Hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí

thich van hoc

Moderator
Thành viên BQT
Hình ảnh người lính trong bài thơ Đồng chí.

Bài làm

Người lính nông dân đã đi vào thơ ca bằng những hình ảnh chân thật như vẻ đẹp trong Nhớ của Hồng Nguyên , Cá nước của Tố Hữu … nhưng tiêu biểu hơn là bài thơ Đồng Chí của Chính Hữu được sáng tác vào thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp (năm 1948).

Cảm nhận đầu tiên của chúng ta khi đọc bài thơ là hình ảnh người lính hiện lên rất thực, thực như trong cuộc sống còn nhiều vất vả lo toan của họ. Ngỡ như từ cuộc đời thật họ đã bước thẳng vào trang thơ, trong cái môi trường quen thuộc bình dị thường thấy ở các làng quê ta còn đói nghèo lam lũ:

Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.

Hai câu thơ đầy ấn tượng về những vùng đất, cảnh đời còn nhiều nhọc nhằn vất vả. Cách nói cô đúc nhưng khắc họa rõ nét những vùng quê nghèo của người lính. Nước mặn đồng chua, đất cày lên sỏi đá – những vùng quê khác nhau ấy lại cùng giống nhau ở thiên nhiên khắc nghiệt, ở cảnh đời lam lũ. Chữ nghĩa bình thường mà như đang cựa quậy như cuộc sống thực đã ùa vào trong câu thơ đem đến những cảm nhận sâu sắc về quê hương người lính.

Ở đấy có những “gian nhà không mặc kệ gió lung lay” , nhưng lại có “giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”. Tất cả đều thân quen gần gũi. Từ giã ruộng đồng, họ bước ra mặt trận. Hôm qua là nông dân, hôm nay đã là chiến sĩ. Đơn giản vậy thôi mà chân thật và đẹp biết bao trong cái hành động:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày…

Tác giả tả rất thực về cuộc sống quân ngũ của người lính. Nhà thơ không che giấu mà như còn muốn nhấn mạnh để khắc họa nét hơn cuộc sống gian lao thiếu thốn của họ. Và phải là người trong cuộc thì mới vẽ lên bức tranh hiện thực sống động về người lính với một sự cảm động sâu sắc như vậy:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
Sốt run người vầng trán ướt mồ hôi
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

Từ cuộc đời thật họ bước thẳng vào trang thơ và tỏa sáng một vẻ đẹp mới : vẻ đẹp truyền thống – thời đại. Đó là vẻ đẹp của tình đồng chí,tình đồng đội gắn với tình giai cấp của người lính.

Đánh giặc giữ nước vốn là truyền thống lâu đời của dân tộc. Nhưng những người lính hôm nay ra đi đánh giặc lại đến với nhau trong một tình cảm thật mới mẻ, in rõ dấu ấn thời đại : tình đồng chí thiêng liêng, mà cội nguồn sâu xa của nó là tình giai cấp gắn bó. Tất cả đều diễn ra tự nhiên như cuộc sống của người lính, như lời thư dung dị mộc mạc của Chính Hữu:

Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau.

“Xa lạ từ hai phương trời chẳng hẹn” mà lại ‘quen nhau’ ngay , thì đó là sợi dây tình cảm giai cấp đã nối họ lại với nhau, bởi họ đều là những người nông dân nghèo khổ : anh – nước mặn đồng chua ; tôi – đất cày lên sỏi đá.

Và , tình giai cấp đã phát triển lên thành tình đồng chí khi lý tưởng đánh giặc giữ nước rực sáng trong tâm hồn họ. Nhà thơ diễn tả tinh tế và sâu sắc điều này bằng những chi tiết vừa thực vừa tượng trưng;

Súng bên súng, đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Đồng chí!

Chữ “đồng chí” đứng riêng thành một câu thơ như nhấn mạnh, như cô đúc, nén lại biết bao thiêng liêng, cao cả trong cái tình cảm mới mẻ này. Đồng chí – là từ giai cấp mà lên, từ lí tưởng mà có. Đồng chí – là soi vào nhau, anh hiểu tôi, tôi hiểu đến nỗi lòng sâu kín của anh:

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Đồng chí – là đồng cảm sâu sắc, thương yêu chân thành, cùng nhau chia sẻ:

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
….
Thương nhau tay nắm lấy bàn tay.

Chỉ cần “thương nhau tay nắm lấy bàn tay” là có đủ sức mạnh để chống chọi với những cơn “sốt run người”, những ngày “buốt giá” , những đêm “sương muối” giữa rừng….

Bài thơ thiên về khai thác đời sống nội tâm, tình cảm người lính. Vẻ đẹp của Đồng chí là vẻ đẹp của đời sống tâm hồn người lính mà nơi phát ra vầng sáng lung linh nhất là mối tình đồng đội, đồng chí quyện vào với tình giai cấp. Hình ảnh “đầu súng trăng treo” xuất hiện ở cuối bài thơ nâng vẻ đẹp người lính lên đến đỉnh cao khái quát, trong đó có sự hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn đồng thời mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc.

Theo 100 bài văn hay lớp 9*
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Đề bài: Sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn tạo nên bức tranh đẹp về chân dung người lính trong bài thơ “Đồng chí”. Em hãy làm sáng tỏ.

DÀN Ý

a.
Mở bài

- Chính Hữu làm thơ không nhiều và hầu như chỉ viết về người lính và chiến tranh. Thơ ông bình dị, cảm xúc dồn nén, vừa thiết tha vùa trầm hùng.

