Hoàng Thịnh
Member
- Xu
- 0
KHÁI QUÁT VỀ LIÊN HỢP QUỐC
A. MỘT SỐ NÉT KHÁI QUÁT VỀ LIÊN HỢP QUỐC
I. SỰ HÌNH THÀNH CỦA LIÊN HỢP QUỐC
1. Thành lập
Liên Hợp Quốc chính thức ra đời vào ngày 24/10/1945 khi Hiến chương Liên Hợp Quốc được Trung quốc, Pháp, Liên Xô, Vương quốc Anh, Hợp chủng quốc Hoa kỳ và đa số các quốc gia ký trước đó phê chuẩn. Tên gọi "Liên Hợp Quốc" đã được Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt sáng lập ra và được sử dụng lần đầu tiên trong "Tuyên ngôn của Liên Hợp Quốc" vào ngày 1/1/1942, trong đó 26 quốc gia đã khẳng định cam kết tiếp tục cuộc đấu tranh chống lại các nước thuộc phe phát xít.
Việc Liên Hợp Quốc ra đời là một sự kiện quan trọng và là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, như: vai trò kém hiệu quả của Hội Quốc Liên trong việc giữ gìn hoà bình, an ninh quốc tế, sự bùng nổ của Chiến tranh thế giới thứ hai cùng những hậu quả thảm khốc đối với loài người và nỗ lực lớn lao của các nước trong việc thiết lập một thể chế toàn cầu có vai trò hiệu quả hơn đối với hoà bình và an ninh quốc tế.
Sự thất bại của Hội Quốc Liên (tiền thân của Liên Hợp Quốc) đã đặt ra yêu cầu phải thiết lập một thể chế đa phương hữu hiệu có tính toàn cầu, nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Trong một thời gian dài, hệ thống an ninh tập thể của Hội Quốc Liên tỏ ra không hiệu quả vì không được sự quan tâm ủng hộ của các cường quốc. Những nỗi kinh hoàng của Chiến tranh thế giới thứ nhất chưa đủ sức thuyết phục các quốc gia hiểu rằng quyền lợi hoà bình của họ đòi hỏi cần có một trật tự quốc tế với các quyền lợi quốc gia truyền thống làm ưu tiên hàng đầu. Hội Quốc Liên trở thành một thể chế cứng nhắc, không thể hiện được chức năng dàn xếp hoặc thiết lập các liên minh năng động, nhằm ngăn chặn các hoạt động bành trướng quyền lực của một số cường quốc.
Với ý định chuẩn bị cho thời kỳ hậu chiến, nhằm loại trừ khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba và bảo đảm một thế cân bằng mới trong quan hệ quốc tế sau chiến tranh, ba cường quốc chính của phe Đồng minh - Anh, Mỹ và Liên Xô - đã tiến hành hai hội nghị thượng đỉnh quan trọng tại Tê-hê-ran (tháng 11/1943) và I-an-ta (tháng 2/1945). Nội dung trao đổi chính giữa Trớc-trin, Xta-lin và Ru-dơ-ven bao gồm số phận châu Âu và tương lai của Liên Hợp Quốc. Việc Liên Xô tán thành thiết lập Tổ chức Liên Hợp Quốc tại Hội nghị I-an-ta mở ra khả năng hợp tác giữa các nước đồng minh trong việc xây dựng một trật tự thế giới mới sau chiến tranh. Tại I-an-ta, ba cường quốc trên đã thống nhất với nhau về một số điểm then chốt trong việc thiết lập tổ chức Liên Hợp Quốc: chấp nhận ghế thành viên riêng rẽ của U-cờ-rai-na và Bạch Nga (nay là Bê-la-rút), dành quyền phủ quyết cho các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Liên Hợp Quốc có quyền giám sát việc tạo dựng trật tự châu Âu. Đến Hội nghị Pốt-xđam từ 17/7 đến 2/8/1945, ba cường quốc (thực chất chủ yếu là Mỹ và Liên Xô, vì Anh đã bị suy yếu) thoả thuận thành lập cơ chế để giải quyết các vấn đề sau chiến tranh, như vấn đề bồi thường chiến tranh của Đức và xác định lại biên giới các quốc gia. Hội đồng Ngoại trưởng 5 nước gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc được thành lập. Trên cơ sở thoả thuận tại Hội nghị I-an-ta, đại biểu của 50 quốc gia đã tham dự Hội nghị Xan Phran-xít-xcô tháng 4/1945 và dự thảo Hiến chương Liên Hợp Quốc. Trên cơ sở Hiến chương, Tổ chức Liên Hợp Quốc đã chính thức được thành lập với sự tham gia của 51 quốc gia sáng lập. Sự ra đời của Liên Hợp Quốc đã chấm dứt hoàn toàn cơ chế cân bằng quyền lực giữa các cường quốc châu Âu dựa trên cơ sở của Hội nghị Viên năm 1815. Cân bằng quyền lực trên cơ sở Liên Hợp Quốc là thế cân bằng linh hoạt dựa trên tương tác trong từng vấn đề giữa ba cạnh: hoà hợp quyền lực giữa 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (còn gọi là P5), tập hợp các nước phương Tây/phát triển, tập hợp các nước Á–Phi–Mỹ La-tinh/đang phát triển, trong đó tiếng nói của các nước P5 có trọng lượng đặc biệt.
2. Tôn chỉ mục đích
Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, các quốc gia sáng lập đã quyết tâm thiết lập Liên Hợp Quốc thành một tổ chức quốc tế toàn cầu với mục tiêu hàng đầu là bảo đảm một nền hoà bình và trật tự thế giới bền vững. Theo Điều 1 của Hiến chương, Liên Hợp Quốc được thành lập nhằm 4 mục tiêu: (1) Duy trì hoà bình và an ninh quốc tế; (2) Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết; (3) Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá và nhân đạo trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo; (4) Xây dựng Liên Hợp Quốc làm trung tâm điều hoà các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.
Để bảo đảm Liên Hợp Quốc là một tổ chức quốc tế thực sự phục vụ mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng quy định các nguyên tắc hoạt động của Tổ chức Liên Hợp Quốc, các nguyên tắc chủ đạo gồm: (1) Bình đẳng về chủ quyền quốc gia; (2) Tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị quốc gia; (3) Cấm đe doạ sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; (4) Không can thiệp vào công việc nội bộ các nước; (5) Tôn trọng các nghĩa vụ quốc tế và luật pháp quốc tế; (6) Giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình.
Các mục tiêu và nguyên tắc hoạt động trên của Liên Hợp Quốc mang tính bao quát, phản ánh mối quan tâm toàn diện của các quốc gia. Các quan tâm ưu tiên này thay đổi tuỳ theo sự chuyển biến cán cân lực lượng chính trị bên trong tổ chức này. Thời gian đầu khi mới ra đời, cùng với sự tăng vọt về số lượng thành viên, Liên Hợp Quốc tập trung vào các vấn đề phi thực dân hoá, quyền tự quyết dân tộc và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apácthai. Trong thời kỳ gần đây Liên Hợp Quốc ngày càng quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề kinh tế và phát triển. Hoạt động của Liên Hợp Quốc trong gần 60 năm qua cho thấy trọng tâm chính của Liên Hợp Quốc là duy trì hòa bình an ninh quốc tế và giúp đỡ sự nghiệp phát triển của các quốc gia thành viên.
Đặc điểm bao trùm của Liên Hợp Quốc là tổ chức này không phải là một nhà nước siêu quốc gia. Liên Hợp Quốc là tổ chức đa phương toàn cầu đầu tiên có những hoạt động thực chất và đã có nhiều cố gắng trong việc phối hợp và điều tiết các mối quan hệ giữa các quốc gia độc lập có chủ quyền trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền bình đẳng của các quốc gia. Theo Điều 2 mục 7 của Hiến Chương, Liên Lợp Quốc không được can thiệp vào các vấn đề thuộc quyền tài phán nội bộ của các nước. Tất cả các quốc gia tham gia Liên Hợp Quốc theo nguyên tắc bình đẳng chủ quyền. Nguyên tắc này được phản ánh triệt để nhất trong cơ chế tham gia bỏ phiếu các quyết định và nghị quyết tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc (các quốc gia lớn nhỏ đều có một phiếu).
Một đặc điểm nổi bật khác của Liên Hợp Quốc là tổ chức này phản ánh sự dàn xếp và cân bằng quyền lực giữa các cường quốc thắng trận. Thực tế này được thể hiện trong cơ chế hoạt động của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc - cơ quan chấp hành có thực quyền nhất của Liên Hợp Quốc và đảm nhiệm trách nhiệm hàng đầu của Liên Hợp Quốc là duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Chỉ các quyết định của HĐBA mới có tính cưỡng chế thực hiện. Các nghị quyết tại các cơ quan chính khác của Liên Hợp Quốc như Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế–Xã hội, Hội đồng Quản thác, và cả Toà án Quốc tế chỉ có tính khuyến nghị, đạo lý và tạo sức ép dư luận. Để bảo đảm lợi ích và thu hút sự tham gia của cho các cường quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc là cơ quan duy nhất dành cho 5 cường quốc quyền phủ quyết (veto) khi thông qua các nghị quyết, quyết định của Hội đồng. Quyền hạn của Hội đồng Bảo an tập trung vào hai lĩnh vực hoạt động chính là giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế và tiến hành các biện pháp cưỡng chế.
So với Hội Quốc Liên, Liên Hợp Quốc chứng tỏ đầy đủ hơn tính chất toàn cầu (thành phần gồm hầu hết các quốc gia độc lập trên mọi châu lục) và đặc biệt là tính toàn diện của nó: chương trình nghị sự không bó hẹp vào vấn đề duy trì hoà bình, an ninh, mà bao gồm cả việc thúc đẩy hợp tác vì phát triển kinh tế–xã hội của cộng đồng các dân tộc; bản thân hệ thống Liên Hợp Quốc bao gồm hàng loạt cơ quan, chương trình, quỹ, tổ chức chuyên môn tập trung vào mọi lĩnh vực của đời sống các quốc gia và quan hệ quốc tế ngoài lĩnh vực chính trị - quốc phòng, từ tiền tệ đến nông nghiệp, văn hoá, khoa học–kỹ thuật...
Tổ chức Liên Hợp Quốc ra đời thực sự có ý nghĩa to lớn trong đời sống chính trị quốc tế trong gần 60 năm qua. Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu sự xuất hiện của các hoạt động ngoại giao đa phương hiện đại, một bước ngoặt quyết định trong lịch sử phát triển của nền ngoại giao đa phương nói chung. Tuy nhiên, sự ra đời của Liên Hợp Quốc và bản thân Hiến chương Liên Hợp Quốc tất nhiên chưa đủ để bảo đảm sự bình đẳng hoàn toàn và triệt để giữa các quốc gia lớn nhỏ. Sự đóng góp của Liên Hợp Quốc đối với hoà bình an ninh quốc tế trong gần 60 năm qua là rất đáng kể. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong nhiều vấn đề, nhiều sự kiện, Liên Hợp Quốc không thể hiện được vai trò của mình hoặc có thể nói Liên Hợp Quốc chưa làm tròn sứ mệnh của mình. Các siêu cường vẫn có vai trò lớn và nhiều khi giữ vai trò quyết định trong quá trình ra quyết định của Liên Hợp Quốc, đặc biệt là cơ cấu và cơ chế hoạt động của Hội đồng Bảo an, Hiến chương Liên Hợp Quốc và các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc.
