Khám phá lăng tẩm Huế

uocmo_kchodoi

Moderator
Thừa Thiên Huế là tỉnh thành duy nhất của Việt Nam có 5 di sản văn hóa được Unesco công nhận. Vậy nên không có gì khó hiểu khi Huế được coi là thành phố di sản. Đến với Huế không chỉ để thưởng thức danh lam thắng cảnh, mà còn để quay trở về với những trang sử hào hùng qua những di tích lịch sử nổi tiếng. Mỗi di tích gắn liền với một nhân vật có ảnh hưởng nhất định trong quá trình dựng và giữ nước của dân tộc ta. Địa điểm đầu tiên mà butnghien muốn giới thiệu đến các bạn là Lăng vua Gia Long. Hãy cùng tham quan lăng vua Gia Long qua những tầm hình và những câu chữ dưới nhé!

LĂNG VUA GIA LONG (THIÊN THỌ LĂNG)
Lăng Gia Long là một di tích trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11-12-1993.

Khamphahue_Lang-vua-gia-long.jpg

Lăng Gia Long​

Lăng Gia Long hay Thiên Thọ Lăng (天授陵), là lăng mộ của Gia Long hoàng đế (1762-1820), vị vua sáng lập triều Nguyễn. Lăng Gia Long thực ra là một quần thể nhiều lăng tẩm trong hoàng quyến, nay thuộc địa phận xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khamphahue_Lang-gia-long_Thien-tho-lang-hue-6.jpg

Lịch sử

Lăng bắt đầu được xây dựng từ năm 1814 và đến năm 1820 mới hoàn tất.

Lịch sử xây dựng lăng Gia long rất phức tạp, vì ở đây không phải chỉ có lăng Gia Long, mà lại có cả một quần thể lăng tẩm của nhiều thành viên trong gia đình và dòng họ của nhà vua... Quần thể lăng tẩm ấy nằm rải rác trên địa bàn rộng lớn thuộc làng Định Môn. Tất cả được xây dựng vào nhiều thời điểm khác nhau và trước sau cách nhau gần hai thế kỷ (thế kỷ XVII - XIX).

- Ngày 11-5-1814, công cuộc xây dựng lăng bắt đầu.

- Từ năm 1814 đến năm 1820, xây dựng Điện Minh Thành và khu vực tẩm, kéo dài trong 6 năm.

- Năm 1820, dựng xong tấm bia “Thánh đức thần công” ở bên trái do vua Minh Mạng soạn thảo.

- Tháng 4-1833, hoàn tất hai hàng văn võ quan viên và voi ngựa bằng đá ở Bái đình.

- Năm 1845, dưới thời vua Thiệu Trị, thay thế hai cánh cửa ở Bửu Thành môn lúc đầu làm bằng gỗ sang cửa bằng đồng.

- Năm 1922: Dưới thời vua Khải Định, Điện Minh Thành được tu sửa nhưng thời gian và chiến tranh đã làm cho nó lâm vào tình trang có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Hiện nay, ngôi điện đã được tu sửa lại.

Kiến trúc

Lăng Gia Long ở vị trí xa nhất, so với các lăng vua Nguyễn ở Huế, nhưng lại là lăng có quy mô hoành tráng nhất về cảnh trí thiên nhiên.

Khamphahue_Lang-gia-long_Thien-tho-lang-hue-4.jpg

Toàn bộ khu lăng này là một quần sơn với 42 đồi, núi lớn nhỏ, trong đó có Đại Thiên Thọ là ngọn núi lớn nhất được chọn làm tiền án của lăng và là tên gọi của cả quần sơn này. Từ bờ sông Hương đi vào lăng có con đường rộng hai bên trồng thông và sầu đông cao vút, xanh um, tạo ra một không khí trong mát, tĩnh mịch. Hai cột trụ biểu uy nghi nằm ở ngoài cùng báo hiệu khu vực lăng.

Lăng tẩm nhà vua nằm trên một quả đồi bằng phẳng rộng lớn. Trước có ngọn Ðại Thiên Thọ án ngữ, sau có 7 ngọn núi làm hậu chẩm, bên trái và bên phải có 14 ngọn núi là tả thanh long và hữu bạch hổ.

Khamphahue_Lang-gia-long_Thien-tho-lang-hue-1.jpg

Bảy cấp sân tế tại Lăng Gia Long

Tổng thể lăng chia làm 3 khu vực:

Phần chính giữa là khu lăng mộ của vua và bà Thừa Thiên Cao Hoàng hậu.

Qua khỏi sân chầu với các hàng tượng đá uy nghiêm và 7 cấp sân tế là Bửu Thành ở đỉnh đồi.

Bên phải khu lăng là khu vực tẩm điện với điện Minh Thành thờ Hoàng đế và Hoàng hậu thứ nhất.

Bên trái khu lăng là Bi Ðình, nay chỉ còn một tấm bia lớn ghi bài văn bia Thánh đức thần công của vua Minh Mạng ca ngợi vua cha, được chạm khắc tinh tế và sắc sảo.

Lăng Gia Long hoành tráng, nhưng đơn giản như cuộc đời của một võ tướng. Mật độ kiến trúc tương đối thưa. Các công trình được trải ra theo chiều ngang. Rộng rãi mênh mông, nhưng ở đây không có lầu đài đình tạ và cũng không xây dựng la thành. Núi đồi chung quanh giăng ra như một vòng thành thiên nhiên bao bọc.

Khamphahue_Lang-gia-long_Thien-tho-lang-hue-2.jpg

Khu mộ táng thi hài vua Gia Long và Hoàng hậu.

Đơn giản nhất là khu mộ táng thi hài vua và hoàng hậu. Hai nấm mộ bằng đá nằm song song, cách nhau chỉ một gang tay, có cùng khuôn khổ và kích thước, bên trên đều có hai mái chảy xuôi trông như những mái nhà mà thời gian đã nhuộm đen thành màu than đá. Không một nét chạm trổ, sơn son thếp vàng, tất cả chỉ là những tấm đá thanh phẳng lỳ, trơ trụi, tạo ra giữa chốn hoàn liêu này một không khí tĩnh mịch và uy nghiêm. Hai ngôi mộ nằm sát bên nhau biểu hiện tình cảm thủy chung cao đẹp giữa vua và hoàng hậu đã từng vào sinh ra tử với nhau trong suốt cuộc đời chinh chiến. Đó là điểm độc đáo của lăng Gia Long mà không tìm thấy ở lăng vua Nguyễn nào khác.

Khamphahue_lang-gia-long-2.jpg
Khamphahue_lang-gia-long-3.jpg

Một số hoa văn, kiến trúc tại Lăng vua Gia Long (Ảnh: Hiếu Trương)

Điện Minh Thành, công trình kiến trúc chính trong khu vực tẩm cũng không hoa mỹ, rườm rà. Sườn điện chạm trổ đơn sơ nhưng chắc khỏe. Các họa tiết trang trí trong nội thất đều chạm trổ hình chữ “thọ” ở giữa và dây lá cách điệu ở chung quanh. Có một đặc điểm đáng chú ý là tất cả những con rồng ở các tầng sân, bậc thềm ở lăng Gia Long đều được đắp bằng vôi gạch chứ không chạm bằng đá như ở các lăng khác về sau.

KhamphaHue_hoa-tiet-rong-tren-lang-Gia-Long-hue.jpg

Rồng tại Lăng vua Gia Long (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Tấm bia “thánh đức thần công” ở lăng Gia Long tuy không lớn, nhưng là một tấm bia đẹp, được trang trí công phu, tỷ mỷ.

Giá trị nghệ thuật

Lăng Gia Long là một bức tranh tuyệt tác về sự phối trí giữa thiên nhiên và kiến trúc. Vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn yên nghỉ trong một không gian tĩnh lặng và đầy chất thơ.

