Trang Dimple
New member
- Xu
- 38
HỢP TÁC HẢI QUÂN ẤN ĐỘ-ASEAN
Tổ chức tư vấn độc lập Observer Research Foundation(ORF) của Ấn Độ vừa đăng bài phân tích của tác giả Darshana M. Baruah, cho rằng hợp tác hàng hải là một lĩnh vực quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ-ASEAN.
Tác giả nhận định tranh chấp lãnh thổ hiện nay giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc tại biển Đông là thách thức đối với hòa bình và ổn định của khu vực. Ấn Độ đang có “lợi ích quan trọng” về tự do hàng hải tại Biển Đông, đồng thời có lợi ích kinh tế trong hoạt động khai thác dầu khí tại khu vực này, với việc ONGC Videsh Ltd. (OVL), chi nhánh toàn cầu của tập đoàn dầu mỏ và khí đốt tự nhiên Ấn Độ Oil và Natural Gas Ltd. (ONGC) đang thăm dò hai lô dầu 127, 128 thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Việc lực lượng hải quân Trung Quốc ngày càng thể hiện sức mạnh tại biển Đông làm cho Ân Độ nhận thấy sự cần thiết phải “duy trì vị thế” và “bảo vệ lợi ích” của mình trong khu vực. Điều này có nghĩa là Ấn Độ cần tiếp tục tăng cường sự can dự của lực lượng hải quân đối với vùng biển này. Ấn Độ có thể trở thành một đối tác chính trong việc duy trì an ninh, hòa bình tại Biển Đông. Chính vì vậy, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, Ấn Độ phải tăng cường hơn nữa hợp tác hàng hải với các nước ASEAN.
Sự hiếu chiến ngày càng tăng của Trung Quốc
Biển Đông là một tuyến đường lưu thông thương mại quan trọng và là tuyến đường vận tải trên biển chính yếu với sáu quốc gia và vùng lãnh thổ (gồm Trung Quốc, Đài Loan, Philíppin, Việt Nam, Brunây và Malaixia) đang tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trong khu vực. Trung Quốc là nước hiếu chiến nhất, coi toàn bộ Biển Đông nằm trong ranh giới hình lưỡi bò (đường chín đoạn) là lãnh thổ của họ. Trung Quốc đòi chủ quyền cả các vùng đặc quyền kinh tế của những nước có tranh chấp. Những tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ mạnh mẽ của Trung Quốc đã gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế vì nó ảnh hưởng đến tuyến giao thông quan trọng. Thậm chí, Trung Quốc còn phản đối việc Ấn Độ hợp tác với Việt Nam khai thác dầu khí tại lô 128 nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bắc Kinh còn tiến xa hơn khi mời thầu quốc tế mà phớt lờ sự thật rằng khu vực đó Ấn Độ đang thăm dò khai thác. Vụ tranh cãi giữa Trung Quốc và Philíppin về bãi Scarborough năm 2012 là một điển hình về việc Trung Quốc ngày càng thể hiện sự hiếu chiến và bành trướng. Trong khi Trung Quốc phản đối quốc tế hoá vấn đề Biển Đông và cho rằng các tranh chấp trên phải được giải quyết song phương thì các quốc gia như Việt Nam và Philíppin muốn quốc tế hoá, giải quyết tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chính vì điều đó, các nước trên đang tìm cách lôi kéo các cường quốc khác trong khu vực nhằm tạo sự cân bằng trong bối cảnh hiện nay.
Hợp tác hải quân Ấn Độ-ASEAN
Hợp tác hải quân giữa Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á là một lĩnh vực quan trọng trong chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ. Quan hệ Ấn Độ-ASEAN cải thiện mạnh mẽ trong những năm gần đây, với việc Ấn Độ đã trở thành Đối tác đối thoại theo từng lĩnh vực năm 1992 và Đối tác đối thoại đầy đủ, cũng như thành viên Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) năm 1996. Tháng 12/2012, Ấn Độ và ASEAN đã kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác đối thoại và 10 năm Đối tác cấp cao. Hiện nay, quan hệ Ấn Độ-ASEAN đã được nâng cấp thành Đối tác chiến lược.
