Làng chài Cao Bình thường xuyên vắng bóng người bởi nhiều gia đình tuy có nhà ở làng nhưng vẫn phải lênh đênh trên thuyền, ít khi về nhà.
Gian nan con đường học hành
Tiếp nhận thông tin về một làng lần đầu tiên có người dự thi tốt nghiệp THPT, tôi không thể tin được - nhất là làng đó lại ở một vùng quê đồng bằng Bắc Bộ - liền gọi điện thoại hỏi lãnh đạo xã. Ông Đỗ Đức Cảnh - Chủ tịch xã Hồng Tiến - giọng đầy phấn khởi: “Đúng! Từ xưa đến nay, năm nay mới có một người của làng chài Cao Bình đi thi tốt nghiệp THPT. Cháu ấy tên là Nguyễn Văn Thiêng, năm nay đã 23 tuổi rồi, đang học lớp 12A11 Trường THPT Nguyễn Du ở thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương)”.
Làng “điểm chỉ” chỉ cách TP.Thái Bình có hơn 20km thôi mà đã được liệt vào danh sách “vùng sâu, vùng xa”, bởi không “sâu, xa” sao được khi mà lần đầu tiên cả làng có một học sinh đeo đuổi con chữ đến lớp 12. Buổi trưa ở làng “điểm chỉ” vắng ngắt bóng người, hỏi mãi mới tìm được nhà của cậu học trò tên Thiêng, nhưng thật tiếc vì không thể gặp được “nhân vật” của sự kiện có một không hai của làng này, khi mẹ của Thiêng cho hay Thiêng đang ở trọ tại thị trấn Thanh Nê.
Bà Quế - mẹ Thiêng - tự hào khi nói về con: “Vợ chồng tôi có 5 đứa mà 3 anh của nó đều mù chữ như vợ chồng tôi. Chú bảo, quanh năm rong ruổi hết sông lại ra biển kiếm sống thì làm sao các cháu học hành được. Mỗi thằng Thiêng là có chí học hành nhất, em nó cũng chỉ cố được đến lớp 4 là thôi học. Thấy Thiêng ham con chữ quá, vợ chồng tôi đành quyết gửi con lên bờ để nó được học hành, nhưng cũng phải đến năm 10 tuổi thì Thiêng mới bước vào lớp 1”.
Nguyễn Văn Thiêng - “nhân vật” của sự kiện có một không hai
Ông chủ tịch xã giọng buồn buồn, làng Cao Bình bây giờ dù đã có người học hành, nhưng vẫn còn tên là “điểm chỉ” vì bậc cha mẹ, cao niên do tuổi già sức yếu không rong ruổi trên sông nước được nữa, họ đã lên bờ dựng nhà để ở, vì vậy cháu họ đã có điều kiện để đến trường học hành.
Ông kể rằng: Đợt giao đất vừa qua cho 63 hộ thì có tới 60% số hộ phải điểm chỉ. Hiện trong xã có hơn 40 cháu học tiểu học, hơn 20 cháu học THCS, 30 cháu học mầm non, nhưng hầu như học xong THCS là các cháu đồng loạt nghỉ học, đi kéo lưới cùng bố mẹ. Còn những cháu học tiểu học thì có cháu cũng cố học để có “bằng tốt nghiệp tiểu học”, vì tỉ lệ bỏ học lên đến 30%”. Chính quyền xã cũng động viên, nhưng cũng không thể “nhích” hơn. Chính vì vậy mà trường hợp của Thiêng thật... đặc biệt!
“Độc nhất vô nhị”
Chúng tôi ngược lên thị trấn Thanh Nê để gặp Thiêng tại nơi ở trọ. Ngày thi đầu tiên với Thiêng thật thiêng liêng. Trong lúc chúng bạn “thư giãn” sau những ngày miệt mài với sách vở thì Thiêng vẫn đang tranh thủ rà lại kiến thức cho môn thi ngày đầu tiên. Trò chuyện với chúng tôi, Thiêng nói: “Em phải cố để vào được đại học, trong khi bố mẹ ở nhà tằn tiện, chắt bóp cho em ăn học mà mình không cố thì uổng công cha mẹ lắm”.
