Bài giảng Kiến thức cơ bản về tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Kiến thức cơ bản về tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành
hinh%20tuong%20cay%20xa%20nu.jpg

Kiến thức cơ bản về tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành


1. Nguyễn Trung Thành và phong cách nghệ thuật

- Nguyễn Trung Thành (bút danh khác là Nguyên Ngọc), quê ở Quảng Nam.

- Trong kháng chiến chống Pháp, ông tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên và ông đã sáng tác thành công tiểu thuyết Đất nước đứng lên. Sau năm 1954 ông tập kết ra Bắc, năm 1962 ông trở về miền Nam và công tác ở liên khu V, năm 1965 ông viết truyện ngắn Rừng xà nu.

- Văn Nguyên Ngọc mang đậm âm hưởng sử thi của núi rừng Tây Nguyên. Ở đó chất thơ hòa quyện với nét hoành tráng, hùng vĩ của núi rừng, của con người bất khuất, kiên trung với quê hương, đất nước. Sức sống bất diệt, khả năng trổi dậy vô tận của con người, sự sống luôn được đề cao trong tác phẩm của ông.

2. Hoàn cảnh sáng tác

- Mùa hè năm 1965, đế quốc Mỹ đổ quân ào ạt đánh phá miền Nam. Quân và dân ta bắt đầu cuộc chiến đấu mới vô cùng gay go và ác liệt. Nguyễn Trung Thành viết Rừng xà nu như một biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của đồng bào Tây Nguyên, của dân tộc Việt Nam.

- Rừng xà nu đăng lần đầu trên tạp chí Văn nghệ quân giải phóng (số 2,1965), sau đó được tuyển in trong tập truyện và ký Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc.

3.Tóm tắt tác phẩm:

Truyện kể về cuộc đời đau thương, bất hạnh và sự vùng dậy của Tnú, của dân làng Xô man trong những năm chống Mỹ. Tnú được cách mạng dạy chữ, giác ngộ. Tnú trở thành người lãnh đạo dân làng đứng lên chiến đấu. Bọn giặc kéo đến đàn áp khủng bố, bắt Mai- vợ Tnú và đứa con vừa một tháng tuổi của anh với âm mưu bắt người lãnh đạo là Tnú. Chứng kiến cảnh vợ con bị đánh đập dã man, Tnú đã nhảy xổ vào cứu nhưng không được. Anh bị giặc bắt, chúng dùng nhựa xà nu tẩm mười đầu ngón tay của anh và đốt. Căm thù tột độ cả làng Xô man dưới sự lãnh đạo của cụ Mết đã đứng lên giải cứu Tnú và tiêu diệt lũ ác ôn. Tnú tham gia lực lượng, ba năm sau anh về thăm làng. Đêm đó, dân làng tập hợp ở nhà ưng và nghe cụ Mết kể về cuộc đời Tnú.

4. Ý nghĩa nhan đề:

- Rừng xà nu là hình ảnh gắn bó máu thịt của tác giả với những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời chiến đấu và viết văn tại chiến trường Tây Nguyên.

- Tựa đề Rừng xà nu là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của nhà văn. Rừng xà nu với sức sống mãnh liệt, bất chấp bom đạn tàn phá mỗi ngày là một hình ảnh mang tính biểu tượng cho con người Tây Nguyên anh hùng, cụ thể là dân làng Xô Man với những người con ưu tú: cụ Mết, Tnú, Dít, Heng...

- Bức tranh thiên nhiên rừng xà nu bạt ngàn vừa tạo không khí Tây Nguyên vừa đậm chất sử thi.
 
Tính sử thi của truyện:

Truyện ngắn Rừng xà nu tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975, đặc biệt trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

- Chủ đề của tác phấm mang đậm tính sử thi: trước sự tàn ác của kẻ thù, nhân dân miền Nam chỉ có con đường duy nhất là cầm vũ khí vùng lên chiến đấu giải phóng quê hương.

- Đề tài của truyện Rừng xà nu nói đến vấn đề sinh tử hết sức hệ trọng không chỉ của cả cộng động làng Xô Man mà của cả dân tộc Việt Nam. Truyện viết về một thời điểm lịch sử trọng đại của cách mạng miền Nam, nhưng đây cũng là thời điểm nhân dân miền Nam chuẩn bị vũ trang chiến đấu. Chân lý đó được phát biểu qua lời cụ Mết: “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo” (phải dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng).

- Những nhân vật trong tác phẩm là những con người kết tinh cao độ nhiều phẩm chất tiêu biểu của cả cộng đồng (gắn bó với dân làng, trung thành với cách mạng, căm thù giặc sâu sắc…). Lý tưởng sống của các nhân vật này luôn gắn liền với vận mệnh của cả cộng đồng. Vì thế, số phận của tất cả nhân vật đều thống nhất với nhau, thống nhất với số phận của cả cộng đồng.

- Chất sử thi còn bộc lộ qua cách trần thuật: câu chuyện về cuộc nổi dậy của dân làng Xô Man đan xen vào câu chuyện về cuộc đời và con đường đến với cách mạng của nhân vật Tnú. Câu chuyện ấy vừa mới diễn ra, nhưng nó được kể như một câu chuyện lịch sử bằng ngôn ngữ của sử thi, trong không khí trang trọng, với thái độ trang nghiêm của cả người kể và người nghe.

- Xây dựng nhiều hình ảnh chói lọi, kỳ vĩ như hình ảnh cây xà nu, rừng xà nu, bàn tay bị đốt của Tnú.

- Giọng văn trang trọng, hùng tráng giàu âm hưởng, có sức ngân vang
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top