• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Khái quát sự phát triển của Nho giáo thời kỳ Lý-Trần

Chị Lan

New member
KHÁI QUÁT SỰ PHÁT TRIỂN CỦA NHO GIÁO THỜI KỲ LÝ - TRẦN


Thời đại Lý - Trần được coi là thời đại hưng thịnh và vẻ vang trong lịch sử Việt Nam với những thành tựu phát triển về mọi mặt, nhất là văn hóa tinh thần và tư tưởng. Trong thời kỳ này, Phật giáo chiếm địa vị chủ đạo trong đời sống xã hội, có ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh, văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Nho giáo với tư cách là học thuyết chính trị - đạo đức cũng đã dần khẳng định ưu thế của mình trong việc tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến tập quyền, tổ chức quản lý xã hội, có ảnh hưởng ngày càng sâu rộng trong xã hội phong kiến Việt Nam.

Thời Lý - Trần, cùng với Phật giáo được coi là quốc giáo, Nho giáo cũng được chú trọng phát triển không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên, mà do những điều kiện khách quan, trước hết là sự quy định của điều kiện kinh tế - xã hội đương thời.

Ở nước ta từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIII (từ thời Đinh đến giữa thời Trần), chế độ sở hữu nhà nước về ruộng đất chiếm ưu thế trong xã hội. Làng xã là đơn vị quân cấp ruộng đất công và thu tô thuế nộp cho nhà nước. Đại bộ phận ruộng đất là công điền, công thổ của làng xã. Bên cạnh đó còn có ruộng quốc khố của triều đình và ruộng nhà chùa. Từ giữa thế kỷ XIII trở đi, nền kinh tế dựa trên phương thức sản xuất phong kiến Á châu đã hình thành do chính sách khuyến khích việc mua bán, trao đổi ruộng đất, trong đó có các điền trang với phương thức bóc lột nông nô pha màu sắc của phương thức bóc lột nô lệ. Sử sách chép rằng, năm 1254, nhà Trần cho phép bán công điền để biến thành tư điền “mỗi diện là năm quan tiền” . Năm 1266, triều đình cho phép các nhà đại quý tộc thành lập các điền trang riêng. Sự xuất hiện của kinh tế công thương nghiệp và sự gia tăng của trao đổi hàng hóa làm cho tầng lớp địa chủ càng ngày càng giữ vai trò to lớn trong đời sống xã hội, chi phối nhiều mặt hoạt động của xã hội về kinh tế và chính trị. Nền kinh tế càng phát triển thì tầng lớp quý tộc càng có xu hướng rút về củng cố điền trang của mình, phát triển kinh doanh ruộng đất. Lúc này, xuất hiện nguy cơ phân tán về mặt chính trị dẫn đến khuynh hướng tăng cường bộ máy quan liêu, đề cao Nho giáo, đưa nho sĩ vào nắm dần các chức vụ chủ chốt trong triều đình. Từ giữa thế kỷ XIII, kết cấu giai cấp lãnh đạo trong xã hội đã có sự thay đổi. Nếu trước đây tầng lớp quản lý nhà nước bao gồm quý tộc, công thần, quan liêu, cao tăng thì từ đây kết cấu tầng lớp quản lý nhà nước bao gồm hai bộ phận rõ rệt: thành phần quý tộc nắm giữ những chức vụ cao nhất trong triều, có ruộng phong và trang ấp riêng, có nô lệ, …, là giai cấp chiếm hữu lớn về ruộng đất; và thành phần quan liêu đông đảo đóng vai trò thừa hành trong bộ máy quản lý nhà nước, đó là tầng lớp nho sĩ quan liêu không phải quý tộc. Chính những chuyển biến về sở hữu ruộng đất trong kinh tế và những biến đổi trong kết cấu giai cấp xã hội đã tạo điều kiện cho Nho giáo thâm nhập vào xã hội trong thời kỳ này.

