Định nghĩa Từ đồng âm

Hide Nguyễn

Du mục số
1. Trước hết, có thể nêu định nghĩa sau đây:

Từ đồng âm là những từ trùng nhau về hình thức ngữ âm nhưng khác nhau về nghĩa.

Ví dụ: Trong tiếng Anh có 3 từ "to, too, two" (đọc là [tu]) làm thành một nhóm từ đồng âm.

Tiếng Việt cũng có những nhóm đồng âm như:

- đường­1 (đường tàu Thống Nhất); đường2 (mua một cân đường).
- sao1 (ông sao trên trời); sao2 (sao anh lại làm như thế); sao3 (đi saosao4 (sao thuốc nam)… giấy khai sinh);


2. Hiện tượng đồng âm nói chung và từ đồng âm nói riêng thường xuất hiện ở những đơn vị có kích thước vật chất không lớn, tức là có thành phần phần ngữ âm không phức tạp. Vì vậy, ta chỉ có đồng âm giữa từ với từ là chủ yếu, và đây là nét chủ đạo. Còn đồng âm giữa từ với cụm từ hoặc cụm từ với cụm từ thì rất hiếm hoi.

Chẳng hạn, những loại đồng âm như: "the sun's rays meet" // "the sons raise meat" hoặc "jack in the box" // "jack-in-the-box" trong tiếng Anh là rất ít gặp.

Mỗi hiện tượng đồng âm ở những cụm từ như vậy chỉ lập thành được từng cặp mà thôi. Trong khi đó các từ trong một nhóm từ đồng âm có thể là hai, ba hoặc dăm bảy từ. Thậm chí nhiều hơn nữa.

Hiện tượng từ đồng âm có mặt trong ngôn ngữ là một tất yếu vì số lượng âm thanh mà con người phát ra được và dùng làm vỏ ngữ âm cho các từ, dù có nhiều đến mấy cũng chỉ có giới hạn của nó.

3. Từ đồng âm trong tiếng Việt, do đặc trưng loại hình đơn lập của tiếng Việt quy định, có những đặc điểm riêng.

3.1. Trước hết, vì tiếng Việt không biển hình nên những từ nào đồng âm với nhau thì luôn luôn đồng âm trong tất cả mọi bối cảnh được sử dụng. Đặc điểm này rất khác so với các ngôn ngữ biến hình Ấn Âu.

Một từ trong các ngôn ngữ biến hình có thể tham gia vào nhóm đồng âm nào đó ở dạng thức này mà lại không đồng âm ở dạng thức khác. Có nghĩa là chúng có thể đồng âm với nhau ở một hoặc vài dạng thức chứ không nhất thiết đồng âm ở mọi dạng thức. Ví dụ, trong tiếng Anh:

Động từ (to) meet nguyên dạng, đồng âm với danh từ meat, nhưng dạng thức quá khứ của động từ này (met) thì lại không. Các từ sawsaw ("cái cưa") - sore ("đau đớn") đồng âm với nhau và đồng âm với saw (dạng quá khứ của động từ (to) see). ("tục ngữ, cách ngôn") -

3.2. Vì tiếng Việt không có sự đối lập gốc từ với phụ tố, các từ được tạo nên chủ yếu bằng sự kết hợp với tiếng, cho nên đồng âm giữa từ với từ là kết quả của đồng âm tiếng với tiếng. Điều này đã được triệt để khai thác khi người Việt sử dụng đồng âm trong nghệ thuật chơi chữ của mình, đến mức, chẳng hạn tên riêng Hitle đã được tách ra hai tiếng và được liên hội với hai động từ hítle. Người ta thách đối "Hít - Le", và được đối lại cùng bằng một tiên riêng của người Việt bằng con đường liên hội tương tự "Phùng - Há".

4. Các từ đồng âm có thể được phân chia thành các kiểu loại. Tuy nhiên, do những đặc điểm riêng của từng ngôn ngữ cụ thể, bức tranh phân loại có thể khác nhau.

