Mụ già ném cái thùng ra giữa nhà. Nhiều mảnh giấy bay tung tóe. Mụ nhìn chồng, giọng mỉa mai:
- Đó ! Giấy đó, nhà ảo thuật hóa thành tiền đi ! Nhà hết gạo hết tiền mấy ngày nay, tui hết cách xoay xở rồi. Chết đói hay phải đi ăn xin đến nơi!
Lão già lom khom, nhặt mấy tờ giấy báo cắt bằng khổ tờ giấy bạc, xếp lại, vuốt ve, đặt vào chiếc thùng đạo cụ bằng các tông. Chiếc thùng trong ngòai đều một màu đen u ám, dùng lâu quá hóa mốc, bốn góc mòn vẹt nắp rách, đầy bụi bặm. Ông lão chủ nhân của nó trông còn tồi tàn thê thảm hơn. Lão ốm nhom, da mốc thết, nhăn nheo như da voi. Mụ dịu giọng:
- Thôi đi đi, may ra có nơi người ta cho diễn, kiếm ít tiền…
Lão già đậy nắp thùng lại, nói:
- Nhưng ít nữa bà cũng vá giùm tôi cái áo làm trò.
Mụ già đứng lên, soạn kim chỉ. Mụ đem bộ cánh" Nhà ảo thuật" màu đen may theo kiểu pháp sư, có thêu hình âm dương bát quái. Mụ đem ra sân lấy gậy đập mấy cái cho bụi bay bớt, xách vô nhà lấy chổi lông gà phủi bụi, có mấy con dán lâu nay làm tổ trong ấy chui ra. Mấy chỗ thủng nhỏ mụ khâu túm lại. Chỗ rách lớn mụ xé cái quần đen rách của mụ ra vá đắp vào. Thật là một lối vá may cẩu thả không chút mỹ thuật. Lão nhận bộ đồ làm tro, mặc vô, tự nói:" Nhờ nó đen, chẳng ai thấy rách lành. Cũng tạm được…". Nhà nghèo quá, chẳng có gương soi, mà co, chắc lão cũng không dám nhìn hình dáng mình, thảm thương trông vừa giống đạo sĩ vừa giống ăn xin. Lão nói:
- Nhưng muốn làm ra tiền cũng phải có tiền. Tôi là nhà ảo thuật chứ đâu có phép thần thông. Bà đi vay cho tôi mấy tờ giấy bạc năm ngàn, mười ngàn, bạc càng mới càng dễ diễn và màn trình diễn càng hấp dẫn hơn.
Mụ cắp nón đi ra. Một lúc sau trở về xìa ra bốn tờ giấy năm ngàn màu xanh còn rất mới.Mụ nói:
- Vay nóng đó. Vay nóng là đến sáng mai phải trả, Cứ mỗi tờ đưa thêm cho họ một ngàn, vị chi là ba mươi nghìn... Thôi lên đường kiếm việc đi.
Lão cầm mấy tờ giấy bạc đưa lên mũi ngửi. Ôi mùi bạc mới dễ chịu làm sao! Mụ nhìn chồng thương hại. Lão cắp cái thùng đi ra, không dám quay lại nhìn vợ, sợ mụ ta lôi thôi. Thế nhưng lão mới tới cửa liền bị kêu giật lại:" Cố gắng nhé! Không có tiền thì chết bờ chết bụi đâu đó, đừng về. Có tiền mua ít kí gạo, lít nước mắm, ở nhà tôi nấu sẵn nước sôi, mua gạo đem về tôi nấu lên cho nhanh, đói ba ngày rồi ai chịu nổi?" Lão nghĩ, :" Mới xuất hành, nói kiểu nầy là xui rồi" Suốt cả buổi sáng hôm đó lão mò tới ba bốn rạp xiếc. Tất cả đều là chỗ quen biết cũ. Ngày trước lão đã làm giàu cho bọn nầy, thế mà bây giờ thấy mặt lão có đứa nói:" Trông lão già quá, áo quần tồi tàn quá, làm bẩn sân khấu! Lão trông kìa, bao nhiêu nữ diễn viên trẻ đẹp, sang trọng. Bây giờ người ta đến rạp xiếc cũng như đi coi thi hoa hậu. Chỉ cốt xem người đẹp…" Ông lão vẫn nhẫn nại. Cuối cùng có nơi cho diễn. Chủ rạp nói:
- Cho ông năm phút trình diễn để lấp chỗ trống giữa hai màn đu bay và xiếc thú. Làm đêm nào ăn đêm nấy, không kí hợp đồng.