II. CƠ CẤU VÀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA LIÊN HỢP QUỐC
Liên Hợp Quốc gồm 6 cơ quan chính là: Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Hội đồng Kinh tế–Xã hội, Hội đồng Quản thác, Toà án Quốc tế và Ban Thư ký.
1. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
Các qui định của Hiến chương liên quan đến Đại hội đồng được đề cập trong chương IV (từ Điều 9 đến 22), đã xác định thành phần, chức năng quyền hạn, bầu cử và thủ tục. Những qui định khác liên quan đến Đại hội đồng còn được nêu ở một số điều khoản khác.
1.1. Thành viên
Đại hội đồng là cơ quan đại diện rộng rãi nhất của Liên Hợp Quốc. Từ 51 thành viên ban đầu (những nướsc có đại diện dự Hội nghị tại Xan Phranxixcô hoặc đã ký Tuyên ngôn của Liên Hợp Quốc ngày 1/1/1942, và những nước đã ký và phê chuẩn Hiến chương Liên Hợp Quốc), số thành viên LHQ cho đến giữa 2004 là 191. Khác với Hội đồng Bảo an, các thành viên Đại hội đồng đều là các thành viên bình đẳng, không phân biệt quốc gia lớn hay nhỏ, mỗi quốc gia thành viên đều được 1 phiếu bầu.
Các nước thành viên được chia theo nhóm khu vực để phân bổ vị trí khi bầu vào các cơ quan cơ chế Liên Hợp Quốc. Hiện nay có 5 nhóm khu vực: châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê, Đông Âu, phương Tây và các nước khác. Cho đến ngày 31/5/2003, E-xtô-ni-a, Ki-ri-ba-ti, Đông Ti-mo và Pa-lau không thuộc nhóm khu vực nào.
1.2. Chức năng quyền hạn
1.2.1. Xem xét và kiến nghị về các nguyên tắc hợp tác trong việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, kể cả những nguyên tắc liên quan đến giải trừ quân bị và các qui định về quân bị;
1.2.2. Bàn bạc về các vấn đề liên quan tới hoà bình và an ninh quốc tế, trừ trường hợp tình hình hoặc tranh chấp hiện đang được thảo luận tại Hội đồng Bảo an, và đưa ra các khuyến nghị về các vấn đề đó;
1.2.3. Bàn bạc và khuyến nghị về các vấn đề theo qui định của Hiến chương có tác động đến chức năng, quyền hạn của các cơ quan thuộc Liên Hợp Quốc;
1.2.4. Nghiên cứu và khuyến nghị để thúc đẩy hợp tác chính trị quốc tế, phát triển và pháp điển hoá luật pháp quốc tế; thực hiện các quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho mọi người, và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục và y tế;
1.2.5. Khuyến nghị các giải pháp hoà bình cho mọi tình huống có thể làm phương hại quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc;
1.2.6. Nhận và xem xét các báo cáo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các cơ quan khác thuộc Liên Hợp Quốc;
1.2.7. Xem xét, thông qua ngân sách Liên Hợp Quốc và phân bổ đóng góp của các nước thành viên;
1.2.8. Bầu các thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội , các thành viên được bầu vào Hội đồng Quản thác, cùng Hội đồng Bảo an bầu các thẩm phán Toà án quốc tế, và bầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (nhiệm kỳ 5 năm) theo khuyến nghị của Hội đồng Bảo an.
Theo nghị quyết "Đoàn kết vì hoà bình" (Uniting for Peace) thông qua tại Đại hội đồng tháng 11/1950, Đại hội đồng có thể hành động nếu Hội đồng Bảo an, vì không đạt được sự nhất trí giữa các thành viên, không thể có hành động trong một trường hợp có nguy cơ đe doạ hoà bình, phá vỡ hoà bình hoặc hành động xâm lược. Đại hội đồng được quyền xem xét vấn đề ngay lập tức để có khuyến nghị với các nước thành viên thực hiện các biện pháp tập thể, trong trường hợp phá hoại hoà bình hoặc xâm lược, bao gồm biện pháp sử dụng vũ lực khi cần thiết, để duy trì và khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế.
1.3. Các khoá họp và Cơ cấu:
1.3.1 Các khoá họp: Có các loại là khoá họp thường kỳ, khoá đặc biệt thường kỳ và khoá họp đặc biệt khẩn cấp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
* Khoá họp thường kỳ: Theo Nghị quyết 57/301 (2002), Đại hội đồng quyết định khoá họp thường kỳ hàng năm của Đại hội đồng sẽ bắt đầu vào ngày thứ 3 của tuần thứ 3 của tháng 9, tính từ tuần đầu tiên có ít nhất một ngày làm việc. Nghị quyết cũng quy định buổi thảo luận chung của Đại hội đồng sẽ được tiến hành vào ngày thứ 3 sau khi khai mạc khoá họp thường kỳ và sẽ kéo dài liên tục trong 9 ngày. Các quy định này được áp dụng từ khóa họp thường kỳ thứ 58 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Các khoá họp sẽ được tổ chức tại trụ sở của Liên Hợp Quốc ở Niu Oóc, trừ khi tại khoá họp trước đó Đại hội đồng quyết định hoặc đa số các thành viên Liên Hợp Quốc yêu cầu tổ chức họp ở nơi khác. Mỗi khoá họp có một Chủ tịch chủ trì, do các nhóm khu vực luân phiên đề cử. Sau tuần đầu thống nhất chương trình nghị sự, Đại hội đồng sẽ tiến hành thảo thuận chung của các trưởng đoàn. Cấp tham gia thường ở cấp cao như Nguyên thủ quốc gia, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng ngoại giao... Các nước thành viên bày tỏ lập trường quan điểm về những vấn đề quốc tế quan tâm. Sau đó, 6 Ủy ban của Đại hội đồng bắt đầu nhóm họp song song với Đại hội đồng. Phần lớn các đề mục được thảo luận tại Ủy ban trước khi đưa ra Đại hội đồng, một số được thảo luận thẳng tại Đại hội đồng.
* Khoá đặc biệt thường kỳ: Do Tổng thư ký Liên Hợp Quốc triệu tập, theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an hoặc đa số các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Khoá họp đặc biệt thường kỳ sẽ được tổ chức trong vòng 15 ngày kể từ khi Tổng thư ký nhận được yêu cầu trừ khi Đại hội đồng đã ấn định ngày tổ chức khoá họp đặc biệt từ trước. Sau đó, Tổng thư ký sẽ thông báo cho các nước thành viên ít nhất 14 ngày trước khi khai mạc khoá họp đặc biệt, nếu không thì phải trước 10 ngày. Cho tới nay, đã có 27 khoá họp đặc biệt thường kỳ trong đó chủ yếu là theo yêu cầu của Đại hội đồng. Chủ đề của các khoá họp bao gồm các vấn đề chính trị, kinh tế, môi trường, xã hội. Từ năm 1990 trở lại đây, các khoá họp đặc biệt thường kỳ của Đại hội đồng chủ yếu xoay quanh các vấn đề như: hợp tác kinh tế quốc tế, ma tuý, dân số, môi trường, bình đẳng giới, HIV/AIDS. Điều này cho thấy rõ xu thế của của Liên Hợp Quốc sau chiến tranh lạnh là tập trung bàn về vấn đề phát triển.
* Khoá họp đặc biệt khẩn cấp: Có thể được triệu tập trong vòng 24 giờ kể từ khi Tổng thư ký nhận được yêu cầu của Hội đồng Bảo an, hoặc yêu cầu hoặc thông báo của đa số các nước thành viên Liên Hợp Quốc. Khoá họp này phải được thông báo cho các nước thành viên ít nhất trước 12 giờ. Cho tới nay đã có 10 khóa họp đặc biệt khẩn cấp được triệu tập, trong đó đa số được triệu tập theo yêu cầu của Hội đồng Bảo an còn lại là của các nước đặc biệt quan tâm đến tình hình xung đột. Vì mang tính khẩn cấp nên chủ đề của các khoá họp này cũng có những nét khác so với các khoá họp đặc biệt thường kỳ ở chỗ các khoá họp đặc biệt khẩn cấp thường bàn về các vấn đề chính trị cụ thể như giải quyết xung đột khu vực hoặc trong bản thân một nước (vấn đề Trung đông 1956, Hungary 1956, Trung đông 1958, Congo 1960...).
Khi muốn yêu cầu triệu tập một khoá họp đặc biệt, Hội đồng Bảo an phải có một quyết định chính thức về vấn đề này được 9 thành viên Hội đồng Bảo an bỏ phiếu ủng hộ. Mặc dù Hiến chương quy định các khoá họp đặc biệt được triệu tập theo yêu cầu của đa số thành viên Liên Hợp Quốc nhưng trên thực tế cho đến nay chưa có một yêu cầu nào được đưa ra và có chữ ký của đa số nước thành viên. Thay vào đó, một nước thành viên sẽ trình yêu cầu triệu tập khoá họp đặc biệt lên Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Tổng thư ký sẽ ngay lập tức thông báo các nước thành viên khác và hỏi ý kiến của họ về yêu cầu này. Nếu đa số các nước bỏ phiếu thuận trong vòng 30 ngày thì một khoá họp đặc biệt sẽ được triệu tập.
* Kết quả của các khoá họp thể hiện bằng các nghị quyết và quyết định được thông qua (các hình thức thông qua văn kiện được đề cập ở phần thủ tục hoạt động). Các nghị quyết và quyết định này không có giá trị ràng buộc pháp lý mà chỉ có giá trị khuyến nghị và đạo lý phản ánh ý chí, nguyện vọng chung của đông đảo các nước thành viên Liên Hợp Quốc.
1.3.2. Cơ cấu: Có 6 Ủy ban chính:
+ Ủy ban 1: Giải trừ quân bị và An ninh quốc tế
+ Ủy ban 2: Kinh tế - Tài chính
+ Ủy ban 3: Văn hoá - Xã hội - Nhân đạo
+ Ủy ban 4: Chính trị đặc biệt và Phi thực dân hoá
+ Ủy ban 5: Hành chính - Ngân sách Liên Hợp Quốc
+ Ủy ban 6: Luật pháp quốc tế
Ngoài ra còn có các Ủy ban sau được thành lập theo các nguyên tắc thủ tục của Đại hội đồng:
* Các Ủy ban thủ tục;
* Các Ủy ban thường trực;
* Các cơ quan đặc biệt và phụ trợ.
