Học tài chính, ngân hàng cần tố chất gì?

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Ngân hàng tài chính là ngành hot nhất hiện nay nhưng nội dung ngành học này, học xong làm việc ở đâu vẫn là băn khoăn của nhiều học sinh lớp 12. Trong ngày hội tư vấn tuyển sinh diễn ra hôm 14-3 tại ĐH Quốc gia Hà Nội, các thầy cô đến từ các trường ĐH đào tạo ngành tài chính ngân hàng đã giải đáp cặn kẽ thắc mắc của các em.

ImageView.aspx


Chuyên gia đang tư vấn cho học sinh trong ngày hội tư vấn tuyển sinh (14-3). Ảnh: Quý Hiên

Theo TS Lê Thị Thu Thủy, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Ngoại thương thì chuyên ngành đầu tư chứng khoán thuộc ngành tài chính ngân hàng. Khả năng làm việc của những người học nghề này rất đa dạng.

Với những em yêu thích mạo hiểm trong kinh doanh thì đầu tư chứng khoán là ngành đáng chú ý. Đây là ngành đem lại lợi nhuận cao, nhưng cũng có nhiều rủi ro. “Trong thời gian vừa qua, thị trường chứng khoán của Việt Nam hơi chững lại, nhưng ý kiến của các nhà tư vấn tuyển sinh là nếu chọn ngành nghề thì nên hướng vào tương lai”, TS Lê Thị Thu Thủy lưu ý.

Trước thắc mắc của một số học sinh về ngành học Marketing, thầy Hứa Minh Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Tài chính – Marketing giải thích: “Các trường kinh tế, tài chính đều đào tạo marketing, nhưng đa phần họ đặt chuyên ngành marketing trong ngành quản trị kinh doanh.

Từ năm 2007 về trước, trường ĐH Tài chính – Marketing cũng xem đó là một chuyên ngành của quản trị kinh doanh. Nhưng từ năm 2008, chúng tôi lập marketing thành một ngành mới, độc lập. Trong ngành này, hiện nay chúng tôi đào tạo hai chuyên ngành: Marketing tổng hợp, quản trị thương hiệu”.

Theo thầy Tuấn, với sự phát triển kinh tế xã hội, trong tương lai sẽ có thêm nhiều chuyên ngành trong ngành Marketing. Chẳng hạn, trường cũng đang cân nhắc để phát triển thêm chuyên ngành truyền thông.
Tiền và con số – cần tố chất gì?


Trả lời câu hỏi của một bạn nữ về tố chất của một người theo học ngành ngân hàng, TS Lê Thị Thu Thủy cho rằng: “Nói đến ngành ngân hàng là nói đến tiền và các con số. Người làm trong ngành này phải giỏi tính toán, cẩn thận, có khả năng phân tích và đánh giá liên quan vấn đề quản lý đầu tư sử dụng vốn,v.v...”.

Thầy Trần Thế Hoàng, Trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Kinh tế TPHCM giải thích thêm: “Nhiều em băn khoăn, em muốn học ngân hàng, vậy em có cần hoạt bát, nhanh nhẹn, nhạy bén không. Nhưng làm việc trong hệ thống ngân hàng thì các yêu cầu hàng đầu là: cần cù, chăm chỉ, tính toán giỏi và đặc biệt là khả năng phân tích, đánh giá tốt”.

Học ngành ngân hàng có thể xin việc ở những cơ quan nào cũng là thắc mắc chung của nhiều bạn trẻ. Theo TS Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội thì thị trường việc làm của ngành ngân hàng khá rộng: hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng nước ngoài, các chi nhánh của ngân hàng nhà nước.

Thầy Thanh nhận xét: “Hiện nay sự phát triển của mạng lưới ngân hàng cổ phần rất là mạnh, nhu cầu đào tạo và tuyển dụng nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao rất lớn.

Tuy nhiên, các bạn trẻ nên thận trọng. Khoảng 1/3 số sinh viên trúng tuyển vào các ngành kinh tế tài chính đăng ký học tài chính ngân hàng. Nếu trong thời gian tới, sự phát triển của thị trường tài chính ngân hàng chưa tương xứng thì có khả năng chúng ta sẽ khủng hoảng thừa nguồn nhân lực ở ngành này”.

Theo TPO.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top