Kiên định mục tiêu, sáng tạo giải pháp.

fantomas

New member
Xu
0
(GD&TĐ) - Câu chuyện của Đại tướng Nguyễn Quyết về sự kiện xảy ra cách nay đã 64 năm mà vẫn như mới hôm qua, bởi tính thời sự của nó thông qua một bài học xuyên suốt sự nghiệp người Bí thư Thành uỷ Hà Nội ngày ấy và Đại tướng hôm nay.

images47595_A1-tr16.jpg

Đại tướng Nguyễn Quyết

1-“Phương trình nhiều ẩn số” và sáng tạo tìm “nghiệm số” của Hà Nội:


Trong bài “Cuộc đổi đời của dân tộc ta”, cố Tổng bí thư Trường Chinh từng viết: Nhiều vấn đề nóng bỏng và rất “hóc búa” đặt ra trước toàn Đảng: Làm sao cho dân ta làm chủ đất nước trước khi quân Anh, Tưởng tiến vào? Làm sao giành chính quyền từ tay chục vạn quân Nhật và tay sai trong khi cách mạng nước ta chưa có lực lượng vũ trang chính quy, không ở gần vùng tác chiến của quân đội Xô viết, bọn phản động lại đang cố tập hợp lực lượng thành lập chính phủ để hợp pháp hoá việc đón tiếp quân đồng minh (Anh, Tưởng) đang gấp rút kéo vào Đông Dương với ý đồ đen tối? Đối với những “phương trình có nhiều ẩn số” như thế thì dù có suy nghĩ bao nhiêu lâu, có bàn bạc kỹ như thế nào, cũng chưa đủ để tìm ra “nghiệm số”. Phải dựa vào trí tuệ tập thể, sự chủ động, sáng tạo của cán bộ quần chúng.

Lịch sử chứng minh: Chúng ta đã tìm ra “nghiệm số” của một cuộc tổng khởi nghĩa thành công. “Nghiệm số” ấy bắt đầu từ khởi nghĩa thành công tại Hà Nội.

images47592_19a.jpg

Hà Nội những ngày tháng 8-1945

“Ngày 15-8-1945, Nhật tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Khí thế cách mạng của quần chúng đang sục sôi. Thành uỷ nhất trí nhận định tình thế đã chín muồi, thời cơ khởi nghĩa đã đến. Nhưng làm sao khởi nghĩa nhanh, bằng lực lượng nào, phương thức gì, trong khi Quân lệnh số 1 chưa về đến Hà Nội, khi tương quan lực lượng giữa ta và địch rất chênh lệch? Ngày 16-8, Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội là đồng chí Nguyễn Khang chủ trì cuộc họp lần đầu của Uỷ ban, quyết định phá cuộc mít tinh của Tổng hội viên chức sẽ tổ chức chiều 17-8 âm mưu ủng hộ đồng minh vào nước ta. Và ta đã thành công: không những phá tan âm mưu của chúng mà còn biến cuộc mít tinh thành cuộc tuần hành thị uy của ta trước cơ quan đầu não của nguỵ quyền và Tổng chỉ huy quân đội Nhật. Tình hình biến chuyển mau lẹ và có lợi cho ta.

Ngay tối 17-8, Thành uỷ họp mở rộng bàn việc khẩn trương khởi nghĩa. Có ý kiến muốn đánh Nhật, nhưng Hội nghị nhận định nếu đánh thì Nhật sẽ tập trung đàn áp, tình hình rất nguy hiểm; cũng có ý kiến chờ chỉ thị của Trung ương, chờ quân giải phóng về. Cuối cùng Hội nghị nhất trí là: Điều kiện chủ quan và khách quan đã chín muồi, thời cơ có một không hai đã đến, không thể chậm trễ được. Hội nghị quyết định khẩn trương chuẩn bị khởi nghĩa vào ngày 19-8, xác định đối tượng không phải là quân Nhật mà là bè lũ tay sai, không dùng phương thức tác chiến quân sự mà dùng lực lượng chính trị của đông đảo quần chúng, có lực lượng tự vệ làm nòng cốt bao vây, uy hiếp địch, giành chính quyền, tập trung vào các cơ quan đầu não của thành phố…Trưa hôm sau, 18-8, Thường vụ xứ uỷ còn đang họp bàn ỏ Hà Đông về khởi nghĩa Hà Nội, nghe báo cáo đã nhất trí hoàn toàn với phương án đề xuất của Thành uỷ.