Các công trình kiến trúc thành quách, cung điện thời Gia Long thể hiện bản chất của một ông vua có tài về chinh chiến và tổ chức đất nước. Đây là mô thức lăng tẩm đầu tiên ở Huế, để sau đó các vua kế nhiệm tham khảo và phỏng theo để xây lăng của mình. Lăng Gia Long góp phần thể hiện phong cách của một ông vua khai sáng triều đại.

Như vậy, qua bài viết này chắc rằng bạn đọc đã có được những kiến thức nhất định về lăng vua Gia Long rồi đúng không? Nếu có thời gian bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về lăng vua Gia Long qua những bài viết khác trên mạng, hoặc có thể book ngay vé đến và chứng kiến tận mắt những hình ảnh trên, để trực tiếp cảm nhận những giá trị về văn hóa, tinh thần và tính lịch sử của lăng nhé!

Nguồn: khamphahue.com​
 
LĂNG VUA KHẢI ĐỊNH (Ứng lăng)
Lăng Khải Định, còn gọi là Ứng Lăng (應陵) là lăng mộ của vua Khải Định (1885-1925), vị vua thứ 12 của triều Nguyễn, toạ lạc trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê), nằm bên ngoài Kinh thành, cách khoảng 11km về phía nam, nay thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy.. Lăng Khải Định (Ứng Lăng) đã trở thành biểu tượng, đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh.

KPH_Lang-Khai-Dinh_QuanTheDiTichcodoHue_21_9_2017_15_48_45_145_CH.jpg

Lăng vua Khải Định. Ảnh: Trần Thanh Sang​

Lăng của Vua Khải Định được xây dựng tốn nhiều công sức và tiền của nhất, và thời gian để xây dựng cũng lâu nhất, kéo dài 11 năm trong một khu quần thể chưa đến 1 hecta (chiếm diện tích khiêm tốn so với các đời vua trước)

Bước lên ngai vàng giữa tuổi 31, Khải Ðịnh say sưa với việc xây dựng cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, Cung An Ðịnh, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Ðức và đặc biệt là Ứng Lăng.

Khamphahue_Lang-khai-dinh_ung-lang-5.jpg

Lăng vua Khải Định nhìn từ trên cao (Ảnh: Thanh Toàn)

Lịch sử

- Vua Khải Định lên ngôi năm 1916, là vị vua thứ 12 của truyền Nguyễn. Ông đã cho xây dựng nhiều cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc, đặc biệt là Ứng Lăng. Sau khi tham khảo nhiều tấu trình của các thầy Địa, vua chọn triền núi Châu Chữ làm nơi xây cất lăng mộ. Tọa lạc tại vị trí này, phong thủy lăng Khải Định tựa lưng núi làm hậu chẩm, lấy quả đồi thấp ở phía trước làm tiền án; lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ”; có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm “thủy tụ”, gọi là “minh đường”.

- Để có kinh phí xây dựng lăng, vua Khải Định đã xin chính phủ bảo hộ cho phép ông tăng thuế điền 30% trên cả nước, hành động này đã bị lịch sử lên án gay gắt. Ông còn cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise..., và cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu... để kiến thiết công trình.

- Lăng Khải Định được khởi công ngày 4 tháng 9 năm 1920, và kéo dài suốt 11 năm ròng rã mới hoàn tất. Bấy giờ, tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy công trình với sự trưng tập nhiều thợ lành nghề và nghệ nhân nổi tiếng trên khắp cả nước như: Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng...

Kiến trúc

Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Định là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của 3 bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định.

Khamphahue_lang-khai-dinh_Ung-lang-hue_Vua-Khai-Dinh-3.jpg


Ứng Lăng được xây dựng trên triền núi Châu Chữ, có núi Chóp Vung và Kim Sơn lần lượt nằm bên tả và hữu, có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải gọi là “thủy tụ” và “minh đường”. Lăng có hình khối chữ nhật với 127 bậc tam cấp và Cung Thiên Định là trọng tâm.

Khamphahue_Lang-khai-dinh_ung-lang-4.jpg

Lăng Khải Định nhìn ra xung quanh là một vùng đồi núi trữ tình (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

So với lăng của các vua tiền nhiệm, lăng Khải Định có diện tích khiêm tốn hơn nhiều, với kích thước 117 m × 48,5 m nhưng ngược lại cực kỳ công phu và tốn nhiều thời gian. Để xây lăng, Khải Định cho người sang Pháp mua sắt, thép, xi măng, ngói Ardoise..., cho thuyền sang Trung Hoa, Nhật Bản mua đồ sứ, thủy tinh màu... để kiến thiết công trình trên ngọn đồi này.

Khamphahue_Lang-khai-dinh_ung-lang-1.jpg

Dàn voi, ngựa và tượng đá trước sân chầu của Ứng Lăng (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Kiến trúc của Lăng Khải Định không tuân theo tôn chỉ một trường phái kiến trúc nhất định nào, mà là một sự kết hợp táo bạo nhiều trường phái kiến trúc từ Ấn Độ giáo, Phật giáo, Gothique đến Roman… đã để lại dấu ấn trên những công trình cụ thể, những cổng trụ hình tháp ảnh hưởng từ kiến trúc Ấn Ðộ; trụ biểu dạng stoupa của nhà Phật; hàng rào như những cây Thánh giá khẳng khiu; nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể. Sự kết hợp đó thể hiện rõ nét về những ảnh hưởng mang tính chất thời cuộc đến tư tưởng của Vua Khải Định, khi nền văn hóa Đông - Tây có sự giao thoa trong thời điểm giao thời của lịch sử. Có lẽ chính vì vậy mà lăng Khải Định có cái lạ, có phần ngông nghênh, phô trương và độc đáo so với các công trình kiến trúc truyền thống của Việt Nam.

Khamphahue_Lang-khai-dinh_ung-lang-3.jpg

Khamphahue_lang-khai-dinh_Ung-lang-hue_Vua-Khai-Dinh-1.jpg

Cung Thiên Định (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Công trình kiến trúc chính của lăng Khải Định chính là cung Thiên Định. Cung Thiên Ðịnh ở vị trí cao nhất gồm 5 phần liền nhau: hai bên là Tả, Hữu Trực Phòng dành cho lính hộ lăng; phía trước là Ðiện Khải Thành, nơi có án thờ và chân dung Khải Ðịnh; chính giữa là bửu tán, pho tượng nhà vua bằng đồng đúc tại Pháp năm 1920, do 2 người Pháp là P. Ducing và F. Barbedienne thực hiện theo yêu cầu của vua Khải Định với tỷ lệ 1/1. Thi hài nhà vua được đưa vào dưới pho tượng bằng một toại đạo dài gần 30 m, bắt đầu từ phía sau Bi Đình. Phía sau ngôi mộ, vầng mặt trời đang lặn như biểu thị cái chết của vua và trong cùng là khám thờ bài vị của vua khi quá cố.

Khamphahue_Ung-lang_lang-vua-khai-dinh-hue.jpg

Điện Khải Thành (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Khamphahue_lang-khai-dinh_Ung-lang-hue_Vua-Khai-Dinh-2.jpg

Chân dung vua Khải Định, Bửu tán và bước tranh "Cửu long ẩn vân" trên trần nhà
là những điểm đặc sắc nhất, tinh xảo nhất tại lăng Khải Định (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Toàn bộ nội thất của ba gian giữa trong cung Thiên Ðịnh đều được trang trí những phù điêu ghép bằng sành sứ và thủy tinh. Ðó là những bộ tranh tứ quý, bát bửu, ngũ phúc, bộ khay trà, vương miện... Những vật liệu cứng, biệt lập, qua bàn tay vàng khéo léo của các nghệ nhân đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật mềm mại, sống động và vô cùng rực rỡ. Ðặc biệt chiếc bửu tán bên trên pho tượng đồng trong chính tẩm với những đường lượn mềm mại, thanh thoát khiến người xem có cảm giác nó được làm bằng nhung lụa, có thể xao động trước gió mà quên đi rằng nó đích thực là một khối bê tông cốt thép nặng gần một tấn.

