Giao Su Vọc
New member
- Xu
- 0
Module by: GS. Võ Văn Tới
Summary: Hiện nay chúng ta đang rất thiếu đội ngũ giảng viên xuất sắc về công nghệ cao, nhất là công nghệ Y Sinh. Bài viết này đề xuất một mô hình hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc thành lập một Phân khoa ảo trong lĩnh vực công nghệ Y Sinh, nhằm đào tạo một thế hệ chuyên gia đáp ứng yêu cầu trong lĩnh vực công nghệ này cho Việt Nam trong tương lai.
Vấn đề đầu tiên đặt ra ở đây là Việt Nam nên phát triển những bộ môn gì và hấp thu những cái mới nhận được thế nào để có thể áp dụng chúng vào hoàn cảnh kinh tế và xã hội hiện tại của đất nước, mang lại hiệu quả tốt nhất. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung đề cập đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Theo chúng tôi, để có thể hấp thu các công nghệ cao, Việt Nam cần phải tập trung vào hai vấn đề chính là đào tạo nhân lực tại nước ngoài và thiết lập cơ sở hạ tầng tương ứng. Đào tạo nhân lực đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ lưỡng các ứng viên về khoa học cơ bản, công nghệ và ngoại ngữ cũng như các thủ tục hành chính. Xây dựng một hạ tầng cơ sở phù hợp là yếu tố rất quan trọng giúp tránh được sự chảy máu chất xám ra nước ngoài, cũng như chảy máu chất xám tại chỗ. Dưới đây, xin đưa ra một mô hình với mục đích đào tạo nhân lực và thiết lập hạ tầng cơ sở tương ứng. Mô hình này có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực khoa học và công nghệ mũi nhọn cũng như cho bất kỳ trường đại học nào. Lấy một thí dụ cụ thể là thiết lập một mô hình Phân khoa ảo về công nghệ Y Sinh của một trường đại học Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, Phân khoa này sẽ đặt tại một trường Đại học Hoa Kỳ và đến giai đoạn cuối sẽ được chuyển toàn bộ về trường đại học đó tại Việt Nam. Vì sự hình thành và phát triển như vậy nên chúng tôi gọi đó là Phân khoa ảo. Dự án có thể được triển khai trước tiên tại một trường đại học, sau đó sẽ nhân rộng sang các trường đại học khác.
Tại sao cần xây dựng mô hình Phân khoa ảo?
Một mô hình hoàn hảo và hữu hiệu phải là một mô hình đào tạo cả một nhóm người cùng hoạt động theo một chủ đề và trong một cơ sở vật chất đầy đủ. Mô hình đó phải hội đủ hai điều kiện: 1) Do người Việt Nam sáng tạo và chủ động vì chỉ có những người Việt Nam mới biết rõ nhu cầu và hoàn cảnh thực sự của đất nước mình; 2) Được nuôi dưỡng trong một hệ thống giáo dục vừa uyển chuyển vừa năng động. Hoa Kỳ là một môi trường có thể đáp ứng được các yêu cầu đó. Hơn nữa, trong khoa học và công nghệ, một phân khoa hoàn hảo phải gắn kết được đào tạo với nghiên cứu, hàn lâm với công nghiệp, khoa học và công nghệ với kinh tế, lý thuyết với thực hành, ý tưởng với thực tiễn. Điều này có nghĩa là phân khoa đó không chỉ gồm các nhà khoa học, mà còn có các nhà quản trị, kinh doanh, những người có kinh nghiệm lãnh đạo, có khả năng biến kết quả nghiên cứu thành những sản phẩm đứng vững trên thị trường và sinh lợi. Điều này sẽ giúp phân khoa tự lực cánh sinh và giúp cho nền kinh tế đất nước phát triển. Ngoài ra, những người đó còn phải có khả năng và nhiệm vụ giảng dạy để nhân rộng sứ mạng của mô hình cho thế hệ mai sau: Đó là sự kết hợp giữa đào tạo với nghiên cứu và quản lý. Họ cũng sẽ là những người mở đường cho việc tạo dựng trung tâm chất lượng cao cho lĩnh vực liên quan.