Thiêng tính mỗi tháng mất 100.000đ tiền thuê nhà, nước thì dùng ở giếng và nước mưa nên... miễn phí. Điện thì cả tháng hết khoảng 70.000đ cho cả 4 người. Vậy, mỗi tháng tổng chi phí khi học xa nhà của em là 500.000 - 600.000đ. “Nhiều lúc thấy bố mẹ cực quá, muốn bỏ học về phụ cha mẹ, dẫu gì em đã 23 tuổi rồi chứ còn bé bỏng gì nữa, nhưng mẹ em bảo: Đã cố thì cố luôn một thể, dang dở phí lắm con ạ” - Thiêng tâm sự.
Bà Quế - mẹ của Thiêng - rất hy vọng con trai mình sẽ đỗ đại học để thoát phận nghèo. Ảnh: Đ.T.T
Trong khi các bạn bè học cùng khối rơi rụng dần khi lên lớp cao, thì Thiêng vẫn kiên trì, bám chặt vào con chữ. Với sức học khá, sau khi học xong THCS, được sự động viên khích lệ của bạn bè, thầy cô, Thiêng đã quyết thi vào Trường THPT Nguyễn Du, trong khi điểm đầu vào của trường này cao hơn hẳn trường gần nhà. Thiêng lý giải rằng, dù vào trường Nguyễn Du “gian nan” hơn trường Bình Thanh, nhưng môi trường học tốt hơn, thầy cô giỏi và cao hơn là học ở đây thì có cơ hội vào trường đại học hơn.
Thế là dù có người bàn ngược, bàn xuôi chuyện “trường lớp”, nhưng Thiêng vẫn quyết chọn con đường xa hơn, khó khăn hơn, chông gai hơn để bước đi. Ngay cả khi Thiêng thi đỗ trường Nguyễn Du với 37 điểm (điểm chuẩn là 23) cũng đã là một sự kiện làm chấn động cả làng chài Cao Bình.
Thiêng vẫn còn nhớ có lần về xin tiền mẹ, thấy mặt mẹ buồn buồn mà lặng cả người, vì biết trong nhà không còn đồng bạc nào, nhưng mẹ đã rất nhanh giấu đi nỗi buồn để Thiêng yên tâm học tập: “Mẹ phải sang hàng xóm vay tạm, cầm tiền mẹ đưa mà em ứa nước mắt”.
Nói về cậu học trò của mình, cô Vũ Thị La - chủ nhiệm lớp của Thiêng - cho biết: Thiêng học khá, rất ngoan, hòa đồng với các bạn, tham gia các hoạt động của lớp với tinh thần cao. “Đối với Thiêng, em ấy đã vượt qua được rất nhiều khó khăn về kinh tế của gia đình để học tập tốt, nhưng quan trọng hơn, em ấy đã vượt qua được cách nghĩ đã tồn tại lâu ở làng chài. Tôi hy vọng, sau trường hợp của em Thiêng, sẽ có nhiều em khác của làng “điểm chỉ” sẽ tiếp nối, học cao hơn, chứ không bỏ học nửa chừng như hiện nay. Thiêng sẽ không là trường hợp cá biệt nữa” - cô giáo La nói.
Hỏi về ý định của mình, Thiêng cho biết, em sẽ thi ban A vào Trường Đại học Giao thông Vận tải. Em chỉ nộp duy nhất một hồ sơ vào trường này. Em mơ ước sau này thành một kỹ sư cầu đường. Tôi hỏi em, nếu em đỗ đại học, thì em có lường hết những khó khăn xảy ra khi phải sống nơi thủ đô đắt đỏ, trong khi gia cảnh khó khăn? Thiêng trầm ngâm, giọng xa xăm: “Em biết chứ, em cũng đã suy nghĩ nhiều về điều này. Nếu đỗ đại học, em sẽ tìm cách khắc phục khó khăn, bằng cách vừa học, vừa làm...”.
Rồi em cười, ngượng nghịu: “Nhưng đó là chuyện về sau mà anh. Trước hết phải vượt qua hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học trước mắt đã, phải không anh? Em tuổi cũng đã lớn hơn chúng bạn, khó khăn cũng đã từng vượt qua, nên đối với em “cố” là qua được”.