Kỹ năng chèn lí luận văn học về thơ trong bài thi THPTQG

Chèn thêm các kiến thức về lí luận văn học là một cách làm sâu bài viết của mình về một tác phẩm văn học. Nhưng kỹ năng chèn thì không phải ai cũng biết, tránh lạm dụng lan man mà đúng trọng tâm. Kỹ năng chèn nêu bật được chiều sâu của văn học, khả năng cảm thụ xuất sắc. Điều đó, sẽ giúp bài văn của bạn ở lâu trong lòng độc giả.


I. LƯU Ý KHI DẪN DẮT NHẬN ĐỊNH


Ví dụ 1. Trần Đình Sử cho rằng: “Văn học dùng hình tượng để phản ánh cuộc sống và tâm hồn con người”. Sắc điệu trữ tình của “Sóng” được dệt nên từ hình tượng sóng và em. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình xôn xao trong lòng người con gái đang yêu trước biển cả ngắm nhìn những con sóng bất tận, vô hồi. Sóng là hình ảnh ẩn dụ, là sự hóa thân của cái tôi trữ tình của nữ sĩ lúc thì hòa nhập, lúc lại phân thân của cái tôi “em”. Sóng đã khơi gợi một hồn thơ hồn nhiên, tươi mới, sôi nổi khát vọng tình yêu. Với hình tượng sóng Xuân Quỳnh đã có một cách nói rất hay, rất mới về tâm trạng tình yêu nồng nhiệt của người con gái đánh thức bao ấn tượng vốn đã ngủ quên trong lòng người đọc.

Ví dụ 2. Gioocgio Xăng từng nói: “Cần phải sống, phải tìm tòi, phải xào nấu lại rất nhiều, phải yêu rất nhiều và chịu nhiều đau khổ, đồng thời không ngừng kiên trì làm việc”. Chính nỗi đau vì nhớ, đau vì yêu đã thôi thúc cho những vần thơ Xuân Quỳnh xé nát tim ta trên trang giấy. Xuân Quỳnh đã lấy chính hình tượng “Sóng” để nói hộ những băn khoăn, trăn trở về tình yêu, cội nguồn của tình yêu và muôn vàn những câu hỏi trong vô thức người con gái khi yêu.

Ví dụ 3. Nhà thơ Tố Hữu từng phát biểu: “Thơ khởi phát từ lòng ta. Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã thật đầy”, với ý nghĩa đó về thơ, ta nhận thấy nỗi nhớ về một thời Tây Tiến đã khởi phát trong lòng Quang Dũng những xúc cảm mãnh liệt để ngòi bút ông như “xuất thần” mà đi sâu vào tâm cam người đọc ngay từ hai câu thơ đầu tiên:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.

Ví dụ 4. Nhà thơ Sóng Hồng quan niệm rằng: “Thơ là một hình thức nghệ thuật cao quý. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng”, quan niệm ấy từ khi ra đời đã là kim chỉ nam cho biết bao thi sĩ. Và người con của mảnh đất “hương thôn xứ Đoài” cũng không ngoại lệ. Ông lấy “hình thức nghệ thuật cao quý” của thơ để tạo nên nét đặc sắc trong hành trình sáng tác của mình; lấy tình cảm mãnh liệt, nồng cháy để thể hiện nỗi nhớ da diết về “một thời Tây Tiến” đã qua! Bài thơ bắt đầu bằng âm điệu trầm, buồn gợi ra nỗi nhớ về thiên nhiên núi rừng Tây Bắc; về con đường hành quân hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng rất thơ mộng, trữ tình. Ẩn sâu trong đó, là những kỉ niệm về đoàn quân Tây Tiến. Cảm xúc chủ đạo của bài thơ là nỗi nhớ da diết của tác giả. Ngay từ câu đầu, đã là một tiếng gọi làm nao nức lòng người.
“Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi”

Ví dụ 5. Nhận xét về bài thơ Tây Tiến, Trần Lê Văn đánh giá: “Tây Tiến là bài thơ nổi tiếng nhất của Quang Dũng. Nó như cánh cửa dẫn dắt anh bước vào làng thơ cách mạng. Như có mối duyên ràng
buộc, bài thơ gắn bó với người làm ra nó đến mức cứ nói đến Quang Dũng là người ta nhắc ngay đến bài
Tây Tiến và ngược lại”. Bởi ở đó là toàn bộ cảm xúc mãnh liệt ông gửi về mảnh đất từng gắn bó:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.