Để xây dựng thành công Phân khoa ảo, trường đại học dùng làm môi trường nuôi dưỡng phải có người điều phối hiểu biết không những về ngành khoa học công nghệ liên quan mà còn cả về hiện trạng của hai nước và hai nền văn hóa. Trong thời gian nuôi dưỡng này, các thành viên Việt Nam sẽ cùng nghiên cứu với nhau và với các nghiên cứu gia của trường đại học Hoa Kỳ. Họ không những làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ mà còn trong những lĩnh vực quản trị và kinh doanh nữa. Mặc dù đây chỉ là một phân khoa ảo nhưng họ sẽ điều hành nó như một phân khoa thực sự. Vì cách bố cục như thế, Phân khoa này có thể thu hút các sinh viên Mỹ gốc Việt hoặc những người Việt Nam ở nước ngoài đã thành tài và mong trở về phục vụ đất nước. Khi trở về Việt Nam, họ sẽ mang theo những kiến thức mới về nghiên cứu, đào tạo, quản trị và những trang thiết bị mà họ đã sử dụng trong thời gian học tập tại Hoa Kỳ. Trong giai đoạn chuyển tiếp, các giáo sư thỉnh giảng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giúp đỡ trong việc đào tạo các học viên mới, triển khai cơ cấu và các hoạt động khác của Phân khoa tại Việt Nam. Sau đó, họ sẽ thiết lập những chương trình đào tạo từ xa để giữ mối liên hệ và cập nhật thông tin phục vụ cho đào tạo. Như vậy, nhờ sự hiểu biết về nhu cầu và điều kiện làm việc của Việt Nam, những thành viên của Phân khoa sẽ được trang bị những kiến thức mũi nhọn để có thể đưa những công nghệ mới nhất của quốc tế vào đất nước mình một cách hữu hiệu nhất. Trên nguyên tắc, mô hình này có thể áp dụng cho bất kỳ lĩnh vực khoa học và công nghệ nào nhằm triển khai nhanh chóng khoa học và công nghệ hiện đại vào bất kỳ trường đại học nào tại Việt Nam một cách hiệu quả nhất.
Sau khi đánh giá nhu cầu và tiềm năng trí tuệ của Việt Nam, chúng tôi cho rằng có thể triển khai hai lĩnh vực chính trong khuôn khổ chương trình này là Chế tạo thiết bị Y Sinh và Y học tái tạo bằng gen.
Chế tạo thiết bị y tế đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe con người và có ảnh hưởng to lớn tới kinh tế, do vậy rất cần những kỹ sư sáng chế, vận hành và bảo trì các thiết bị này. Những kỹ sư này cũng sẽ là những cộng tác viên đắc lực có thể giúp các nhà nghiên cứu trong công việc của họ, giúp đỡ các nhà quản lý bệnh viện trong việc lựa chọn các thiết bị thích hợp và giúp đỡ các nhà đầu tư trong việc xác định nhu cầu. Việt Nam có nguồn nhân lực rẻ và khéo tay, vì thế nếu có được một đội ngũ các nhà thiết kế về thiết bị y học được đào tạo hoàn chỉnh và có điều kiện làm việc thì sẽ có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị y tế.
Đồng thời, để chuẩn bị cho tương lai của ngành công nghệ Y Sinh, Việt Nam cũng cần triển khai lĩnh vực Y học tái tạo bằng gen (regenerative medicine). Lĩnh vực này có phạm vi hoạt động rộng lớn như: Sử dụng tế bào, gen và các vật liệu sinh học khác để sửa chữa hoặc thay thế các mô và các cơ quan bị hư hại; sử dụng công nghệ, công nghệ Y Sinh để ngăn chặn sự lan truyền của các vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh cho người và động vật. Nó cũng bao gồm việc nghiên cứu cơ chế kháng sinh và các lĩnh vực liên quan tới chế tạo dược phẩm, vật liệu cảm ứng sinh học sử dụng trong cấy ghép. Việt Nam là nơi rất thích hợp cho các hoạt động này. Sau chiến tranh, Việt Nam có rất nhiều người bị tàn tật trong chiến tranh và do các bãi mìn còn sót lại, các thế hệ tương lai còn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, gây quái thai hoặc bị các bệnh về gen. Ngành này là một bước tiến xa của ngành kỹ thuật phục hồi cổ điển mà Việt Nam có thể khắc phục được trong tương lai gần.
