Kẻ sĩ xưa và nay

Bút Nghiên

ButNghien.com
Kẻ sĩ xưa và nay

“Kẻ sĩ” là từ dùng để chỉ những người thuộc tầng lớp trí thức trong lịch sử. Từ “kẻ” hoàn toàn là tiếng Việt, tiếng Nôm thường viết là 几, đó là chữ “kỷ” của Hán tự đọc theo âm Việt mà thành. Gọi là “kẻ” không hề biểu thị ý gì khinh rẻ cả (1). “Sĩ” là từ Hán - Việt. Thời cổ đại, chữ “sĩ” vốn dùng để chỉ, quân đội, lực lượng vũ trang, thường gọi là võ sĩ, chứ không phải dùng để chỉ “trí thức” chỉ “văn nhân”. Thời cổ đại ở Trung Quốc, nước lớn (đại quốc) có “ba quân”, nước vừa (trung quốc) có “hai quân”, nước nhỏ (tiểu quốc) có “một quân”. Mỗi quân có một nghìn cỗ xe, mỗi cỗ xe có mười “sĩ” thống lĩnh, ngoài ra có nhiều lính gọi là tốt tùy tùng (2). Bây giờ ở quân đội còn gọi là “sĩ quan”, “binh sĩ”.

Nói tới kẻ sĩ là nói tới những người có văn hóa và nhân cách ở trình độ cao. Chữ sĩ cũng có bóng dáng đầu tiên của học trò, nhưng mục đích ở cuối chặng đường học hành lại là làm quan. Tóm lại, chữ Sĩ phản ánh một hành trình gồm nhiều chặng, từ lúc đi học đến khi làm quan – nghĩa là khi đạt tới một thành tựu về nhiều mặt - kiến thức, địa vị, tiền tài, quyền lực, ở một đẳng cấp cao trong xã hội.

Xã hội phong kiến được xây dựng theo mô hình gia đình trị được cơi nới rộng. Trong khi đó, xã hội hiện đại bao gồm nhiều ngành nghề và kĩ nghệ, đòi hỏi cá nhân, đặc biệt là trí thức phải có kiến thức toàn thể và tổng phổ. Bởi thế, cái học ngày xưa với cái học ngày nay cũng có nhiều sự khác biệt.

Ngày xưa, triều đình phong kiến mở khoa thi về thơ, phú, văn sách… Kỳ thi là điểm mốc quan trọng đánh dấu bước khởi đầu trên con đường hoạn lộ của kẻ sĩ. Nhà vua là người trực tiếp ra đề, chấm thi và quyết định việc đỗ-trượt của sĩ tử. Việc thi thố chủ yếu diễn ra trong phạm vi kiến thức xã hội học, hiếm hoi mới có Lương Thế Vinh, được vinh danh nhờ có trình độ toán học kiệt xuất.

Trong xã hội phong kiến, mục đích việc học là “tiến vi quan, thoái vi sư” –học trước hết là để làm quan, vinh thân phì gia, yếm thế hơn mới trở về làm thầy dạy người. Trong khi các trí thức Hy-Lạp cổ đại như Socrates, Platon… có thể vui với niềm vui tri thức tại nhà nhưng vẫn có tầm vóc tư tưởng lan tỏa toàn xã hội, thì người trí thức ở Việt Nam hay Trung Quốc có rất ít bản lĩnh tự giác, tự lập đó. Họ phải vòng lên kinh đô làm quan, rồi thoái quan, từ bỏ dục vọng về tiền tài địa vị, rồi mới trở về quê nhà, đóng vai bậc ẩn sĩ. Nói cách khác, trong nền học ngày xưa, không có những trí thức thuần khiết.

Trong sự biến đổi của thời đại, sự học ngày nay cũng có những khác biệt: học là để có kiến thức, để phát triển cá nhân và kiện toàn một xã hội toàn thể. Tuy vậy, chúng ta cũng cần có sự tỉnh táo mãnh liệt để nhận ra (dẫu vậy, ta thường rơi vào sự ngủ mê và sai lầm), không chỉ ở nước ta, mà ở châu Âu và thế giới, những ông vua ngồi “ngai da” như (Chủ tịch, Tổng thống) cũng không khác mấy các ông vua xưa kia ngồi ngai vàng. Giới có học Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung vẫn theo đuổi nhiều ngành nghề với mục đích bon chen trong một hành lang hẹp (cái ghế làm quan). Tình trạng lạc hậu lâu dài ở châu Á và Việt Nam chứng tỏ điều này. Sự thật này cho thấy và nhắc lại rằng, dù cái học ngày nay có khác xưa là hiển nhiên, nhưng với những tham vọng và lối mòn tư duy cố hữu, chúng ta vẫn chỉ là những học trò vác chõng đi thi, có chăng là ngày nay, có thêm công cụ máy tính hiện đại.
(Nguyễn Hoàng Đức)​