Về mặt chính trị, bất cứ một giai cấp nào khi đã xác lập địa vị thống trị của mình trong xã hội đều cần có một hệ tư tưởng nhằm phản ánh, bảo vệ lợi ích của giai cấp mình, củng cố cho địa vị xã hội thêm vững chắc. Cùng với Nho giáo thì Phật giáo và Đạo giáo cũng sớm du nhập Việt Nam. Vào Việt Nam không lâu, Phật giáo và Đạo giáo đã được nhân dân ta tiếp nhận khá dễ dàng và mau chóng, thậm chí ở nước ta, Phật giáo có lúc phát triển khá thịnh, được nhà nước phong kiến suy tôn, chọn làm quốc giáo. Nhưng trong bản chất của nó, Phật giáo và Đạo giáo chủ yếu không phải là đạo trị nước như Giáo sư Trần Văn Giàu đã nói, “cho dù bên Ấn Độ, bên Trung Quốc có những nhà sư làm quân sư đắc lực cho một số nhà vua, đó là sáng kiến của những nhà sư ấy theo tinh thần Phật giáo, chớ giáo lý Phật giáo không bàn về chính trị” . Còn Nho giáo, du nhập Việt Nam từ những năm đầu Công nguyên, bằng con đường xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc, trước hết được coi là công cụ của giai cấp thống trị nhà Hán trong âm mưu đồng hóa dân tộc ta. Vì thế, nhân dân ta đã phản ứng lại Nho giáo nhằm khẳng định nền độc lập chủ quyền đất nước, bảo tồn nòi giống, tín ngưỡng phong tục và di sản văn hóa cổ truyền dân tộc nên trong suốt thời kỳ Bắc thuộc, và ngay cả ở các triều đại đầu tiên của nhà nước phong kiến dân tộc độc lập, Nho giáo vẫn chưa có vai trò gì trong đời sống chính trị, tinh thần của xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, khi nền tảng và cơ cấu xã hội Việt Nam thay đổi với sự thiết lập chế độ phong kiến trung ương tập quyền ít nhiều đã mang tính chất phương Bắc thì Nho giáo lại tỏ ra thích hợp, lại là một yêu cầu, một thứ học thuật tư tưởng mà người trong nước cần phải tiếp thu. Với tư cách là một học thuyết chính trị - đạo đức, Nho giáo chủ trương quyền hành phải thống nhất tập trung vào thiên tử, bảo vệ sự chính thống mà trên thực tế là bảo vệ các vương triều với quyền lợi của dòng họ thống trị và các địa vị tôn quý của nó, đồng thời đưa ra những chuẩn mực đạo đức cho hành vi ứng xử của con người, những yêu cầu đối với các mối quan hệ vua - tôi, cha - con, chồng - vợ, đối với việc tu thân… tỏ ra phù hợp với chế độ quân chủ tập quyền, có tác dụng to lớn trong việc giúp các triều đại củng cố sự thống trị giai cấp, sự thống nhất đất nước vào chính quyền trung ương, ổn định trật tự xã hội mà Phật giáo và Đạo giáo không thể sánh kịp. Chính vì vậy, các triều đại trong thời Lý - Trần tuy vẫn tạo điều kiện cho tam giáo cùng phát triển trên cơ sở tôn vinh Phật giáo nhưng “muốn trị nước, muốn củng cố chế độ phong kiến, thì, ở vào thế một nước láng giềng có nhiều mối quan hệ văn hóa và chủng tộc với Trung Quốc, nhà Lý không thể không cậy vào Nho giáo mỗi lúc một thêm nhiều” . Đầu thời Trần, các vua Trần là những người mộ Phật, Phật giáo hưng thịnh và có ảnh hưởng sâu rộng trong sinh hoạt văn hóa tư tưởng và thế giới quan của người Việt. Các đại biểu của tư tưởng Phật giáo thời Trần như Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông bấy giờ đưa ra những quan điểm thể hiện triết lý nhập thế, cho rằng đạo và đời không tách rời nhau, chính cuộc đời là nơi thử thách tôi luyện con người:

“Tu tri thế hữu nhân trung Phật
Hưu quái lô khai hoả lý liên”

Nghĩa là:

“Nên biết trong đời sinh có Phật
Lạ chi giữa lửa nở sen vàng” .


Các nhà tư tưởng cho rằng một con người ngộ đạo không có nghĩa là thoát ly cuộc sống hiện thực, nghĩa là vẫn lặn lội trong vòng sinh tử, chỉ có điều không sợ hãi sinh tử mà nhìn sinh tử như một cái gì thường nhiên, không hề chán nản bi quan mà thậm chí còn lạc quan yêu đời; một người ngộ đạo khi gắn mình vào cuộc sống bình thường cũng phải hành động và suy nghĩ theo những đạo lý của cuộc sống, làm tròn phận sự của mình với xã hội. Do quan niệm như vậy, nhiều vua Trần như Thái Tông, Nhân Tông và các vị tướng của Tuệ Trung Thượng Sĩ tuy hết lòng theo Phật nhưng khi làm vua, làm tướng vẫn hành động và suy nghĩ phù hợp với sự nghiệp giữ nước vĩ đại của dân tộc. Chính những tư tưởng này góp phần làm cho Phật giáo thời Trần có tinh thần nhập thế tích cực. Tuy nhiên, khuynh hướng nhập thế ấy vẫn không khắc phục hết được những hạn chế của Phật giáo bởi vì bản thân Phật giáo với toàn bộ hệ thống giáo lý của nó không hề có sự giải đáp thích đáng nào về các vấn đề có liên quan đến việc củng cố nhà nước phong kiến như vấn đề quân quyền, quy định các điển chương, lễ chế và cơ cấu hành chính từ triều đình cho đến địa phương; không chú ý đến việc củng cố gia đình, dòng họ, không đề ra những biện pháp trị nước yên dân… Chính vì vậy, về cơ bản nhà Trần vẫn tôn chuộng đạo Phật nhưng để duy trì quyền lực, tổ chức quản lý xã hội, nhà Trần đã lựa chọn một công cụ khác, đó là Nho giáo.

Nhận thức rất rõ về vai trò của cả Phật giáo và Nho giáo, Đạo giáo đối với xã hội nên các vua quan ở các triều đại Lý - Trần không chỉ chăm lo củng cố Phật giáo mà còn chú trọng phát triển cả Nho giáo, Đạo giáo, tổ chức thường xuyên các kỳ thi tam giáo. Khuynh hướng dung hòa tam giáo mà trước hết là sự kết hợp giữa Phật và Nho được biểu hiện khá rõ nét trong văn học Phật giáo thời Lý - Trần. Nhà sư Viên Chiếu cho rằng, Phật và Thánh như ánh sáng rực rỡ của trời soi tỏ khắp nơi, đem lại sự sống cho vạn vật; như bóng trăng êm dịu mang đến sự thanh tĩnh cho con người; như mùa xuân ấm áp thì chim oanh líu lo; như mùa thu về thì cúc vàng rực rỡ:

“Ly hạ trùng dương cúc,
Chi đầu thục khí oanh”.

