KHÁI NIỆM “THÀNH” CỦA NHO GIÁO TRONG LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG VIỆT NAM
(Chú ý: Tài liệu có sử dụng phông chữ Hán. Để đọc được tài lệu một cách tốt nhất, bạn phải cài thêm phông chữ Hán vào máy tính)
Thứ nhất, bài viết trình bày sự hình thành và nội dung của khái niệm “thành” của Nho giáo thông qua tư tưởng về “thành” của một số bậc đại Nho Trung Quốc trong một số kinh điển của Nho học. Trên cơ sở đó, thứ hai, bài viết trình bày và phân tích ảnh hưởng của khái niệm “thành” trong lịch sử tư tưởng Việt Nam thông qua tư tưởng của một số gương mặt tiêu biểu trong lịch sử tư tưởng Việt Nam; đó là Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá Quát, Phan Châu Trinh và Hồ Chí Minh.
Nho giáo là một học thuyết chính trị và đạo đức do Khổng Tử (551 - 479 TCN.) sáng lập, đã có ảnh hưởng rất lớn và lâu dài trong đời sống chính trị, văn hóa - xã hội, phong tục tập quán… của các nước phương Đông. Trong quá trình tồn tại và phát triển, Nho giáo đã đề xuất khá nhiều những khái niệm, như nhân, trí, dũng, lễ, nghĩa, thành, tín, v.v. nhằm tạo nên những bậc quân tử, những nhà cai trị mẫu mực giúp cho quốc phú, binh cường, dân an...
Theo sử sách, Nho giáo đã du nhập vào Việt Nam từ những thế kỷ đầu Công nguyên. Tuy nhiên, dưới thời Bắc thuộc, các tín điều của đạo Nho chưa có ảnh hưởng là bao trong đời sống người dân Việt Nam cư trú trong các làng xã. Phải tới khi Việt Nam giành được quyền độc lập, tự chủ vào thế kỷ X và nhất là, sau sự kiện năm 1070 thành lập Văn miếu ở Kinh đô Thăng Long để phụng thờ Đức Khổng Tử và các bậc Tiên hiền đạo Nho, thì Nho giáo mới thực sự có ảnh hưởng mạnh tới đời sống chính trị – xã hội của Việt Nam. Đến khoảng giữa thế kỷ XV, với sự trị vì của ông vua hùng tài, đại lược rất đề cao Nho học là Lê Thánh Tông (1460-1497) và từ đó trở đi, Nho giáo đã trở thành quốc giáo của triều đình phong kiến Việt Nam. Từ đây, việc xây dựng hệ thống pháp luật, việc tổ chức quan lại từ triều đình trung ương đến các địa phương, việc giáo dục, đào tạo và tuyển lựa nhân tài... của triều đình phong kiến Việt Nam đều lấy các tín điều Nho giáo làm chuẩn mực.(*)
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tìm hiểu một khái niệm quan trọng của Nho giáo là khái niệm “thành” (誠) và ảnh hưởng của nó trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.
I. Sự hình thành và nội dung của khái niệm “thành” của Nho giáo
“Thành” (誠) là một phạm trù triết học quan trọng của Nho giáo. Nghĩa gốc của “thành” là chân thực, thật thà, chỉ nói năng, xử sự và hành động đúng đắn, chân chính, không xằng bậy, thành thật không dối trá, lừa lọc.
Trong sách Luận ngữ (論 語), Khổng Tử tuy chưa đề cập tới khái niệm “thành”, nhưng ông đã nêu ra: “Ngôn trung tín, hành đốc kính” (語 忠 信 行 篤 敬), nghĩa là: Nói thì trung tín, làm thì dốc lòng kính cẩn (Luận ngữ - Vệ Linh công); hoặc “Đốc tín hiếu học, thủ tử thiện đạo” (篤 信 好 學 守 死 善 道), nghĩa là: Dốc lòng tin theo Đạo và ham học, thà chết để giữ trọn Đạo (Luận ngữ - Thái Bá)... Theo đó, có thể nói, Khổng Tử đã đề cập đến nội dung cơ bản hàm chứa trong khái niệm “thành”. Trong thiên Quân đạo, sách Thuyết uyển cũng có ghi lời Khổng Tử nói: “Chu công đái kỷ hành hóa nhi thiên hạ thuận chi, kỳ thành chí hỹ”, nghĩa là: Chu công mang mình ra thi hành giáo hóa mà thiên hạ thuận theo, lòng thành ấy đã đến tột bậc. Nhưng, các nhà nghiên cứu cho rằng, đây chưa chắc đã là lời nguyên vẹn của Khổng Tử.
