Huy Cận nói về Tràng Giang

Tuấn Anh

New member
Xu
0
"Tràng giang" điệp điệp ký ức Huy Cận

Bài thơ “Tràng giang” được rút ra từ tập “Lửa thiêng”, tập thơ đầu tay (được sáng tác vào những năm 1937 – 1940) đã khẳng định vị trí hàng đầu của Huy Cận trong làng thơ mới. Đến nay, “Tràng giang” vẫn được coi là mẫu mực của thơ ca tiếng Việt quốc ngữ.


Thưa nhà thơ Huy Cận, những năm ba mươi có thể coi là một thập kỷ ánh sáng của thơ Việt Nam. Cùng với sự bùng nổ mãnh liệt của chữ Quốc ngữ, thơ ca thay da đổi thịt trong luồng gió mới trẻ trung chưa từng có, Hàng loạt các nhà thơ liên tiếp xuất hiện và gây nên những chấn động lớn bàng hoàng cả thi đàn và những người yêu thơ, như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử. Cái không khí thơ ca ấy quá bây giờ hoặc sau này rất khó tìm lại được…


Nhà thơ Huy Cận: Nếu có những người được coi là thi sĩ đích thực thì phải nhắc đến những nhà thơ thời đó. Họ đến với thơ trong sạch, tinh khiết và không hề vụ lợi. Cái không khí thơ ca thời đó thật tưng bừng và cuốn hút tất thẩy những ai dễ rung động và lây lan. Ngày ấy trên đầu các nhà thơ đều lấp lánh một vầng hào quang thực sự. Họ sống và hạnh phúc vì được làm thơ, cho nên Thơ Mới mới có một cú “đoạn tuyệt” thật ngoạn mục với thơ cũ. Mỗi nhà thơ khi ấy không chỉ là nhà thơ đơn thuần mà còn là chiến sĩ tranh đấu cho thơ. Chữ Quốc ngữ được dùng thật đắc địa. Vì có nhiều nhà thơ nên hầu như mỗi từ đều được soi dọi, phân tích, và tôn vinh nhiều lần trong các bài thơ. Chính thế ngôn ngữ được bồi đắp nghĩa một cách đa dạng, sâu sắc và thấm nhuần một luồng tinh thần mới.

Điều đó dường như chưa đủ để cắt nghĩa cho sự thành công của Thơ Mới. Phải chăng trong cái tâm trạng nô lệ, mất nước, các nhà thơ đã trút tất cả tâm huyết và ý chí của mình vào công việc làm thơ, giải tỏa phần nào nỗi nhục mất nước. Mất nước đồng nghĩa với mất đi quê hương trong tâm hồn, mất đi cái căn cốt xây đắp nên nền tảng của mỗi đời người. Tôi cảm giác rằng thiếu vắng quê hương không chỉ các nhà thơ bấy giờ phải mang nặng mà nó là tâm trạng của tất cả những ai còn có một chút ý thức về dân tộc. Các nhà thơ ngoài sự thỏa mãn khát vọng thơ ca, họ còn đến với thơ như tìm về với Quê hương trong tâm hồn mình. Đấy có thể là yếu tố quan trọng và quyết định cho sự thành công của Thơ Mới?