Nghĩa là:

“Trùng dương đến, cúc vàng dưới giậu
Xuân ấm về, oanh náu đầu cành” .


Đệ tử vẫn chưa hiểu, sư tiếp lời:

“Trú tắc kim ô chiếu
Dạ lai ngọc thố minh”

Nghĩa là:

“Ngày vầng ô chiếu sáng,
Đêm bóng thỏ rạng soi” .


Sang đời Trần, trong bài tựa sách Thiền tông chỉ nam, Trần Thái Tông đã trình bày rõ nhiệm vụ của Phật và Thánh: “Đạo Phật không chia Nam Bắc đều có thể tu mà tìm, tính người có trí ngu, cũng nhờ giác ngộ mà thành đạt. Vì vậy phương tiện dẫn dụ đám người mê muội, con đường tắt sáng tỏ lẽ tử sinh ấy là đại giáo của đức Phật. Đặt mực thước cho hậu thế, làm khuôn mẫu cho tương lai, ấy là trách nhiệm của Tiên Thánh vậy” . Quan điểm dung hòa giữa Nho, Phật, Đạo ở Trần Thái Tông còn được thể hiện khi ông bàn bạc về tọa thiền. Sau khi dẫn chuyện Phật Thích Ca ngồi sáu trăm năm trong núi Tuyết Sơn, Trần Thái Tông đã dẫn ra trong sách Trang Tử, chuyện Tử Kỳ “dựa ghế mà ngồi hình như gỗ khô, lòng như tro nguội” và chuyện Nhan Hồi, học trò của Khổng Tử “ngồi quên, lìa chi thể, bỏ hết thông minh”. Rồi Trần Thái Tông đi đến kết luận: “Ba bậc thánh hiền của Tam giáo đời xưa đó đều nhờ ngồi định mà có thành tựu” . Nhìn chung, thời Lý - Trần, tam giáo đồng nguyên trên cơ sở Phật giáo. Lúc đó, nhà cầm quyền theo Phật giáo nhưng nhận thấy cần phải bổ sung và kết hợp Nho giáo để trị nước nên Nho giáo, nhờ đó, có điều kiện phát triển. Xét cho đến cùng, trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó, thì dù Phật giáo có tích cực nhập thế đến đâu cũng không thể bằng Nho giáo. Tư tưởng Nho giáo bảo vệ sự liên kết gia đình, dòng họ, bảo vệ sự liên kết giữa cá nhân và xã hội xung quanh triều đình, và giữ gìn sự phân chia đẳng cấp xã hội theo danh phận. Nó biết dung hợp sự phân chia và liên kết này trên nền tảng đạo đức, luân lý và chính trị dựa trên cơ sở những quan niệm về lễ và pháp hòa lẫn nhau và được thần thánh hóa là trung hiếu, tam cương phục vụ cho yêu cầu của giai cấp thống trị đương thời. Chính vì vậy, Nho giáo ngày càng được giai cấp phong kiến thống trị đương thời trọng dụng, ngày càng có điều kiện để mở rộng tầm ảnh hưởng. Càng về sau, Phật giáo lui dần còn Nho giáo với ưu thế trong việc củng cố nhà nước quân chủ tập quyền và trật tự của xã hội phong kiến đã dần dần vươn lên phát triển khá mạnh mẽ. Sự phát triển đó tuy chậm chạp nhưng chắc chắn. Bởi vì, cùng với yêu cầu về tổ chức quản lý xã hội và tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, sự phát triển của Nho giáo còn gắn liền với nhu cầu phát triển văn hóa giáo dục.

Khi chế độ phong kiến tập quyền đã bắt đầu ổn định và triển khai theo quy mô lớn thì yêu cầu về việc xây dựng và phát triển một nền văn hóa và giáo dục độc lập, tự chủ được đặt ra. Để nắm quyền quản lý đất nước, các triều đại Lý - Trần đã quan tâm đến việc nâng cao tri thức. Đồng thời, do yêu cầu củng cố và phát triển của nhà nước phong kiến nên việc bổ nhiệm quan lại bằng con đường cũ, con đường “nhiệm tướng” và “thủ sĩ” không đáp ứng được, cần phải có một phương thức đào tạo và tuyển lựa quan lại mới để bổ sung vào đó. Điều này chỉ thực hiện được bằng việc phát triển một nền giáo dục mới với chế độ thi cử để tuyển lựa nhân tài. Thực tế cho thấy, hệ thống giáo lý Phật giáo không thể đáp ứng được yêu cầu này. Chỉ có Nho giáo với hệ thống lý thuyết đầy đủ về giáo dục và khoa cử mới có thể đảm đương được nhiệm vụ lịch sử đó. Trên cơ sở đó, Nho giáo có cơ hội bám rễ sâu vào đời sống chính trị xã hội của nước ta vì theo con đường phát triển của giáo dục khoa cử, Nho giáo không những tác động trực tiếp vào sự hình thành đội ngũ trí thức của dân tộc và sự tuyển lựa nhân tài cho bộ máy nhà nước mà nó còn tác động đến thế giới quan, đến những quy phạm chính trị và những chuẩn mực đạo đức của con người. Hơn thế nữa, nó còn dẫn đến những biến đổi căn bản trong phong cách tư duy, trong sáng tác văn học nghệ thuật và ngay cả trong nhu cầu, thị hiếu của xã hội.