Người chịu trách nhiệm chính trong việc kiến tạo những tuyệt tác nghệ thuật trong lăng Khải Ðịnh là nghệ nhân Phan Văn Tánh, tác giả của ba bức bích họa “Cửu long ẩn vân” lớn vào bậc nhất Việt Nam. Ba tấm phù điêu này được trang trí trên trần của 3 gian nhà giữa trong cung Thiên Định.

Giá trị nghệ thuật

Với 11 năm xây dựng cùng sự đầu tư nguyên vật liệu hết sức kỹ lưỡng, Ứng Lăng được xem là một trong những công trình lăng tẩm tốn kém nhất thời đó. Tuy nhiên sự tốn kém và công phu này đã hình thành một công trình kiến trúc khá đặc sắc, mà bất cứ ai đến thăm cũng không khỏi trầm trồ.

Theo đánh giá của những nhà chuyên môn thì lăng Khải Định thực sự là biểu tượng đỉnh cao của nghệ thuật tạo hình sành sứ và thủy tinh. Đây cũng là lăng tẩm duy nhất có sự pha trộn giữa Đông và Tây, phản ánh rõ nét dấu ấn thời cuộc cũng như cá tính của vị vua này.

Cho dù bị lên án dưới nhiều góc độ khác nhau, lăng Khải Định đích thực là một công trình có giá trị về mặt nghệ thuật và kiến trúc. Nó làm phong phú và đa dạng thêm quần thể lăng tẩm ở Huế, xứng đáng với đôi câu đối đề trước Tả Trực Phòng trong lăng:

"Tứ diện hiến kỳ quan, phong cảnh biệt khai vũ trụ.
Ức niên chung vượng khí, giang sơn trường hộ trừ tư.
(Bốn mặt đều là kỳ quan, phong cảnh mở ra một vũ trụ biệt lập.
Muôn năm hun đúc nên vượng khí, núi sông giúp đỡ mãi hoài)."​
 
LĂNG VUA TỰ ĐỨC (Khiêm lăng)
Lăng Tự Đức (còn gọi là Khiêm Lăng) là một di tích lịch sử trong quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11-12-1993, đồng thời cũng là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc thời Nguyễn. Lăng tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (nay là thôn Thượng Ba, xã Thủy Xuân, thành phố Huế). Đây là nơi yên nghỉ của vị hoàng đế thứ 4 triều đại nhà Nguyễn tức vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Hồng Nhậm), ông trị vì được 36 năm từ 1847-1883, là vị vua ở ngôi lâu nhất của nhà Nguyễn, cũng là một con người có học vấn uyên thâm và lãng tử bậc nhất trong hàng vua chúa nhà Nguyễn.

Khamphahue_lang-Tu-Duc-Hue-5.jpg

Xung Khiêm Tạ- một công trình kiến trúc thơ mộng trên hồ Lưu Khiêm

Lăng Tự Đức là một quần thể công trình kiến trúc tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế.

Lúc mới xây dựng, lăng có tên là Vạn Niên Cơ (萬年基), sau cuộc Loạn Chày Vôi, vua Tự Đức bèn đổi tên thành Khiêm Cung (謙宮). Sau khi nhà vua băng hà, lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng (謙陵).

Lịch sử

- Năm 1864, Lăng được khởi công xây dựng với 5 vạn binh lính tham gia.

- Năm Tự Đức thứ 19 (1866), do công cuộc xây dựng Vạn Niên Cơ quá cực khổ, một lực lượng quân sĩ và dân phu xây lăng đã đứng lên khởi nghĩa. Mặc dù cuộc khởi nghĩa bị đàn áp nhưng do sự việc này, vua phải đổi tên Vạn Niên Cơ thành Khiêm Cung và viết bài biểu trần tình để tạ tội.

- Năm 1873, Khiêm Cung được hoàn thành.

Kiến trúc

Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình, và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn.

Toàn cảnh lăng Tự Đức như một công viên rộng lớn, hòa nhập với thiên nhiên. Không có đường nét thẳng tắp, góc cạnh, mà thay vào đó là sự hài hòa, uốn lượn như chìm hẳn vào thiên nhiên, dù cho công trình là hoàn toàn do tay con người kiến tạo. Nhìn chung, tổng thể kiến trúc này đầy trang trọng và mỹ thuật cao được cấu tạo hài hòa giữa đồi núi nhấp nhô, cây cỏ tốt tươi, rừng thông xanh biếc, khe hồ nước chảy du dương thành một khung cảnh êm đềm thơ mộng và hết sức tươi đẹp, phảng phất nét u trầm thanh nhã như tâm hồn mẫn cảm, yêu thích thiên nhiên và nghệ thuật của vị vua hiền đức hiếu thảo, được người đời mệnh danh là “ông vua thi sĩ”.

Khamphahue_lang-Tu-Duc-Hue-6.jpg


Gần 50 công trình trong lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm trong tên gọi. Con đường lát gạch Bát Tràng bắt đầu từ cửa Vụ Khiêm đi qua trước Khiêm Cung Môn rồi uốn lượn quanh co ở phía trước lăng mộ và đột ngột khuất vào những hàng cây sứ đại thụ ở gần lăng Hoàng hậu Lệ Thiên Anh.

Khamphahue_Lang-Tu-Duc_cua-vu-khiem.jpg

Cửa Vụ Khiêm lối vào Lăng Tự Đức

Qua khỏi cửa Vụ Khiêm và miếu thờ Sơn Thần là khu điện thờ, nơi trước đây là chỗ nghỉ ngơi, giải trí của vua. Đầu tiên là Chí Khiêm Đường ở phía trái, nơi thờ các bà vợ vua. Tiếp đến là 3 dãy tam cấp bằng đá Thanh dẫn vào Khiêm Cung Môn - một công trình hai tầng dạng vọng lâu như một thế đối đầu tiên với hồ Lưu Khiêm ở đằng trước. Giữa hồ có đảo Tịnh Khiêm với những mảnh đất trồng hoa và những hang nhỏ để nuôi thú hiếm. Trên hồ Lưu Khiêm có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ, nơi nhà vua đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách... Ba cây cầu Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm bắt qua hồ dẫn đến đồi thông bạt ngàn và đảo xanh ngát hương cỏ hoa.

Bên trong Khiêm Cung Môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu. Hai bên tả, hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức.

Khamphahue_Nha-hat-minh-khiem-duong-hue.jpg

Minh Khiêm Đường là nhà hát cổ nhất trong 4 nhà hát được xây dựng thời các Vua nhà Nguyễn. Cùng với các công trình kiến trúc khác trong lăng, Minh Khiêm Đường hiện vẫn còn giữ gìn được kiến trúc ban đầu (Ảnh: Internet).

Khamphahue_Nha-hat-Minh-Khiem-duong_lang-vua-tu-duc-hue.jpg

Trần nhà Minh Khiêm Đường được trang trí các chòm sao (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường - nơi cất đồ ngự dụng. Đặc biệt, phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn. Có một hành lang từ điện Ôn Khiêm dẫn ra Trì Khiêm Viện và Y Khiêm Viện là chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua, ngay cả khi vua còn sống cũng như khi vua đã chết. Cạnh đó là Tùng Khiêm Viện, Dung Khiêm Viện và vườn nuôi nai của vua.