Mục đích cụ thể
Phân khoa ảo về công nghệ Y Sinh sẽ gồm những học viên Việt Nam được tuyển lựa từ những chuyên ngành khác nhau của một trường đại học tại Việt Nam. Học viên này sẽ quy tụ trong ba nhóm nhỏ: Quản trị, kinh doanh và nghiên cứu. Sinh viên của hai nhóm đầu học chương trình thạc sĩ về công nghệ Y Sinh, còn học viên ở nhóm thứ ba sẽ học tiến sĩ về ngành này. Tất cả các ứng viên phải có bằng thạc sĩ ở Việt Nam và một số kinh nghiệm giảng dạy hoặc quản trị. Khi tốt nghiệp chương trình này, họ sẽ có hiểu biết sâu sắc về các vấn đề chính sách, kinh tế và xã hội trên bình diện công nghệ và y tế tại các khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân, có kiến thức chuyên môn về phát triển công nghệ tại các viện nghiên cứu hoặc trong ngành công nghiệp sản xuất thiết bị y tế, có thể thiết kế và giảng dạy các khóa học về công nghệ Y Sinh tại các trường đại học. Ứng viên của nhóm học về quản trị có thể có bằng quản trị kinh doanh, khoa học hoặc kỹ thuật. Đề tài luận văn thạc sĩ của họ sẽ tập trung vào phương cách lãnh đạo và quản trị kỹ thuật. Ứng viên của nhóm kinh doanh phải có bằng khoa học hoặc kỹ thuật, luận văn thạc sĩ của họ sẽ tập trung vào việc triển khai các nghiên cứu ứng dụng hoặc hợp tác với công nghiệp để tạo cơ hội cho các kết quả của vườn ươm khoa học phát triển. Ứng viên của nhóm nghiên cứu phải có bằng về khoa học hoặc kỹ thuật. Luận án tiến sĩ của họ sẽ tập trung vào đề tài nghiên cứu khoa học trình độ cao. Trong quá trình học tập, học viên sẽ học theo đúng chương trình công nghệ Y Sinh của trường đại học Hoa Kỳ, tham gia các đề tài nghiên cứu và giảng dạy, viết dự án dự thảo và xuất bản công trình nghiên cứu khoa học. Cả nhóm sẽ cùng học phương thức điều hành Phân khoa và thiết kế chương trình giáo dục, đào tạo cho trường đại học của mình.
Trong thời gian học tập tại Hoa Kỳ, học viên Việt Nam có thể về nước dạy các khóa học hè tại trường đại học của mình cùng với các giáo sư Hoa Kỳ. Cần nên khuyến khích giáo sư công nghệ Y Sinh của các trường đại học Hoa Kỳ khác tham gia vào chương trình bằng cách tiến hành seminar hay giảng bài cho nhóm học viên này. Các học viên cũng sẽ có cơ hội quan sát sinh hoạt của các phân khoa công nghệ Y Sinh ở các trường đại học khác và ngành công nghiệp này. Phân khoa ảo sẽ mở cửa cho những nhà khoa học Hoa Kỳ muốn sang Việt Nam làm việc. Chương trình cũng tiếp nhận các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học Hoa Kỳ gốc Việt đến học tập hoặc nghiên cứu trong một thời gian ngắn do trường đại học của họ tài trợ.
Chương trình sẽ thành lập Ban giám sát và cố vấn, mỗi năm họp một lần để giám sát tiến trình và đánh giá mức độ thành công của dự án. Ban này gồm một thành viên thuộc ngành công nghệ Y Sinh địa phương và các thành viên của: Cơ quan tài trợ chương trình, Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, Hội đồng đánh giá kỹ thuật và công nghệ (ABET), trường đại học Hoa Kỳ, Đại học ở Việt Nam (mỗi đơn vị một thành viên). Tiêu chuẩn đánh giá gồm kết quả học tập của học viên, sự thành công của nhóm đỡ đầu, số lượng các công trình nghiên cứu và các ấn phẩm khoa học được công bố do dự án này mang lại.