Trung dung (中 庸) và Mạnh Tử (孟 子) mới thực sự nâng khái niệm “thành” (誠) lên tầm một phạm trù triết học. Sách Trung dung vốn là tên một thiên (thiên thứ 31) trong 49 thiên của sách Lễ ký (禮 記), sau được tách ra thành một trong Tứ thư(1) (四 書), trở thành kinh điển của Nho gia. Sách này tương truyền là tác phẩm của Tử Tư (子 思), tức Khổng Cấp (438-402 TCN.), là cháu đích tôn của Khổng Tử. Trung dung tập trung bàn về khái niệm “thành” ở các chương 20, 21, 25 và 26.
Theo Tử Tư, “thành” vừa là một phạm trù đạo đức, vừa có ý nghĩa bản thể luận và nhận thức luận. Ông viết: “Thành giả, thiên chi Đạo dã, Thành chi giả, nhân chi Đạo dã. Thành giả, bất miễn nhi trúng; bất tư nhi đắc; thung dung Trung đạo; Thánh nhân dã. Thành chi giả, trạch thiện chi cố chấp chi giả dã” (誠 者 天 之 道 也 誠 之 者 人 之 道 也 誠 者 不 勉 而 中 不 思 而 得 從 容 中 道 聖 人 也 誠 之 者 擇 善 而 固 執 之 者 也), nghĩa là: Thành vốn là Đạo của Trời. Muốn đạt được sự thành thực là Đạo của người, thành [của Trời] là không phải miễn cưỡng cũng tự nhiên thích hợp, không phải suy nghĩ gì cũng tự nhiên có được, cứ ung dung mà hợp với Đạo, chỉ có Thánh nhân mới được thế. Còn đạt tới thành [bằng thực tiễn] thì phải chọn lấy điều thiện mà kiên trì cố giữ (Trung dung – Chương 20). Ông cho rằng, “thành” đạo Trời với “thành” đạo người vừa khác nhau, vừa thống nhất với nhau.(1)Đạo người thông qua sự tu dưỡng, khắc kỷ gò mình bằng “Tư thành”, “Chí thành”, mà đạt được tới cõi đạo đức “thành”, thiên nhân hợp nhất. Ông viết: “Duy thiên hạ chí thành vi năng tận kỳ tính. Năng tận kỳ tính, tắc năng tận nhân chi tính. Năng tận nhân chi tính, tắc năng tận vật chi tính. Năng tận vật chi tính, tắc khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục. Khả dĩ tán thiên địa chi hóa dục, tắc khả dĩ dữ thiên địa tham hỹ” (唯 天 下 至 誠 為 能 盡 其 性 能 盡 其 性 則 能 盡 人 之 性 能 盡 人 之 性 則 能 盡 物 之 性 能 盡 物 之 性 則 可 以 贊 天 地 之 化 育 可 以 贊 天 地 之 化 育 則 可 以 與 天 地 參矣), nghĩa là: Chỉ có người có được đức “thành” tối cao trong thiên hạ mới có thể thể hiện được hết cái bản tính [thiên phú] của mình. Thể hiện được hết bản tính của mình thì phát huy được hết bản tính của người. Phát huy được hết bản tính của người mới phát huy được hết bản tính của vật. Phát huy được hết bản tính của vật thì có thể giúp cho sự hóa dục của Trời Đất. Giúp cho sự hóa dục của Trời Đất mới có thể cùng với Trời Đất đứng sánh làm ba vậy (Trung dung – Chương 22). Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của “thành” đối với việc tu dưỡng đạo đức của con người: “Tự thành minh, vị chi tính. Tự minh thành, vị chi giáo. Thành, tắc minh hỹ. Minh, tắc thành hỹ” (自 誠 明 謂 之 性 自 明 誠 謂 之 教 誠 則 明 明 則 誠 矣), nghĩa là: Do nội tâm chân thành mà sáng tỏ được sự lý, đó gọi là bản tính [tiên thiên]. Do sáng tỏ sự lý mà trở nên chân thành, đó gọi là giáo hóa [hậu thiên]. Chân thành thì nhất định sẽ sáng tỏ được sự lý, sáng tỏ được sự lý cũng nhất định sẽ chân thành (Trung dung – Chương 21).
