• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Hiện tượng tha hóa theo quan điểm triết học C.Mác

Hà Nội Honey

Mật ngon Hà Nội
C.Mác cho rằng: tha hóa là một hiện thực có thật, một hiện trạng thực tế trong xã hội và có cơ sở kinh tế của nó. “Chúng tôi đã xuất phát từ một sự kiện kinh tế - sự tha hóa của công nhân và của sản phẩm của công nhân. Chúng tôi đã nêu lên khái niệm của cái thực tế này: lao động bị tha hóa.

Mục lục bài viết

1. Khái quát quan điểm của C.Mác về sự tha hóa trong xã hội con người
2. Tha hóa là quá trình con người đã trở thành không phải chính mình
3. Tha hóa là một hiện tượng xã hội
4. Tha hóa chính là cái xuất phát từ con người, từ xã hội loài người, do nhiều nguyên nhân
5. Lao động tha hóa

1. Khái quát quan điểm của C.Mác về sự tha hóa trong xã hội con người

C.Mác cho rằng: tha hóa là một hiện thực có thật, một hiện trạng thực tế trong xã hội và có cơ sở kinh tế của nó. “Chúng tôi đã xuất phát từ một sự kiện kinh tế - sự tha hóa của công nhân và của sản phẩm của công nhân. Chúng tôi đã nêu lên khái niệm của cái thực tế này: lao động bị tha hóa. Chúng tôi đã phân tích khái niệm đó. Như thế là đã phân tích một sự kiện của kinh tế”(1). Và cũng theo C.Mác, để giải thích, nghiên cứu về tha hóa thì: “Không thể lại dùng những khái niệm khác, không thể lại dùng “tự ý thức”, hoặc những cái nhảm nhí tương tự như thế được, mà phải xuất phát từ toàn bộ phương thức sản xuất và giao tiếp hiện đang tồn tại, phương thức sản xuất và giao tiếp này không phụ thuộc vào khái niệm thuần túy, cũng như việc phát minh ra máy dệt tự động và việc sử dụng đường sắt không phụ thuộc vào triết học Hêghen”(2).

Như vậy, cách tiếp cận của C.Mác về tha hóa được dựa trên nền tảng hiện thực, nói cách khác quan niệm duy vật lịch sử về tha hóađã được tuân thủ và áp dụng triệt để.

Vậy, cách tiếp cận để nghiên cứu tha hóa hiện thực haythực chất của sự tha hóađược C.Mác trình bày như thế nào? Có thể chỉ ra thực chất của sự tha hóa theo quan niệm của C.Mác như sau:
2. Tha hóa là quá trình con người đã trở thành không phải chính mình

Điều này được thể hiện trong việc C.Mác vạch ra và lý giải, do nhiều nguyên nhân khác nhau và trong những điều kiện xác định, quá trình tha hóa ở con người với tư cách là những cá nhân trong xã hội đã diễn ra như một quá trình. “Việc quan hệ cá nhân chuyển biến thành mặt đối lập của nó, - C.Mác viết -, tức là thành quan hệ thuần túy khách thể, việc cá nhân tự mình phân biệt cá tính và tính ngẫu nhiên, như chúng tôi đã chỉ rõ, là một quá trình lịch sử và mang những hình thức khác nhau, ngày càng gay gắt và phổ biến ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Trong thời đại hiện nay, sự thống trị của những quan hệ khách thể đối với cá nhân, sự khống chế của tính ngẫu nhiên đối với cá tính đã mang một hình thức gay gắt nhất, phổ biến nhất, do vậy đã đặt ra trước những cá nhân đang tồn tại một nhiệm vụ hoàn toàn rõ ràng. Sự thống trị đó đã đặt ra trước họ nhiệm vụ sau đây: xác lập sự thống trị của cá nhân đối với tính ngẫu nhiên và những quan hệ để thay thế cho sự thống trị của những quan hệ và của tính ngẫu nhiên đối với cá nhân”(3). Khi phê phán Pruđông về vấn đề này, C.Mác phân tích rõ hơn: “Pruđông chưa thể diễn đạt tư tưởng ấy của mình một cách thích đáng. “Chiếm hữu bình đẳng” là quan niệm kinh tế chính trị, do đó vẫn còn là biểu hiện tha hóa của một sự thực là: vật thể, với tư cách là sự tồn tại vì con người, với tư cách là sự tồn tại vật thể của con ngườithì đồng thời cũng là sự tồn tại hiện có của con người thì đồng thời cũng là sự tồn tại hiện có của con người vì người khác, là quan hệ người của anh ta đối với người khác, là quan hệ xã hội của người đối với người”(4).
3. Tha hóa là một hiện tượng xã hội