Mọi việc diễn ra đúng như dự kiến. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội đã thành công rực rỡ, mau lẹ, không đổ máu. Chủ tịch uỷ ban khởi nghĩa Trường Chinh đã nói vào ngày 20-8-1945: “Phương thức khởi nghĩa của Hà Nội là sáng tạo, phù hợp với tình huống mới, cho dù lúc đầu Trung ương định ra một phương thức dùng lực lượng vũ trang kíp đánh vào các đô thị, các trọng trấn của địch... Nhiệt tình cách mạng của quần chúng, tinh thần chủ động, sáng tạo của Đảng bộ địa phương đã biến chủ trương đúng đắn của Đảng thành thắng lợi vẻ vang. Đây là thắng lợi đầu tiên nhưng quan trọng lắm. Nó mở đường cho thắng lợi của cả nước”. Quả nhiên, chỉ trong 9 ngày sau khi Hà Nội khởi nghĩa thắng lợi, cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã thành công trong cả nước, đặc biệt là ở Huế và Sài Gòn.

Khi ấy, các đồng chí trong Thành uỷ Hà Nội đều là những người ở lứa tuổi 20, trong đó Chủ tịch uỷ ban khởi nghĩa Nguyễn Khang mới 26 tuổi, Bí thư thành uỷ Nguyễn Quyết 23 tuổi. Cách mạng và tuổi trẻ đã hoà với nhau trong một mùa thu lịch sử, tìm ra nghiệm số đúng cho một phương trình nhiều ẩn số của riêng Thủ đô, góp phần mở đầu cho cuộc đổi đời của cả dân tộc ta.

2- Bài học lịch sử theo suốt cuộc đời


Đại tướng Nguyễn Quyết nhắc đi nhắc lại rằng: sáng tạo về giải pháp nhưng phải trên cơ sở kiên định mục tiêu, nếu không sẽ dễ sai lệch và thất bại. Nhìn lại khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội tháng 8-1945 thì thấy: Hà Nội đã nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị ngày 12-3-1945 của Thường vụ Trung ương, đã dũng cảm, tự lực, chủ động sáng tạo, chớp thời cơ, có phương thức đúng, phù hợp với tình hình, tổ chức lãnh đạo chặt chẽ, khoa học, kỷ luật nghiêm, không ỷ lại ngồi chờ, không giáo điều máy móc nên thắng lợi vang dội, triệt để, mang tính nhân văn sâu sắc…Bài học lịch sử đó đã theo tôi trong suốt sự nghiệp cả cuộc đời tôi đi làm cách mạng. Nếu không có bài học “Kiên định mục tiêu, sáng tạo giải pháp” đó, chúng tôi đã không thể có được những quyết định sáng suốt vào những thời điểm gay cấn đòi hỏi cao cả ý chí kiên định và bản lĩnh sáng tạo để có được những thắng lợi mang tính nhân văn sâu sắc. Ví dụ như quyết định biến hậu phương của địch không những thành tiền phương của ta như chủ trương của Trung ương mà cao hơn nữa là biến thành hậu phương của ta (Quảng Nam Đà Nẵng trong kháng chiến chống Pháp), và nhiều quyết định tương tự trong cả hai cuộc kháng chiến cứu nước cũng như xây dựng đất nước.