Các cơ quan có tiềm năng hỗ trợ dự án
* Trường đại học Hoa Kỳ: Miễn học phí cho học viên của chương trình; cho quyền sử dụng giáo sư, nhân sự, phòng ốc, phòng thí nghiệm và trang thiết bị; giảm thiểu tối đa chi phí gián tiếp cho dự án.
* Các trường đại học Việt Nam: Giúp tổ chức tuyển sinh; cho thi TOEFL, GRE miễn phí.
* Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF): Đài thọ học bổng cho học viên Việt Nam sang học tại Hoa Kỳ; tiền đi lại và học bổng cho giáo sư và sinh viên Hoa Kỳ sang làm việc tại Việt Nam.
* Quỹ khoa học Quốc gia và các viện y tế Quốc gia: Tài trợ những chương trình nghiên cứu khoa học và giáo dục liên quan và một số chi phí cho chương trình.
* Các cơ quan tài trợ khác như Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng thế giới và các cơ sở công - kỹ nghệ: Thiết lập phòng ốc, trang thiết bị hiện đại cho phòng thí nghiệm của trường đại học Việt Nam.
Tóm lại, nếu mô hình Phân khoa ảo được triển khai thực hiện và thực sự phát triển tại nhiều trường đại học của Việt Nam, dự án này sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai phía: Việt Nam sẽ đào tạo được một thế hệ chuyên gia giỏi về công nghệ y sinh để có thể thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của ngành này tại Việt Nam, thu hút được các nhà khoa học trẻ của Hoa Kỳ và Việt Nam, đồng thời phía Hoa Kỳ cũng có cơ hội tìm kiếm được những tài năng mới trong quan hệ cộng tác nghiên cứu công nghệ Y Sinh, và có ảnh hưởng tốt tới việc mở rộng thị trường cho ngành công nghiệp sản xuất thiết bị y tế tại Việt Nam.
Nguồn : VOCW.EDU.VN
Summary: Hiện nay chúng ta đang rất thiếu đội ngũ giảng viên xuất sắc về công nghệ cao, nhất là công nghệ Y Sinh. Bài viết này đề xuất một mô hình hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc thành lập một Phân khoa ảo trong lĩnh vực công nghệ Y Sinh, nhằm đào tạo một thế hệ chuyên gia đáp ứng yêu cầu trong lĩnh vực công nghệ này cho Việt Nam trong tương lai.
Vấn đề đầu tiên đặt ra ở đây là Việt Nam nên phát triển những bộ môn gì và hấp thu những cái mới nhận được thế nào để có thể áp dụng chúng vào hoàn cảnh kinh tế và xã hội hiện tại của đất nước, mang lại hiệu quả tốt nhất. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung đề cập đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ.
Theo chúng tôi, để có thể hấp thu các công nghệ cao, Việt Nam cần phải tập trung vào hai vấn đề chính là đào tạo nhân lực tại nước ngoài và thiết lập cơ sở hạ tầng tương ứng. Đào tạo nhân lực đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ lưỡng các ứng viên về khoa học cơ bản, công nghệ và ngoại ngữ cũng như các thủ tục hành chính. Xây dựng một hạ tầng cơ sở phù hợp là yếu tố rất quan trọng giúp tránh được sự chảy máu chất xám ra nước ngoài, cũng như chảy máu chất xám tại chỗ. Dưới đây, xin đưa ra một mô hình với mục đích đào tạo nhân lực và thiết lập hạ tầng cơ sở tương ứng. Mô hình này có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực khoa học và công nghệ mũi nhọn cũng như cho bất kỳ trường đại học nào. Lấy một thí dụ cụ thể là thiết lập một mô hình Phân khoa ảo về công nghệ Y Sinh của một trường đại học Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, Phân khoa này sẽ đặt tại một trường Đại học Hoa Kỳ và đến giai đoạn cuối sẽ được chuyển toàn bộ về trường đại học đó tại Việt Nam. Vì sự hình thành và phát triển như vậy nên chúng tôi gọi đó là Phân khoa ảo. Dự án có thể được triển khai trước tiên tại một trường đại học, sau đó sẽ nhân rộng sang các trường đại học khác.