* Các Ủy ban thủ tục
+ Ủy ban chung
Ủy ban này gồm Chủ tịch Đại hội đồng, 21 phó chủ tịch và 6 chủ tịch các Ủy ban chính. Ủy ban này xem xét chương trình nghị sự tạm thời và danh sách các vấn đề bổ sung, xem xét các đề nghị về việc bổ sung các đề mục vào chương trình nghị sự, bố trí sắp xếp các đề mục vào các Ủy ban và trình báo cáo lên Đại hội đồng để được phê duyệt. Ủy ban này giúp Chủ tịch Đại hội đồng vạch ra chương trình nghị sự cho các cuộc họp toàn thể, quyết định các đề mục trọng tâm, phối hợp công việc giữa các Ủy ban, và nói chung làm các việc của Đại hội đồng thuộc thẩm quyền của Chủ tịch. Ủy ban cũng có thể đưa khuyến nghị cho Đại hội đồng về thời gian kết thúc của các khoá họp. Tuy nhiên, Ủy ban không thể quyết định bất cứ vấn đề gì có tính chất chính trị.
+ Ủy ban kiểm tra tư cách đại biểu
Ủy ban này gồm 9 thành viên được bầu ngay lúc bắt đầu mỗi khóa họp theo đề nghị của Chủ tịch. Ủy ban xem xét và báo cáo về các Ủy nhiệm thư của các đại biểu. Nếu một đại diện bị một thành viên Ủy ban phản đối sẽ tạm thời ngồi trong Đại hội đồng với các quyền như các đại diện khác cho tới khi Ủy ban đã báo cáo và Đại hội đồng có quyết định về vấn đề đó.
* Các Ủy ban thường trực
Có 2 Ủy ban thường trực được thành lập, theo qui định thủ tục của Đại hội đồng, để giải quyết các vấn đề tiếp theo trong và giữa các khoá họp thường kỳ.
+ Ủy ban tư vấn về các vấn đề hành chính và ngân sách
Ủy ban này được thành lập tại phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng theo Nghị quyết 14A(I)(1946). Ủy ban có trách nhiệm kiểm tra và báo cáo về ngân sách thường của Liên Hợp Quốc và ngân sách của việc gìn giữ hoà bình và các tài khoản của Liên Hợp Quốc, và ngân sách hành chính của các cơ quan chuyên môn. Ủy ban này cũng tư vấn cho Đại hội đồng về các vấn đề hành chính và tài chính khác. Số thành viên của Ủy ban tăng lên nhiều lần, hiện nay có 16 thành viên (theo Nghị quyết 32/103(1977) của Đại hội đồng).
Các thành viên của Ủy ban được Đại hội đồng bầu ra theo khuyến nghị của Ủy ban 5 trên cơ sở đại diện cho một khu vực địa lý rộng rãi, và có quyền tái cử. Phải có ít nhất 3 thành viên là các chuyên gia tài chính giỏi. Các chuyên gia tài chính này không được nghỉ hưu cùng một lúc.
+ Ủy ban đóng góp
Ủy ban này được thành lập theo Nghị quyết 14(I)(1946) của Đại hội đồng nhằm tư vấn Đại hội đồng về mức đóng góp của các nước thành viên vào chi tiêu của Liên Hợp Quốc, định số tiền đóng góp của các nước thành viên mới, xem xét đề nghị của các nước thành viên về thay đổi mức đóng, xem xét việc áp dụng Điều 19 Hiến chương Liên Hợp Quốc trong các trường hợp chậm đóng niên liễm. Ủy ban cũng được quyền khuyến nghị hoặc tư vấn về mức đóng góp cho một tổ chức chuyên môn nếu được tổ chức đó yêu cầu. Thành viên của Ủy ban này được tăng lên nhiều lần, hiện nay có 18 thành viên (theo Nghị quyết 31/96 (1976) của Đại hội đồng).
Các thành viên của Ủy ban được Đại hội đồng chọn theo khuyến nghị của Ủy ban 5 trên cơ sở đại diện cho một khu vực địa lý rộng rãi và có trình độ và kinh nghiệm. Nhiệm kỳ là 3 năm, và có quyền được bầu lại.
Thêm vào đó, các cơ quan Hiệp định được thành lập bởi các Công ước quốc tế phải trình báo cáo lên Đại hội đồng về các hoạt động của họ.
* Các cơ quan đặc biệt và phụ trợ
+ Các cơ quan liên chính phủ:
Ủy ban hoà giải cho Palestine (1948); Ủy ban khoa học của Liên Hợp Quốc về đánh giá ảnh hưởng của phóng xạ nguyên tử (UNSCEAR) (1955); Ủy ban về sử dụng hoà bình khoảng không vũ trụ (thành lập năm 1959); Ủy ban đặc biệt về thực hiện Tuyên bố về Phi thực dân hoá-Ủy ban 24 (1961); Ủy ban đặc biệt về các hoạt động gìn giữ hoà bình (1965); Ủy ban đặc biệt điều tra các hành động của Israel làm tổn hại các quyền con người của nhân dân Palestine và các nước Arập khác trên những lãnh thổ bị họ chiếm đóng (1968); Nhóm làm việc về chi tiêu cho các công việc cứu trợ của Liên Hợp Quốc và các cơ quan khác cho tị nạn Palextin vùng Cận Đông (UNRWA) (1970); Ủy ban quan hệ với nước chủ nhà (1971); Ủy ban đặc biệt về Ấn Độ Dương (1972); Ủy ban thực hiện các quyền bất khả xâm phạm của nhân dân Palestine (1975); Ủy ban đặc biệt về Hiến chương LHQ (1975); Ủy ban thông tin (1978); Ủy ban giải trừ quân bị (1978); Hội nghị giải trừ quân bị (1978); Ủy ban về các hội nghị (1988); Tiến trình tham vấn mở không chính thức về đại dương và luật biển (1999); Ủy ban đặc biệt Công ước quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy các quyền và nhân phẩm của người tàn tật (2001), Nhóm làm việc đặc biệt của Đại hội đồng về các hoạt động tiến hành sau các hội nghị lớn của Liên Hợp Quốc và các cuộc họp thượng đỉnh trong lĩnh vực kinh tế-xã hội (2002).
+ Các nhóm làm việc mở:
-Nhóm làm việc không chính thức về một chương trình nghị sự cho hoà bình, được thành lập tại Đại hội đồng khoá 47 và ngừng họp từ năm 1996.
-Nhóm làm việc về đại diện bình đẳng và tăng thành viên Hội đồng Bảo an, được thành lập theo Nghị quyết 48/26 (1993) của Đại hội đồng.
-Nhóm làm việc cấp cao về tình hình tài chính của Liên Hợp Quốc, được thành lập theo Nghị quyết 49/143 (1994) của Đại hội đồng và ngừng họp từ năm 1997.
-Nhóm làm việc cấp cao về tăng cường hệ thống Liên Hợp Quốc, được thành lập theo Nghị quyết 49/252 (1994) của Đại hội đồng và hoàn thành công việc năm 1997.
-Nhóm làm việc về nguyên nhân xung đột và thúc đẩy một nền hoà bình và phát triển bền vững ở Châu Phi, được thành lập theo Nghị quyết 54/234 (1999) của Đại hội đồng và đình chỉ hoạt động năm 2001.
+ Các cơ quan tư vấn:
- Ủy ban tư vấn về các chương trình viện trợ của Liên Hợp Quốc về giáo dục, truyền bá kiến thức về luật quốc tế (1965).
- Ban tư vấn về các vấn đề về giải trừ quân bị (1982).
+ Các cơ quan chuyên gia:
- Ban kiểm toán (1946)
- Ủy ban luật quốc tế (ILC) (1947)
- Ủy ban đầu tư (1947)
- Quỹ hưu của nhân viên Liên Hợp Quốc (1948)
- Toà án hành chính Liên Hợp Quốc (1949)
- Ban các kiểm toán viên đối ngoại (1959)
- Đơn vị thanh tra chung (JIU) (1966)
- Ủy ban Liên Hợp Quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) (1966)
- Ủy ban quốc tế về dịch vụ dân sự (1972)
- Ủy ban giải quyết vấn đề nhà ở cho con người (UN-HABITAT) (1977)
1.4. Thủ tục hoạt động của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc
Chương trình nghị sự * Tại các khoá họp thường kỳ, thông thường, chương trình nghị sự của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm khoảng 150 đề mục, liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc sự quan tâm của cộng đồng quốc tế.
* Chương trình nghị sự tạm thời của khoá họp thường kỳ do Tổng thư ký soạn thảo và chuyển cho các nước thành viên chậm nhất là 60 ngày trước ngày khai mạc, bao gồm:
+ Báo cáo của Tổng thư ký;
+ Báo cáo của các cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, các cơ quan thuộc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và các tổ chức chuyên môn thuộc Liên Hợp Quốc;
+ Các đề mục do Đại hội đồng quyết định tại khoá họp trước;
+ Các đề mục do các cơ quan chính của Liên Hợp Quốc kiến nghị;
+ Các đề mục do bất cứ thành viên nào đề nghị;
+ Các đề mục liên quan đến ngân sách;
+ Các đề mục thuộc Điều 35, đoạn 2 của Hiến chương do các nước không phải thành viên đề nghị.
* Bổ sung đề mục
Các nước thành viên, các cơ quan chính của Liên Hợp Quốc và Tổng thư ký được đưa đề mục bổ sung 30 ngày trước khi khai mạc khoá họp.
* Thông qua chương trình nghị sự
+ Chương trình nghị sự tạm thời và danh sách đề mục bổ sung cùng báo cáo của Ủy ban chung (gồm Chủ tịch và các Phó chủ tịch Đại hội đồng) được chuyển cho Đại hội đồng thông qua khi khai mạc.
+ Muốn đưa một đề mục phải kèm theo một bản giải thích hoặc dự thảo nghị quyết.
+ Việc sửa đổi hoặc gạt bỏ một đề mục phải do Đại hội đồng thông qua bằng bỏ phiếu với số phiếu quá bán của những nước có mặt và tham gia bỏ phiếu.
Đoàn tham gia
* Mỗi nước thành viên gồm 5 đại biểu chính thức, 5 đại biểu dự khuyết và không hạn chế số lượng cố vấn.
* Đại biểu dự khuyết có thể trở thành đại biểu chính thức theo bổ nhiệm của trưởng đoàn.
* Ủy nhiệm thư và danh sách thành viên phải được người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ hoặc Bộ trưởng Ngoại giao cấp và gửi cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc một tuần trước ngày khai mạc.
Các hình thức thông qua văn kiện
* Tại các Ủy ban, các nghị quyết được thông qua bằng đa số thường hoặc thông qua không cần bỏ phiếu.
* Các quyết định về các vấn đề quan trọng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được thông qua bằng đa số áp đảo (2/3) của các thành viên có mặt và tham gia bỏ phiếu. Các vấn đề quan trọng gồm: các vấn đề liên quan đến các khuyến nghị về hoà bình, an ninh quốc tế, bầu Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, các thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Hội đồng Quản thác theo Điều 86, mục 1e của Hiến chương Liên Hợp Quốc, kết nạp thành viên mới, treo quyền thành viên, khai trừ thành viên và các vấn đề ngân sách.
