• HÃY CÙNG TẠO & THẢO LUẬN CÁC CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC [Vn Kiến Thức] - Định hướng VnKienthuc.com
    -
    Mọi kiến thức & Thông tin trên VnKienthuc chỉ mang tính chất tham khảo, Diễn đàn không chịu bất kỳ trách nhiệm liên quan
    - VnKienthuc tạm khóa đăng ký tài khoản tự động để hạn chế SEO bẩn, SPAM, quảng cáo. Chưa đăng ký, KHÁCH vẫn có thể đọc và bình luận.

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Hệ thống kiến thức môn Ngữ văn 6 học kì 1 được chia làm ba phần lớn: Văn học, tiếng Việt và tập làm văn. Đối với mảng văn học chúng ta cùng ôn tập lại kiến thức về thể loại truyện (truyện truyền thuyết, truyện cổ tích và thể loại thơ (thơ lục bát). Đối với mảng tiếng Việt, chúng ta cùng nhớ lại các kiến thức về từ loại và biện pháp tu từ...

HỆ THỐNG KIẾN THỨC HỌC KÌ 1 MÔN NGỮ VĂN – LỚP 6

A. PHẦN VĂN HỌC

I. Truyện:

1.Truyện truyền thuyết và truyện cổ tích.


- Truyện truyền thuyết là loại truyện dân gian, có yếu tố hoang đường, kì ảo, kể về các sự kiện và nhân vật liên quan đến lịch sử hoặc giải thích nguồn gốc phong tục, cảnh vật địa phương theo quan niệm của nhân dân.

VD: Thánh Gióng, Sự tích Hồ Gươm, …

- Truyện cổ tích là loại truyện dân gian, thường có yếu tố hoang đường, kì ảo, kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật như: nhân vật có tài năng kì lạ, nhân vật dũng sĩ, nhân vật thông minh, nhân vật bất hạnh, nhân vật ngốc nghếch, người mang lốt vật… nhằm thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của cái thiện đối với cái ác, cái tốt đối với cái xấu, …

VD: Thạch Sanh, Sọ Dừa, …

2. Chi tiết, cốt truyện, nhân vật


- Chi tiết là những sự việc nhỏ trong văn bản, tạo nên sự sinh động của tác phẩm.
VD: Cậu bé lên ba mà vẫn không biết nói, biết cười (Thánh Gióng)

- Cốt truyện là một hệ thống sự kiện được sắp xếp theo một ý đồ nhất định nhằm thể hiện nội dung, ý nghĩa của tác phẩm.
VD: Thánh Gióng: sự ra đời kì lạ → đòi đi đánh giặc → đánh tan giặc → bay về trời.

- Nhân vật là người, con vật, đồ vật, … được miêu tả, thể hiện trong tác phẩm văn học. Đặc điểm của nhân vật thường bộc lộ qua hình dáng, cử chỉ, hoạt động, lời nói, ý nghĩa…
VD: Thánh Gióng trong Thánh Gióng; Thạch Sanh, Lý Thông trong Thạch Sanh;…

II. Thơ

1. Một số yếu tố hình thức của bài thơ


- Dòng thơ gồm các tiếng được sắp xếp thành hàng; các dòng thơ có thể giống hoặc khác nhau về độ dài, ngắn.
- Vần là phương tiện tạo tính nhạc cơ bản của thơ dựa trên sự lặp lại (hoàn toàn hoặc không hoàn toàn) phần vần của âm tiết. Vần có vị trí ở cuối dòng thơ gọi là vần chân, ở giữa dòng thơ gọi là vần lưng.
- Nhịp là những điểm ngắt hơi khi đọc một dòng thơ. Nhắp nhịp tạo ra sự hài hòa, đồng thời giúp hiểu đúng ý nghĩa của dòng thơ.

