Hội nghị Yalta
Thỏa thuận trong Hội nghị Yalta, còn gọi là Hội nghị Crimea và tên mật là Hội nghị Argonaut (Yalta còn được viết phiên âm là I-an-ta hoặc Ianta[1]), với sự tham gia của các nhà lãnh đạo 3 cường quốc: Stalin (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô), Roosevelt (Tổng thống Hoa Kỳ) và Churchill (Thủ tướng Anh), họp từ ngày 4–11 tháng 2 năm 1945 tại Cung điện Livadia, gần thành phố Yalta, miền nam Ukraina, là một hợp tác quân sự để giải quyết những bất đồng giữa 3 cường quốc, thắng trục phát xít và buộc Đức đầu hàng vô điều kiện, tổ chức lại thế giới sau chiến tranh, đưa ra chính sách với Đức cũng như với các nước được giải phóng, khi cục diện Chiến tranh thế giới thứ hai đã ngã ngũ.
Chuỗi các hội nghị 3 cường quốc bao gồm Hội nghị Tehran (1943), Hội nghị Yalta (1945) và Hội nghị Potsdam (1945).
Hội nghị quyết định việc chiếm và chia Đức ra 4 vùng chiếm đóng (thêm Pháp), việc đền bù chiến tranh. Đức phải phi quân sự hóa, phi phát xít hóa, dân chủ hóa, bồi thường chiến tranh, một trong những hình thức bồi thường là tịch thu tài sản nước Đức một lần. Liên Xô phải mở mặt trận chống Nhật từ 2–3 tháng sau khi chiến sự ở châu Âu kết thúc, đổi lấy quyền chiếm đóng Viễn Đông (quần đảo Kuril và Triều Tiên). Tại Hội nghị San Francisco (diễn ra từ ngày 25 tháng 4 đến ngày 26 tháng 6 năm 1945), tổ chức Liên Hợp Quốc được thành lập với sự tham gia của các nước cộng hoà xô viết như Ukraina, Belarus... Với Ba Lan, xác định biên giới phía đông theo tuyến Curzon, mở rộng lãnh thổ sang phía tây, cải tổ chính phủ lâm thời. Với Nam Tư, cần lập ngay chính phủ chung từ Ủy ban Giải phóng Dân tộc của Tito (do Liên Xô ủng hộ) và chính phủ lưu vong của Ivan Šubašić.
Trật tự lưỡng cực Yalta
Sự kiện này cũng dẫn đến việc hình thành Trật tự lưỡng cực Yalta là việc phân chia khu vực có ảnh hưởng giữa các nước lớn của phe đồng minh tại Hội nghị. Nội dung của hội nghị về việc kết thúc chiến tranh: Ba cường quốc thống nhất mục đích là tiêu diệt tận gốc Chủ nghĩa Phát xít Đức và Chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Liên Xô sẽ tham gia chiến tranh chống Nhật tại Châu Á sau khi chiến tranh ở châu Âu kết thúc. 3 cường quốc thống nhất sẽ thành lập một tổ chức để giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới. Hội nghị đã thông qua các quyết định quan trọng về việc phân chia ảnh hưởng của 2 cường quốc Liên Xô và Hoa Kỳ. Theo đó, Liên Xô nắm Đông Âu, Đông Đức, Đông Berlin, quần đảo Kuril (Nhật), Bắc Triều Tiên, Đông Bắc Trung Quốc và Mông Cổ; Hoa Kỳ nắm ảnh hưởng ở phần còn lại của châu Âu (Tây Âu), Nam Triều Tiên, phần còn lại của Nhật Bản, ở bán đảo Triều Tiên, quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Bắc, quân đội Mỹ chiếm đóng miền Nam lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới quân sự, nhằm tạo cơ sở cho việc gìn giữ trật tự thế giới sau khi chiến tranh kết thúc. Anh, Pháp được khôi phục khu vực ảnh hưởng cũ. Áo và Phần Lan trở thành nước trung lập. Vùng Mãn Châu, đảo Đài Loan và quần đảo Bành Hồ được trao trả lại cho Trung Quốc. Ngoài ra, theo thỏa thuận của Hội nghị Potsdam, lấy vĩ tuyến 16 làm ranh giới, việc giải giáp quân đội Nhật được giao cho quân đội Anh về phía Nam và quân đội Trung Hoa Dân Quốc về phía Bắc.
Trật tự lưỡng cực Yalta vào năm 1945 đã góp phần hình thành hai hệ thống xã hội đối lập: Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa. Nước Đức chia hai hình thành nhà nước với hai chế độ chính trị khác nhau: Cộng hòa Liên bang Đức ở phía Tây và Cộng hòa Dân chủ Đức phía Đông.Sự chia cắt thành Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc mà vẫn còn tồn tại cho đến bây giờ. Nhưng việc chia cắt theo giới tuyến quân sự tạm thời là vĩ tuyến 17 giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở phía Bắc và Liên hiệp Pháp ở phía Nam theo Hiệp định Geneve 1954 không phải là hệ quả của các thỏa thuận giữa các nước đồng minh 1943 đến 1945. Sau 1956, Pháp rút quân, chính phủ Bảo Đại vốn thừa kế Liên hiệp Pháp, đã bị thay thế bởi sự lật đổ của Ngô Đình Diệm bằng việc tổ chức một cuộc Trưng cầu dân ý vào năm 1955 nhân chuyến công du của Bảo Đại sang Pháp. Sau đó đã cấm không cho Bảo Đại về miền Nam Việt Nam. Những thỏa thuận của 3 cường quốc ở Hội nghị Yalta như vậy đã xâm phạm đến vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cũng như lợi ích dân tộc của các quốc gia này.
Sau chiến tranh, hai hệ thống xã hội nêu trên càng được phát triển bởi:
Kế hoạch Marshall đối với các nước Tây Âu của Mĩ.
Sự thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV) vào năm 1949 của khối các nước Xã hội Chủ nghĩa.
Trải qua hơn 40 năm, "Trật tự lưỡng cực Yalta" đã từng bước bị xói mòn và sau những biến động to lớn ở Đông Âu và Liên Xô trong những năm 1988–1991, "Trật tự lưỡng cực Yalta" đã bị sụp đổ, do Khối Đông Âu và các liên minh trong phạm vi ảnh hưởng chủ yếu của Liên Xô (liên minh quân sự – khối Hiệp ước Vacxava và liên minh kinh tế – khối SEV) đã bị tan vỡ và do đó thế "lưỡng cực" của hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô trong trật tự thế giới cũ đã bị phá vỡ.
Theo wiki