Về sau “sĩ” thông thường dùng để chỉ “văn” chứ không chỉ “võ” như thời cổ đại. Tại sao lại như vậy ?

Lý do như sau : thời cổ đại, nhà nước có hai việc quan trọng vào bậc nhất, đó là tế lễ trời đất và hoạt động quân sự (Quốc chi đại sự, duy tự dữ nhung). “Sĩ”, có nghĩa là người được giáo dục, huấn luyện chủ yếu là về quân sự, về sau do tình hình thay đổi, nên nội dung giáo dục, huấn luyện lại thiên về văn. Do đó, cùng là “sĩ” nhưng thời xưa chỉ quân nhân thời nay lại chỉ “tri thức”, khác nhau một trời một vực. Hiện nay, “kế thừa” lịch sử, người ta cũng gọi “sĩ” là “kẻ sĩ”, “kẻ sĩ” tức là “trí thức”, chỉ chung những người chủ yếu lao động bằng trí óc. Bao gồm : nhân viên kỹ thuật, thầy thuốc, giáo viên, cán bộ nghiên cứu khoa học, diễn viên, luật sư, những người hoạt động văn học nghệ thuật... ví dụ như bác sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ , văn sĩ, ca sĩ…

Những người này thường được gọi là phần tử “trí thức” (3) (Intellectual), hình thành một đội ngũ, một tầng lớp trong xã hội, chứ không phải là một giai cấp.
Cũng có ý kiến cho rằng đặc điểm của “trí thức” là lao động trí óc, cho nên “trí thức” bao gồm cả những người ở tầng lớp thống trị :

“Nếu giai cấp công nhân và nông dân về nguồn gốc tồn tại đều về phía đại biểu của lao động chân tay thì tình hình đối với các đại biểu của lao động trí óc lại phức tạp hơn. Một mặt thuộc vào số này là các giai cấp thống trị mà đa số hợp thành một tầng lớp ăn bám, bóc lột lao động làm thuê (cả lao động trí óc lẫn lao động chân tay)”(4).

Như vậy những người thống trị cũng thuộc tầng lớp “trí thức” ? Thời kỳ phong kiến, chữ Hán gọi “trí thức” là “sĩ” , nhưng cũng gọi là quan là “sĩ”, có điều, chữ viết khác nhau một chút: (thêm bộ nhân đứng một bên). Cho nên “trí thức” và “làm quan” không xa nhau mấy. Mạnh Tử gọi tầng lớp quan lại là người “lao tâm” còn người dân lao động là “lao lực” từ đó cho rằng “người lao tâm cai trị người khác, còn người lao lực thì bị người khác cai trị” (lao tâm giả trị nhân, lao lực giả trị ư nhân, Mạnh Tử, Đằng Văn Công, thượng).

Không biết có nên xếp quan lại vào hàng ngũ “trí thức” hay không, nhưng thực ra những người mới hôm qua còn là kẻ sĩ hàn vi, hôm nay lều chõng đi thi đỗ đạt thì coi như đã thuộc về tầng lớp quan lại thống trị rồi. Điều đó nói lên rằng kẻ sĩ cũng rất gần với giai cấp thống trị. Tuy nhiên, không phải ai đi thi cũng đậu cả, ngược lại, đậu thì ít mà rớt thì nhiều. Có những khoa thi hàng ngàn thí sinh nhưng chỉ đậu được vài người, như khoa Đinh Mùi, năm Cảnh Trị thứ 5 (1667), đậu được ba người, khoa Tân Sửu, năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781), đậu hai người(5). Những người thi rớt, nếu quyết tâm thì đi thi lại, nếu không thì về nhà, hoặc dạy dăm ba đứa học trò hoặc “đuổi gà cho vợ”, làm quan không được thì làm người vậy. Hoặc cũng có người thi đậu nhưng chán đời “trùm chăn” không chịu ra làm quan như Trạng Trình, Nguyễn Bỉnh Khiêm, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp chẳng hạn, học hành đã vất vả rồi, lều chõng đi thi lại càng cực khổ trăm chiều:

“Vì thế, người làm ruộng, người đi buôn, cho đến người hàng thịt, người buôn bán vặt vãnh cũng đều làm đơn nộp tiền xin đi thi cả. Ngày vào thi đông đến nỗi giày xéo lẫn nhau, có người chết ngay ở cổng trường”(6).

