Điểm độc đáo trong cách kể chuyện của Nguyễn Huy Thiệp

vanchuong83

New member
Xu
0
ĐIỂM ĐỘC ĐÁO TRONG CÁCH KỂ CHUYỆN CỦA NGUYỄN HUY THIỆP

PHẦN MỞ ĐẦU
Khi bước vào đánh giá một tác giả văn học hay giá trị của một tác phẩm văn học, người ta không chỉ quan tâm đến tác phẩm đó viết về cái gì, mà cao hơn nữa, phải đánh giá được tác phẩm đó được viết như thế nào. Cách kể chuyện góp phần thể hiện phong cách, cá tính sáng tạo của nhà văn. Cách kể chuyện thể hiện qua rất nhiều phương diện khác nhau trong đó tổ chức điểm nhìn trần thuật là phương diện cơ bản.

Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn có ý thức rất cao về sáng tạo cách viết. Trong một bài viết, ông đã đưa ra quan điểm tâm đắc:
“Nhà văn sinh ra là để kể chuyện. Kể chuyện hay! Có thế thôi.”

Nếu coi kể là thiên chức của nhà văn trong thì Nguyễn Huy Thiệp đã thể hiện thành công thiên chức đó trong rất nhiều tác phẩm truyện ngắn của mình. Tìm hiểu truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, có thể nhận thấy, sáng tạo của nhà văn trước hết bộc lộ ở khả năng khai thác các trạng huống trần thuật đa dạng nhằm tạo ra sự đa dạng của các điểm nhìn nghệ thuật. Trong bài tham luận này, người viết đi sâu tìm hiểu những độc đáo của Nguyễn Huy Thiệp trong việc tổ chức điểm nhìn ở tác phẩm “Chút thoáng Xuân Hương”. Qua đó, thấy được tác dụng của việc tổ chức điểm nhìn nghệ thuật đối với việc thể hiện tư tưởng của tác phẩm.


PHẦN NỘI DUNG

  1. Giới thuyết về điểm nhìn trần thuật
Điểm nhìn là một phương diện bộc lộ quan hệ giữa thời gian chuyện và hành động kể. Điểm nhìn ở đây không phải là lập trường chính trị xã hội mà là tọa độ thời gian được lựa chọn cho hành động kể chuyện, phát triển nội dung, sắp xếp bố cục, hư cấu thành truyện.

Điểm nhìn là sự lựa chọn cự li trần thuật nào đó loại trừ được sự can thiệp của tác giả vào các sự kiện được miêu tả và cho phép văn xuôi trở nên tự nhiên hơn, phù hợp với cuộc sống hơn” đánh dấu một bước phát triển đáng kể trong nghiên cứu nghệ thuật kể chuyện, kể từ đó điểm nhìn nghệ thuật được coi là một nhân tố bộc lộ kỹ thuật tiểu thuyết của nhà văn, một mắt xích khách quan, nội tại, duy nhất mà theo đó chúng ta có thể đánh giá được “tay nghề” của tác giả.
Có hai loại điểm nhìn cơ bản: điểm nhìn của người kể và điểm nhìn của nhân vật.


  1. Điểm nhìn của người kể
Điểm nhìn của người kể là điểm nhìn bao quát để lựa chọn, điều khiển các nhân vật hành động. Điểm nhìn người kể chuyện tuy thuộc chủ quan nhưng một phần lại mang tính khách quan, bởi người kể thường là đặt vào vị trí đối thoại với người đọc hàm ẩn, người đọc tưởng tượng , hay “cái bóng của độc giả” cúi xuống trang viết của mình. Người đọc hàm ẩn có những trạng thái cố định nhưng cũng thay đổi theo thời gian. Vì vậy, người kể phải điều chỉnh và lựa chọn sự kiện, sắp xếp bố cục cho phù hợp, hay là để bắt mạch được cuộc đối thoại này, nói cách khác, tuy điểm nhìn nghệ thuật là độc lập, nhưng ít nhiều có liên quan đến quan điểm lập trường xã hội chính trị của nhà văn, ngay từ điểm nhìn xuất phát của hiện thực được lựa chọn.