Khamphahue_lang-Tu-Duc-Hue-2.jpg

Bái Đình (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Khamphahue_lang-Tu-Duc-Hue-1.jpg

Lối vào Bửu Thành nơi đặt ngôi mộ bằng đá của vua Tự Đức

Qua khỏi khu vực tẩm điện là khu lăng mộ. Ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ uy nghi là Bi Đình với tấm bia bằng đá Thanh Hóa nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do chính Tự Đức soạn. Tuy có đến 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia “Thánh đức thần công” trong các lăng khác. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình, kể công và nhận tội của Tự Đức trước lịch sử. Đằng sau tấm bia là hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng cùng với hồ Tiểu Khiêm hình trăng non đựng nước mưa để linh hồn vua rửa tội.

Khamphahue_lang-Tu-Duc-Hue-3.jpg


Hiện còn một khu vực đặc biệt trong quần thể lăng tẩm này mà ít người biết đến, đó là Bổi Lăng - nơi yên nghỉ của vua Kiến Phúc, vị vua thứ 7 của triều Nguyễn cũng được đặt trong khuôn viên Khiêm Lăng. Vua Kiến Phúc được vua Tự Đức nhận làm con nuôi từ khi 2 tuổi, lên ngôi vào năm 1883 nhưng chỉ sau 8 tháng trị vì nhà vua đã đột ngột qua đời khi còn rất trẻ.

Giá trị nghệ thuật

Với những đường nét mềm mại, Lăng Tự Đức như một bức tranh sơn thủy tuyệt mĩ, lăng được liệt vào một trong những công trình đẹp nhất thế kỉ XIX.

Kết

Vua Tự Đức chính là đã chọn cho mình một nơi yên nghỉ xứng đáng với ngôi vị và vị thế của mình, phù hợp với sở thích và nguyện vọng của con người tài cao hiểu rộng được người đời ngưỡng mộ, kính nể. “Ngôi nhà vĩnh cửu” của vua Tự Đức được ví như câu thơ:

“Tứ bề núi phủ mây phong, Mảnh trăng thiên cổ, bóng tùng Vạn Niên”.
Nguồn: khamphahue.com​
 
LĂNG VUA MINH MẠNG (Hiếu Lăng)
Lăng Minh Mạng là một di tích trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11-12-1993. Đây là một khu lăng tẩm uy nghiêm, vừa rực rỡ về kiến trúc, hài hòa với thiên nhiên, vừa sâu sắc bởi giá trị tư tưởng.
Vua Minh Mạng là người có nhiều đóng góp đối với công cuộc mở mang bờ cõi, đưa nước Đại Nam lên hàng mạnh nhất trong các quốc gia Đông Nam Á lúc bấy giờ.

Khamphahue_langMinhMang-Hieu-lang-1.jpg

Lăng Minh Mạng​

Lăng Minh Mạng còn gọi là Hiếu Lăng (孝陵), là nơi an nghỉ của vị vua thứ 2 dưới triều Nguyễn – vua Minh Mạng. Công trình do vua Thiệu Trị - con trai vua Minh Mạng xây dựng, nằm trên núi Cẩm Khê, gần ngã ba Bằng Lãng là nơi hội lưu của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch hợp thành sông Hương, cách cố đô Huế 12 km. Hiện nay, di tích thuộc địa phận xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế.

Khamphahue_langMinhMang-Hieu-lang-2.jpg

Nét đẹp đăng đối trong kiến trúc lăng vua Minh Mạng (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Lịch sử

Tháng 2/1820, vua Gia Long băng hà, hoàng tử thứ tư là Nguyễn Phúc Đảm lên ngai vàng, lấy niên hiệu là Minh Mạng.

• Năm 1826, vua Minh Mạng sai tìm đất xây lăng, nhưng đến 14 năm sau mới chọn được địa điểm và đồ án thiết kế kiến trúc do Quan địa lý Lê Văn Đức tìm ra.
• Tháng 4 - 1840, vua lên xem lại chỗ đất và đổi tên vùng núi Cẩm Kê thành Hiếu Sơn và sai binh lính lên tiến hành khảo sát địa thế, đo đạc đất đai ở đó và vẽ sơ đồ Lăng.
• Tháng 9 - 1840, triều đình huy động 3.000 lính và thợ lên điều chỉnh mặt bằng và xây vòng La thành chung quanh khu vực kiến trúc.
• Ngày 20-1-1841, vua Minh Mạng băng hà lúc mới 50 tuổi.
• Vua Thiệu Trị lên nối ngôi, chỉ một tháng sau (tháng 2-1841) đã sai các quan đại thần Tạ Quang Cự, Hà Duy Phiên, Nguyễn Tri Phương chỉ huy gần 10.000 lính và thợ thi công tiếp tục xây lăng của vua cha.
• Ngày 20-8-1841, quan tài của vua Minh Mạng được đưa vào chôn ở Bửu thành.
• Năm 1943, lăng được xây dựng hoàn tất theo đồ án của vua Minh Mạng để lại.

Kiến trúc

Lăng Minh Mạng là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm 40 công trình lớn nhỏ, nằm trên một khu đồi núi, sông hồ thoáng mát. Toàn bộ lăng giống như một cơ thể con người nằm gối đầu lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông ở trước mặt, hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên.

Khamphahue_langMinhMang-Hieu-lang-3.jpg

Lăng Minh Mạng nhìn từ trên cao (Ảnh: Thanhlyly)

Khu lăng có chiều sâu, từ Đại Hồng Môn đến điểm tận cùng của La thành cách nhau đến 700 mét. Vòng La thành tuy cao nhưng không hạn chế được tầm nhìn từ trong lăng ra đến vùng núi non đẹp đẽ ở bên ngoài, cảnh vật in bóng xuống hồ Trừng Minh trông như bức tranh thủy mặc.

Khamphahue_langMinhMang-Hieu-lang-5.jpg


Bên trong La thành, các công trình kiến trúc được bố trí đăng đối, đối xứng nhau từng cặp qua trục chính xuyên tâm lăng. Tất cả được xếp đặt theo một trật tự chặt chẽ, có hệ thống, nói lên cá tính và phong cách của chính vua Minh Mạng.

Khamphahue_langMinhMang-Hieu-lang-6.jpg
Khamphahue_langMinhMang-Hieu-lang-9.jpg

Nét đường bệ trong các kiến trúc của lăng vua Minh Mạng (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Bửu thành xây theo hình tròn biểu thị vua là mặt trời, là đấng chí tôn có quyền lực chi phối toàn bộ xã hội quân chủ.

Ở phần trước lăng, mật độ kiến trúc thưa, thoáng, càng vào sâu, kiến trúc càng dày.

Khamphahue_langMinhMang-Hieu-lang-4.jpg

Tượng voi, ngựa và binh lính trước sân chầu lăng vua Minh Mạng (Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh)

Ngoài tính cách đăng đối uy nghiêm đường bệ, lăng Minh Mạng còn có những nét quyến rũ của thiên nhiên đã được chỉnh trang lại để làm bối cảnh cho các công trình kiến trúc.

Khamphahue_langMinhMang-Hieu-lang-7.jpg


Giá trị nghệ thuật

Các kiến trúc sư bậc thầy ngày nay, cũng phải khâm phục trước nghệ thuật tạo hình tuyệt diệu của lăng Minh Mạng.

Bên cạnh hàng loạt các công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật và thẩm mỹ cao còn có gần 600 ô chữ chạm khắc các bài thơ trên Bi Đình, Hiển Đức Môn, điện Sùng Ân và Minh Lâu cũng là những tuyệt tác vô giá. Đó là một "bảo tàng thơ" chọn lọc của nền thi ca Việt Nam đầu thế kỷ 19.

Hiện nay, lăng Minh Mạng là một trong những địa chỉ tham quan thu hút đông đảo khách du lịch của Cố đô Huế.

