tục thuê ruộng hay đuổi họ.

Kết quả cuối cùng của cách mạng Anh là thành lập nền quân chủ lập hiến. Như vậy, ta có thể thấy rằng yếu tố phong kiến vẫn được duy trì. Đây là một đặc trưng riêng của cách mạng tư sản Anh. Một đặc trưng được tạo bởi lãnh đạo là tư sản và quý tộc mới.

Ở Pháp, lãnh đạo cách mạng tư sản là giai cấp tư sản. Cách mạng Pháp là một cuộc cách mạng tuy chưa phải là triệt để hoàn toàn nhưng so với các cuộc cách mạng khác thời cận đại thì nó là cuộc cách mạng triệt để hơn cả. Tính triệt để của cuộc cách mạng được thể hiện rất rõ qua bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền (1789), qua hiến pháp 1791, và qua tiến trình của cách mạng.

Ngày 26 tháng 8 năm 1789, Quốc hội lập hiến Pháp đã thông qua bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền. Tuyên ngôn gồm có 17 điều, là một cương lĩnh công bố những nguyên tắc cơ bản của xã hội mới do cách mạng lập nên,nó nhằm định nghĩa một cách chính xác và hoàn chỉnh những quyền tự nhiên, thiêng liêng và bất di bất dịch của con người và công dân. Tuyên ngôn đã nêu lên một công thức nổi tiếng: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái”. Điều thứ nhất của Tuyên ngôn khẳng định: “Mọi người sinh ra được tự do và bình đẳng. Đó là quyền tự do cá nhân, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, quyền hưởng an ninh và chống áp bức, được xem là những quyền tự nhiên và tuyệt đối của con người và của mọi công dân”. Điều 3 của bản Tuyên ngôn đã khẳng định quyền tối cao của dân tộc nghĩa là quyền của toàn thể công dân. Điều 17 quy định quyền sở hữu tài sản tư nhân là quyền “bất khả xâm phạm và thiêng liêng”. Mặc dù còn hạn chế, nhưng Tuyên ngôn có nhiều điểm tiến bộ và là cương lĩnh cho chế độ mới.

Ngày 3 tháng 9 năm 1791, hiến pháp được Quốc hội lập hiến thông qua, thiết lập chế độ quân chủ lập hiến - Tam quyền phân lập. Chế độ Tam quyền phân lập thúc đẩy việc thi hành các bản tuyên ngôn và hiến pháp đảm bảo dân chủ, ngăn chặn sự chuyên quyền của nhà vua.

Như vậy, đến đây có thể thấy rằng giai cấp lãnh đạo quyết định đến tính triệt để của cách mạng. Những cuộc cách mạng do tư sản lãnh đạo thường triệt để hơn những cuộc cách mạng được lãnh đạo bởi những tầng lớp do giai cấp phong kiến phân hóa lên.

4. Mối liên minh giưã giai cấp lãnh đạo với quần chúng nhân dân

4.1. Giai cấp lãnh đạo trong giai đoạn đầu chú ý lôi kéo quần chúng nhân dân tham gia cách mạng bằng việc đưa ra các khẩu hiệu hấp dẫn

Nhằm lôi kéo quần chúng nhân dân về phía mình tạo nên một đội quân hùng hậu gây sức ép lên chế độ phong kiến, giai cấp lãnh đạo đã đưa ra những điều kiện có lợi thỏa mãn nhu cầu của quần chúng nhân dân khi đó nên nhận được sự ủng hộ nhiệt tình tham gia của đại đa số các tầng lớp nhân dân trong xã hội.

Ở Anh Ôlivơ Crômoen đã cam kết sẽ thực hiện bản “Thỏa ước nhân dân”. Bản thỏa ước yêu cầu giải tán ngay nghị viện, đòi nghị viện phải do tuyển cử hai năm một lần; số nghị viên theo khu vực phải tỷ lệ với số dân ở nơi đó. Hạ viện được coi là cơ quan quyền lực cao nhất cả nước. Yêu sách quan trọng nhất là đòi phổ thông đầu phiếu. Họ đòi tự do tín ngưỡng, hủy bỏ các thứ thuế gián tiếp, đánh thuế tài sản, thủ tiêu mọi đặc quyền có tính chất phân biệt đẳng cấp, nhà nước phải nuôi những người tàn phế, già cả. Họ đòi xóa bỏ thuế một phần mười nộp cho giáo hội…

Việc thi hành bản thỏa ước đó sẽ thanh toán được những tàn tích của chế độ phong kiến và thành lập chế độ cộng hòa dân chủ tư sản ở Anh. Bản thỏa ước đó nhận được sự ủng hộ của quân đội và nhanh chóng trở thành ngọn cờ của cách mạng.
Ở Pháp giai cấp lãnh đạo đã đưa ra bản “Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền” (8-1798) gồm 17 điều khoản. Tuyên ngôn nêu lên quyền tự do bình đẳng của con người, khẳng định chủ quyền thuộc về nhân dân, ban hành các quyền tự do tư sản đồng thời khẳng định quyền sở hữu tài sản tư nhân. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Pháp và châu Âu chủ quyền tối cao được tuyên bố thuộc về nhân dân cùng với những quyền tự do dân chủ khác. Quyền lực của nhà vua cùng chế độ đẳng cấp trong xã hội phong kiến bị bãi bỏ.