  1. Điểm nhìn của nhân vật
Trong quá trình hoạt động, nhân vật lại có điểm nhìn riêng, chọn một điểm xuất phát để từ đó theo hướng thiện hoặc hướng nghịch để triển khai hoặc rút ngắn sự kiện, có tác dụng cô đặc hay vươn ra ngoài cốt truyện.

Kiến tạo điểm nhìn nhân vật cho phép nhà văn trần thuật qua lăng kính của một tâm trạng cụ thể, tái hiện tư tưởng và đời sống nội tâm của nhân vật một cách sâu sắc. Việc phối hợp và chuyển dịch giữa điểm nhìn của người kể vào điểm nhìn của nhân vật giúp nhà văn có điều kiện để trổ nhiều ô cửa để khám phá đời sống từ nhiều góc độ khác nhau. Theo đó, nhà văn có điều kiện để đào sâu vào cả tầng vô thức cũng như những chiêm nghiệm nội tâm sâu sắc của nhân vật.

Từ phương diện nào đó, có thể nói, sự đan xen và chuyển dịch liên tục điểm nhìn cũng là một cách thức để tạo nên tính phức điệu của tác phẩm. Theo đó, văn bản nghệ thuật trở thành một cấu trúc đa tầng, có khả năng phá vỡ tính đơn âm và cùng lúc vang lên nhiều tiếng nói khác nhau.

Trong văn học truyền thống, chủ yếu các tác phẩm được triển khai từ cái nhìn tương đối ổn định. Các nhà lí luận gọi đó là cái nhìn “biết trước”, cái nhìn “toàn tri”. Nghĩa là người kể chuyện miêu tả, tái hiện đời sống chủ yếu từ ngôi thứ ba. Với cái nhìn như thế, anh ta nắm trong tay mình sự phát triển của mạch truyện cũng như số phận nhân vật. Như vậy, về cơ bản, văn học truyền thống chủ yếu xuất phát từ điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn của người kể chuyện toàn tri. Nhưng đến văn học hiện đại, ý thức tạo dựng nhiều điểm nhìn, dịch chuyển điểm nhìn nghệ thuật một cách liên tục mới trở thành một thủ pháp nghệ thuật có tính phổ biến. Bước sang văn học đương đại, chúng ta thấy, bên cạnh những tác phẩm thiết tạo điểm nhìn quen thuộc là những hình thức điểm nhìn mới, trong đó đáng chú ý là ba hiện tượng nổi bật: sự dịch chuyển điểm nhìn nghệ thuật, sự luân chuyển điểm nhìn người trần thuật và nhân vật, gấp bội điểm nhìn. Việc sáng tạo cao độ hệ thống điểm nhìn giúp cho tác phẩm hiện đại trở nên uyển chuyển, không bị đông cứng lại và cung cấp cho người đọc những góc nhìn mới mẻ, đa chiều về cuộc đời.

Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn đầy cá tính trong cách viết văn, thể hiện rất rõ trong việc tổ chức hệ thống điểm nhìn trong tác phẩm của mình. Người viết đi sâu vào tìm hiểu về tổ chức điểm nhìn trong một tác phẩm cụ thể của ông – Chút thoáng Xuân Hương.


  1. Tổ chức điểm nhìn trần thuật trong “ Chút thoáng Xuân Hương” của Nguyễn Huy Thiệp
Với Nguyễn Huy Thiệp, điểm nhìn nghệ thuật vừa là một phương thức tổ chức văn bản, vừa là cơ chế phát ngôn tinh thần thời đại của nhà văn. Sự khai thác điểm nhìn thể hiện trình độ sử lí mối quan hệ giữa chủ thể kể chuyện với cái được kể, cũng là sự thể hiện chiều sâu cái nhìn nghệ thuật của nhà văn.

Trong Chút thoáng Xuân Hương, điểm nhìn của nhân vật chia cắt từng khúc đoạn thực tế, nhưng điểm nhìn của người kể thì luôn luôn thấu suốt trên một trục thời gian được lựa chọn trước và xâu chuỗi lại nhờ sự liên hệ với người đọc.


