Làng cổ Kim Hoa - Kim Liên (Hà Nội)

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
LÀNG CỔ KIM HOA - KIM LIÊN (HÀ NỘI)



Làng Kim Liên (nay thuộc phường Kim Liên, quận Đống Đa) tên gốc là Kim Hoa, vì kỵ húy mẹ Vua Thiệu Trị là Hồ Thị Hoa nên đổi gọi là Kim Liên vào năm Tân Sửu (1841). Đây là một trong 36 phường của Kinh đô Thăng Long thời Lê.

Sang thời Nguyễn, phường đổi thành thôn (làng) và là một trong 23 thôn, trại, phường thuộc tổng Tả Nghiêm (sau đổi thành tổng Kim Liên), huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, từ năm 1915 thuộc huyện Hoàn Long, tỉnh Hà Đông (năm 1941 đổi thành Đại lý đặc biệt Hà Nội), có dân số tương đối đông (năm 1926, làng có 1586 nhân khẩu).

Ngoài làm ruộng, trồng màu (đồng ruộng của làng nay là các dãy nhà cao tầng của khu tập thể Kim Liên), làng có nghề nhuộm vải nâu, nên làng còn có tên là Đồng Lầm. Phía Đông của làng có hai hồ lớn là hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu (xem ảnh). Đây là nơi xưa kia dân làng lấy bùn để “nhấn bùn” cho vải màu nâu ngả sang màu đen. Xưa kia làng còn có sông Kim Ngưu - một nhánh của sông Tô Lịch chảy qua, xuống Cầu Dền, Vĩnh Tuy thì chia thành nhiều nhánh xuống các làng xã huyện Thanh Trì. Nghề nhuộm nâu, sông Kim Ngưu (sông Dài) cùng với hai hồ lớn là ba nét đặc trưng của làng Kim Liên - Đồng Lầm xưa. Ca dao cũ có câu:

Đồng Lầm có vải nâu non
Có hồ cá rộng, có con sông dài

Đầu làng Kim Liên (chỗ ngã tư Đại Cồ Việt - Kim Liên hiện nay) vào giữa thế kỷ XIX trở về trước có một cửa ô gọi là Ô Kim Hoa, hay Ô Kim Liên, tên dân gian gọi là Ô Đồng Lầm. Đây chính là một cửa ô mở qua tường phía Nam của tòa thành đất vòng giữa bao bọc khu dân cư của Kinh thành Thăng Long về phía Đông. Trên địa phận của làng còn có địa danh Mộng Kiều là nơi diễn ra trận đánh giữa Vua Lê Tương Dực dẹp tan quân của Trần Cảo vào năm Canh Ngọ - 1510 mà sử cũ đã ghi.

Thời Lê - Trịnh, làng Kim Liên cùng với làng Trung Tự được hưởng “tạo lệ” chuyên trách việc thờ cúng ông Nguyễn Hy Quang (1634 - 1692), đỗ Tam trường thi Hội khoa Sĩ Vọng, làm quan Thị lang, dạy các thế tử họ Trịnh, được ban tước Hiển Quận Công, sau khi mất được phong Phúc thần.

Trước đó, làng Kim Liên có ông Trần Vĩ (1564 - ?) đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, niên hiệu Hoằng Định, đời Vua Lê Kính Tông (năm 1604), làm quan đến Tả Thị lang bộ Lại, kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Hương Quận công, được cử đi sứ sang nhà Minh; về trí sĩ; khi mất được tặng Thượng thư, hàm Thiếu bảo.

Làng Kim Liên có ngôi đình thờ Cao Sơn đại vương. Hiện nay có nhiều thuyết khác nhau về lai lịch của vị thần này: là Sơn Tinh, là chú ruột của Sơn Tinh hoặc là một trong 50 người con theo Lạc Long Quân đi xuống khai phá vùng đồng bằng. Làng còn có ngôi đền cũng thờ Cao Sơn, xây dựng vào năm Canh Ngọ (1510), được coi là ngôi đền trấn giữ phía Nam thành Thăng Long. Trong đền còn tấm bia do Hoàng giáp Lê Tung soạn năm 1510, kể về việc thần Cao Sơn đã âm phù Lê Tương Dực đánh dẹp Lê Uy Mục. Bia đã bị mờ nên được khắc lại vào năm Nhâm Thìn đời Cảnh Hưng (1772).

TS. Bùi Xuân Đính

Đình Kim Liên

Đình Kim Liên được lập nên để thờ thần Cao Sơn. Năm 1510, niên hiệu Hồng Thuận thứ III, ngôi đình được xây cất, trước có tên gọi: "Cao Sơn Đại Vương Từ", nghĩa là đền thờ Cao Sơn Đại Vương. Do đình đặt tại làng Kim Liên và chính do người dân làng Kim Liên có công tạo dựng, gìn giữ nên sau này ta thường gọi là đình Kim Liên. Mặt tiền của đình quay về hướng Nam. Trước đây, đình Kim Liên có diện tích rộng khoảng 3 mẫu Bắc Bộ.

