Hệ thống biểu tượng trong "biên niên ký chim vặn dây cót"

vanchuong83

New member
Xu
0
HỆ THỐNG BIỂU TƯỢNG TRONG "BIÊN NIÊN KÝ CHIM VẶN DÂY CÓT"
1. Cảm thức biểu tượng hóa trong tư duy tiểu thuyết huyền ảo đã tạo nên một thế giới biểu tượng hết sức đậm đặc và sinh động trong “Biên niên ký chim vặn dây cót”. Hệ thống biểu tượng trong tác phẩm khá đa dạng từ vật thể đến con người, đó hoàn toàn có thể là một kiểu trò chơi biểu tượng của Murakami.

Hầu hết các thông điệp, các ý nghĩa tầng ngầm cũng như các phương thức nghệ thuật đều có mối quan hệ mật thiết với biểu tượng, thông qua biểu tượng để khám phá tác phẩm. Và quả thực, đây không phải là một tác phẩm dễ giải mã khi mà trong nó ngồn ngộn hệ thống ký hiệu quy ước của cá nhân - những biểu tượng của tác giả.

2. Biên niên ký chim vặn dây cót được bắt đầu bằng sự biến mất của con mèo Wataya Noburu, đó là dấu hiệu của sự tan vỡ hay một sự biến đổi quan trọng, đúng lúc đó Kumiko đã biến mất sau sự ra đi của con mèo - đó là sự ra đi theo tiếng gọi bầy đàn như con mèo của cô. Con mèo là biểu tượng của sự tan vỡ và thay đổi dòng chảy.

Chiếc giếng cạn ở Nội Mông cũng như chiếc giếng trong căn nhà hoang là hai biểu tượng có mối quan hệ với nhau: một bên là điểm đến của sự mặc khải, một bên là điểm bắt đầu của sự tìm kiếm mặc khải. Nó đồng thời là một biểu tượng của sự vô cảm, của hành động tuyệt giao với thế giới bên ngoài, đó là sự phủ nhận niềm tin của tư duy vào đời sống hiện thực ngoài kia: “Nó toát lên một cái gì đó có thể gọi là 'sự vô cảm tuyệt đối'. Có cảm giác như chỉ cần ta rời mắt khỏi khung cảnh này, lập tức những vật vô tri sẽ càng vô tri hơn nữa” [tr.80]. Xuống giếng với Toru Okada là hành trình tìm kiếm chân lý và đúng như Honda đã nói: “Hễ đi lên thì phải chọn ngọn tháp cao nhất mà trèo lên đỉnh. Hễ đã đi xuống thì hãy tìm cái giếng sâu nhất mà chui xuống đáy” [tr.64]. Con người ta chỉ có thể tìm được chân lý khi đã đến được với đỉnh cao tuyệt đối để quan sát hay đến tận cùng của khổ đau để chiêm nghiệm, chẳng dễ gì đạt đến đốn ngộ khi sống ở giữa lưng chừng.

Cuộc sống của những con người hiện đại trong Biên niên ký chim vặn dây cót là một cuộc sống lưng chừng như thế, họ bị bó hẹp trong khoảng không gian tù túng, chật hẹp của xã hội tựa như ngôi nhà hoang, như cái ngõ cụt mà Toru Okada đi tìm kiếm con mèo. Đó là một không gian thiếu sức sống, bị bỏ quên giữa dòng đời ồn ào, náo nhiệt - một sự lãng quên chua xót: “Nó vẫn đứng nguyên đấy, lặng ngắt như mọi khi. Trên nền trời xám trĩu nặng, căn nhà hai tầng với những cánh cửa đóng im ỉm trồi lên đen thẫm…” [tr.72]. Con người hiện đại cũng đang bị lãng quên như thế, họ cũng đang lãng quên người khác như thế, và cuối cùng số phận của họ cũng như cái tượng chim không tâm hồn, bất động trong ngôi nhà hoang ấy mà thôi.

Tất cả họ cần những ánh sáng mặc khải như thứ ánh sáng huyền nhiệm của mặt trời Nội Mông nhưng dễ gì có được với họ, nó đã trở thành quá khứ, nó không còn tồn tại ở hiện tại. Vậy nên cái biểu tượng của sự cứu rỗi ấy cũng trở nên xa vời đối với những con người đang bị kìm kẹp trong dục vọng của đời mình.

Dấu hiệu duy nhất của sự mặc khải hiện tại nằm trong vết nám trên khuôn mặt của Toru Okada. Dường như đó là sự đánh dấu của lịch sử trên gương mặt của người được lựa chọn - anh được lựa chọn để cứu rỗi con người ra khỏi những đày đọa của chính họ. Và quả thực anh đã làm được điều mà người ta trông đợi mặc dù tưởng chừng anh đã phải bỏ cả mạng sống của mình, đó là biểu hiện cao đẹp của những con người dấn thân: “…Và trong khi làm vậy, anh cũng đã cứu được nhiều người. Nhưng bản thân mình thì anh lại không cứu được. Anh đã dốc cạn sức mình, đem cả tính mạng mình ra để cứu người khác. Hạt giống của anh thảy đã gieo chỗ khác hết rồi, giờ túi anh rỗng không…” [tr.687].

Quả thực nếu viên bác sĩ thú y là tiền kiếp của Toru Okada thì chính anh chứ không phải người đàn ông kia đã thực hiện được thiên sứ của mình, có thể viên bác sĩ ý thức được sự vần chuyển của thế giới nhưng không đủ sức để vần xoay nó: “Từ khi còn trẻ anh đã có một nhận thức minh bạch kỳ lạ rằng: “Ta với tư cách cá nhân, đang sống dưới sự kiểm soát của một thế lực ở bên ngoài ta”. Đây hẳn vì vết bầm màu xanh dương sống động trên má phải của anh” [tr.592]. Còn Toru Okada với sự dấn thân của mình, anh đã chiến đấu để chống lại cái trật tự cuồng loạn của hiện thực để cứu người vợ mình, cứu thêm nhiều người khác, để cái dòng chảy bị ngăn trở trở nên khai thông.

Vấn đề là họ cần một thứ công cụ để khai thông, xét cho cùng, ngoài vết bầm trên mặt thì cây gậy bóng chày có mối quan hệ mật thiết với Toru Okada và viên bác sĩ hơn cả. Nếu trong thời điểm trước đó, cây gậy bóng chày là thứ vũ khí mà toán lính Nhật hành quyết cậu thanh niên người Mãn Châu Quốc thì sau này, nó là cây gậy để giải quyết cuộc đời của Wataya Noburu. Trước đó nó dùng để đánh vào đầu kẻ thù và viên bác sĩ thú y cũng bị kéo vào lòng cái chết. Sau này nó cũng được dùng để đánh vào kẻ thù nhưng không phải là thứ kẻ thù ngoại bang mà là đồng quốc với chính mình. Hẳn đó là một kết cục đau xót cho tội ác hay là một thứ thông điệp về quy luật nhân quả: tội ác không có biên giới và mọi tội ác đều phải trả giá.
3. Trong tác phẩm này, Murakami đã sáng tạo ra một hình tượng -biểu tượng độc đáo, xuyên suốt toàn tác phẩm, nó cũng chính là điểm sáng thẩm mỹ của tác phẩm: biểu tượng chim vặn dây cót. Nó hoàn toàn là một loài chim tưởng tượng, không hề tồn tại trên thế gian, nó chỉ tồn tại trong phạm vi cái ác và chỉ một vài người trong nhân loại nghe được. Tiếng kêu “quick… quick…” của nó chỉ vang lên với cậu bé trong đêm, với hai người lính trong vườn thú Tân Kinh và với Toru Okada. Nghe được âm thanh của chim vặn dây cót cũng là nghe tiếng gọi của tử thần. Hai người lính trong vườn thú năm nào đều bỏ mạng ở Siberia, một người bị đập toác sọ, một người chết đói, cậu bé trong đêm mất đi giọng nói của mình theo tiếng kêu của con chim kỳ lạ, Toru Okada thì suýt mất mạng. Tiếng chim vặn dây cót chỉ vang lên trong những thời khắc quyết định khi mà cái ác sắp thành hình, khi mà con người đang rõ ràng trượt khỏi quỹ đạo của tính thiện. Đó là tiếng kêu của ý thức để lay động những cơn vô thức tập thể đang cuồng điên trong thế giới loài người. Tiếng kêu ấy trở thành biểu tượng của sự cảnh báo để con người lập lại cân bằng cho chính mình và cho xã hội đồng thời nó cũng là tiếng thúc giục con người đi tìm chân lý, xóa bỏ đi “lời nguyền” mà chim vặn dây cót đem đến. Nó là biểu tượng của sự cứu rỗi. “Tiếng hót của chim vặn giây cót trở thành biểu tượng sự thức tỉnh những xúc cảm mãnh liệt và sự trưởng thành về bản ngã của con người trong đời sống hiện đại. Đó chính là ý nghĩa của hình tượng chim giây cót xuyên suốt cuốn tiểu thuyết lớn của Haruki Murakami.