Hêghen cho rằng tha hóa là một thuộc tính phổ biến, một quá trình phổ biến của cả tự nhiên, xã hội vàtư duy. Vớicác nhà lý luận tôn giáo, tha hóa là một quan hệ thuần túy mang tính tư tưởng. Ở Pruđông, tha hóa chỉ đơn giản là một phạm trù thuần túy “kinh tế chính trị” (lý thuyết thuần túy). Ở Phoiơbắc, tha hóa chính là quá trình hòa tan bản chất con người vào bản chất tôn giáo (chính xác hơn là Cơ đốc hóa bản chất con người). Còn với C.Mác, tha hóa chỉ là một loại quan hệ xã hội, tha hóa chỉ tồn tại ở con người và xã hội loài người. Nói cách khác,nội dung của phạm trù tha hóa chỉ phản ánh và thể hiện những cái, những hiện tượng, những quá trình có liên quan đến con người và xã hội loài người.

Tha hóa với tư cách là quan hệ xã hội là “quan hệ kép”. Một mặt, đó là quan hệ của người lao động với chính lao động của anh ta và mặt khác, là quan hệ của hành vi lao động với sản phẩm lao động của anh ta. C.Mác lý giải: “Chúng ta đã xét một mặt, xét lao động bị tha hóatrong quan hệ của nó với bản thân người công dân, nghĩa là quan hệ của lao động bị tha hóa với bản thân nó. Chúng ta đã tìm thấy quan hệ sở hữu của con người - không - phải - công - nhân với người công nhân và với lao độngvới tính cách là sản phẩm hay kết quả tất nhiên của quan hệ đó. Sở hữu tư nhân, với tính cách là biểu hiện vật chất khái quát của lao động bị tha hóa, bao gồm hai quan hệ: quan hệ của công nhân với lao động, với sản phẩm lao động của mình và với người - không - phải - công - nhân, và quan hệ của người - không - phải - công - nhân với người công nhân và với sản phẩm lao động của người công nhân”(5).

Tư tưởng coi tha hóa là một loại quan hệ xã hội được V.I.Lênin đánh giá rất cao, cho là hết sức đặc sắc và độc đáo:“Vì nó vạch rõ C.Mác đã tiến gần như thế nào đến tư tưởng cơ bản của toàn bộ “hệ thống” của ông, sit venia verbo, - tức là tư tưởng về những quan hệ sản xuất xã hội”(6).
4. Tha hóa chính là cái xuất phát từ con người, từ xã hội loài người, do nhiều nguyên nhân

Tha hóa chính là cái xuất phát từ con người, từ xã hội loài người, do nhiều nguyên nhân, đã trở thành cái khác xa lạ, đứng lên trên con người và xã hội loài người; quay trở lại chi phối, nô dịch con người và xã hội loài người.

“Sự tha hóa thể hiện ở chỗ, - C.Mác viết -, tư liệu sinh hoạt củatôi thuộc về người khác, ở chỗ đối tượng mong muốn của tôilà vật sở hữu của người khác mà tôi không với tới được, cũng như ở chỗ bản thân mỗi vật hóa ra là một cái khácvới bản thân nó, ở chỗ hoạt động của tôi hóa ra là một cái khácnào đó và cuối cùng - điều này cũng đúng cả đối với nhà tư sản, - lực lượng không phải ngườinói chung thống trị tất cả”(7).

Như vậy, tha hóa chính là cái xuất phát từ con người, từ xã hội loài người, song trong những điều kiện và hoàn cảnh bất thuận đã trở thành cái xa lạ, quay trở lại chi phối, thống trị con người và xã hội loài người. Rõ ràng, cách hiểu của C.Mác về tha hóa khác về chấtso với cách hiểu của những nhà lý luận tôn giáokhác nhưPhoiơbắc, Pruđông và kể cả Hêghen, mặc dù trong giai đoạn đầu của sự nghiệp triết học, C.Mác đã một vàilần sử dụng thuật ngữ “vật hóa” -thuật ngữ mà Hêghen thường dùng để luận giải về tha hóa.
5. Lao động tha hóa

Đây là nội dung cơ bản nhất, xuyên suốt nhất, bao trùm nhất trong toàn bộ lý luận của C.Mác về tha hóa.

