• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Chia Sẻ Hệ thống hòa ước Vecxai (1919-1921)

Trang Dimple

New member
Xu
38

Hai tháng sau khi chiến tranh kết thúc, ngày 18 - 1 - 1919 các nước thắng trận đã họp Hội nghị hoà bình tại Vécxai (ngoại ô thủ đô Pari của Pháp). Tham dự hội nghị có đại biểu của 27 nước thắng trận. Năm cường quốc tham gia điều khiển hội nghị là Mỹ, Anh, Pháp, Italia và Nhật Bản, nhưng thực sự nắm quyền quyết định hội nghị là Tổng thống Mĩ Uynxơn (Wilson), Thủ tướng Anh Lôi Giooc (Lloyd George) và Thủ tướng Pháp Clêmăngxô (Clemenceau). Đại biểu của các nước bại trận cũng có mặt để kí vào các hoà ước do các nước thắng trận quyết định. Hội nghị Vécxai kéo dài gần 2 năm và diễn ra hết sức gay go, quyết liệt vì các nước cường quốc thắng trận đều có những mưu đồ tham vọng riêng trong việc phân chia quyền lợi và thiết lập trật tự thế giới sau chiến tranh. Là nước đăng cai hội nghị, Pháp mong muốn làm suy kiệt hoàn toàn nước Đức cả về quân sự và kinh tế, nhằm đảm bảo an ninh và địa vị bá chủ của Pháp ở lục địa châu Âu. Nhưng Anh và nhất là Mĩ lại chủ trương phải duy trì một nước Đức tương đối mạnh để đối phó với phong trào cách mạng đang lê n cao ở các nước châu Âu và âm mưu bá chủ châu Âu của Pháp. Đó là chính sách “cân bằng lực lượng” ở châu Âu mà Mĩ rất ủng hộ.

Ngay từ đầu năm 1918, một năm trước khi chiến tranh kết thúc, Tổng thống Mĩ Uynxơn đã đưa ra Chương trình 14 điểm nhằm lập lại hoà bình và tổ chức lại thế giới sau chiến tranh theo quan điểm của Mĩ. Với những lời lẽ bóng bảy, bề ngoài đề cao hoà bình, dân chủ, Chương trình 14 điểm thể hiện mưu đồ xác lập địa vị bá chủ thế giới của Mĩ, làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh Anh, Pháp và Nhật Bản, tạo cơ hội để Mĩ vượt khỏi sự biệt lập của châu Mĩ, vươn ra bên ngoài bằng sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng chính trị chứ không phải bằng con đường bành trướng lãnh thổ như các cường quốc khác. Chương trình 14 điểm của Uynxơn được các nước coi là nguyên tắc để thảo luận tại Hội nghị Véc xai.

Các nước Italia, Nhật Bản cũng đưa ra những tham vọng của họ. Nhật Bản đòi được thay thế Đức nắm chủ quyền bán đảo Sơn Đông của Trung Quốc, dự định chiếm vùng viễn Đông của nước Nga Xô Viết, mở rộng ảnh hưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Italia muốn mở rộng lãnh thổ xuống vùng Địa Trung Hải và vùng Bancăng. Các nước nhỏ như Ba Lan và Rumani cũng có những yêu cầu mở rộng lãnh thổ của mình.


Sau gần nửa năm tranh cãi với 3 lần có nguy cơ tan vỡ vì bất đồng gay gắt về quyền lợi, cuối cùng các văn kiện của Hội nghị Vécxai được kí kết.


a. Sự thành lập Hội Quốc liên (League of Nations).

Một trong những vấn đề cơ bản đầu trên được các nước tham dự Hội nghị Vécxai nhất trí là việc thành lập Hội Quốc liên. Công ước thành lập Hội quốc liên là văn kiện đầu tiên được kí kết cùng với Hiến chương của Hội. Theo đó, mục đích của Hội Quốc liên là “khuyến khích sự hợp tác quốc tế, thực hiện nền hoà bình và an ninh thế giới”, và để thực hiện mục đích đó người ta đề ra một số nguyên tắc như: không dùng chiến tranh trong quan hệ giữa các nước, quan hệ quốc tế phải rành mạch và dựa trên đạo lí, phải thi hành những cam kết quốc tế...

Ngày 10 - 1 - 1920, Hội Quốc liên chính thức thành lập với 44 nước kí vào công ước sáng lập, Hội quốc liên có 3 tổ chức chính: Đại hội đồng (gồm tất cả các nước thành viên, họp mỗi năm một lần vào tháng 9), Hội đồng thường trực (gồm 5 uỷ viên các cường quốc Anh, Pháp, Mĩ, Nhật, Italia - sau đó còn lại 4 vì Mĩ không tham gia, và một số uỷ viên có kì hạn, họp mỗi năm ba lần), Ban thư ký thường trực như một nội các làm việc hành chính thường xuyên. Các cơ quan chuyên môn của Hội Quốc liên gồm có Toà án quốc tế (có trụ sở thường trực ở La Hay) và các tổ chức khác như: Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Tổ chức sức khoẻ (HO), uỷ ban người tị nạn (HCR) ...

