Khái niệm, các mức độ biểu hiện và các quy luật cơ bản của đời sống tình cảm?
Xúc cảm, tình cảm là thái độ của cá nhân đối với hiện thực khách quan có liên quan đến sự thỏa mãn hay không thỏa mãn nhu cầu của cá nhân dưới hình thức những rung cảm.
* Các mức độ biểu hiện:
1. Màu sắc xúc cảm của cảm giác: Là mức độ thấp nhất, thường đi kèm với cảm giác. Ví dụ màu đỏ cho ta cảm thấy rạo rực...
2. Xúc cảm
- Là những rung cảm xảy ra nhanh, mạnh, rõ rệt, ngắn, nhất thời, hay thay đổi, không ổn định.
Theo E.Izard có 8 loại xúc cảm làm nền tảng: hứng thú, hồi hộp, vui sướng, ngạc nhiên, đau khổ, căm giận, ghê tởm, khiếp sợ, xấu hổ, tội lỗi...
Các loại xúc cảm:
+ Xúc động: là một dạng của xúc cảm có cường độ rất mạnh, xảy ra trong một thời gian ngắn và xâm chiếm toàn bộ hoạt động của con người một cách nhanh chóng.
+Tâm trạng: là một dạng khác của xúc cảm có cường độ vừa phải hoặc tương đối yếu, tồn tại trong khoảng thời gian tương đối dài, chi phối hành vi của con người trong suốt thời gian tồn tại tâm trạng đó.
3.Tình cảm:
- Đó là thái độ ổn định của con người đối với hiện thực xung quanh và đối với bản thân. Nó mang tính ổn định và là thuộc tính tâm lý của nhân cách.
- So với các mức độ của đời sống tình cảm đã nêu trên, tình cảm có tính khái quát hơn, ổn định hơn và được chủ thể ý thức một cách rõ ràng hơn.
* Các quy luật cơ bản của đời sống tình cảm:
• Quy luật về tính hai mặt của đời sống tình cảm:
Khi thỏa mãn một nhu cầu nào đó thì một số nhu cầu khác bị kìm hãm ức chế. Điều đó tạo ra hai thái cực trong đời sống tình cảm con người. Đó là tính hai mặt của đời sống tình cảm.
• Quy luật “lây lan”:
Xúc cảm, tình cảm có thể lan truyền từ người này sang người khác.
• Quy luật “thích ứng”: Một xúc cảm, tình cảm nào đó được lặp đi lặp lại nhiều lần một cách không đổi, thì cuối cùng sẽ bị suy yếu, bị lắng xuống. Đó là sự “chai sạn” của tình cảm.
· Quy luật “tương phản”: Một xúc cảm, tình cảm nào đó có thể làm tăng cường hoặc suy yếu một xúc cảm, tình cảm khác đối cực với nó.
• Quy luật “di chuyển”: Xúc cảm, tình cảm của con người có thể lan truyền từ đối tượng này sang đối tượng khác.
• Quy luật “pha trộn”: Ở một con người, trong cùng một thời điểm và đối với cùng một đối tượng có thể cùng tồn tại hai hay nhiều cảm xúc khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Chúng không loại trừ nhau mà quy định lẫn nhau.
• Quy luật về sự hình thành tình cảm:Tình cảm được hình thành từ những xúc cảm cùng loại do quá trình tổng hợp hóa, động hình hóa, khái quát hóa mà thành.