Hướng dẫn làm phần đọc – hiểu văn bản trong đề thi đạt điểm tối đa

Các bạn học sinh thường hỏi: "Làm thế nào để đạt điểm cao trong phần đọc hiểu văn bản?". Cùng tham khảo một số cách giúp bạn giành điểm tối đa phần đọc - hiểu văn bản nhé!

Hướng dẫn làm phần đọc hiểu văn bản.png

Hướng dẫn làm phần đọc – hiểu văn bản trong đề thi

I. Năng lực đọc – hiểu

– Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực người học, năng lực đọc hiểu là năng lực chung, cốt lõi cần hình thành cho học sinh THCS. Bởi vậy, đọc hiểu trở thành nội dung quan trọng của môn Ngữ văn. Năng lực đọc hiểu được hiểu như sau:

1. Có được những kiến thức cơ bản về văn bản như: Hiểu từ ngữ, các biện pháp NT trong văn bản, hiểu thể loại, cấu trúc của từng văn bản, hiểu các phương thức được dùng trong văn bản, hiểu đề tài, chủ đề của văn bản….
2. Có được những kĩ năng đọc hiểu văn bản quan trọng như: Tìm chủ đè, nội dung chính của văn bản, tìm các chi tiết thông tin về văn bản, giải thích phân tích các chi tiết, hình ảnh trong văn bản đó tổng hợp để nắm được nội dung của văn bản hoặc một đoạn văn, đánh giá về nội dung ý nghĩa và hình thức của văn bản….
3. Biết vận dụng kiến thức kĩ năng đọc hiểu văn bản để giải quyết các nhiệm vụ trong quá trình học tập, thi cử và các hoạt động khác trong đời sống…..

II. Các loại văn bản đọc – hiểu thường gặp

Trong chương trình Ngữ văn THCS hiện hành có 2 loại văn bản thường gặp là: Văn bản văn học và văn bản nhật dung. Đối với mỗi loại văn bản cần có kiến thức, kĩ năng đọc hiểu phù hợp.

1. Đọc hiểu văn bản văn học:

a. Một số yêu cầu và lưu ý khi đọc hiểu văn bản.
* Đối với các văn bản trung đại Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề sau:

– Văn bản trung đại Việt Nam được sáng tác bằng chữ Hán và chữ Nôm có dùng nhiều điển tích, điển cố…Vì vậy cần phải bám sát bản phên âm, bản dịch nghĩa, hiểu được ý nghĩa các điển tích, điển cố, các từ cổ…
– Hình tượng trong văn bản trung đại thường mang tính ước lệ, tượng trưng nên khi đọc hiểu cần thấy được ý nghĩa tượng trưng ước lệ của các hình tượng đó và điều mà các tác giả gửi trong tác phẩm.
– Văn bản trung đại có tính quy phạm: Ngôn ngữ cân xứng, hài hòa, mực thước dùng nhiều điển tích, điển cố, kết cấu chặt chẽ…Do đó cần tìm hiểu kĩ các phương diện này để hiểu văn bản.

* Đối với truyện ngắn Việt Nam hiện đại:
– Cần chú ý đến nhân vật ( Ngoại hình, nội tâm, ngôn ngữ, hành động mối quan hệ giữa các nhân vật với hoàn cảnh….) để nhận ra đặc điểm tính cách nhân vật, tìm hiểu cốt truyện, kết cấu tác phẩm, sự việc chi tiết tiêu biểu để nhận ra sự hấp dẫn và ý nghĩa của chúng
– Cần chú ý đến nghệ thuật để thấy được giọng điệu, điểm nhìn thái độ và tình cảm của người kể chuyện

* Đối với thơ Việt Nam hiện đại:
Phải cảm nhận được tâm trạng của nhân vật trữ tình, tìm hiểu lời thơ ( âm điệu, từ ngữ, các biện pháp tu từ, cách gieo vần ngắt nhịp…) để nhận ra nội dung trữ tình và ý nghĩa của văn bản, tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của bài thơ và giải thích ý thơ…

* Đối với kịch bản văn học:
Cần tìm hiểu lời thoại của nhân vật để nhận ra tâm tư tình cảm và tính cách của nhân vật, phân tích được hành động và xung đột kịch trong văn bản.

2. Đọc hiểu văn bản nhật dụng

– Văn bản nhật dụng thường đề cập đến những vấn đề quan trọng, bức thiết, có tính thời sự liên quan đến cuộc sống hằng ngày của xã hội và con người như vấn đề dịch bệnh, dân số, môi trường…Vì vậy các văn bản nhật dụng khá đa dạng về đề tài và thể loại.
– Nhiều văn bản nhật dụng có nhiều nét NT đặc sắc về ngôn từ, bố cục, hình ảnh, các phép tu từ…Khi đọc hiểu văn bản nhật dụng cần nắm vững các vấn đề về đời sống XH mà văn bản đề cập, đồng thời hiểu được những nét đặc sắc NT đó.