Khamphahue_langMinhMang-Hieu-lang-hue-2.jpg


Khamphahue_langMinhMang-Hieu-lang-8.jpg


Lăng Minh Mạng ngày nay là địa chỉ tham quan thu hút đông đảo khách du lịch khi tới Huế (Ảnh: Hà Hải)

Nguồn: khamphahue.com​
 
LĂNG VUA THIỆU TRỊ (Xương lăng)
Lăng Thiệu Trị cũng là một di tích trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11-12-1993. Lăng tạo lạc tại thôn Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Miêu tả vẻ đẹp của lăng vua Thiệu Trị, người ta ví vẻ đep ấy trầm mặc mà thanh thoát, mộc mạc ẩn mình giữa chốn núi đồi rộng lớn dưới bầu trời bao la.

Khamphahue_lang-thieu-tri-1.jpg

Lăng Triệu Trị​

Sau khi ở trên ngai vàng được 7 năm, vua Thiệu Trị lâm bệnh mất ngày 4-11-1847, giữa lúc mới 41 tuổi. Trong khi hấp hối, nhà vua đã dặn người con trai sắp lên nối ngôi (tức vua Tự Đức sau này) rằng: “Chỗ đất làm Sơn lăng nên chọn chỗ bãi cao chân núi cận tiện, để dân binh dễ làm công việc. Còn đường ngầm đưa quan tài đến huyệt, bắt đầu từ Hiếu lăng, nên bắt chước mà làm. Còn điện vũ liệu lượng mà xây cho kiêm ước, không nên làm nhiều đền đài, lao phí đến tài lực của binh dân”. Sau khi vua Thiệu Trị thăng hà, quan tài nhà vua được quàn tại điện Long An trong cung Bảo Định ở bờ bắc Ngự Hà, mãi đến gần 8 tháng sau mới đưa lên an táng ở lăng.

Lịch sử

Vua Thiệu Trị vừa thăng hà thì vua Tự Đức liền bảo các thầy địa lý trong triều đi coi đất để xây lăng. Họ tìm được địa cuộc tốt tại chân một dãy núi thấp thuộc làng Cư Chánh, huyện Hương Thủy, cách Kinh thành không xa như hai lăng vua tiền nhiệm. Sau đó núi ấy được đặt là núi Thuận Đạo, còn lăng được gọi là Xương Lăng.

• Ngày 11 - 2 - 1948, vua Tự Đức sai đại thần Vũ Văn Giai, sung chức Đổng lý, đứng ra trông coi công việc xây dựng lăng, truyền bắt chước cách làm “toại đạo” giống như lăng Minh Mạng, công việc xây dựng các công trình mang tính thờ phụng ở lăng như điện, đình, các, viện... thì phải bắt chước theo quy chế của lăng Gia Long, và tùy theo địa thế tại chỗ để châm chước định liệu mà làm.

• Ngày 24-3-1848, Toại đạo - tức đường hầm đưa quan tài nhà vua vào huyệt mộ được xây dựng.

• Tháng 5-1848, các công trình kiến trúc chính trong lăng được hoàn thành.

• Ngày 14-6-1848, vua Tự Đức thân hành lên lăng để kiểm tra công việc một lần cuối, trước khi làm lễ an táng vua cha.

• Ngày 19-11-1848, dựng xong tấm bia “Thánh đức thần công” với bài bi ký dài hơn 2.500 chữ do vua Tự Đức viết.

• Từ tháng 3/2006, Bộ Văn hóa thông tin có quyết định trùng tu, tôn tạo Lăng vua Thiệu Trị do bị xuống cấp bởi thời gian và chiến tranh, tổng kinh phí đầu tư hơn 106 tỉ đồng.

Kiến trúc

• Lăng gần Kinh thành

Lăng vua Thiệu Trị được vua Tự Đức xây dựng theo mô thức kiến trúc và phần lớn ý đồ do vua cha để lại, tham khảo có chọn lọc nghệ thuật kiến trúc lăng tẩm của lăng vua Gia Long và lăng vua Minh Mạng, vì vậy lăng vua Thiệu Trị được xem là sự dung hòa hai mô thức kiến trúc của hai lăng vua tiền nhiệm.

Xương Lăng giống với Thiên Thọ Lăng ở chỗ đều không có La thành, khu vực lăng mộ và tẩm điện biệt lập, song song với nhau. Xương Lăng lại giống Hiếu Lăng ở cách thức mai táng và xây dựng Toại đạo, Bửu thành hình tròn với hồ Ngưng Thúy hình bán nguyệt bao bọc ở phía trước.

Các nhà thiết kế lăng Thiệu Trị đã tách riêng khu vực tẩm điện trong lăng Minh Mạng rồi cải tiến, sửa đổi cho phù hợp với cảnh quan của Xương Lăng để tạo ra đồ án thiết kế lăng này thành hai trục: Trục lăng nằm bên phải và trục tẩm - khu vực điện thờ nằm bên trái. Hai trục cách nhau khoảng 100 mét.

Ở Trục lăng, từ ngoài vào là các công trình: Hồ Nhuận Trạch – Bức Bình phong – Nghi Môn – Sân chầu – Bi đình – Lầu Đức Hinh – Trụ biểu – Cầu Đông Hòa, cầu Chánh Trung, cầu Tây Định – Bửu thành (nơi đặt thi hài nhà vua). Trục tẩm gồm các công trình sau: Bình phong – Hồ Điện – Sân chầu – Hồng Trạch Môn – Tả, Hữu Phối viện – Điện Biểu Đức – Tả, Hữu Tùng viện.

Khamphahue_lang-Thieu-Tri.jpg

Ảnh: Hà Hải

Bi Đình và lầu Đức Hinh ở Xương Lăng mang dáng vóc của Bi Đình và Minh Lâu ở lăng Minh Mạng. Đứng trên lầu Đức Hinh, phóng tầm mắt ra phía sau sẽ thấy một cảnh quan trác tuyệt. Hai hàng tượng đá ở hai bên tả, hữu của sân chầu là tiêu biểu của nghệ thuật tạc tượng đầu thế kỷ XIX ở Huế.

• Lăng vua duy nhất quay mặt về hướng Tây Bắc

Xét về phong thủy, lăng Thiệu Trị ở vào vị thế “sơn chỉ thủy giao”. Lăng quay mặt về hướng Tây Bắc, một hướng chưa bao giờ được dùng trong các công trình kiến trúc lớn ở Huế bấy giờ.

Phía trước, cách lăng khoảng 1 km có đồi Vọng Cảnh, bên trái có núi Ngọc Trản chầu về trước lăng theo vị thế “tả long hữu hổ”. Ngọn núi Chằm cách đó khoảng 8 km đứng làm “tiền án” cho khu vực lăng, động Bàu Hồ ở gần hơn làm bình phong thiên nhiên cho khu vực tẩm. Ở đằng sau, ngoài ngọn núi Kim Ngọc ở xa, người xưa đã đắp một mô đất cao lớn làm “hậu chẩm” cho lăng. Trong phạm vi lăng có ba hồ bán nguyệt là Hồ Điện, hồ Nhuận Trạch, và hồ Ngưng Thúy cùng dòng khe từ hồ Thủy Tiên chạy ra bên phải, giao lưu với nhau bằng những đường cống xây ngầm dưới các lối đi.

Khamphahue_langThieuTri.jpg


Ngoài ra, ở gần lăng Thiệu Trị còn có 3 ngôi lăng mộ khác của những người trong gia đình vua. Nằm chếch phía trước là lăng Hiếu Đông của mẹ vua - bà Hồ Thị Hoa; gần phía sau bên trái là Xương Thọ Lăng của vợ vua - bà Từ Dũ; phía trước bên trái là khu lăng “Tảo thương” là những ngôi mộ của con vua Thiệu Trị chết lúc còn nhỏ.