Nhà thơ Huy Cận: Đúng, Tôi còn nhớ tâm trạng của tôi khi đó. Một tâm trạng tha hương, lưu lạc ngay trên Tổ quốc, ngay trên Đất Mẹ của mình. Điều này thực khủng khiếp, vì con người sẽ bị khủng hoảng tinh thần tận gốc rễ. Chúng ta thử tưởng tượng xem, những thi sĩ tạo nên thi đàn bấy giờ phần chính đều là trẻ trung, tươi mới và chưa quá tuổi hai mươi. Tuổi hai mươi là tuổi hăng say nhất, khí phách nhất và ý thức về danh dự mạnh mẽ nhất, tuổi sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để bảo toàn lấy danh dự của mình, của dân tộc mình. Nhưng những nhà thơ của tuổi hai mươi ấy lại phải chứng kiến kẻ thù giầy xéo mảnh đất yêu thương, tiếng mẹ đẻ bị đẩy ra, chỉ được giảng phụ khóa trong các trường học, những giá trị tinh thần của ông cha bị coi rẻ, vùi lấp. Các thế hệ kế tiếp đứng trước một thực trạng đau đớn, có nguy cơ bị mất gốc hoàn toàn, bị cắt lìa ra khỏi tinh thần cho ông như một cành cây. Và để bảo toàn nó, tức là bảo toàn các giá trị tinh thần đã truyền đời qua ngàn ngàn thế hệ, đã tiếp sức cho các thế hệ trước và truyền lại cho thế hệ sau này, các nhà thơ lúc ấy đã mang tất cả tâm huyết và sinh lực của mình ra để sáng tạo, để níu giữ và bồi trì cho quê hương bất chấp sự áp đặt và xâm lấn của một nền văn minh khác. Với ý tưởng này, các nhà thơ mới bấy giờ, xứng đáng là những chiến sĩ kiên cường của nền thơ ca Việt Nam.


Điều đó có thể lý giải cái không khí buồn bã, quạnh hiu trong tập Lửa thiêng. Tập Lửa thiêng được sáng tác vào khoảng năm 1937 – 1940. Đó là những năm mà phong trào dân chủ đang sôi nổi nhất, báo chí được phát triển khá mạnh, xã hội bừng bừng khí thế cho cuộc tập dượt cách mạng lần thứ hai. Chính trong không khí háo hức chuẩn bị, chờ đợi đó, con người càng nhận rõ sự mất nước, sự thiếy vắng Quê hương trong hồn mình. Điều này có lẽ tác động rất mạnh vào tâm hồn chàng trai 18 tuổi là ông. Và nỗi mất mát không có gì bù đắp ấy, đã không ngừng tạo ra không khí buồn bã và u tịch trong Lửa thiêng và đặc biệt là trong bà Tràng giang, một bài thơ thành công vang dội mà ngay khi vừa xuất hiện các nhà thơ đồng thời đã nhìn nhận nó thuộc vào hàng “cổ điển” tức là thuộc về khuôn mẫu của thơ ca.


Nhà thơ Huy Cận: Tôi sáng tác bài Tràng giang vào mùa thu năm 1939 khi tôi đang học năm thứ ba trường Cao đẳng nông lâm. Tôi luôn luôn bị một mối sầu lớn vò xé tâm hồn. Hà Nội bấy giờ còn rậm rạp đầy cây cối và hồ nước. Tôi thường đi xe đạp lên đường đê Nhật Tân, con đê nằm giữa Hồ Tây và Sông Hồng. Cảnh vật hoang vắng lạ thường. Mùa đó là mùa nước lũ từ nguồn đổ về làm dòng sông Hồng mới trước đó còn tĩnh lặng, chậm chạp đột nhiên mở rộng lòng ra mênh mang, đỏ quánh cuồn cuộn để về đông. Tôi thường đứng lặng để ngắm cảnh tượng vừa hùng vĩ vừa hoang vắng ấy. Buổi chiều tháng chín năm 1939 đó, như thường lệ, tôi lại đứng ngắm nhìn dòng sông Hồng, thấy rác rều, bèo bọt trôi nổi lênh đênh và phía xa xa một dòng hơi sương lam dâng lên mơ hồ. Tĩnh lặng. Ngay cả bóng người cũng không có. Một đôi ba cánh chim chấp chới giữa một vòm trời về chiều nhạt mờ u ám. Có lẽ cảnh thiên nhiên không đến nỗi thiếu sức sống như thế, nhưng có thể tâm hồn tôi khi đó đã rung lên đúng điệu buồn bã cô hoài. Thiên nhiên đã nhập vào tôi theo điệu cô hoài đó và từng lời từng lời bắt đầu như có dòng nước lũ muốn cuốn ra từ lòng tôi.


Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái nước song song


Theo như xuất xứ của bài thơ, dòng sông Hồng khi đó đang mùa lũ, mênh mông cuồn cuộn. Thế nước thật hùng vĩ. Thế nhưng ngay hình ảnh ban đầu nhập vàp bài thơ, con sông lại có vẻ nhẹ nhàng, buồn bã. Động từ “gợn” ở đây nhẹ nhàng gợn lên những điều gì mong manh mơ hồ vừa như da diết vừa như dè chừng một điều gì đó, lại thêm từ “tràng giang” được đặt ngay sau. “Sóng gợn tràng giang” ngay lập tức người ta có thể cảm thấy một cảm giác mơ hồ buồn bã vô tận. Để xác định lại cảm giác ấy câu thơ đi nốt phần nghĩa của mình “buồn điệp điệp”. “Điệp điệp” là nỗi buồn chồng chất tầng tầng lớp lớp, nhưng như thế dường như lại trái nghĩa đối với nỗi buồn được “gợn” lên và kéo dài?


Nhà thơ Huy Cận: Tôi phải khẳng định rằng, trong tâm hồn con người ché không chỉ là tâm hồn thi sĩ, không phải cảnh đi vào tâm mà luôn luôn tâm phóng chiếu ra cảnh. Nguyễn Du từng viết:


“Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”.


“Sóng gợn tràng giang”, quả là động từ “gợn” sẽ khiến nhiều người thắc mắc khi biết và đọc phần sau bài thơ. Một dòng sông Hồng mùa lũ không thể có động từ nhẹ nhàng thế được. Nhưng chính trong khung cảnh cuồn cuộn hùng vĩ của dòng sông Hồng đó, động từ “gợn” như một cái gương đối lập làm nổi bật lên nỗi sầu khôn tả của thi sĩ. Người ta buộc phải dừng lại ở động từ như thể “nghịch lý” này, tìm hiểu nó, đánh giá nó, phán quyết nó để cuối cùng nhận ra nỗi sầu kia. Và chỉ cần nhận ra điều đó cả thi si lẫn người đọc sẽ bị cuốn vào “điệp điệp” nỗi sầu. ở đây không có gì mẫu thuẫn cả. Chỉ là sự thay đổi tâm lý. Nó dẫn tới hình ảnh:


Con thuyền xuôi mái nước song song


“Xuôi mái” có thể là con thuyền nương theo dòng nước mà đi, nhưng có thể là con thuyền bất lực ngay cả với mái chèo của mình, lênh đênh cho dòng nước cuốn đi. “Buông điệp điệp” không chỉ ở tâm tư nữa mà nó đã hiện lên bằng hình ảnh.


Những từ “song song”đã lý giải rõ hơn rằng, con thuyền đó quả là nương theo dòng nước. Có thể khó giải thích ý nghĩa này nếu như hình ảnh con thuyền không được lặp lại đầy ẩn ý:


Thuyền về nước lại sâu trăm ngả


Hình ảnh con thuyền và dòng nước luôn luôn là một hình ảnh nói lên sự gắn bó thân thiết. Cho dù có bị cái “buồn điệp điệp” đè nặng, nhưng ít nhất cảnh tình còn cảm thấy gắn bó bớt cô đơn. Con thuyền trên sông giống như cái nút níu giữ cuối cùng cho sự gắn bó của cảnh của tình. Nhưng khi nó dừng chân ở một bến bờ nào đó, cảnh vật dòng sông đột ngột tịch liêu và rời rã. Phải chăng nhà thơ đã rút cái “nút sầu” cuối cùng của bài thơ …