Nói chung, đại đa số kẻ sĩ thường gần với dân chúng hơn. Cho nên ngày xưa, trong thời phong kiến, kẻ sĩ được xem là một trong “tứ dân”, nhưng được “may mắn” đặt ở hàng đầu: sĩ, nông, công, thương. Trong xã hội tư bản, trí thức cũng là tầng lớp góp phần tạo ra giá trị thặng dư. Cho nên Mác gọi là “kẻ lao động làm thuê”, hoặc xem họ như là “giai cấp vô sản lao động trí óc” (7). Tuy nhiên từ Đông sang Tây, ở đâu thì “kẻ sĩ” cũng xuất hiện muộn hơn cả so với nông dân và thợ thủ công (tiền thân của công nhân). Trong quá trình phân công của hội loài người, vào thời kỳ đầu của xã hội nguyên thủy, phân công xã hội chủ yếu dựa vào “tự nhiên” nghĩa là dựa vào tuổi tác, giới tính chẳng hạn. Khoảng gần cuối xã hội nguyên thủy, xã hội mới bắt đầu phân chia thành chăn nuôi, trồng trọt. Khi xã hội nguyên thủy tan rã, thợ thủ công bắt đầu tách ra từ nông dân. Đến đầu chế độ chiếm hữu nô lệ, giai cấp thương nhân xuất hiện, sau đó sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn hình thành, xã hội phân chia thành lao động trí óc và lao động chân tay. Cho nên sự khác biệt giữa lao động trí óc và lao động chân tay đã tuyên bố sự bắt đầu của cái gọi là “phân công xã hội”:

“Phân công lao động chỉ trở thành sự phân công lao động thực sự từ khi xuất hiện sự phân chia thành lao động vật chất và lao động tinh thần” (8).

Như vậy, “kẻ sĩ” hay “trí thức” mà đặc điểm chủ yếu là lao động tinh thần hay lao động trí óc, chính là anh em sinh đôi với sự phân công lao động xã hội. Còn sự phân công lao động xã hội lại chính là cơ sở hình thành giai cấp, nguyên nhân của hiện tượng bóc lột. Cho nên sự xuất hiện của tầng lớp trí thức vừa là bước lùi vừa là bước tiến của nhân loại. Áp bức, bóc lột, phân hóa giàu nghèo là bước lùi so với xã hội nguyên thủy chưa có giai cấp. Tầng lớp trí thức không phải là nguyên nhân của những cái đó, chính nó vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm “không tự giác”. Nếu như không thể phủ nhận chế độ chiếm hữu nô lệ là một bước tiến của nhân loại thì càng không thể phủ nhận sự xuất hiện của trí thức là bước tiến cực kỳ quan trọng của xã hội. Ăng-ghen đã nhận xét rất đúng rằng:

“Mãi đến chế độ nô lệ mới có thể có sự phân công lao động trên một quy mô khá rộng lớn giữa nông nghiệp và công nghiệp, và do đó mới có thể có sự hưng thịnh nhất của thế giới cổ đại, tức là nền văn minh Hy Lạp. Không có chế độ nô lệ, thì không có quốc gia Hy Lạp. Không có nghệ thuật và khoa học Hy Lạp. Không có chế độ nô lệ thì không có đế quốc La Mã. Mà không có cơ sở văn minh Hy Lạp và đế quốc La Mã thì cũng không có châu Âu hiện đại được. Chúng ta không bao giờ nên quên rằng tiền đề của sự phát triển kinh tế, chính trị và trí tuệ của chúng ta là một hoàn cảnh trong đó, chế độ nô lệ là hoàn toàn cần thiết và được tất cả mọi người thừa nhận. Theo nghĩa trên đây, chúng ta có quyền nói rằng: không có chế độ nô lệ cổ đại, thì không có chủ nghĩa xã hội hiện đại” (9).

Đúng là “không có chế độ nô lệ cổ đại, thì không có chủ nghĩa xã hội hiện đại”, “không có nghệ thuật và khoa học Hy Lạp”, có nghĩa là không có những người lao động trí óc, thì cũng không có chế độ nô lệ cổ đại. Không có những “người khổng lồ” trí thức ở thời kỳ Phục hưng thì cũng không có thời kỳ Phục hưng... Tầng lớp trí thức đắt giá đến nỗi người ta “quên mất” giai cấp công nhân, người ta quàng cả tương lai của nhân loại lên đôi vai của đội ngũ trí thức, được gọi là “khối lịch sử” (bloc historique). Còn những người theo chủ nghĩa kỹ trị (Technocracy) thì xóa nhòa giai cấp bằng cách biến tầng lớp trí thức trở thành tầng lớp thống trị trong cái gọi là xã hội tương lai. Kêu gọi những ông chủ tư bản hãy “trao quyền” quản lý xã hội lại cho “trí thức”.
Không ai có thể phủ nhận vai trò tích cực của trí thức trong quá trình phát triển lịch sử của nhân loại. Ở Việt Nam vai trò của trí thức càng đặc biệt quan trọng trong quá trình giải phóng dân tộc cũng như xây dựng đất nước. Lịch sử luôn ghi nhớ chiến công lẫy lừng của Lý Thường Kiệt, càng không quên “tuyên ngôn độc lập” Nam quốc sơn hà bất hủ. Nhắc tới Trần Hưng Đạo, không thể không nhắc tới Hịch tướng sĩ. Chiến thắng quân Minh của khởi nghĩa Lam Sơn không thể tách rời khỏi mưu sĩ “trí thức” Nguyễn Trãi. Chiến thắng Đống Đa, phá gần 30 vạn quân Thanh, trong đó công lao của “văn nhân” Ngô Thì Nhậm chủ trương bỏ Thăng Long lui về Tam Điệp đâu phải là nhỏ...

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp ai cũng kết sự nghiệp và khí tiết của Phan Đình Phùng, Trương Định, Nguyễn Thông, Nguyễn Đình Chiểu và gần hơn là Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà cách mạng của giai cấp công nhân, nhưng đồng thời cũng là nhà trí thức yêu nước vĩ đại của dân tộc.

Cùng với giai cấp công nhân và nông dân, trí thức Việt Nam đã góp phần không nhỏ vào cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, chưa nói đến đội ngũ trí thức, vấn đề liên minh công nhân và nông dân, không phải ngay từ đầu đã được chủ nghĩa Mác đề cập đến.

Mác - Ăng-ghen sau khi tổng kết kinh nghiệm của cách mạng Pháp 1948-1949, mới chỉ ra rằng cách mạng vô sản không thể thành công nếu không có sự tham gia của giai cấp nông dân. Nếu công nhân chỉ tiến hành “đơn ca” thì bài ca đó chỉ trở thành một bài “điếu văn”. Đồng thời khẳng định rằng khi chính quyền đã về tay giai cấp công nhân thì liên minh công nông chính là nguyên tắc cơ bản của chuyên chính vô sản. Khẩu hiệu “liên minh công nông” (allance of the workers and peasants) càng được Lênin phát triển trong cách mạng 1905, đặc biệt là trong cách mạng tháng Mười 11 năm 1917.

Ở đây chỉ nói đến “liên minh công nông” chứ chưa đề cập đến vai trò của “trí thức”. Có lẽ giai cấp công nhân mà Mac đã trao hết sứ mệnh vào từng bước tiến lịch sử, bản thân nó đồng thời là những người tiếp xúc với tri thức khoa học mới nhất. Cho nên tính đảng và tính khoa học thống nhất ở chính bản thân giai cấp công nhân. “Liên minh công nông”, là điều kiện “cần” và “đủ”.
Ở Việt Nam, giai cấp công nhân không hoàn toàn giống như giai cấp công nhân ở các nước đại công nghiệp, tuy nhiên xác định đúng đắn và đầy đủ về vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân là vấn đề cốt tử đầu tiên của cách mạng :