Tại sao cần xây dựng mô hình Phân khoa ảo?
Một mô hình hoàn hảo và hữu hiệu phải là một mô hình đào tạo cả một nhóm người cùng hoạt động theo một chủ đề và trong một cơ sở vật chất đầy đủ. Mô hình đó phải hội đủ hai điều kiện: 1) Do người Việt Nam sáng tạo và chủ động vì chỉ có những người Việt Nam mới biết rõ nhu cầu và hoàn cảnh thực sự của đất nước mình; 2) Được nuôi dưỡng trong một hệ thống giáo dục vừa uyển chuyển vừa năng động. Hoa Kỳ là một môi trường có thể đáp ứng được các yêu cầu đó. Hơn nữa, trong khoa học và công nghệ, một phân khoa hoàn hảo phải gắn kết được đào tạo với nghiên cứu, hàn lâm với công nghiệp, khoa học và công nghệ với kinh tế, lý thuyết với thực hành, ý tưởng với thực tiễn. Điều này có nghĩa là phân khoa đó không chỉ gồm các nhà khoa học, mà còn có các nhà quản trị, kinh doanh, những người có kinh nghiệm lãnh đạo, có khả năng biến kết quả nghiên cứu thành những sản phẩm đứng vững trên thị trường và sinh lợi. Điều này sẽ giúp phân khoa tự lực cánh sinh và giúp cho nền kinh tế đất nước phát triển. Ngoài ra, những người đó còn phải có khả năng và nhiệm vụ giảng dạy để nhân rộng sứ mạng của mô hình cho thế hệ mai sau: Đó là sự kết hợp giữa đào tạo với nghiên cứu và quản lý. Họ cũng sẽ là những người mở đường cho việc tạo dựng trung tâm chất lượng cao cho lĩnh vực liên quan.
Để xây dựng thành công Phân khoa ảo, trường đại học dùng làm môi trường nuôi dưỡng phải có người điều phối hiểu biết không những về ngành khoa học công nghệ liên quan mà còn cả về hiện trạng của hai nước và hai nền văn hóa. Trong thời gian nuôi dưỡng này, các thành viên Việt Nam sẽ cùng nghiên cứu với nhau và với các nghiên cứu gia của trường đại học Hoa Kỳ. Họ không những làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ mà còn trong những lĩnh vực quản trị và kinh doanh nữa. Mặc dù đây chỉ là một phân khoa ảo nhưng họ sẽ điều hành nó như một phân khoa thực sự. Vì cách bố cục như thế, Phân khoa này có thể thu hút các sinh viên Mỹ gốc Việt hoặc những người Việt Nam ở nước ngoài đã thành tài và mong trở về phục vụ đất nước. Khi trở về Việt Nam, họ sẽ mang theo những kiến thức mới về nghiên cứu, đào tạo, quản trị và những trang thiết bị mà họ đã sử dụng trong thời gian học tập tại Hoa Kỳ. Trong giai đoạn chuyển tiếp, các giáo sư thỉnh giảng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục giúp đỡ trong việc đào tạo các học viên mới, triển khai cơ cấu và các hoạt động khác của Phân khoa tại Việt Nam. Sau đó, họ sẽ thiết lập những chương trình đào tạo từ xa để giữ mối liên hệ và cập nhật thông tin phục vụ cho đào tạo. Như vậy, nhờ sự hiểu biết về nhu cầu và điều kiện làm việc của Việt Nam, những thành viên của Phân khoa sẽ được trang bị những kiến thức mũi nhọn để có thể đưa những công nghệ mới nhất của quốc tế vào đất nước mình một cách hữu hiệu nhất. Trên nguyên tắc, mô hình này có thể áp dụng cho bất kỳ lĩnh vực khoa học và công nghệ nào nhằm triển khai nhanh chóng khoa học và công nghệ hiện đại vào bất kỳ trường đại học nào tại Việt Nam một cách hiệu quả nhất.
Sau khi đánh giá nhu cầu và tiềm năng trí tuệ của Việt Nam, chúng tôi cho rằng có thể triển khai hai lĩnh vực chính trong khuôn khổ chương trình này là Chế tạo thiết bị Y Sinh và Y học tái tạo bằng gen.
