Không có đường tắt tới thành công
Tổng giám đốc khu vực Đông Dương của Ngân hàng ANZ hiện nay là bà Đàm Bích Thủy, cũng là nữ lãnh đạo người Việt Nam có vị trí cao nhất trong các doanh nghiệp xuyên quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.
Trong cuộc trò chuyện với TBKTSG, bà cho rằng điều kiện thành đạt ngày nay dễ hơn trước nhưng không có đường tắt đi đến thành công.
Theo chị, phải làm gì để người nước ngoài tin cậy và giao phó trọng trách?
Để họ tin, mình cần có nguyên tắc và hệ giá trị nhất định. Người nước ngoài sợ nhất những người không có nguyên tắc và các giá trị bị thay đổi, đặc biệt trong công việc tài chính. Nguyên tắc của bạn chính là chìa khóa đảm bảo cho sự vận hành và quản lý rủi ro tốt.
Người Việt được dạy phải khiêm tốn nên không biết “khoe” bản thân, vì vậy đôi khi người nước ngoài không biết bạn mà lựa chọn. Tôi vẫn nói với nhân viên rằng nên tự tin mà vẫn khiêm tốn. Hãy làm thế nào để anh vẫn đạt mục tiêu nhưng không trở thành con người khác.
Tôi không nghĩ ANZ là tổ chức nước ngoài vì tôi nhìn thấy hàng ngày 700 người Việt Nam vẫn làm việc hăng say và hạnh phúc. Đó cũng là một đóng góp chứ. Nhiều người nói ngân hàng là lĩnh vực của đàn ông nhưng tôi thấy may mắn vì được làm việc ở những thị trường không quá kỳ thị phụ nữ. Con người ở đâu cũng giống nhau, không nên phân biệt người Việt Nam hay nước ngoài. Bất cứ công việc gì và ở đâu chúng ta cũng cần hành xử có lý có tình.
Nhân duyên đưa chị đến với ANZ?
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội xong, tôi cùng bốn người lập Invest Consult, một công ty tư vấn đầu tư nước ngoài, vào năm 1988. Làm ở công ty sáu năm rồi tôi thi học bổng Fulbright và sang Mỹ học M.B.A của trường Kinh doanh Wharton. Học xong, tôi về làm việc tại Ngân hàng Đầu tư ANZ có trụ sở tại Singapore trong 10 năm.
Tôi chuyển sang lĩnh vực ngân hàng đầu tiên chỉ vì muốn biết khi mình hay ai đó có một ý tưởng thì bằng cách nào biến các ý tưởng đó thành hiện thực. Trước khi sang Mỹ, tôi có đọc một cuốn sách về một nhà tài chính ở Mỹ đồng thời cũng là cựu sinh viên Wharton: Michael Milken, người đầu tiên tạo ra trái phiếu có độ tín nhiệm thấp (junk bond) làm thay đổi toàn bộ thị trường M&A quốc tế.
Khi ở Singapore, tôi tham gia vào việc tư vấn tài trợ Nhà máy Điện Phú Mỹ. Lúc đó chúng tôi mất ba năm mới hoàn thành khâu đàm phán hợp đồng tư vấn tài chính cho dự án này với Chính phủ. Đó cũng là hợp đồng tín dụng đầu tiên của ngân hàng nước ngoài được thực hiện theo phương thức không truy đòi (non-recourse) tại thời điểm đó ở Việt Nam.
Sau đó, ANZ đề nghị tôi về phát triển ngân hàng ANZ ở Việt Nam. Lúc đầu tôi không nhận vì nghĩ việc đó rất “con mọn”. Khi tôi về, ANZ tại Việt Nam chỉ có hơn 100 người và tất cả mới là khởi đầu. Tôi nghĩ mình sẽ làm tạm thời, nhưng sau đó tôi thấy những niềm vui khó thay thế.
Đó là những niềm vui nào?