Nhà thơ Huy Cận: Đó là “nút sầu” mở đầu thì đúng hơn. Tuy nỗi buồn phía trên có “điệp điệp” nhưng cũng chưa đủ kiến tạo cảm giác cô liêu. Chúng ta phải để ý đến sự thay đổi từ, từ chữ “buồn” tác giả trực tiếp nhấn mạnh sang chữ “sầu”. ở đây có sự tăng cấp rõ ràng của nỗi buồn. “Buồn điệp điệp” và “sầu trăm ngả”. Nỗi buồn không chỉ có bề sâu nữa mà nó còn được mở rộng ra “trăm ngả”. Bấy giờ dòng nước đã đồng nghĩa với dòng sâu, nước bao nhiêu sầu bấy nhiêu, nước cuồn cuộn hung nộ bao nhiêu, sầu thảm khốc bấy nhiêu. ở đây dòng sông sầu thảm trong tâm hồn nhà thơ đã tuôn chảy ra và hòa làm một với dòng sông kia. Khoảng khắc này là khoảng khắc quan trọng của bài thơ, khi tâm hồn thi sĩ đã nhập cảnh một cách chọn vẹn. Bấy giờ bất kỳ hình ảnh nào, bất kỳ tiếng vang nào cũng máu thịt đối với nhà thơ và nó chính là đời sống tâm hồn của nhà thơ. Bấy giờ chỉ có tiếng nước, tiếng sầu cuồn cuộn, nức nở, triền miên và vô biên. “Thuyền về nước lại sầu trăm ngả”. “Nước lại”, hai chữ có âm trắc đi liền nhau và đứng vào giữa khoảng khắc “thuyền về” và “sầu trăm ngả”. Nó không du dương, nhiệm vụ của nó là thức tỉnh người đọc.
 
Thơ xưa chuộng những hình ảnh đẹp như mây, gió, trăng, hoa, cả cảnh cả tình phải tao nhã. Những hình ảnh thô không được phép dùng. Nhưng với chỉ một câu: “Củi một cành khô lạc mấy dòng”, quan điểm trên đã bị lung lay. “Củi một cành khô”, một hình ảnh có vẻ tầm thường được đưa vào hết sức tự nhiên. Người đọc có lẽ chấp nhận được ngay vì hình ảnh này một lần nữa lại thu gọn và chứa đựng vào nó một nỗi “sầu trăm ngả”. Nhưng nếu như trên mặt nước phải chăng dùng hình ảnh một cụm bèo lẻ loi, lênh đênh thì hợp cảnh hợp tình hơn?

Nhà thơ Huy Cận: Tôi phải trở lại với hiện thực khung cảnh khi đó. Dòng sông Hồng mùa lũ cuốn từ trên nguồn đổ về cả bèo, củi khô, rong rêu… có nhiều người cũng thắc mắc, tại sao lại củi khô, tại sao lại mấy dòng? Có nhiều lý do để hình ảnh “củi khô” được tiếp nối trong bài thơ. Thứ nhất, khi tôi viết dòng thơ cứ tuôn trào như thế, nhưng có lẽ ngay trong hồn tôi đã mang sẵn một dụng ý cho nên tôi không chọn bèo hay một hình ảnh khác mà lại chọn củi khô. Trong cái mênh mông buồn bã kia thì một hình ảnh thô, cứng, chắc khỏe sẽ tạo nên sự bền vững cho khổ thơ. Có nhà phê bình gọi đó là câu thơ hiện đại giữa bài thơ cổ điển. Thêm nữa, chữ “củi” làm cho người đọc liên tưởng đến những bữa ăn chiều, “củi một cành khô” gợi nhớ đến sự an bình của gia đình, quê hương trong buổi hoàng hôn chuẩn bị bữa tối. Chính cái cảnh thanh bình đó đang hiện ra và trôi nổi giữa dòng nước. “Lạc mấy dòng” lột tả sự hoảng loạn và ly tán của những cảnh thanh bình ấy. “Củi một cành khô lạc mấy dòng”. Sự ly tán và hoảng loạn tràn khắp. Câu thơ này “thực hóa” tất cả nỗi sầu còn lãng mạn, còn mơ hồ ở khổ thơ và đưa nhà thơ trở lại thực tại của khung cảnh và thực tại của đời sống..