III. Nội dung câu hỏi và bài tập đọc – hiểu văn bản thường gặp

– Trong đề thi, kiểm tra Ngữ văn phần đọc hiểu văn bản chủ yếu sử dụng bài tập và câu hỏi tự luận. Do đó học sinh cần đọc kĩ câu hỏi, bài tập và lựa chọn nội dung trả lời, cách diễn đạt đúng với yêu cầu. Nội dung các câu hỏi và các bài tập đọc hiểu văn bản thường hướng vào các vấn đề sau:
– Nội dung của văn bản, đoạn văn
– Những vấn đề về hình thức, nghệ thuật của văn bản như: Bố cục văn bản, các phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ, hình ảnh, chi tiết, từ ngữ….

Câu hỏi và các bài tập đọc hiểu văn bản thường hướng vào đánh giá năng lực học sinh theo các mức độ: Nhận biết thông hiểu và vận dụng
* Mức độ nhận biết: Thường hướng vào các vẫn đề về thể loại, đề tài, phương thức biểu đạt, các biện pháp tu từ, hình ảnh chi tiết, thông tin trực tiếp của văn bản….
* Mức độ thông hiểu: Thường hướng vào các vấn đề ( Nêu nội dung chính của văn bản, lí giải nội dung văn bản, ý nghĩa của các biện pháp tu từ, chi tiết quan trọng trong văn bản…)
* Mức độ vận dụng: Hướng vào các vấn đề ( Đánh giá hình thức, nội dung của văn bản, vận dụng ý nghĩa hoặc rút ra bài học từ văn bản để giải quyết các tình huống thực tiễn.

IV. Bài tập minh họa

Bài tập 1: Đọc kĩ phần trích sau đây và trả lời câu hỏi bên dưới:
Gần xa nô nức yến anh
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.

(Cảnh ngày xuân- Truyện Kiều)

1. Xác định và nêu tác dụng của các từ láy trong đoạn trích?
2. Câu thơ “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” là kiểu câu nào xét theo cấu tạo
3. Chỉ ra biện pháp tu từ và tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ:
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.


Hướng dẫn trả lời:
1. Xác định 2 từ láy: nô nức, dập dìu ( 0,5 đ )
* Tác dụng: Nhấn mạnh không khí tưng bừng đông vui rộn ràng của lễ hội mùa xuân ( 0,5 đ)
( Nếu nhầm thêm từ sắm sửa thì trừ 0,25 đ )
Giải nghĩa hai từ mỗi từ 0,5 đ:
– Tài tử: Người trai tài
– Giai nhân: Người con gái đẹp

2. Câu thơ “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm” là câu ghép xét theo cấu tạo

3. Chỉ ra biện pháp tu từ và tác dụng của biện pháp tu từ trong câu thơ:
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.

– Biện pháp: đảo trật tự cú pháp (Dập dìu tài tử…)
– So sánh và hoán dụ: Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.
⇒ Nhấn mạnh không khí đông vui nhộn nhịp của lễ hội mùa xuân

Bài tập 2: Đọc kĩ phần trích sau đây và trả lời câu hỏi bên dưới:
“Ông lão ôm thằng con út vào lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó, khẽ nói:
-Húc kia! Thầy hỏi con nhé, con là con ai?
-Là con thầy mấy lỵ con u.
-Thế nhà con ở đâu?
-Nhà ta ở làng chợ Dầu.
-Thế con có thích về làng chợ Dầu không? Thằng bé nép đầu vào ngực bố trả lời khe khẽ:
-Có. Ông lão ôm khít thằng bé vào lòng, một lúc lâu lại hỏi:
-À thầy hỏi con nhé. Thế con ủng hộ ai? Thằng bé giơ tay lên, mạnh bạo và rành rọt:
-Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm! Nước mắt ông lão giàn ra, chảy ròng ròng trên hai má. Ông nói thủ thỉ:
-Ừ đúng rồi, ủng hộ Cụ Hồ con nhỉ. Mấy hôm nay ru rú ở xó nhà, những lúc buồn khổ quá chẳng biết nói cùng ai, ông lão lại thủ thỉ với con như vậy. Ông nói như để ngỏ lòng mình, như để mình lại minh oan cho mình nữa. Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cụ Hồ trên đầu trên cổ xét soi cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết có bao giờ dám đơn sai. Mỗi lần nói ra được vài câu như vậy nỗi khổ trong lòng ông cũng vơi đi được vài phần.”