  1. Sự chuyển dịch điểm nhìn
Câu chuyện bắt đầu với điểm nhìn của người kể chuyện ở người kể chuyện “vô hình”. Chủ thể kể chuyện đứng ở bên ngoài câu chuyện, dẫn dắt bạn đọc vào thế giới của nhân vật, sự kiện. Nguyễn Huy Thiệp không đoạn tuyệt với mô hình tự sự truyền thống, nhưng ông không dừng lâu lại trên cái nền móng cũ ấy mà nhanh chóng có sự phát triển theo những chiều hướng mới phong phú và đầy hấp dẫn. Ở đây, chủ thể kể vẫn là người “giấu mặt” song điểm nhìn đã có sự chuyển hoá liên tục từ người kể sang nhân vật.

Trong Chút thoáng Xuân Hương diễn ra một sự chuyển hoá liên tục các điểm nhìn, góc nhìn trong trục kết cấu của văn bản. Từ người kể chuyện qua Tổng Cóc, ấm Huy, rồi qua anh nhà thơ sẽ vào vai Chiêu Hổ.
Trong câu chuyện thứ nhất, điểm nhìn được chuyển hóa nhanh chóng từ người kể sang nhân vật Tổng Cóc. Tổng Cóc có một ý thức rất rõ rệt về bản thân và cuộc sống. Ngôi kể thứ ba nhưng rõ ràng ở đây, điểm nhìn đã được chuyển dịch vào bên trong nhân vật.

“Ông chẳng bao giờ có được phong độ lịch lãm như người. Trời sinh ra ông thô vụng xấu xí thì đành chịu. Ông có cái lố cái hiệp của ông, dễ gì ai có?

Tổng Cóc không chịu được cái vẻ sạch sẽ gớm ghiếc của người đời.”

Tổng Cóc biết mình thô kệch, nhưng ông cũng ý thức được những cái hơn đời của mình. Ông cóc cần đời, thậm chí khinh đời : “Ông khinh những kẻ không dám sống thực, không dám lặn sâu xuống đáy cuộc đời. Ông cũng khinh cả những kẻ lặn mình xuống đáy rồi ngập ở đấy không sao lên được”. Nhưng một Tổng Cóc ngang tàng, ngang ngược lại tự cảm thấy một nối sợ vô hình trước cái bóng thoáng qua của Xuân Hương - thầm lặng nhưng uy nghi, vô hình mà hiển hiện trong cuộc sống. Trong cảm quan của Tổng Cóc, y tự cảm thấy mình bé nhỏ và chông chênh trước bản lĩnh của người phụ nữ đã trải qua bao thất bại của đời người mà vẫn thăng bằng, vững trãi như bàn thạch.

Câu chuyện thứ hai, điểm nhìn cũng được đặt ở hai trăm năm trước, trong trong đám ma của tri phủ Vĩnh Tường. Góc nhìn có sự chuyển dịch linh hoạt từ người kể qua nhân vật, không phải là một nhân vật mà là một nhóm nhân vật. Cuộc đối thoại giữa các nhân vật Ấm Huy, Huyện Thặng và tri phủ Vĩnh Tường tạo nên một hệ điểm nhìn tranh luận về đời sống. Tri phủ Vĩnh Tường chủ trương dùng điều nhân để trị dân, Huyện Thặng lại dùng phép tắc tàn bạo thực dụng. Ấm Huy đóng vai trò như một người quan sát, cảm nhận rất tinh tế về xung quanh. Nhưng cũng là người nhận ra “cả tri huyện Thặng, cả chàng, cả ngay ông phủ Vĩnh Tường cũng sẽ chẳng là gì cả, tất cả chỉ là nhân chứng cho sự tồn tại của một CON NGƯỜI: nàng Hồ Xuân Hương mặc áo xô gai đang nức nở khóc, đang nức nở khóc cho nỗi cô đơn mênh mông của cõi đời...”. Cả ba tranh luận và cãi vã, nhưng tất cả đều nhỏ bé trước một Xuân Hương không nói gì nhiều, nhưng lại chứa đựng tất cả: đúng sai, thanh cao, dung tục, và cuối cùng như dòng sông lớn trôi đi tất cả mà cũng lưu giữ những gì đã trôi đi trong vòng luân thế bất tận.