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều


Ở đây một thứ “gió đìu hiu” có vẻ như không hợp với bài thơ nữa cho dù khi dùng chữ “lơ thơ cồn nhỏ”, tác giả đã ngụ ý rằng chỉ quan tâm đến cuộc sống của nó. Dường như tác giả có vẻ muốn một lần nữa kiềm chế lại cảm xúc của mình để “tiếp sức” cho những câu thơ bùng nổ tiếp theo?

Nhà thơ Huy Cận: Ở Sông Hồng có những cồn cát lớn chạy nối dài giữa sông. Cây dại và chim chóc tụ đầy. Khi nước lên, những cồn cát đó chỉ còn lơ thơ vài cây mọc trên một gò nổi nhỏ bé. Thi sĩ đứng ngắm nhìn hình ảnh ấy mà đột nhiên chạnh lòng về thân phận con người như cồn nhỏ kia đang bị dòng lũ của cuộc đời nhấn chìm, nhấn chìm dần. Cái cảm giác số phận an bài và đứng chịu chân cho cuộc đời phủ lấp. “Lơ thơ cồn nhỏ” cuộc sống thật buồn bã và nhạt mờ. Chính lúc đó thi sĩ một lẫn nữa thấy gió “hiu hiu” toát lên vẻ cô liêu tịch mịch và u uất của những cồn nhỏ hoang tàn kia. Cái cuộc sống náo nhiệt, ồn ã mà nó được dự vào đâu rồi? “Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều”. Đâu những âm thanh náo nức của cuộc sống, dù bụi bặm, dù chen lấn, hù doạn nhau, nhưng vẫn là một thứ âm thanh lôi cuốn và vỗ về lòng người…

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều


Hai câu thơ, hai hình ảnh hoàn toàn không có liên quan gì tới nhau cả về hình thức lẫn khoảng cách địa lý. Nhưng chúng lại lột tả và bỏ khuyết ý nghĩa cho nhau bởi “thân phận” hai hình ảnh ấy là một. Nó cùng chung đúc nên cái hiu hắt, cô đơn, lạnh giá của kiếp người.

Nắng xuống, trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu


Nhiều nhà phê bình cho rằng tới câu thơ này nỗi buồn của Huy Cận đã vượt ra khỏi lòng người để “nhuộm sầu” vào vũ trụ – Nỗi sầu mà Huy Cận sẽ phản ánh vào tập Vũ trụ ca sau này. Cái buồn của Huy Cận là cái “sầu vũ trụ”, là cảm giác mênh mông cô đơn của con người. Con người cảm thấy nhỏ bé, lẻ loi trước sự vần chuyển của các tinh cầu…

Nhà thơ Huy Cận:

Chúng ta phải chú ý đến cách dựng cảnh, đựng hình của hai câu thơ này. “Xuống”, “lên”, “sâu”, “dài”, “rộng” đã đồng thời dựng lên một không gian ba chiều mênh mông, sâu thẳm. ánh nắng buổi chiều rơi rớt dần như rơi xuống sâu hơn cho dù nó vẫn nằm trên mặt đất. Cái sự hiu hắt, sự lợt lạt của những tia nắng cuối rơi vào thăm thẳm nỗi sầu khiến cho bầu trời – nơi cội nguồn phát khởi của nó “cao chót vót” xa vời hơn, lạ lẫm hơn, hoang tàn hơn:

Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Sông dài, trời rộng bên cô liêu