4.1. Chẳng hạn, đối với các từ đồng âm tiếng Anh, người ta chia ra:
4.1.1. Những từ đồng âm, đồng tự:

coper (anh lái ngựa) - coper (quán rượu nổi)
jet (màu đen hạt huyền) - jet (tia nước, tia máu,…).

4.1.2. Những từ đồng âm, không đồng tự:
son (con trai) - sun (mặt trời)
meat (thịt) - meet (gặp)

Loại đồng âm này là phổ biến nhất
4.1.3. Những từ đồng tự không đồng âm:
tear ([tεə]) (xé, bứt mạnh) - tear ([tiə]) (nước mắt)


4.2. Các từ đồng âm tiếng Nga lại có thể được phân loại theo kiểu khác, thành đồng âm hoàn toàn và đồng âm không hoàn toàn (đồng âm bộ phận).

4.2.1. Từ đồng âm hoàn toàn là những từ trùng nhau về ngữ âm trong tất cả mọi dạng thức ngữ pháp của chúng. Ví dụ:
лук1 (cái cung) - лук2 (củ hành)

4.2.2. Đồng âm bộ phận là những từ chỉ đồng âm với nhau ở một hoặc vài ba dạng thức ngữ pháp nào đó. Ví dụ:

бор1 (rừng tai ga) - бор2 (nguyên tố hoá học Bo) - бор3 (mũi khoan kim loại có răng)

Ba danh từ này chỉ đồng âm với nhau khi бор [1] ở dạng thức cách một, bởi vì бор2бор3 không có dạng thức số nhiều.

4.3. Trong tiếng Việt, tình hình phân loại từ đồng âm có khác. Có thể nêu một trong những cách phân loại như sau:

4.3.1. Đồng âm từ với từ: Ở đây tất cả các đơn vị tham gia vào nhóm đồng âm đều thuộc cấp độ từ. Loại này lại được chia thành hai loại nhỏ hơn.

4.3.1.1. Đồng âm từ vựng: Tất cả các từ đều thuộc cùng một từ loại. Ví dụ:

- đường1 (đắp đường) - đường2 (đường phèn).
- đường kính1 (một loại đường để ăn) - đường kính2 (dây cung lớn nhất của đường tròn).
- cất1 (cất vó) - cất2 (cất tiền vào tủ) - cất3 (cất hàng) - cất4 (cất rượu)
- …

4.3.1.2. Đồng âm từ vựng-ngữ pháp: Các từ trong nhóm đồng âm với nhau chỉ khác nhau về từ loại. Ví dụ:

- chỉ1 (cuộn chỉ) - chỉ2 (chỉ tay năm ngón) - chỉ3 (chỉ còn có dăm đồng).
- câu1 (nói vài câu) - câu2 (rau câu) - câu3 (chim câu) - câu4 (câu cá)

Loại từ đồng âm này chiếm số đông trong tiếng Việt.

4.3.2. Đồng âm từ với tiếng. Ở đây, các đơn vị tham gia vào nhóm đồng âm khác nhau về cấp độ, và kích thước ngữ âm của chúng đều không vượt quá một tiếng.
Ví dụ:

- Con trai Văn Cốc lên dốc bắn , đứng lăm le cười khanh khách. Con gái Bát Chàng bán hàng thịt ếch ngồi châu chẫu nói ương ương.
- Nhà cửa để lầm than con thơ trẻ lấy ai rèn cặp
Cơ đồ đành bỏ bễ vợ trẻ trung lắm kẻ đe loi.


Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997.
Nguồn : ngonngu.net
 
5. Đại bộ phận các từ đồng âm không được giải thích về nguồn gốc, nhưng có một số từ, nhóm từ người ta có thể phát hiện ra con đường đã hình thành nên chúng.