Trong thời kỳ mà nền quân chủ chuyên chế đang thống trị ở châu Âu, những quyền lợi cơ bản của con người bị tước đoạt một cách tàn tệ thì bản tuyên ngôn chính là một văn kiện lịch sử tiến bộ,là lời kêu gọi nhân dân bị áp bức đứng dậy đấu tranh.
Ngoài Anh và Pháp còn có Đức. Ở Đức, Bixmac hứa sẽ lập quyền phổ thông đầu phiếu cho nông dân.

Với các khẩu hiệu hấp dẫn như vậy các giai cấp lãnh đạo của các cuộc cách mạng tư sản đã nhận được sư tham gia của đại đa số quần chúng trong xã hội. Họ trở thành một trong những động lực vô cùng quan trọng của cuộc cách mạng, làm cho cách mạng giành được những thắng lợi quyết định, đưa cuộc cách mạng đến thắng lợi khi đã lật đổ được chế độ phong kiến cùng với những tàn dư của nó.

4.2 Giai cấp lãnh đạo quay lưng lại với quần chúng nhân dân khi đã đạt được mục đích của mình

Sau khi đã đạt được mục đích của mình giai cấp lãnh đạo không quan tâm đến nguyện vọng của quần chúng nhân dân, họ quay lưng lại với quần chúng, đàn áp phong trào của nhân dân mà họ cho là quá khích. Khi đã nắm được chính quyền trong tay họ không những giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, ngược lại họ còn thẳng tay đàn áp các phong trào của quần chúng nhân dân. Từ đó ta mới thấy được bản chất của giai cấp lãnh đạo đó là chỉ muốn chuyển từ hình thức tư hữu phong kiến sang hình thức tư hữu tài sản. Đây chính là mục đích mà giai cấp lãnh đạo cách mạng.

Ví dụ cách mạng tư sản Anh. Liên minh lãnh đạo tư sản và quý tộc mới đã lợi dụng sức mạnh bạo lực của quần chúng lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế. Nhưng sau đó thành quả cách mạng nhân dân không được hưởng, không được đáp ứng nhu cầu về ruộng đất. Liên minh tư sản và quý tộc mới chỉ đảm bảo quyền lợi cho mình, trở thành lực lượng thay thế chế độ phong kiến cũ bóc lột nông dân.

Cách mạng tư sản Pháp cũng vậy. Sau khi cách mạng giành thắng lợi chính quyền về tay phái lập hiến, phái này đại diện cho quyền lợi của tầng lớp đại tư sản và quý tộc tư sản hóa. Mặc dù quốc hội lập hiến có soạn thảo và thông qua bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền (8-1789) và đưa ra hiến pháp năm 1791 về rất nhiều vấn đề có lợi cho quần chúng nhân dân đặc biệt là chính sách ruộng đất. Tuy nhiên các chính sách của Quốc hội lập hiến ngày càng tỏ ra rằng tầng lớp đại tư sản nắm chính quyền không muốn giải quyết yêu cầu của quần chúng và không kiên quyết đối với thế lực phản động. Bất bình trước thái độ, hàng loạt các cuộc đấu tranh liên tiếp xảy ra, nước Pháp rơi vào tình trạng chiến tranh kéo dài với sự cầm quyền của các phe phái khác nhau trong từng giai đoạn của cuộc chiến.

5. Lãnh đạo của cách mạng tư sản sẽ ảnh hưởng đến tiến trình của cuộc cách mạng

Minh chứng điển hình nhất ta thấy được là ở cuộc cách mạng tư sản ở Anh. Lãnh đạo cách mạng tư sản Anh có thêm tầng lớp quý tộc mới điều này ảnh hưởng đến tiến trình của cách mạng.

Năm 1642 bùng nổ nội chiến giữa một bên là phái bảo hoàng do nhà vua đứng đầu và một bên là phe quốc hội của liên minh quý tộc mới và tư sản. Năm 1649 Sáclơ I bị xử tử, chiến thắng thuộc về quốc hội, cách mạng Anh đạt đến đỉnh cao với sự ra đời của “nhà nước cộng hòa và nước tự do ở Anh”. Tuy phía cầm quyền thực hiện một số biện pháp tích cực (xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế, quy định Anh là một nước cộng hòa theo chế độ mật viện của quốc hội), nhưng thực chất của nền cộng hòa vẫn là một nền chuyên chế của tầng lớp thuộc phái độc lập nằm dưới sự lãnh đạo của Cromoen và các tướng lĩnh trong quân đội.