Năm 1070, nhà Lý cho xây dựng Văn Miếu, mở khoa thi Nho giáo đầu tiên, chính thức khai sinh cho lịch sử thi cử Nho giáo lâu dài ở nước ta. Đại Việt sử kí toàn thư chép: “Mùa xuân, tháng 2, xuống chiếu tuyển Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường. Lê Văn Thịnh trúng tuyển, cho vào hầu vua học” . Năm 1076, nhà Lý đã cho lập Quốc tử giám ngay giữa kinh thành và “chọn quan viên văn chức, người nào biết chữ cho vào Quốc tử giám” . Từ đây, con em quý tộc họ Lý chính thức bắt đầu được đào tạo chủ yếu theo Nho giáo. Cũng từ đây, nền đại học nước ta được khai sinh. Năm 1156, nhà Lý cho lập miếu riêng để thờ Khổng Tử (trước đó, Văn Miếu thờ chung cả Chu Công và Khổng Tử) thể hiện “khuynh hướng muốn dựng Nho giáo thành một giáo lý độc tôn, đem Khổng Tử từ bậc tử (thầy) như các Chư Tử lên bậc Thánh Khổng vậy” . Với việc tổ chức khoa cử, nhà Lý đã mở đầu cho lịch sử khoa cử Việt Nam kéo dài hơn 800 năm, qua đây tuyển chọn những nhân tài cho bộ máy nhà nước, nêu cao vị trí Nho học, thúc đẩy việc truyền bá và phát triển Nho học. Tuy vậy, ở thời Lý, việc học tập và thi cử chưa được tổ chức thường xuyên và chưa có quy chế rõ ràng, chưa cho ta ý niệm về đào tạo bộ máy quan liêu bằng giáo dục và khoa cử theo khuôn khổ Nho học. Đến thời Trần, do yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, yêu cầu tuyển lựa nhân tài bổ dụng cho bộ máy quan liêu, giáo dục Nho học được đẩy mạnh, số người tiến thân bằng con đường cử nghiệp ngày càng nhiều hơn, giới nho sĩ đông đảo hơn trước.

Một năm sau khi nắm chính quyền, tức năm 1227, nhà Trần mở khoa thi Tam giáo, từ đó các khoa thi được tổ chức đều đặn và thường xuyên hơn. Năm 1232, nhà Trần mở khoa thi Thái học sinh (sau đổi thành Tiến sĩ), và từ năm 1246 về sau tổ chức quy củ, cứ 7 năm một kỳ. Năm 1304, thi kẻ sĩ trong nước, có tất cả 44 người đỗ Thái học sinh và lần đầu tiên triều đình phong kiến đã tôn vinh cả về mặt học vấn lẫn danh dự cho những thí sinh trúng tuyển với việc nhà vua cho “dẫn 3 người đỗ đầu ra cửa Long Môn của Phượng Thành đi du ngoạn đường phố 3 ngày” . Về trường học, ngoài các trường do nhà nước quản lý như Quốc tử viện, Quốc học viện, Thái học, Nhất toát trai, Tư thiện đường, Thiên trường phủ học, Lạn Kha thư viện,… còn có các trường dân lập như trường của Trần Ích Tắc, trường của Chu Văn An đã mở rộng đối tượng học tập, thu hút được nhiều học sinh từ các nơi đến học. Năm 1236, nhà Trần đặt chức Thượng thư tri Quốc tử viện, đưa con em văn thần và tụng thần (chức quan tư pháp) vào học. Đến 1397, nhà vua xuống chiếu đặt học quan, tổ chức việc học tập ở cấp châu huyện để hàng năm tiến cử những người ưu tú cho triều đình. Điều này phản ánh sự phát triển về quy mô đào tạo của nền giáo dục Nho học thời Trần. Tuy nhiên, vào đầu Trần, ảnh hưởng của Phật giáo vẫn chi phối mọi mặt sinh hoạt của xã hội trong đó có giáo dục, thi cử. Càng về cuối Trần, Nho giáo mới dần nâng cao vị thế của mình thông qua con đường học tập, khoa cử. Có thể thấy điều đó qua việc nhà Trần cho lập Quốc học viện, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Á Thánh (Mạnh Tử), vẽ tranh 72 người hiền để thờ, và còn “xuống chiếu vời nho sĩ trong nước đến Quốc tử viện giảng tứ thư lục kinh” năm 1253, hay việc vua Trần Thánh Tông “xuống chiếu tìm người tài giỏi, đạo đức, thông hiểu kinh sách làm tư nghiệp Quốc tử giám, tìm người có thể giảng bàn ý nghĩa của Tứ thư ngũ kinh sung vào hầu nơi vua đọc sách” vào năm 1272. Đặc biệt, vào năm 1304, nhà Trần quy định nội dung thi Thái học sinh: “Về phép thi: trước thi ám tả thiên Y quốc và truyện Mục thiên tử để loại bớt. Thứ đến kinh nghi, kinh nghĩa, đề thơ (tức thể cổ thi ngũ ngôn trường thiên) hỏi về “vương độ khoan mãnh”, theo luật “tài nan xạ trĩ”, về phú thì dùng thể 8 vần “đế đức hiếu sinh, hiệp vụ dân tâm”. Kỳ thứ ba thi chế, chiếu, biểu. Kỳ thứ tư thi đối sách” . Cuối Trần, khi Hồ Quý Ly lên nắm quyền bính đã chú trọng phát triển giáo dục Nho học. Ông đã sửa đổi về thi cử cho phù hợp yêu cầu thực tế như đưa môn tính và viết vào thi Hương, khuyến khích việc dùng chữ Nôm, cho dịch kinh Thư ra chữ Nôm để dễ học tập. Có thể thấy đến thời Trần, Nho học đã thực sự phát triển, chi phối giáo dục, khoa cử phong kiến, tạo nên đội ngũ tri thức nho sĩ đông đảo, thúc đẩy sự phát triển của học vấn nước nhà, tạo ra nền văn hóa mang dấu ấn Nho giáo.
 