* Các vấn đề khác được thông qua bằng đa số thường.
* Khi có nhất trí cao, các nghị quyết có thể được thông qua không cần bỏ phiếu.
Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc có các hình thức bỏ phiếu: kín (bầu cử), công khai, ghi tên, gọi tên.
Cơ chế lãnh đạo
* Bầu Chủ tịch, các phó Chủ tịch: Đại hội đồng bầu 1 Chủ tịch và 21 Phó Chủ tịch cho từng khoá họp.
* Chủ tịch có thể cử một phó Chủ tịch làm Quyền chủ tịch, có quyền hạn và nghĩa vụ như Chủ tịch.
* Chủ tịch tuyên bố khai mạc và kết thúc các phiên họp, hướng dẫn thảo luận, cho phép các đoàn phát biểu, nêu các vấn đề và tuyên bố các quyết định; quyết định về các kiến nghị thủ tục (points of order), toàn quyền kiểm soát và bảo đảm trật tự các phiên họp. Khuyến nghị Đại hội đồng về giới hạn thời gian, số lần đại biểu được phát biểu, giới hạn danh sách đại biểu phát biểu.
* Chủ tịch không tham gia bỏ phiếu.
Vai trò của Ban thư ký
Ban thư ký tiếp nhận dịch, in và phát các tài liệu, báo cáo, nghị quyết, biên bản, các bài phát biểu tại phiên họp và các công việc khác theo yêu cầu của Đại hội đồng.
Qui trình hội nghị
* Phát biểu
+ Chủ tịch có thể khai mạc phiên họp khi có ít nhất là 1/3 đại biểu.
+ Không đại biểu nào được phát biểu khi chưa được Chủ tịch cho phép. Chủ tịch cho phép các đoàn phát biểu theo thứ tự đăng ký và có quyền yêu cầu các đại biểu ngừng phát biểu khi vấn đề không liên quan tới chủ đề đang thảo luận.
+ Khi đã hết thời hạn đăng ký phát biểu, các đại biểu có thể được phát biểu bằng cách sử dụng quyền trả lời.
* Kiến nghị về thủ tục (points of order)
Trong quá trình thảo luận, đại biểu có thể sử dụng kiến nghị về thủ tục và Chủ tịch sẽ quyết định ngay về việc này. Đại biểu sử dụng kiến nghị về thủ tục không được phát biểu về nội dung vấn đề đang thảo luận.
* Thủ tục đưa ra hoặc rút các quyết định
+ Người đưa ra đề nghị (motion) có thể rút lại bất cứ lúc nào trước khi bắt đầu bỏ phiếu, trừ trường hợp đề nghị đã được bổ sung. Đề nghị đã rút có thể được đưa trở lại với bất cứ đại biểu nào.
+ Các đề nghị và các bổ sung phải được nộp cho Tổng thư ký bằng văn bản. Theo quy định chung, không thảo luận và bỏ phiếu các đề nghị khi văn bản chưa được Ban thư ký xem và gửi cho các đại biểu ngày hôm trước. Chủ tịch có thể cho phép thảo luận và thông qua các đề nghị và bổ sung mặc dù văn bản sao mới phát cho đại biểu trong ngày hôm đó.
+ Đề nghị đã thông qua hoặc bác bỏ có thể đem ra xét lại nếu 2/3 đại biểu có mặt đồng ý. Về đề nghị xét lại quyết định, chỉ 2 đại biểu trong số các nước chống đề nghị đó được quyền phát biểu.
Thủ tục kết nạp, khai trừ thành viên
* Đơn xin làm thành viên
Các quốc gia muốn gia nhập Liên Hợp Quốc phải nộp đơn cho Tổng thư ký, tuyên bố chấp nhận các nghĩa vụ ghi trong Hiến chương. Tổng thư ký sẽ sao và gửi đơn cho Đại hội đồng và các nước thành viên. Hội đồng Bảo an kiến nghị Đại hội đồng kết nạp. Đại hội đồng sẽ xem xét quốc gia đó có phải là quốc gia yêu chuộng hoà bình và có khả năng sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ qui định trong Hiến chương hay không, và quyết định bằng bỏ phiếu đa số áp đảo (2/3).
* Nước thành viên hiện đang là đối tượng bị Hội đồng Bảo an áp dụng các biện pháp phòng ngừa hoặc cưỡng chế sẽ bị treo quyền thành viên tại
Đại hội đồng theo khuyến nghị của Hội đồng Bảo an. Hội đồng Bảo an có thể khôi phục quyền thành viên cho nước bị tước quyền thành viên trong trường hợp này.
* Nước thành viên liên tục vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương có thể bị Đại hội đồng khai trừ khỏi Liên Hợp Quốc theo khuyến nghị của Hội đồng Bảo an.
* Hiến chương Liên Hợp Quốc không qui định về việc nước thành viên rút ra khỏi Liên Hợp Quốc, thực tế chưa xảy ra trường hợp nào.
2. Hội đồng Bảo an
Theo Điều 24 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, các nước thành viên Liên Hợp Quốc trao cho Hội đồng Bảo an trách nhiệm chính trong việc giữ gìn hoà bình và an ninh quốc tế. Theo đó, Hội đồng Bảo an có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết hoà bình các tranh chấp, xung đột và khi cần thiết, có thể sử dụng các biện pháp, kể cả cưỡng chế và vũ lực, nhằm loại trừ các mối đe doạ, phá hoại hoà bình, hoặc các hành động xâm lược.
Các quy định của Hiến chương liên quan đến HĐBA nằm trong các chương V, VI, VII, VIII và XII.
2.1. Thành viên
Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thành viên, trong đó có 5 nước Ủy viên thường trực là: Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và 10 thành viên không thường trực do ĐHĐ LHQ bầu ra với nhiệm kỳ hai năm trên cơ sở phân chia công bằng về mặt địa lý và có tính tới sự đóng góp của những nước này cho tôn chỉ và mục đích của LHQ và không được bầu lại nhiệm kỳ kế ngay sau khi mãn nhiệm.
10 nước thành viên không thường trực được bầu theo sự phân bổ khu vực địa lý như sau: 5 nước thuộc châu Phi và châu Á; 1 nước thuộc Đông Âu; 2 nước thuộc vùng Mỹ Latinh và Caribê; 2 nước thuộc Tây Âu và các nước khác.
2.2. Chức năng, quyền hạn
Là một trong sáu cơ quan chính của Liên Hợp Quốc, Hội đông Bảo an được thành lập nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Theo Điều 39 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất của Liên Hợp Quốc có quyền quyết định đánh giá thực tại của các mối đe doạ đối với hoà bình, phá hoại hoà bình hoặc hành động xâm lược, và sẽ khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành phù hợp với các Điều 41 và 42, để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế. Trong khi thực thi chức năng này, Hội đồng Bảo an được coi là hành động với tư cách thay mặt cho tất cả các thành viên Liên Hợp Quốc. Trên thực tế, những chức năng mà Hội đồng Bảo an được trao có thể được coi là để nhằm 3 mục tiêu: gìn giữ hoà bình, vãn hồi hoà bình và kiến tạo hoà bình.
Trong khi các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị đối với các chính phủ của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, các quyết định và nghị quyết của Hội đồng Bảo an, theo chương VII Hiến chương, khi đã được thông qua đềumang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của Liên Hợp Quốc đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.
Những quyền hạn cụ thể giao cho Hội đồng Bảo an được quy định ở các chương VI, VII, XII của Hiến chương Liên Hợp Quốc, song những điều khoản quan trọng nhất có liên quan tới việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, đặc biệt là việc giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế và sử dụng những biện pháp an ninh tập thể cưỡng chế, được quy định cụ thể và chi tiết nhất ở chương VI và VII.
Theo Hiến chương, Hội đồng Bảo an có thể tiến hành điều tra bất cứ một tranh chấp nào hoặc bất cứ một tình thế nào có thể dẫn tới những xung đột quốc tế hoặc đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế, và có thể đưa ra những khuyến nghị về các phương thức cũng như nội dung cụ thể để giải quyết những xung đột đó. Những xung đột và những tình huống có khả năng đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế có thể do các nước thành viên Liên Hợp Quốc, Đại hội đồng hoặc Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nêu ra trước Hội đồng Bảo an. Một nước không phải thành viên Liên Hợp Quốc cũng có thể đưa cuộc tranh chấp, trong đó bản thân nước đó là một bên tham gia tranh chấp, ra trước Hội đồng Bảo an để cơ quan này xem xét giải quyết, với điều kiện là nước đó phải thừa nhận trước là sẽ tuân thủ trách nhiệm giải quyết hoà bình cuộc tranh chấp theo quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Theo Hiến chương, tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc phải cam kết cung ứng cho Hội đồng Bảo an, căn cứ theo những thoả thuận đặc biệt thông qua thương lượng đối với những đề xuất của Hội đồng Bảo an, những lực lượng vũ trang, những trợ giúp và các phương tiện cần thiết khác để duy trì hoà bình và an ninh quốc tế.
2.3. Cơ cấu
Hội đồng Bảo an có các Ủy ban và cơ quan phụ trợ sau:
2.3.1. Các Ủy ban thường trực: gồm Ủy ban chuyên gia về các vấn đề thủ tục, Ủy ban về các cuộc họp của Hội đồng Bảo an không diễn ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc và Ủy ban về việc kết nạp thành viên mới. Các Ủy ban này đều có đại diện của các nước thành viên Hội đồng Bảo an.
2.3.2. Ban Tham mưu quân sự: bao gồm các Tổng chỉ huy quân đội (Chiefs of staff) của tất cả các nước thành viên hoăc đại diện của họ. Chức năng nhiệm vụ của Ban là tư vấn cho Hội đồng về tất cả các vấn đề liên quan đến các yêu cầu quân sự để bảo vệ và duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, việc sử dụng và chỉ huy các lực lượng đặt dưới sự chỉ đạo của Ban, kể cả các qui định về vũ trang, và giải trừ quân bị nếu có thể.
2.3.3. Ủy ban chống khủng bố: Ủy ban này được thành lập theo Nghị quyết 1373 (2001) về một số biện pháp chống lại các mối đe doạ đối với hoà bình và an ninh quốc tế của các hành động khủng bố, nhằm giám sát việc thực hiện nghị quyết này. Các nước thành viên Liên Hợp Quốc phải trình bản báo cáo về các bước tiến hành để thực hiện Nghị quyết 1373 lên Ủy ban, lần đầu tiên trong vòng 90 ngày và các lần sau theo thời gian biểu của Ủy ban. Ủy ban gồm tất cả 15 thành viên của Hội đồng Bảo an. Ủy ban thành lập 3 tiểu ban, mỗi tiểu ban do một Phó Chủ tịch Ủy ban làm chủ tịch, để xem xét sơ bộ bản báo cáo của các nước thành viên.
