ong noi loc
New member
- Xu
- 26
BÀI HIỆU ĐỘ ÂM ĐIỆN VÀ LIÊN KẾT HÓA HỌC
I - HIỆU ĐỘ ÂM ĐIỆN VÀ LIÊN KẾT HÓA HỌC
1. Hiệu độ âm điện và liên kết cộng hóa trị không cực
Trong các phân tử tạo thành bởi hai nguyên tử của cùng một nguyên tố hóa học như H2, O2, Cl2,... hiệu độ âm điện của các nguyên tử tham gia liên kết bằng 0. Đó là liên kết cộng hóa trị thuần túy.
Khi các nguyên tử tham gia liên kết có hiệu độ âm điện nhỏ hơn 0,4, độ phân cực của liên kết có giá trị nhỏ đến mức trong thực tế không xác định được, liên kết vẫn được coi là liên kết cộng hóa trị không cực.
Như vậy người ta quy ước rằng: Khi hiệu độ âm điện của hai nguyên tử nắm trong khoảng từ 0 đến nhỏ hơn 0,4 thì liên kết cộng hóa trị được coi là không cực.
2. Hiệu độ âm điện và liên kết cộng hóa trị có cực
Liên kết cộng hóa trị có cực, tức là liên kết cộng hóa trị mà cặp electron chung bị lệch về phía một nguyên tử tham gia liên kết, được tạo thành giữa các nguyên tử có hiệu âm điện nằm trong khoảng từ 0,4 đến nhỏ hơn 1,7.
Thí dụ: Liên kết H−Cl với hiệu âm điện của clo và hiđro bằng 0,96 là liên kết cộng hóa trị có cực.
Liên kết H−O trong phân tử nước với hiệu độ âm điện giữa oxi và hiđro bằng 1,24 cũng là liên kết cộng hóa trị có cực.
Hiệu độ âm điện càng lớn thì độ phân cực càng mạnh.
3. Hiệu độ âm điện và liên kết ion
Khi hiệu độ âm điện giữa hai nguyên tử tham gia liên kết ≥1,7, nguyên tử có độ âm điện lớn (khả năng hút electron mạnh) đủ khả năng nhận hoàn toàn electron của nguyên tử liên kết với nó để trở thành ion âm, còn nguyên tử mất electron sẽ trở thành ion dương, tức là xảy ra sự tạo thành liên kết ion.
Thí dụ: Trong phân tử NaCl, hiệu độ âm điện của Cl và Na là 3,16−0,93=2,23, liên kết giữa Na và Cl là liên kết ion.
Trong phân tử MgO, hiệu độ âm điện của O và Mg là 3,44−1,31=2,13, liên kết giữa O và Mg là liên kết ion.
II - KẾT LUẬN
Như vậy dựa vào hiệu độ âm điện giữa hai nguyên tử tham gia liên kết có thể dự đoán được một liên kết hình thành thuộc loại liên kết ion, liên kết cộng hóa trị có cực hay liên kết cộng hóa trị không cực.