- Bài thơ Đồng chí là một trong những bài thơ đặc sắc viết về anh bộ đội Cụ Hồ trong 9 năm kháng chiến chống Pháp.

- Bài thơ có sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn.

b.
Thân bài

· Hiện thực:

- Cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam.

- Thời gian: đêm khuya.

- Không gian: rừng hoang sương muối.

- Sự việc: những người lính cầm súng đứng gác.

Gợi lên sự khốc liệt, nghiệt ngã -> tình đồng chí đã sưởi ấm lòng họ, giúp họ vượt lên trên mọi gian khổ thiếu thốn -> người chiến sĩ hiện lên với tư thế chủ động trong cuộc chiến đấu.

· Lãng mạn: đầu súng trăng treo.

Súng – trăng mang ý nghĩa biểu tượng chiến tranh – hòa bình, chiến sĩ – thi sĩ.
Khẳng định ý nghĩa cao cả của cuộc chiến đấu mà những người lính tham gia: họ cầm súng chính là để bảo về sự bình yên cho đất nước, bảo vệ vầng trăng hòa bình.

Biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí, đồng đội, vẻ đẹp tư tưởng hòa quyện hiện thực và lãng mạn.

c.
Kết bài

- Sự kết hợp hài hòa giữa hiện thực và lãng mạn đã tạo nên vẻ đẹp cho người lính, đồng thời tạo nên thành công cho bài thơ.
 
Hình ảnh anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp trong bài thơ Đồng Chí của Chính Hữu

a) Mở bài:

Cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại là điểm hội tụ, nơi gặp gỡ của muôn triệu trái tim tấm lòng yêu nước. Biết bao người con của Tổ quốc đã đi vì tiếng gọi thiêng liêng.Họ ra đi để lại sau lưng khoảng trời xanh quê nhà, bờ tre, ruộng nương , giếng nước, gốc đa….Họ ra đi sát cánh bên nhau, chung hưởng niềm vui, chia sẽ gian lao thiếu thốn và trở nên thân thương gắn bó. Tình đồng chí, đồng đội bắt nguồn từ đó. Mối tình cao quý được tả trong bài thơ Đồng chí” của Chính Hữu.

b) Thân bài:

Cơ sở hình thành tình đồng chí của người lính: (7 câu đầu)

Tình đồng chí, đòng đội bắt nguồn sâu xa từ sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân nghèo khó:
“ Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá”

Anh ra đi từ một miền quê nghèo khó.Nơi ấy là vùng đất mặn ven biển hay vùng đất có độ phèn chua cao.Tôi cũng sinh ra và lớn lên từ một miền quê đất khô cằn ` Đất cày lên sỏi đá” . Với cấu trúc song hành dối xứng và vận dụng thành công thành ngữ “Nước mặn, đồng chua” đúng lúc, đúng chỗ , làm cho hai câu thơ đầu khẳng định sự đồng cảm là cơ sở , là cái gốc làm nên tình bạn, tình đồng chí.
Họ cùng chung mục đích đánh giặc cứu nước đó chính là cơ sở nảy sinh tình đòng chí, đồng đội.

Tôi với anh đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Là những nông dân từ nhiều miền quê “xa lạ”. Nhưng vì cùng chung một đích đánh giặc cứu nước nên dẫu cho “ Chẳng hẹn” họ trở thành những người lính và họ “ quen nhau”
Tình đồng chí còn được nảy sinh từ việc cùng chung nhiệm vụ, sát cánh bên nhau trong chiến đấu.

“Súng bên súng đầu sát bên đầu”

Gắn bó bên nhau trong những ngày gian khổ cũng là cơ sở của tình đồng chí, đồng đội.

“Đêm rét chung trăng thành đôi tri kĩ”

Đột ngột, nhà thơ hạ một dòng thơ đặc biệt với hai tiếng “đồng chí !” câu thơ chỉ có một từ hai tiếng và một dấu chấm than, nó tạo một điểm nhấn, một sự liên kết giữa hai khổ thơ.

- Những biểu hiện của tình đồng chí ở người lính: (10 câu tiếp)

Biểu hiện đầu tiên của tình đồng chí ở người lính là: sự cảm thông sâu xa những tâm tư nỗi lòng của nhau:

“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”

Biểu hiện thứ hai của tình đồng chí ở người lính là: Họ cùng chia sẻ những gian lao thiếu thốn của cuộc đời người lính. Đó là sự ốm đau, bệnh tật.

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi”

Đó cũng là thiếu thốn về trang phục tối thiểu:

“Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày

Biểu hiện thứ ba của tình đồng chí ở người lính là tình yêu thương:

“Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
- Bức tranh đẹp về tình đồng đội, đồng chí: (3 câu cuối)

Bài thơ kết thúc bằng hình ảnh rất đặc sắc:

“ Đêm nay rừng hoang sương muối
Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
Đầu súng trăng treo”

Chỉ ba câu thơ, mà tác giả đã cho người đọc quan sát một bức tranh đẹp bằng ngôn từ. Đó chính là bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính. Là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ

c) Kết bài:
- Bài thơ “đồng chí” mang vẻ đẹp bình dị khi nói về đời sống vật chất của người chiến sĩ trong những ngày đầu gian khổ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

- Bài thơ “đồng chí” mang vẻ đẹp cao cả, thiêng liêng khi nói đời sống tân hồn, về tình đồng chí, đồng đội của người chiến sĩ.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top