“Giai cấp vô sản Việt Nam tuy còn non trẻ và nhỏ bé, song là một giai cấp rất kiên quyết cách mạng. Nó ra đời trước giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam, và vừa lớn lên nó đã sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhanh chóng trở thành một lực lượng chính trị tự giác, thống nhất khắp Bắc, Trung, Nam. Nó lại vừa mới xuất thân từ trong nông dân lao động bị bần cùng hóa, cho nên những mối quan hệ khăng khít của nó với nông dân đã tạo điều kiện thuận lợi để thiết lập khối liên minh công nông vững chắc” (10).
Khác với các nước tư bản phát triển, cách mạng Việt Nam ngay từ đầu đã tiến hành công nông liên minh. Đây là điều kiện vô cùng quan trọng để bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng của giai cấp công nhân :

“Vấn đề liên minh công nông càng có tầm quan trọng đặc biệt đối với một nước như nước ta. Dưới chế độ thuộc địa và nửa phong kiến, giai cấp vô sản nước ta vốn nhỏ bé, song sức mạnh của nó sở dĩ vượt xa số lượng của nó, là vì ngoài nguyên nhân có đường lối cách mạng đúng đắn, còn có nguyên nhân giai cấp vô sản đã tranh thủ được người bạn đồng minh tự nhiên, rất đáng tin cậy, có lực lượng hùng hậu; có tinh thần cách mạng dồi dào, đó là nông dân. Đảng ta vừa mới ra đời đã nắm ngay quyền lãnh đạo cách mạng, bởi vì Đảng ta sớm xây dựng được khối liên minh công nông” (11).

Ở Việt Nam, nói đến liên minh công nông mà không nói đến trí thức thì hình như chưa đủ. Cho nên nói đến liên minh công nông, không thể không nói đến trí thức:

“Đặc biệt là các tầng lớp trí thức, học sinh có tinh thần yêu nước nồng nàn, thiết tha mong muốn bảo vệ truyền thống văn hóa đẹp đẽ của dân tộc, khôi phục những giá trị tinh thần cao quý của con người Việt Nam bị bọn đế quốc phong kiến chà đạp. Họ tỏ ra thức thời và rất nhạy cảm với thời cuộc. Được phong trào rầm rộ của công nông thức tỉnh và cổ vũ, họ bước vào hàng ngũ cách mạng ngày càng đông và đóng một vai trò quan trọng trong phong trào đấu tranh của nhân dân, nhất là ở công nhân Việt Nam vừa non trẻ vừa không phải là công nhân của nền sản xuất đại công nghiệp, cho nên việc tiếp cận với tri thức khoa học không thuận lợi như công nhân các nước công nghiệp phát triển. Không ít công nhân lại từ nông dân mà ra, cho nên thuận lợi trong liên minh công nông nhưng cũng hạn chế vì chịu ảnh hưởng của những “thói hư tật xấu” của nông dân thành thị” (12).

Thực ra vai trò của trí thức trong quá trình cách mạng Việt Nam không phải lúc nào cũng được đánh giá như nhau. Trí thức hầu như xuất thân từ giai cấp nào cũng có, nhưng bản thân nó không là giai cấp nào cả. Trước đây ở Trung Quốc, trí thức được xem là một giai cấp. Từ điển Từ Hải gọi là “giai cấp tri thức” (Intelligentsia), về sau không còn gọi là giai cấp nữa. Do đó, đối với “trí thức không khỏi có lúc có cách nhìn không hợp lý. Chẳng hạn quy họ về thành phần tiểu tư sản, hoặc thậm chí “nhận lầm”, họ là đối tượng của cách mạng. Thực ra, tầng lớp trí thức cũng có nhiều hạn chế, chẳng hạn lập trường bấp bênh, thoát ly thực tế, giáo điều... Đó là chưa kể đến kẻ sĩ thời xưa thuộc hạng “dài lưng tốn vải”, hữu danh vô thực, thường được gọi là “sinh đồ ba quan” mà Phan Huy Chú đã than phiền: “Từ khi kẻ nịnh thần đề nghị đổi phép thi, hạng sinh đồ ba quan đầy cả trong thiên hạ. Người trên do đó lấy tiền mà không ngại, kẻ dưới nộp tiền để đỗ mà không biết thẹn, làm cho trường thi thành ra chỗ buôn bán” (13).

Xét cho cùng thì những “kẻ sĩ” sinh đồ ba quan này đáng thương hơn là đáng trách, bởi vì họ cũng chỉ là những sản phẩm xã hội “chợ chiều” chứ không phải là những nụ hoa của xã hội sang xuân. Giá như tình trạng nói trên chỉ là nhất thời thì Phan Huy Chú làm sao có thể cảm thán được :

“Ôi! Nếu là việc quyền nghi một thời thì còn có thể được, đến lúc thanh bình mà cũng vẫn theo như thế, có phải là điều lệ của thời thịnh đâu!” (14).