Sau này, Mạnh Tử, người tiếp nối tư tưởng của Tử Tư, cũng nói: “Thành giả, Thiên chi đạo dã. Tự thành giả, nhân chi đạo dã” (誠 者 天 之 道 也 自 誠 者 人 之 道 也), nghĩa là: Thành là Đạo của Trời. Tự làm cho mình trở thành thành thực là đạo của người (Mạnh Tử – Ly Lâu Thượng). Ở đây, chúng ta thấy, Mạnh Tử đã kế thừa tư tưởng nói trên của Tử Tư, đều coi “thành” vừa là “Thiên chi Đạo”, lại vừa giải thích là cõi của Thánh nhân. Theo Mạnh Tử, người quân tử vì ở bên trong có sẵn cái “thành” (có khi ông coi đó là khí Hạo nhiên 浩 然 之 氣), cho nên tâm hồn lúc nào cũng thanh thản, an lạc: “Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân nhi thành lạc mạc đại yên” (萬 物 皆 備 於 我 反 身 而 誠 樂 莫 大 焉), nghĩa là: Vạn vật đầy đủ ở trong ta, quay về mình mà thành thật với mình, thì không gì vui thú hơn vậy – Mạnh Tử).
Tuân Tử, vào cuối thời Chiến Quốc (479-221 TCN.), đã kế thừa và phát huy tư tưởng của các Nho gia tiền bối cũng cho rằng, “thành” vừa là nguyên tắc cơ bản để tu thân, dưỡng tâm, vừa là quy luật vận hành biến hóa của tự nhiên. Ông nói: “Quân tử dưỡng tâm, mạc thiện ư thành” (君 子 養 心 莫 善 於 誠), nghĩa là: Người quân tử nuôi dưỡng tâm mình, không gì cần thiết hơn đức thành thật - Tuân Tử). Hoặc ông còn nói: “Phù thành giả, quân tử chi sở thủ dã, nhi chính sự chi bản dã” (夫 誠 者 君 子 之 所 守 也 而 政 事 之 本 也), nghĩa là: “thành” là điều người quân tử phải giữ gìn và là cái gốc của chính sự vậy – Tuân Tử). Thậm chí, Tuân Tử còn nhấn mạnh rằng: “Biến hóa đại hưng... Tứ thời bất ngôn nhi bách tính kỳ yên, phù thử hữu thường, dĩ chí kỳ thành giả dã” (變 化 大 興 四 時 不 言 而 百 姓 祈 焉 夫 此 有 常 以 至 其 誠 者 也), nghĩa là: Biến đổi thay nhau nổi lên... bốn mùa không nói gì mà trăm họ mong ở đó, đó là do hữu thường và tuyệt đối thành thực vậy – Tuân Tử).
Lý Cao đời Đường (618-907) coi “thành” là cõi tinh thần của thánh nhân. Ông nói: “Thành giả, Thánh nhân chi tính dã, tịch nhiên bất động, quảng đại thanh minh, chiếu hồ Thiên Địa, cảm nhi toại thông thiên hạ chí cố, hành chỉ ngữ mặc, vô bất xử ư cực dã” (誠 者 聖 人 之 性 也 寂 然 不 動 廣 大 清 明 照 乎 天 地 感 而 遂 通 天 下 之 故 行 止 語 默 無 不 處 於 極 也), nghĩa là: “Thành” là bản tính của Thánh nhân, lặng lẽ bất động, rộng lớn trong sáng, soi vào Trời Đất, cảm mà thông với mọi việc trong thiên hạ, ngừng hành động, im lời nói, không cái gì không ở vào tột đỉnh – (Phục tính thư).
Chu Đôn Di thời Bắc Tống (960-1126) cũng coi “thành” là bản tính của Thánh nhân. Ông nói: “Thành giả, Thánh nhân chi bản. Đại tai càn nguyên, vạn vật tư thử, thành chi nguyên dã” (誠 者 聖 人 之 本 大 哉 乾 元 萬 物 資 此 誠 之 源 也), nghĩa là: Thành là cái gốc của bậc Thánh nhân. Lớn thay Đạo lớn của càn, vạn vật sinh ra ở đó, thành là nguồn gốc vậy – (Thông thư). Trình Di cũng cho rằng: “Thành giả, lý chi thực nhiên, trí nhất nhi bất khả dịch giả dã” (誠 者 理 之 寔 然 致 一 而 不 可 易 者 也), nghĩa là: Thành là cái lẽ thực, là cái đạt tới duy nhất không thể thay đổi được (Kinh thuyết).