Tuy nhiên các nước cộng hòa Anh ra đời là kết quả của sự liên minh giữa giai cấp tư sản và tầng lớp quý tộc mới. Về thực chất liên minh giữa quyền lợi của tư sản và quý tộc mới là quyền tư hữu về ruộng đất và các quyền khác về kinh tế chính trị xã hội. Do đó mục đích của việc xóa bỏ chế độ quân chủ chuyên chế là chuyển quyền tư hữu từ tay thế lực phong kiến bảo hoàng sang liên minh tư sản và quý tộc mới, nhưng dưới danh nghĩa là một nước cộng hòa đi theo chế độ dân chủ - có nghĩa quyền lợi bình đẳng cho mọi người dân đặc biệt là vấn đề ruộng đất đã cản trở trực tiếp con đường tư hữu của liên minh này. Do đó liên minh tư sản và quý tộc đã mới buộc phải thay đổi thể chế chính trị từ chế cộng hòa sang chế độ bảo hộ công (1653-1659) dưới sự cầm quyền của Crômoen. Thực chất là chuyển từ một chế độ hoạt động trên nguyên tắc dân chủ sang chế độ đứng trên chỗ dựa cảu hệ thống quân đội và cảnh sát, công cụ giúp giai cấp tư sản và quý tộc mới trấn áp các lực lượng phản kháng giúp liên minh này phát triển kinh tế.

Tuy nhiên chế độ bảo hộ công chỉ thực sự có hiệu quả dưới sự lãnh đạo của người cầm quyền có đủ tài năng như Crômoen. Nhưng khi Crômoen chết (1658) thì chế độ bảo hộ công không còn đứng vững được nữa. Các thế hệ nối tiếp Crômoen như Saclo I và Giêm II đều chủ trương khôi phục lại chế độ quân chủ chuyên chế, thủ tiêu những người cách mạng. Đứng trước nguy cơ trên năm 1688 Quốc hội Anh tiến hành một cuộc chính biến và năm 1689 chế độ quân chủ lập hiến ở Anh ra đời.
Như vậy, tiến trình của cách mạng Anh rất phức tạp. Theo đó ngay sau khi lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, chế độ cộng hòa được thiết lâp. Nhưng sau đó để phù hợp với hoàn cảnh và giai cấp lãnh đạo, chế độ bảo hộ công đã thay thê nó và cuối cùng là chế độ quân chủ lập hiến.


Như vậy chúng ta có thể thấy thành phần lãnh đạo của cách mạng tư sản rất đa dang phong phú không chỉ là giai cấp tư sản thì mới tham gia lãnh đạo cách mạng. Tìm hiểu cách mạng của từng nước ta sẽ thấy điều đó. Lãnh đạo của cách mạng là ai sẽ ảnh hưởng đến tiến trình và tính triệt để của cách mạng. Khi tìm hiểu 1 cuộc cách mạng tư sản chúng ta cần tìm hiểu giai cấp lãnh đạo để thấy rõ được đặc trưng bản chất của cuộc cách mạng đó.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Lịch sử nhận loại phát triển qua năm hỡnh thái kinh tế xã hội – theo quan niệm của chủ nghĩa duy vật lịch sử - đó là: cộng sản nguyên thuỷ, chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Từng hình thái kinh tế xã hội là một bước tiến trong lịch sử tiến hoá của nhân loại. Mỗi hình thái là một nấc thang phát triển nên sự chuyển biến từ hình thái kinh tế xã hội này sang một hình thái kinh tế xã hội khác không thể dễ dàng mà phải vật lộn khó khăn quyết liệt, đó chỉ có thể là các cuộc cách mạng xã hội. Do vậy các cuộc cách mạng xã hội có ý nghĩa vô cùng to lớn, như những bước ngoặt trong sự phát triển của lịch sử. Cách mạng tư sản cũng vậy. Nó đó chuyển nhân loại từ đêm trường trung cổ tối tăm bước đến ánh bình minh của trình độ phát triển cao của sản xuất, khoa học kĩ thuật, văn hoá, tư tưởng… Marx phải thừa nhận chỉ mấy mươi năm của CNTB đã sản xuất ra một khối lượng của cải vật chất bằng mấy nghìn năm trước đó cộng lại. Do vậy tìm hiểu về cách mạng tư sản là một đề tài có ý nghĩa lớn đối với việc nghiên cứu lịch sử và có nhiều vấn đề

Xem thêm TẠI ĐÂY

Nguồn thuvienso
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top