2. Thơ lục bát

- Lục bát là thể thơ truyền thống của dân tộc Việt Nam. Mỗi bài thơ ít nhất gồm hai dòng với số tiếng cố định: dòng 6 tiếng (dòng lục) và dòng 8 tiếng (dòng bát). Thơ lục bát gieo vần chân và vần lưng. Tiếng thứ sáu của dòng lục gieo vần xuống tiếng thứ sáu của dòng bát, tiếng thứ tám của dòng bát gieo vần xuống tiếng thứ sau của dòng lục tiếp theo.

VD:

Bình Định có núi Vọng Phu
Có đầm Thị Nại, có lao Xanh
Em về Bình Định cùng anh
Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa.

(Ca dao)​
- Thơ lục bát thường ngắt nhịp chẵn. Lục bát là thể thơ có sức sống mãnh liệt, mang đậm vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam.

B/ PHẦN TIẾNG VIỆT

I. Từ đơn và từ phức (từ ghép, từ láy)


- Từ đơn là từ chỉ có một tiếng.
VD: bàn, học, đẹp, …

- Từ phức là từ có hai hay nhiều tiếng.
VD: ông bà, ăn nói, hợp tác xã, sạch sành sanh,…

+ Từ ghép là từ phức có hai hay nhiều tiếng có quan hệ về nghĩa với nhau tạo thành.
VD: cha mẹ, hiền lành, hoa hồng, xanh rì,…

+ Từ láy là từ phức do hai hay nhiều tiếng có âm đầu hoặc vần (hoặc cả âm đầu và vần) giống nhau tạo thành. Các tiếng tạo thành từ láy, chỉ có một tiếng có nghĩa hoặc tất cả các tiếng đều không có nghĩa (phân biệt với từ ghép có sự trùng lặp về ngữ âm).
VD: chăm chỉ, thật thà, nho nhỏ, long lanh, …

II. Biện pháp tu từ là việc sử dụng ngôn ngữ theo một cách đặc biệt (về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, văn bản) làm cho lời văn hay hơn, đẹp hơn, nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt và tạo ấn tượng với người đọc.

Biện pháp tu từ ẩn dụ
- Ẩn dụ (so sánh ngầm) là biện pháp tu từ, theo đó, sự vật, hiện tượng này được gọi bằng tên của sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
VD:

Bàn tay mẹ chắn mưa sa
Bàn tay mẹ chặn bão qua mùa màng
→ Sử dụng hình ảnh “mưa-bão” để ngầm chỉ những khó khăn, vất vả trong cuộc đời.

C/ TẬp Làm Văn

I. Người kể ngôi thứ nhất và người kể ngôi thứ ba

- Người kể ngôi thứ nhất trong truyện hoặc kí thường xưng “tôi”, trực tiếp kể lại những gì đã chứng kiến, trải qua; trực tiếp thể hiện suy nghĩ, cảm xúc, tình cảm của mình,…
- Người kể ngôi thứ ba là người ngoài cuộc, không tham gia câu chuyện, nhưng biết hết mọi việc, vì vậy có thể kể lại một cách tự do, linh hoạt toàn bộ những gì đã diễn ra.

II. Dàn bài chung của bài văn tự sự:

1. Dàn bài của bài văn tự sự
: thường có 3 phần:
- Mở bài: giới thiệu chung về nhân vật và sự việc.
- Thân bài: kể lại diễn biến của sự việc (mở đầu, diễn biến, kết thúc)
- Kết bài: kể kết thúc của sự việc

2. Nội dung kiểu bài văn tự sự đã học:
- Kể chuyện truyền thuyết, cổ tích: Phải bám sát chủ đề, bố cục, nội dung cốt truyện, có thể lựa chọn ngôi kể, kể bằng lời văn của mình.
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên
HỆ THỐNG KIẾN THỨC MÔN NGỮ VĂN 6 - HỌC KÌ 1
TRUYỀN THUYẾT BÁNH CHƯNG, BÁNH GIẦY

Hùng Vương thứ sáu, lúc về già, muốn truyền ngôi cho con. Nhưng vì có đến hai mươi người con trai, ngôi báu lại chỉ có thể truyền cho một người, vua bèn nghĩ cách chọn

người thật xứng đáng.

Nhân dịp đầu xuân, vua họp các hoàng tử lại, bảo: “Ai trong số các con tìm được thức ăn ngon lành, để bày cỗ dâng Trời Đất, tổ tiên có ý nghĩa nhất, ta sẽ truyền ngôi cho”.

Các hoàng tử đua nhau tìm kiếm của ngon vật lạ dâng lên cho vua cha, với hi vọng

được truyền ngôi báu. Trong khi đó, người con trai thứ mười tám của vua Hùng là Lang Liêu tỏ ra rất băn khoăn, lo lắng. Lang Liêu là chàng trai hiền hậu, chăm chỉ, rất mực hiếu thảo. Nhưng chẳng may mẹ mất sớm, thiếu người chỉ vẽ nên chàng chưa biết làm món gì để tham dự cuộc thi.

Một hôm, Lang Liêu nằm mộng thấy có vị thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người, ăn mãi không chán. Con hãy lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành.”

Lang Liêu tỉnh dậy, vô cùng mừng rỡ. Theo lời thần dặn, chàng chọn gạo nếp thật dẻo thơm làm những chiếc bánh vuông vức, có nhân thịt đậu, để tượng hình Đất. Lại lấy lá xanh bọc ngoài, chẻ lạt buộc lại cẩn thận, rồi cho vào nồi lớn đổ nhiều nước, đun thật kĩ. Cũng với gạo nếp ấy, chàng đồ' xôi, giã nhuyễn, làm thành những chiếc bánh tròn trặn, xinh xắn để tượng hình Trời,...

Đến ngày hẹn, các hoàng tử đem đủ thứ của ngon vật lạ bày trên mâm cỗ mình làm để dự thi. Trong khi đó, mâm cỗ của Lang Liêu chỉ bày hai loại bánh. Vua Hùng xem lướt qua các mâm cỗ, rồi dừng lại rất lâu trước những chồng bánh của Lang Liêu, tỏ vẻ ngạc nhiên, thích thú. Vua cho gọi Lang Liêu đến, hỏi về các thứ bánh này. Chàng đem chuyện gặp thần trong mộng kể lại và giải thích về nguyên liệu, cách làm và ý nghĩa từng loại bánh.

Vua Hùng nếm thử, thấy bánh ngon và có ý nghĩa, bèn cho họp mọi người lại, truyền

rằng: “Những chiếc bánh tròn này tượng hình Trời, ta đặt tên là bánh giầy. Còn những chiếc bánh vuông tượng hình Đất, ta đặt tên là bánh chưng. Bánh có thịt mỡ, đậu xanh, lá

dong,... là tượng hình cầm thú, cây cỏ muôn loài,...; lá bọc ngoài, mĩ vị để trong là ngụ ý nhắc người ta sống thân ái, đùm bọc nhau. Lang Liêu đã dâng lễ vật rất hợp ý ta. Vậy ta truyền ngôi cho con”.

Và cũng từ đó, người dân nước ta chăm nghề trồng trọt, chăn nuôi. Mỗi khi Tết đến,

nhà nhà làm bánh chưng, bánh giầy để dâng cúng Trời Đất và tổ tiên.


(Theo Ngữ văn 6, tập một, Nguyễn Khắc Phi (TCB) Sđd)​
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên
CỔ TÍCH SỌ DỪA

Ngày xưa, có hai vợ chồng nghèo đi ở cho một nhà phủ ông. Họ hiền lành, chịu khó nhưng đã ngoài năm mươi mà vẫn chưa có con. Một hôm, trời nắng to, người vợ vào rừng hái củi cho chủ, khát nước quá mà không tìm thấy suối. Thấy cái sọ dừa bên gốc cây to đựng đầy nước mưa, bà bưng lên uống. Thế rồi, bà có mang. Chẳng bao lâu, người chồng mất. Bà sinh ra một đứa bé không chân không tay, tròn như một quả dừa. Bà buồn lắm, toan vứt đi thì đứa con bảo:
– Mẹ ơi, con là người đẩy. Mẹ đừng vứt con đi mà tội nghiệp.
Nghĩ lại, thấy thương con, bà đành để con lại nuôi và đặt tên cho nó là Sọ Dừa.
Lớn lên, Sọ Dừa vẫn không khác lúc nhỏ, cứ lăn lông lốc trong nhà, chẳng làm được việc gì. Một hôm, bà mẹ than phiền:
– Con nhà người ta bảy, tám tuổi đã đi ở chăn bò. Còn mày thì chẳng được tích sự gì.
Sọ Dừa nói:
– Gì chứ chăn bò thì con chăn cũng được. Mẹ cứ nói với phú ông cho con đến ở chăn bò.
Nghe con giục, bà mẹ đến hỏi phú ông. Phú ông ngần ngại. Cả đàn bò giao cho thằng bé không ra người không ra ngợm ấy, chăn dắt làm sao? Nhưng mà nuôi nó thì được cái ít tốn cơm, công sá chẳng là bao, hơn nuôi đứa khác nhiều. Thôi cứ thử xem!
Thế là Sọ Dừa đến ở nhà phú ông. Cậu chăn bò rất giỏi. Hằng ngày, Sọ Dừa lăn sau đàn bò ra đồng, tối đến lại lăn sau đàn bò về chuồng. Ngày nắng cũng như ngày mưa, bò con nào con nấy bụng no căng. Phú ông mừng lắm.
Ngày mùa, tôi tớ ra đồng làm cả, phú ông có ba cô con gái thay phiên nhau đưa cơm cho Sọ Dừa. Hai cô chị ác nghiệt, kiêu kì, thường hắt hủi Sọ Dừa; còn cô em út hiền lành, tính hay thương người, đối đãi với Sọ Dừa rất tử tế. Một hôm, cô út vừa mang cơm đến dưới chân đồi thì nghe tiếng sáo véo von. Cô lấy làm lạ, rón rén bước lên, nấp sau bụi cây rình xem, thì thấy một chàng trai khôi ngô đang ngồi trên chiếc võng đào mắc vào hai cành cây, thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ. Có tiếng động, chàng trai biến mất, chỉ thấy Sọ Dừa nằm lăn lóc ở đấy. Nhiều lần như thế, cô gái biết Sọ Dừa không phải người phàm trần. Cô đem lòng yêu, có của ngon vật lạ đều giấu đem cho chàng. Cuối mùa ở, Sọ Dừa về giục mẹ đến hỏi con gái phú ông làm vợ. Bà mẹ hết sức sửng sốt, nhưng thấy con năn nỉ cũng chiều lòng, đành kiếm buồng cau mang đến nhà phú ông. Phú ông cười mỉa:
- Ừ, được! Muốn hỏi con gái ta, hãy về sắm đủ một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm đem sang đây.
Bà mẹ về nói với Sọ Dừa, nghĩ là con thôi hẳn việc đòi lấy vợ. Không ngờ Sọ Dừa bảo với mẹ rằng sẽ có đủ những thứ ấy. Đúng ngày hẹn, bà mẹ vô cùng ngạc nhiên vì trong nhà tự nhiên có bao nhiêu là sính lễ. Lại có cả chục gia nhân ở dưới nhà chạy lên khiêng lễ vật sang nhà phú ông. Phú ông hoa cả mắt. Lão lúng túng nói với bà cụ:
– Để ta hỏi con gái ta, xem có đứa nào ưng lấy thằng Sọ Dừa không đã.
Lão gọi ba con gái ra, hỏi lần lượt từng người một. Hai cô chị bĩu môi, chê bai. Còn cô út e lệ, cúi mặt xuống, tỏ ý bằng lòng. Phú ông đành phải nhận lễ và gả cô con gái út cho Sọ Dừa.
Ngày cưới, trong nhà Sọ Dừa cỗ bàn thật linh đình, gia nhân chạy ra chạy vào tấp nập.Đúng lúc rước dâu, không ai thấy Sọ Dừa đâu cả. Bỗng một chàng trai khôi ngô tuấn tú cùng cô út của phú ông từ phòng cô dâu đi ra. Mọi người đều sửng sốt, mừng rỡ. Còn hai cô chị vợ của Sọ Dừa thì vừa tiếc, vừa ghen tức.

Hai vợ chồng Sọ Dừa ở với nhau rất hạnh phúc. Không những thế, Sọ Dừa còn tỏ ra thông minh khác thường, ngày đêm miệt mài đèn sách, chờ khoa thi. Năm ấy, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên. Chẳng bao lâu, có chiếu nhà vua sai quan trạng đi sứ. Khi chia tay, quan trạng đưa cho vợ một hòn đá lửa, một con dao và hai quả trứng gà, dặn phải giắt luôn trong người phòng khi dùng đến.

Từ ngày cô em út lấy được chồng trạng nguyên, hai cô chị càng sinh lòng ghen ghét, định tâm hại em để thay em làm bà trạng. Nhân quan trạng đi sứ vắng, hai cô chị sang chơi, rủ em chèo thuyền ra biển, rồi đẩy em xuống nước. Một con cá kình nuốt chửng cô vào bụng. Sẵn có con dao, cô em đâm chết cá, xác cá nổi lềnh bềnh trên mặt biển, rồi dạt vào một hòn đảo. Cô lại lấy dao khoét bụng cá chui ra, lấy hai hòn đá cọ mạnh vào nhau, bật lửa lên, rồi xẻo thịt cá nướng ăn, sống qua ngày, chờ có thuyền đi qua thì gọi vào cứu. Hai quả trứng cũng nở thành một đôi gà đẹp, làm bạn với cô giữa cảnh đảo hoang vắng. Một hôm, có thuyền cắm cờ đuôi nheo lướt qua đảo. Con gà trống nhìn thấy, gáy to ba lần:
Ò...ó...o...
Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về.
Quan trạng cho thuyền vào xem. Vợ chồng gặp nhau, mừng mừng tủi tủi. Về nhà, quan trạng mở tiệc mừng, mời bà con đến chia vui, nhưng lại giấu vợ trong buồng không cho ra mắt. Hai cô chị không hay biết gì hết, khấp khởi mừng thầm, chắc mẩm chuyến này được thay em làm bà trạng. Hai cô chị tranh nhau kể chuyện cô em rủi ro rồi khóc
nức nở ra chiều thương tiếc lắm. Quan trạng không nói gì. Tiệc xong, quan trọng cho gọi vợ ra. Hai người chị xấu hổ quá, lẻn ra về lúc nào không ai hay và từ đó bỏ đi biệt xứ.

(Theo Ngữ văn 6, tập một, Nguyễn Khắc Phi (TCB) Sđd)​
 

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Thơ lục bát

TRUYỆN CỔ NƯỚC MÌNH


Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
Ở hiền thì lại gặp hiền
Người ngay thì gặp người tiên độ trì
Mang theo truyện cổ tôi đi
Nghe trong cuộc sống thầm thì tiếng xưa
Vàng cơn nắng, trắng cơn mưa
Con sông chảy có rặng dừa nghiêng soi
Đời cha ông với đời tôi
Như con sông với chân trời đã xa
Chỉ còn truyện cổ thiết tha
Cho tôi nhận mặt ông cha của mình
Rất công bằng, rất thông minh
Vừa độ lượng lại đa tình, đa mang.
Thị thơm thì giấu người thơm
Chăm làm thì được áo cơm cửa nhà
Đẽo cày theo ý người ta
Sẽ thành khúc gỗ chẳng ra việc gì
Tôi nghe truyện cổ thầm thì
Lời cha ông dạy cũng vì đời sau.
Đậm đà cái tích trầu cau
Miếng trầu đỏ thắm nặng sâu tình người.
Sẽ đi qua cuộc đời tôi
Bấy nhiêu thời nữa chuyển dời xa xôi.
Nhưng bao truyện cổ trên đời
Vẫn luôn mới mẻ rạng ngời lương tâm.

(Lâm Thị Mỹ Dạ, Tuyển tập, NXN Hội Nhà văn, Hà Nội, 2011)​
 
CHAT
  1. No shouts have been posted yet.

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top