Khi bao gánh nặng chất chồng trên vai giáo viên

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Khi bao gánh nặng chất chồng trên vai giáo viên

Tôi và chắc chắn nhiều đồng nghiệp của tôi không mệt mỏi vì sự dạy. Không dám đoan chắc bất kỳ ai lên lớp cũng mang nhiệt tâm của lòng yêu nghề và thực hiện kỳ hết những nhiệm vụ được giao, nhưng dù khó khăn đến đâu, mỗi khi đứng trên bục giảng nhìn xuống, thấy những đôi mắt của học trò mình, lòng người dạy tự nhiên lại dịu hẳn đi.


Có thể đó là ánh nhìn háo hức của một học trò giỏi chăm ngoan, cũng có thể là ánh nhìn trơ tráo của một đứa cá biệt. Nhưng tất thảy đều nhỏ hơn mình nên cái nhìn còn vô chừng non nớt. Cái tình cảm đó cứ ấp iu mãi trong lòng. Càng đặc biệt hơn khi người dạy đó lại đóng vai trò là giáo viên chủ nhiệm lớp.

Giáo viên chủ nhiệm lớp tất nhiên được tính thêm tiết tùy theo mỗi trường. Có thể từ hai đến bốn tiết một tuần. Trong đó lên lớp 1 giờ sinh hoạt, 1 giờ cùng dự chào cờ với học sinh.

Còn hai tiết sẽ dành cho những việc như thế này: Hoàn thành tất cả mọi loại sổ sách giấy tờ thu chi như bài Quá tải sau giờ dạy đã phản ánh. Cùng học trò tham gia tất cả các hoạt động ngoại khóa của các bộ môn cũng như của các đoàn thể đề ra. Tính trung bình mỗi tuần sẽ có một chương trình được tổ chức vào thứ năm hoặc chủ nhật hàng tuần. Đó là những công việc bắt buộc mỗi giáo viên phải hoàn thành.

Nhưng hai tiết đó đâu làm sao tính hết được, khi muốn hiểu rõ hơn hoàn cảnh của từng học trò của mình, tôi đã phải dừng lại rất lâu trước cái tên thường chậm nộp các khoản của trường, để rồi biết rằng gia cảnh của em quá tội nghiệp cả về tình thần lẫn vật chất. Hai tiết đó làm sao tính cho những buổi lui tới hoàn thành bao nhiêu thủ tục để gửi cho được đứa học trò phải xa nhà lên trọ học vào một trung tâm nuôi dưỡng mới an lòng vì chỗ trọ cũ của nó quá chừng phức tạp.

Mỗi khi cầm lên tay tờ Tuổi Trẻ, dù bận bịu đến mức nào, mục lướt nhanh đầu tiên của tôi cũng là chuyên trang về giáo dục. Đã có quá nhiều vấn đề, đã có quá nhiều ý kiến từ mọi người mọi giới mọi vị trí trong ngoài ngành mổ xẻ toàn diện đầy đủ về thực trạng giáo dục của chúng ta hiện nay. Đến mức mỗi khi mở máy vi tính, định viết trao đổi về một điều gì đấy, tôi lại thở dài. Không phải cảm giác của sự bi quan, mà là sự mệt mỏi.

Hai tiết đó là những trưa vừa đút cơm cho con nhỏ ăn vừa kẹp điện thoại vào vai để hướng dẫn đứa học trò trót lỡ làm việc dại có cách hành xử sao cho đúng mà không gây thương tổn cho mọi người và cả chính nó. Hai tiết đó làm sao tính khi khuya lơ khuya lắc còn phải lọ mọ trên máy tính dỗ mãi mới biết lý do tại sao đứa này tháng trước học tốt vậy mà sao tháng này điểm lại không cao. Chưa kể, tuổi mới lớn bao xao động, đôi khi còn phải tư vấn những ca say nắng sao cho tỉnh táo lại thật an lành.

Hai tiết đó cũng là cả ngày hôm nay tôi lui cui cập nhật điểm của từng môn học vào sổ liên lạc cho từng học sinh để buổi họp phụ huynh đầu năm vào sớm mai kịp thời phản ánh cho cha mẹ biết tình hình học tập của con mình.