Lực lượng Hải quân Ấn Độ đã và đang tham gia các cuộc tập trận chung với lực lượng hải quân của các nước Đông Nam Á trong một thời gian dài. Ấn Độ đã nâng cấp quan hệ hợp tác hải quân với các quốc gia ASEAN và mong muốn tăng cường hơn nữa hợp tác quốc phòng với các nước này. Tuy nhiên, Trung Quốc đã cảnh báo sự tăng cường quan hệ quốc phòng của Ấn Độ với các nước ASEAN và cho rằng điều này là một chiến lược nhằm chống lại sự nổi lên của Trung Quốc. Những quan ngại đó ngày càng tăng khi những nước như Việt Nam, Philíppin đang tìm kiếm các cường quốc khác trong khu vực nhằm duy trì sự hiện diện của họ và khuyến khích tăng cường sự can dự vào khu vực. Quan hệ hợp tác hải quân giữa Ấn Độ và các nước ASEAN đã được thiết lập từ những năm 1990. Mặc dù Ấn Độ và các đối tác ASEAN có thể chưa triển khai đầy đủ tiềm năng hợp tác hải quân, song đã đạt được tiến bộ đáng kể ở lĩnh vực này trong những năm qua. Sự xuất hiện của Ấn Độ tại khu vực không chỉ do các cuộc tranh chấp hàng hải hiện nay. Sự xuất hiện của Ấn Độ tại Biển Đông đã có từ trước năm 2000, với việc triển khai lực lượng hải quân ra nước ngoài của Ấn Độ đến khu vực này cũng như sự tham gia các cuộc tập trận chung giữa hải quân Ấn Độ và Xingapo (SIMBEX).
Ấn Độ thường xuyên triển khai tàu hải quân, các hạm đội Đông Bắc đến các nước Đông Nam Á và khu vực biển Đông. Niu Đêli cũng triển khai tàu hải quân giám sát tại khu vực eo biển Malacca, Sunda và Biển Đông trong tháng 5/2003. Vừa qua, Ấn Độ đã đưa tàu sân bay INSViraat tới khu vực Đông Nam Á nhằm đánh dấu sự hiện diện của lực lượng hải quân nước này và tăng cường quan hệ với lực lượng hải quân của các nước ASEAN cũng như việc tăng cường các chuyến viếng thăm quốc phòng cấp cao giữa Ấn Độ và các nước ASEAN. Năm 2003, Bộ trưởng Quốc phòng Xinhgapo thăm Ấn Độ và ký một thoả thuận về hợp tác quốc phòng. Một thoả thuận song phương về hợp tác huấn luyện và tham gia các cuộc tập trận chung giữa hai nước được ký năm 2007. Ấn Độ đã tổ chức cuộc đối thoại an ninh đầu tiên với Việt Nam năm 2003 và ký bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 2009. Ấn Độ cũng tham gia một cuộc đối thoại an ninh với Philíppin năm 2003 và thành lập Ủy ban hỗn hợp về hợp tác quốc phòng năm 2012. Ngoài ra, Hải quân Ấn Độ thường xuyên viếng thăm các cảng chính của Xinhgapo, Thái Lan, Việt Nam, Philíppin, Campuchia và Inđônêxia khi triển khai tại Biển Đông và khu vực Đông Nam Á. Khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ năm 2012, tàu huấn luyện Hải quân Ấn Độ Sudarshini đã có chuyến thăm hữu nghị tới các nước ASEAN, từ 15/11/2012 đến 25/3/2013. Lộ trình của tàu kéo dài từ Ấn Độ với khu vực Đông Nam Á, tới thăm các cảng hiện đại cũng như lâu đời của các nước ASEAN. Cuộc hành trình này là biểu tượng cho sự hợp tác chiến lược giữa hải quân Ấn Độ và các nước ASEAN cũng như đánh dấu mốc lịnh sử vươn ra xa của lực lượng hải quân Ấn Độ.