Chu Hy thời Nam Tống (1126-1279) cũng giải thích chữ “thành” như sau: “Thành giả chân thực vô võng chi vị, thiên lý chi bản nhiên” (誠 者 真 寔 無 妄 之 謂 天 理 之 本 然), nghĩa là: Thành tức là chân thực đúng đắn, không nói năng bậy bạ, là lẽ Trời vốn như vậy – (Trung dung chương cú). Qua đó, chúng ta thấy, Trình – Chu muốn nhập quy luật tự nhiên với nguyên tắc đạo đức của mình.
Vương Phu Chi vào giao thời Minh (1368-1644), Thanh (1644-1911) cho rằng, “thành” tức là “Thiên Địa hữu kỳ lý” (天 地 有 其 理), nghĩa là: Trời Đất có cái lý của nó, và ông nhấn mạnh: “Thiên Địa thực nhiên, vô nhân vi nhân ngụy dã” (天 地 寔 然 無 人 為 人 偽 也), nghĩa là: Trời Đất quả thật là như vậy, không có sự bày đặt của người. Cho nên, theo Vương Phu Chi, “thành” là nói tổng quát vạn lý, là “Ước thiên hạ chi lý nhi vô bất tận, quán vạn sự chi trung nhi vô bất thông dã” (約 天 下 之 理 而 無 不 盡 貫 萬 事 之 中 而 無 不 通 也), nghĩa là: Rút gọn cái lý của thiên hạ không thiếu một thứ gì, xuyên suốt giữa muôn việc, mà chẳng có gì không thông suốt vậy (Độc Tứ thư đại toàn thuyết – Quyển 3). Ngoài ra, trong các tác phẩm của mình, đôi khi, ông còn dùng chữ “thực hữu” (寔 有) để giải thích “thành”: “Phù thành giả, thực hữu giả dã. Tiền hữu sở thủy, hậu hữu sở chung dã. Thực hữu giả, thiên hạ chi công hữu dã” (夫 誠 者 寔 有 者 前 有 所 始 後 有 所 終 也 寔 有 者 天 下 之 公 有 也), nghĩa là: Thành tức là cái “thực có”. Trước có chỗ bắt đầu, sau có chỗ kết thúc. “Thực có” tức là thiên hạ đều có công chung vậy – (Thượng thư dẫn nghĩa – quyển 3).
Qua những điều trình bày khái quát trên đây, chúng ta thấy “thành” là một phạm trù triết học quan trọng được các bậc đại Nho của Trung Hoa bàn tới liên tục trong khoảng 2500 năm hình thành và phát triển của Nho giáo. Điều đó có nghĩa là, cùng với khái niệm: nhân (仁) – hạt nhân lý luận của hệ thống tư tưởng của Khổng giáo; nghĩa (義); lễ (禮), v.v. “thành” (誠) cũng từng được các nhà tư tưởng dưới thời phong kiến của Việt Nam tiếp nhận và sử dụng trong các tác phẩm của mình.
II. Ảnh hưởng của khái niệm “thành” trong lịch sử tư tưởng Việt Nam
Ở đây, chúng tôi không thể dẫn ra tất cả những nhà tư tưởng, những tác gia Việt Nam tiếp thu và bàn về khái niệm “thành” trong các tác phẩm của họ. Do vậy, chúng tôi chỉ xin điểm qua một vài gương mặt tiêu biểu, có những đóng góp nhất định trong lịch sử tư tưởng Việt Nam.