Với những gì tôi dành cho học trò trong hai tiết ấy, mỗi năm học trôi qua, mỗi lứa học trò ra trường, tôi lại có thêm những đứa em, đứa con vô cùng thân thiết và tràn ngập yêu thương. Nên đôi khi vô tình lại trở thành người chị, người mẹ thứ hai của những lứa học trò ấy.

Nhưng bên cạnh hai tiết vô số thứ đó, người dạy còn phải hoàn thành đủ chuẩn tiết dạy của một giáo viên theo quy định, phải vận động theo sự thay đổi đủ thứ của Bộ, ngành đặt ra. Nên, dù nói một cách thật thà, tôi yêu trò tôi lắm, cũng không thể nào tránh khỏi sự mệt mỏi dẫn đến những giây phút chạnh lòng với nghề nghiệp, với bao gánh nặng đang ngày một chất chồng trên đôi vai của mỗi giáo viên.


ĐÔNG HÀ - TTO


 
Giáo viên và nỗi niềm "cơm áo”

"Mấy năm trước, các nhà giáo phấn khởi khi Bộ GD-ĐT tuyên bố: Năm 2010, giáo viên có thể sống bằng lương của mình. Theo tôi, hoàn toàn "sống được", nhưng sống như thế nào mới là điều quan trọng" - PGS Văn Như Cương nhận xét về tiền lương giáo viên hiện nay.

"Liệu cơm, gắp mắm"


Theo Bộ GD-ĐT, năm 2010, giáo viên (GV) sẽ "đủ sống" bằng lương. Tuy nhiên, với các GV, mức lương như hiện nay phải hiểu thế nào là "đủ" và phải "sống" ra sao?

Thầy T.M.H, Trường THPT Trực Ninh B (Nam Định) cho biết, sau 5 năm dạy học, tới giờ hưởng lương 2,4 triệu đồng/tháng. Hồi mới đi dạy, thầy H nhận lương 1,8 triệu đồng/tháng, sau 5 năm thêm được gần 700.000 đồng/tháng. Thầy H cho biết, mức lương này hàng tháng rất khó chi tiêu. Nhà thầy H cách xa trường nên tốn tiền xăng xe, ăn uống, điện thoại... chi tiêu dè xẻn lắm thì cũng chỉ vừa vặn tiền lương. Thầy H tâm sự: Khi chưa lập gia đình, tiêu thế nào cũng xong. Giờ có vợ, con nhỏ kèm theo nhiều khoản phát sinh, khiến cho đồng lương cả hai vợ chồng hầu như không có khái niệm "bỏ ống".

Thầy H cho biết thêm, mặc dù ở nông thôn nhưng nếu có con nhỏ sẽ chi tiêu không dưới 3,2 triệu đồng/tháng. Đó là chưa kể đến các khoản chi như: ốm đau, hiếu - hỷ, chăm sóc bố, mẹ già... Ở Trường THPT Ninh Trực B, số GV lập gia đình, có con nhỏ chiếm đến 50% GV toàn trường, phổ biến có mức lương từ 2,3 - 3 triệu đồng/tháng. Theo thầy H, với mức lương như vậy, chưa biết bao giờ mới có thể mua được nhà, thậm chí là sửa sang nhà cửa.

giao%20vien.jpg

Làm thế nào để có thể "đủ sống" bằng lương đang là băn khoăn của các giáo viên.

Cô giáo Nguyễn Thị T, Trường tiểu học L.V.T (Hòa Bình) cho biết: Sau 30 năm dạy học, mức lương của cô hiện giờ được gần 4 triệu đồng/tháng. Cộng với lương của chồng, chỉ đủ nuôi 2 con đang học ĐH. Số tiền lương gần 4 triệu đồng/tháng mang tiếng là cao, nhưng cũng chẳng thấm tháp vào đâu so với hàng chục khoản chi mỗi tháng.

Theo cô T, công việc càng ngày đòi hỏi yêu cầu cao, khối lượng công việc gấp đôi so với những năm trước đây. Mỗi tuần cô T phải dạy đến 23 tiết, đi dạy cả ngày mới đủ số tiết này, trong khi đó không có tiền dạy ngoài giờ. Cô T cho biết, khó khăn nhất vẫn là các GV trẻ đã lập gia đình, có con nhỏ... với mức lương dưới 3 triệu đồng/tháng.