(Trích “ Làng”- Kim Lân)

1/ Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn văn? ( 0,5 điểm)
2/ Hãy giải thích từ “ Đơn sai” trong câu văn “ Chết thì chết có bao giờ giám đơn sai” – 0,5đ
3/ Hai câu “ Nước mắt ông lão cứ giàn ra, chảy ròng ròng hai bên má. Ông nói thủ thỉ….” Là lời của ai ? 0,5đ
4/ Tìm một câu nghi vấn và câu cầu khiến trong đoạn trích? (1.0đ)
5/ Nêu nội dung chính của đoạn trích (1,5đ)

Hướng dẫn trả lời:
1/ Phương thức biểu đạt chính: Tự sự ( 0,5 điểm)
2/ “Đơn sai” trong câu văn “Chết thì chết có bao giờ giám đơn sai”:
Nói sự thật, không nói sai, nói dối ( – 0,5đ)
3/ Hai câu “Nước mắt ông lão cứ giàn ra, chảy ròng ròng hai bên má. Ông nói thủ thỉ….” Là lời của ông Hai nói với cậu con trai ( 0,5đ)
4/ Câu nghi vấn: -Thế con có thích về làng chợ Dầu không? (0,5đ)
Câu cầu khiến: -Ủng hộ Cụ Hồ Chí Minh muôn năm! (0,5đ)
5/ Nêu nội dung chính của đoạn trích (1,5đ)
– Cuộc trò chuyện của ông Hai với con trai qua đó bộc lộ tình yêu làng yêu nước và tinh thần ủng hộ kháng chiến, ủng hộ cách mạng, ủng hộ cụ Hồ

Bài tập 3: Đọc kĩ phần trích sau đây và trả lời câu hỏi bên dưới:
“Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương, khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ
Ôi kì lạ và thiêng liêng- bếp lửa!

(“Bếp lửa”- Bằng Việt)

Hướng dẫn trả lời:

1/ Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ?
2/ Trong 2 câu thơ:
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm…..
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

a. Giải nghĩa từ “ nhóm” trong 2 câu thơ trên?
b. Xác định nghĩa gốc? Nghĩa chuyển và phương thức chuyển nghĩa?
c. Từ “Tâm tình” là từ loại nào xét theo nguồn gốc và cấu tạo?
4/ Chỉ ra tác dụng của điệp từ “ nhóm” ?
5/ Nêu nội dung chính của đoạn thơ?

Hướng dẫn trả lời:
1/ Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: biểu cảm ( 0,5 điểm)
2/ Trong 2 câu thơ:
Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm…..
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ

a. Giải nghĩa từ “ nhóm” trong 2 câu thơ :
– Nhóm bếp lửa: Cho lửa bén vào chất đốt làm cho chất đốt cháy lên ( 0,5 điểm)
– Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ: Khơi dậy những tình cảm tốt đẹp ( 0,5 điểm)
b. Xác định nghĩa gốc: Nhóm bếp lửa
– Nghĩa chuyển: Nhóm dậy cả những…nhỏ ( 0,25 điểm)
– Phương thức chuyển nghĩa: Ẩn dụ ( 0,25 điểm)
c. Từ “ Tâm tình” xét theo nguồn gốc: hán việt và cấu tạo: ghép ( 0,5 điểm)
4/ Tác dụng của điệp từ “ nhóm”: ( 1 điểm)
– Điệp từ “nhóm” được nhắc lại 4 lần làm toả sáng hơn nét “kì lạ” và thiêng liêng bếp lửa. Bếp lửa của tình bà đã nhóm lên trong lòng cháu bao điều thiêng liêng, kì lạ. Từ “nhóm” đứng đầu mỗi dòng thơ mang nhiều ý nghĩa: Từ bếp lửa của bà những gì được nhóm lên, khơi lên?
+ Khơi dậy tình cảm nồng ấm
+ Khơi dậy tình yêu thương, tình làng nghĩa xóm, quê hương
+ Khơi dậy những kỉ niệm tuổi thơ, bà là cội nguồn của niềm vui, của ngọt bùi nồng đượm, là khởi nguồn của những tâm tình tuổi nhỏ.
⇒ Đó là bếp lửa của lòng nhân ái, chia sẻ niềm vui chung.
5/ Nêu nội dung chính của đoạn thơ: ( 0,5 điểm)
– Cảm nghĩ về cuộc đời bà và bếp lửa

Tóm lại để làm tốt bài thi chúng ta cần đọc, tìm hiểu và rèn luyện kĩ năng làm bài của mình. Trên đây là một số cách giúp bạn đạt điểm cao trong phần đọc - hiểu văn bản. Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có định hướng để làm bài đầy đủ ý đem lại số điểm mà mình mong muốn.
_Chúc các bạn học tốt!_​
 
Sửa lần cuối:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top