Thực ra, tha hóa lao động là hiện tượngxuất hiệntừ lâu trước khi có chủ nghĩa tư bản. Nó là hiện tượng gắn với những xã hội mà ở đó con người đã sản xuất ra những điều kiện sống chủ yếucho xã hội, song lại được hưởng quá ít từ những điều kiện sống do chính mình sản xuất rađó. “Tính tha hóa và tính độc lập, - C.Mác viết, mà trong đó mối liên hệ ấy còn tồn tại đối với các cá nhân, chỉ chứng minh rằng con người vẫn đang trong quá trình tạo ra những điều kiện cho đời sống xã hội của mình, chứ chưa sống đời sống xã hội, xuất phát từ những điều kiện ấy”(8).

Song, theo C.Mác, chỉ đến chủ nghĩa tư bản, thì tha hóa lao động ở con người và xã hội loài người mới trở nên phổ biến nhất, rõ ràng nhất và có những biểu hiện đầy đủ nhất. C.Mác đã chỉ ra: “Trong mâu thuẫn đó, khoa kinh tế chính trị chỉ nói lên cái thực chất của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, hay nếu ta muốn, chỉ nói lên cái thực chất của lao động làm thuê, của lao động bị tha hóa khỏi bản thân, mà của cải được sản xuất ra lại đối lập với nó như là của cải của người khác, sức sản xuất của bản thân nó lại đối lập với nó như là sức sản xuất của sản phẩm của nó, việc làm giàu của nó đối lập với nó như là việc tự làm cho mình trở nên nghèo khổ, lực lượng xã hội của nó đối lập với nó như một quyền lực xã hội thống trị nó”(9). Và trong chủ nghĩa tư bản, không chỉ sản phẩm lao động bị tha hóa là tất yếu mà chính hành vi (hình thái) lao động bị tha hóa cũng là tất yếu: “Những hình thái xã hội của lao động của bản thân người công nhân,- C.Mác viết,- hay là những hình thái của lao động xã hội của bản thân họ, - là những quan hệ được hình thành một cách hoàn toàn độc lập đối với công nhân, nếu lấy tách riêng từng người ra; những người công nhân phụ thuộc vào tư bản trở thành những yếu tố của những cơ cấu xã hội đó, những cơ cấu xã hội đó lại không thuộc về công nhân. Vì vậy, những cơ cấu ấy đối lập với công nhân như là những phương thứcdo chính tư bản sử dụng, như là những sự kết hợp cấu thành cái thuộc tính của tư bản (khác với sức lao động của mỗi người công nhân đứng tách riêng ra), phát sinh từ tư bản và được gộp vào thành phần của tư bản”(10).

Cũng theo C.Mác, sự tha hóa sản phẩm lao động và sự tha hóa hình thái lao động có mối quan hệ nhân quả: tha hóa hình thái lao động là nguyên nhân, tha hóa sản phẩm lao động là kết quả, là hệ quả tất yếu của tha hóa hành vi sản xuất. C.Mác phân tích:

“Cho đến nay, chúng ta xét sự tha hóa của công nhân chỉ về một phương diện, cụ thể là phương diện quan hệ của anh ta với sản phẩm lao động của anh ta. Nhưng sự tha hóa xuất hiện không chỉ trong kết quả cuối cùng của sản xuất mà cả trong bản thân hành vi sản xuất, trong bản thân hoạt động sản xuất. Người công nhân có thể đứng đối lập với sản phẩm của hoạt động của anh ta như một cái gì đó xa lạ hay không, nếu trong chính ngay hành vi sản xuất, anh ta không tha hóa khỏi bản thân anh ta? Trên thực tế, sản phẩm chỉ là kết quả của hoạt động, của sản xuất. Vậy, nếu sản phẩm của lao động là sự tha hóa thì bản thân sản xuất phải là sự tha hóa bằng hành động, là sự tha hóa của hoạt động, là hoạt động của sự tha hóa. Sự tha hóa của đối tượng lao động chỉ là kết quả tổng kết sự tha hóa trong hoạt động của bản thân lao động”(11).

Năm là, hệ quả của sự tha hóa lao động - con người mất dần tính loài

Phân tích và lý giải về quá trình lao động bị tha hóa trong chủ nghĩa tư bản, C.Mác đã rút ra kết luận:

“Vậy, sự tha hóa của lao động dẫn tới những kết quả như sau:

+ Bản chất có tính loài của con người, - giới tự nhiên (cơ thể con người) cũng như tài sản tinh thần có tính loài của con người, - bị biến thành một bản chất xa lạvới con người, thành phương tiệnduy trìsự tồn tại cá nhâncủa con người. Lao động bị tha hóa làm cho thân thể của bản thân con người, cũng như giới tự nhiên ở bên ngoài con người, cũng như bản chất tinh thần của con người, bản chất nhân loạicủa con người, trở thành xa lạ với con người.

+ Kết quả trực tiếp của việc con người bị tha hóa với sản phẩm lao động của mình, với hoạt động sống của mình, với bản chất có tính loài của mình, là sự tha hóa của con người với con người. Khi con người đối lập với bản thân mình thì con người khác đối lập với nó...

Nói chung, luận điểm cho rằng bản chất có tính loài của con người bị tha hóa với con người, có nghĩa là một người này bị tha hóa với người khác và từng người trong số họ bị tha hóa với bản chất người”(12).

C.Mác giải thích thêm, trong quá trình tồn tại và sinh sống gắn với cải biến thế giới vật chất, con người là “một sinh vật có ý thức, nghĩa là đời sống của bản thân con người là một đối tượng đối với con người, chính chỉ vì con người là một sinh vật có tính loài. Chỉ vì thế mà hoạt động của con người là hoạt động tự do. Lao động bị tha hóa đảo ngược quan hệ đó khiến cho con người chính vì là một sinh vật có ý thức, chỉ biến hoạt động sinh sống của mình, bản chất của mình thành phương tiện để duy trì sự tồn tạicủa mình mà thôi”(13).

Như vậy, con người vốn có bản chất loài (bản chất xã hội), song đã bị cá biệt hóadần trong quá trình tha hóa, dẫn đến hệ quả tất yếu là bản chất loài mất dần di, triệt tiêu dần đi. Con người chỉ còn là những cá nhân, những cá thể riêng lẻ, đơn độc, tất yếu mất dần tính loài, tính người.

Ghi chú:
(1), (5), (7), (11), (12), (13), C.Mác và Ph.Ăngghen:Toàn tập, t.42, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.139, 144-145,196,132,138-139,136,143.
(4) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.2,Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội,1995, tr.214, 65.
(2), (3) C.Mác và Ph.Ăngghen:Sđd, t.3, tr.214-215,643.
(6)V.I.Lênin: Toàn tập, t.29. NxbTiến bộ, Mátxcơva, 1981, tr.17.
(8): C.Mác và Ph.Ăngghen:Toàn tập, t.46, p.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.174.
(9)C.Mác và Ph.Ăngghen:Sđd, t.26, p.3, tr.358-359.
(10) C.Mác và Ph.Ăngghen:Sđd, t.26, p.1, tr.555.

Bài viết tham khảo:

1. Từ cách tiếp cận của C.Mác về tha hóa đến các hiện tượng tha hóa ở Việt Nam hiện nay; PGS, TS Ngô Đình Xây - Học viện Báo chí và Tuyên truyền;
2. Bước đầu tìm hiểu khái niệm “tha hóa” trong triết học; TS Bùi Thanh Hương - Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số tháng 6.2006;
3. Tha hóa và chủ nghĩa xã hội; Hồ Ngọc Hương (Tạp chí Triết học, số 3/1989).
-------
Nguồn: Luật Minh Khuê
 

Hà Nội Honey

Mật ngon Hà Nội

Tìm hiểu khái niệm “tha hóa” trong triết học? Ví dụ về tha hóa trong xã hội hiện nay?​


Tha hoá là một hiện tượng phổ biến trong mọi giai đoạn phát triển của xã hội cho đến ngày nay. Hiện nay, xã hội ở trạng thái quá độ, tồn tại nhiều mâu thuẫn về lợi ích, thậm chí những mâu thuẫn có tính chất đối kháng, có thể thấy sự hiện diện của tha hoá trong nhiều lĩnh vực, trong nhiều thời điểm.
Mục lục bài viết

1. Khái niệm “tha hóa” trong quan điểm triết học của Rút-xô
2. Khái niệm “tha hóa” trong quan điểm triết học của Hêghen
3. Khái niệm “tha hóa” trong quan điểm triết học của Phơ-bach
4. Khái niệm “tha hóa” trong quan điểm triết học của Mác
5. Ví dụ về sự tha hóa

Tha hoá là khái niệm được đề cập nhiều trong lịch sử triết học.

Nguồn gốc tư tưởng về tha hoá có thể tìm thấy ở những đại diện của triết học Pháp và Đức thời cận đại như Rút-xô, Gớt, Sin-lơ.
1. Khái niệm “tha hóa” trong quan điểm triết học của Rút-xô

Trong triết học của Rút-xô (1712 - 1778), nhà triết học nổi tiếng của phong trào Khai sáng Pháp, tha hoá là sự chuyển hoá những mối quan hệ xã hội, những hiện tượng xã hội thành cái đối lập với bản chất tự nhiên của nó. Khi nghiên cứu vấn đề con người và quá trình phát triển của xã hội, Rút-xô khẳng định bản chất con người là tự do - con người sinh ra vốn được tự do, tuy thế, trong các xã hội từ trước tới giờ, luôn tồn tại sự bất công, mất dân chủ giữa người và người, tự do của con người luôn bị kìm hãm. Ông đi tìm nguồn gốc của tình trạng đó ở bản thân sự phát triển kinh tế và các hình thái sở hữu của xã hội.

Bằng tư duy biện chứng, Rút-xô phân tích, “trạng thái tự nhiên” là giai đoạn tồn tại đầu tiên của xã hội loài người, trong thời kỳ này, các mối quan hệ xã hội còn thuần khiết, mọi người sinh ra ai cũng như nhau, chưa có sự khác nhau rõ rệt về địa vị xã hội, về kinh tế, đẳng cấp, mọi người đều bình đẳng và tự do. “Trạng thái công dân” ra đời với sự xuất hiện sở hữu tư nhân phá vỡ trạng thái tự nhiên của xã hội. Xã hội phân chia thành kẻ giàu người nghèo, đầy rẫy những bất công và áp bức, chiến tranh và mọi tệ nạn xã hội khác xuất hiện. Những đạo luật trong xã hội công dân đều là những xiềng xích trói buộc kẻ yếu, đem lại sinh lực cho kẻ mạnh, huỷ hoại không thương tiếc tự do cá nhân. Các mối quan hệ xã hội hoàn toàn bị biến chất đối lập với bản chất tự nhiên của con người. Đây là tình trạng xã hội bị tha hoá, đối lập với bản chất tự nhiên của nó. Cùng với sự tha hoá các mối quan hệ xã hội, nhà nước cũng bị tha hoá bản chất của mình. Sự tha hoá của bộ máy nhà nước được hiểu: nhà nước (xuất hiện trên cơ sở khế ước xã hội) đáng lẽ phải đảm bảo quyền lợi cho mọi người dân trong xã hội, nhưng trong “trạng thái công dân” nó trở thành công cụ đàn áp nhân dân, trở thành phương tiện hợp pháp hoá sở hữu tư nhân cũng như mọi bất công trong xã hội. Rút-xô cho rằng cần phải thông qua cách mạng đưa xã hội trở về “trạng thái tự nhiên” ban đầu của nó, nhưng trên cơ sở cao hơn, khôi phục tự do và bình đẳng xã hội, xoá bỏ mọi bất công và tệ nạn, lập lại kỷ cương.

Những tư tưởng nhân văn của Rút-xô trở thành phương châm hành động của giai cấp tư sản Pháp trong cách mạng tư sản Pháp 1789 - 1794.
2. Khái niệm “tha hóa” trong quan điểm triết học của Hêghen

Đến triết học của Hêghen, phạm trù tha hoá được xem như một trong những đặc trưng trong hệ thống triết học đồ sộ của ông.

Tha hoá, như 3 thích, tức là biến thành cái khác nó nhưng chính là nó ở trạng thái khác và hình thái khác. ý niệm tuyệt đối trong sự phát triển biện chứng của nó, sau khi đạt tới sự phát triển đầy đủ trong thế giới tinh thần thuần tuý, đã tha hoá thành giới tự nhiên để tiếp tục tự nhận thức chính mình. Theo đó, quá trình phát triển của giới tự nhiên từ vật chất vô cơ đến vật chất hữu cơ, từ vô sinh đến hữu sinh, xuất hiện sự sống và sự phát triển của chính sự sống chẳng qua chỉ là sự biểu hiện bên ngoài của các phạm trù lôgic. Quá trình phát triển từ thấp đến cao đó của giới tự nhiên cũng chính là quá trình ý niệm tuyệt đối vượt bỏ sự tha hoá của mình, trở thành cái tồn tại cho bản thân mình, tiếp tục phát triển với tư cách tự ý thức của loài người trong toàn bộ tiến trình lịch sử thế giới.

Như vậy, giới tự nhiên chính là do ý niệm tuyệt đối tha hoá thành. Giới tự nhiên chỉ là tồn tại khác của ý niệm tuyệt đối, là kết quả của sự vận động của ý niệm tuyệt đối, là hiện thân của ý niệm tuyệt đối. ý niệm tuyệt đối, được hiểu như một lực lượng siêu nhiên là thực thể cao nhất, sáng tạo ra toàn bộ thế giới hiện thực. Quan niệm của Hêghen điển hình cho lập trường duy tâm trong triết học.
3. Khái niệm “tha hóa” trong quan điểm triết học của Phơ-bach

Khái niệm tha hoá với nghĩa đã phân tích (sự chuyển hoá một hiện tượng, mối quan hệ, đặc tính... sang cái khác với bản thân nó) được Phơ-bach sử dụng khi phân tích bản chất của tôn giáo.

Nếu như Hêghen nói đến sự tha hoá của ý niệm tuyệt đối thì Phơ-bách nói đến sự tha hoá của bản chất con người vào Thượng đế. Ông lập luận: bản chất tự nhiên của con người là muốn hướng tới cái chân, cái thiện, hướng tới cái gì tốt đẹp nhất; nhưng trong thực tế con người không đạt được những điều đó nên đã gửi gắm tất cả ước muốn của mình vào hình tượng Thượng đế. Như thế, không phải Thượng đế sáng tạo ra con người mà chính con người sáng tạo ra Thượng đế. Con người đã tưởng tượng ra Thượng đế bằng cách trừu tượng hoá bản chất của mình, gán cho Thượng đế những bản chất ấy. Với hình tượng Chúa con người đã tuyệt đối hoá, thần thánh hoá những đặc tính của mình. Phơ-bách đã viết: tư tưởng, dụng ý của con người như thế nào thì Chúa của con người như thế.

Bản chất của tôn giáo, theo đó, chính là sự tha hoá các đặc tính của con người. Con người dường như nhân đôi mình, ngắm nhìn mình trong gương mặt của Thượng đế.

Khi phê phán chủ nghĩa duy tâm, Phơ bách cũng chỉ ra rằng, chủ nghĩa duy tâm chính là sự tha hoá của lý tính. Vấn đề cơ bản của triết học được Phơ-bách quan niệm như sau, quan hệ thực sự của tư duy đối với tồn tại là: tồn tại, chủ thể; tư duy, thuộc tính. Nguồn gốc của tư duy, của lý tính là ở cảm giác, trong đó ông hiểu cảm giác là sự phản ánh các vật thể của thế giới vật chất. Theo ông, lý tính bao giờ cũng phải đứng nguyên trên cơ sở thế giới vật chất và của tính cảm giác. Chủ nghĩa duy tâm đã đặt một tinh thần siêu tự nhiên đứng trên giới tự nhiên, sinh ra giới tự nhiên, như vậy thì lý tính không phải là lý tính của con người mà là cơ sở ban đầu, khởi nguyên của thế giới - đó là sự tha hoá của lý tính.

Sự phê phán của Phơ bách đối với tôn giáo, với chủ nghĩa duy tâm như đã phân tích là hoàn toàn hợp lý. Điểm hạn chế của ông là ở chỗ, khi chỉ đề cập đến sự tha hoá trong lĩnh vực tinh thần, ý thức, ông đã không tìm được những con đường hiện thực để thủ tiêu nó.
4. Khái niệm “tha hóa” trong quan điểm triết học của Mác

Quan điểm của Mác về tha hoá đối lập với quan điểm của Hêghen và khác căn bản với quan điểm của Phơ-bách. Mác không quy sự tha hoá thành những hiện tượng của ý thức mà xem xét nó trong chính đời sống hiện thực và hoạt động thực tiễn của con người. Xuất phát từ chỗ cho rằng tha hoá biểu hiện những mâu thuẫn của một giai đoạn phát triển nhất định của xã hội, nó do sự phân công lao động có tính chất đối kháng đẻ ra và gắn liền với chế độ tư hữu. Trong những điều kiện đó, các mối quan hệ xã hội được hình thành một cách tự phát và vượt khỏi sự kiểm soát của con người, còn những kết quả và sản phẩm của hoạt động thì bị tha hoá khỏi các cá nhân và các tập đoàn xã hội.

Trong tác phẩm “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844” Mác đã chỉ ra sự tha hoá của hiện tượng cơ bản của đời sống xã hội - hiện tượng lao động. Sự tha hoá của lao động là kết quả của tất yếu của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Trong điều kiện của chế độ bóc lột tư bản, sự tha hoá lao động của người công nhân được Mác phân tích trên 3 phương diện:

- Người công nhân bị tha hoá trong sản phẩm: Sản phẩm lao động là kết quả của quá trình lao động, trong quá trình đó, người công nhân đã chuyển đời sống của anh ta vào sản phẩm, tự phát tiết trong lao động để sáng tạo ra sản phẩm. Sản phẩm lao động là kết quả sáng tạo của người công nhân, là biểu hiện năng lực lao động của anh ta, gắn bó với anh ta, thuộc về anh ta. Nhưng những sản phẩm lao động của anh ta đều bị nhà tư bản tước đoạt. Việc chiếm hữu sản phẩm biểu hiện ra là một sự tha hoá đến nỗi người công nhân sản xuất ra càng nhiều sản phẩm bao nhiêu thì lại càng nghèo đi bấy nhiêu, người công nhân càng tạo ra nhiều hàng hoá thì anh ta lại trở thành một hàng hoá rẻ mạt, thế giới vật phẩm càng tăng thêm giá trị thì thế giới nhân loại càng mất giá trị. Như vậy người công nhân bị chính sản phẩm của mình, tức tư bản thống trị. Do đó người công nhân đối với sản phẩm lao động của mình như đối với một vật xa lạ. Sự tha hoá của công nhân trong sản phẩm được hiểu là mối quan hệ của công nhân với sản phẩm của lao động như với một vật xa lạ và thống trị anh ta.

- Người công nhân bị tha hoá trong lao động: sự tha hoá của công nhân trong sản phẩm lao động dẫn tới sự tha hoá trong hoạt động lao động của anh ta. Mác phân tích, lao động là hoạt động bản chất của con người, thông qua lao động, con người tự khẳng định mình, có được trạng thái sung sướng, thoải mái; lao động giúp con người phát huy hoạt động thể xác tự do và hoạt động tinh thần tự do; hoạt động lao động do đó là một nhu cầu của con người, con người tự nguyện lao động và cảm thấy mình là chính mình trong quá trình lao động.

Song điều đó không xảy ra ở quá trình lao động trong chủ nghĩa tư bản, do sản phẩm của lao động là sự tha hoá nên bản thân lao động cũng là một sự tha hoá, đó là sự tha hoá bằng hành động, sự tha hoá của hoạt động. Sự tha hoá đó biểu hiện ở chỗ: hoạt động lao động không còn là của người công nhân, không thuộc về anh ta mà thuộc về người khác; bản thân anh ta trong quá trình lao động không thuộc về anh ta mà thuộc về người khác. Vì vậy lao động của người công nhân không phải để tự khẳng định mà lại phủ định anh ta, anh ta cảm thấy khổ sở, bị hành hạ trong lao động; lao động làm kiệt quệ thân thể của anh ta và huỷ hoại tinh thần của anh ta; lao động trở thành sự cưỡng bức đối với công nhân, tồn tại bên ngoài anh ta, trở thành xa lạ với anh ta, người công nhân đi đến chỗ trốn tránh lao động như trốn tránh bệnh dịch hạch.

- Sự tha hoá bản chất tộc loài của con người. Lao động tha hoá làm cho giới tự nhiên (thân thể vô cơ của con người) bị biến thành một bản chất xa lạ với con người. Nó cũng làm cho bản thân con người, chức năng hoạt động của bản thân con người, hoạt động sinh sống của con người trở thành xa lạ với chính họ.

Sự tha hoá bản chất tộc loài của con người được hiểu là: “lao động bị tha hoá làm cho thân thể của bản thân con người, cũng như giới tự nhiên ở bên ngoài con người, cũng như bản chất tinh thần của con người, bản chất nhân loại của con người trở thành xa lạ với con người”(1).

Tiếp tục phân tích kết quả của lao động bị tha hoá, Mác chứng minh mối quan hệ có tính chất quy luật giữa chế độ tư hữu và lao động bị tha hoá: Sở hữu tư nhân là cơ sở, nguyên nhân của lao động bị tha hoá, nhưng mặt khác nó lại là “phương tiện nhờ đó lao động tự tha hoá, nó là sự thực hiện sự tha hoá ấy”(2). Mối quan hệ trên là đặc trưng của hệ thống các mối quan hệ tư bản chủ nghĩa, sự tha hoá của lao động là cơ sở của mọi hình thái tha hoá khác, kể cả sự tha hoá về tư tưởng. Từ đó, theo Mác “còn có thể kết luận thêm rằng, sự giải phóng xã hội khỏi sở hữu tư nhân... khỏi sự nô dịch, trở thành hình thức chính trị của sự giải phóng công nhân, vả lại vấn đề ở đây không chỉ là sự giải phóng của họ, vì sự giải phóng của họ bao hàm sự giải phóng toàn thể loài người”(3).

Thủ tiêu sự tha hoá chỉ có thể bằng sự giải phóng giai cấp công nhân, cải tạo lại xã hội theo chủ nghĩa cộng sản nhằm giải phóng toàn diện con người.

Tóm lại, trong lịch sử triết học, khái niệm “tha hoá” được hiểu như sau:

Một là, quá trình và những kết quả chuyển hoá của các sản phẩm hoạt động của con người cũng như của những đặc tính và năng lực của con người thành một cái gì độc lập với con người và thống trị con người.

Hai là, sự chuyển hoá của những hoạt động và quan hệ nào đó thành một cái gì khác với bản thân chúng, sự bóp méo và xuyên tạc trong ý thức của con người những quan hệ sinh sống hiện thực của họ.
5. Ví dụ về sự tha hóa

Với nghĩa như vậy, tha hoá là một hiện tượng phổ biến trong mọi giai đoạn phát triển của xã hội cho đến ngày nay. Trong xã hội chúng ta, xã hội ở trạng thái quá độ, còn tồn tại nhiều mâu thuẫn về lợi ích, thậm chí những mâu thuẫn có tính chất đối kháng, có thể thấy sự hiện diện của tha hoá trong nhiều lĩnh vực, trong nhiều thời điểm.

Sự biến chất của không ít cán bộ công chức trong kinh tế thị trường, sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận dân cư, sự phai nhạt lý tưởng sống của một bộ phận thanh niên, sự hình thức hoá trong thực hiện cơ chế dân chủ, sự dễ dãi trong sinh hoạt Đảng, sự lạm dụng quyền lực để trục lợi... chính là những biểu hiện của tha hoá trong xã hội chúng ta.

Sự tha hoá đó được hiểu như thế nào? Xin phân tích một ví dụ: Nhà nước CHXHCN Việt Nam xét về bản chất là nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, là nhà nước của dân, do dân, vì dân, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động. Trong nhà nước ta, nhân dân lao động là chủ thể tối cao của quyền lực. Cơ chế thực hiện quyền lực là: bằng quyền bầu cử, nhân dân lao động gián tiếp lập ra bộ máy hành chính các cấp, bộ máy đó sẽ thay mặt nhân dân triển khai và thực hiện quyền lực của họ. Nói cách khác, nhân dân đã trao cho các cán bộ công chức nhà nước - các “công bộc” của mình quyền lực chính trị. Như vậy, quyền lực trong tay các vị công bộc là quyền lực để phục vụ nhân dân. Nhưng trong thực tế, không ít vị công bộc đã biến quyền lực phục vụ đó thành quyền lực thống trị nhân dân. Điều đó thể hiện rõ rệt ở sự quan liêu, cửa quyền của bộ máy hành chính mặc dù chúng ta đã ra sức cải cách; thể hiện ở sự xa dân, vô cảm với dân của rất nhiều cán bộ công chức; thể hiện ở sự lợi dụng chức quyền tước đoạt số lượng lớn của cải của nhà nước, của nhân dân trong các vụ tham nhũng liên tiếp bị phát hiện gần đây; thể hiện ở sự lãng phí đến mức đáng báo động trong nếp làm ăn, sinh hoạt của cán bộ công chức đối với những tài sản công...

Quyền lực phục vụ nhân dân biến thành quyền lực thống trị nhân dân, đó là sự tha hoá quyền lực và đó là lực cản của sự phát triển.

Quá trình phát triển xã hội đòi hỏi phải khắc phục bằng được những hiện tượng tha hoá , trả lại bản chất đích thực, tốt đẹp, vốn có của các quan hệ xã hội, các hiện tượng xã hội... Quá trình khắc phục không thể diễn ra trong thời gian ngắn, cũng không hề dễ dàng. Nhưng có một điều chắc chắn là: quá trình đó trước tiên đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, thành viên của xã hội tự rèn luyện cho mình một nếp sống trung thực, trong sạch, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, hoàn thành nhiệm vụ được giao với ý thức trách nhiệm cao nhất.

Ghi chú:

(1) Mác - Ăngghen (1993), Toàn tập, Nxb. Sự thật, T.1, tr.138.
(2) sđd, tr.142.
(3) sđd, tr143.

Bài viết tham khảo:
1. Từ cách tiếp cận của C.Mác về tha hóa đến các hiện tượng tha hóa ở Việt Nam hiện nay; PGS, TS Ngô Đình Xây - Học viện Báo chí và Tuyên truyền;
2. Bước đầu tìm hiểu khái niệm “tha hóa” trong triết học; TS Bùi Thanh Hương - Bài đăng trên Tạp chí Báo chí và Tuyên truyền số tháng 6.2006.
3. Tha hóa và chủ nghĩa xã hội; Hồ Ngọc Hương (Tạp chí Triết học, số 3/1989)
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top