2.3.4. Các Ủy ban cấm vận: hiện nay có 7 Ủy ban cấm vận là: Ủy ban Nghị quyết 661 của Hội đồng Bảo an về Irắc, Ủy ban Nghị quyết 748 về Libi, Ủy ban Nghị quyết 751 về Somali, Ủy ban Nghị quyết 918 về Ruanđa, Ủy ban Nghị quyết 985 về Liberia, Ủy ban Nghị quyết 1132 về Xiêra Lêôn, Ủy ban Nghị quyết 1267 về Ápghanixtan.
2.3.5. Các hoạt động và lực lượng gìn giữ hoà bình: gồm Tổ chức giám sát ngừng bắn ở Trung Đông (UNTSO) (1948), Nhóm quan sát viên quân sự ở Ấn Độ và Pakistan (UNMOGIP) (1949), Lực lượng ở Síp (UNFICYP) (1964), Lực lượng quan sát viên không can dự (UNDOF) (1974), Lực lượng lâm thời ở Libăng (UNIFIL) (1978), Phái đoàn quan sát Irắc-Côét (UNIKOM) (1991)…
2.3.6. Các lực lượng chính trị và kiến tạo hoà bình: gồm Văn phòng chính trị ở Bougainville (UNPOB) (1998), Văn phòng kiến tạo hoà bình ở Cộng hoà Trung Phi (BONUCA) (1999), Lực lượng trợ giúp ở Ápghanixtan (UNAMA) (2002), Văn phòng đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về vấn đề Irắc (2003)…
2.3.7. Các Ủy ban khác: gồm Ủy ban đền bù Liên Hợp Quốc (UNCC) (1991), Ủy ban giám sát, kiểm tra và thanh tra (UNMOVIC) (1999).
2.3.8. Các toà án quốc tế:
* Toà án tội phạm quốc tế Ruanđa được thành lập năm 1994 theo Nghị quyết 955 của Hội đồng Bảo an, theo chương VII của Hiến chương để xử các cá nhân phạm tội diệt chủng và các tội ác chống loài người trên lãnh thổ Ruanđa và lãnh thổ các nước láng giềng trong năm 1994.
* Toà án tội phạm quốc tế về Nam Tư cũ thành lập năm 1993 theo Nghị quyết 808 của Hội đồng Bảo an để xét xử các cá nhân chịu trách nhiệm cho các vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế gây ra trên lãnh thổ Nam Tư cũ từ 1991.
2.3.9. Các tổ chức khác như Cơ quan chỉ huy của Liên Hợp Quốc tại bán đảo Triều Tiên (UNC) (1950) được thành lập theo Nghị quyết 85 (1950) của Hội đồng Bảo an. Cơ quan này yêu cầu tất cả các thành viên cung cấp lực lượng quân sự ở bán đảo Triều Tiên cho phép đặt các lực lượng này dưới quyền chỉ huy thống nhất của Mỹ. Các đơn vị chiến đấu được đưa đến từ 16 nước, phần lớn là phương Tây, ngoài ra có các nước đang phát triển như Côlombia, Êtiôpia, Philípin, Nam Phi, Thái Lan.
2.4. Thủ tục hoạt động của Hội đồng Bảo an
Theo Hiến chương, Hội đồng Bảo an phải được tổ chức một cách phù hợp để có thể hoạt động thường xuyên và liên tục nhằm ứng phó với các tình huống liên quan đến hoà bình và an ninh quốc tế có thể đặt ra ở bất cứ thời điểm nào. Hiện tại, hoạt động của Hội đồng Bảo an được tiến hành dựa trên Các qui tắc thủ tục tạm thời (gồm 61 qui tắc) được Hội đồng Bảo an thông qua và liên tục cập nhật tại các phiên họp.
* Các phiên họp: Các hình thức họp của Hội đồng Bảo an bao gồm họp chính thức, họp kín và trao đổi không chính thức. Hội đồng Bảo an có thể triệu tập phiên họp bất thường (periodic meetings) theo yêu cầu của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc hoặc của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khi có những xung đột hoặc những tình huống có khả năng đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế. Một nước không phải thành viên Liên Hợp Quốc cũng có thể đưa cuộc tranh chấp, trong đó bản thân nước đó là một bên tham gia tranh chấp, ra trước Hội đồng Bảo an để cơ quan này xem xét giải quyết với điều kiện là nước đó phải thừa nhận trước là sẽ tuân thủ trách nhiệm giải quyết hoà bình cuộc tranh chấp theo qui định của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Sau khi nhận được yêu cầu như vậy của các đối tượng trên, Chủ tịch Hội đồng Bảo an sẽ lập tức thông báo cho các nước Ủy viên tình hình trên và tiến hành các thủ tục khác để tổ chức cuộc họp của Hội đồng Bảo an để xem xét vấn đề. Ngoài những cuộc họp thuộc dạng trên, Hội đồng Bảo an còn tiến hành các cuộc họp trên cơ sở thường xuyên (continuous basis) nhằm có thể ứng phó được một cách nhanh chóng những biến chuyển của tình hình và để kiểm phối các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc trên cơ sở các báo cáo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Các cuộc họp của Hội đồng Bảo an có thể được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc hoặc ở bất cứ nơi nào ngoài trụ sở mà Hội đồng xét thấy thuận tiện.
* Mỗi Ủy viên Hội đồng Bảo an phải luôn có một đại diện tại Trụ sở Liên Hợp Quốc. Chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an được luân phiên hàng tháng giữa các nước Ủy viên theo thứ tự vần chữ cái của tiếng Anh.
* Tham gia các phiên họp: Ngoài các thành viên Hội đồng Bảo an, bất cứ thành viên nào của Liên Hợp Quốc, hay một quốc gia nào không phải thành viên Liên Hợp Quốc, nếu là đương sự trong vụ tranh chấp mà Hội đồng Bảo an đang xem xét, cũng được mời đến tham dự nhưng không có quyền biểu quyết trong những cuộc thảo luận liên quan đến vụ tranh chấp ấy. Hội đồng Bảo an ấn định những điều kiện mà Hội đồng xét thấy để cho một nước không phải thành viên Liên Hợp Quốc được tham gia các cuộc thảo luận ấy là hợp lý. Trong các phiên họp kín, chỉ có các nước Ủy viên và các nước mà Hội đồng Bảo an thấy trực tiếp có liên quan hoặc cần thiết phải tham dự mới được tham dự theo thoả thuận chung của thành viên Hội đồng Bảo an.
* Kết quả phiên họp: Trong tất cả các phiên họp như vậy, Hội đồng Bảo an có thể thông qua những nghị quyết, khuyến nghị, hoặc đơn thuần chỉ là tuyên bố của chủ tịch. Hàng năm, Hội đồng Bảo an còn phải đệ trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc một bản báo cáo về công việc của mình để thành viên Hội đồng xem xét, thảo luận và đưa ra những khuyến nghị.
Để tăng cường tính hữu hiệu và sự rõ ràng trong hoạt động của mình theo yêu cầu của đại đa số thành viên Liên Hợp Quốc, hiện nay Hội đồng Bảo an đang có những thay đổi trong phương thức hoạt động so với cách làm việc cũ. Hội đồng Bảo an hiện nay đang nỗ lực giảm các cuộc họp kín và trao đổi không chính thức, thông báo chi tiết chương trình nghị sự các cuộc họp của mình trong các nhật trình của Liên Hợp Quốc. Ngoài ra, thay vì tiến hành các cuộc họp chính thức, Hội đồng Bảo an hiện nay thường thiết lập các nhóm làm việc toàn thể (Working Groups of the Whole) ở mức chuyên viên ở các cấp nhằm soạn thảo các dự thảo nghị quyết và tuyên bố của chủ tịch.
* Bỏ phiếu: Mỗi thành viên Hội đồng Bảo an có một phiếu. Các quyết định liên quan đến thủ tục được thông qua với số phiếu thuận của ít nhất là 9 trong số 15 thành viên bất kể là thường trực hay không thường trực. Các quyết định về các vấn đề thực chất chỉ được thông qua khi có ít nhất 9 phiếu thuận, trong đó theo Hiến chương phải gồm các phiếu tán thành (concurring vote) của tất cả các nước thành viên thường trực. Điều này có nghĩa là khi Hội đồng Bảo an thông qua các quyết định có liên quan đến việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế, thì cần phải có được sự nhất trí của các nước Ủy viên thường trực, nếu một trong năm nước này bỏ phiếu chống, quyết định sẽ không được thông qua, dù có đạt được đủ 9 phiếu thuận. Đây được gọi là nguyên tắc nhất trí hay quyền phủ quyết của các nước Ủy viên thường trực. Trong thực tế áp dụng qui tắc này, việc một nước Ủy viên thường trực bỏ phiếu trắng, hoặc không tham gia bỏ phiếu, không bị coi là phủ quyết. Bất cứ quốc gia nào, dù là thành viên thường trực hay không thường trực, cũng không được phép tham gia bỏ phiếu về các quyết định có liên quan tới các biện pháp giải quyết tranh chấp mà quốc gia đó là một thành viên tham gia.
* Quyền phủ quyết (veto): Là việc một nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an có khả năng ngăn cản việc thông qua một nghị quyết không liên quan đến thủ tục bằng một phiếu chống của mình kể cả khi tất cả các nước thành viên khác, thường trực và không thường trực, bỏ phiếu tán thành. Nói cách khác, đây là việc thực hiện nguyên tắc nhất trí giữa năm nước lớn Ủy viên thường trực. Trong suốt quá trình hoạt động của mình với tư cách Ủy viên thường trực, tất cả năm nước này đều đã áp dụng quyền phủ quyết của mình trong đó hai nước Mỹ và Liên Xô (cũ) là những nước sử dụng nhiều nhất. Trên thực tế, không nhất thiết nghị quyết có mang tính thực chất (có liên quan đến thủ tục) nào được thông qua cũng cần phải có đủ năm phiếu thuận của năm Ủy viên thường trực. Nếu như một nước Ủy viên thường trực không ủng hộ hoặc không muốn biểu thị sự ủng hộ của mình đối với một nghị quyết, đồng thời cũng không muốn ngăn cản việc thông qua nghị quyết, nước đó có thể bỏ phiếu trắng hoặc không tham gia bỏ phiếu, hành động này không bị coi là phủ quyết và nghị quyết vẫn được thông qua. Thông thường, các nước Ủy viên Hội đồng Bảo an cố tìm cách dàn xếp trước để nghị quyết có thể được thông qua. Tuy nhiên, đã không ít lần, nhiều nước, cho dù biết trước dự thảo nghị quyết của mình sẽ bị phủ quyết nhưng vẫn đưa ra bỏ phiếu nhằm gây sức ép chính trị.
3. Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên Hợp Quốc
3.1 Cơ sở pháp lý và tôn chỉ mục đích
Hội Đồng Kinh tế Xã Hội Liên Hợp Quốc (Economic and Social Council - ECOSOC) là một trong 6 cơ quan chính của Liên Hợp Quốc.