**********
Ngô, một đứa bé mười bốn, lớp bảy. Nó không biết tiêu tiền. Tiền cha mẹ cho, vứt bừa bãi, kẹp trong sách vở, bỏ túi quần, mẹ không biết bỏ máy giặt, tiền nhàu ướt lấy phơi khô đưa lại, nó để quên trên bàn, gió thổi tiền bay ra vườn. Mẹ mắng:- Đồng tiền là mồ hôi nước mắt, phải biết quí trọng. Không cần quá dè xẻn, nhưng không được phung phí. Ra đời kiếm được đồng bạc khổ nhục biết bao!
Tiên là em ruột Ngô, mười một tuổi thằng này khác với anh , xài tiền như nước. Tiên nói:
- Không biết tiêu, để đó em tiêu giùm cho.
- Để cho mầy đem giao cho mấy chị hàng rong, nơi cho thuê truyện tranh, chỗ trò chơi điện tử phải không ?
Tiên chẳng chịu thua, nó nói:
- Giữ tiền nhiều làm gì, anh không nghe thầy cô nói đồng tiền giấy qua tay nhiều người, chứa đầy vi trùng, cầm tiền, giữ tiền mãi trong người sinh bệnh.
Mẹ:
- Mẹ muốn tập tính tiết kiệm cho hai con, không hoang phí, biết cách sử dụng đồng tiền cho có ích nhất. Ngày mai mẹ đi chợ mua hai con lợn đất giao hai con "nuôi", nhịn bớt tiền quà cho lợn ăn. Đến tết mổ ra xem con nào béo, gầy.
Từ đó thằng Ngô đã có chỗ ném tiền. Con lợn đất của nó chẳng mấy chốc đã béo. Tiền nhét không vào nữa.
**********
Lão già lấp ló chỗ cánh gà trên con đường dẫn ra sàn diễn tròn đổ đầy bột cưa của một rạp xiếc lớn. Hai tay lão ôm khu khư thùng đạo cụ, lão hồi hộp vô cùng. Lão đã diễn trò nầy hàng ngàn lần, và ánh đèn rạp xiếc chẳng phải xa lạ gì sao lần nầy cảm thấy lo lắng vô cùng. Hay lão sợ thất bại? Phải rồi lão rất sợ thất bại, thất bại chuyến này là chết, hai tay lão đẳm mồ hôi, trong lồng ngực trái tim già nua dộng thình thịch,Màn đu bay vừa kết thúc. Mấy cô gái trẻ đẹp trong trang phục áo tắm thêu kim tuyến từ trên cao thả mình rơi xuống theo mấy sợi dây trông như những con nhện. Họ xếp thành hình cánh cung chào khán giả, pháo tay nổi lên rào rào. Đã tới phiên lão. Có ai đó đẩy lão ra sàn diễn với lời nói:" Ra đi, năm phút!"
Lão thấy mình vụt đứng giữa nguồn sáng chói lòa. Nhạc xiếc trỗi lên , máu nghệ sĩ chảy rần rật. Hết cả mọi sợ hãi lo âu.
Ôi ! Chỗ nầy mới thực là vị trí của lão, của một nhà ảo thuật lừng danh, không phải cái lều tranh rách nát với mụ vợ già xấu và ác như quỉ. Chỗ này đây, trong ánh đèn và mùi vị quen thuộc, bột cưa nồng nồng, mồ hôi và nước đái ngựa ngai ngái, hòa quyện với mùi nước hoa hồng của những nữ diễn viên trẻ đẹp làm thành cái " chất xiếc "không thể nào quên. Cài mùi đánh thức bao nhiêu kí ức, của những ngày lưu diễn đó đây, vào nam, ra bắc.
Lão hồi tưởng lại chỉ mới cách đây thôi, mỗi khi lão xuất hiện , cả rạp đứng lên vỗ tay nồng nhiệt. Thời ấy lão là ngôi sao sáng nhất. Tên lão, ảnh lão được viết vẽ treo nơi trang trọng cao sang nhất. Lão nổi tiếng trong các tiết mục dặc sắc như: Trong cái mũ dạ bé tí lão lôi ra hàng tá chim bồ câu trắng. Bộ bài tây năm mươi hai con trong bàn tay lão thuần thục như những vũ công tuyệt vời. Trong túi áo lão có thể lôi ra hàng tá khăn lụa đủ màu. Lão thách đố hàng ngàn cặp mắt tinh nhanh nhất cũng không qua được đôi bàn tay nhà ảo thuật. Mười ngón tay lão cử động trông như thật, như hư, nhanh đến nỗi thoáng qua như ảo ảnh. Vào thời kì trẻ trung sung sức nhất, lão thách đố cả những tay nhiếp ảnh, quay phim. Máy móc cũng không thể nào rình bắt kịp những cử động tưởng như ma quái của đôi bàn tay nhà ảo thuật.
