Không khí nhiễm thủy ngân, ăn bưởi gây ung thư: Bình tĩnh sống, đừng hoang mang
Việc vống lên nồng độ thủy ngân trong không khí ở Hà Nội hay thông tin ăn bưởi có nguy cơ gây ung thư được truyền thông dẫn lời từ một vài nhà khoa học chưa được thực nghiệm kiểm chứng để dọa dân. Hãy bình tĩnh sống, đừng hoang mang.
Thông tin về hiện tượng ô nhiễm thủy ngân trong không khí Hà Nội gần đây đang trở thành vấn đề nóng của dư luận. Thông tin này được chuyển tải một cách chóng mặt trên mạng xã hội khiến người dân hết sức lo lắng về tình hình ô nhiễm không khí của Hà Nội, nhất là khi mùa hè đang đến gần. Song, nếu bình tĩnh nhìn nhận khách quan thì con số thủy ngân trong không khí vượt quá tiêu chuẩn cho phép chỉ được đo tại một trạm quan trắc, nó không thể lại đại diện cho cả bầu không khí của Hà Nội.
Không thể phủ nhận môi trường đang ô nhiễm, nhưng ô nhiễm đến mức độ nào thì rất cần phải có thực nghiệm khoa học, đảm bảo tính khách quan trung thực của thông tin.Nhiều bài viết về vấn đề này tỏ ra khá mâu thuẫn khi trích dẫn bình luận của GS.TS Phạm Ngọc Đăng khi đăng tải nội dung: có ô nhiễm thủy ngân nhưng chỉ là hiện tượng cá biệt và chưa phát hiện thủy ngân ở nhiều nơi. Không ai phủ nhận không khí của Hà Nội đang ngày càng ô nhiễm, tuy nhiên cách thức công bố đã khiến người dân thực sự hoang mang.
Đó chỉ là một trong số vô vàn thông tin khoa học đang bị đưa tin theo kiểu thầy bói xem voi. Còn nhớ năm 2007, một số tờ báo đồng loạt đăng tin “Ăn bưởi có nguy cơ gây ung thư “. Theo đó, các báo này đã đăng thông tin về một nghiên cứu nước ngoài về việc ăn quá nhiều bưởi có thể gây ung thư vú. Tuy nhiên nghiên cứu này được tiến hành với loại bưởi chùm (bưởi đắng) của Mỹ (tên tiếng Anh là grapefruit), khác với bưởi Việt Nam (còn có tên là bưởi ngọt, bưởi da xanh, tên khoa học là citrus grandis hay citrus maxima).
Năm 2007, nông dân trồng bưởi ở Tiền Giang từng điêu đứng vì thông tin “ăn bưởi gây ung thư” do những thông tin thiếu kiểm chứng khoa học đăng trên 4 tờ báo.
Việc không phân biệt hai loại bưởi đã gây hiểu lầm, gây nhiều thiệt hại cho nông dân trồng bưởi và gây tâm lý bất an trong xã hội. Theo tính toán, do thông tin này đưa ra, chỉ trong vòng hơn một tháng, nông dân trồng bưởi ở tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại hơn 100 tỉ đồng.
Bài học ăn bưởi gây ung thư chưa phai, thì năm 2009 lại tiếp tục xảy ra một sự cố khác. Đó là việc đưa tin về việc một số hộ ở làng Đông Ngàn, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội) đã dùng axit để tẩy trắng trứng gà Trung Quốc thành trứng gà ta. Tuy nhiên, sự thực không phải như vậy. Sự việc này đã gây hoang mang cho người dân mà thậm chí còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống an sinh xã hội của hàng triệu người nông dân đang chăn nuôi, kinh doanh sản phẩm trứng gà.
Có một thực tế là việc đưa các thông tin khoa học hiện nay bị sai, nhầm lẫn, không được kiểm chứng… khá phổ biến. Các nhà báo mải mê tìm kiếm thông tin hot mà không được kiểm chứng thì sẽ rất nguy hiểm. Những thông tin liên quan đến lý giải khoa học thì nên hỏi ý kiến các nhà khoa học. Các nhà khoa học luôn sẵn sàng trả lời. Không nhà khoa học nào dám nói sai, ít nhất là cũng đúng trong chuyên môn hiểu biết của họ. Đó là chưa kể đến việc người cung cấp thông tin trong một số trường hợp cố tình đưa một cách sai lệch để trục lợi.
Đó là trường hợp gần đây nhất khi Baidu - trang công cụ tìm kiếm thịnh hành nhất, được ví như Google của Trung Quốc đang khiến người dân nước này phẫn nộ sau những thông tin chỉ dẫn sai lạc, dẫn đến cái chết của một nam sinh viên 21 tuổi. Wei Zexi, chàng sinh viên đại học mắc hội chứng ung thư hiếm gặp đã tìm đến bệnh viện ở Bắc Kinh để điều trị sau khi tìm kiếm thông tin trên Baidu. Mặc dù tiêu tốn hơn 200.000 NDT (khoảng 700 triệu đồng) nhưng căn bệnh không có tiến triển.
Trước khi qua đời, Wei Zexi đã kể đăng tải video nói về sự tắc trách của bệnh viện cũng như việc Baidu chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Theo cậu, bệnh viện đã nói dối về phương pháp chữa trị. Liệu pháp này đã được thử nghiệm tại nhiều quốc gia nhưng không khả thi. Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc và cả những người sử dụng web đều cáo buộc Baidu đã đặt lợi nhuận lên trên sức khỏe và sự sự an toàn của người tiêu dùng. Báo chí truyền thông lúc này bị lợi dụng để phục vụ cho lợi ích của một số ít người. Theo truyền thông Trung Quốc, Baidu hiện đang phải đối mặt với một vụ bê bối được cho là nghiêm trọng nhất trong lịch sử hình thành và hoạt động của công ty này. Bản thân nhà báo trong trường hợp này chỉ có ghi lại và đăng tải chứ không có đủ sơ sở để thẩm định lại. Lúc này đòi hỏi nhà báo phải rất giỏi thì mới phân biệt được, trong khi nhà báo không phải là nhà khoa học.
Phản ánh, cung cấp thông tin kịp thời là một trong những ưu điểm của báo chí. Tuy nhiên, đôi khi do mong muốn có những bài báo “hot”, giật gân, nóng hổi, nhiều bài báo được đăng tải mà thiếu sự kiểm chứng, thiếu ý kiến của các nhà khoa học. Thực tế, ở ngành nào, lĩnh vực nào cũng có các chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành. Để tránh chuyện thông tin đưa sai, thông tin bị thổi phồng, người viết cũng như người xuất bản cần phải làm 2 bước. Thứ nhất là xuống tận hiện trường để tìm hiểu. Thứ nhì là tham khảo ý kiến của các nhà khoa học. Nếu là lĩnh vực sinh học thì hỏi chuyên gia thuộc lĩnh vực sinh học, là vấn đề nông nghiệp thì có chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp…
Bên cạnh đó, bản thân các nhà khoa học khi được hỏi cũng nên sẵn sàng cung cấp các thông tin khoa học theo lĩnh vực mình nghiên cứu để cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí. Hãy là người đồng hành với người cầm bút, đến tận nơi làm các thực nghiệm khoa học để lời phát biểu của nhà khoa học có sức nặng của tính khách quan - khoa học.
Theo Saostar
Sửa lần cuối: