Một tài liệu khá hay đây.
---------
Các nguyên tắc thuế: Từ Adam Smith đến Barack Obama
Trong các tranh luận về nguyên nhân gây ra suy thoái kinh tế, các vấn đề như các qui định, quản trị doanh nghiệp và tiền lương của ban giám đốc đóng vai trò trung tâm. Chính sách về thuế được xem là thứ yếu so với các vấn đề trên.
Tuy vậy, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra một nghiên cứu lý thú, nghiên cứu này đã đưa thuế trở thành vấn đề trung tâm. IMF cho rằng chính chính sách thuế đã góp phần tạo ra bùng nổ tín dụng trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra.
Các chính sách thuế đã khuyến khích các công ty huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu (vì lãi suất trái phiếu được xem là chi phí để khấu trừ thuế) hơn là phát hành cổ phiếu (vì cổ tức không được xem là chi phí để khấu trừ thuế) và vì vậy nó làm cho trái phiếu rẻ hơn, thúc đẩy người ta mua trái phiếu có các khoản thế chấp lớn. Những vấn đề này kết hợp lại tạo nên những khoản tín dụng không bền vững, và kết quả của nó chúng ta đã thấy ở hầu hết các quốc gia. IMF khẳng định rằng chính chính sách thuế đã đẩy các công ty hướng vào việc huy động vốn bằng các khoản nợ.
Vậy giải pháp là gì? Giải pháp trước mắt có thể là bỏ việc khầu trừ thuế đối với lãi suất hoặc cho khấu trừ một khoản chi phí danh nghĩa đối với huy động vốn bằng cổ phiếu. Giải pháp sau có thể có một lợi ích khác là khuyến khích các ngân hàng nắm giữ nhiều hơn các khoản dự trữ vốn.
Nhưng vần đề thực sự được nhấn mạnh là tính trung lập của chính sách thuế. Nếu một chính sách thuế khuyến khích các hoạt động kinh tế này hơn các hoạt động khác thì sớm muộn gì nó cũng gây ra nhiều vấn đề. Các chính phủ không nên xây dựng chính sách thuế mang lại lợi ích cho nhóm người nộp thuế này hơn nhóm người nộp thuế khác.
Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh(ACCA) vừa công bố một nghiên cứu mang tên "Các nguyên tắc thuế: từ Adam Smith đến Barack Obama", nghiên cứu này đưa ra 12 chủ thuyết cơ bản của một hệ thống thuế tốt. Tính trung lập của hệ thống thuế là hết sức quan trọng. Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua, các nhà lãnh đạo thế giới đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc xây dựng các qui định xuyên quốc gia, học hỏi và chia sẻ lẫn nhau giữa các quốc gia để thực hiện tốt nhất các qui định. Các nhà lãnh đạo thế giới cũng nên thể hiện quyết tâm như vậy đối với chính sách thuế.
Giới thiệu - Bối cảnh
Theo báo cáo đưa ra vào tháng sáu vừa qua của IMF: Chính sách thuế ở các quốc gia đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính. Vì vậy, chính sách thuế là vô cùng quan trọng và không bao giời đóng vai trò thứ yếu trong việc phát triển kinh tế của từng quốc gia, của cả thế giới. Hiệp hội Kế toán Công chứng Vương quốc Anh (ACCA) vừa công bố một nghiên cứu mang tên "Các nguyên tắc thuế: Từ Adam Smith đến Barack Obama", nghiên cứu này đưa ra 12 chủ thuyết cơ bản cần có của một hệ thống thuế tốt.
Thuế đang trở thành một vấn đề chiến lược chủ chốt của thời đại. Trong chiến dịch tranh cử của Barack Obama, cam kết chống lại các nơi ẩn náu thuế là một trong những nhân tố chính giúp ông thành công. Trước hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng tư vừa qua, dưới áp lực chính trị mạnh mẽ, các trung tâm cất giữ tài sản tư nhân trên thế giới đã bất ngờ đưa ra nhượng bộ về việc chống lại các nơi ẩn náu thuế. Thụy Sĩ, Hồng Kông, Singapore, Luxembourg, Áo, Công quốc Liechtenstein và một số quốc gia khác đã đồng ý áp dụng các tiêu chuẩn về minh bạch thuế và trao đổi thông tin của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đây là kết quả của một cuộc vận động kéo dài cả thập kỷ của OECD.
Các chính phủ của G20 đã hoan nghênh việc nhượng bộ này. Từ lâu các chính phủ đã cáo buộc các quốc gia ẩn náu thuế đã cho phép các công ty, cá nhân cản trở thực thi luật thuế quốc gia bằng cách cất giấu tài sản vào các trung tâm cất giữ tài sản tư nhân.Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỉ trích cho rằng động thái này chưa đủ vì theo nhượng bộ này các cơ quan thuế phải cung cấp bằng chứng thuyết phục về trốn thuế mới được nhận thông tin từ các quốc gia ẩn náu thuế.
ACCA tin tưởng mạnh mẽ vào tính minh bạch và quyền của các quốc gia trong việc truy tìm các người bị nghi ngờ trốn thuế. Các tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng nhằm tăng cường tính minh bạch, vì vậy nếu các quốc gia ẩn náu thuế chỉ áp dụng theo từng câu chữ mà không theo tinh thần của các tiêu chuẩn thì việc này cũng không mang lại lợi ích gì nhiều. Tuy vậy, chính sự phát triển nhanh chóng của các chi nhánh ngân hàng ở hải ngoại của các ngân hàng lớn của Phương Tây đã thúc đẩy sự phát triển của các nơi ẩn náu thuế. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã làm lộ rõ những thất bại trong việc xây dựng, thực thi các qui định tài chính nghiêm ngặt tại các nước đã phát triển. Sự thật là nhiều quốc gia đã phát triển cũng đưa ra các nhượng bộ tương tự như các quốc gia ẩn náu thuế, chẳng hạn các ngân hàng đã thanh toán tiền lãi gộp và cung cấp các cơ chế ưu đãi thuế cho các khách hàng không cư trú giàu có, những người giàu có này mang tài sản ra nước ngoài cất giữ trong khi khai thuế tại các quốc gia nơi tài sản phát sinh. Các quốc gia đã phát triển có thể bị cáo buộc một cách hợp pháp là đã sử dụng tiêu chuẩn kép để tấn công các trung tâm tài chính ở hải ngoại, trong khi làm ngơ các hoạt động trong nước.
Trong nền kinh tế toàn cầu hoá, việc cạnh tranh về thuế nên được ủng hộ. Mặc dù Thụy Sĩ là một thành viên cuả OECD, họ vẫn không đồng ý trao đổi thông tin thuế tự động với các quốc gia khác vì họ cho rằng làm như vậy sẽ hạn chế tự do cá nhân. Trong khi đó các đảo quốc Bermuda và Barbados đã đồng ý trao đổi thông tin thuế tự động. Cũng rất quan trọng để lưu ý rằng các trung tâm này có thể đưa ra các mức thuế suất thấp vì thuế được đóng khi thu nhập phát sinh (thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp ở nước phát sinh thu nhập) và sau khi nhận được tiền (thuế trên cổ tức mà cổ đông nhận được). Các trung tâm này có vai trò như các "trạm trung chuyển" hổ trợ cho các giao thương và dòng đầu tư quốc tế. Có một số ý kiến cho rằng nhờ có sự tồn tại của các quốc gia ẩn náu thuế đã khiến các quốc gia đã phát triển phải giữ một mức thuế suất cạnh tranh.
Trong các quốc gia công nghiệp lớn, có những mong muốn chính trị xây dựng các qui định tài chính quốc tế và quốc gia nghiêm ngặt hơn để đối phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong khi đó việc thất thu thuế ở nhiều nước đã làm gia tăng áp lực đối với các quốc gia ẩn náu thuế. Việc thất thu thuế một phần do sự tụt giảm các hoạt động kinh tế, một phần do các công ty đã di chuyển trụ sở chính đến các quốc gia có mức thuế suất thấp.
Phân tích
Các vấn đề về thuế hiện nay thường có vị trí ưu tiên trong các nghị trình chính trị ở các quốc gia. Việc giải thích rõ ràng các yếu tố cần có để hình thành nên một hệ thống thuế hiệu quả và công bằng trong thế kỷ 21 là một việc làm cần thiết và cấp bách.
Khi xem xét các nguyên tắc thuế, khởi đầu với bốn tiêu chuẩn thuế nổi tiếng do Adam Smith khởi xướng là việc làm cần thiết. Adam Smith được xem là cha đẻ của lý thuyết kinh tế - chính trị hiện đại. Trong tác phẩm “ Sự thịnh vượng của các Quốc gia” (1776) ông đã quả quyết rằng: “ Tính công bằng và khả dụng hiển nhiên của các tiêu chuẩn này đáng để tất cả các Quốc gia quan tâm đến”.
I. Các đối tượng nộp thuế nên đóng góp vào ngân sách nhà nước tương ứng với khả năng của họ và tương ứng với mức độ họ thụ hưởng sự bảo vệ của Nhà nước (EQUITY – Tính cổ phần).
II. Số thuế mà mỗi cá nhân phải đóng nên chắc chắn và không được tùy tiện. Thời gian nộp thuế, phương thức nộp thuế, số thuế phải nộp nên rõ ràng và ngay thẳng đối với người nộp thuế và đối với từng người khác (CERTAINTY - Tính chắc chắn).
III. Từng loại thuế nên được đánh theo thời gian hoặc theo phương thức thuận tiện nhất cho người nộp thuế (CONVENIENCE - Tính thuận tiện).
IV.Từng loại thuế nên được thiết kế để lấy đi ít nhất túi tiền của người dân và mang lại nhiều nhất cho Ngân sách nhà nước (EFFICIENCY - Tính hiệu quả).
Vận dụng các tiêu chuẩn này vào thời đại ngày nay thì tiêu chuẩn đầu tiên mang lại nhiều tranh cãi nhất vì một số ý kiến cho rằng đánh thuế lũy tiến là đánh vào khả năng nộp thuế. Nếu dựa trên nguyên lý công bằng thì khó có thể chống lại tiêu chuẩn này và vì vậy phần lớn các hệ thống thuế hiện đại đều theo nguyên tắc này. Tuy vậy, chính sự mất bình đẳng khủng khiếp về tài sản trong thời đại của Adam Smith làm cho tiêu chuẩn này cần thiết vào thời đại ấy hơn là hiện nay, một số ý kiến cho rằng các chính sách thuế hiện nay bị ảnh hưởng quá nhiều của yếu tố chính trị hơn là giải quyết các nhu cầu thực tế của quốc gia.
Các tiêu chuẩn khác mang lại ít tranh cãi hơn. Tiêu chuẩn II sẽ hình thành nên nguyên tắc số 5 sau đây. Một hệ thống thuế phải được tất cả người trưởng thành trong xã hội biết và hiểu, nếu không hệ thống này sẽ không thể phát huy tác dụng đầy đủ. Tiêu chuẩn III thì khó mà bác bỏ được, tuy vậy trên thực tế không phải lúc nào tiêu chuẩn này cũng được áp dụng. Tiêu chuẩn IV sẽ hình thành nên nguyên tắc số 7 sau đây. Một số ý kiến cho rằng lý thuyết này của Adam Smith không phù hợp lắm với thực tế hiện nay vì các chi phí phát sinh cho bộ máy thu thuế của Nhà nước và các chi phí tư vấn, khai thuế của người nộp thuế.
Trong bối cảnh nền kinh tế và xã hội phức tạp hiện nay, việc áp dụng các chủ thuyết vào hệ thống thuế hiện đại là một việc làm rất thách thức, ngay cả đối với các nhà tư tưởng vĩ đại nhất. Không giống Adam Smith, ACCA không xem các nguyên tắc sau là các chân lý phổ quát, nhưng ACCA tin rằng nếu các chính phủ áp dụng 12 nguyên tắc này sẽ hình thành nền tảng của các hệ thống thuế hiệu quả trên khắp thế giới.
Nguyên tắc 1: Tránh thuế / lậu thuế
Chúng ta cần phân biệt rõ ràng giữa tránh thuế và trốn thuế. Tránh thuế (hay lên kế hoạch hay làm giảm thuế) là hợp pháp .Trốn thuế là bất hợp pháp. Tránh thuế là khai thác hợp pháp các cơ chế thuế để giảm khoản thuế phải nộp bằng các phương tiện trong khuôn khổ pháp luật và khai báo các thông tin trọng yếu cho cơ quan thuế. Ngược lại, lậu thuế là hoạt động ngoài pháp luật, người nộp thuế trốn các nghĩa vụ pháp lý bằng cách che giấu các khoản thu nhập qua việc không khai báo các khoản thu nhập hoặc kê khai các khoản giảm trừ không phù hợp.
Các chính phủ ngày càng cố làm mờ hai khái niệm nêu trên bằng cách sử dụng các cụm từ như " tránh thuế không được chấp nhận" sẽ không mang lại lợi ích gì. Luật thuế phải rõ ràng và chắc chắn (như nêu tại Nguyên tắc 2 và 3 sau đây) và cũng cần nhớ rằng các doanh nghiệp luôn cố làm giảm ảnh hưởng của thuế như một phần của hoạt động kinh doanh bình thường của mình. Thuế là một khoản chi phí kinh doanh như bất kỳ khoản chi phí nào khác và giám đốc các công ty có trách nhiệm được uỷ thác phải điều hành kinh doanh với cách tiết kiệm chi phí nhất.
Với suy nghĩ nêu trên, việc giảm thuế không phải là phi đạo đức. Tuy phần lớn doanh nghiệp luôn cố gắng tuân thủ pháp luật, vẫn có nhiều trường hợp âm mưu lập những kế hoạch thuế rắc rối mà những âm mưu này không phản ánh mục tiêu kinh doanh thực sự mà nhằm khai thác các kẻ hở của pháp luật và trốn tránh các tinh thần của luật. ACCA không ủng hộ các hoạt động giả tạo này, những hoạt động này cũng giống tương tự như việc tạo ra những sản phẩm tài chính cực kỳ phức tạp để né tránh các qui định trong lĩnh vực ngân hàng đã gây ra những hậu quả thảm khốc cho các ngân hàng trong thời gian qua. Những hành động như vậy có thể mang lại lợi ích tài chính ngắn hạn cho doanh nghiệp nhưng nó lại hy sinh các giá trị về lâu dài, vì vậy các hành động này cần phải được loại trừ.
Nguyên tắc 2: Tỉ lệ thuế trên GDP
Khủng hoảng kinh tế chưa có tiền lệ hiện nay buộc các chính phủ phải có những giải pháp đặc biệt để đối phó. Tuy nhiên bất kể tình hình hiện nay như thế nào ACCA tin rằng tỉ lệ thuế trên Tổng sản phẩm quốc nội - GDP phải được thể hiện càng rõ ràng càng tốt.
Trước khi cuộc khủng hoảng hiện nay xảy ra, ở các nước như Mỹ và Anh có xu hướng là thuế ngày càng tăng (Theo Báo cáo thống kê về thuế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế - OECD năm 2006). Ở các nước khác, tỉ lệ thuế trên GDP ngày càng tăng lên thông qua việc đặt ưu tiên cao hơn vào việc thắt chặt hệ thống tuân thủ thuế (Theo kết luận ngày 26.7.2005 và ngày 25.4.2005 của Tổ chức tiền tệ quốc tế - IMF).
ACCA không tham gia vào tranh luận chính trị về thế nào là một mức thuế và chi tiêu công phù hợp. Tuy vậy, việc tăng thuế quá mức sẽ làm doanh nghiệp và người dân phải gánh nặng thêm đáng kể, do đó ảnh hưởng của việc tăng thuế phải được đánh giá cụ thể trước khi áp dụng. Các đánh giá này phải được sử dụng để thách thức các đòi hỏi phải có các qui định thuế mới và để xây dựng các đánh giá chi phí một cách chính xác và kịp thời. Một khi các chính sách mới được đưa ra áp dụng, cần có các phương tiện để đo lường và đánh giá các ảnh hưởng của chúng để xem nó có phù hợp với mục tiêu chính sách công đã được công bố hay không.
Chính phủ nên hợp lý hoá và thiết lập mục tiêu về tỉ lệ thuế trên GDP, xem việc này là một bộ phận của chính sách quản lý kinh tế. Trên cơ sở mục tiêu đã thiết lập này, chính phủ tiến hành đo lường việc thực hiện mục tiêu và phân tích các lí do làm mục tiêu không đạt được.
Nguyên tắc 3: Đơn giản hoá và ổn định
ACCA tin rằng các qui định về thuế và hệ thống thuế phải càng đơn giản, càng rõ ràng để áp dụng càng tốt. Các nghiên cứu trên toàn cầu cho thấy rằng các công ty phải tiêu tốn hai tháng mỗi năm để tuân thủ các qui định về thuế - 15 ngày cho thuế thu nhập doanh nghiệp, 21 ngày cho thuế thu nhập cá nhân của nhân viên và 21 ngày cho thuế tiêu thụ (thuế GTGT, thuế bán hàng, thuế tiêu thụ đặc biệt...) (theo World Bank (2008), Đóng thuế: thời gian được ghi nhận theo giờ mỗi năm).
Số lượng văn bản quy định về thuế được giữ ở mức tối thiểu là rất cần thiết. Phần lớn luật thuế mới ra đời gần đây là các quy định về chống tránh thuế do cơ quan thuế đưa ra (theo Francis Chittenden (2008) - Triển vọng của hệ thống thuế công bằng). Các công ty nhỏ thường không có tham gia vào việc lên các kế hoạch thuế rắc rối và đơn giản là họ cố gắng tuân thủ các quy định về thuế. Thay đổi quy định về thuế nên được giữ ở mức thấp nhất, đặc biệt là các quy định đảo ngược lại các ưu đãi về thuế so với trước - vì đây là các yếu tố hình thành nền tảng của kế hoạch kinh doanh.
Nguyên tắc 4: Công khai, minh bạch và có trách nhiệm
Chính sách thuế nên minh bạch và không phân biệt đối xử trừ những chính sách phân biệt được tuyên bố rõ ràng, vi dụ chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp mới thành lập. Có những tranh luận chính trị rộng hơn về sử dụng công cụ thuế ở mức độ như thế nào để thực hiện các chính sách xã hội (ví dụ hạn chế hút thuốc bằng cách đánh thuế cao lên thuốc lá, thuế môi trường để làm giảm thiểu việc thay đổi khí hậu). ACCA cho rằng việc việc sử dụng công cụ thuế để thực hiện chính sách xã hội là quyền hợp pháp của chính phủ, tuy vậy hệ thống thuế còn nên đáp ứng các nguyên tắc khác như minh bạch, đơn giản và hiệu quả. Các chính phủ nên cảnh giác việc làm hệ thống thuế phức tạp thêm bằng các ưu đãi chắp vá đối với một vài đối tượng nộp thuế.
Thông thường các chính sách thuế được chính phủ quyết trước khi thực hiện quá trình tham vấn, vì vậy quá trình tham vấn thường được tiến hành hình thức, đại khái. Khởi nguồn của các vấn đề quan trọng của một chính sách thuế , cần có một quá trình tham vấn rõ ràng, qua đó thu thập các ý kiện cụ thể khác nhau, các ý kiến này phải được lưu giữ kể cả ý kiến bằng văn bản và không bằng văn bản.
Việc áp dụng chính sách thuế cần công khai. Cái gọi là "thuế lén lút", như việc lẳng lặng miễn giảm thuế, và các hiện tượng "trì trệ tài chính" như ngưỡng chịu thuế thu nhập cá nhân không tăng lên trong khi giá cả, thu nhập tăng lên làm người dân phải chịu các thuế suất cao hơn, như vậy là không công bằng. Việc tăng thuế phải được làm công khai và người dân phải được tham gia góp ý.
Nguyên tắc 5: Tính chắc chắn
Hệ thống thuế ở nhiều quốc gia đã bị chỉ trích là thiếu chắc chắn trong việc xác định tác động của thuế và tổ chức thu thuế. Các nhà chức trách ở Mỹ và Anh không ngăn cấm rõ ràng đối với một vài loại lên kế hoạch thuế mà những kế hoạch này nằm trong khuôn khổ pháp luật. (Ở Anh, đôi lúc việc lên kế hoạch thuế được xem là “các giao dịch đáng bị phê phán”). Các công ty sử dụng các kỹ thuật lên kế hoạch thuế hợp pháp thường phải báo cáo cho nhà chức trách và thường trở thành đối tượng bị thẩm vấn về thuế và gây ra nhiều phiền toái cho các công ty này. Thông thường các cơ quan thuế sử dụng những rào cản nhân tạo này để điều chỉnh, bổ sung cho các luật thuế khi các luật thuế này đã không xác lập rõ ràng các ranh giới cho việc lên kế hoạch thuế được chấp nhận.
Việc này là không thể chấp nhận được đối với các công ty trong việc lên kế hoạch kinh doanh và đối với những ai cần tính chắc chắn. Các người nộp thuế khác nhau luôn luôn trông chờ pháp luật thuế phải được diễn giải nhất quán. Các nhà chức trách không thể đảo lộn những tập quán lâu đời mà các doanh nghiệp đã quen thuộc, và cũng không thể thách thức những tập quán này bằng những điểm mù mờ của luật pháp như đã xảy ra ở Anh trong vụ án “chồng và vợ” (Vụ án này liên quan nhà tư vấn công nghệ thông tin Geoff Jones và vợ Dianna, họ đã thắng kiện cơ quan thuế Anh trong một vụ kiện tụng kéo dài vào năm 2007). Người nộp thuế phải có được sự chắc chắn trong việc diễn giải pháp luật của cơ quan thuế. Các nhà chức trách phải thiết lập một cơ chế phù hợp, rõ ràng đối với các qui định chống tránh thuế phức tạp.
Nguyên tắc 6: Tính cạnh tranh
Việc toàn cầu hóa trong kinh doanh đã khiến từng quốc gia phải đảm bảo mức thuế suất quốc gia mình có tính cạnh tranh so với quốc gia khác và cơ chế thuế phải thân thiện với người nộp thuế. Thuế là một nhân tố then chốt đảm bảo sự thu hút tổng thể của một quốc gia trong việc huy động vốn (từ các doanh nghiệp đến các cá nhân). Việc quan tâm đến các cơ sở tính thuế chính yếu của một quốc gia là hết sức quan trọng, tuy nhiên không nên chỉ tập trung vào thuế suất. Ví dụ, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được cắt giảm nhưng các khía cạnh khác liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp như khấu hao chi phí vốn (chẳng hạn chi phí khấu hao tài sản cố định...) không được đưa vào chi phí để xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp thì ảnh hưởng thật sự có thể là làm thuế phải nộp tăng lên.
Tuy vậy, một mức thuế suất rất thấp có thể gây nguy hiểm, bởi lẽ các quốc gia ẩn náu thuế và có hệ tống thuế khoán thấp có thể làm các quốc gia láng giềng khác khánh kiệt vì các khoản đầu tư đã bị thu hút vào các quốc gia này, và việc này làm soái mòn các sáng kiến về qui định tài chính quốc tế. Một mức thuế suất rất thấp có thể làm hệ thống thuế suy thoái hơn là làm tiến bộ và nó làm gia tăng bất bình đẳng về tài sản.
ACCA ủng hộ nguyên tắc các quốc gia tự quyết các vấn đề về thuế của quốc gia mình , miễn là nó phù hợp với bối cảnh môi trường cạnh tranh toàn cầu, nhưng các chính phủ phải cảnh giác việc cắt giảm thuế kinh doanh quyết liệt có thể gây nên các hành động trả đũa và chiến tranh thương mại.
Nguyên tắc 7: Tính hiệu quả
Các chính phủ phải xây dựng hệ thống thuế hiệu quả đáp ứng được việc bảo đảm nguồn thu và ngăn chặn trốn thuế, đồng thời ngăn chặn nền kinh tế đen phát triển. Tuy vậy hệ thống thuế phải hiệu quả đối với người nộp thuế, phù hợp với khả năng của người nộp thuế trong việc tuân thủ các qui định về thuế. Chúng ta cũng không được quên rằng ở hầu hết các nước, các doanh nghiệp nhỏ chiếm phần lớn các hoạt động kinh tế của một quốc gia, trong khi đó các qui định về thuế lại có ảnh hưởng không tương xứng đối với các doanh nghiệp nhỏ, làm cho các doanh nghiệp này phải gánh chịu chi phí tuân thủ các qui định về thuế. Có một nghiên cứu đã cho thấy các doanh nghiệp nhỏ phải gánh chịu chi phí tuân thủ trên đầu người cao gấp năm lần đối với doanh nghiệp lớn (Theo OECD (2001), Quan điểm của các doanh nghiệp về quan liêu). Và vì vậy các chính phủ cần nỗ lực nhằm tăng tính hiệu quả của hệ thống thuế. Các câu hỏi sau đây được sử dụng để đánh giá tính hiệu quả của một hệ thống thuế:
·Các doanh nghiệp được xem như một đơn vị độc lập trong việc khai thuế GTGT và các loại thuế khác chỉ phải nộp tờ khai thuế một lần cho các loại thuế?
·Người nộp thuế có phải giải trình về thuế cho nhiều cơ quan thuế ở các cấp khác nhau?
·Qui mô số lượng tờ khai thuế và số lượng các biểu mẫu mới, sửa đổi có hợp lý không?
·Người nộp thuế có thể lựa chọn khai thuế trên giấy và khai thuế điện tử không?
Nguyên tắc 8:Các qui định phải cụ thể trong từng thời kỳ
Hệ thống thuế nên có nguyên tắc xem xét lại, các qui định về thuế phải được định kỳ kiểm tra lại toàn bộ, được hợp nhất, cập nhật để các qui định được áp dụng dễ dàng. Các qui định lạc hậu phải được bãi bỏ.
Cần có cơ chế cảnh báo tích cực để đánh giá tính đúng đắn của các qui định về thuế. Tất cả các qui định về chống tránh thuế nên có các điều khoản cụ thể trong từng thời kỳ. Điều này sẽ đảm bảo rằng các qui định về chống tránh thuế được thường xuyên xem xét lại và việc áp dụng các qui định này phải được giám sát tích cực. Các chính phủ và các cơ quan thuế nên xây dựng hệ thống đo lường rõ ràng để đánh giá việc xem xét lại hệ thống thuế có phù hợp và đầy đủ hay không.
Nguyên tắc 9: Liên hệ rõ ràng từ thuế thu được đến chi tiêu tiền thuế.
Một
hệ thống thuế sẽ thiếu tính đáng tin nếu người nộp thuế không biết được vì sao họ bị đánh thuế và tiền thuế được chi tiêu như thế nào. Có một liên hệ rõ ràng từ thuế thu được đến chi tiêu tiền thuế sẽ mang lại lợi ích cho xã hội, các cá nhân và các doanh nghiệp. Các vấn đề như (thuế xanh) (thuế môi trường-XT) (xem ở nguyên tắc số 12) đã trở thành nạn nhân bị chỉ trích vì công chúng không được thuyết phục về việc chi tiêu khoản thuế này vào hoạt động cụ thể nào để bảo vệ môi trường. Mặc dù chúng ta không được thuyết phục rằng quyền được biết một sắc thuế được thu để sử dụng cụ thể vào việc gì là một thực tế, nhưng chúng ta tin tưởng mạnh mẽ rằng cần có nhiều minh bạch hơn nữa trong lĩnh vực tài chính công, tài chính công phải thể hiện rõ các dự án chi tiêu ngân sách công và việc các dự án này được tài trợ như thế nào.
Nguyên tắc 10: Tránh đánh thuế hai lần
Một nguyên tắc cần thiết của
luật thuế là một thu nhập chỉ nên chịu thuế một lần. Việc
đánh thuế một lần áp dụng cho cả thuế trực thu và thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng. Thuế giá trị gia tăng đầu vào cần được khấu trừ cho từng giai đoạn của chuỗi giao dịch và chỉ cá nhân người tiêu dùng cuối cùng là người chịu thuế giá trị gia tăng.
Đối với thuế trực thu, ở tất cả quốc gia cần phải có một cơ chế hiệu quả và có hiệu lực để thu nhập của một công ty chỉ phải chịu thuế một lần ở tại một quốc gia. Trên thực tế, có nhiều quốc gia không xem xét việc đánh thuế hai lần đối với khoản thu nhập đã bị đánh thuế ở các quốc gia khác. Việc này đã làm gia tăng gánh nặng cho việc kinh doanh đa quốc gia.