Trước hết, chúng ta phải kể đến Chu Văn An (1292 -1370), ông được giới nhà Nho thuở xưa tôn xưng là “Nam quốc Nho tôn” (Bậc nhà Nho được tôn trọng của nước Nam). Học giả Lê Quý Đôn tôn xưng Chu Văn An là “người trong trẻo, cứng rắn, cao thượng, thanh liêm, có phong độ như sĩ quân tử đời Tây Hán”(2), là “bậc sĩ phu thanh cao nhất” trong thiên hạ. Chu Văn An có nhiều tác phẩm lớn, như: Thất trảm sớ, Tiều ẩn thi tập, Tiều ẩn quốc ngữ thi tập, Tứ thư thuyết ước. Nhưng cho đến nay, các tác phẩm nói trên đều thất truyền, mới chỉ tìm được 12 bài thơ trong Toàn Việt thi lục. Trong các tác phẩm còn lại của mình, mặc dù Chu Văn An không bàn trực tiếp đến khái niệm “thành”, nhưng ông có nhiều câu thơ nói đến các phẩm chất gần gũi với khái niệm ấy. Chu Văn An thường ngụ ý trong những hình ảnh “cô vân”, “cổ tỉnh” để nói lên tấm lòng thanh tĩnh, chân thật của mình: Thân dữ cô vân trường luyến tụ. Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan (Thân ta cùng đám mây cô đơn mãi mãi lưu luyến hốc núi. Lòng giống như mặt giếng cổ chẳng hề gợn sóng).
Nếu Chu Văn An chưa sử dụng khái niệm “thành”, thì Nguyễn Phi Khanh đã bàn tới một cách trực tiếp. Nguyễn Phi Khanh (1355-1428) là thân phụ của vị anh hùng dân tộc, đại thi hào Nguyễn Trãi. Trong bài Giáp Tý Hạ hạn, Hữu sắc chư lộ đảo vũ, vị đảo nhi tiên vũ (Mùa Hạ năm Giáp Tý (1384), hạn hán. Vua có sắc cho các lộ cầu mưa, chưa cầu trời đã mưa), ông viết:
“Thỉnh tội quốc tương hành thịnh đảo
Sơ hòa dân dĩ thiếp hoan tâm.
...
Tỉ thị bộc uông hà dụng giả,
Chí thành cảm triệu cổ do câm (kim)”.
Dịch nghĩa:
“Quốc gia sắp làm lễ thỉnh tội để cầu mưa trọng thể(3)
Trời mới đem lại khí hòa(4), dân đã thấm khắp niềm vui
...
Chẳng phải dùng làm gì cái lễ đưa một thân hình gầy còm ra phơi ngoài chợ(5).
Từ xưa đến nay, chỉ có lòng chí thành là cảm đến trời”.
Nguyễn Trãi (1380-1442) là nhà văn hóa, nhà tư tưởng, đại thi hào của dân tộc Việt Nam. Tư tưởng của Nguyễn Trãi là sự hòa quyện, kết tinh cao nhất của tinh hoa dân tộc Việt Nam với tinh hoa nhân loại ở thế kỷ XV. Cống hiến quan trọng về mặt tư tưởng triết học của Nguyễn Trãi là ở chỗ, ông chính là người đầu tiên tổng kết chủ nghĩa nhân ái Việt Nam từ thực tiễn chiến đấu: “Dĩ đại nghĩa nhi thắng hung tàn; Dĩ chí nhân nhi dịch cường bạo” (Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo); “Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân” (Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân). Lòng thương dân, mong ước sự ấm no, công bằng cho dân, chiến đấu cho “nền thái bình muôn thuở” của nhân dân và Tổ quốc là những điều có vẻ đơn giản và bình dị, nhưng đó lại chính là cái cao cả của tư tưởng nhân văn Nguyễn Trãi. Để đạt được những điều trên, theo Nguyễn Trãi, bậc sĩ đại phu, tức người cầm quyền, phải có được tấm lòng “thành” (mà ông thường thay bằng những từ như “đan tâm”, “tâm thanh”...):
“Nhất phiến đan tâm chân hống hỏa
Thập niên thanh chức ngọc hồ băng”.
(Mạn hứng – Kỳ nhị)
Dịch nghĩa:
“Một tấm lòng son như lửa luyện đơn bằng thủy ngân
Mười năm làm quan thanh liêm như băng trong bầu ngọc”.
Hoặc:
“Mộng giác cố viên tam kính cúc
Tâm thanh hoạt thủy nhất ây trà”.
(Mạn hứng – Kỳ ngũ)
Dịch nghĩa:
“Tỉnh giấc mộng, ba luống cúc nơi vườn cũ
Rửa sạch lòng, một ấm trà pha bằng nước suối”.