Theo Hiến chương LHQ, một trong những mục tiêu chính của Tổ chức này là: "Thực hiện hợp tác quốc tế trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa hoặc nhân đạo, thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo" (Chương I, điều 1, điểm 3). Cụ thể, LHQ sẽ thúc đẩy (Chương IX, điều 55, điểm a,b,c):
- Nâng cao mức sống, đầy đủ việc làm, điều kiện tiến bộ và phát triển kinh tế xã hội
- Giải quyết những vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, y tế và các vấn đề liên quan, và sự hợp tác quốc tế về văn hóa và giáo dục, và
- Tôn trọng và thực hiện quyền con người và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hoặc tôn giáo
Trách nhiệm thực hiện những chức năng trên trước hết thuộc về Đại Hội Đồng LHQ. Theo điều 60 của Hiến chương LHQ, ECOSOC được đặt dưới quyền của Đại Hội Đồng và được Đại hội đồng giao trách nhiệm trực tiếp thực hiện các chức năng về kinh tế, xã hội của LHQ.
3.2 Thành viên:
Số thành viên ban đầu của ECOSOC là 18. Từ tháng 8/1965 tăng lên 27 và từ tháng 10/1973 cho đến nay là 54 nước thành viên LHQ do ĐHĐ bầu. Các ghế được phân theo khu vực địa lý : 14 nước Châu Phi, 11 nước Châu Á, 6 nước Đông Âu, 10 nước Mỹ La tinh và Caribe, 13 nước Tây Âu và các nước khác.
Hàng năm ĐHĐ LHQ phải bầu lại 18 nước thành viên ECOSOC với nhiệm kỳ 3 năm, thông thường bắt đầu từ 1/1 đến 31/12. Nước thành viên vừa hết nhiệm kỳ có thể tái ứng cử. ĐHĐ thường thông qua không bỏ phiếu bầu các nước đã được các nhóm khu vực nhất trí đề cử (Endorsement). Nếu các nước không thống nhất được trong nhóm thì ĐHĐ phải bỏ phiếu bầu.
3.3 Chức năng và quyền hạn:
ECOSOC là cơ quan soạn thảo và điều phối các chính sách thúc đẩy hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và nhân quyền của LHQ. Phần lớn các Nghị quyết và Quyết định của ĐHĐ LHQ về kinh tế, xã hội, nhân quyền, nhân đạo đều bắt nguồn từ các khuyến nghị do ECOSOC trình lên.
Theo Hiến chương LHQ, ECOSOC có những chức năng và quyền hạn chính sau:
- Thực hiện hoặc đề xuất những nghiên cứu, điều tra và làm báo cáo về các vấn đề quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, và giáo dục, y tế và những vấn đề liên quan khác, và có thể đưa ra những khuyến nghị về các vấn đề đó đối với ĐHĐ, các nước thành viên LHQ và các tổ chức chuyên môn hữu quan;
- ECOSOC có thể đưa ra những khuyến nghị nhằm thúc đẩy tôn trọng và thực hiện quyền con người;
- ECOSOC soạn thảo các văn kiện và điều ước quốc tế về những vấn đề thuộc thẩm quyền của mình để trình ĐHĐ và có thể triệu tập các Hội nghị quốc tế về những vấn đề đó, theo các thủ tục của LHQ;
- ECOSOC có thể phối hợp hoạt động với những tổ chức chuyên môn của LHQ, thông qua tham khảo và khuyến nghị với các tổ chức đó, cũng như bằng cách khuyến nghị với ĐHĐ và các thành viên LHQ;
- ECOSOC có quyền tiến hành mọi biện pháp thích hợp để các tổ chức chuyên môn phải báo cáo đều đặn cho mình những công việc của họ. Hội đồng có thể thỏa thuận với các thành viên LHQ và các tổ chức chuyên môn về việc các thành viên và các tổ chức này báo cáo về những biện pháp đã được áp dụng trong việc thi hành những khuyến nghị của Hội đồng và trong việc thi hành những khuyến nghị của ĐHĐ về những vấn đề thuộc thẩm quyền của ECOSOC;
- Với sự đồng ý của ĐHĐ, ECOSOC có thể làm những việc do các thành viên LHQ, hoặc các tổ chức chuyên môn yêu cầu;
- ECOSOC sẽ mời bất cứ nước thành viên LHQ nào tham dự, không bỏ phiếu, các cuộc thảo luân của HĐ về vấn đề liên quan đến nước thành viên đó;
- ECOSOC có thể thu xếp cho đại diện các tổ chức chuyên môn LHQ tham dự, không bỏ phiếu, các cuộc thảo luận của HĐ và các cuộc thảo luận của các Ủy ban do HĐ lập ra, và cho các đại diện của HĐ tham gia các cuộc thảo luận của các tổ chức chuyên môn LHQ;
- ECOSOC có thể có những thu xếp thích hợp để tham khảo các tổ chức phi chính phủ liên quan đến những vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐ, thu xếp qua các tổ chức quốc tế và khi thích hợp, có thể qua các tổ chức quốc gia của nước thành viên sau khi đã tham khảo nước thành viên đó;
- ECOSOC có nghĩa vụ thực hiện những chức năng khác được quy định trong Hiến chương LHQ, hoặc có thể được ĐHĐ giao cho.
3.4 Hoạt động và thủ tục ra quyết định:
Mỗi nước thành viên ECOSOC có một phiếu. ECOSOC thông qua quyết định theo đa số những thành viên có mặt tham gia bỏ phiếu.
ECOSOC có 2 phiên họp trong một năm: phiên họp về nội dung (substantive session) được tổ chức trong vòng 4 tuần vào khoảng tháng 7, luân phiên ở New York và Geneva, và trước đó là phiên họp về tổ chức (organizational session) diễn ra trong 4 ngày thường vào đầu tháng 2 và được họp lại vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 hàng năm.
Trong phiên họp về nội dung của ECOSOC có 4 ngày họp cấp Bộ trưởng của các nước thành viên Hội đồng để xem xét những chủ đề lớn về kinh tế và/hoặc xã hội; 1 ngày đối thoại về chính sách liên quan những vấn đề quan trọng của kinh tế thế giới và hợp tác kinh tế quốc tế, những người đứng đầu các tổ chức tài chính, thương mại quốc tế của LHQ có thể được mời tham dự cuộc đối thoại này. Sau phần họp cấp cao (high level segment) là phần họp về phối hợp (coordination segment), phần họp về hoạt động tác nghiệp (operational activities segment), và phần họp chung (general segment) để xem xét những vấn đề kinh tế, xã hội và những vấn đề liên quan.
Phiên họp về tổ chức thường bầu ra Chủ tịch và các Phó chủ tịch ECOSOC, cũng như bầu bổ sung thành viên của các cơ quan chức năng của Hội đồng. Việc bầu cử, bổ nhiệm, đề cử sẽ diễn ra tại phiên họp về tổ chức được nối lại (resumed session) thường vào tháng 4, đầu tháng 5 hàng năm.
Theo Hiến Chương LHQ, ECOSOC sẽ thông qua những quy định riêng về thủ tục, kể cả cách thức chọn Chủ tịch. HĐ sẽ họp khi cần phù hợp với những quy định của HĐ, kể cả triệu tập họp theo yêu cầu của đa số các nước thành viên HĐ.
3.5 Các cơ quan trực thuộc ECOSOC:
Điều 68 của Hiến chương LHQ quy định rằng: "ECOSOC sẽ thành lập những Ủy ban trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và thúc đẩy nhân quyền, và các Ủy ban khác theo nhu cầu để thực hiện chức năng của HĐ".
Có 5 loại cơ quan trực thuộc ECOSOC:
- Ủy ban chức năng (Funtional Commission);
- Ủy ban khu vực (Regional Commission);
- Ủy ban thường trực (Standing Committee);
- Cơ quan chuyên môn (Expert Bodies) và
- Ủy ban hành chính điều phối (Administrative Committee on Coordination).
Mỗi Ủy ban có thể thành lập các tiểu ban (Subcommission) hoặc nhóm làm việc (Working Group)
Các Ủy ban chức năng (Funtional Commission):
+ Ủy ban Phát triển Xã hội (Commission for Social Development - CSD): Ủy ban có chức năng tư vấn cho ECOSOC về những chính sách xã hội chung, và đặc biệt về tất cả những vấn đề xã hội mà các tổ chức chuyên môn liên Chính phủ không đề cập đến. UB còn có nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện tiếp kết quả Hội nghị thượng đỉnh TG về phát triển xã hội họp tại Copenhagen 1995. Hiện UB có 46 thành viên do ECOSOC bầu nhiệm kỳ 4 năm. UB họp hàng năm ở New York khoảng 8 ngày. Hiện nay Việt Nam đang là thành viên của CSD nhiệm kỳ 2001-2005.
+ Ủy ban về ngăn ngừa tội phạm và tư pháp hình sự (Commission on Crime prevention and Criminal Justice - CCPCJ): Ủy ban có trụ sở tại Vienna gồm 40 nước thành viên do ECOSOC bầu nhiệm kỳ 3 năm, họp hàng năm thường ở Vienna. Ủy ban có chức năng:
- Hướng dẫn về chính sách cho các nước thành viên LHQ trong lĩnh vực phòng ngừa tội phạm và tư pháp hình sự;
- Theo dõi và kiểm điểm việc thực hiện các chương trình LHQ về phòng ngừa tội phạm;
- Giúp phối hợp các hoạt động của các viện khu vực và liên khu vực về phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội;
- Huy động sự ủng hộ của các nước thành viên;
- Chuẩn bị cuộc họp của LHQ về ngăn ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội.
+ Ủy ban nhân quyền (Commission on Human Rights - CHR): Ủy ban có trụ sở tại Geneva, hiện gồm 53 nước thành viên do ECOSOC bầu nhiệm kỳ 3 năm, họp hàng năm tại Geneva. UB có các chức năng chủ yếu như xây dựng các văn kiện và tài liệu pháp lý quy định về các quyền con người và các quyền tự do cơ bản; đưa ra những khuyến nghị và báo cáo về các vấn đề liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người trong lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, các quyền phụ nữ, trẻ em, quyền của các nhóm thiểu số về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, hay tôn giáo...; xây dựng các dự thảo tuyên bố hoặc công ước quốc tế về các quyền con người.
Để giúp việc cho mình, Ủy ban nhân quyền đã thiết lập các cơ chế nhân quyền như các nhóm làm việc (working groups) hoặc cử các báo cáo viên đặc biệt theo chủ đề (giam giữ độc đoán, tự do tôn giáo, tự do chính kiến, chống tra tấn...) và về tình hình nhân quyền ở các nước cụ thể. Việc lập ra các cơ chế nêu trên phải được ECOSOC và Đại hội đồng chấp thuận.