Đối với tôi, niềm vui “khó thay thế” là được thấy những cộng sự của mình ngày càng trưởng thành trong công việc. Niềm vui trong đào tạo nhân sự khác hẳn niềm vui thực hiện những giao dịch lớn, nó lâu dài hơn nhiều.
Điều gì khiến chị ở lại với ANZ gần 15 năm rồi?
Đồng nghiệp chính là lý do tôi ở lại. Chức vụ, lương bổng, bạn có thể kiếm được ở nhiều nơi nhưng có một đội ngũ ăn ý và hòa hợp thì không dễ. Tôi hài lòng khi biết đa số nhân viên của mình hài lòng và vui, đó là điều quan trọng với tôi. Nếu tôi hài lòng nhưng nhân viên tôi luôn thắc mắc vì ý định của tôi không phù hợp với ý định chung thì cần phải xem xét.
Chị đang điều hành 1.300 con người, có nguyên tắc gì để làm tốt vai trò lãnh đạo?
Tôi có nguyên tắc là nếu đã dùng người thì nên tin họ và cho người ta khoảng không đủ rộng để thực hiện nhiệm vụ được giao. Nếu lúc nào mình cũng dè chừng thì rất khó để khuyến khích người ta bỏ hết công sức, hay đưa ra ý nghĩ vì công việc chung.
Ai cũng có niềm tự hào cá nhân nhất định, nếu mình biết khuyến khích thì người ta sẽ gắng đạt được con số mà người ta biết mình muốn. Nhìn chung mọi người đều có lòng tự trọng, tự hào trong công việc, không nhất thiết chỉ có việc làm vừa lòng “sếp”. Tôi tin vào cách quản trị đó hơn.
Phương châm sống của chị?
Có một số giá trị cơ bản tôi tuân theo. Ví dụ như sự trung thực hay chỉ nên làm cho người khác những điều mình cũng muốn được có. Tôi muốn sống đơn giản và gắng sống có ích.
Qua những trải nghiệm của mình, tôi thấy tốt nhất không nên định kiến về bất cứ việc gì trước khi mình thử và có kinh nghiệm thực sự. Hãy cứ thử và chấp nhận thử thách.
Chị có điều gì nghĩ ngợi trên thương trường cũng như trong xã hội, đời sống của chị và mọi người?
Cái mình băn khoăn là bây giờ có những quan điểm coi nhẹ sự phấn đấu. Có người nghĩ rằng có những con đường rất ngắn dẫn đến thành công nhưng nếu nó quá ngắn thì phải đánh đổi giá trị gì đó. Tất nhiên điều kiện thành công hiện nay dễ hơn trước nhưng không có đường tắt. Nếu dùng đường tắt không sớm thì muộn sự thành công mình đạt sẽ không bền vững và rất dễ phải trả giá. Các CEO giỏi mà tôi biết hầu hết đều có những tích lũy lâu và trải qua nhiều thăng trầm.
Việt Nam có nhiều doanh nhân giỏi, song nền kinh tế chưa phát triển mạnh, điều này nghe có vẻ nghịch lý?
Doanh nhân Việt Nam rất cởi mở, sẵn sàng thử mọi thứ và nắm bắt rủi ro. Nhưng nếu anh muốn làm một công việc thì anh buộc phải rất hiểu nó mới nắm được nó. Kể cả ngay khi anh sẵn sàng chấp nhận rủi ro nhưng anh phải quản lý nó tốt và luôn chủ động chứ không phải làm liều.
Khả năng hợp tác của doanh nhân Việt Nam vẫn hơi thiếu. Người Việt vẫn thích cái của tôi. 100% “của tôi” tuy đáng giá 10 đồng vẫn hơn của chung nhưng trong đó tôi có 40 đồng. Mình ngại làm việc với nhau và sự tin cậy với nhau vẫn ít. Vì không tin nhau nên khó cùng nhau làm được cái gì lớn.
Hồng Phúc (TBKTSG)