Chế tạo thiết bị y tế đóng vai trò quan trọng trong chăm sóc sức khỏe con người và có ảnh hưởng to lớn tới kinh tế, do vậy rất cần những kỹ sư sáng chế, vận hành và bảo trì các thiết bị này. Những kỹ sư này cũng sẽ là những cộng tác viên đắc lực có thể giúp các nhà nghiên cứu trong công việc của họ, giúp đỡ các nhà quản lý bệnh viện trong việc lựa chọn các thiết bị thích hợp và giúp đỡ các nhà đầu tư trong việc xác định nhu cầu. Việt Nam có nguồn nhân lực rẻ và khéo tay, vì thế nếu có được một đội ngũ các nhà thiết kế về thiết bị y học được đào tạo hoàn chỉnh và có điều kiện làm việc thì sẽ có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế tạo thiết bị y tế.
Đồng thời, để chuẩn bị cho tương lai của ngành công nghệ Y Sinh, Việt Nam cũng cần triển khai lĩnh vực Y học tái tạo bằng gen (regenerative medicine). Lĩnh vực này có phạm vi hoạt động rộng lớn như: Sử dụng tế bào, gen và các vật liệu sinh học khác để sửa chữa hoặc thay thế các mô và các cơ quan bị hư hại; sử dụng công nghệ, công nghệ Y Sinh để ngăn chặn sự lan truyền của các vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh cho người và động vật. Nó cũng bao gồm việc nghiên cứu cơ chế kháng sinh và các lĩnh vực liên quan tới chế tạo dược phẩm, vật liệu cảm ứng sinh học sử dụng trong cấy ghép. Việt Nam là nơi rất thích hợp cho các hoạt động này. Sau chiến tranh, Việt Nam có rất nhiều người bị tàn tật trong chiến tranh và do các bãi mìn còn sót lại, các thế hệ tương lai còn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, gây quái thai hoặc bị các bệnh về gen. Ngành này là một bước tiến xa của ngành kỹ thuật phục hồi cổ điển mà Việt Nam có thể khắc phục được trong tương lai gần.
Mục đích cụ thể
Phân khoa ảo về công nghệ Y Sinh sẽ gồm những học viên Việt Nam được tuyển lựa từ những chuyên ngành khác nhau của một trường đại học tại Việt Nam. Học viên này sẽ quy tụ trong ba nhóm nhỏ: Quản trị, kinh doanh và nghiên cứu. Sinh viên của hai nhóm đầu học chương trình thạc sĩ về công nghệ Y Sinh, còn học viên ở nhóm thứ ba sẽ học tiến sĩ về ngành này. Tất cả các ứng viên phải có bằng thạc sĩ ở Việt Nam và một số kinh nghiệm giảng dạy hoặc quản trị. Khi tốt nghiệp chương trình này, họ sẽ có hiểu biết sâu sắc về các vấn đề chính sách, kinh tế và xã hội trên bình diện công nghệ và y tế tại các khu vực kinh tế nhà nước và tư nhân, có kiến thức chuyên môn về phát triển công nghệ tại các viện nghiên cứu hoặc trong ngành công nghiệp sản xuất thiết bị y tế, có thể thiết kế và giảng dạy các khóa học về công nghệ Y Sinh tại các trường đại học. Ứng viên của nhóm học về quản trị có thể có bằng quản trị kinh doanh, khoa học hoặc kỹ thuật. Đề tài luận văn thạc sĩ của họ sẽ tập trung vào phương cách lãnh đạo và quản trị kỹ thuật. Ứng viên của nhóm kinh doanh phải có bằng khoa học hoặc kỹ thuật, luận văn thạc sĩ của họ sẽ tập trung vào việc triển khai các nghiên cứu ứng dụng hoặc hợp tác với công nghiệp để tạo cơ hội cho các kết quả của vườn ươm khoa học phát triển. Ứng viên của nhóm nghiên cứu phải có bằng về khoa học hoặc kỹ thuật. Luận án tiến sĩ của họ sẽ tập trung vào đề tài nghiên cứu khoa học trình độ cao. Trong quá trình học tập, học viên sẽ học theo đúng chương trình công nghệ Y Sinh của trường đại học Hoa Kỳ, tham gia các đề tài nghiên cứu và giảng dạy, viết dự án dự thảo và xuất bản công trình nghiên cứu khoa học. Cả nhóm sẽ cùng học phương thức điều hành Phân khoa và thiết kế chương trình giáo dục, đào tạo cho trường đại học của mình.