+ Ủy ban về Ma túy (Commission on Narcotic Drugs - CND): có trụ sở tại Vienna, hiện gồm 53 thành viên do ECOSOC bầu nhiệm kỳ từ 3 đến 4 năm, họp hàng năm tại Vienna. Ủy ban có chức năng tư vấn cho Hội đồng và xây dựng dự thảo hiệp định quốc tế về các vấn đề liên quan tới kiểm soát ma túy, theo dõi việc thực hiện chương trình hành động toàn cầu và hướng dẫn về chính sách trong lĩnh vực kiểm soát ma tuý. Ủy ban là cơ quan điều hành Chương trình kiểm soát ma tuý của LHQ (UNDCP), xây dựng và thông qua các chương trình dự án của UNDCP. Văn phòng Ma tuý và Tội phạm của LHQ (UNODC) có chức năng là ban thư ký cho Ủy ban.
+ Ủy ban Dân số và Phát triển (Commission on Population and Development - CPD): gồm 47 nước thành viên do ECOSOC bầu nhiệm kỳ 4 năm, họp hàng năm ở New York. UB có nhiệm vụ nghiên cứu và tư vấn ECOSOC về những thay đổi về dân số, kể cả việc di cư và ảnh hưởng của nó tới các điều kiện kinh tế, xã hội; theo dõi, kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.
+ Ủy ban Khoa học, Công nghệ vì Phát triển (Commssion on Science and Technology for Development - CSTD): gồm 53 nước do ECOSOC bầu, họp hai năm một lần.
+ Ủy ban về Phát triển bền vững (Commission on Sustainable Development - CSD): gồm 53 thành viên do ECOSOC bầu nhiệm kỳ 3 năm. Ủy ban có chức năng chủ yếu theo dõi việc thực hiện Chương trình nghị sự 21 (Agenda 21) của Hội nghị LHQ về Môi trường và Phát triển tổ chức tại Riođờ Gianerô, Braxin (21-27/6/1997).
+ Ủy ban về địa vị phụ nữ (Commission on the Status of Women - CSW): hiện gồm 45 nước thành viên nhiệm kỳ 4 năm, có trụ sở ở New york, họp hàng năm. UB có nhiệm vụ chuẩn bị các báo cáo và đưa ra các khuyến nghị cho Hội đồng về các vấn đề liên quan đến việc cải thiện các quyền của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội và giáo dục; Ủy ban đóng vai trò chính theo dõi việc thực hiện Chương trình hành động của Hội nghị TG lần thứ 4 về Phụ nữ (Bejing 1995).
+ Ủy ban Thống kê (Statistical Commission - SC): hiện gồm 24 nước thành viên nhiệm kỳ 4 năm, họp 2 năm một lần tại New york. Ủy ban có nhiệm vụ giúp Hội đồng thúc đẩy phát triển thống kê quốc gia, phối hợp công tác thống kê của các cơ quan chuyên môn và nâng cấp công tác thống kê của Ban thư ký LHQ; tư vấn cho các cơ quan LHQ về các vấn đề chung liên quan tới việc thu thập, phân tích và phổ biến những thông tin thống kê, thúc đẩy cải tiến phương pháp chung làm thống kê.
Các Ủy ban Thường trực (Standing Committees):
+ Ủy ban Chương trình và Điều phối (Committee for Programme and Co-ordination - CPC): hiện có 34 thành viên nhiệm kỳ 3 năm. UB có nhiệm vụ xem xét các chương trình của LHQ trong kế hoạch trung hạn, kiến nghị những chương trình ưu tiên, chỉ đạo Ban thư ký cụ thể hóa những luật lệ thành chương trình, kiến nghị bỏ những văn bản chồng chéo, xây dựng các thủ tục thẩm định, và giúp Hội đồng trong thực thi chức năng điều phối.
+ Ủy ban các Tổ chức phi Chính phủ (Committee on Non-Governmental Organisations - CNGO):gồm 19 thành viên do ECOSOC bầu nhiệm kỳ 4 năm, có nhiệm vụ chính là thẩm tra, xem xét và cấp quy chế tư vấn của ECOSOC cho các NGOs có đơn yêu cầu, giám sát hoạt động của các NGOs có quy chế tư vấn theo quy định của Hội đồng, đưa ra những khuyến nghị về những gì các tổ chức NGO phải trình ECOSOC.
Các cơ quan chuyên môn (Expert Bodies):
- Nhóm Adhoc các chuyên gia hợp tác quốc tế về các vấn đề thuế (Ad hoc Group of Experts on International Cooperation in Tax Matters);
- Ủy ban về chính sách phát triển (Committee for Development Policy);
- Ủy ban chuyên gia về vận chuyển hàng nguy hiểm (Committee of Expert on the Transport of Dangerous Good and on the Globally Harmonized System of Classification and Labelling of Chemicals);
- Ủy ban về quyền kinh tế, văn hóa và xã hội (Committee on Economic, Social and Cultural rights);
- Ủy ban chuyên gia về Hành chính công ( Committee of Experts on Public Administration);
- Diễn đàn Thường trực về các vấn đề Người Bản xứ (Permanent forum on Indigenous Issues);
- Nhóm chuyên gia LHQ về Địa danh (UN Group of Experts on Geographical Names).
Ủy ban Hành chính Điều phối (Administrative Committee on Coordination - ACC) thành phần gồm Tổng thư ký LHQ và các Giám đốc các cơ quan chuyên môn của LHQ và IAEA, họp 2 lần một năm. Ủy ban có chức năng phối hợp các chương trình của LHQ, thúc đẩy sự hợp tác trong hệ thống LHQ nhằm mục tiêu chung của tất cả các nước thành viên LHQ. Trực thuộc và báo cáo trực tiếp với Ủy ban có 5 tiểu ban là: Tiểu ban tổ chức (Organizational Committee), Tiểu ban tư vấn về những vấn đề hành chính (Consultative Committee on Administrative Questions), Tiểu ban tư vấn về chương trình và các vấn đề tác nghiệp (Consultative Committee on Programme and Operational Questions), Tiểu ban liên ngành về phát triển bền vững (Inter-Agency Committee on Sustainable Development) và Tiểu ban liên ngành về phụ nữ và bình đẳng giới (Inter-Agency Committee on Women and Gender Equality).
Các Ủy ban khu vực (Regional Commissions) gồm: Ủy ban Kinh tế Châu Phi-ECA, Ủy ban Kinh tế Xã hội Châu Á-Thái bình Dương - ESCAP, Ủy ban Kinh tế Châu Âu - ECE, Ủy ban Kinh tế Mỹ la tinh và vùng Caribe - ECLAC và Ủy ban Kinh tế Xã hội Tây Á - ESCWA.
4. Hội đồng Quản thác
4.1. Cơ sở pháp lý
Theo Chương XII Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hệ thống Quản thác với nhiệm vụ giám sát các vùng Lãnh thổ quản thác được đặt trong Hệ thống theo các thoả thuận riêng với quốc gia quản lý các vùng lãnh thổ này. Hệ thống này áp dụng với: (i) các vùng lãnh thổ nằm trong nhiệm vụ quản lý do Hội quốc liên đưa ra; (ii) các vùng lãnh thổ tách ra từ các quốc gia kẻ thù sau Chiến tranh thế giới thứ hai; các vùng lãnh thổ do các quốc gia có trách nhiệm quản lý được tự nguyện đặt trong Hệ thống. Mục tiêu căn bản của Hệ thống là thúc đẩy tiến bộ chính trị, kinh tế, xã hội tại các vùng lãnh thổ quản thác và sự phát triển của các vùng này hướng tới chính phủ tự quản và độc lập.
4.2. Thành phần
Hội đồng Quản thác gồm những thành viên sau đây của Liên Hợp Quốc:
* Những thành viên được quyền quản lý những vùng lãnh thổ quản thác;
* Những thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an;
* Một số thành viên do Đại hội đồng bầu ra trong thời hạn 3 năm để đảm bảo đủ số lượng thành viên của Hội đồng;
* Quản thác được phân bổ ngang nhau giữa những thành viên Liên Hợp Quốc quản lý các lãnh thổ quản thác và những thành viên không quản lý những lãnh thổ đó.
4.3. Chức năng, quyền hạn
* Xem xét những báo cáo của nhà đương cục được giao quản lý lãnh thổ quản thác;
* Nhận xét và đơn thỉnh cầu sau khi tham khảo ý kiến nhà đương cục nói trên;
* Cử người đến quan sát định kỳ từng lãnh thổ do nhà đương cục nói trên quản lý theo thời hạn được thoả thuận với nhà đương cục ấy;
* Tiến hành những việc trên hay những việc khác theo đúng những điều khoản của các hiệp định về quản thác.
4.4. Tình hình hiện nay
Với việc kết thúc Hiệp định Quản thác cho vùng lãnh thổ quản thác của các hòn đảo thuộc Thái Bình Dương theo Nghị quyết 956 (1994) và việc Palau trở thành thành viên 185 của Liên Hợp Quốc, Hội đồng Quản thác đã hoàn thành nhiệm vụ được Hiến chương Liên Hợp Quốc giao phó đối với lãnh thổ cuối cùng trong 11 lãnh thổ quản thác nằm trong Hệ thống quản thác. Năm 1994, trong bản báo cáo thường niên về công việc của Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký đã đề nghị Đại hội đồng giải tán cơ quan này theo điều 108 của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Năm 1997, trong Báo cáo về chương trình cải tổ Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký đã đề xuất tổ chức lại Hội đồng Quản thác thành một diễn đàn để các nước thành viên thực hiện quản thác tập thể vì sự toàn vẹn của môi trường toàn cầu và các khu vực chung như đại dương, khí quyển và khoảng không vũ trụ; đồng thời, làm nhiệm vụ cầu nối giữa Liên Hợp Quốc và xã hội dân sự trong việc giải quyết các lĩnh vực thuộc mối quan tâm của toàn cầu.
5. Tòa án Quốc tế
5.1. Cơ sở pháp lý
Nhiệm vụ trọng tâm của Liên Hợp Quốc là giải quyết các cuộc xung đột bằng biện pháp hoà bình phù hợp với các nguyên tắc của công lý và luật pháp quốc tế (Điều 1 của Hiến chương Liên Hợp Quốc). Điều 33 của Hiến chương cũng chỉ rõ, trong số các phương pháp giải quyết hoà bình có phương pháp sử dụng trọng tài và giải quyết của toà án (theo luật pháp).
Theo điều 13 của Hiến chương, một trong những chức năng của Đại hội đồng là " thúc đẩy việc pháp điển hoá và sự phát triển của luật quốc tế theo hướng tiến bộ". Chức năng này đã được Đại hội đồng và các cơ quan khác thực hiện thông qua việc soạn thảo, chuẩn bị rất nhiều công ước quốc tế. Trong vòng năm thập kỷ qua, Liên Hợp Quốc đã bảo trợ cho trên 456 thoả thuận đa phương bao gồm mọi lĩnh vực hoạt động giữa các nhà nước và nỗ lực của loài người. Liên Hợp Quốc cũng là người tiên phong quan tâm tới những vấn đề toàn cầu mới hiện nay như: môi trường, khoảng không vũ trụ, lao động di cư, buôn lậu ma tuý và chủ nghĩa khủng bố.