5.1. Những nhóm đồng âm không tìm được lí do hình thành chủ yếu gồm các từ bản ngữ. Ví dụ: bay (D) - bay (Đ); rắn (T) - rắn (D); đá (D) - đá (Đ); sắc (T) - sắc (Đ)… của tiếng Việt là những nhóm đồng âm như vậy.

5.2. Số còn lại, con đường hình thành nên chúng có thể là:

5.2.1. Do tiếp thu, vay mượn các từ của ngôn ngữ khác. Từ được vay mượn có thể đồng âm với từ của bản ngữ và chúng tạo nên nhóm đồng âm; hoặc cũng có khi hai, ba từ được vay mượn từ những ngôn ngữ khác nhau và đồng âm với nhau. Ví dụ:


Trong tiếng Việt: sút1 (giảm sút: gốc Việt) - sút1 (sút bóng: gốc Anh)
Trong tiếng Nga: фокус1 (tiêu điểm: gốc Latin) - фокус2 (tiêu điểm: gốc Đức)


5.2.2. Do cấu tạo các từ phái sinh bằng các phụ tố.


Ví dụ, trong tiếng Nga, từ động từ строить (xây dựng) cấu tạo nên từ строевой (thuộc về xây dựng). Từ danh từ строй (hàng ngũ), cấu tạo nên từ строевой. Như vậy, ta được hai tính từ строевой đồng âm với nhau.


5.2.3. Do sự tách biệt nghĩa của từ đa nghĩa, một nghĩa nào đó bứt ra khỏi cơ cấu nghĩa chung và hình thành một từ mới đồng âm với chính từ ban đầu. Ở đây, thực ra đã có sự đứt đoạn trong chuỗi liên hệ về nghĩa để dẫn đến những cặp từ đồng âm. Ví dụ:


Trong tiếng Việt: quà 1 (món ăn ngoài bữa chính) - quà 2 (vật tặng cho người khác)
Trong tiếng Nga: бой2 (sự đập vỡ, phá vỡ) - бой2 (mảnh vỡ)


5.2.4. Do sự chuyển đổi từ loại. Ví dụ như trong tiếng Nga: зимой, вечром là những danh từ cách công cụ chuyển sang làm trạng từ зимой, вечромs.

5.3. Đối với tiếng Việt, ngoài những nhóm đồng âm không xác định được căn nguyên, những nhóm hình thành do vay mượn từ, tách nghĩa của từ đa nghĩa,… còn có một con đường rất đáng chú ý là sự biến đổi ngữ âm của từ do kết quả của một quá trình biển đổi ngữ âm của từ do kết quả của một quá trình biến đổi ngữ âm lịch sử nào đó. Chẳng hạn: hoà → và (từ nối) đồng âm với động từ (và cơm). mấyvới (từ nối) đồng âm với động từ với (giơ tay với thử trời cao thấp).

mlờilời (lời nói)
lợilời (buôn bán có lời)


Cách phát âm của tiếng địa phương, như phương ngữ Bắc Bộ chẳng hạn) cũng dẫn đến những trường hợp đồng âm trong phương ngữ đó, dù là phương ngữ phổ biến. Ví dụ:

che (tre) đồng âm với che (che đầu)
da (ra) đồng âm với da (lột da, da thịt)
xâu (sâu) đồng âm với xâu (xâu cá).



Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997.
Nguồn : ngonngu.net
 
6. Tuy không phải lúc nào cũng đạt được kết quả tuyệt đối hài lòng, nhưng người ta đã đưa ra những tiêu chí như sau để phân biệt từ đa nghĩa với từ đồng âm:

6.1. Nếu hai từ khác nhau về nguồn gốc, trùng nhau về ngữ âm thì đó là hai từ đồng âm. Ngược lại, nếu giống nhau cả về ngữ âm lẫn nguồn gốc thì cần nghĩ tới khả năng đó là hiện tượng đa nghĩa.


Tiêu chí về nguồn gốc phải khó khăn là xác định từ nguyên của từ. Trong khi đó, vấn đề từ nguyên không phải bao giờ cũng được phát hiện và giải quyết một cách ổn thoả.