Kẻ sĩ trong lịch sử kể cũng “ba chìm bảy nổi”, tuy nhiên xã hội phát triển theo xu hướng kinh tế tri thức là điều tất yếu thì vai trò của trí thức cũng tất yếu ngày càng quan trọng. Dầu gì đi nữa thì lịch sử cũng đã chứng minh rằng một dân tộc không thể tiến lên phía trước nếu dân tộc đó không xem trọng trí thức của dân tộc mình.

Nội hàm của khái niệm “kẻ sĩ” được thay đổi trong lịch sử thì nội hàm của khái niệm “trí thức” chẳng nhẽ lại dừng ở đây ? Liệu ngày nay có nên vẫn cứ lấy tiêu chuẩn lao động trí óc và lao động chân tay để phân chia trí thức và công nông nữa chăng ?

Đương nhiên hiện nay vẫn còn khác biệt giữa lao động trí óc và lao động chân tay, ranh giới giữa công nhân và trí thức vẫn còn. Nhưng ranh giới này càng ngày càng thu hẹp, vừa là công nhân vừa là trí thức, vừa là trí thức vừa là công nhân. Trí thức do công nhân đào tạo ra thì tại sao lại cần phải “công nhân hóa trí thức” nữa ?

Quá trình phát triển của xã hội loài người là quá trình khẳng định sự “tách rời"” giữa lao động trí óc và lao động chân tay và cũng là quá trình phủ nhận điều đó. “Thống nhất” giữa lao động trí óc và lao động chân tay cũng là xu hướng tất yếu. Công nghệ thông tin trong thời đại ngày nay sẽ là đôi đũa thần đang biến cái tưởng chừng như khả năng xa vời đó trở thành hiện thực trước sự ngỡ ngàng của nàng “lọ lem” lịch sử về hình ảnh của cái gọi là “kẻ sĩ” một thời.

________________________________________
Chú thích:
(1) Truyện Kiều: “Bây giờ kẻ ngược người xuôi, biết bao giừ lại nối lời nước non”.
Nhị độ mai: “Rồi đây kẻ Bắc người Nam, Cành hoa xin tặng để làm của tin”.
Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội, l995, tr. 461: “Kẻ cả đàn anh”.
(2) Thời ngũ đế (thế kỷ XXVI - XXII Tr.CN), “sĩ” chỉ quan coi hình ngục. Chữ “sĩ” trong Kim văn có hình cái rìu, tức là vũ khí của quan coi ngục. Xem Tìm về cội nguồn chữ Hán, Nxb Thế Giới, Hà Nội, 1997, mục chữ “sĩ”.
(3) Ở Trung Quốc thường gọi là “tri thức phần tử” 知 識 份 子, ở Việt Nam lại gọi là “phần tử trí thức” xin lưu ý là “trí” 智chứ không phải là “tri” 知. Từ điển Hán – Pháp (Dictionaire Chinols - Francais) thương vụ Ấn thư quán, Bắc kinh, 1959, dịch “tri” 知 là savoir, connaitre, “trí” 智 là intelligence, sagesse.
(4) Từ điển triết học, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1986, tr. 365.
(5) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb KHXH, Hà Nội, 1992, t.2, tr. 209, 214.
(6) Phan Huy chú, Sđd, tr. 169.
(7) Trích theo Triết học đại từ điển, Phùng Khiết chủ biên, Thượng Hải từ thư xuất bản xã, Thượng Hải, 1991, tr. 1013.
(8) Các Mác – Phri-drich Ăng-ghen tuyển tập (6 tập). Nxb Sự thật, Hà Nội, 1980, t.l, tr. 291.
(9) Ph. Ăngghen, Chống Duy-rinh, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 293.
(10) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb sách giáo khoa Mac-Leenin, Hà Nội, 1979, t.3, tr. 408.
(11) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđđ, tr. 410.
(12) Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđđ, tr. 415.
(l3) Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương loại chí, Nxb KHXH, Hà Nội, 1992, t. 2, tr. 170.
(14) Sđd, tr. 170.


Theo: Hà Thúc Minh
Văn hóa đạo đức - NXB Tp. HCM​
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top