5.2. Thành phần
Toà án quốc tế gồm 15 thẩm phán, là công dân của các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, do Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an cùng bầu ra.
5.3. Chức năng
Chức năng chính của Toà án quốc tế là giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế, vụ kiện do các quốc gia đưa lên phù hợp với luật pháp quốc tế. Mục tiêu của toà án là áp dụng các tập quán quốc tế để thiết lập các quy tắc được các quốc gia liên quan chính thức công nhận; các thông lệ quốc tế được chấp nhận như luật; các nguyên tắc chung của luật pháp được các quốc gia công nhận; các phán quyết của tòa án...
Tòa án cũng khuyến nghị Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an về lĩnh vực luật pháp, các vấn đề luật pháp nổi lên trong phạm vi hoạt động của các cơ quan này, khuyến nghị các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc, các cơ quan chuyên môn với sự Ủy quyền của Đại hội đồng.
5.4. Hoạt động
* Giải quyết theo luật pháp các tranh chấpCơ quan chính của Liên Hợp Quốc giải quyết các tranh chấp là Toà án quốc tế. Kể từ khi thành lập năm 1946, đến nay đã có 72 vụ được các nước đưa ra trước Toà án quốc tế, 22 trường hợp hỏi ý kiến của các tổ chức quốc tế. Hầu hết các trường hợp được Toà giải quyết song kể từ năm 1981, đã có 4 trường hợp được chuyển cho các Ủy ban đặc biệt giải quyết theo đề nghị của các bên liên quan. 11 trường hợp vẫn chưa được giải quyết.
Các trường hợp đưa ra giải quyết tại Toà án quốc tế bao gồm nhiều lĩnh vực như: quyền về lãnh thổ (vụ tranh chấp giữa Pháp và Anh năm 1953, giữa Bỉ và Hà Lan năm 1959, giữa Ấn Độ và Bồ Đào Nha năm 1960, giữa Buốckina Phaxô và Mali năm 1986, giữa Libi và Sát năm 1990), liên quan đến luật biển (trường hợp Anbani phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại do thỦy lôi trong vùng lãnh hải của mình gây ra cho tầu của Anh năm 1949, tranh chấp giữa Anh và Na uy về đánh cá), các cuộc tranh chấp liên quan đến nguyên tắc và luật lệ quốc tế trong việc phân định ranh giới thềm lục địa, trên biển và trên bộ (vụ giữa Libi và Manta năm 1985, Canađa và Mỹ năm 1984, Đan mạch và Na uy năm 1993, giữa En Xanvađo và Honđurat năm 1992 ...), về bảo vệ ngoại giao, bảo vệ môi trường, thực hiện các nghĩa vụ của lực lượng Ủy thác tại lãnh thổ Tây Nam châu Phi, các vấn đề liên quan đến xung đột khu vực, việc thực hiện các công ước quốc tế của các nước ... các trường hợp liên quan đến quan hệ giữa Liên Hợp Quốc và các nước thành viên như việc phái viên của Liên Hợp Quốc bị sát hại, đóng góp của các nước vào ngân sách hoạt động gìn giữ hoà bình... cũng được các bên liên quan đưa ra tại Toà án quốc tế để nhận được ý kiến tham khảo.
* Pháp điển hoá luật pháp quốc tế
Ủy ban về luật pháp quốc tế đã được Đại hội đồng thành lập năm 1947 nhằm thúc đẩy sự phát triển và pháp điển hoá luật pháp quốc tế theo hướng tiến bộ. Ủy ban gồm 34 thành viên, nhóm họp hàng năm, các thành viên được Đại hội đồng bầu ra với nhiệm kỳ 5 năm, hoạt động với tư cách cá nhân chứ không phải là đại diện của các chính phủ.
Công việc chủ yếu của Ủy ban là soạn thảo luật pháp quốc tế, lĩnh vực luật pháp cần soạn thảo có thể do Ủy ban tự chọn hoặc do Đại hội đồng hoặc Hội đồng Kinh tế - Xã hội (ECOSOC) gợi ý. Khi Ủy ban hoàn tất dự thảo các điều khoản, Đại hội đồng sẽ triệu tập một hội nghị quốc tế để quyết định đưa các điều khoản dự thảo đó vào một công ước quốc tế, sau đó sẽ mở cho các nước tham gia.
Năm 1966, đáp ứng đòi hỏi của Liên Hợp Quốc phải giữ một vai trò tích cực trong việc giảm bớt và loại bỏ các cản trở đối với thương mại quốc tế, Đại hội đồng đã thành lập Ủy ban Liên Hợp Quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) để thúc đẩy sự thống nhất và hài hoà theo hướng tiến bộ của luật thương mại quốc tế. Ủy ban gồm 36 thành viên, đại diện cho các khu vực địa lý và các hệ thống kinh tế và luật pháp khác nhau, có báo cáo hàng năm lên Đại hội đồng và trình báo cáo lên Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển.
6. Ban Thư ký Liên hiệp quốc
6.1. Khái quát
Ban thư ký Liên Hợp Quốc (gọi tắt là Ban thư ký) là một trong sáu cơ quan chính của Liên Hợp Quốc.
Trụ sở chính của Ban thư ký đặt tại Niu Oóc, Mỹ. Ngoài ra có hai Văn phòng tại Giơnevơ và Viên.
Tổng thư ký hiện nay là Ngài Kofi Annan, quốc tịch Gana, nhậm chức từ ngày 1/1/1997.
6.2. Cơ cấu tổ chức
Theo Chương XV của Hiến chương Liên Hợp Quốc, Ban thư ký gồm có một Tổng thư ký và một số nhân viên tuỳ theo nhu cầu của tổ chức. Tổng thư ký do Đại hội đồng bổ nhiệm, theo kiến nghị của Hội đồng Bảo an. Tổng thư ký là viên chức cao cấp nhất của Tổ chức Liên Hợp Quốc (Điều 97).
6.3. Chức năng, nhiệm vụ
* Tổng thư ký hoạt động với tư cách là người có cương vị cao nhất của Ban thư ký trong tất cả các cuộc họp của Đại hội đồng, của Hội đồng Bảo an, của Hội đồng Kinh tế - Xã hội và của Hội đồng Quản thác. Tổng thư ký thực hiện các chức năng theo quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc và các nhiệm vụ khác do các cơ quan này giao phó. Tổng thư ký trình Đại hội đồng báo cáo hàng năm về hoạt động của Liên Hợp Quốc (Điều 98).
* Tổng thư ký có thẩm quyền lưu ý Hội đồng Bảo an về bất cứ vấn đề nào mà theo ông, có thể đe doạ việc duy trì hoà bình và an ninh quốc tế (Điều 99).
* Trong khi thực thi nhiệm vụ của mình, Tổng thư ký và các nhân viên không được tìm kiếm hay chấp nhận những chỉ thị của bất cứ một chính phủ nào hoặc của một cơ quan quyền lực nào ngoài Liên Hợp quốc. Tổng thư ký và các nhân viên không được hành động trái với địa vị viên chức quốc tế của họ và chỉ chịu trách nhiệm trước Liên hợp quốc (Điều 100, khoản 1).
* Tổng thư ký bổ nhiệm các nhân viên của mình theo những quy định do Đại hội đồng xác lập (Điều 101, khoản 1).
* Một số nhân viên thích hợp được bổ nhiệm để phục vụ thường trực Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Hội đồng Quản thác và nếu cần, các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc. Số nhân viên này thuộc biên chế cơ quan Tổng thư ký (Điều 101, khoản 2).
Trợ giúp Tổng thư ký gồm:
- Phó Tổng thư ký;
- Các trợ lý Tổng thư ký;
- Các vụ, phòng, ban do các quan chức cao cấp chịu trách nhiệm trực tiếp với Tổng thư ký:
+ Văn phòng Tổng thư ký;
+ Vụ các vấn đề của Đại hội đồng và phục vụ hội nghị;
+ Vụ các vấn đề chính trị;
+ Vụ giải trừ quân bị;
+ Vụ về các hoạt động gìn giũ hoà bình;
+ Văn phòng pháp lý;
+ Vụ kinh tế, xã hội;
+ Phòng về các vấn đề phối hợp và nhân đạo;
+ Vụ thông tin;
+ Vụ quản trị;
+ Phòng dịch vụ nội bộ.
- Các quan chức cao cấp khác:
+ Điều phối viên về an ninh Liên Hợp Quốc;
+ Giám đốc điều hành chương trình Irắc;
+ Điều phối viên về cải tổ Liên Hợp Quốc;
+ Điều phối viên về các hoạt động nhân đạo cho Irắc.
Ngoài ra Tổng thư ký còn cử các đặc phái viên, đại diện cho mình theo các nước, khu vực như: châu Phi, Ăngôla, Cămpuchia, Crôatia, Irắc, Trung Đông...
6.4. Chương trình cải tổ Ban thư ký
Tại khoá 51 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (16/6/1997), Tổng thư ký đã trình bày một chương trình cải tổ Liên Hợp Quốc trong đó có Ban thư ký.
Tại khoá họp 52 Đại hội đồng đã diễn ra những cuộc thảo luận sâu rộng về các khuyến nghị và các biện pháp cải tổ Liên Hợp Quốc của Tổng thư ký đề xuất trong báo cáo.
Theo báo cáo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tại khoá 53 Đại hội đồng (1998), những việc chính sau về cải tổ Liên Hợp Quốc đã được thực hiện:
* Lập chức Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc;
* Ban thư ký đã được sắp xếp lại thông qua sáp nhập hoặc giải thể một số đơn vị: củng cố Vụ kinh tế - xã hội bằng cách sáp nhập 3 ban riêng trước đây; định hướng lại Vụ thông tin, đơn giản hoá hệ thống hỗ trợ kỹ thuật...;
* Giảm gần 1000 biên chế của Ban thư ký vào tháng 1/1998, biên chế hiện nay còn hơn 9000 nhân viên. Cắt giảm 123 triệu đôla ngân sách 1998-1999. Giảm 1/3 chi phí hành chính và chuyển số tiền đó sang các chương trình kinh tế, xã hội có ích cho các nước đang phát triển. Giảm công văn giấy tờ 25%;
* Xây dựng bộ tiêu chuẩn về hành vi cho các nhân viên Liên Hợp Quốc.
6.5. Các Tổng thư ký Liên Hợp Quốc từ khi tổ chức này được thành lập
* Trygve Lie, Na Uy, nhậm chức ngày 2/2/1946
* Dag Hammarskjold, Thuỵ Điển, nhậm chức ngày 10/4/1953
* U Thant, Mianma, nhậm chức ngày 3/11/1961
* Kurt Waldheim, Áo, nhậm chức ngày 22/12/1971
* Javier Perez De Cuillar, Pê-ru, nhậm chức ngày 15/12/1981
* Boutros Boutros Ghali, Ai Cập, nhậm chức ngày 1/1/1992
* Kofi Annan, Gana, nhậm chức ngày 1/1/1997
(Nguồn Bộ Ngoại giao)