Trong thời gian học tập tại Hoa Kỳ, học viên Việt Nam có thể về nước dạy các khóa học hè tại trường đại học của mình cùng với các giáo sư Hoa Kỳ. Cần nên khuyến khích giáo sư công nghệ Y Sinh của các trường đại học Hoa Kỳ khác tham gia vào chương trình bằng cách tiến hành seminar hay giảng bài cho nhóm học viên này. Các học viên cũng sẽ có cơ hội quan sát sinh hoạt của các phân khoa công nghệ Y Sinh ở các trường đại học khác và ngành công nghiệp này. Phân khoa ảo sẽ mở cửa cho những nhà khoa học Hoa Kỳ muốn sang Việt Nam làm việc. Chương trình cũng tiếp nhận các nhà khoa học Việt Nam và các nhà khoa học Hoa Kỳ gốc Việt đến học tập hoặc nghiên cứu trong một thời gian ngắn do trường đại học của họ tài trợ.
Chương trình sẽ thành lập Ban giám sát và cố vấn, mỗi năm họp một lần để giám sát tiến trình và đánh giá mức độ thành công của dự án. Ban này gồm một thành viên thuộc ngành công nghệ Y Sinh địa phương và các thành viên của: Cơ quan tài trợ chương trình, Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, Hội đồng đánh giá kỹ thuật và công nghệ (ABET), trường đại học Hoa Kỳ, Đại học ở Việt Nam (mỗi đơn vị một thành viên). Tiêu chuẩn đánh giá gồm kết quả học tập của học viên, sự thành công của nhóm đỡ đầu, số lượng các công trình nghiên cứu và các ấn phẩm khoa học được công bố do dự án này mang lại.
Các cơ quan có tiềm năng hỗ trợ dự án
* Trường đại học Hoa Kỳ: Miễn học phí cho học viên của chương trình; cho quyền sử dụng giáo sư, nhân sự, phòng ốc, phòng thí nghiệm và trang thiết bị; giảm thiểu tối đa chi phí gián tiếp cho dự án.
* Các trường đại học Việt Nam: Giúp tổ chức tuyển sinh; cho thi TOEFL, GRE miễn phí.
* Quỹ giáo dục Việt Nam (VEF): Đài thọ học bổng cho học viên Việt Nam sang học tại Hoa Kỳ; tiền đi lại và học bổng cho giáo sư và sinh viên Hoa Kỳ sang làm việc tại Việt Nam.
* Quỹ khoa học Quốc gia và các viện y tế Quốc gia: Tài trợ những chương trình nghiên cứu khoa học và giáo dục liên quan và một số chi phí cho chương trình.
* Các cơ quan tài trợ khác như Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng thế giới và các cơ sở công - kỹ nghệ: Thiết lập phòng ốc, trang thiết bị hiện đại cho phòng thí nghiệm của trường đại học Việt Nam.
Tóm lại, nếu mô hình Phân khoa ảo được triển khai thực hiện và thực sự phát triển tại nhiều trường đại học của Việt Nam, dự án này sẽ mang lại những lợi ích thiết thực cho cả hai phía: Việt Nam sẽ đào tạo được một thế hệ chuyên gia giỏi về công nghệ y sinh để có thể thúc đẩy nhanh chóng sự phát triển của ngành này tại Việt Nam, thu hút được các nhà khoa học trẻ của Hoa Kỳ và Việt Nam, đồng thời phía Hoa Kỳ cũng có cơ hội tìm kiếm được những tài năng mới trong quan hệ cộng tác nghiên cứu công nghệ Y Sinh, và có ảnh hưởng tốt tới việc mở rộng thị trường cho ngành công nghiệp sản xuất thiết bị y tế tại Việt Nam.
Nguồn : VOCW.EDU.VN