Chúng ta phải xét tới sự đối nghĩa của hai câu ngõ hầu mới làm sáng tỏ câu thơ được. “Nắng xuống” và “sông dài” ( “tràng giang” bất ngờ được thay bằng “sông dài”) vẽ lên một trục tung được dựng lên bởi sự hiu hắt thê lương của nắng nhạt cuối chiều kết hợp với trục hoành của nỗi sầu “sông dài” dặc dặc. Sự kết hợp này được đẩy lên và mang tính vũ trụ từ hai vế “trời lên” và “trời rộng”. Nhưng nếu chỉ có một cái sầu vũ trụ đơn giản và xa lạ với đời sống được đến bây giờ. Điều cốt tủy của ý tưởng là nằm ở cuối hai câu thơ: “sâu chót vót” và “bến cô liêu”. Rõ ràng một bến nước hiu quạnh được mô tả cộng thêm một cái sầu “sâu chót vót”. Bạn nên để ý thi sĩ không dùng chữ “cao” chót vót như thông lệ mà dùng chữ “sâu”. Điều này chỉ được giải thích khi cái sầu vũ trụ chất ngất kia bắt nguồn từ sâu thẳm một bến nước bình thường. “Bến cô liêu” đã khiến cho cái sầu vũ trụ ấy thực hơn, nhân tính hơn. Đây là một thủ pháp của thơ ca, dùng cái hư để lột tả tinh thần của cái thực và dùng cái thực để thực hóa hình ảnh của cái hư.

Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang


Bài thơ vẫn tiếp tục miêu tả cảnh dòng sông. Bây giờ không còn là sự ly tán, sự hỗn loạn của “củi một cành khô lạc mấy dòng” nữa, mà là từng hàng nối từng hàng. Một sự trôi dạt của cả mảng bèo lớn trong cái khung cảnh “Mênh mông không một chuyến đò ngang”. Người đọc cảm thấy ngay cảnh vật cũng vô phương cứu vớt…
 
Nhà thơ Huy Cận: Trước kia bến sông Hồng có một con đò ngang để chở người qua lại. Buổi hoàng hôn, nước lại lên to nên không ai dám mạo hiểm chèo thuyền cả. Nhưng trong bài thơ nó mang một ý nghĩa khác. “Bèo dạt về đâu”, nhà thơ sống trong tâm trạng mất nước và cũng cảm nhận có biết bao thế hệ như mình đang vật vờ, trôi dạt bị cuộc đời cuốn đi mà không biết trôi về đâu. Khi nhắc đến lá bèo là người ta tưởng đến một loại cây phù du nhất là khốn khổ nhất. Nó cũng được sống trong dòng đời, cũng có một mặt nước để chen chân, nhưng nó hoàn toàn bị lệ thuộc và sự đưa đẩy, dồn nén của dòng đời. Cuộc sống của nó không phải không có mục đích, nhưng lý trí, mục đích ấy luôn luôn bị dòng nước điều khiển dập vùi. Đó là tình cảnh của những người mất nước. “Hàng nối hàng”, nhịp một, hai này chỉ xuất hiện đóng một lần trong bài thơ nhưng có lẽ nó ám ảnh suốt cả bài thơ. Nó tạo ra cảm giác về sự đổ vỡ không ngăn chặn được , không có gì lướt “ngang qua” để mang chúng sang bờ bình yên bên kia. Có người hỏi tôi rằng tại sao không viết “Bèo dạt hàng nối hàng về đâu” để nhấn mạnh vào “hàng nối hàng”. Nhưng có một điểm này, nếu viết như thế thì chữ “về đâu” chỉ là sự than vãn cho cả một thế hệ, như thế rất dễ đánh mất cái sầu cá nhân trong đó. Cho nên “Bèo dạt về đâu” nó lột tả không chỉ sự than vãn của cả một thế hệ mà còn chỉ rõ khi một đất nước đã bị giày xéo thì ngay cả cá nhân với cá nhân trong đất nước cũng không thể “trôi dạt” bất hạnh “cùng nhau” được.

Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng


Những câu thơ trên đều nhốm một màu sầu lụy khôn tả, nhưng khi đọc tới hai câu này, dường như vẻ tươi vui thanh bình lại hắt sáng lên: “thân mật”, “bờ xanh”, “bãi vàng”. Cảnh vật quả lung linh và phản ánh một cuộc sống đầm ấm lạ thường. Có nhà phê bình nói rằng, có lẽ dìm mình trong cảnh sầu vũ trụ, thi sĩ chợt rùng mình và nhớ ra cuộc sống thanh bình êm ả còn ở đâ đó trong tâm tưởng và thốt thiên hai câu thơ này bật ra tự nhiên.

Nhà thơ Huy Cận: Cả bài thơ là một thể thống nhất hài hòa được gắn kết máu thịt trong hồn nhà thơ, không thể có một câu nào tuột khỏi tình cảnh được. ở đây, người đọc phải đặc biệt chú ý đến chữ “không cầu”. Cây cầu bình thường làm nhiệm vụ nối bờ nọ với bờ kai. Nhưng trong thơ ca nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung cây cầu tượng trưng cho ý chí, cho con đường lớn xuyên qua dòng đời để đến với chân lý, với tự do, hạnh phúc. Như vậy phía bờ bên kia được hình tượng hóa thành xứ sở của ấm no và yên bình. “Không cầu” trên dòng sông cuộc đời mênh mông như thế, con người còn tự cảm thấy xa lạ, lạnh lùng cả đối với hạnh phúc mà họ xứng đáng được hưởng. “Không cầu gợi chút niềm thân mật”, con người bị cắt đứt bị chia lìa đối với chính cuộc sống an bình, một kiểu hạnh phúc thật dung dị và đơn sơ.

Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng

Cái “bờ xanh tiếp bãi vàng” yên ả, tuyệt diệu này được gợi nhịp và gắn bó với câu đầu của khổ thơ “hàng nối hàng”. Trong dòng đời, những cuộc đời cứ trôi nổi phiêu bạt, trong khi từng niềm vui, từng nguồn hạnh phúc vẫn chờ đợi họ ở tất cả mọi bến, mọi con nước, nhưng họ có lẽ không bao giờ được hưởng. Cuộc đời xô dạt họ đi không cho kịp dừng lại tận hưởng hay nếm thử một niềm vui, một niềm hạnh phúc nào đang trải ra trước mắt. Giữa bèo dạt “hàng nối hàng” với cảnh thanh bình “bờ xanh tiếp bãi vàng” nối nhau với “không một chuyến đò ngang”, “không cầu”, “không thân mật”…

Vâng, cái ranh giới ấy từng mong manh dễ vượt qua, nhưng những con người trong cuộc sống bấy giờ không sao tới được. Nhưng dường như để bồi nghĩa cho “bờ xanh tiếp bãi vàng” và đẩy nó lên thành biểu tượng thực sự, bài thơ đã được tiếp nối.

Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa


Nhà thơ Huy Cận: Ở đây không hẳn thế, tuy mỗi người được tự quyền lựa chọn cách nghĩ và cảm nhận nhưng tôi nghĩ ở hai câu thơ này cái sầu vũ trụ và vũ trụ ca của Huy Cận được biểu hiện rõ nhất. Cảnh tượng “mây cao đùm núi bạc” ai cũng có thể tìm thấy trong buổi hoàng hôn khi những đám mây đang nuốt chửng mặt trời phía xa xa và ánh sáng khiến cho những đám mây ánh bạc lên lấp lánh. Hình ảnh “lớp lớp mây cao” đã được báo trước từ những hình ảnh bên trên bài thơ. “Buồn điệp điệp” “sầu trăm ngả”… chứng tỏ rằng nỗi sầu của thi sĩ đã dâng lên trùng trùng lớp lớp tràn ngập cả bầu trời. Dòng “tràng giang buồn lên” ấy đã dâng lên ngang trời và dội từng lớp, từng lớp sóng một. Nỗi sầu ấy được dọi sáng bởi ánh sáng chân lý của mặt trời và thấy rõ đây là nỗi sầu chân thật. Từng có câu “sầu đông càng lắc càng đầy”. Quả vậy, cảnh huống ấy, thân phận ấy, thi sĩ khi ấy chỉ như một cánh chim cô đơn và thê lương. “Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa”. Hầu như cho đến câu thơ này, một dấu hiệu của đời sống thực sự mới xuất hiện: con chim nhỏ. Nhưng cái mầm sống nhỏ nhoi ấy xuất hiện khi hoàng hôn đang tàn và nỗi sầu đã dậy khắp bầu trời. Nó biểu hiện cho khát vọng, cho sự vươn tới, cho niềm mơ ước và cho sự háo hức sống không nguôi. Cánh chim mơ ước bay lên và cố mang đi mọi ước mơ. Nhưng nỗi sầu đã dâng kín và chỉ một chớp cánh nhỏ nhoi thôi ‘bóng chiều sa” đã đổ xuống. Con chim không cất nổi nỗi sầu như sông như núi của thi sĩ. Cái bóng hoàng hôn để xuống từ “thuyền về”, “đìu hiu”, “cô liêu”, “lặng lẽ” thật nặng nề và cánh chim yếu ớt phải mang tất cả trên mình. Hình ảnh ấy mới buồn thương và tội nghiệp biết bao.

Đây là một câu thơ cô đọng và có tính tượng trưng rất cao.

Khi đọc đến hai câu thơ cuối:

Lòng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà


Người đọc liên tưởng đến hai câu thơ của Thôi Hiệu (704-754), một nhà thơ Đường ( Trung Quốc), trong bài thơ Hoàng Hạc Lâu:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu


Tản Đà dịch là:

Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai


Thưa nhà thơ, trước khi viết bài Tràng giang nhà thơ đã đọc kỹ thơ Đường và cái hồn thơ Đường đã ngấm rất sâu vào tâm hồn nhà thơ?

Nhà thơ Huy Cận: Trước khi viết tập Lửa thiêng tôi có đọc thơ Đường chủ yếu qua bản dịch của Tản Đà và Ngô Tất Tố, tuy nhiên không nhiều. Nhưng có lẽ tôi thấm lấy hồn thơ Đường qua một cách khác. Đó là vì khi đó tôi đã yêu tha thiết thơ của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Đặng Trần Côn, bà Huyện Thanh Quan… hồn thơ Đường mà các nhà thơ đó ảnh hưởng đã truyền thấm qua tôi. Bài thơ này (Tràng giang) in lần đầu tiên ở báo Ngày Nay năm 1940. Ngô Tất Tố đọc xong liền gặp và nói với Lưu Trọng Lư rằng “Huy Cận là ai mà làm thơ hay thế, hồn thơ Đường mà hay hơn thơ Đường” (nguyên văn). Lưu Trọng Lư liền đến nhà trọ của tôi và báo cái tin đó rồi kéo tôi đi chiêu đãi một bữa. Sau này tôi mới tìm đọc có hệ thống thơ Đường qua nhiều bản dịch khác nhau và tiếp nhận lấy cái tinh túy từ đó. Tất nhiên nền thơ nào cũng có mặt hạn chế của nó, kể cả thơ Đường. Cùng với ý thơ này của tôi, năm 1942 A-ra-gông (nhà thơ Pháp) đã viết câu thơ đại ý nói rằng: Sống trên đất nước mình mà như là người khách lạ. Cái sầu vì mất quê hương ở nơi nào cũng giống nhau, và đau đơn không tả như nhau.

Vâng, cái sự thiếu vắng quê hương trong hai câu thơ sâu xa:

Làng quê dợn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà


Mang tính âm u cổ kính của thơ Đường, lại sống trong cái tinh tế đầy màu sắc của ngôn ngữ tiếng Việt, đã khiến nó trở thành một trong những câu thơ hay nhất của phong trào Thơ Mới.

Xem thêm:
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top