Cùng với việc mở rộng giáo dục thi cử, chế độ phong kiến trên con đường đi lên đòi hỏi phải phát triển các ngành học thuật, phát triển các lĩnh vực tri thức để xây dựng một nền văn hóa đặc sắc với bản sắc riêng của mình để có thể đứng vững trước mọi thử thách của kẻ thù xâm lược từ bên ngoài và âm mưu đồng hóa của chúng. Kể từ thời Lý trở đi, sự phát triển về tri thức khoa học và sáng tạo nghệ thuật của đất nước ta có một bước tiến rõ rệt biểu hiện trên các lĩnh vực lý luận chính trị và pháp quyền, sáng tác văn học và quốc sử. Nho giáo với tư cách là một học thuyết chính trị đạo đức có thể lấy văn để chở đạo, lấy sử ký để giáo hóa con người, quan tâm đến các lĩnh vực thiên văn, địa lý và nhân sự… đã từng bước thâm nhập vào các lĩnh vực tư tưởng văn hóa của xã hội, tạo ra những tiền đề cần thiết để tiếp tục phát triển mạnh mẽ dưới thời Trần và các thế kỷ sau. Dấu hiệu rõ rệt cho thấy sự có mặt của Nho giáo trong lĩnh vực tư tưởng chính trị - xã hội ngay từ thời nhà Lý là ở bài Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn. Mở đầu bài chiếu, Lý Công Uẩn đã dẫn ra những điển tích về vua Bàn Canh, vua Thành Vương của thời Tam Đại để khẳng định chủ trương dời đô của mình là đúng đắn, nhằm mưu nghiệp lớn, làm kế lâu dài cho con cháu: “Ngày xưa, nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua Tam đại ấy theo ý riêng tự dời đô xằng bậy đâu. Làm như thế cốt để mưu nghiệp. Trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đô, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời. Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh” . Chủ trương dời đô đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, nguyện vọng của giai cấp cầm quyền về việc xây dựng một quốc gia độc lập, giàu mạnh, một xã hội thái bình, thịnh trị - xã hội mà trong quan niệm của các bậc vua quan và nho sĩ thời Lý - Trần là một xã hội phong kiến Việt Nam trị bình theo lý tưởng Nho giáo, là xã hội như của Đường Ngu, Nghiêu Thuấn. Vua Lý Thánh Tông từng nói: “Thời Đường Ngu chỉ vạch hình mà người không dám phạm, không đánh mà khuất phục được binh của người, giũ áo khoanh tay mà thiên hạ đại trị, cho nên các sao không đi trái, sấm mưa không thất thường, chim muông đến múa, phượng hoàng lại chầu, bốn di theo về, trăm man hướng hóa, không hiểu làm sao mà được đến như thế!” . Các nho sĩ thời Trần cũng bày tỏ mong muốn về một xã hội theo quan niệm của Nho giáo, về những vị vua như Nghiêu Thuấn, Văn Vương, Thành Thang. Trong bài Phú lầu Cần Chính, Nguyễn Pháp đã khuyên vua nên noi gương của Nghiêu Thuấn, Văn Vương để chuyên tâm vào việc trị nước: “Thanh sắc lánh xa chẳng thiết, bắn săn bỏ dứt không chơi. Cấm gấm vóc không cho là quý, mặc giản đơn làm trước mọi người. Dù phú không màng dật lạc, nghĩ nghiệp vua khó nhọc lâu dài. Thức khuya dậy sớm, sử dụng hiền tài. Thân coi chính sự nắm hết quyền oai. Đức Nghiêu, Thuấn mong rằng sánh kịp công vua Văn cố gắng theo đòi” . Hay như sử gia Lê Văn Hưu đời Trần cũng rất mực đề cao đường lối trị nước của các vua thời Tam đại, coi đó là những tấm gương mẫu mực về đạo đức để các nhà cầm quyền học tập: “Đất Liêu Đông không có Cơ Tử thì không thành phong tục mặc áo đội mũ (như Trung Hoa), đất Ngô Cối không có Thái Bá thì không thể lên cái mạnh của bá vương. Đại Thuấn là người Đông Di nhưng là bậc vua giỏi trong Ngũ đế. Văn Vương là người Tây Di mà là bậc vua hiền trong Tam đại. Thế mới biết người giỏi trị nước không cứ đất rộng hay hẹp, chỉ xem ở đức mà thôi” . Nêu ra các điển tích và các khuôn mẫu theo quan niệm của Nho giáo, các bậc vua quan và nho sĩ dưới thời Lý - Trần đã coi đó như là những bài học kinh nghiệm, những mực thước trong việc trị nước yên dân để xây dựng một xã hội phong kiến thái bình, thịnh trị.