6.2. Nếu có một nghĩa nào đó của từ đã nghĩa đã tách xa, đã đứt đoạn mối liên hệ với toàn bộ cơ cấu nghĩa chung thì nó cũng hình thành nên một từ đồng âm với từ ban đầu.


Tiêu chí về sự đứt đoạn liên hệ nghĩa không phải luôn luôn rõ ràng và ít nhiều không tránh khỏi chủ quan.


6.3. Tiêu chí về hình thái và cú pháp lại xác định rằng nếu hai từ có hệ hình thái biến đổi khác nhau hoặc khả năng kết hợp, chi phối từ khác một cách khác nhau, thì đó là hai từ đồng âm.


Tiêu chí này đạt được nguyên tắc hình thức hoá, nhưng khó áp dụng cho các ngôn ngữ không biến hình.


6.4. Đối với tiếng Việt (một ngôn ngữ không biến hình rất tiêu biểu), chúng ta không thể áp dụng tiêu chí hình thái mà có thể vận dụng riêng lẻ hoặc phối hợp những tiêu chí như sau:


6.4.1. Nếu có sự tách nghĩa dẫn đến đứt đoạn mối liên hệ về nghĩa thì nên coi ở đây đã hình thành những từ đồng âm.


Ví dụ: cây1 (cây tre) - … cây2 (cây át cơ), cây3 (cây vàng)
Giữa cây1 và cây3 đã hoàn toàn đứt đoạn mối liên hệ về nghĩa. Chúng càn được coi là hai từ đồng âm.


6.4.2. Đối với hiện tượng vãn gọi là chuyển từ loại, cần có những biện luận cụ thể, vì tình hình của chúng không thuần nhất về nhiều mặt; và đặc biệt là mối liên hệ về nghĩa của mỗi từ trong các tư cách từ loại khác nhau vẫn còn rõ rệt: cày1 - cày2; cưa1 - cưa2;đục1 - đục2…


Khi một từ được dùng trong hai tư cách từ loại khác nhau với hai nghĩa riêng, trong đó nếu nghĩa mới phái sinh do chuyển từ loại đã có khả năng độc lập làm cơ sở tạo nên nghĩa phái sinh khác thì lúc này nên tách ra thành hai từ đồng âm. Nếu không thoả mãn điều kiện đó thì cần xử lí nó với tư cách là từ đa nghĩa. Ví dụ:


chai1 (d.t): chỗ da dày và cứng lại vì bị cọ xát nhiều
chai2 (t.t): 1. (Nói về da) đã trở thành dày và cứng vì bị cọ xát nhiều: Cầm cuốc nhiều đã chai tay; 2. (Nói về đất) đã trở thành cứng, không xốp, khó cày bừa: Đất ruộng đã bị chai cứng; 3. Đã trở thành trơ, lì vì đã quá quen: Bị mắng nhiều đã chai mặt, không còn biết xấu hổ là gì nữa.



Ở đây, nên tách ra chai1 và chai2 vì từ nghĩa 1 của chai2 (phái sinh từ chai1) đã tiếp tục phái sinh ra nghĩa 2 và nghĩa 3.


7. Nghiên cứu và khảo sát kĩ các từ đồng âm cả về lí thuyết lẫn thực tiễn đầu rất cần thiết, đặc biệt trong lĩnh vực từ điển và dịch máy.


Trong ngôn ngữ giao tiếp nói chung, từ đồng âm với những sắc thái riêng của từng ngôn ngữ cụ thể, thường được sử dụng trong các hiện tượng chơi chữ rất đặc biệt.


Theo Mai Ngọc Chừ; Vũ Đức Nghiệu & Hoàng Trọng Phiến. Cơ sở ngôn ngữ học và tiếng Việt. Nxb Giáo dục, H., 1997.

Nguồn :ngongu.net
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top