Nội dung hoạt động do Hội Quốc liên đề ra là giám sát việc giải trừ quân bị, tôn trọng và bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị, giải quyết các tranh chấp quốc tế, thực hiện “chế độ uỷ trị” đối với một số lãnh thổ “chưa đủ điều kiện tự quản”... Nước nào vi phạm công ước, gây chiến tranh sẽ bị xem là gây chiến với toàn thể hội viên và sẽ bị trừng phạt dưới hai hình thức: bằng biện pháp kinh tế và tài chính (do tất cả các nước hội viên bắt buộc phải thi hành) và bằng những biện pháp quân sự. Sự ra đời của Hội Quốc Liên, một tổ chức chính trị mang tính quốc tế đầu tiên, đã đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ quốc tế thế kỷ XX.

Về danh nghĩa, Hội Quốc Liên trở thành một tổ chức giám sát trật tự quốc tế mới, nhằm ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ hoà bình thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế, những hoạt động của Hội quốc Liên là nhằm duy trì trật tự thế giới mới do các cường quốc chiến thắng áp đặt tại Hội nghị Vécxai. Với "chế độ uỷ trị", Anh, Pháp đã chia nhau hầu hết các thuộc địa của Đức và lã nh thổ của đế quốc Thổ Nhĩ Kì. Các biện pháp về giải trừ quân bị và sự trừng phạt chỉ mang ý nghĩa hình thức vì Hội Quốc liên không có sức mạnh thực tế để thực thi các quyết định của mình. Để Hội Quốc Liên có thể trở thành một công cụ có hiệu quả, tổ chức này phải có ý chí chính trị thống nhất và có khả năng quân sự cần thiết. Những sự kiện diễn ra sau này sẽ cho thấy sự bất lực của Hội Quốc Liên trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế. Hội Quốc Liên được thành lập theo sáng kiến của Tổng thống Mĩ Uynxơn nhưng Mĩ từ chối không tham gia do những tham vọng của Mĩ đã không được thực hiện trong Hội nghị Vécxai. Điều đó cũng là một nhân tố ảnh hưởng đến uy tín và sức mạnh của tổ chức này.



b. Hoà ước Vécxai với Đức.

Hoà ước Vécxai với Đức kí ngày 28 - 6 - 1919, văn kiện quan trọng nhất của hệ thống hoà ước Vécxai, đã quyết định số phận của nước Đức. Hoà ước khẳng định nước Đức bại trận phải chịu trách nhiệm về “tội ác gây chiến tranh”, do đó phải trả lại cho Pháp hai tỉnh Andat và Loren (Alsace-Lorraine); nhường cho Bỉ khu Ơpen Manmơđi (Eupen Malmedy) và Môrêxnet (Moresnet); cắt cho Ba Lan vùng Pômêrani ( Pomerania) và một “hành lang chạy ra biển”; cắt cho Đan Mạch vùng Bắc Sơlexvít (Slesvig) ... Thành phố cảng Đăngdích (Dantzig nay là Gơđanxcơ, Ba Lan) và đảo Hengôlan sẽ do Hội quốc liên quản trị. Hạt Xarơ (Sarre) của Đức cũng giao cho Hội Quốc liên quản trị trong thời hạn 15 năm, các mỏ than ở đây thuộc về Pháp. Sau thời hạn này sẽ tiến hành trưng cầu ý dân để quyết dịnh hạt Xarơ sẽ thuộc về nước nào (sau cuộc trưng cầu ý dân năm 1935, hạt Xarơ đã thuộc về nước Đức). Đồng thời toàn bộ hệ thống thuộc địa của Đức đều trở thành đất uỷ trị của Hội Quốc liên và được giao cho các cường quốc Anh, Pháp, Nhật, Bỉ... quản lí .

picture2_500_03.jpg


Nước Đức còn bị hạn chế vũ trang đến mức thấp nhất: chỉ được giữ lại 100.000 bộ binh với vũ khí thông thường, không có không quân, không có hạm đội tầu ngầm và thiết giáp hạm. Vùng tả ngạn sông Ranh (gần biên giới Pháp) và 3 đầu cầu vùng hữu ngạn sẽ do quân đội Đồng minh đóng trong vòng 15 năm và rút dần quân nếu Đức thi hành hoà ước. Vùng hữu ngạn sông Ranh với chiều rộng 50 km sẽ trở thành khu phi quân sự. Nước Đức còn phải bồi thường chiến tranh cho các nước thắng trận số tiền (do Hội nghị Luân đôn th áng 4 - 1921 qui đinh) là 132 tỉ Mác vàng, trong đó trả cho Pháp: 52% Anh 22%, Italia: 10%, Bỉ: 8%... Với hoà ước này, nước Đức mất 1/8 đất đai, gần 1/12 dân số, 1/3 mỏ sắt, gần 1/3 mỏ than, 2/5 sản lượng gang, gần 1/3 sản lượng thép và gần 1/7 diện tích trồng trọt. Toàn bộ gánh nặng của hoà ước Vécxai đè lên vai nhân dân Đức. Tuy thế, hoà ước Vécxai không thủ tiêu được tiềm lực kinh tế chiến tranh của Đức. Sau này, với sự trợ giúp của Mĩ, Anh, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, nước Đức đã khôi phục và trở thành một lò lửa chiến tranh nguy hiểm nhất ở châu Âu trong thập niên 30.

c. Các hoà ước khác.