Tư tưởng về “trời”, “mệnh trời” được vua quan dưới thời Lý - Trần sử dụng phổ biến cũng cho thấy ảnh hưởng khá sâu rộng của quan niệm duy tâm thần bí Hán Nho. Việc Lý Công Uẩn lên ngôi được giải thích là “ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thời mở vận” . Khi dời đô ra Thăng Long, Lý Công Uẩn cũng viện dẫn “ý trời, lòng dân” làm cơ sở cho chủ trương dời đô của mình. Bài “Nam quốc sơn hà” bất hủ của Lý Thường Kiệt trong cuộc kháng chiến chống Tống (1075-1077) đã khẳng định nền độc lập và chủ quyền của nước Đại Việt là một sự thật theo đúng ý trời và đã được định trước trong sách trời: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư, Tiệt nhiên phân định tại thiên thư”. Bên cạnh đó, những quan niệm coi vua là người thi hành mệnh trời, giữa trời và người có mối quan hệ tương cảm với nhau lại cho thấy dấu vết tư tưởng “Thiên nhân cảm ứng”, “Thiên nhân tương dữ” của Hán Nho. Sử chép, vào năm 1012 khi vua Lý Thái Tổ thân chinh đi đánh Diễn Châu về đến Vũng Biện gặp lúc trời đất tối sầm, gió sấm dữ dội, “vua đốt hương khấn trời rằng: “Tôi là người ít đức, lạm ở trên dân, nơm nớp lo sợ như sắp sa xuống vực sâu không dám cậy binh uy mà đi đánh dẹp càn bậy. Chỉ vì người Diễn Châu không giáo hóa, ngu bạo làm càn, tàn ngược chúng dân, tội ác chồng chất, đến nay không thể dung tha không đánh. Còn như trong khi đánh nhau, hoặc giết oan kẻ trung hiếu, hoặc hại lầm kẻ hiền lương, đến nỗi hoàng thiên nổi giận phải tỏ cho biết lỗi lầm, dẫu gặp tổn hại cũng không dám oán trách. Đến như sáu quân thì tội lỗi có thể dung thứ, xin lòng trời soi xét”. Khấn xong, gió sấm đều yên lặng” Thời Trần, khi có tai dị xảy ra như hạn hán, các vua quan thường cầu đảo để cho mưa xuống. Nguyễn Phi Khanh đã có bài thơ ghi lại việc chuẩn bị cầu mưa như sau: “Rừng rực đất đai khắp nơi khô cháy, Một trận mưa của trời gieo khắp ơn sâu. Quốc gia sắp làm lễ thỉnh tội để cầu mưa trọng thể, Trời đem lại khí hòa, dân đã thấm khắp niềm vui. Rồng nằm vốn là con vật của nhân gian, Tiếu tượng của trời có thể hẹn mưa dầm trong năm hạn. Chẳng phải dùng làm gì cái lẽ đưa một thân hình gầy còm ra phơi ngoài chợ, Xưa nay chỉ có lòng chí thành là cảm đến trời” . Ở đây, ông đã coi việc hạn hán là do trời giáng tội xuống nhân gian và chịu tội trước hết là vua, rằng nếu vua chịu tội với trời thì được nhân hòa, nhân dân thấm khắp niềm vui và chỉ cần nhà vua thành tâm tu thân sửa đức thì trời sẽ ban cho điềm lành, tức là cảm hóa được trời đúng như quan niệm “thiên nhân cảm ứng” của Hán Nho.