Cơ sở của hệ thống thuế quốc tế nên áp dụng nguyên tắc giá thị trường. Theo đó, cơ quan thuế xem xét các giao dịch giữa các bên có liên quan dựa vào tham khảo các giao dịch tương tự giữa các bên không có liên quan. Đây là một nguyên tắc nhạy cảm và đã được áp dụng từ lâu.
Thuế gián thu chỉ nên đánh trên
người tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên, có nhiều chính phủ thường đặt ra nhiều hạn chế hoặc kéo dài việc hoàn thuế đầu vào. Việc này đã tạo ra những chi phí không hợp lý cho
doanh nghiệp. Nếu việc hoàn thuế giá trị gia tăng không được dễ dàng thì việc đánh thuế giá trị gia tăng đối với người tiêu dùng cuối cùng sẽ không công bằng và chỉ tạo ra môi trường kinh doanh thiếu hiệu quả.
Nguyên tắc 11: Quyền của người nộp thuế
Người nộp thuế có quyền cũng như có trách nhiệm. Người nộp thuế có trách nhiệm phải nộp thuế đầy đủ và đúng hạn, vì đây là cách duy nhất để đảm bảo cho chính phủ có ngân sách để cung cấp dịch vụ công cho người dân, và về khía cạnh này thuế là một phần của khế ước xã hội của một xã hội văn minh.
Tuy vậy, có một sự bất bình đẳng to lớn về nguồn lực và sức mạnh giữa các chính phủ và
người nộp thuế. Việc này đòi hỏi nhà nước phải có trách nhiệm không được áp đặt ý chí của mình trong lĩnh vực thuế một cách tùy tiện và vô căn cứ. Từ ngày 2 tháng 10 năm 2000, Vương quốc Anh đã lồng Bộ Luật Nhân quyền Châu Âu vào Luật thuế, theo đó, người nộp thuế được trao quyền thách thức các điều khoản thuế nguy hiểm nếu họ cho rằng các điều khoản này thiếu tính ổn định hoặc gây ra cho họ sự bất bình đẳng về chi phí so với người khác. Phương pháp tiếp cận tương tự như vậy phải trở thành một chuẩn mực xuyên suốt các qui định về thuế.
Nguyên tắc 12: Thuế xanh
Như đã đề cập ở nguyên tắc 4, các chính phủ có quyền sử dụng công cụ thuế để thi hành các chính sách xã hội. ACCA tin rằng một điển hình quan trọng nhất của việc này là sử dụng công cụ thuế để thay đổi hành vi nhằm bảo vệ môi trường. Các kế toán viên nên đóng vai trò tích cực trong nỗ lực giảm thiểu thải khí carbon trên phạm vi toàn cầu. Quan niệm “chuyển dịch thuế” tức tăng thuế thải khí carbon trên việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp nên được đẩy mạnh.
Các chính phủ phải sử dụng chính sách thuế như là một công cụ để thay đổi tích cực bằng cách cung cấp ưu đãi cho việc đầu tư vào công nghệ sạch ở tất cả các ngành công nghiệp. Kết hợp việc giảm thuế và thuế xanh nên được người nộp thuế nhìn nhận như là một bước đi tích cực hơn là một nguy cơ. Các chính phủ trên khắp thế giới đã có những bước tiến quan trọng trong việc tạo ra nền kinh tế có khí thải carbon thấp (Theo Rachel Jackson (2009), Có phải nền kinh tế xanh đang đến?) và người kế toán nên đóng góp vào tiến trình này bằng cách xác định những kích thích tài chính như thế nào là mấu chốt nhất trong tiến trình này.
Tóm lại,
chính sách thuế là một công cụ kinh tế, xã hội hết sức quan trọng và nó phải được thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và các lĩnh vực kinh doanh. Tuy vậy, có một số nguyên tắc về thuế từ thời Adam Smith vẫn còn phù hợp, không suy suyễn cho đến thời đại ngày hôm nay.
Theo ACCA