Đình gồm có phía trước là Phương đình, tiếp đến là đền thờ Hậu. Hậu cung thờ Cao Sơn Đại Vương và hai vị Nữ thần cùng phối hưởng trong ban thờ. Phương đình có kiến trúc không cầu kỳ. Bước qua mười một bậc xây từ sân lên là một cửa chính rộng 2 mét, cao 2,5 mét. Tiếp đó 1,2 mét cũng là một cửa chính kích thước như thế và hai cửa phụ hai bên, mỗi cửa rộng 1 mét, cao 2 mét. Mái Phương đình lợp bằng ngói mũi, đỉnh nóc phía hai hồi là hai con sư tử đá được gắn vững chãi có hướng chầu vào nhau.

Hậu cung và Đại bái diện tích khoảng 50 m2 cũng kết cấu vì kèo gỗ, chạm trổ, trên là mái lợp ngói. Long ngai thờ Thành hoàng Cao Sơn Đại Vương được chạm khắc tinh sảo, sơn son thiếp vàng sáng đẹp lộng lẫy. Ngai bệ hình vuông chế theo kiểu "chân quỳ, dạ cá". Hoa dây được chạm thủng, đường nét uốn lượn uyển chuyển. Thâm cung trang nghiêm, ánh sáng hắt từ các ô cửa, vòm mái vừa đủ cho ta cảm giác mờ ảo linh thiêng…

Có hai cái ao nằm ở phía tả, hữu Hậu cung. Truyền thuyết và lịch sử coi hai cái ao là hai mắt Rồng thì bây giờ cả hai mắt Rồng này được thay bằng các ngôi nhà dân cao 4,5 tầng che lấp cả không gian vốn thoáng đãng và nghiêm trang của đình. Trước cửa đình, xưa có một cái ao rộng khoảng gần 400 m2 (gọi là miệng Rồng) thì nay đã được san lấp, lát gạch bê tông làm hè phố. Duy chỉ có phía tả cửa đình là còn lại một cái giếng đường kính khoảng 30 m, xưa gọi là giếng Ngọc (truyền thuyết coi giếng này là viên ngọc để Rồng ngậm).

Văn bia "Cao Sơn Đại Vương - Thần Từ Bi Minh" dựng bằng tấm đá đen rất lớn, bên cây si có gốc to cả chục người ôm không xuể. Rễ si thả bóng xuống che nửa phần văn bia càng tôn thêm sự cổ kính.

Tương truyền, Cao Sơn Đại Vương là con trai Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Ông đã theo cha lên núi Tản Viên (Sơn Tây) lập nghiệp. Đến thời Lê Trung Hưng, Thần Cao Sơn có công tích lớn ngầm giúp Lê Tương Dực dẹp nhiễu nhương. Tháng 11 năm Kỷ Mão (1509) Lê Tương Dực lánh nạn vào Tây Đô (Thanh Hoá dấy binh khởi nghĩa, khôi phục sự nghiệp Vua Cao Tổ, cứu vớt ức triệu dân lành (Văn bia đình Kim Liên ghi).

Được bà Trương Lạc Diện - vợ vua Lê Thánh Tông giúp đỡ nên ba vị Đại thần: Nguyễn Bá Lân, Nguyễn Hoàng Dụ, Nguyễn Văn Lữ dốc lòng thờ vua, tiêu diệt kẻ hung bạo. Ba vị đại thần này một lần đến Phụng Hoá (thuộc Nho Quan, Ninh Bình hiện nay) trong rừng sâu âm u, họ đã gặp một ngôi đền cổ có đại tự đề: "Cao Sơn Đại Vương". Linh cảm thế nào cả ba cùng khấn cầu xin thần giúp đỡ. Quả nhiên, sự ứng nghiệm cùng với tài ba xuất chúng của mình, mười ngày sau họ đã nhấn chìm được một cuộc bạo loạn. Vua Lê Tương Dực biết được sự việc, ông đền ơn bằng cách thức cho xây lại đền thờ khang trang hơn. Và tấm bia "Cao Sơn Đại Vương -Thần Từ Bi Minh" là được chuyển từ Phụng Hoá về dựng tại đình Kim Liên hiện nay, với ước nguyện mong thần Cao Sơn - vị Thần thiêng liêng - góp sức bảo vệ phía Nam kinh thành Thăng Long (Trấn Nam Phương).



ST
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top