Giá trị kiến trúc

Lăng Thiệu Trị dựa lưng vào chân núi Thuận Đạo, gần trước mặt lăng là một vùng đất bằng phẳng cỏ cây xanh tươi, ruộng đồng mơn mởn trải dài từ bờ sông Hương đến tận cầu Lim đã tạo cho khu lăng mô của nhà vua một vẻ trầm mặc mà thanh thoát, khiêm tốn ẩn mình giữa chốn núi đồi rộng lớn dưới bầu trời bao la.

Lăng Thiệu Trị mát mẻ và yên tĩnh, cảnh quan hài hòa với thiên nhiên, là một địa điểm du lịch tham quan thích hợp cho du khách khi có dịp đến Huế.

Khamphahue_lang-Thieu-Tri_Xuong-Lang-3.jpg

Là lăng tẩm ở gần thành phố Huế, ngày nay, lăng vua Thiệu Trị là sự lựa chọn của các bạn trẻ, các cặp đôi chụp hình lưu niệm, hình cưới theo phong cách truyền thống cung đình Huế (Ảnh: Trang Nguyễn)

Cụm lăng mộ gia quyến của vua Thiệu Trị

Có 1 điểm đặc biệt gần khu vực lăng Thiệu Trị còn có 3 ngôi lăng mộ khác của những người trong gia đình vua.
  • Nằm chếch phía trước gần như đối diện là Lăng Hiếu Đông của mẹ vua – bà Hồ Thị Hoa
  • Gần phía sau khu vực tẩm bên trái là Lăng Xương Thọ vợ của vua Thiệu Trị bà Từ Dụ
  • Phía trước bên trái là khu lăng “Tảo thương” là những ngôi mộ của con vua Thiệu Trị chết yểu lúc còn nhỏ.
Nguồn: khamphahue.com​
 
LĂNG VUA ĐỒNG KHÁNH (Tự Lăng)
Lăng Đồng Khánh là một di tích trong quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới ngày 11-12-1993, tọa lạc giữa 1 vùng quê tĩnh mịch thuộc làng Cư Sĩ tổng Dương Xuân ngày trước nay là thôn Thượng Hai, xã Thủy Xuân thành phố Huế. Nơi yên nghỉ của vị vua này có thể nói nồng ấm tình cảm gia đình, vì chung quanh ông là vô số lăng mộ của bà con quyến thuộc : lăng Tự Đức – bác ruột và là cha nuôi của vua Đồng Khánh, lăng Kiên Thái Vương – thân phụ, lăng bà Từ Cung – con dâu vợ vua Khải Định; lăng bà Thánh Cung – vợ; xa hơn là lăng Tá Thiên Nhân – hoàng hậu vợ vua Minh Mạng hay bà cố nội, lăng Thiệu Trị – ông nội vua Đồng Khánh…

bi-dinh-va-bia-thanh-duc-than-cong.jpg

Lăng Đồng Khánh​

Qúa trình xây dựng và tu sửa lăng

Quá trình xây dựng lăng Đồng Khánh khá phức tạp. Nhà vua không ngờ mình chết sớm giữa lúc mới 25 tuổi sau khi tại vị chỉ 3 năm (1886-1888), cho nên chưa nghĩ đến việc xây lăng.

Nguyên trước đó, ở gần khu vực lăng Đồng Khánh ngày nay đã có lăng mộ của Kiên Thái Vương (1845 - 1876), cha đẻ của 3 vua Kiến Phúc (1884), Hàm Nghi (1885) và Đồng Khánh (1886 - 1888). Sau khi lên ngôi, thấy lăng mộ cha chưa có điện thờ, vua Đồng Khánh hạ lệnh cho Bộ Công xây dựng điện Truy Tư để thờ cha. Ngôi điện này nằm cách lăng Kiên Thái Vương khoảng 50 mét về phía đông - đông nam, được khởi công làm từ tháng 2-1888. Đến tháng 10 năm ấy, dù công trình chưa hoàn tất, vua Đồng Khánh cũng đã cho tổ chức lễ rước bài vị của Kiên Thái Vương từ một nhà thờ trong Thành Nội lên thờ ở đây. Trong khi công việc xây dựng đang tiến hành thì vua Đồng Khánh ngã bệnh, chết vào ngày 28-1-1889. Vì vậy điện Truy Tư được đổi làm Tư Lăng biệt điện, rước thánh vị nhà vua về thờ, gọi là điện Ngưng Hy. Bấy giờ, bài vị Kiên Thái Vương được đưa về thờ bên Hân Vinh từ đường xây dựng từ tháng 3-1888, bên bờ sông An Cựu, nay vẫn còn, nằm sát cung An Định.

Sau khi vua Đồng Khánh đột ngột mất, vua Thành Thái nối ngôi trong hoàn cảnh lịch sử và kinh tế đất nước khó khăn, phức tạp. Vì vậy, triều đình phải dùng ngôi điện đang xây dang dở làm nơi thờ vua Đồng Khánh và chọn chỗ đất cách đó khoảng 100 mét về phía tây nam để an táng ông luôn.

Sau khi vua Đồng Khánh chết hơn 20 ngày, quan tài nhà vua được đưa lên quàng tại điện Ngưng Hy từ ngày 19-2-1889, đến ngày 18-4-1889 mới đưa qua chôn tại khu lăng mộ đã chọn gần đó, mặc dù các công trình kiến trúc tại khu vực này làm chưa xong.

Phần lớn các công trình kiến trúc còn tồn tại ở lăng Đồng Khánh đều thực hiện dưới thời vua Khải Định (1916 - 1925). Sau khi lên ngôi được 3 tháng, vua Khải Định bảo Bộ Công lo việc tu sửa lăng (tháng 8-1916).

Vào tháng 3-1917, Bái đình mới được làm xong; thiết lập hai hàng tượng văn, võ quan viên và voi ngựa, lát gạch giữ sân chầu, xây lan can chung quanh và dựng cửa Nghi Môn ở mặt trước.

Bài văn bia do vua Khải Định viết xong ngày 8-10-1916 để ca tụng vua cha, được khắc vào hai mặt một tấm bia bằng đá thanh, rồi dựng ở Bi đình vào khoảng tháng 7-1917.

Điện Ngưng Hy và các nhà cửa phụ thuộc cũng đã được vua Khải Định cho trùng tu vào tháng 2-1921 và vào tháng 5-1923.

Tóm lại công việc xây dựng lăng tẩm của vua Đồng Khánh đã được bắt đầu từ cuối đời của chính ông (1888 - xây dựng khu vực điện Truy Tư sau đổi thành điện Ngưng Hy), làm thêm từ đầu đời vua Thành Thái (1889 - khu vực lăng mộ), rồi sửa chữa và mở rộng thêm quy mô dưới thời vua Khải Định các năm 1916, 1917, 1921 và 1923. Thực tế công cuộc xây dựng lăng vua Đồng Khánh diễn ra nhiều đợt, trong thời gian dài 35 năm (1888 - 1923), qua 4 đời vua: Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định.

Kiến trúc

Điều kiện lịch sử thời bấy giờ đã ảnh hưởng không nhỏ đến các yếu tố kiến trúc nghệ thuật xây dựng lăng, nền nghệ thuật thuần túy dân tộc đã bị phôi pha, trộn lẫn với các giá trị kiến trúc phương Tây.

Về mô thức kiến trúc, lăng vua Đồng Khánh không khác gì các lăng vua Nguyễn trước đó, ở cả hai khu vực lăng và tẩm có khoảng 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ với mật độ tương đối dày. Khu vực tẩm quay về hướng đông - nam, ngay trước mặt có đào ao hồ bán nguyệt để làm yếu tố “minh đường”, ngọn đồi Thiên An cách đó khoảng 3 km được dùng làm tiền án. Khu vực lăng mộ quay về hướng đông - đông nam, tiến án là núi Thiên Thai. Tương quan viên ở lăng Đồng Khánh được đắp bằng vôi gạch với dáng cao, nhưng gầy.