Dưới thời Lý - Trần, các khái niệm đạo đức của Nho giáo như trung, hiếu, nhân nghĩa… đã được vận dụng vào lĩnh vực chính trị và ngày càng trở thành chuẩn mực đạo đức cho hành vi của con người trong xã hội. Sử chép: khi vua Lý Thái Tổ mất, ba vương làm phản mưu cướp ngôi, các bề tôi lúc đó đều khẳng định lòng trung, coi việc “chết vì vua gặp nạn là chức phận” . Bề tôi Lê Phụng Hiểu vạch tội ba vương là “trên quên ơn Tiên đế, dưới trái nghĩa tôi con” và ông xông lên dẹp loạn. Vua Lý Thái Tông không tiếc lời ca ngợi tấm gương trung dũng đó của bề tôi: “Ta thường xem sử nhà Đường thấy Uất Trì Kính Đức giúp nạn vua, tự nghĩ là bề tôi đời sau không ai sánh được. Ngày nay gặp biến, mới biết Phụng Hiểu còn trung dũng hơn Kính Đức nhiều” . Tô Hiến Thành đời Lý Anh Tông cũng được coi là tấm gương trung nghĩa cho các nho sĩ đời sau khi ông kiên quyết không để bị quyền lợi mua chuộc, mà khẳng khái rằng: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có vui mà làm” . Đến đời Trần, xuất phát từ thực tiễn của công cuộc dựng nước và giữ nước lúc bấy giờ, sự trung nghĩa được nhấn mạnh như một yêu cầu quan trọng đối với các binh tướng trong cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, bảo vệ an nguy cho triều đình. Trần Quốc Tuấn – người được đánh giá là “có tài mưu lược, anh hùng, lại một lòng giữ gìn trung nghĩa” - trong bài Hịch tướng sĩ, đã lấy những tấm gương trung liệt trong lịch sử Trung Quốc để giáo dục các tì tướng của mình: “Ta từng nghe, Kỷ Tín đem mình chết thay, cứu thoát cho Cao Đế; Do Vu giơ lưng chịu giáo che chở cho Chiêu Vương; Dự Nhượng nuốt than báo thù cho chủ; Thân Khoái chặt tay cứu nạn cho nước; Kính Đức, một chàng trẻ tuổi, thân phò Thái Tông thoát khỏi vòng vây Thế Sung; Cảo Khanh, một bề tôi xa, miệng mắng Lộc Sơn, không theo mưu kế nghịch tặc. Từ xưa các bậc trung thần nghĩa sĩ, bỏ mình vì nước, đời nào không có” . Từ đó, ông phê phán thái độ thờ ơ, lãnh đạm của các tì tướng, kêu gọi lòng trung thành của họ với triều đình, rửa nhục cho đất nước. Nhìn chung, nội dung tư tưởng Nho giáo thời kỳ Lý - Trần chủ yếu là xoay quanh tư tưởng chính trị xã hội với những vấn đề về mẫu hình lý tưởng của xã hội phong kiến Việt Nam, về đường lối cai trị, vấn đề xây dựng bộ máy chính quyền phong kiến, vấn đề về đạo đức, tiết tháo của bậc trung thần, nghĩa sĩ… là những vấn đề có liên hệ mật thiết đến sự phát triển của chế độ phong kiến trung ương tập quyền chuyên chế ở Việt Nam đương thời, góp phần củng cố sự thống nhất của xã hội, tạo ra một trật tự xã hội theo lễ và pháp, phục vụ cho yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên ở thời Trần, Nho giáo chưa phải là nhân tố quyết định sự phát triển và nội dung của tư tưởng chính trị - xã hội mà chính thực tiễn phong phú và hào hùng của công cuộc dựng nước, giữ nước của nhân dân ta có vai trò quyết định nội dung tư tưởng chính trị - xã hội. Những khái niệm của Nho giáo được vua quan và nho sĩ thời kỳ Lý - Trần sử dung cũng chứa đựng những nội dung thiết thực và gần gũi với công cuộc đấu tranh của dân tộc. Tuy nhiên, vì Nho giáo là hệ tư tưởng của giai cấp phong kiến, gắn với yêu cầu củng cố địa vị của giai cấp thống trị nên cùng với sự phát triển của nó, Nho giáo trong xã hội phong kiến Việt Nam ngày càng bộc lộ những hạn chế của nó, đó là bệnh khuôn sáo và từ chương ngày càng phát triển mạnh trong lĩnh vực tư tưởng và ý thức hệ, trong giáo dục khoa cử… làm cho sự sáng tạo trong các lĩnh vực này dần dần bị dập vào những khuôn khổ sẵn có.

