Hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ qua văn bản Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi th

Thandieu2

Thần Điêu
Hình ảnh người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ qua văn bản Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi thứ mười bốn.


I. TÌM HIỂU ĐỀ


- Kiểu bài : Nghị luận văn học.

- Yêu cầu : Phân tích, miêu tả hình tượng người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ qua đoạn trích hồi thứ mười bốn.

II. DÀN Ý


A. Mở bài

- Trong lịch sử các triều đại Việt Nam, Quang Trung là một vị vua văn võ toàn tài, có công lao lớn trong sự nghiệp đánh đuổi giặc ngoại xâm.

- Nhân vật lịch sử đó đã đi vào văn chương như một hình ảnh đẹp. Đoạn trích Hồi thứ mười bốn, Hoàng Lê nhất thống chí đã làm toát lên vẻ đẹp hào hùng của người anh hùng áo vải trong chiến công lẫy lừng đại phá quân Thanh.

B. Thân bài


1. Quang Trung là một vị vua yêu nước thương dân

a) Nếu Lê Chiêu Thống là một ông vua hèn hạ, sẵn sàng bán nước để cứu vãn cái ngai vàng sắp sụp đổ của mình thì Quang Trung là một vị vua đầy khí phách. Khi nghe tin quân Thanh kéo sang thôn tính nước ta, vua Quang Trung "giận lắm, liền họp các tướng sĩ, định thân chinh cầm quân đi ngay".

b) Khi nói chuyện với quân lính, ông khẳng định chủ quyền của dân tộc "đất nào sao ấy", chỉ rõ tội ác và âm mưu xâm lược của giặc, nêu cao truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc ta từ thời Bà Trưng, kêu gọi tướng sĩ "đồng tâm hiệp lực để dựng nên công lớn".
Chỉ vài chi tiết nhỏ, tác giả đã gợi mở cho người đọc nhận rõ tấc lòng của một vị vua vì nghĩa lớn.

2. Vua Quang Trung là người có trí tuệ sáng suốt, có tầm nhìn xa trông rộng.

a) Ông rất sáng suốt trong việc nhận định thời cuộc. Ông không chỉ tính sẵn "phương lược tiến đánh" mà còn tính sẵn cả kế hoạch ngoại giao sau khi chiến thắng để "dẹp việc binh đao"; sáng suốt trong việc xét đoán và dùng người, khen chê đúng người đúng việc. Lời phủ dụ quân lính của ông như một bài hịch ngắn, ý tứ chặt chẽ, sâu xa, có tác dụng khích lệ lòng yêu nước của nghĩa quân.

b) Quang Trung đặc biệt sáng suốt, nhạy bén trong việc dùng binh: Cuộc hành binh thần tốc do nhà vua chỉ huy cho đến nay vẫn làm chúng ta không khỏi kinh ngạc. Chỉ trong 5 ngày, ông vừa tuyển quân, vừa tổ chức đội ngũ, duyệt binh, vừa hành quân đi bộ từ Huế ra Thăng Long. Ông hoạch định trong 7 ngày sẽ vào ăn mừng chiến thắng ở Thăng Long, nhưng chỉ mới 5 ngày, quân Thanh đã đại bại, quân Tây Sơn thắng lợi lẫy lừng. Tài dụng binh như thần đã chứng tỏ tầm vóc trí tuệ phi thường của người anh hùng áo vải.

3. Vua Quang Trung là người có ý chí, hành động mạnh mẽ, quyết đoán. Từ đầu đến cuối đoạn trích, ông luôn là một con người hành động, hành động quả quyết với ý chí quyết tâm cao.

a) Từ khi nghe tin giặc kéo đến, chỉ trong vòng một tháng, nhà vua đã làm được biết bao nhiêu việc : "tế cáo trời đất", lên ngôi vua, hành quân đánh giặc...

b) Mới khởi binh đánh giặc đã hẹn chắc ngày mừng chiến thắng.

c) Quang Trung là một vị anh hùng lẫm liệt trong chiến trận.
a) Không chỉ ra trận trên danh nghĩa để khích lệ ba quân, hoàng đế Quang Trung thân chinh cầm quân xông pha chốn tên bay đạn lạc. Ông là một vị tổng chỉ huy trực tiếp trên chiến trường: vừa vạch kế hoạch tác chiến, vừa tổ chức quân sĩ, tự mình thống lĩnh một đạo quân, một mũi tiến công, thân chinh chinh cưỡi voi đi đốc thúc, xông lên phía trước... Đối lập với Lê Chiêu Thống đê hèn, một vị hoàng đế quyết hi sinh tính mạng để giành lại vận mệnh dân tộc là một hình ảnh cao đẹp về sự quên mình vì nghĩa lớn.

b) Hình ảnh Quang Trung cưỡi voi xông pha giữa trận mạc, áo bào sạm khói súng, thống soái ba quân hiệp đồng tiến đánh tứ phía thành Thăng Long khiến quân giặc kinh hồn bạt vía bỏ chạy tháo mạng... là một hình ảnh đầy chất thơ.

c) Khung cảnh chiến trường với khí thế thừa thắng tiến công rộng khắp của quân Tây Sơn càng tôn lên vẻ đẹp của vị tổng chỉ huy tài giỏi, anh hùng.

C. Kết bài
- Vua Quang Trung trong đoạn trích là hình ảnh ngời sáng của một vị anh hùng, tiêu biểu cho sức mạnh quật cường của dân tộc Việt Nam.
- Hình tượng vua Quang Trung để lại trong lòng chúng ta niềm tự hào về truyền thống đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm của nhân dân ta, cho ta thêm yêu thêm quý và biết ơn những người đã có công lớn với đất nước.