Với vai trò người đứng đầu Đảng bộ Quân khu 3 những năm chống Mỹ, Đại tướng Nguyễn Quyết luôn quán triệt đường lối kiên định về chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân. Khẩu hiệu “đưa du kích lên trời, xuống biển; làm chủ vùng trời thấp, vùng biển gần” ở Quân khu 3 là gắn liền với những quyết sách sáng tạo của đồng chí Nguyễn Quyết được các đảng bộ địa phương rất ủng hộ. Ông đã có những kết luận tuy không mới so với chủ trương của Đảng nhưng để biến chủ trương thành hiện thực cũng không phải dễ dàng, đó là: “Không có cơ sở kém, quần chúng kém; chỉ có lãnh đạo chỉ đạo kém”, “Không thiếu cán bộ mà chỉ thiếu kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ”.

Còn chủ trương “Làm giàu đánh thắng” trong giai đoạn cực kỳ khó khăn 1976-1985 đã đảm bảo cho quân đội luôn song hành hai nhiệm vụ kinh tế và quốc phòng với những hình thức hoạt động kinh tế phù hợp với tính chất, nhiệm vụ cũng như những tiềm năng sẵn có của lực lượng vũ trang đi vào sản xuất: Tham gia xây dựng kinh tế nhà nước, tham gia xây dựng kinh tế địa phương, kết hợp kinh tế với quốc phòng, phát triển kinh tế đơn vị và kinh tế gia đình.

“Vào thời điểm đó, đặt vấn đề “làm giàu” là rất phức tạp” - Đại tướng Nguyễn Quyết nhớ lại. Cuộc đấu tranh tư duy là cuộc đấu tranh rất nan giải, nếu không kiên định đường lối của Đảng, kết hợp với sáng tạo tuỳ từng thời kỳ, thì sẽ không thể làm thay đổi hẳn về chất, cũng có nghĩa là cách mạng. Chiến tranh đã thế, hoà bình xây dựng cũng thế. Chủ trương “Làm giàu đánh thắng” được các Đảng bộ địa phương tán thành ủng hộ và trên cơ sở sáng tạo này mà từ năm 1982 trên cả nước đã có bí thư tỉnh uỷ tham gia Quân khu uỷ. Từ Khởi nghĩa tháng 8 - 1945 ở Hà Nội đến “Làm giàu đánh thắng” ở Quân khu 3, mọi chủ trương của địa phương đều có ý nghĩa cả nước cũng là nhờ bài học “Kiên định mục tiêu, sáng tạo giải pháp”.

images47597_20a.jpg


Trên cương vị người đứng đầu công tác Đảng, công tác chính trị toàn quân trong những năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đại tướng Nguyễn Quyết cũng mạnh dạn đề xuất với Đảng uỷ quân dự trung ương và Bộ chính trị: “Cần điều chỉnh chiến lược bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế cho phù hợp với tình hình hiện tại”, cụ thể là chuyển quân đội từ thời chiến sang thời bình, rút quân ở Lào và Campuchia về nước, chấn chỉnh tổ chức biên chế cả quân thường trực và dân quân tự vệ, góp phần giảm căng thẳng cho đất nước, trong đó vấn đề lớn nhất là giảm quân số thường trực…Đây là vấn đề lớn về chiến lược, về tư duy quân sự; một vấn đề mới, đụng đến nếp suy nghĩ và tâm tư tình cảm cũng như quyền lợi của nhiều người, đã được bàn cãi, tranh luận khá sôi nổi, căng thẳng trong nhiều phiên họp của Đảng uỷ quân sự trung ương và Bộ quốc phòng, nhưng cuối cùng đã được Bộ chính trị thông qua và ra nghị quyết. Hẳn cũng là bởi kiên định với đường lối của Đảng, kết hợp với những giải pháp về chính sách hợp tình hợp lý do Đại tướng Nguyễn Quyết – Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên thường vụ Đảng uỷ quân sự Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị - đề xuất.


“Kiên định mục tiêu, sáng tạo giải pháp” là bài học không bao giờ cũ, không chỉ riêng với Đại tướng Nguyễn Quyết, không chỉ trong lĩnh vực quân sự hay kinh tế, mà là bài học thời đại mang tính xã hội và nhân văn sâu sắc, rộng lớn.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top