Khó "lãng mạn" với nghề

Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết, từ năm 2006 đến 2012, Chính phủ đã có lộ trình tăng mức lương tối thiểu. Từ năm 2006 đến tháng 5/2010, mức lương tối thiểu tăng từ 350.000 đồng/tháng lên 730.000 đồng/tháng. Lương tối thiểu tăng, thu nhập GV hàng tháng đã tăng gấp 2,08 lần. Lạm phát từ sau năm 2006 đến năm 2009 là 44,6%. Như vậy, thu nhập thực tế của GV đã tăng 1,44 lần (2,085/1,446).
“Thực tế, giáo viên không đòi hỏi lương cao hơn. Nhưng nếu nói rằng giáo viên đủ sống với lương của mình thì không đúng cho lắm. Lương chưa cao khiến tình trạng lạm thu tại trường học mãi không hạn chế được, tình trạng dạy thêm, chất lượng giáo dục vẫn chưa cải thiện... Nhà nước cần quan tâm chăm lo đến đời sống của giáo viên hơn nữa, tìm nguồn nào đó để hỗ trợ, điều chỉnh mức lương phù hợp”.


Ví dụ, nếu một GV tốt nghiệp ĐH ra trường năm 2010 sẽ có mức lương là 2,306 triệu đồng/tháng, bao gồm: lương tối thiểu với hệ số lương cơ bản, hệ số phụ cấp ưu đãi (730.000 đồng x 2,34 x 1,35), trong khi ở năm 2006 thì chỉ có mức lương 1,105 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng lên trong khi tiền lương chưa đáp ứng được đòi hỏi tăng thu nhập thực tế cho GV, đời sống của một bộ phận nhà giáo gặp nhiều khó khăn.

Theo PGS Văn Như Cương, Bộ GD-ĐT công bố năm 2010 GV sẽ sống được với đồng lương của mình. Theo ông, tùy từng đối tượng, nhưng nếu nói GV sống được bằng đồng lương của mình là không đúng với thực tế. Nếu ở Hà Nội, một GV trẻ chưa lập gia đình có "thắt lưng, buộc bụng" cũng phải chi phí hơn 2 triệu đồng/ tháng. Còn GV đã có gia đình, con cái thì kể cả 4-5 triệu đồng chi tiêu tằn tiện lắm mới đủ cho một tháng.

PGS Văn Như Cương lấy ví dụ: "Cách đây 50 năm, khi tôi tốt nghiệp ĐH, lương GV là 74 đồng/tháng. Ăn sáng thì chỉ mất có 1 hào, ăn uống bình thường mất 5 xu, con cái gửi nhà trẻ của trường... Lương không cao, nhưng so với bây giờ quả thực là sướng hơn".

Theo PGS Văn Như Cương, đồng lương chưa đủ đồng nghĩa với việc nhiều GV phải kiếm thêm tiền. Đi dạy thêm, luyện thi, làm các công việc khác ngoài giờ lên lớp... Nếu như GV phải bận tâm quá nhiều vào chuyện cơm áo thường ngày thì không thể hy vọng vào những cải tiến, sáng tạo, tự học... Đã vậy, cường độ đứng lớp ở các bậc học từ 16-20 tiết/tuần, rất căng thẳng ở trường, về đến nhà còn phải soạn bài, chấm bài đến tận khuya...

"Thực tế, GV không thể không làm thêm, vì thế khó có thể sáng tạo, cải tiến phương pháp dạy. Toàn tâm toàn ý chỉ còn là sự "lãng mạn" với nghề, còn đa phần đã sống thực tế hơn. Cơ chế thị trường đã tạo ra cơ hội cho một số GV thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng. Nhưng những GV các môn như: Sử, Địa, Giáo dục công dân, Thể chất... hay nói chung, đại đa số GV không làm thêm được ngoại trừ hưởng lương", PGS Văn Như Cương cho biết thêm.

Theo Gia đình & Xã hội
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top