Hồi kí trong mùa Tết xa quê

bigworld1994

New member
Xu
0
Họ và tên: Nguyễn Thị Kim Thu
Tuổi: 18
Nghề nghiệp: Du học sinh



Hồi kí trong mùa Tết xa quê

Ngày lên năm lên sáu, Tết là dịp mà lũ trẻ con tụi tôi háo hức chờ đợi nhất. Bỗng chốc đông về, mẹ sửa soạn chăn bông gối đệm, lại mua cho biết bao quần áo mới. Nhà cửa được trang hoàng, bánh kẹo bày ra trên bàn, rồi thì ăn cỗ tất niên, cỗ hóa vàng, nhà nhà người người tụ tập đông đủ. Cái không khí sum vầy rộn rịp ngày Tết in dấu trong tuổi thơ tôi có lẽ chẳng sâu đậm bằng những bao lì xì đỏ chói, những mẩu pháo tép anh em dấm dúi cho nhau, nhưng cũng đủ để tôi thấy Tết là một dịp vui hiếm có trong năm. Lớn thêm một chút, tôi và anh trai bắt đầu phụ việc nhà giúp mẹ. Cho dù chỉ là những việc con con kiểu rửa lại chén bát, lau cửa kính, trang trí cây đào, cây quất nhưng với tụi trẻ con muốn học làm người lớn thì đó là cả những ‘đóng góp lớn lao’. Còn nhớ năm lên 10, lần đầu tiên tổng số tiền mừng tuổi của tôi được trên một triệu đồng, mẹ hỏi tôi định để số tiền ấy làm gì, và tôi bảo muốn để dành nó trả nợ cho bố mẹ. Tôi không còn nhớ sau đó mẹ nói gì với tôi, mà chỉ còn mang máng hình ảnh mẹ ôm tôi một cái rất chặt và ấm áp. Nhà tôi chỉ thuộc loại ‘thường thường bậc trung’, bố mẹ chẳng bao giờ nói với chúng tôi, nhưng vì đôi khi loáng thoáng nghe được những câu chuyện của người lớn, biết được những khoản nợ đang đè lên đôi vai gầy, suy nghĩ ấy bỗng nảy ra trong trí óc tôi. Và có lẽ kể từ mùa xuân năm ấy, Tết bắt đầu không còn toàn là một màu hồng như tôi hằng tưởng tượng.

Tôi dần dần nhận ra cứ mỗi dịp Tết về là hàng loạt những khoản tiền lớn phải chi tiêu để mua sắm đồ Tết và quà biếu cho ông bà, họ hàng. Gánh nặng cơm áo gạo tiền ngày đó có lẽ tôi còn chưa hiểu hết, nhưng tôi biết nó làm đôi lông mày cha nhíu lại, làm đôi mắt mẹ sâu hơn bởi những quầng thâm lo nghĩ. Lớn thêm chút nữa, tôi nhận ra bao âu lo, suy tư ấy còn in dấu trên khuôn mặt của mấy người bà con ở quê, những hộ lao động nghèo trong xóm và của một vài gia đình tụi bạn. Tôi từng băn khoăn tự hỏi, thật ra người ta đặt ra cái ngày lễ Tết ấy để làm gì? Và có lúc tôi mong muốn đừng bao giờ có Tết, để mẹ tôi bớt đi phần nào mệt mỏi, lo toan. Mẹ tôi là một người phụ nữ truyền thống nên cứ mỗi ngày ba mươi Tết sau khi vất vả với bữa cơm tất niên, bà lại bắt đầu đi luộc gà, nấu xôi soạn cỗ cúng giao thừa cho đến gần nửa đêm. Chưa đêm giao thừa nào tôi thấy bà rảnh rỗi ngồi xem chương trình Gặp nhau cuối năm như bà vẫn từng hy vọng. Tôi hỏi mẹ tại sao ngày thường ăn uống đạm bạc tiết kiệm được mà những ngày Tết không làm như thế, chuẩn bị cầu kì quá làm gì, bà thường nghiêm mặt lại bảo với tôi: ‘Ngày Tết mẹ làm cơm cúng ông bà tổ tiên, lại soạn lễ cầu mong thần linh phù hộ độ trì cho cả nhà trong năm mới, lẽ nào có thể sửa soạn qua loa, không thành tâm cho được.’ Lòng thành ấy, tôi chẳng biết Trời Phật có thấu hiểu hay không, chỉ biết nó đã nuôi dưỡng truyền thống uống nước nhớ nguồn cũng như thấm nhuần bề dày văn hóa, phong tục, tâm linh của người Việt trong sâu thẳm trái tim tôi.