Công trình kiến trúc nổi bật ở lăng vua Đồng Khánh là điện Ngưng Hy, có giá trị cao về kiến trúc, hội họa và trang trí. Đây là một tòa nhà kép làm theo kiểu thức chung của loại cung điện Huế, nhưng ở phần sau lại được gia tăng thêm một nhà thứ ba, nhà hậu. Vì vậy, ở đây có ba hệ thống vì kèo được ghép lại với nhau theo hình chữ “tam” với hai hệ thống máng xối ở giữa.

Bên trong điện là không gian nội thất vàng son lộng lẫy. Hàng trăm hình ảnh và câu thơ được chạm khắc hoặc viết vẽ lên các pa-nô và hệ thống liên ba đố bản. Một loạt hình ảnh trang trí độc đáo ở nội điện Ngưng Hy là vẽ cảnh sinh hoạt của 24 câu chuyện trong “nhị thập tứ hiếu”. Điện Ngưng Hy đã bảo lưu được nền nghệ thuật sơn mài truyền thống của dân tộc, phát huy tối đa những hình ảnh nổi bằng đất nung tráng men màu vào trong trang trí ngoại thất để có thể chịu đựng nắng mưa xứ Huế. Và cũng là lăng mở đầu cho sự pha trộn hai nền kiến trúc nghệ thuật Á - Âu.

Nhìn chung lăng Đồng Khánh được xây dựng trong một buổi giao thời của lịch sử nên nền kiến trúc Á Đông phần nào phôi pha mờ nhạt để chuyển tiếp đến kiến trúc hiện đại. Người nghệ sĩ kiến tạo khu lăng tẩm bị đặt giữa sự chọn lựa và tiếp nhận kiến trúc cung đình, kiến trúc dân gian và kiến trúc mới du nhập. Trong một chừng mực nhất định họ đã thành công trong việc thử nghiệm cái mới, đưa yếu tố dân dã vào trong cung đình khiến lăng Đồng Khánh như hòa hợp hơn với phong cảnh thôn dã trong vùng đó.

Nguồn: khamphahue.com​
 
LĂNG CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU (Lăng Trường Thanh)
Lăng Trường Thanh (Nguyễn Phúc Chu tức Hiển Tôn Hiếu Minh Hoàng đế, là chúa Nguyễn thứ 6) tọa lạc tại núi Kim Ngọc, huyện Hương Trà nay thuộc thôn Kim Ngọc, xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế nằm cách thành phố Huế 12km về phía tây nam. Nếu đi thuyền thì cách ngã ba tuần 1.5km rồi neo thuyền về phía phải đi bộ 600m là tới lăng.

kienthuc-lang-truong-thanh-01_SUKK.jpg

Lăng nằm trên một ngọn đồi thấp, xoay mặt về hướng Đông Nam, với một hệ thống bậc cấp dẫn lên cổng.​

Lăng có hai vòng thành: vòng thành trong cao 2.05m, dài 17.36m, rộng 14.75m. Ngay chính giữa thành trong là tẩm mộ hình chữ nhật. Chúa Nguyễn Phúc Chu sinh ngày 11.6.1675. Lên ngôi lúc 16 tuổi. Chúa ở ngôi được 34 năm (1691-1725), thọ 51 tuổi, lăng táng tại làng Kim Ngọc (Hương Trà, Thừa Thiên Huế). Trong những năm cầm quyền chúa đã thực hiện nhiều công việc quan trọng: Năm 1696 chúa sai Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh chinh phục xứ Đồng Nai, dựng dinh Trấn Biên và Phiên Trấn. Vì thế vùng đất Nam bộ có câu truyền khẩu “Rồng chầu xứ Huế, Ngựa tế Đồng Nai”. Năm 1699 tiếp tục khai phá mở đất về phía đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1709 chúa cho đúc ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo”. Chiếc ấn này di truyền cho đến các vị vua triều Nguyễn sau này.

Đặc biệt trong thời gian trị vì, Chúa đã đóng góp rất nhiều công lao trong việc chấn hưng Phật giáo ở Đàng Trong. Năm 1710, chúa cho đúc đại hồng chung. Chuông cao 2.5m, đường kính miệng chuông 1.36m; trên chuông có khắc bài minh của Chúa: “Đại Việt Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu, Tòa Động thượng chánh tông, tam thập đại, pháp danh Hưng Long, chú tạo hồng chung; trọng tam thiên nhị bách, bát thập ngũ cân nhập vu. Ngự kiến Thiên Mụ thiền tự, vĩnh viễn cung phụng tam bảo. Duy nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chủng sanh đồng viên chủng trí. Vĩnh Thạnh lục niên tuế thứ Canh Dần từ nguyệt. Phật đản nhật”. Dịch nghĩa: Chúa Đại Việt Nguyễn Phúc Chu, nối dòng Tào Động thương chánh tông đời thứ 30, pháp danh Hưng Long, đúc chuông lớn này nặng 3.285 cân (2021kg) để vào chùa Thiên Mụ, cúng dường tam bảo lâu dài, nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, chúng sanh trong pháp giới, đều được vẹn toàn trí tuệ. Vĩnh Thạnh năm thứ 6 (niên hiệu vua Lê Dụ Tông). Ngày Phật đảng tháng tư năm Canh Dần (1710)

Năm 1719 trong một lần ghé chơi Hội An, thấy thuyền buôn đậu nơi cầu phố rất đông, Chúa tự viết ba chữ Lai Viễn Kiều (cầu Lai Viễn) khắc vào biển thếp vàng cho treo trên cầu ấy”.

Về ngoại thương, Chúa rất quan tâm và sẵn sàng “mở cửa” ở thương cảng Hội An để trao đổi mậu dịch như: Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nhật... Ông Christoforo Bori khi đến Hội An đã nói: “Hội An là một thương cảng rất đẹp, ở đây các người ngoại quốc đến tiếp xúc buôn bán với xứ này”. Riêng đối với người Nhật thì thời gian giữa hai mùa mậu dịch, những thương nhân Nhật kiểu ở Hội An phải tìm cách đặt hàng trước và khi tàu họ đến thì chở đi.

Tuy công nghiệp của Chúa rất lớn, nhưng lăng mộ thì ẩn mình khiêm tốn giữa vùng đồi núi ngút ngàn cây cỏ. Khác với lăng tẩm các vua Nguyễn là một vườn hoa rợp bóng thông, tùng, sứ, nhãn... thì ở khu làng Phúc Chu bên trong tường thành chỉ thấy toàn cây chuối và cỏ bụi. Ông Tôn Thất Hanh là hậu duệ của Chúa Nguyễn Phúc Chu nói: Chúng tôi sẽ có kế hoạch đầu tư tôn tạo cảnh quan khu lăng này.

Hiện nay du khách đến Huế chưa có “khái niệm” về lăng tẩm các vị chúa Nguyễn. Họ chỉ đến các lăng tẩm vua Nguyễn. Chẳng hạn lăng Nguyễn Phúc Chu nằm cách lăng Minh Mạng 1.2km thì không ai biết tới. Cách đây hai năm có một du khác đến viếng, đó là nhà văn Sơn Nam-tác giả cuốn “Lịch sở khẩn hoang miền Nam”. Ông đã đúng trước nấm mộ thắp nhan, và chính trong nén nhang ấy, theo như lời nói đầu cuốn sách là “Về nguồn, tìm dân tộc”.