4. Trò chơi biểu tượng còn được Murakami biểu tượng hóa trong từng nhân vật, mỗi nhân vật là một biểu tượng - trước hết là biểu tượng cho chính mình. Trong thế giới nhân vật ấy, có những con người biểu tượng cho quyền lực, cho nhục dục như Wataya Noburu, có những con người biểu tượng cho nỗi nhục quá khứ như Mamiya… Mỗi người trong số họ đều chứa những mâu thuẫn nhất định. Kumiko vừa muốn đi theo tiếng gọi của dục vọng nhưng lại từ chối giữ lại cái thai của mình, chắc chắn đó phải là đứa con của vợ chồng cô nhưng cô lo sợ những phẩm chất của mình sẽ trỗi dậy trong cái hình hài bé nhỏ kia, đó là một hành động đoạn tuyệt với cái ác. Người nghệ sĩ mang hộp đàn guitar đi truyền tải thông điệp đồng cảm đến người khác nhưng đồng thời lại tấn công Toru Okada - biểu hiện trái ngược với những gì anh đã nói, nhưng rất có thể đó là hành động để thức tỉnh cơn mê ngủ của Toru Okada - một cách thức tỉnh đầy bạo lực… Những mâu thuẫn ấy nằm trong bản chất của sự vận động và phát triển của đời sống xã hội. Thế giới của Biên niên ký chim vặn dây cót đầy rẫy những vô thức cá nhân và vô thức cộng đồng đang trỗi dậy. Nó đòi hỏi sự phá vỡ trật tự một cách không khoan nhượng để lấy lại cái phần ý thức người mà mỗi một cá nhân đang tìm kiếm. Sự mâu thuẫn là động lực để tồn tại và phát triển của con người hiện đại.
5. Hệ thống biểu tượng của Biên niên ký chim vặn dây cót đa dạng và phức tạp, nó trải dài trên các bình diện không gian, thời gian, nhân vật đến cấu trúc, kết cấu. Từ ngôi nhà hoang, giếng cạn, ánh sáng mặc khải, khách sạn mơ… đến quá khứ, lịch sử hay Toru Okada, Kasahara May, Kumiko, Wataya Noburu… Chúng đã tạo nên một thế giới biểu tượng nhiều màu sắc kết hợp trong những cấu trúc truyện kể độc đáo đã góp phần chuyển tải những thông điệp sâu sắc của Haruki Murakami đến với người đọc.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top