Hai mươi ngày trước khi tròn 17 tuổi, tôi lên đường đi du học Anh Quốc để rồi năm tháng sau trải qua cái Tết đầu tiên ở xứ người. Thời gian đầu có biết bao điều mới mẻ để trải nghiệm, khám phá nên nỗi buồn xa quê dường như chìm nghỉm dưới niềm vui tuổi trẻ. Thời tiết trở nên lạnh dần, tuyết bắt đầu rơi, và có lần tôi đi ngang qua một gia đình, cái mùi nước xả vải giống hệt nhau trên quần áo của tất cả các thành viên (cái mùi mà sau này tôi gọi nó là ‘mùi gia đình’) bỗng ùa tới, tôi nhớ da diết không khí sum vầy, nhớ Việt Nam của tôi. Về lại căn nhà thuê ở cuối phố, mở máy tính tra lịch vạn niên, mới giật mình nhận ra hôm ấy đã là 20 tháng Chạp rồi. Đó có lẽ là dịp Tết đầu tiên trong cuộc đời tôi không một chút cảm thấy mệt mỏi vì những công việc dọn nhà dài vô tận, nhàm chán vì những cuộc ăn uống cỗ bàn đi hết từ nhà cô cậu này sang chú bác khác, không còn mong Tết qua cho mau… Lúc ấy tôi đã hy vọng nó diễn ra ngay trước mắt mình, muốn nhìn thấy ngoài đường người ta bán hoa đào, cây quất, cành lộc; thấy những đóa lay ơn chúm chím e ấp trong bình hoa lớn ở phòng khách; thấy mâm ngũ quả bày trên bàn thờ; 27-28-29 Tết cùng mẹ đi chợ mua biết bao nhiêu thức ăn rồi cả nhà bận rộn nấu nướng. Những điều rất bình dị xảy ra thường niên như một thói quen, chỉ một năm trước đây còn không mấy hứng thú, giờ bỗng trở nên đặc biệt và khiến tôi thấy mình thiếu thốn, lạc lõng biết bao dù sống ở giữa thủ đô sầm uất bậc nhất của đảo quốc sương mù. Năm ấy tôi đành đi siêu thị mua đồ châu Á về nấu một vài món đơn giản; đón Tết với bố mẹ, anh trai bằng màn hình truyền qua Internet. Chẳng thể chuẩn bị nhiều bởi mùng một Tết tôi còn có bài kiểm tra cuối kì nữa. Ngày Tết về khiến cho những đứa con xa quê như tôi thèm khát hơi ấm của gia đình, nhớ đau đáu cái mảnh đất nơi tôi đã sinh ra và lớn lên ở đó; nhớ từng thói quen, từng phong tục, lề thói của quê hương. Tôi phát hiện ra trong mọi ngóc ngách của trái tim tôi tự bao giờ đã tràn ngập bởi truyền thống văn hóa Việt Nam; nhận ra con người tôi thực sự thuộc về mảnh đất giờ cách xa cả nghìn cây số chứ không phải mảnh đất tôi đang đứng, nơi mà ngày trước tôi từng khao khát đặt chân tới một lần. Có lẽ: ‘Khi ta ở đất chỉ là nơi đất ở - Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn’ là như thế. Tôi sẽ nhớ mãi khoảnh khắc đêm giao thừa cuộn chăn bông, nằm cạnh cái lò sưởi ấm áp mà vẫn thấy lòng lạnh băng, khuôn mặt nóng hổi vì nước mắt. Kỉ niệm lần đầu tiên ăn Tết ở xứ người không mấy vui vẻ, nhưng nó khiến tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Đó là khi tôi lo lắng nhiều hơn cho cái bệnh xoang mãn tính của bố tái lại mỗi đợt giá rét ngày giáp Tết, thấy thương cho đôi bàn chân thỉnh thoảng lại sưng đỏ vì viêm khớp của mẹ, thấy sợ căn bệnh ung thư phổi của ông sẽ có những tiến triển bất lợi. Đó là khi tôi tự mình vào bếp nấu những món truyền thống của Việt Nam khoe với bạn bè, là khi tôi bắt đầu cuộc sống sinh viên ngày đi học tối đi làm để lo toan cho sinh hoạt phí đắt đỏ nơi đây. Không có hoàn cảnh khó khăn này, có lẽ mãi mãi tôi chỉ là một đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới, sống ỷ lại và dựa dẫm vào người khác mà thôi.