Cùng với hoà ước Vécxai kí với Đức, những hoà ước khác cũng lần lượt kí kết với các nước bại trận trong hai năm 1919 - 1920.

+Với hoà ước Xanh Giéc manh (Saint - Germain) kí với áo ngày 10 - 9 -1919

+ Hoà ước Trianông (Trianon) kí với Hunggari ngày 4-6-1920, đế quốc Áo - Hung trước kia không còn nữa mà bị tách thành hai nước nhỏ: Áo chỉ còn 6,5 triệu dân với diện tích 84.000 km2, Hunggari cũng mất 1/3 lãnh thổ trước kia, chỉ còn lại 92.000km2 với 8 triệu dân. Mỗi nước chỉ được quyền có khoảng 30.000 quân và phải bồi thường chiến phí. trên lãnh thổ của đế quốc áo - Hung cũ đã thành lập hai quốc gia mới là Tiệp Khắc và Nam Tư. Một số nước được mở rộng thêm đất đai từ lãnh thổ của đế quốc Áo - Hung: Rumani được thêm vùng Bucôvina (Bukovine và Tơranxinvani (Transylvanie), Italia được thêm vùng Tơrentin và Itxtria (Trentin - Istrie), Ba Lan cũng được thành lập với vùng Galixia thuộc Áo và các vùng đất khác thuộc Đức và Nga. Ở bán đảo Ban căng, số phận hai nước thua trận là Bungari và đế quốc Ốttôman cũng được quyết định.
Treaty_of_trianon_negotiations.jpg




Cảnh kí kết hoà ước Trianông (Trianon)
800px-Österreich-Ungarns_Ende.png

Hungary trước và sau Hoà ước Trianon


+Với hoà ước Nơiy (Neuilly) kí với Bungari ngày 27-11-1919, lãnh thổ Bungari bị thu hẹp lại so với trước kia do phải cắt một số đất đai ở biên giới phía Tây cho Nam Tư, cắt vùng Thơraxơ (Thrace) cho Hi Lạp (do vậy bị mất cảng Đêđêaghát (Dédéagatch) và lối ra biển Êgiê (Egée) và cắt tỉnh Đôbrútgia (Dobroudja) cho Rumani. Ngoài ra, Bungari phải bồi thường chiến phí là 2,25 tỉ phơ răng, phải nộp cho các nước láng giềng trong phe chiến thắng (Nam Tư, Hi lạp, Rumani) 37.000 gia súc lớn, 33.000 gia súc nhỏ, đồng thời phải hạn chế lực lượng vũ trang xuống còn không quá 20.000 người.

Bulgaria_after_Treatry_of_Neuilly-sur-Seine.png


Bản đồ Bulgaria sau Hòa ước Neuilly

+Hoà ước Xevrơ (Sevres) với thổ Nhĩ Kì kí ngày 11 - 8 - 1920 đã chính thức xoá bỏ sự tồn tại của đế quốc Ốttôman. Xiri, Libăng, Palextin và Irắc tách khỏi thổ Nhĩ Kì và đặt dưới quyền “bảo hộ” của Anh và Pháp. Ai cập chịu sự “bảo hộ” của Anh, bán đảo Aráp được coi là thuộc “phạm vi thế lực” của Anh. Phần đất châu Âu của Thổ Nhĩ Kì phải cắt cho Hi Lạp (trừ Ixtambun và vùng ngoại ô). Các eo biển của Thổ Nhĩ Kì được đặt dưới quyền kiểm soát của một uỷ ban gồm các đại biểu của Anh, Pháp, Italia, Nhật Bản. Toàn bộ những hoà ước nói trên hợp thành Hệ thống hoà ước Vécxai. Đây là văn bản chính thức đầu tiên xác định việc phân chia thế giới của chủ nghĩa đế quốc. Trật tự mới này đem lại lợi ích cho các cường quốc thắng trận, nhất là Anh. Anh chẳng những mở rộng hệ thống thuộc địa đồng thời quyền bá chủ mặt biển vẫn được giữ vững. Pháp và Nhật cũng giành được khá nhiều quyền lợi.
picture1_500_03.jpg


Tuy nhiên, những điều khoản khắt khe của Hệ thống hoà ước Vécxai đối với các nước chiến bại, nhất là Đức, trên thực tế chẳng những đã không thể thực hiện được mà còn làm tăng thêm tâm lý phục thù của các nước này. Đó là mâu thuẫn nảy sinh ngay từ khi hệ thống này mới được hình thành. Đồng thời, tham vọng lãnh đạo thế giới của giới cầm quyền Mĩ cũng chưa được thực hiện. Chính vì thế các nước đế quốc đã phải tiếp tục giải quyết những bất đồng về quyền lợi tại một hội nghị tiếp theo ở Oasinhtơn.

 
Sửa lần cuối:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top