Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Văn tỉnh Hải Dương

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT TỈNH HẢI DƯƠNG
NĂM HỌC 2009 -2010, MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)
Ngày 06 tháng 7 năm 2009 (buổi sáng).

Câu 1:
2 điểm

Cho câu thơ sau:

“Kiều càng sắc sảo mặn mà”

a. Chép lại theo trí nhớ ba câu thơ tiếp theo miêu tả vẻ đẹp của nhân vật Thúy Kiều.

b. Cho biết đoạn thơ vừa chép nằm ở đoạn trích nào? Tác giả là ai? Nêu vị trí đoạn trích, bút pháp nghệ thuật chủ yếu được sử dụng trong đoạn trích đó.

Câu 2:
3 điểm

Suy nghĩ của em về câu ca dao:

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.


Câu 3:
5 điểm

Cảm xúc của nhà thơ Viễn Phương trong đoạn thơ sau:

“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác
Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kêt tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yêu
Giữa một vầng trăng sáng trong dịu hiền
Vẫn biết trời xanh là mãi mãi
Mà sao nghe nhói ở trong tim.”

(Viễn Phương, Viếng lăng Bác, SGK Ngữ văn 9, NXB Giáo dục – 2006, trang 58)
 
KÌ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT TỈNH HẢI DƯƠNG
NĂM HỌC 2009 -2010, MÔN THI: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút (không kể thời gian phát đề)
Ngày 06 tháng 7 năm 2009 (buổi sáng).
HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN

I/ YÊU CẦU CHUNG

- Giám khảo phải nắm được nội dung trình bày trong bài làm của học sinh để đánh giá được một cách khái quát, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt đáp án, nên sử dụng nhiều mức điểm môt cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
- Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách riêng nhưng đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho đủ điểm.
- Riêng câu 2, cho phép học sinh có thể trình bày dưới dạng môt đoạn văn hoặc một bài văn ngắn.
Lưu ý: Giám khảo căn cứ vào các tiêu chuẩn cho điểm để cho các điểm khác, có thể lẻ đến 0.25 điểm và không làm tròn số.

II/ YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1:

a. Chép chính xác 3 câu thơ tiếp theo – 0.5 điểm

“So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”

(Dẫn theo SGK Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục – 2006, trang 81)

b. Trả lời được các ý:

- Đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” – 0.25 điểm.
- Tác giả Nguyễn Du – 0.25 điểm
- Vị trí đoạn trích: thuộc phần mở đầu tác phẩm Truyện Kiều, giới thiệu gia cảnh Thúy Kiều.
- Bút pháp nghệ thuật sử dụng chủ yếu trong đoạn trích: Ước lệ, lấy vẻ đẹp của thiên nhiên để gợi tả vẻ đẹp của con người. – 0.5 điểm
(Nếu học sinh trả lời là ước lệ tương trưng hoặc bút pháp nghệ thuật cổ điển thì vẫn cho điểm)

Câu 2:

A. Yêu cầu

· Về hình thức:
- Viết đúng kiểu bài nghị luận về một vấn đề tư tưởng đạo lí.
- Luận điểm đúng đắn, sáng tỏ.
- Diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.

· Về nội dung:

Bài làm có thể trình bày dưới hình thức một bài văn ngắn hoặc một đoạn văn, nhưng cần thể hiện được những nội dung cơ bản sau:
- Giải thích ý nghĩa câu ca dao: ca ngợi công lao to lớn của cha mẹ. Tình cha, nghĩa mẹ đối với con cái là bền vững, không bao giờ vơi cạn (học sinh có thể lấy dẫn chứng trong đời sống hoặc trong văn học để minh họa).
- Bàn luận: câu ca dao trên hoàn toàn đúng đắn và giàu tính nhân văn. Bên cạnh đó, câu ca dao còn có hàm ý khuyên con cái phải sống đúng đạo con, hiếu thảo với cha mẹ. Cho đến tận ngày nay, câu ca dao vẫn còn nguyên giá trị.
- Bài học: mỗi người cần phải ghi lòng tạc dạ công lao của cha mẹ và phải sống trọn đạo làm con.

B. Tiêu chuẩn cho điểm

- Điểm 3: đạt các yêu cầu nêu trên, văn viết mạch lạc, thuyết phục, không mắc những lỗi diễn đạt thông thường.
- Điểm 2: đạt các yêu cầu trên, nhất là các yêu cầu về nội dung. Có thể còn một số sai sót.
- Điểm 1: chỉ đạt khoảng một nủa yêu cầu về nội dung, mắc nhiều lỗi về hình thức.
- Điểm 0: lạc đề, sai cả nội dung và phương pháp.

Câu 3:

A. Yêu cầu về kỹ năng
- Có kĩ năng nghị luận về một đoạn thơ, thể hiện được sự cảm thụ tinh tế.
- Bài văn có bố cục hợp lí, rõ ràng, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.
- Văn viết trong sáng, có cảm xúc.

B. Yêu cầu về kiến thức

Bài viết có thể trình bày theo các cách khác nhau nhưng đại thể có các ý cơ bản sau:
- Cảm xúc bao trùm trong toàn bộ bài thơ là niềm xúc động, thành kính, niềm biết ơn và tự hào pha lẫn nỗi đau xót của nhà thơ và cũng là của nhân dân ta đối với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.
- Khi vừa đến lăng Bác, nhà thơ đã xúc động trước hình ảnh hàng tre - một hình ảnh quen thuộc mà bao năm đã in hằn trong tâm thức của người Việt Nam, hình ảnh đã trở thành biểu tượng của dân tộc. Một tình cảm ấm áp, thân thương và tự hào trào dâng trong lòng người.
- Tấm lòng thành kính, biết ơn với Bác thể hiện qua hệ thống hình ảnh thực và hình ảnh ẩn dụ: mặt trời, dòng người, tràng hoa…
- Niềm xúc động trước tâm hồn cao đẹp, sáng trong của Bác và nỗi đau xót trước sự ra đi của Người được diễn tả chính xác và tinh tế bằng những hình ảnh ẩn dụ, từ ngữ biểu cảm.

C. Tiêu chuẩn chấm điểm

- Điểm 5: đạt được các yêu cầu nêu trên. Văn viết mạch lạc, có cảm xúc, không mắc lỗi diễn đạt thông thường.
- Điểm 3: đạt các yêu cầu như trên nhất là các yêu cầu về nội dung. Có thể còn một số sai sót, diễn đạt tương đối tốt.
- Điểm 1: chưa đạt yêu cầu nêu trên, nội dung sơ sài, diễn đạt yếu, mắc nhiều lỗi về câu, từ, chính tả.
- Điểm 0: lạc đề, sai cả nội dung và phương pháp.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top