Trong thơ Nôm, Nguyễn Trãi thường dùng chữ “lòng ngay”, tức tấm lòng ngay thẳng, để diễn tả khái niệm “thành”:
“Cưu một lòng ngay khác chúng ngươi
Ở chưng trần thế mấy phen cười”.
(Bảo kính cảnh giới – Bài 11)
Nguyễn Trãi là người lên án, phản đối mạnh mẽ những kẻ cầm quyền lạm dụng sự mưu thuật, mánh khóe để trị quốc:
“Quyền mưu bản thị dụng trừ gian
Nhân nghĩa duy trì quốc thế an”.
(Hạ quy Lam Sơn – Kỳ nhất)
Dịch nghĩa:
“Quyền mưu vốn chỉ dùng để trừ gian
Nhân nghĩa mới duy trì cho thế nước được yên”.
Chỉ đến Quân trung từ mệnh tập, tức những thư từ, văn kiện do Nguyễn Trãi thay mặt Chủ tướng Lê Lợi gửi cho các viên tướng nhà Minh, các ngụy quan người Việt trong suốt thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1427), ông mới thực sự trực tiếp nhắc đến khái niệm “thành”. Trong Tái dữ Vương Thông, Sơn Thọ thư (Lại thư gửi cho Vương Thông, Sơn Thọ), vào tháng 12 năm Bính Ngọ (tháng 1-1427), Nguyễn Trãi viết: “Bộc văn: “Tín giả, quốc chi bảo”. Nhân nhi vô tín, kỳ hà dĩ hành chi tai?... Truyện viết: “Bất thành vô vật”. Cái tâm nhất bất thành, tắc sự giai hư vọng...”(6). (Nghĩa là: Tôi nghe nói: “Chữ tín là vật báu của nước”. Người mà không có chữ tín thì dựa vào đâu để làm việc?... Truyện có câu: “Không thành thật thì không có gì hết”. Bởi lòng một khi không thành thật, thì việc gì cũng giả dối cả). Vương Thông bấy giờ giữ chức Tổng binh quân đội nhà Minh đang chiếm giữ thành Đông Quan (tức thành Thăng Long). Vào năm Đinh Mùi (1427), Lê Lợi tiến quân đóng tại dinh Bồ Đề, bờ Bắc sông Nhị Hà, đối lũy với thành Đông Quan. Vương Thông, Sơn Thọ sai Nguyễn Nhậm đưa thư đến. Lê Lợi sai Nguyễn Trãi viết thư gửi Tổng binh Vương Thông: “Thư phụng Tổng binh quan đại nhân quân tọa tiền. Bộc văn: Dĩ thành phục nhân giả, nhân diệc dĩ thành phục chi. Phù, chí thành chi đạo khả dĩ cảm quỷ thần, động thiên địa, nhi huống ư nhân hồ?”(7). (Nghĩa là: Thư kính gửi đến trước quân tọa(8) của ngài Tổng binh. Tôi nghe nói: Lấy thành thật mà đãi người thì người cũng lấy thành thật mà đáp lại. Ôi cái đạo chí thành có thể cảm phục quỷ thần, động đến trời đất, huống chi là với người?). Sau này, trong Tái dữ Vương Thông thư (Lại thư cho Vương Thông), Nguyễn Trãi tiếp tục nhấn mạnh sức mạnh của lòng thành thực: “Bộc văn: Thành ư ái vật giả, thiên địa chi tâm; thành ư ái tử giả, phụ mẫu chi tâm. Ái vật bất thành tắc sinh sinh hữu thời nhi tức; ái tử bất thành tắc từ ái hữu thời nhi khuy. Thị dĩ thiên địa chi ư vạn vật, phụ mẫu chi ư xích tử bất quá nhất thành nhi dĩ”(9). (Nghĩa là: Tôi nghe: Thực tâm yêu vật là lòng trời đất; thực tâm yêu con là lòng cha mẹ. Nếu yêu vật không thực tâm thì cơ sinh hóa có lúc dừng; yêu con không thực tâm thì niềm từ ái đôi khi thiếu. Vì thế nên trời đất đối với muôn vật, cha mẹ đối với con cái, chẳng qua chỉ là một chữ “thành” mà thôi).