Đến câu chuyện thứ ba, điểm nhìn được chuyển về thời hiện tại và được đặt vào tâm sự của một chàng thi sĩ thời nay được giao đóng vai Chiêu Hổ. Anh đang chán nản về kịch bản về Xuân Hương và vai diễn của mình. Tình cờ trên dòng sông, anh được gặp một người phụ nữ ở trại lợn, chẳng dính líu gì đến bộ phim anh đang đóng. Nhưng đấy là một Xuân Hương đích thực hiển hiện.

Như vậy, Chút thoáng Xuân Hương thể hiện rất rõ kĩ thuật chuyển dịch điểm nhìn rất linh hoạt và đầy dụng ý của nhà văn. Chuyển dịch từ điểm nhìn người kể chuyện sang điểm nhìn nhân vật, từ nhân vật này sang nhân vật khác, từ điểm nhìn hư cấu quá khứ hai trăm năm về điểm nhìn hiện tại… Nhưng các điểm nhìn không hề rời rạc nhau mà cùng hướng tới một tiêu điểm: soi chiếu nhân vật Xuân Hương từ nhiều góc độ. Hồ Xuân Hương trở thành một hình tượng sinh động, nhiều tầng nghĩa, mặc dầu không xuất hiện trực tiếp.


  1. Sự chồng chất, nhân đôi, gấp bội điểm nhìn
Chút thoáng Xuân Hương của Nguyễn Huy Thiệp kéo dài hàng trăm năm, trăm năm mà chỉ là một thoáng nhìn. Trong cả ba câu chuyện, Xuân Hương chỉ xuất hiện rất thoáng qua hoặc ẩn khuất sau những dấu hiệu. Trong câu chuyện thứ nhất, Xuân Hương không ngôn ngữ, không hình bóng… Nàng chỉ xuất hiện thông qua những tín hiệu để lại như một dư âm: Một chén rượu mang từ Kinh Bắc về, một nải chuối trứng cuốc, một đĩa hoa trà tinh khiết sớm ngày tết hàn thực, một mâm bánh trôi bốc nóng… Cái bình dị, cái thanh tao cùng chất chứa, nhỏ bé mà ân cần, âm thầm, thấp thoáng mà để lại cái bóng uy nghi khiến Tổng Cóc vị nể. Ở đây không chỉ dừng lại ở cái nhìn của một ông chồng về một người vợ lẽ, mà còn là cái nhìn của một bản lĩnh trước một bản lĩnh cao hơn, một bản lĩnh hồn nhiên và vững vàng trước mọi thăng trầm của cuộc sống.

Trong câu chuyện thứ hai, Xuân Hương không chỉ cũng chỉ xuất hiện rất thoáng qua, nhưng ấn tượng về nàng không hề mờ nhạt. Gần như nàng là trung tâm của cái nhìn vô hình. Các nhân vật cứ tranh biện với nhau về lẽ sống, về cách ứng đối giữa đời. Xuân Hương chỉ nói một câu, nhưng khiến cho tất cả cùng thấu suốt. Nàng không chỉ nhìn thấy cái hiện tại. Cái nhìn của nàng là cái nhìn tiên tri của một người vừa đứng trong nhân thế, vừa đứng cao hơn nhân thế. Dường như ngoài điểm nhìn của các nhân vật hướng về Xuân Hương, còn có một điểm nhìn được đặt ở chính Xuân Hương. Điểm nhìn này tuy vô hình, nhưng lại cao hơn tất cả, bao chứa tất cả. Các nhân vật khác có quan điểm riêng, có cách nhìn nhận riêng. Nhưng dường như trong sâu xa, cái nhìn đó vẫn bị chi phối bởi sức ảnh hưởng của Xuân Hương. Mỗi nhân vật cư xử theo lối riêng, nhưng ai cũng phải nhìn lại Xuân Hương và tự cảm thấy mình nhỏ bé hơn nàng. Nàng rộng lớn và hồn nhiên như cuộc sống.

