Nhiều học giả quân sự cho rằng Điện Biên Phủ là một trong những trận đánh vĩ đại nhất của thế kỷ 20 và là thời điểm quan trọng trong lịch sử Đông Nam Á. Và cho đến nay, sự kiện đó vẫn được đề cập đến trong hầu hết các tài liệu lịch sử.
Sau thế chiến II, Pháp thiết lập chính phủ thuộc địa tại Đông Dương. Năm 1946, phong trào giành độc lập do Hồ Chí Minh đứng đầu đánh lại quân Pháp để giành quyền kiểm soát ở miền Bắc Việt Nam. Lực lượng Việt Minh đã sử dụng các chiến thuật du kích mà quân đội Pháp khó chống đỡ.
Cuối năm 1953, khi hai bên chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hoà bình về chiến tranh Đông Dương, các chỉ huy quân đội Pháp chọn Điện Biên Phủ thuộc vùng tây bắc Việt Nam, giáp với Lào và Trung Quốc làm căn cứ chính chống lại Việt Minh.
Douglas Johnson, giáo sư nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ nói: “Đó là nỗ lực nhằm cắt hậu phương địch, ngăn nguồn tiếp tế và chi viện để thiết lập vị trí cố thủ tại hậu phương và cắt đứt phòng tuyến của địch. Như vậy, kẻ địch sẽ bị lừa vào trận địa chết. Rõ ràng người ta đã nghĩ như thế”.
Hy vọng kéo các binh sĩ của Hồ Chí Minh vào chiến trận cổ điển, Pháp bắt đầu đồn trú tại Điện Biên Phủ và đặt pháo đài tại điểm trũng nhất của thung lũng hình chảo dài khoảng 15km. Hầu hết lính Pháp và nguồn tiếp viện đến Điện Biên Phủ bằng đường hàng không, hoặc tiếp đất xuống bãi đáp của pháo đài hoặc bằng dù.
Đơn vị đồn trú chính tại Điện Biên Phủ cũng được củng cố bằng hàng loạt các căn cứ hoả lực, những trọng điểm trên các quả đồi xung quanh có khả năng trút đạn pháo xuống đầu những kẻ tấn công. Các căn cứ đó được gọi bằng những cái tên phụ nữ, những người tình của chỉ huy của quân đội Pháp, tướng Christian de Castries. Người Pháp cho rằng bất cứ cuộc đột kích nào nhằm vào các vị trí được bảo vệ vững chắc của họ cũng thất bại hoặc bị pháo ngăn chặn.
Tính đến tháng 3/1954, số binh sĩ Pháp đồn trú tại Điện Biên Phủ lên tới 13.000 đến 16.000. Khoảng 70% số đó là lính lê dương từ các quốc gia thuộc địa của Pháp ở châu Phi và người Việt theo Pháp.
Du kích Việt Minh và các binh sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam bao vây Điện Biên Phủ cùng lúc với việc trình tăng cường lực lượng bên trong khu vực đồn trú của Pháp. Cuộc đột kích ngày 13/3 của họ đã cho thấy các công sự của Pháp yếu đến mức nào.
Các căn cứ hoả lực Điện Biên Phủ đã bị phá ngay trong những đợt đột kích đầu tiên. Và các binh sĩ Pháp đã kinh ngạc khi thấy rằng những đồn bốt chủ chốt của họ bị pháo kích dữ dội từ các quả đồi xung quanh. Với nỗ lực đáng kinh ngạc, Việt Minh đã kéo những quả pháo lên các sườn dốc cheo leo mà Pháp đã cho là không thể nào vượt qua được.
Viên sĩ quan chỉ huy pháo binh Pháp, điên cuồng vì không thể bắn trả các khẩu đội được bảo vệ và ngụy trang kỹ lưỡng của Việt Minh, đã chui vào hầm và tự sát.
Các cuộc oanh tạc dữ dội của Việt Minh đã làm tê liệt sân bay Điện Biên Phủ. Nỗ lực của Pháp nhằm nối lại đường tiếp viện bằng dù đã bị chặn đứng vì khi các phi công bay qua khu vực này, họ đối mặt với súng phòng không của Việt Minh. Và hai phi công dân sự James McGovern và Wallace Buford trở thành những người Mỹ đầu tiên thiệt mạng tại chiến trường Việt Nam.
Máy bay tiếp viện buộc phải bay cao hơn khiến dù hàng rơi không đúng chỗ. Phần lớn số hàng tiếp tế gồm thực phẩm, đạn dược và cả thông tin tình báo, lẽ ra cung cấp cho các binh sĩ Pháp thì lại tiếp đất ở phần kiểm soát của Việt Minh. Trong khi đó, Việt Minh ngày càng thu hẹp phần kiểm soát của Pháp bằng chiến thuật mà tướng Võ Nguyên Giáp gọi là "sự kết hợp của đánh tỉa và tấn công tổng lực".
Cô lập với thế giới bên ngoài, bị pháo kích dữ dội và ngập lụt bởi các cơn mưa lớn, tình trạng bên trong Điện Biên Phủ trở nên thê thảm. Các binh sĩ thương vong chất đầy bệnh viện bên trong công sự Pháp.
Ngày 7/5, Điện Biên Phủ rơi vào tay Việt Minh. Ít nhất 2.200 thành viên quân đội Pháp thiệt mạng trong đợt vây hãm đó và hàng nghìn người bị bắt làm tù binh. Trong số khoảng 50.000 binh sĩ Việt Nam tham gia chiến dịch, khoảng 23.000 người thương vong, trong đó khoảng 8.000 người chết.
Điện Biên Phủ sụp đổ đã khiến cả nước Pháp bàng hoàng và chấm dứt đô hộ Đông Dương.
"Tôi còn nhớ như in cuộc nói chuyện với cha tôi về tình hình quốc tế khi Điện Biên Phủ sụp đổ. Đó là niềm tự hào lớn lao của thế giới đang phát triển. Một quốc gia châu Á nhỏ bé đã đánh bại thực dân một cách đầy thuyết phục và làm thay đổi lịch sử", Anil Malhotra, một nhân viên người Ấn Độ của Ngân Hàng Thế giới, cho biết.
Sau khi Pháp rút quân, Việt Nam chính thức bị chia thành hai phần, miền bắc theo chế độ cộng sản và niềm nam phi cộng sản, tạo đà cho sự can thiệp của Mỹ.
Năm 1963, khi Washington lấn sâu vào Việt Nam, thủ tướng Nga Nikita Khrushchev đưa ra một lời nhận xét đáng chú ý với một quan chức Mỹ.
"Nếu muốn, các ông cứ đi và đánh trong rừng rậm của Việt Nam. Người Pháp đã ở đó 7 năm và cuối cùng phải rút. Có thể người Mỹ sẽ cầm cự được lâu hơn thế một chút nhưng rốt cục thì cũng phải rút thôi".
Nguồn: VnExpress
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: