- Xu
- 0
[HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG] THÓI DỐI TRÁ LÀ BIỂU HIỆN CỦA SỰ SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI
Dối trá giờ đây không chỉ là một thói xấu mà nó đã lây lan thành một bệnh dịch nguy hiểm khó chữa, gây ra những tác hại nghiêm trọng trong mọi lĩnh vực. Bàn về vấn đề này, có ý kiến cho rằng : Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái đạo đức trong đời sống xã hội.
Thói dối trá chính là biểu hiện của lối sống thiếu trung thực, nhằm mục đích vụ lợi cho cá nhân. Suy thoái về đạo đức là sự tha hoá, biến chất, làm mất dần đi những chuẩn mực đạo đức truyền thống của dân tộc. Từ xưa tới nay, thói dối trá thường bị mọi người đem ra phê phán và lên án vì nó làm đảo ngược mọi giá trị thật - giả ; tốt - xấu ; trắng - đen ; phải - trái.
Vậy nguyên nhân phát sinh của thói dối trá là gì ? Xem xét kĩ lưỡng, chúng ta sẽ thấy nó có “họ hàng dây mơ rễ má” với các thói xấu khác như lười biếng, ích kỉ, tham lam… Sâu xa hơn, nó bắt nguồn từ nhận thức lệch lạc về lí tưởng và quan điểm sống. Bên cạnh đó, những bất cập trong cách đánh giá giá trị thực sự của một con người ở thời đại ngày nay cũng góp phần không nhỏ thúc đẩy thói dối trá phát triển, khó mà ngăn chặn được.
Có thể thấy thói dối trá với những hình thức, mức độ khác nhau hiện diện trong mọi lĩnh vực và ở khắp nơi trên đất nước ta. Những hậu quả mà thói dối trá gây ra trước mắt thật đáng sợ và để lại hệ luỵ lâu dài.
Trong lĩnh vực kinh tế quốc dân, không ít tập đoàn bao năm nay làm ăn kiểu “lời giả, lỗ thật” và lỗ tới vài ngàn tỉ đồng như Vinashin, Vinalines. Số tiền khổng lồ ấy cuối cùng ai là người gánh chịu ngoài nhân dân ? Hậu quả khủng
khiếp mà nó gây ra đến bao giờ thì giải quyết được ? Thật là một vấn đề nan giải của đất nước !.
Trong lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải, thói dối trá chạy theo thành tích cũng gây ra rất nhiều thiệt hại : Những con đường, những cây cầu, những công trình lớn… vừa đưa vào hoạt động, khai thác chỉ được một thời gian ngắn đã hư hỏng, xuống cấp. Những nhà máy, cảng biển… xây dựng xong “trùm mền” bỏ đó vì không bảo đảm chất lượng…
Gần nhất, dễ thấy nhất là trong ngành giáo dục vốn được coi là nghiêm túc, là trong sạch xưa nay thì giờ đây cũng bị thói dối trá làm cho nhũng loạn. Nạn “ngồi nhầm lớp” của học sinh tiểu học khá phổ biến. Sự thiếu trung thực trong thi cử đã thành “chuyện thường ngày”, chẳng nói thì ai cũng biết. Dối trá, gian lận từ thấp đến cao và đủ mọi hình thức : quay cóp, sử dụng tài liệu ; thuê người học thay, thi thay ; “học giả bằng giả”; “học giả bằng thật”; dám bỏ ra vài trăm triệu để mua học hàm, học vị hòng mưu danh lợi cá nhân để “vinh thân phì gia”… là những hiện tượng xấu mà báo chí thường đề cập đến. Sự kiện thời sự còn nóng hổi là vụ thi sinh thi tốt nghiệp phổ thông ở điểm thi Đồi Ngô, Bắc Giang thoải mái trao đổi, quay cóp, sử dụng “phao” trước thái độ thờ ơ của giám thị là một ví dụ đau lòng. Chắc chắn có rất nhiều hiện tượng tiêu cực như thế trên khắp đất nước, thế nhưng kết quả thi lại cực kì khả quan : học sinh tốt nghiệp gần 100% !? Thật là “cười ra nước mắt” !!!
Những kẻ dối trá thường có suy nghĩ nông cạn, vụ lợi trước mắt. Vì lợi ích bản thân, họ sẵn sàng bỏ qua danh dự. Họ đã đánh mất lòng tự trọng. Không biết tôn trọng mình và những người xung quanh đồng nghĩa với vô liêm sỉ, tức là không còn biết hổ thẹn là gì. Mà như thế thì rõ ràng là suy thoái đạo đức, mất nhân cách của một con người chân chính. Nếu ai khởi đầu bằng sự dối trá, thiếu trung thực thì tất yếu sẽ không thể có được một kết quả tốt đẹp trong cuộc đời. Dù có che đậy kĩ đến đâu chăng nữa thì đến một lúc nào đó, sự thật về kẻ dối trá cũng sẽ bị phơi bày. Họ sẽ mất hết danh dự và sự nghiệp. Mà như thế thì tuy còn sống đấy mà như đã chết.
Thói dối trá rất nguy hại vì nó làm đảo lộn thật - giả, trắng - đen, phải - trái, đúng - sai, gây rối loạn kỉ cương xã hội. Vì thế, chúng ta phải chung tay ngăn chặn nó để trả lại giá trị đích thực của đạo đức, tài năng là những giá trị truyền thống vốn được xã hội coi trọng và tôn vinh. Mỗi người cần nhận thức rõ về sự nguy hại của thói dối trá để tránh mắc phải. Bên cạnh đó nên thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng, đạo đức để trở thành người tử tế, có ích cho gia đình và xã hội. Trước hết, hãy trung thực với chính mình.
- Nguồn: Sưu tầm