Câu chuyện thứ ba, có hai Xuân Hương xuất hiện. Một Xuân Hương trong kịch bản được đánh giá qua cảm quan của chàng thi sĩ: “Anh thấy xót xa. Hình ảnh trong phim Xuân Hương nhợt nhạt, bị hiểu sai lệch nhố nhăng. Người ta đắp điếm cho nhiều nhân vật những thứ tư tưởng cao siêu đáng ngờ”. Và một Xuân Hương khác, hiển hiện hồn nhiên đầy sức sống giữa cuộc đời, trong hình ảnh của cô gái ở trại lợn. Đó chỉ là một người phụ nữ nông dân lao động, đời tư trắc trở vẫn sống hồn nhiên, vẫn đẹp và khỏe mạnh giữa đời. Người phụ nữ lam lũ nhưng tâm hồn vẫn thánh thiện, không vẩn đục, biết hào phóng và bao dung. Đó mới là một Xuân Hương đích thực hiện hữu giữa đời, chứ không phải là một Xuân Hương được huyền thoại hóa.

Ba câu chuyện, tạo nên một hệ thống các điểm nhìn được tổ chức theo lối “kính vạn hoa”. Sự phối hợp, dịch chuyển đa chiều các điểm nhìn nghệ thuật khiến đời sống luôn được cắt nghĩa ở những chiều sâu mới. Câu chuyện của nhà văn, do thế, luôn diễn ra ở nhiều lớp lang, thú vị, nhiều khi lại có thể "tháo dỡ" được. Ở đây, tính chỉnh thể trong cấu trúc tự sự của một truyện ngắn truyền thống thường xuyên bị phá vỡ. Tiếp theo, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp có xu hướng “phì đại”. Giới hạn của một truyện ngắn bị đứt gãy. Cái được kể tràn ra khỏi chiếc khung thể loại. Không còn tồn tại một điểm nhìn nào là trung tâm trong câu chuyện. Người đọc không thê tiếp nhận tác phẩm trong một cái nhìn đồng nhất mà là cái nhìn nhiều chiều, nhiều lớp. Cái nhìn đó lại có khả năng gợi mở ra những hướng nhìn mới tùy thuộc vào cảm quan của độc giả. Như vậy, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo nên một cái nhìn lập thể cho tác phẩm của mình. Một thế giới mở ngỏ như một ngôi nhà nhiều cửa sổ để có thể soi ngắm từ mọi góc độ.










PHẦN KẾT LUẬN
Có người nói, người kể trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp luôn làm chủ cuộc chơi. Quả đúng như vậy. Chút thoáng Xuân Hương là một cuộc chơi của người kể chuyện qua việc chuyển giao quyền nắm giữ điểm điểm nhìn. Điểm nhìn được chuyển dịch liên liếp qua nhiều nhân vật, bị chia cắt ở nhiều khúc đoạn. Nhưng để đảm bảo câu chuyện vẫn là một hệ thống liền mạch, phải có một điểm nhìn thấu suốt của người kể chuyện trong mối liên hệ với người đọc. Truyện Nguyễn Huy Thiệp vì vậy thể hiện rất rõ một bản lĩnh chủ động của người kể, một kĩ thuật kể mới mẻ và điêu luyện, câu chuyện cũng mở ra được nhiều chiều kích suy ngẫm, hấp dẫn được nhiều đối tượng. Những cách tân trần thuật trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, trong đó có cách tân về tổ chức điểm nhìn nghệ thuật , đã góp phần làm thay đổi cách đọc của công chúng văn học. Đó là thành công của một nhà văn đương đại.



TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thái Hòa – Những vấn đề thi pháp của truyện – Nxb Giáo dục, Hà Nội 2000.
2. M. Bakhtin – Lý luận về thi pháp tiểu thuyết- Nxb Bộ văn hóa thông tin và thể thao, Trường viết văn Nguyễn Du, Hà Nội, 1992.
3. Phùng Gia Thế - Tổ chức trần thuật trong chuyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp – evan.vnexpress.net
4. Chut thoang Xuan Hương – vnthuquan.net
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top