Lê Quý Đôn (1726-1784) là một học giả có kiến thức uyên bác vào bậc nhất của Việt Nam dưới thời phong kiến. Ông trước tác nhiều tác phẩm, đủ các thể loại: văn học, triết học, sử học, địa lý học - lịch sử, chú giải kinh điển, tổng loại, v.v.. Trong số đó, cuốn Vân đài loại ngữ của ông là một dạng bách khoa thư tập hợp và sắp xếp những tri thức về triết học, văn học và khoa học. Về phần triết học, Lê Quý Đôn bàn nhiều hơn cả đến “lý khí”, tức vũ trụ luận của Tống Nho, khởi đầu là Chu Đôn Di, Trương Tải, rồi đến hai anh em Trình Hiệu, Trình Di và được tập đại thành bởi Chu Hy. Tuy vậy, ở đây đó, ông cũng bàn tới khái niệm “thành” của Nho giáo. Ở mục Lý khí, ông viết: “Lòng người bao la rộng rãi, trên thông cảm được trời đất, giữa trắc lượng được quỷ thần, dưới xét được muôn vật... Lòng có ngay thẳng mới biết được đạo, mới biết được cơ vi; thấy biết được cơ vi mới làm được mọi việc; làm nên được mọi việc mới thông đạt quyền biến”(10). Có khi, Lê Quý Đôn đề cao “Đạo chí thành” lên tới tột đỉnh, ông viết: “Sách Trung dung nói: “Đạo chí thành có thể biết trước được”. Nhà nước sắp thịnh, tất có điềm lành; nhà nước sắp mất, tất có điềm dữ (yêu nghiệt), hiện ra trên quẻ bói thi hay bói rùa [thi quy], động ở chân tay. Họa phúc sắp đến, điềm lành hay không lành tất nhiên biết trước, vì một điểm linh tâm của người, quỷ thần đã cảm thông mà báo cho biết trước”(11).
Ngô Thì Nhậm (1746-1803), danh nhân lịch sử, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam cũng rất đề cao đức tính “thành thực” và đặt nó ngang hàng với khái niệm “trung”. Trong bài Tựa tập Cần bộc chi ngôn(12), Ngô Thì Nhậm viết: “... Thánh nhân trị thiên hạ bằng đạo đức, nhưng thánh nhân không nhàm chán những âm thanh đa tạp, cho nên những kẻ quê mùa được nói. Làm người bề tôi, thờ một ông vua tài giỏi, mình biết mà không làm, thế là không Trung; đứng ở một triều đình có thể nói được mà cứ lặng im không nói, thế là không “Thành”(13).
Với Cao Bá Quát (1808-1855), một thi hào kiệt xuất, một nhà tư tưởng yêu nước, thương dân sâu sắc, dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất của cuộc đời, ông vẫn luôn tự tin ở tấm lòng chân thành để có thể đứng vững. Trong bài Trường giang thiên (Một thiên vịnh cái gông dài), ông viết:
“Thủ bả trường giang cánh khấu tâm.
Ngô sinh vị để mạn tương tầm?
Ngẫu hành vị khả đa tăng ảnh
Bạn thụy ưng tri bất quý khâm”.
Dịch nghĩa:
“Ta mang chiếc gông dài lòng tự hỏi lòng:
Đời ta vì sao lại phải gặp nó?
Đem nó mà đi, chả nên ghét lây đến bóng(14)
Ngủ bên cạnh nó, nên biết rằng mình không thẹn với chăn”.
Cao Bá Quát dùng hai từ “tăng ảnh” (ghét bóng) và “quý khâm” (thẹn với chăn) để giãi bày tấm lòng ngay thẳng của ông trong vụ ông cùng với Phan Nhạ được cử làm Sơ khảo trường thi Thừa Thiên vào năm 1841 đã sửa chữa hộ bài thi cho các thí sinh vô ý phạm húy, tổng cộng 24 quyển, sau lấy đỗ được 5 quyển. Cổ ngữ có câu: “Tâm thành hà cụ quỷ?”, nghĩa là: Lòng ngay thẳng, trong sáng thì hà tất phải sợ quỷ thần? Cao Bá Quát tự tin mình ngay thẳng, thành thật là ngụ ý như vậy.4)
Vào đầu thế kỷ XX, nhà chí sĩ, nhà thơ Phan Châu Trinh (1872-1926) lại mượn khái niệm “thành” (chí thành) với mục đích thức tỉnh thanh niên, chống bệnh mê muội khoa cử. Năm 1905, Phan Châu Trinh từ quan, cùng hai bạn là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm một cuộc Nam du, với mục đích xem xét dân tình, sĩ khí và tìm bạn đồng chí. Đến Bình Định, gặp kỳ khảo hạch hằng năm để tuyển sinh, ba ông lẻn vào trường thi làm một bài thơ, một bài phú. Bài thơ Chí thành thông Thánh (Lòng chí thành thấu suốt đạo Thánh) do Phan Châu Trinh làm; bài phú Lương ngọc danh sơn (Cầu ngọc tốt ở danh sơn) do Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp làm. Hai bài đều ký bí danh Đào Mộng Giác. Bài Chí thành thông Thánh của Phan Châu Trinh đã làm vang dội dư luận đương thời và có tác động khá mạnh trong việc thức tỉnh sĩ tử hãy lo giải thoát giống nòi khỏi cảnh lao lung1
“Thế cục hồi đầu dĩ nhất không
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng.
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương túy mộng trung.
Trường thử bách niên cam thóa mạ
Bất tri hà nhật xuất lao lung!
Chư quân vị tất vô tâm huyết
Bằng hướng tư văn khán nhất thông”.
Dịch nghĩa:
“Cuộc đời, ngoảnh đầu nhìn lại thấy vắng không
Giang sơn chẳng còn nước mắt để khóc các bậc anh hùng
Nhân dân đang phải làm nô lệ dưới ách cường quyền
Làm sao các anh vẫn mơ ngủ trong cái thứ văn chương “Bát cổ”(15)?
Nếu như cứ chịu cam tâm để cho người ta thóa mạ mãi.
Thì đến bao giờ dân ta thoát khỏi kiếp đầy đọa!
Các anh chưa hẳn là kẻ không còn tâm huyết
Hãy dốc lòng theo Đạo, mà đọc thơ này để thấu tình cho”.
Tóm lại, trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, khái niệm “thành” của Nho giáo được các danh Nho, danh sĩ nước ta kế thừa và sử dụng khá thường xuyên bên cạnh các khái niệm khác của Đạo Khổng, như nhân, nghĩa, trung, tín, v.v.. Giống như các danh Nho ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên là những nước chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Nho giáo, các nhà Nho Việt Nam cũng đề cao đức “thành” trong mọi ứng xử xã hội, từ việc tu thân, tề gia đến việc trị quốc, bình thiên hạ. Đối với họ, muốn “tu thân”, trước hết cần phải “học”. Học này là “thực học”, học cho bản thân: “Cổ chi học giả vị kỷ, kim chi học giả vị nhân” (Luận ngữ). (Nghĩa là: Người đi học ngày xưa học vì mình, người đi học thời nay học để chiều người). Ở đây, tuy không nói rõ khái niệm “thành”, song ẩn chứa bên trong câu nói ấy là đức “thành thực”! Học vì mình là học để mở mang kiến thức, hoàn thiện hiểu biết, hoàn thiện nhân cách. Vì thế, Nguyễn Trãi từng viết:
“Tu kỷ đãn tri vi thiện lạc
Trí thân vị tất độc thư đa”.
(Ngẫu thành)
Dịch nghĩa:
“Sửa mình chỉ biết làm điều lành là vui
Lập thân chưa hẳn cần đọc sách nhiều”.
Chúng ta đều biết rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn xuất thân từ một gia đình nhà Nho. Năm 1923, chính Người tự giới thiệu tại Liên Xô rằng: “Tôi xuất thân từ một gia đình nhà Nho Việt Nam trong đó các thanh niên đều theo học Đạo Khổng”(16). Ngay từ thời trẻ, Hồ Chí Minh đã học “lập chí” (trong việc “thành nhân”), của Đạo Nho, nên Người không sợ và không bao giờ chùn bước trước muôn vàn khó khăn trong cuộc đời. Vào thập kỷ 40 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân”(17). Trong sự “tu dưỡng đạo đức cá nhân” ấy, theo tôi thì đức “thành”, hay tấm lòng “chí thành” có vị trí quan trọng vào hàng bậc nhất, để một người có thể trở thành một con người – viết hoa như các bậc danh sư từ xưa đến nay từng khuyên dạy chúng ta./.
NGUYỄN MINH TƯỜNG
Nguồn: Tạp chí Triết học
Nguồn: Tạp chí Triết học