II. ĐẶC ĐIỂM CỦA THƠ

“Thơ là hình thức sáng tác văn học (1) phản ánh cuộc sống, thể hiện những (2) tâm trạng, những cảm
xúc mạnh mẽ bằng (3) ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là (4) có nhịp điệu”.
(Từ điển Thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG.HN, 1999).
Từ những đặc trưng của thơ, thi sĩ Sóng Hồng có viết: “Thơ là một hình thái nghệ thuật cao quý, tinh vi. Người làm thơ phải có tình cảm mãnh liệt thể hiện sự nồng cháy trong lòng. Nhưng thơ là có tình cảm, lí trí kết hợp một cách nhuần nhuyễn và có nghệ thuật. Tình cảm và lí trí ấy được diễn đạt bằng những hình tượng đẹp đẽ qua những lời thơ trong sáng vang lên nhạc điệu khác thường".
“Thơ ca là sự hiện thân cho những gì thầm kín nhất của con tim, thiêng liêng nhất của tâm hồn con người và cho những hình ảnh tươi đẹp nhất, âm thanh huyền diệu nhất trong thiên nhiên”
(Lacmactin).

1. Thơ phản ánh cuộc sống (Văn học là tấm gương phản chiếu thời đại)
Thơ là cuộc hôn phối giữa con người và vũ trụ. Thơ luôn tìm về với cuộc sống, thơ ở trong cuộc sống nên: “Nhà thơ tuy chẳng muốn, cũng thấy mình bị ràng buộc vào cuộc biến chuyển của lịch sử”(Saint John Perse). Như vậy, dù ý thức hay vô thức, thơ vẫn chảy trong biển lớn cuộc đời và nhà thơ không thể đứng ngoài dòng chảy ấy.
“Thơ phản ảnh đời sống con người trên toàn diện sinh động của nó từ mặt tầng (hành động) tới đáy tầng (tâm linh) qua hết mọi phương diện xã hội”

2. Thơ có tính cảm xúc.
“Thơ là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời”.
Lê Quý Đôn từng khẳng định: “Thơ phát khởi từ lòng người ta”, hay như nhà thơ Tố Hữu đã viết:
“Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã ứ đầy”.
Nhà thơ Pháp Alfret de Mussé chia sẻ: "Hãy biết rằng chính quả tim ta đang nói và thở than lúc bàn tay đang viết", "nhà thơ không viết một chữ nào nếu cả toàn thân không rung động".
Nhưng tình cảm trong thơ không tự nhiên mà có. Nói về điều này, nhà văn M. Gorki cũng cho rằng: “Thơ trước hết phải mang tính chất tình cảm. Tình cảm trong thơ gắn trực tiếp với chủ thể sáng tạo nhưng không phải là một yếu tố đơn độc, tự nó nảy sinh và phát triển. Thực ra đó là quá trình tích tụ những cảm xúc, những suy nghĩ của nhà thơ do cuộc sống tác động và tạo nên. Không có cuộc sống, không có thơ”.

3. Ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh

HÀM SÚC và HÌNH ẢNH
Ví dụ 1: “Thơ đối với cuộc sống quý như con gái đối với gia đình, cái để cho người ta làm quen là nhan sắc, nhưng cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh”
Ví dụ 2. Chế Lan Viên đã từng viết:
“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật
Một mật ngọt thành, đòi vạn chuyến ong bay”.
Ví dụ 3. Thơ trước hết chính là cuộc đời và sau đó mới là nghệ thuật.
Giải nghĩa: Ý kiến của Bêlinxki là hoàn toàn chính xác, mang sức nặng của sự trải nghiệm cuộc đời gắn với nghiệp thi ca. Nhà thơ là người sống giữa cuộc đời phải biết mở lòng ra đón lấy những vang dội của cuộc đời, đối mặt với hiện thực cuộc sống và hiểu biết sâu sắc về nghệ thuật.

4. Thơ có nhịp điệu (cách gieo vần, cách ngắt nhịp…)
“Nhạc điệu là một yếu tính của thi ca. Thiếu nhạc tính thơ trở thành văn xuôi”. Bởi nhạc tính như một nét duyên thầm làm nên vẻ đẹp của thơ, cũng là một yếu tố tạo mỹ cảm cho người đọc. “Ly khai với nhạc tính, thơ chỉ còn là một nhan sắc trơ trẽn thiếu duyên”(Tam Ích). Và “Thơ là sự phối hợp của âm thanh”.
Thơ bao giờ cũng là sự kết hợp hài hòa giữa ý và nhạc. Nếu “rơi vào cái vực ý thì thơ sẽ sâu nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc thì thơ dễ làm say lòng người nhưng dễ nông cạn” (Chế Lan Viên). Rõ ràng, nhạc tính là tiếng nói linh diệu của thi ca, gợi thức trí tưởng tượng của người đọc, nói như La Fontaine “Chẳng có thơ nào không có nhạc, song chẳng có thơ nào không có tưởng tượng”.


Sưu tầm
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top