Cuối thế kỷ XIV, Nho giáo phát triển mạnh, giáo dục Nho học giữ vị trí chủ đạo trong nền giáo dục đất nước, Nho giáo chiếm ưu thế trong cung đình và đi sâu vào sinh hoạt tinh thần của Đại Việt trên nhiều mặt. Tầng lớp nho sĩ trở nên đông đảo, và tích cực tham gia các công việc chính trị của đất nước, phấn đấu cho lý tưởng của Nho giáo, phát triển những quan điểm về các mặt chính trị, xã hội, đạo đức làm cho sinh hoạt tư tưởng và văn hóa nước nhà khá náo nhiệt. Bên cạnh đó, vào cuối Trần, xã hội phong kiến Việt Nam bước vào khủng hoảng, sự phát triển quá mức của đạo Phật đã gây ra những hậu quả xã hội nặng nề như tầng lớp quý tộc lợi dụng danh nghĩa tôn giáo ra sức xây chùa, đúc tượng; nhà chùa chiếm hữu nhiều ruộng đất, tiêu phí nhiều tiền của, tăng ni độ điệp ngày một đông đến mức chiếm quá nửa dân số. Lúc này xuất hiện khuynh hướng công kích vào Phật giáo từ phía các nho sĩ ngày một mạnh mẽ, rầm rộ, phản ánh những mâu thuẫn vốn có trong xã hội phong kiến giữa một bên là tôn thất nhà vua có thế lực, có sản nghiệp, có khuynh hướng ủng hộ Phật giáo với một bên là ngoại tộc đi lên bằng tài năng trí tuệ. Lê Văn Hưu đã đứng trên lập trường của nhà Nho để lên án việc tiêu phí tiền của, sức lực của nhân dân vào việc xây dựng chùa chiền, tháp miếu: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được hai năm tông miếu chưa dựng, xã tắc chưa xây, mà trước hết đã dựng tám ngôi chùa ở phủ Thiên Đức, lại sửa chữa chùa quán ở các lộ, cấp độ điệp cho hơn một nghìn sư sãi ở kinh đô. Thế thì tiêu phí sức lực, của cải cho việc xây chùa, làm tháp biết bao nhiêu mà kể. Của cải chẳng phải trời mưa cho, sức lực chẳng phải thần làm cho, như thế há chẳng phải là khơi vét máu mỡ của dân ư? Khơi vét máu mỡ của dân có thể gọi là tu phúc được chăng? Bậc vua sáng nghiệp tự mình cần kiệm lo con cháu ngày sau xa xỉ lười nhác, huống chi Thái Tổ nêu gương như thế, trách gì con cháu đời sau chẳng lo chùa tháp cao ngút trời, trồng cột chùa đá đạm, chùa Phật lộng lẫy cả cung vua. Người dưới học theo có kẻ hủy hoại thân thể, thay đổi cách ăn mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích. Dân quá nửa là sư sãi, khắp nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đó mà ra sao” . Trương Hán Siêu thì tố cáo các nhà sư chiếm đoạt ruộng vườn, nhà cửa, ham mê cảnh đẹp, coi sự phát triển quá mức của đạo Phật đã gây ra tác hại cho sản xuất: “Những kẻ giảo hoạt trong bọn sư sãi lại bỏ mất cái bản ý “khổ không” của đạo Phật mà chỉ chăm lo chiếm những nơi đất tốt cảnh đẹp, tự giát vàng, nạm ngọc cho chỗ ở của chúng rực rỡ, tô điểm cho môn đồ của chúng lộng lẫy như voi rồng. Đương thời bọn có quyền thế, bọn ngoại đạo a dua lại đòi hùa theo. Vì thế những nơi u nhã thanh kỳ trong nước, chùa chiền đã chiếm mất một nửa. Bọn áo thâm, áo vàng đang tụ tập ở đấy, không cày mà ăn, không dệt mà mặc, những người thất phu, thất phụ thường bỏ cửa nhà, bỏ làng xóm lũ lượt quy theo” . Không chỉ phê phán những tệ nạn và những hậu quả tiêu cực do sự phát triển rầm rộ của Phật giáo, một số nhà Nho còn công kích cả giáo lý của nhà Phật. Trong bài văn bia Chùa Thiện Phúc, Lê Quát đã lên án nhà chùa lấy điều họa phúc để mê hoặc lòng người, làm cho người ta tin theo. Trong bài ký Tháp Linh tế, Trương Hán Siêu đã mạt sát tín đồ đạo Phật là yêu ma, gian tà, cho giáo lý Phật giáo chỉ mê hoặc chúng sinh: “Đức Thích Ca lão trượng lấy “tam không” để chứng đạo khi Phật tịch rồi, đời sau ít người tôn thờ giáo lý của Phật mà chỉ làm mê hoặc chúng sinh. Đất thiên hạ năm phần, chùa chiền chiếm một, làm cho hư nát đạo thường, hao phí tiền của; bọn sư sãi thì dông dài mà những người khờ khạo lại tin theo. Như thế mà không trở thành quỷ quái gian tà cũng thật hiếm có” . Trong khi công kích, bài xích Phật giáo, các nho sĩ nhà Trần đồng thời cũng đề cao Nho giáo, giành lấy trận địa tư tưởng cho Nho giáo. Trương Hán Siêu cho rằng: “Ngày nay thánh hiền muốn mở mang giáo hóa để sửa đổi phong tục đồi bại. Dị đoan đáng phải truất bỏ, chính đạo phải được phục hưng. Đã là kẻ sĩ đại phu, không phải đạo Nghiêu Thuấn không bày tỏ trước vua; không phải đạo Khổng - Mạnh không trước thuật” . Đặc biệt, trong khi phê phán Nho giáo, Lê Văn Hưu dã đề cao Nho giáo như là cơ sở lý luận cho mọi hoạt động chính trị của triều đình, rằng: “Những việc trù tính trong cửa tướng, quyết thắng ngoài nghìn dặm, đều là công của bậc tướng giỏi cầm quân nơi chiến trận. Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp vào cướp châu Nghệ An, sai người báo tin thắng trận. Đáng lẽ Lý Thần Tông phải làm lễ cáo tiệp ở Thái Miếu, bàn công ở triều đình, khen thưởng công dẹp giặc cho bọn Lý Công Bình mới phải. Nay lại quy công cho Phật, Đạo, đến khắp các chùa và các quán lễ tạ, như thế, không phải là cách uý lạo kẻ có công, cổ lệ chí khí quân lính?” . Có thể thấy là càng vào cuối Trần, giới nho sĩ ngày càng lớn mạnh và có vị trí đáng kể trong xã hội. Họ đã nắm giữ nhiều chức vụ trọng yếu trong bộ máy nhà nước phong kiến và “họ lần lần có đủ uy lực chẳng những để dám công khai phản đối một số đặc quyền đặc lợi của quý tộc, mà còn công khai tiến công vào Phật giáo lúc Phật giáo còn là tôn giáo của nhà vua” . Cuộc đấu tranh công kích Phật giáo vừa nhằm khẳng định địa vị cho Nho giáo trong đời sống văn hóa tư tưởng xã hội, vừa được coi là cuộc đấu tranh triệt để chuẩn bị về mặt lực lượng xã hội và tư tưởng cho một tầng lớp nho sĩ bước lên vũ đài chính trị, đồng thời báo hiệu sự sa sút của Phật giáo không chỉ trong thực tế mà còn trong lĩnh vực tư tưởng và hình thái ý thức xã hội. Từ đây, Phật giáo nước ta không còn giữ vị trí quan trọng trong lĩnh vực chính trị, tư tưởng như trước nữa, mà Nho giáo với những điều kiện phát triển khách quan, đã dần dần tiến đến nắm giữ vị trí chủ đạo trong sinh hoạt tư tưởng của nhân dân ta.

Phạm Thị Loan
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top