Một mùa Tết nữa lại sắp đến rồi, và tôi vẫn chưa một lần có dịp về Việt Nam kể từ ngày tôi đi. Năm nay tôi phát hiện ra một biện pháp để vượt qua nỗi buồn xa xứ. Tôi đi làm thêm và quen được rất nhiều khách hàng là người ngoại quốc. Khi được hỏi về chuẩn bị đón Giáng Sinh như thế nào, tôi trả lời họ ở quê hương Việt Nam của chúng tôi người ta có một ngày lễ khác, quan trọng hơn Giáng Sinh nhiều, và đó là lễ Tết Nguyên Đán cổ truyền. Tôi kể cho họ nghe về tục đón giao thừa rồi đợi người đến xông nhà, về những món ăn mà chỉ quê hương tôi mới có, về thói quen lên chùa cầu phúc đầu năm, về bao lì xì ngày bé tôi thường nhận được, về cặp chân giò gà coi bói đêm ba mươi, về chậu nước lá mùi thơm để rửa mặt buổi sáng mùng một mẹ tôi hay chuẩn bị, về những điều kiêng kị có phần ‘vô lý’ nhưng lại rất Việt Nam vào mấy ngày đầu xuân năm mới,… Tôi đã đem được cái không khí của Tết Việt Nam tới những người bạn xa xôi và cũng như san sẻ được phần nào nỗi niềm nhớ quê cứ trực trào lên trong trái tim đứa con Lạc Hồng lẻ loi nơi đất khách.

Không biết đến mùa Tết năm nào tôi mới lại được sống trong cái không khí rạo rực ấm áp mà tuổi thơ tôi đã trải qua ấy một lần nữa. Có sống qua những ngày giáp Tết xa xứ này, tôi mới phần nào thấu hiểu ca từ trong bài hát ‘Xuân này con không về’ của Trịnh Lâm Ngân, cho dù không cùng chung một hoàn cảnh, nhưng với những lời ca ấy vẫn thấy mười phần đồng cảm: ‘Con biết bây giờ mẹ chờ tin con, khi thấy mai đào nở vàng bên nương - Năm ấy con hẹn đầu xuân sẽ về, nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa…’

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhà nhà bận rộn, có kẻ lo vì những khoản nợ sắp phải trả, người lo vì Tết đầu tiên thay các bậc trưởng lão trong nhà chuẩn bị lễ lạt, người lo cho lũ trẻ nhà mình có được một cái Tết vui vẻ đầm ấm hay không,… Nhưng tựu chung lại đã là người Việt, ai cũng muốn có một cái Tết thảnh thơi, vô lo vô nghĩ, an nhàn bên gia đình, cháu con sum vầy. Tết là dịp những ngày vất vả bươn chải kiếm sống, bon chen trong dòng đời chật hẹp tạm được gác qua một bên. Người ta đón Tết trong yêu thương, đoàn viên; hướng lòng biết ơn, tri ân đến nguồn cội; hy vọng vào một năm mới hạnh phúc hơn, sung túc hơn. Tết giống như một khoảng lặng tuyệt vời trong bản nhạc cuộc đời hối hả, để nhìn lại ta biết được bên cạnh ta còn có những ai đáng để trân trọng yêu thương, để ta ấm lòng khi thấy tình thương được sẻ chia với tụi trẻ mồ côi, người khuyết tật, các cụ già neo đơn bằng những phần quà dù ít hay nhiều. Tết là dịp để người ta xích lại với nhau, để người yêu người nhiều hơn.

Lời cuối cùng tôi gửi cho gia đình và bạn bè ở Việt Nam thân yêu, chúc mọi người một cái Tết Quý Tị hạnh phúc và tràn ngập yêu thương. Rồi một ngày tuyết ở London sẽ tan, một ngày kia khi nắng lên, con sẽ trở về.


London, 29/12/2012.
K.T.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top