Sưu tầm
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Hoàng Lê nhất thống chí là văn bản viết về những sự kiện lịch sử, mà nhân vật chính tiêu biểu – anh hùng Quang Trung ( Nguyễn Huệ). Ông có một nét đẹp của vị anh hùng dân tộc trong chiến công đại phá quân thanh, với sự dũng mãnh, tài trí , tầm nhìn xa trông rộng thì Quang Trung quả là một hình ảnh đẹp trong lòng dân tộc Việt Nam.

Một con người có hành động mạnh mẽ và quyết đoán: từ đầu đến cuối đoạn trích , Nguyễn Huệ luôn luôn là người hành động một cách xông xáo mạnh mẽ, nhanh gọn, có chủ đích và rất quả quyết. nghe tin giặc đã chiếm thành Thăng Long, mất cả một vùng đất đai rộng mà ông không hề nao núng, “ định thân chinh cầm quân đi ngay”. Rồi trong vòng chỉ một tháng, Nguyễn Huệ đã làm bao nhiêu việc lớn: “ tế cáo trời đất”, “lên ngôi hoàng đế”, “ đốc suất đại binh’’ ra Bắc gặp gỡ “người cống sĩ ở huyện La Sơn”, tuyển mộ quân lính và mở các cuộc duyệt binh lớn ở Nghệ An, phủ dụ tướng sĩ, định kế hoạch hành quân, đánh giặc và kế hoạch đối phó với nhà Thanh sau chiến thắng.

Hơn thế nữa ông còn có một trí tuệ sáng suốt, nhạy bén:

Sáng suốt trong việc phân tích tình hình thời cuộc và thế tương quan chiến lược giữa ta và địch. Đưa ra lời phủ dụ có thể coi như bài hịch ngắn mà ý tứ thật phong phú, sâu xa, có tác động kích thích lòng người yêu nước và truyền thống quật cường của đân tộc.

Sáng suốt nhạy bén trong việc xét đoán và dùng người, thể hiện qua cách xử tri với các tướng sĩ tại Tam Điệp, khi Sở và Lân mang gươm trên lưng chịu tội. ông rất hiểu sở trường sở đoản của các tướng sĩ, khen chê đều đúng người đúng việc,…

Cùng với ý trí quyết thắng và tầm nhìn xa trông rộng Quang Trung đã làm lên trang lịch sử hào hùng cho dân tộc. chỉ mới khởi binh đánh giặc chưa dành lại được tấc đất nào, vậy mà mà Quang Trung đã nói chắc như đinh đóng cột “ phương lược tiến đánh đã có tính sẵn”, lại còn tính sẵn cả kế hoạch ngoại giao sau khi chiến thắng nước lớn gấp 10 lần nước mình, để có thể dẹp chuyện binh đao, cho nước nhà yên ổn mà nuôi dưỡng lương thực.

Tài dùng binh như thần: cuộc hành binh thần tốc do vua Quang Trung chỉ huy đến nay vẫn còn làm chúng ta kinh ngạc. ngày 25 tháng chạp bắt đầu xuất binh ở phú xuân( Huế), một tuần lễ sau đã ra tận Tam Điệp cách Huế 500km. vậy mà đến đêm 30 tháng chạp hành quân ra Bắc vừa đi vừa đánh giặc vậy mà ông hoạch định là mồng 7 tháng giêng sẽ vào ăn tết ở Thăng Long, trong thực tế đã vượt mức hai ngày. Hành quân xa và đầy gian khổ như vậy nhưng cờ nào đội ấy vẫn chỉnh tề, răm rắp nghe theo chỉ huy.

Hình ảnh Quang Trung lẫm liệt trong chiến trận: Hoàng đế Quang Trung thân chinh cầm quân đánh giặc không phải chỉ trên danh nghĩa. Ông là một tổng chỉ huy chiến dịch thật sự hoạch định phương lược tiến đánh, tổ chức quân sĩ, tự mình thống lĩnh mũi tên tiến công, cưỡi voi đi đốc thúc, xông pha trước hòn tên mũi đạn, bày mưu tính kế…Đội quân của vua Quang Trung không phải là đội quân thiện chiến, lại vừa trải qua những ngày hành quân cấp tốc, không có thì giờ nghỉ ngơi, vậy mà dưới sự lãnh đạo tài tình của vị chỉ huy này đã đánh những trận thật đẹp, thắng áp đảo kẻ thù ( bắt sống hết quân do thám của địch ở phú Xuyên, giữ được bí mật để tạo thế bất ngờ, vây kín làng Hạ Hồi…) trận đánh Ngọc Hồi cho ta thấy rõ tài trí về chiến lược phong thái lẫm liệt của vua Quang Trung ( khói tỏa mù trời cách gang tấc không thấy gì mà chỉ nổi bật hình ảnh của vua Quang Trung..có sách ghi chép lại áo bào đỏ của ông sạm đen khói súng..)

Từ những đoạn trích trên ta thấy hiện về trong lịch sử một nhân vật xuất chúng: lẫm liệt oai phong, văn võ song toàn đã ghi vào trang lịch sử vẻ vang của dân tộc, làm sáng ngời truyền thống dân tộc, ngàn đời sau vẫn nhắc tên người anh hùng áo vải Quang Trung.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top