Ngoại giao quốc phòng
Các chuyến thăm hữu nghị của lực lượng hải quân là một yếu tố quan trọng trong ngoại giao quốc phòng. Sự can dự quốc phòng rất quan trọng trong việc xây dựng và duy trì lòng tin, đồng thời góp phần ngăn chặn và giải quyết xung đột. Ấn Độ và ASEAN có nhận thức chung trong vấn đề này bởi cả hai bên đều tìm cách duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực. Điều này đã được phản ánh qua tuyên bố của Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm thiết lập Quan hệ Đối thoại Ấn Độ-ASEAN năm 2012, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của an ninh hàng hải, cam kết tăng cường hợp tác nhằm đảm bảo an ninh, tự do hàng hải và an toàn cho các tuyến giao thông trên biển đối với các hoạt động thương mại trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuyên bố này nhấn mạnh sự quan ngại về tự do hàng hải ở Biển Đông và sự cần thiết phải tuân theo luật pháp quốc tế.
Các quốc gia ASEAN đã hoan nghênh sự hiện diện của lực lượng hải quân Ấn Độ tại khu vực và mong muốn Ấn Độ can dự sâu hơn vào khu vực. Cả hai bên đã nhận thấy tầm quan trọng của hợp tác Ấn Độ-ASEAN. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường quan hệ trong một phát biểu mạnh mẽ tháng 5/2013 rằng các nước ASEAN là đối tác chiến lược của Ấn Độ và có một cơ hội lớn để mở rộng thương mại, đầu tư … giữa hai bên.
Việt Nam đã phản ứng mạnh mẽ khi Bắc Kinh gọi thầu quốc tế lô dầu 128. Sau đó Việt Nam đề nghị OVL tiếp tục ở lại, cam kết hỗ trợ thông tin và giúp đỡ khai thác thành công lô dầu trên. Tháng 1/2013, Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Văn Ninh đã mời các công ty của Ấn Độ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam.
Yếu tố ổn định
Tranh chấp hàng hải hiện nay ở Biển Đông là quan ngại chính đối với các nước ASEAN. Điều này đã gây rạn nứt trong ASEAN khi các nước bị chia rẽ về cách thức giải quyết tranh chấp trên. Các nước như Xinhgapo và Việt Nam tin tưởng rằng Ấn Độ có thể đóng vai trò tích cực trong việc giữ gìn an ninh và hòa bình ở khu vực. Ấn Độ quan ngại về tranh chấp trên biển và sự dính líu của họ. Tranh chấp hàng hải và an toàn cho các tuyến đường biển đã được thảo luận trong các diễn đàn chính giữa Ấn Độ và ASEAN như Hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ-ASEAN hay Đối thoại Niu Đêli. Sự hiện diện của Niu Đêli tại khu vực trên không phải là chiến lược nhằm chống lại Trung Quốc mà là sự cần thiết để đảm bảo lợi ích của Ấn Độ trước sự bành trướng ngày càng tăng của Bắc Kinh. Ấn Độ muốn tăng cường liên kết với các nước ASEAN và ngược lại các nước Đông Nam Á muốn tìm kiếm sự hiện diện của Ấn Độ nhằm ổn định khu vực. Mặc dù Ấn Độ và ASEAN có nỗ lực phối hợp nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải, nhưng Niu Đêli phải thận trọng không để Trung Quốc đe doạ sự hợp tác này.
Do sự thay đổi nhanh chóng về địa chính trị tại châu Á và tầm nhìn của Ấn Độ về hợp tác đã được tăng cường, Ấn Độ sẽ có lợi trong việc duy trì sự hiện diện trong khu vực và bảo vệ những lợi ích của mình. Niu Đêli phải tiếp tục tăng cường can dự và hợp tác với các nước ASEAN nhằm triển khai đầy đủ quan hệ đối tác chiến lược. Điều này có nghĩa là Ấn Độ sẽ tăng cường hơn nữa về hợp tác hải quân với các nước đóng vai trò quan trọng của ASEAN và với các cường quốc khác nhằm chia sẻ lợi ích của Ấn Độ trong việc bảo vệ tự do hàng hải và duy trì an ninh và ổn định tại khu vực. Niu Đêli phải nhận thấy quyết tâm chính trị sẽ là yếu tố tạo ra sự ổn định mà ASEAN tìm kiếm.
Nguồn : thông tấn xã Việt Nam