Nguồn: khamphahue.com​
 
LĂNG VUA DỤC ĐỨC (An Lăng)
Lăng Dục Đức hay còn gọi là An Lăng đây là một di tích trong quần thể di tích cố đô Huế, là nơi an táng của 3 vị vua Dục Đức, Thành Thái và vua Duy Tân. An Lăng tọa lạc tại thôn Tây Nhất làng An Cựu huyện Hương Thủy ngày nay thuộc phường An Cựu, TP Huế.

Cong-an-lang.jpg


Cổng An Lăng hình chụp vào đầu thế kỷ 20

An-Lang_LangDucDuc.jpg


Lăng Dục Đức ngày nay
Lịch sử xây dựng lăng Dục Đức cũng phức tạp theo những biến động trong nội bộ triều đình và hoàng gia nhà Nguyễn, kể từ khi vua Tự Đức thăng hà vào ngày 19-7-1883. Vì vua Tự Đức không có con để nối ngôi, cho nên ngai vàng của triều đình Nguyễn trở nên đẫm máu do sự thao túng để nắm giữ quyền hành giữa một bên là các Phụ Chính Đại thân Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường, và một bên là Tòa Khâm sứ Pháp. Cái ngai vàng ấy đã được ba đời vua là Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc thừa kế liên tục chỉ trong vòng 4 tháng, sử gọi là “Tứ nguyệt tam vương”, rồi tiếp tục được chuyển cho 4 đời vua nữa trong vòng thời gian ngắn là Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái và Duy Tân.

Vua Dục Đức tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Chân, sinh năm 1852, khi lên 2 tuổi, được vua Tự Đức chọn làm con nuôi và làm Dục Đức Đường trong kinh thành cho ở. Vị hoàng trưởng tử này lấy con gái của đại thần Phan Đình Bình; đến năm 1879, sinh ra Bửu Lân tức vua Thành Thái sau này. Khi vua Tự Đức qua đời, vị hoàng trưởng tử 32 tuổi lên nối ngôi, nhưng chỉ sau ba ngày thì bị phế (23-7-1883) và bị quản thúc tại Thái Y Viện, cuối cùng chết đói ở nhà ngục Thừa Thiên sau 7 ngày không cho ăn uống (6-10-1883); để lại 8 bà vợ, 11 người con trai và 8 người con gái. Mộ chôn tạm tại khe cồn Phước Quả, gần chùa Tường Quang. Mấy hôm sau triều đình mới cho người vợ chính là bà Từ Minh được phép lên thăm mộ và làm lễ chịu tang ở chùa Tường Quang.

Sau nhiều biến cố khó dự đoán, trong điều kiện cụ thể của bối cảnh lịch sử bấy giờ, người con trai của vua Dục Đức là Nguyễn Phúc Bửu Lân được đưa lên ngôi vua vào năm 1889, với niên hiệu Thành Thái. Sau khi lên ngôi, Thành Thái liền cho xây lăng mộ của cha đàng hoàng và đặt tên là An Lăng. Nơi thờ thì có chùa Tường Quang cách 200 mét. Năm 1891, triều đình vua Thành Thái cho xây dựng một ngôi miếu ở phường Thuận Cát, gần bên phải Hoàng thành để thờ vua Dục Đức, đặt tên là Tân Miếu (Năm 1897, đổi tên là Cung Tôn Miếu). Năm 1892, bà Từ Minh Hoàng Thái Hậu - mẹ vua Thành Thái xuất tiền đúc tượng Phật và mở rộng nhà tăng của ngôi chùa Tường Quang, năm sau vua Thành Thái cho đổi tên thành chùa Kim Quang và ban cho chùa tấm hoành phi đề 5 chữ “Sắc Tứ Kim Quang Tự”.

Đến tháng 7 năm Thành Thái thứ 11 (8-1899), nhà vua cho xây dựng điện Long Ân gần khu vực lăng mộ vua Dục Đức để thờ cha. Trong khuôn viên này có xây dựng thêm một số nhà của phụ thuộc như Tả, Hữu phối đường, Tả Hữu tòng viện dành cho 7 bà vợ thứ của vua Dục Đức ăn ở để lo hương khói phụng thờ. Năm 1906, bà Từ Minh tạ thế, triều đình cho quy hoạch lại khu vực lăng mộ vua Dục Đức, làm thành một khu lăng kép, xây mộ bà gần mộ ông theo kiểu “song táng”, “càn khôn hiệp đức” như ở lăng Thế tổ Cao Hoàng Đế và Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu (lăng Gia Long). Cuối năm 1945, ngay sau khi vua Duy Tân tử nạn máy bay ở châu Phi, một cuộc lễ truy điệu nhà vua được tổ chức tại điện Long Ân và thờ chung vua tại đây. Năm 1954, khi vua Thành Thái mất, thi hài được đưa về chôn tại địa điểm hiện nay trong khu vực An Lăng và được thờ ở ngôi điện Long Ân. Năm 1987, hài cốt vua Duy Tân được đưa về an táng cạnh lăng Thành Thái. Gần hai bên lăng vua Thành Thái và Duy Tân còn có lăng mộ của ba bà vợ vua Thành Thái. Và năm 1994, hài cốt bà Mai Thị Vàng (mất năm 1980), vợ vua Duy Tân được đưa vể chôn gần lăng mộ của vị vua yêu nước - Duy Tân.

Ngoài ra, trong khu vực lăng Dục Đức hiện nay còn có 39 lăng mộ các ông hoàng bà chúa và 121 ngôi mộ đất thuộc Đệ tứ Chánh hệ.

Theo địa bộ cũ, lăng Dục Đức chiếm một vùng đất rộng 56.144 m2, trong đó có khoảng 20 công trình kiến trúc lớn nhỏ; chia ra làm hai khu vực: lăng và tẩm, nằm cách xa nhau khoảng hơn 50 mét. Cả hai khu vực kiến trúc đều xây thành bao bọc chung quanh. Lăng quay mặt về hướng tây bắc, dùng một ngọn đồi thấp, thường gọi là cồn Phước Quả làm tiền án; lấy dòng khe chảy ngang trước mặt làm yếu tố "minh đường" và dùng ngọn núi Tam Thai ở đằng sau làm "hậu chẩm".

Đi vào khu lăng mộ - diện tích 3.445m2 bằng một cửa tam quan khá lớn xây bằng gạch, trên làm mái giả. Sau cửa là Bái đình, không có tượng đá như các lăng khác, mà chỉ xây lan can bằng vôi gạch để trang trí. Trung tâm của lăng mộ nằm ngay sau cửa tam quan thứ hai, có ngôi nhà Huỳnh Ốc được xây dựng trên một nền hình vuông mỗi cạch 8 mét. Nhà xây như một phương đình với dạng cổ lầu, mái lợp ngói hoàng lưu ly. Bờ nóc bờ quyết chắp hình rồng và phụng, nội thất trang hoàng đơn giản.

Các công trình kiến trúc nằm trong khu tẩm điện với diện tích mặt bằng 6.245m2. Công trình chính là điện Long Ân là một tòa nhà kép làm theo kiểu cung điện Huế, với 6 bộ vì kèo nóc ở 5 gian nhà trước được kết cấu theo lối “chồng rường giả thủ”, trang trí mặt hổ phù rất tinh xảo. Đây là một công trình kiến trúc gỗ có giá trị nghệ thuật trong hệ thống công trình kiến trúc cung đình triều Nguyễn ở Huế.

Trên đây là tổng hợp các bài viết giới thiệu về lăng tẩm tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hi vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức quý giá. Nếu là một người đam mê lịch sử thì Thừa Thiên Huế nói chung và thành phố Huế nói riêng hứa hẹn sẽ là một địa điểm hấp dẫn, phong phú cho những vấn đề nghiên cứu của bạn. Chúc bạn sẽ có những chuyến phiêu lưu khám phá thật hữu ích!

Nguồn: khamphahue.com​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top