Nhưng sao đêm nay, cũng mười ngón tay đó đâm ra vụng về luống cuống. Bệnh tê thấp kinh niên hành hạ thân xác người già, xương các đốt ngón tay, tấy đỏ đau đớn. Lão đứng chết lặng giữa sàn diễn hổ thẹn, nước mắt ràn rụa. Những ngón tay ông lão giờ đây giống như bằng gỗ, chẳng còn tuân theo ý muốn của lão nữa. Nó khô cứng vụng về đến nỗi không trưng ra được bốn tờ giấy bạc đi vay lại còn để xấp giấy báo rơi ra bay như bươm bướm!
Khán giả la ó, lão bước đi như người mất hồn. Cuối buổi diễn lão không được lĩnh một xu lại còn bị mỉa mai:" Không lương tiền gì cả. Về nhà lấy giấy hóa ra tiền mà tiêu!"Lão lủi thủi ra về, nghĩ đến lời mụ già run sợ thêm. Nơi bóng tối có thằng lưu manh thộp cổ lão, nó nói:
- Trả lại tiền vé. Chúng tao đã bị lừa!
*************
Tiên đi học về khoe với Ngô:- Em có phép làm cho uớc mơ hóa thành sự thật !
- Cách gì?
- Ban đêm chờ khi có một ông sao đổi ngôi, mở một hạt nút áo ra và ước. Thế nào điều ước ấy cũng thành. Con Loan nó nói chỉ với một điều kiện, ấy là điều ước tôt đẹp…
Ngô nói:
- Anh lại nghe người lớn nói cách khác về những sao đổi ngôi. Đó là những linh hồn về trời…
Không phải đêm đó tất cả mọi người độc ác với ông lão. Hai anh em Ngô và Tiên chứng kiến từ đầu màn trình diễn thất bại nhục nhã của ông lão. Chúng còn thấy cảnh thằng lưu manh trấn lột mấy tờ giấy bạc. Trong đêm khuya, và trên đường về. Tiên níu tay anh, nói:" Tội nghiệp ông già quá, làm sao?" Ngô:" Biết làm sao ?"
Hai đứa bé đang trên đường về nhà dưới một trời đầy sao. Đêm nay sao rất nhiều. Sao giống như những hạt cát sáng ném tung tóe lên trời. Bỗng có một ngôi sao đóng rất thấp, sát chân trời vụt sáng lên, sáng rực lên rồi băng ngang qua bầu trời giống như nhát chém của thanh kiếm ánh sáng. Đuôi ngôi sao nổ như pháo hoa. Thằng Tiên vội vàng mở hạt nút áo trên cùng, ước:
- Ước gì…
Nó còn lưỡng lự chưa biết nên ước gì. Anh em nó giờ đây chẳng thiếu thốn gì cả. Chúng nó có đủ cha mẹ anh em, ăn mặc đầy đu, thầy cô bạn bè quí mến. Thế tại sao không thể ước cho người khác. Một người đang lâm vào cảnh khốn khổ. Tiên nghĩ tới ông lão ảo thuật hết thời. Giờ nầy lão khổ sở biết bao! Ai lại về nhà với cái thùng đầy những mảnh giấy báo? Tiên kính cẩn ước:
- Ước gì những tờ giấy trong thùng của nhà ảo thuật đều hóa ra tiền!
Ngô nghe em ước không nín được cười. Thực đúng là niềm tin trẻ con, hồn nhiên, mộc mạc, đẹp đẽ biết bao! Và rồi Ngô nghĩ, điều ước nầy chẳng cần ông Bụt , bà tiên nào, người thường như hắn cũng có thể làm được. Đêm ấy, trở về nhà, chờ mọi người đi ngủ, Ngô lén bê con lợn đất đầy tiền của mình ra hiên đập vỡ…
**********
Đúng như hai đứa bé nghĩ, đêm ấy ông lão chẳng dám về nhà. Lão nhớ lời mụ vợ, không tiền thì chết bờ chết bụi đâu đó đừng về.Lão ngồi lại bên đường, lưng tựa gốc cây lớn, nhìn trời. Một ngôi sao ở mãi tận chân trời sáng dần lên, bay ngang qua bầu trời, nổ tung. Lão ngậm ngùi, nghĩ, đêm nay đã có một linh hồn về trời. Ôi kẻ ấy khỏe rồi. Được chết, thanh thản biết bao! Ông lão nhắm mắt lại, một hồi lâu, tình cảm xấu hổ đau đớn quá, không thể nào ngủ được. Lão tự ru mình:" Ngủ đi ! Ngủ đi! Ngủ một giấc thực dài, ngủ luôn, đừng bao giờ thức dậy nữa cũng được!…"
Trái với cuộc đời, hôm qua đầy bất hạnh, đêm nay lão có giấc mơ nhiều niềm vui. Những ngôi sao lấp lánh nhảy múa trong giấc mơ người già.
Sáng ra" Điều ước sao băng" đã thành hiện thực. Lão mở nắp thùng. Trời ơi ! Bao nhiêu giấy đã hóa thành tiền!!!